BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2495/QĐ-TCHQ | Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY TRÌNH THẨM ĐỊNH, CÔNG NHẬN, GIA HẠN VÀ QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP ƯU TIÊN THEO QUY ĐỊNH TẠI THÔNG TƯ 63/2011/TT-BTC
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH10 ngày 29/6/2006;
Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật Hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14/6/2005 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/6/2001;
Căn cứ Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 15/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Thông tư số 63/2011/TT-BTC ngày 13/5/2011 của Bộ Tài chính quy định áp dụng thí điểm chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp đủ điều kiện;
Căn cứ Thông tư số 105/2011/TT-BTC ngày 12/7/2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 63/2011/TT-BTC ngày 13/5/2011 của Bộ Tài chính quy định áp dụng thí điểm chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp đủ điều kiện;
Căn cứ Quyết định số 1203/QĐ-TCHQ ngày 24/6/2011, Quyết định số 1426/QĐ-TCHQ ngày 11/8/2011 và Quyết định số 2689/QĐ-TCHQ ngày 14/12/2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định thành lập Hội đồng thẩm định điều kiện doanh nghiệp ưu tiên;
Căn cứ Quyết định số 2546/QĐ-TCHQ ngày 28/11/2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định về việc thành lập Tổ quản lý doanh nghiệp ưu tiên thuộc Phòng Kiểm tra thực hiện chính sách thương mại - Cục Kiểm tra sau thông quan;
Xét đề nghị của Cục Kiểm tra sau thông quan,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy trình thẩm định, công nhận, gia hạn và quản lý doanh nghiệp ưu tiên theo quy định tại Thông tư số 63/2011/TT-BTC ngày 13/5/2011 và Thông tư số 105/2011/TT-BTC ngày 12/7/2011 của Bộ Tài chính.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07 tháng 11 năm 2012.
Điều 3. Các thành viên của Hội đồng thẩm định doanh nghiệp ưu tiên theo Quyết định số 2689/QĐ-TCHQ ngày 14/12/2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Tổ Quản lý doanh nghiệp ưu tiên theo Quyết định số 2546/QĐ-TCHQ ngày 28/11/2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên và các doanh nghiệp có nhu cầu được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên theo quy định tại Thông tư số 63/2011/TT-BTC ngày 13/5/2011 và Thông tư số 105/2011/TT-BTC ngày 12/7/2011 của Bộ Tài chính có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
QUY TRÌNH
THẨM ĐỊNH, CÔNG NHẬN, GIA HẠN VÀ QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP ƯU TIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2495 ngày 07/11/2012 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)
Quy trình này quy định trình tự các bước thẩm định, công nhận, gia hạn và quản lý doanh nghiệp ưu tiên (dưới đây gọi tắt là DNƯT) theo quy định tại Thông tư 63/2011/TT-BTC ngày 13/5/2011 quy định về việc áp dụng thí điểm chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp đủ điều kiện (Thông tư 63) và Thông tư 105/2011/TT-BTC ngày 12/7/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 63 (Thông tư 105).
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng áp dụng: Các thành viên của Hội đồng thẩm định điều kiện doanh nghiệp ưu tiên (gọi tắt là Hội đồng thẩm định), Tổ Quản lý doanh nghiệp ưu tiên (gọi tắt là Tổ Quản lý DNƯT) thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp ưu tiên mở tờ khai hải quan và nơi doanh nghiệp có trụ sở chính; các doanh nghiệp ưu tiên, các doanh nghiệp có nhu cầu áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
2. Phạm vi điều chỉnh: Quy trình này hướng dẫn thủ tục, trình tự thực hiện các bước xử lý đơn đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên của doanh nghiệp, các bước thẩm định, công nhận, tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi Quyết định công nhận doanh nghiệp ưu tiên, các bước đánh giá lại, gia hạn và quản lý doanh nghiệp ưu tiên.
II. THẨM ĐỊNH, CÔNG NHẬN DNƯT
Bước 1. Hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên
- Tổ Quản lý DNƯT - Cục Kiểm tra sau thông quan là đầu mối tiếp nhận Đơn đề nghị được áp dụng chế độ ưu tiên của doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư 63.
