BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2503/2002/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN “QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BỆNH VIỆN LAO VÀ BỆNH PHỔI” TRỰC THUỘC SỞ Y TẾ TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 68/CP ngày 11/10/1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 01/1998/NĐ-CP ngày 03/01/1998 của Chính phủ về hệ thống tổ chức y tế địa phương và Thông tư liên tịch số 02/1998/TTLT- BYT-BTCCBCP ngày 27/6/1998 của liên Bộ Y tế - Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 01/1998/NĐ-CP ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ trưởng Vụ Điều trị - Bộ Y tế.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của bệnh viện Lao và Bệnh phổi trực thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.”
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ trưởng Vụ Điều trị - Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
QUI ĐỊNH
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BỆNH VIỆN LAO VÀ BỆNH PHỔI TRỰC THUỘC SỞ Y TẾ TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2503/2002/QĐ- BYT ngày 01 tháng 7năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
I. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG.
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi trực thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh) là đơn vị sự nghiệp y tế, trực thuộc Sở Y tế, có chức năng khám và điều trị bệnh nhân Lao và Bệnh phổi trên địa bàn tỉnh.
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh là đơn vị có tư cách pháp nhân, có trụ sở riêng, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước.
II. NHIỆM VỤ:
1. Khám chữa bệnh.
a. Thực hiện khám, điều trị nội trú và ngoại trú cho những người mắc bệnh Lao và Bệnh phổi trên địa bàn tỉnh;
b. Tiếp nhận mọi trường hợp cấp cứu, bệnh nặng, bệnh phức tạp do người bệnh tự đến hoặc do các cơ sở y tế có liên quan chuyển đến;
c. Tham gia khám giám định sức khoẻ và giám định y pháp khi được Hội đồng Giám định Y khoa hoặc cơ quan bảo vệ luật pháp trưng cầu trong chuyên ngành Lao và Bệnh phổi;
2. Chỉ đạo tuyến.
a. Xây dựng kế hoạch công tác phòng chống Lao và Bệnh phổi cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, trình Giám đốc Sở Y tế và tổ chức triển khai thực hiện sau khi kế hoạch được phê duyệt;
b. Thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, thường xuyên kiểm tra các hoạt
động phòng chống Lao và Bệnh phổi của tuyến dưới, kể cả y tế ngoài công lập; thực hiện sơ kết và tổng kết theo định kỳ; chỉ đạo y tế cơ sở thực hiện chương trình chống Lao và Bệnh phổi tại cộng đồng;
3. Phòng bệnh và Giáo dục Truyền thông.
a. Tổ chức tuyên truyền giáo dục sức khoẻ về chuyên ngành Lao và Bệnh phổi tại cộng đồng;
b. Phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khoẻ xây dựng kế hoạch, nội dung để tham gia với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức phòng, chống Lao và Bệnh phổi cho nhân dân trong tỉnh;
4. Đào tạo cán bộ.
a. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi là cơ sở thực hành cho công tác giảng dạy chuyên khoa,
b. Tham gia đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ chuyên khoa Lao và Bệnh phổi ở các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh;
5. Nghiên cứu khoa học.
a. Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng các tiến bộ khoa học thuộc lĩnh vực chuyên khoa Lao và Bệnh phổi ở cấp cơ sở,
b. Nghiên cứu dịch tễ học thuộc lĩnh vực chuyên khoa để phục vụ công tác phòng chống Lao và Bệnh phổi tại cộng đồng;
6. Hợp tác quốc tế.
Hợp tác về chuyên môn, kỹ thuật với các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật;
7. Quản lý kinh tế.
a. Có kế hoạch sử dụng các nguồn lực, kinh phí đạt hiệu quả,
b. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về thu chi ngân sách, thanh quyết toán kịp thời đúng quy định của pháp luật,
c. Tạo nguồn kinh phí từ các dịch vụ y tế: Viện phí, Bảo hiểm y tế, đầu tư nước ngoài và các tổ chức khác;
III. TỔ CHỨC BỘ MÁY.
1. Tổ chức:
a. Lãnh đạo.
Giám đốc và 01 đến 02 Phó Giám đốc giúp việc.
b. Các Phòng chức năng.
Bệnh viện dưới 100 giường nội trú:
- Phòng Kế hoạch tổng hợp - Chỉ đạo tuyến,
- Phòng Y tá (điều dưỡng)
- Phòng Tổ chức - Hành chính,
- Phòng Tài chính - Kế toán.
Bệnh viện từ 100 giường nội trú trở lên:
- Phòng Kế hoạch tổng hợp
- Phòng Chỉ đạo tuyến,
- Phòng Y tá (điều dưỡng)
- Phòng Tổ chức - Hành chính,
- Phòng Tài chính - Kế toán.
c. Các khoa. Tuỳ theo điều kiện, quy mô và đặc điểm của các địa phương, có thể bố trí các khoa như sau:
- Khoa Khám bệnh - Hồi sức cấp cứu,
- Khoa Lao phổi,
- Khoa Lao ngoài phổi,
- Khoa Lao - HIV - Kháng thuốc,
- Khoa Bệnh phổi,
- Khoa Dược- Vật tư y tế,
- Khoa Cận lâm sàng (xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng hô hấp),
- Khoa Chống nhiễm khuẩn,
- Khoa Dinh dưỡng,
- Khoa Phục hồi chức năng, Vật lý trị liệu và Y học cổ truyền.