- Hồ sơ gửi kèm theo Đơn đề nghị, gồm:
(1) Báo cáo tài chính 3 năm gần nhất;
(2) Báo cáo tình hình chấp hành pháp luật 3 năm gần nhất;
(3) Báo cáo tình hình, tự đánh giá, phân tích hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thống kê số liệu xuất khẩu, nhập khẩu 3 năm gần nhất;
(4) Báo cáo kiểm toán, Kết luận thanh tra gần nhất;
(5) Tóm tắt thông tin cá nhân về Lãnh đạo công ty (Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc đại diện theo pháp luật của công ty, Tổng giám đốc, Kế toán trưởng), cán bộ quản lý xuất nhập khẩu;
(6) Bản tự phân tích, đánh giá hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính của công ty;
(7) Bản đánh giá khả năng kiểm soát nội bộ;
(8) Bản tự đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật của Đại lý hải quan (nếu có) về các công việc liên quan đến thủ tục hải quan theo thỏa thuận với doanh nghiệp.
- Tổ Quản lý DNƯT kiểm tra Đơn đề nghị và hồ sơ của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 4 đến Điều 9 và Điều 11 Thông tư 63, Điều 1, Điều 2 Thông tư 105. Nếu hồ sơ chưa đáp ứng được điều kiện quy định, Tổ Quản lý DNƯT trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định có văn bản trả lời doanh nghiệp, trong đó nêu rõ điều kiện chưa đáp ứng.
Trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Điều 4 đến Điều 9 và Điều 11 Thông tư 63, Tổ Quản lý DNƯT trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định có văn bản trả lời doanh nghiệp và thực hiện thẩm định.
Thời gian kiểm tra hồ sơ của doanh nghiệp đến khi trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định trả lời doanh nghiệp là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Đơn đề nghị và hồ sơ của doanh nghiệp.
Bước 2. Thẩm định các điều kiện của doanh nghiệp
Thời gian thẩm định là 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ. Trường hợp doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn, cần làm rõ thêm một số nội dung thẩm định, Tổ Quản lý DNƯT trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định xem xét gia hạn thời gian thẩm định, thời gian gia hạn thêm không quá 45 ngày làm việc.
Các bước thẩm định gồm:
2.1. Thẩm định hồ sơ
Bước này do Tổ quản lý DNƯT thực hiện. Thời gian thẩm định hồ sơ là 15 ngày làm việc, bao gồm các công việc sau:
- Căn cứ hồ sơ, đơn đề nghị của doanh nghiệp và Điều 3 Thông tư 63 xác định loại doanh nghiệp ưu tiên (nếu được công nhận) của doanh nghiệp;
- Phân tích đánh giá hồ sơ của doanh nghiệp: Căn cứ các quy định cụ thể tại Điều 4 đến Điều 9 Thông tư 63 về kim ngạch, số lần vi phạm, hành vi vi phạm, mức độ vi phạm của doanh nghiệp. Sử dụng các chỉ tiêu tài chính để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh.
- Thu thập, tổng hợp, phân tích dữ liệu về doanh nghiệp trên chương trình cơ sở dữ liệu của ngành (chương trình cơ sở dữ liệu STQ01) về kim ngạch và vi phạm của doanh nghiệp. Đối chiếu dữ liệu thu thập, phân tích được với hồ sơ doanh nghiệp cung cấp, nếu có chênh lệch, sai khác, đề nghị doanh nghiệp giải trình, làm rõ.
- Gửi văn bản tới Cục Hải quan các tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp có trụ sở chính và nơi doanh nghiệp mở tờ khai đề nghị báo cáo số liệu về hoạt động xuất khẩu nhập khẩu, vi phạm (nếu có thì báo cáo rõ số lần, hành vi, mức độ) và đánh giá về tình hình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp tại địa bàn quản lý.
- Căn cứ báo cáo của các đơn vị, giải trình của doanh nghiệp, Tổ Quản lý DNƯT thống nhất số liệu cuối cùng với doanh nghiệp.
- Gửi công văn xin ý kiến các cơ quan liên quan: Cục Thuế, Sở kế hoạch đầu tư hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp, Chi cục quản lý thị trường xin ý kiến về lĩnh vực quản lý chuyên môn. Riêng về cá nhân Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và kế toán trưởng có công văn đề nghị cơ quan công an (Công an tỉnh nơi cá nhân đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc Cục Xuất nhập cảnh nếu cá nhân là người nước ngoài) đánh giá quá trình tuân thủ pháp luật.
- Trường hợp thẩm định trên hồ sơ đã đủ căn cứ để đánh giá theo các điều kiện quy định tại Thông tư 63 và Thông tư 105 thì chuyển tiếp Bước 4 Phần II của Quy trình này.
2.2. Thẩm định tại doanh nghiệp
- Trường hợp các báo cáo kiểm toán, báo cáo tài chính, kết luận của thanh tra … chưa đủ, rõ, tin cậy (chưa đủ rõ để đánh giá doanh nghiệp theo các điều kiện quy định tại Thông tư 63 và Thông tư 105), thì phải tiến hành kiểm tra sau thông quan tại doanh nghiệp.
- Tổ Quản lý DNƯT trình Lãnh đạo Tổng cục Hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan tại doanh nghiệp hoặc chỉ đạo Cục Hải quan quản lý địa bàn nơi doanh nghiệp có trụ sở chính thực hiện kiểm tra sau thông quan tại trụ sở đoanh nghiệp (thời gian kiểm tra là 15 ngày làm việc, nếu cần thiết, đề xuất xin gia hạn, nhưng không quá 15 ngày làm việc) và lập báo cáo đánh giá doanh nghiệp gửi Tổ Quản lý DNƯT.
- Kiểm tra sau thông quan phải làm rõ và báo cáo các nội dung sau:
+ Đánh giá tính tuân thủ pháp luật hải quan của doanh nghiệp theo quy định về kiểm tra sau thông quan;
+ Đặc trưng hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp: mặt hàng, xuất xứ, đối tác thương mại, loại hình xuất khẩu, nhập khẩu, tần suất làm thủ tục;
+ Quá trình tuân thủ pháp luật của Đại lý hải quan (nếu có) về các công việc liên quan đến thủ tục hải quan theo thỏa thuận với doanh nghiệp (nếu có);
+ Khả năng rủi ro trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp (nếu có);
+ Thống nhất mã số hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp trên cơ sở Danh mục mã HS hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do doanh nghiệp tự lập.
+ Đưa ra các khuyến nghị để doanh nghiệp nâng cao tính tuân thủ pháp luật (nếu có).
Bước 3: Thẩm định mã số hàng hóa
- Tổ quản lý DNƯT chuyển danh mục mã số hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thống nhất giữa Cục Hải quan địa phương và doanh nghiệp cho Cục Thuế xuất nhập khẩu (Cục Thuế XNK) để thẩm định mã HS.
- Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày Cục Thuế XNK nhận đầy đủ hồ sơ, Cục Thuế XNK có xác nhận vào bản danh mục mã số hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu (do doanh nghiệp lập đã được Cục Hải quan địa phương thẩm định).
- Trường hợp danh mục hàng hóa lớn cần thêm thời gian thẩm định thì Cục Thuế XNK đề xuất Chủ tịch Hội đồng thẩm định gia hạn. Thời gian gia hạn thêm không quá 10 ngày làm việc.
- Trường hợp chưa thống nhất đối với mã số mặt hàng nào hoặc phải xin ý kiến hội đồng tư vấn về phân loại thì thông báo cho Cục Hải quan địa phương và doanh nghiệp biết và có thông báo chính thức khi có kết quả của hội đồng.
Bước 4: Báo cáo tổng hợp
- Trên cơ sở phân tích thông tin hồ sơ, tài liệu do doanh nghiệp cung cấp, báo cáo của Cục Hải quan địa phương, thông tin từ các cơ quan liên quan, Tổ Quản lý DNƯT khảo sát, tham vấn tại trụ sở doanh nghiệp (trừ trường hợp Cục KTSTQ trực tiếp kiểm tra sau thông quan tại doanh nghiệp). Thời gian khảo sát tối đa là 05 ngày làm việc.
Nội dung khảo sát: Đánh giá quy trình kiểm soát nội bộ, cơ chế đảm bảo sự tuân thủ pháp luật, cơ sở vật chất (kho tàng bến bãi, cơ sở vận tải, lưu trữ ...), cơ sở hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin của doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát: Nếu phát hiện những bất cập, kẽ hở trong quản lý liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và năng lực tuân thủ pháp luật hải quan của doanh nghiệp thì đưa ra khuyến nghị để doanh nghiệp có biện pháp cải tiến, điều chỉnh. Doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp cải tiến, điều chỉnh này trước khi hoàn tất thủ tục công nhận DNƯT.
- Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc khảo sát (nếu có) Tổ Quản lý DNƯT lập báo cáo tổng hợp, trong đó nêu rõ kiến nghị, đề xuất. Báo cáo này được gửi các Ủy viên Hội đồng để đánh giá, nhận xét, đề xuất quản lý doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ được phân công và trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định để triệu tập họp Hội đồng thẩm định, cụ thể:
(i) Cục Giám sát quản lý đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp khi làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp và đại lý hải quan mà doanh nghiệp đang thuê (nếu có);
(ii) Cục Thuế XNK đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; thống nhất mã số các mặt hàng doanh nghiệp đã xuất khẩu, nhập khẩu;
(iii) Ban QLRR trên cơ sở tổng hợp, phân tích thông tin về sự tuân thủ pháp luật, đánh giá mức độ rủi ro của doanh nghiệp đang được xét công nhận là doanh nghiệp ưu tiên và đại lý làm thủ tục hải quan mà doanh nghiệp này đang thuê (nếu có);
(iv) Cục CNTT&TK đánh giá về điều kiện kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp qua các năm; đánh giá về điều kiện thực hiện thủ tục hải quan điện tử của doanh nghiệp;
(v) Thanh tra Tổng cục đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp qua kết quả thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có);
(vi) Pháp chế đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp qua kết quả xử lý vi phạm pháp luật của doanh nghiệp;
(vii) Cục Điều tra chống buôn lậu trên cơ sở hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp đang được xét công nhận là doanh nghiệp ưu tiên;
(viii) Cục HQ tỉnh, thành phố quản lý địa bàn nơi doanh nghiệp có trụ sở chính tổ chức thẩm định điều kiện thực tế trong đó có điều kiện thực hiện thủ tục hải quan điện tử, đánh giá tuân thủ pháp luật hải quan trên địa bàn;
(ix) Cục KTSTQ là thường trực Hội đồng, điều phối mọi hoạt động về thực hiện quy định chế độ DNƯT.
- Các Ủy viên Hội đồng thẩm định nghiên cứu báo cáo tổng hợp để chuẩn bị ý kiến tham gia tại cuộc họp thẩm định.
Bước 5: Họp Hội đồng thẩm định
Hội đồng thẩm định làm việc theo nguyên tắc biểu quyết để quyết định việc công nhận chế độ ưu tiên cho doanh nghiệp bao gồm các bước:
- Tổ Quản lý DNƯT trình Chủ tịch Hội đồng ký thông báo triệu tập các Ủy viên Hội đồng thẩm định, thông báo triệu tập phải được gửi cho các Ủy viên Hội đồng và doanh nghiệp trước 5 ngày làm việc tính đến ngày họp dự kiến.
- Kết thúc cuộc họp, Tổ Quản lý DNƯT lập Bản kết luận trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định ký, trong đó ghi đầy đủ những nội dung trao đổi, kết quả biểu quyết và các kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định, theo đó có các trường hợp:
+ Nếu Hội đồng thẩm định kết luận đồng ý công nhận doanh nghiệp là DNƯT, thực hiện Bước 6;
+ Nếu Hội đồng thẩm định kết luận đồng ý công nhận doanh nghiệp là DNƯT nhưng phải bổ sung hồ sơ hoặc làm rõ một số vấn đề thì Tổ Quản lý DNƯT căn cứ biên bản họp Hội đồng thẩm định triển khai thực hiện các công việc cần thiết để hoàn chỉnh bản báo cáo thẩm định đối với doanh nghiệp, trình Chủ tịch Hội đồng, thực hiện Bước 6;
+ Nếu Hội đồng thẩm định kết luận không đồng ý, Tổ Quản lý DNƯT trình Chủ tịch Hội đồng trả lời doanh nghiệp;
+ Nếu Hội đồng thẩm định chưa kết luận được thì thực hiện lại Bước 4, Bước 5.
Bước 6: Ký Bản ghi nhớ (MOU)
- Nếu doanh nghiệp được Hội đồng thẩm định đồng ý công nhận DNƯT, trong thời gian 05 ngày làm việc, Tổ Quản lý DNƯT có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp hoàn thiện bản ghi nhớ (MOU), gửi xin ý kiến của các Ủy viên Hội đồng thẩm định.
- Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản dự thảo MOU, các Ủy viên Hội đồng thẩm định có trách nhiệm tham gia bản ghi nhớ và phản hồi lại để Tổ Quản lý DNƯT tổng hợp.
- Trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được các ý kiến tham gia từ các Ủy viên Hội đồng, Tổ Quản lý DNƯT có trách nhiệm tổng hợp, trình Chủ tịch Hội đồng bản MOU để xem xét, phê duyệt. Việc tiếp thu ý kiến hoặc không tiếp thu ý kiến của các Ủy viên, doanh nghiệp, phải có phân tích và trình kèm.