2. Nhiệm vụ của các khoa, phòng.
Chức năng, nhiệm vụ của các khoa, phòng thực hiện theo “Quy chế bệnh viện” ban hành kèm theo Quyết định số 1895/BYT-QĐ ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Đồng thời thực hiện các quy định của một sơ sở khám chữa bệnh truyền nhiễm.
3.1. Quy định chung.
a. Có đủ điều kiện, phương tiện khử khuẩn, bảo hộ để chống mầm bệnh lây lan qua đường hô hấp và ô nhiễm môi trường,
b. Quy định đặt ống nhổ có nắp, có lót sát khuẩn,
c. Hướng dẫn người bệnh ho, khạc, nhổ đúng nơi quy định,
d. Cán bộ trong bệnh viện được định kỳ kiểm tra sức khoẻ.
3.2. Quy định cụ thể.
Thực hiện quy chế chung của cơ sở khám chữa bệnh truyền nhiễm, ngoài ra còn phải thực hiện công tác đặc thù của bệnh Lao và Bệnh phổi.
a. Khoa Khám bệnh.
- Đảm bảo các điều kiện phòng chống lây lan mầm bệnh qua đường hô hấp tại khoa khám bệnh,
- Khai thác kỹ tiền sử bệnh Lao và Bệnh phổi, các yếu tố dịch tễ trong gia đình và cộng đồng, kết hợp với các phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng thích hợp; khi phát hiện người bệnh có trực khuẩn Lao dương tính, người bệnh đang ở trong tình trạng cấp cứu khẩn trương làm thủ tục cho vào viện; khi phát hiện nhiều người mắc bệnh Lao trong cùng một khu vực có tính chất dịch tễ phải báo cáo ngay cho lãnh đạo để thông báo theo quy định,
- Hàng ngày thanh khử trùng các dụng cụ y tế thông thường, phương tiện vận chuyển bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn, thu gom các ống nhổ đựng đờm, chất thải theo quy chế chống nhiễm khuẩn bệnh viện và quy chế quản lý chất thải y tế.
b. Khoa điều trị Lao.
- Điều trị cho người mắc Lao theo đúng quy định; hướng dẫn bệnh nhân giữ gìn sức khoẻ tiếp tục điều trị đúng liều, đều đặn, đủ thời gian và tự giác phòng chống lây lan mầm bệnh tại gia đình và cộng đồng; chống lây chéo trong khoa,
- Có đồ dùng, bát đũa riêng cho người bệnh; nhắc nhở cán bộ trong khoa và hướng dẫn người bệnh tự giác thực hiện quy chế chống nhiễm khuẩn bệnh viện, bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh,
- Hàng ngày lau sàn nhà bằng khăn ẩm có sát khuẩn theo quy định; cọ rửa, tẩy uế buồng vệ sinh, thu gom chất thải theo quy chế quản lý chất thải y tế; hàng tuần tổng vệ sinh khoa,
c. Khoa Lao - HIV - Kháng thuốc.
Thực hiện như khoa điều trị Lao và một số quy định sau:
- Phải có buồng bệnh riêng cho từng bệnh nhân trong giai đoạn cuối,
- Đờm, chất tiết của bệnh nhân phải được xử lý theo quy định chống nhiễm khuẩn và quy chế quản lý chất thải y tế,
- Nhân viên y tế khi tiếp xúc với bệnh nhân phải thực hiện nghiêm ngặt chế độ bảo hộ, phải đi ủng và đeo găng tay,
- Hướng dẫn cho người bệnh thực hiện phòng chống lây lan trong bệnh viện và cộng đồng.
d. Phòng chỉ đạo tuyến.
- Xây dựng kế hoạch về chỉ đạo tuyến hàng năm trình lãnh đạo bệnh viện phê duyệt,
- Kiểm tra giám sát thường kỳ các hoạt động về bệnh Lao và Bệnh phổi của tuyến dưới, thông báo kịp thời các sai sót về chuyên môn, kỹ thuật,
- Tổ chức các lớp đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật tại bệnh viện và tại cơ sở,
- Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, hướng dẫn và phối hợp với tuyến dưới làm công tác nghiên cứu khoa học,
- Xây dựng bản đồ dịch tễ về bệnh Lao và Bệnh phổi tại địa phương mình quản lý,
- Sơ kết và tổng kết theo định kỳ.
3. Định mức lao động.
Theo quy định hiện hành của Nhà nước.
IV. KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG.
1. Từ nguồn ngân sách sự nghiệp y tế.
2. Từ nguồn viện phí, bảo hiểm y tế,
3. Từ nguồn ngân sách của chương trình mục tiêu quốc gia.
4. Từ nguồn tài trợ quốc tế.
V. MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC.
1. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
2. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi chịu sự quản lý và chỉ đạo về chuyên môn, kỹ thuật của Bộ Y tế (Vụ Điều trị, Viện Lao và Bệnh phổi);
3. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi có mối quan hệ phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Y tế và các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Bệnh viện;
4. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực Lao và Bệnh phổi tại cộng đồng đối với các đơn vị trực thuộc Sở Y tế (các đơn vị y tế tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế huyện) và Trạm y tế xã.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.