Bước 7: Ký Quyết định
Ngay sau khi nội dung MOU được phê duyệt, Tổ Quản lý DNƯT trình Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành quyết định công nhận doanh nghiệp ưu tiên. Thời hạn ban hành quyết định công nhận doanh nghiệp ưu tiên không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc thẩm định.
Nội dung của Quyết định công nhận DNƯT: ngoài các nội dung theo mẫu tại Thông tư 63, ghi thêm nơi nhận là các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đã tham gia đánh giá, nhận xét doanh nghiệp để biết và phối hợp quản lý.
Tài liệu trình bao gồm:
- Bản ghi nhớ (MOU);
- Bản kết luận của Hội đồng thẩm định;
- Tờ trình của Tổ Quản lý DNƯT có phê duyệt của Chủ tịch Hội đồng thẩm định;
- Bản báo cáo hoàn thiện về doanh nghiệp;
- Hồ sơ hoàn thiện của doanh nghiệp.
- Trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định ký văn bản thông báo Quyết định công nhận DNƯT đối với doanh nghiệp tới các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan quy định tại Mục 4 Phần V Quy trình này để phối hợp quản lý.
Bước 8: Tổ chức trao quyết định công nhận DNƯT
Tùy theo chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục tại các thời điểm cụ thể, Tổ Quản lý DNƯT đề xuất chương trình trao quyết định với quy mô phù hợp.
III. GIA HẠN DOANH NGHIỆP ƯU TIÊN
Bước 1. Doanh nghiệp nộp đơn đề nghị gia hạn
Chậm nhất trong vòng 60 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng chế độ DNƯT, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp đơn đề nghị đánh giá lại, gia hạn việc áp dụng chế độ DNƯT (1 bộ gửi Cục Hải quan địa phương quản lý địa bàn nơi doanh nghiệp có trụ sở chính, 1 bộ gửi Tổ Quản lý doanh nghiệp ưu tiên - Cục Kiểm tra sau thông quan - Tổng cục Hải quan). Hồ sơ đề nghị đánh giá lại, gia hạn gồm:
- Đơn đề nghị đánh giá lại, gia hạn việc áp dụng chế độ DNƯT;
- Bản tự đánh giá, gồm các nội dung:
+ Báo cáo tình hình hoạt động, số liệu xuất khẩu, nhập khẩu (Tổng số tờ khai, tổng số kim ngạch) kể từ khi được công nhận là DNƯT;
+ Tình hình chấp hành pháp luật hải quan, pháp luật thuế. Trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan thì báo cáo rõ số lần bị xử phạt, mô tả hành vi vi phạm, mức xử phạt, đơn vị xử phạt;
+ Đánh giá tình hình chấp hành pháp luật hải quan của Đại lý hải quan (nếu có) về các công việc liên quan đến thủ tục hải quan theo thỏa thuận với doanh nghiệp;
+ Đánh giá hệ thống, cơ chế kiểm soát nội bộ, tiêu chí đảm bảo và không đảm bảo khả năng tuân thủ pháp luật;
+ Đánh giá tình hình tài chính, tình hình thực hiện các chế độ kế toán, kiểm toán theo quy định của pháp luật;
+ Báo cáo tự đánh giá việc thường xuyên tự kiểm tra, phát hiện, khắc phục sai sót; khả năng sẵn sàng làm rõ những vấn đề liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp theo yêu cầu của cơ quan hải quan; tình hình thực hiện các báo cáo, trách nhiệm theo quy định;
+ Báo cáo tình hình thực hiện các khuyến nghị của cơ quan hải quan (nếu có);
- Báo cáo kiểm toán, Kết luận thanh tra gần nhất (nếu có).
Bước 2. Cơ quan Hải quan thẩm định
- Thời gian thẩm định lại để gia hạn áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên không quá 45 ngày làm việc.
- Kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ doanh nghiệp đề nghị đánh giá, gia hạn, Cục Hải quan quản lý địa bàn nơi doanh nghiệp có trụ sở chính tiến hành kiểm tra sau thông quan tại doanh nghiệp theo yêu cầu tại Điểm 2.2 Bước 2 Phần II nêu trên.
Riêng về mã số hàng hóa: Thống nhất tiếp đối với hàng hóa mới (không thuộc danh mục mã số hàng hóa đã thống nhất với cơ quan hải quan) doanh nghiệp muốn xuất khẩu, nhập khẩu và thống nhất lại đối với hàng hóa cũ (đã được thống nhất mã số hàng hóa với cơ quan hải quan) có sai sót, thay đổi về mã số cần điều chỉnh lại.
- Tổng cục Hải quan thực hiện thẩm định lại theo các bước như quy định tại Bước 3, Bước 4, Bước 5 Phần II nêu trên.
Bước 3. Quyết định gia hạn áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên
- Nếu doanh nghiệp không được chấp nhận gia hạn chế độ DNƯT, Tổ Quản lý DNƯT trình Chủ tịch Hội đồng trả lời doanh nghiệp.
- Nếu doanh nghiệp được chấp nhận gia hạn, Tổ Quản lý DNƯT tổng hợp, lập báo cáo trình Tổng cục trưởng ban hành Quyết định gia hạn (Quyết định gia hạn phải gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đã tham gia đánh giá, nhận xét doanh nghiệp). Thời hạn ban hành quyết định gia hạn áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc thẩm định. Tài liệu trình bao gồm:
- Bản kết luận của Hội đồng thẩm định;
- Tờ trình của Tổ Quản lý DNƯT có phê duyệt của Chủ tịch Hội đồng thẩm định;
- Bản báo cáo đánh giá lại về doanh nghiệp;
- Trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định ký văn bản thông báo Quyết định gia hạn DNƯT đối với doanh nghiệp tới các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan quy định tại Mục 4 Phần V Quy trình này để phối hợp quản lý.
IV. TẠM ĐÌNH CHỈ, ĐÌNH CHỈ ÁP ĐỤNG CHẾ ĐỘ DOANH NGHIỆP ƯU TIÊN
1. Tạm đình chỉ áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên
- Căn cứ Khoản 1.2 Điều 23 Thông tư 63, các báo cáo của Cục Hải quan địa phương, thông tin vi phạm thu thập từ dữ liệu ngành, nếu doanh nghiệp khai sai tên hàng, mã số hàng hóa, số lượng, trọng lượng, trị giá, xuất xứ ... hàng hóa dẫn đến khai sai về thuế (giảm số thuế phải nộp, tăng số thuế được hoàn, làm phát sinh hoặc tăng số thuế được miễn) từ 50 triệu đồng trở lên, Tổ Quản lý DNƯT trình Chủ tịch Hội đồng ban hành Quyết định tạm đình chỉ áp dụng chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp. Thời hạn tạm đình chỉ tối đa là 60 ngày.
- Tổ Quản lý DNƯT phối hợp với Cục Hải quan địa phương quản lý địa bàn nơi doanh nghiệp có trụ sở chính và cơ quan phụ trách lĩnh vực doanh nghiệp có sai phạm làm rõ hành vi vi phạm của doanh nghiệp và đề xuất biện pháp xử lý.
- Trên cơ sở báo cáo đánh giá vi phạm của cơ quan hải quan, doanh nghiệp có văn bản chấp nhận hay không các khuyến nghị của cơ quan hải quan, biện pháp cải tiến, cách thức thực hiện các khuyến nghị.
- Sau khi tổng hợp, phân tích, xem xét báo cáo của Hải quan địa phương và văn bản của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp vẫn đáp ứng điều kiện chế độ doanh nghiệp ưu tiên hoặc sau khi các cơ quan chức năng liên quan đánh giá hành vi vi phạm của doanh nghiệp (không liên quan trực tiếp đến hàng hóa, ví dụ: thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp ...) vẫn đáp ứng điều kiện tuân thủ pháp luật theo quy định tại Thông tư 63 và Thông tư 105, Tổ Quản lý DNƯT đề xuất Chủ tịch Hội đồng thẩm định trình Tổng cục trưởng ban hành Quyết định hủy Quyết định tạm đình chỉ.
2. Đình chỉ áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên
Trường hợp, doanh nghiệp không còn đáp ứng các điều kiện về doanh nghiệp ưu tiên theo quy định tại Thông tư 63 và Thông tư 105, Tổ Quản lý DNƯT đề xuất Chủ tịch Hội đồng thẩm định trình Tổng cục trưởng ban hành Quyết định đình chỉ áp dụng chế độ DNƯT.
V. QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP ƯU TIÊN
1. Cục Hải quan tỉnh, thành phố
1.1. Cục Hải quan quản lý địa bàn nơi doanh nghiệp ưu tiên có trụ sở chính
- Tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu: cử cán bộ chuyên quản thuộc Đội thủ tục. Cán bộ này theo dõi hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng ngày của doanh nghiệp để phát hiện các sai sót, những dấu hiệu bất thường trong khai báo của doanh nghiệp, đánh giá tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Hàng tuần, báo cáo tình hình doanh nghiệp ưu tiên, khuyến nghị (nếu có) đối với doanh nghiệp về Chi cục KTSTQ (theo Mẫu BC.CCHQ.01).
- Chi cục KTSTQ phân công cán bộ chuyên quản hoặc bộ phận chuyên quản (tùy theo số lượng DNƯT thuộc địa bàn quản lý). Cán bộ (hoặc bộ phận) này tổng hợp dữ liệu từ các Chi cục Hải quan cửa khẩu, theo dõi, phân tích hoạt động xuất khẩu nhập khẩu của doanh nghiệp: mã số hàng hóa, số lượng, xuất xứ, chính sách mặt hàng trị giá ... để đánh giá tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Định kỳ, thứ 3 hàng tuần, báo cáo (qua email) về Tổng cục Hải quan (Tổ Quản lý DNƯT) tình hình doanh nghiệp ưu tiên, đánh giá tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp (theo Mẫu BC.CCHQ.01).
- Trường hợp phát sinh hoặc phát hiện vướng mắc, sai sót, vi phạm, Chi cục (nơi phát hiện hoặc phát sinh vấn đề) ngoài việc xử lý theo quy định hiện hành thì báo cáo nhanh, đề xuất biện pháp xử lý (qua email, điện thoại, fax) về Tổ Quản lý DNƯT.
Nếu các phát sinh vượt thẩm quyền thì Cục có văn bản báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý bằng văn bản nhanh nhất về Tổng cục Hải quan (Cục Kiểm tra sau thông quan).
- Hàng quý (trong vòng 5 ngày làm việc đầu tiên mỗi quý), Cục báo cáo tổng hợp, đánh giá tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, quá trình, kết quả xử lý các vấn đề vướng mắc, sai sót, vi phạm đã xảy ra bằng văn bản gửi về Tổng cục Hải quan (Cục Kiểm tra sau thông quan).
- Chủ động làm việc với Cục Kiểm tra sau thông quan khi có yêu cầu.
1.2. Cục Hải quan nơi doanh nghiệp ưu tiên mở tờ khai
- Tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu: cử cán bộ chuyên quản thuộc Đội thủ tục. Cán bộ này theo dõi hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng ngày của doanh nghiệp để phát hiện các sai sót, những dấu hiệu bất thường trong khai báo của doanh nghiệp, đánh giá tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Định kỳ, thứ 3 hàng tuần, báo cáo tình hình doanh nghiệp ưu tiên, khuyến nghị (nếu có) đối với doanh nghiệp về Tổ Quản lý DNƯT (theo Mẫu BC.CCHQ.01).
- Trường hợp phát sinh hoặc phát hiện vướng mắc, sai sót, vi phạm, Chi cục (nơi phát hiện hoặc phát sinh vấn đề) ngoài việc xử lý theo quy định hiện hành thì báo cáo nhanh, đề xuất biện pháp xử lý (qua email, điện thoại, fax) về Tổ Quản lý DNƯT.
Nêu các phát sinh vượt thẩm quyền thì Cục có văn bản báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý bằng văn bản nhanh nhất về Tổng cục Hải quan (Cục Kiểm tra sau thông quan).
- Chủ động làm việc với Cục Kiểm tra sau thông quan khi có yêu cầu.
2. Tổ Quản lý DNƯT - Cục KTSTQ
- Hàng tuần, Tổ Quản lý DNƯT thu thập thông tin từ cơ sở dữ liệu của ngành (phần mềm STQ01), đầu mối phía DNƯT, các chi cục hải quan để đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp theo cáo tiêu chí về giá, mã số hàng hóa, chính sách mặt hàng, xuất xứ hàng hóa .... và có biện pháp quản lý phù hợp.
- Hàng quý (trong vòng 10 ngày làm việc đầu tiên của quý), căn cứ vào các báo cáo về DNƯT của các Cục Hải quan địa phương, Tổ Quản lý DNƯT đối chiếu số liệu do DNƯT cung cấp với số liệu thu thập trên cơ sở dữ liệu của ngành để đánh giá, theo dõi, có báo cáo kết quả hàng quý với Lãnh đạo Cục, Tổng cục. Trường hợp có sai lệch về thông tin, thì phối hợp với doanh nghiệp làm rõ để kịp thời khắc phục sai sót. Chủ động lập kế hoạch làm việc với các Chi cục hải quan cửa khẩu, các cơ quan thuế (nếu cần) để nắm tình hình hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp.
- Cuối năm (chậm nhất là ngày 15/12), ngoài việc kiểm tra, đối chiếu, đánh giá các thông tin do DNƯT gửi tới và các thông tin thu thập được, Tổ Quản lý DNƯT khảo sát thực tế tại DNƯT đánh giá việc thực hiện các khuyến nghị của cơ quan hải quan, biện pháp cải tiến, hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng tuân thủ pháp luật.
- Lập báo cáo phân loại các doanh nghiệp ưu tiên (dựa trên các tiêu chí đánh giá phân loại doanh nghiệp) đây là cơ sở, tài liệu để xem xét gia hạn chế độ ưu tiên của doanh nghiệp.
- Trong quá trình theo dõi, nếu phát hiện doanh nghiệp có vi phạm thì xử lý theo các bước tại Phần IV nêu trên.
- Nghiên cứu xây dựng, phát triển các công cụ hỗ trợ quản lý phân loại doanh nghiệp ưu tiên.
3. Trách nhiệm của doanh nghiệp ưu tiên
- Chỉ định cán bộ đầu mối của doanh nghiệp phụ trách việc thực hiện tuân thủ chế độ DNƯT. Cán bộ này phải làm việc chuyên nghiệp, thường xuyên, nắm sát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và các lĩnh vực khác trong hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời thông báo mọi vướng mắc về Tổ Quản lý DNƯT để được tư vấn, xử lý.
- Báo cáo (bằng email, điện thoại, fax) các vướng mắc, các sai phạm hoặc các sự vụ bất thường ngay sau khi có phát sinh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp về Tổ Quản lý DNƯT - Cục Kiểm tra sau thông quan.
- Phối hợp với Tổ Quản lý DNƯT - Cục Kiểm tra sau thông quan làm rõ các nội dung nghiệp vụ theo yêu cầu.
- Định kỳ, trong vòng 5 ngày làm việc đầu tiên của mỗi quý (3 tháng), báo cáo theo mẫu số 08a/DNƯT và 08b/DNƯT kèm theo Thông tư 63/2011/TT- BTC. Cụ thể như sau:
+ Thống kê số liệu xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp;
+ Tình hình chấp hành pháp luật;
+ Báo cáo vi phạm bị các cơ quan quản lý nhà nước xử lý (nếu có);
+ Báo cáo khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực hải quan trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp;
+ Những thay đổi, biến động (nếu có) của doanh nghiệp trong quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu gồm: đại lý làm thủ tục hải quan, đối tác ủy thác, hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, quản lý và sử dụng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
+ Báo cáo tài chính năm gồm: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Thuyết minh báo cáo tài chính;
+ Báo cáo kiểm toán, Kết luận thanh tra hoặc của các cơ quan quản lý nhà nước khác (nếu có). Riêng Báo cáo kiểm toán phải bao gồm cả thư kiểm toán;
+ Báo cáo tình hình khuyến nghị của cơ quan hải quan (nếu có).
Quá thời hạn nêu trên, nếu doanh nghiệp chưa gửi báo cáo thì Tổ Quản lý DNƯT phải thông tin cho doanh nghiệp được biết (qua thư điện tử hoặc điện thoại cho đầu mối liên lạc). Chậm nhất 10 ngày kể từ khi nhận được phản hồi từ Tổ Quản lý DNƯT mà doanh nghiệp chưa có văn bản báo cáo hoặc có gửi báo cáo nhưng không phản ánh đầy đủ các thông tin về sai phạm thì Tổ Quản lý DNƯT trình Thường trực Hội đồng có công văn chấn chỉnh.
- Chậm nhất 5 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp phải lập báo cáo tự đánh giá việc vận hành cơ chế doanh nghiệp ưu tiên gửi Tổ Quản lý DNƯT - Cục Kiểm tra sau thông quan.
4. Các cơ quan quản lý nhà nước liên quan
- Các cơ quan quản lý nhà nước liên quan gồm: Cục Thuế, Sở kế hoạch đầu tư hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp, Chi cục quản lý thị trường, Công an tỉnh nơi cá nhân đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc Cục Xuất nhập cảnh nếu cá nhân là người nước ngoài.
- Trong thời gian được công nhận là DNƯT, nêu doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý vi phạm pháp luật theo chức năng quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, các cơ quan này có văn bản thông báo cho cơ quan hải quan (Tổ Quản lý DNƯT - Cục Kiểm tra sau thông quan - Tổng cục Hải quan)./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.