UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2485/QĐ-UBND | Vĩnh Long, ngày 28 tháng 12 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP , ngày 07/9/2006 của Chính phủ ban hành về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP , ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ;
Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH , ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP , ngày 07/9/2006 của Chính phủ ban hành về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH , ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP , ngày 11/01/2008 của Chính phủ và Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT , ngày 30/12/2008 về việc ban hành nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp;
Xét Tờ trình số 1146/TTr-SCT, ngày 28/11/2011 của Giám đốc Sở Công thương về phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn năm 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung như sau:
1. Mục tiêu phát triển công nghiệp (CN) đến năm 2015 và định hướng 2020:
1.1. Mục tiêu chung:
Đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Xác định cơ cấu kinh tế hợp lý của tỉnh là dịch vụ - công nghiệp và nông nghiệp vào năm 2020. Đưa vai trò, vị trí ngành CN ngày càng tăng trong tổng thể nền kinh tế tỉnh và của vùng.
Trong giai đoạn trước mắt, tập trung phát triển các ngành công nghiệp:
1. Công nghiệp chế biến nông - thuỷ sản và thực phẩm - đồ uống;
2. Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu;
3. Công nghiệp vật liệu xây dựng;
4. Công nghiệp hoá chất, phân bón;
5. Công nghiệp cơ khí nông nghiệp, cơ khí đóng tàu;
Sau đó, chuyển hướng ưu tiên sang phát triển những ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thâm dụng vốn, chất xám… Cụ thể, định hướng ưu tiên phát triển các ngành: Sản xuất máy móc, thiết bị, sản xuất thiết bị điện, điện tử, sản xuất rađio, thiết bị truyền thông, sản xuất dụng cụ y tế, công nghệ truyền thông, dụng cụ quang học và đồng hồ các loại,…
1.2. Mục tiêu cụ thể:
Stt | Chỉ tiêu | ĐVT | Quy hoạch | Tốc độ tăng trưởng bình quân (%) | ||
Năm 2015 | Năm 2020 | 2011-2015 | 2016-2020 | |||
1 | Tổng GTGT (giá cố định 1994) | Tỷ đồng | 13.740 | 27.041 | 12 | 14,5 |
2 | GTGT ngành công nghiệp | Tỷ đồng | 5.465 | 13.014 | 22,1 | 19,0 |
3 | Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) | Tỷ đồng | 20.687 | 55.911 | 24,5 | 22,0 |
* Mục tiêu giai đoạn 2011- 2015:
1. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp 24% đến 25%/năm (theo giá so sánh 1994).
2. Phấn đấu đưa tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 20% đến 25% trong GDP của tỉnh vào năm 2015.
3. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp đạt 22,06%/năm.
4. Giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 50% trong cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của tỉnh.
5. Phát triển thêm 2 - 3 khu công nghiệp tập trung với quy mô từ 300 - 400ha/khu.
* Mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020:
1. Tiếp tục phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp đạt 22%/năm.
2. Phấn đấu đưa tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 31% trong GDP của tỉnh trong năm 2020.
3. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp đạt 18,95%/năm.
4. Giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 50% trong cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của tỉnh.
2. Danh mục các dự án trọng điểm và vốn đầu tư:
- Các dự án trọng điểm được xác định gồm: Các dự án đầu tư 03 khu công nghiệp - 19 cụm công nghiệp và 95 làng nghề là các dự án ưu tiên về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - làng nghề và những dự án trọng tâm dưới dạng hoạt động của các công ty do các chủ doanh nghiệp, người kinh doanh tự xác định quy mô và nguồn vốn phù hợp.
- Tổng nguồn vốn đầu tư và cơ cấu vốn:
| ĐVT | 2011 - 2015 | 2016 - 2020 | Tỷ lệ huy động vốn (%) | |
2011 - 2015 | 2016 - 2020 | ||||
Vốn đầu tư CN (giá hiện hành) | Tỷ đồng | 14.882 | 30.592 | 100 | 100 |
Vốn NSNN | Tỷ đồng | 7.441 | 6.118 | 50 | 20 |
-Vốn doanh nghiệp | Tỷ đồng | 2.232 | 7.648 | 15 | 25 |
-Vốn huy động trong dân | Tỷ đồng | 1.488 | 7.648 | 10 | 25 |
-Vốn tín dụng | Tỷ đồng | 2.976 | 6.118 | 20 | 20 |
- Vốn FDI | Tỷ đồng | 744 | 3.059 | 5 | 10 |
3. Giải pháp thực hiện:
a) Giải pháp chọn ngành ưu tiên trong giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020:
+ Giai đoạn 2011 - 2015: Nhóm ngành công nghiệp ưu tiên phát triển I gồm: Công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Nhóm ngành ưu tiên phát triển II gồm ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp sản xuất hoá chất, dược phẩm, công nghiệp dệt, may mặc và da giày.
+ Giai đoạn 2016 - 2020: Nhóm ngành công nghiệp ưu tiên phát triển I gồm: Ngành công nghiệp hoá chất, dược phẩm, ngành công nghiệp sản xuất các vật dụng điện tử và phương tiện vận tải, ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Nhóm ngành ưu tiên II gồm: Ngành công nghiệp chế biến.
b) Giải pháp về vốn: Tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ trung ương và huy động vốn từ mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp, vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
c) Giải pháp về phát triển các khu - cụm công nghiệp: Tiến hành xây dựng quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020. Định hướng phát triển các KCN theo hướng công nghiệp - dịch vụ - đô thị gắn với các công trình phụ trợ có liên quan như: Khu tái định cư, các chính sách đào tạo nghề cho các người dân bị giải toả. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
d) Giải pháp về cơ sở hạ tầng: Nâng cấp hoàn chỉnh mặt đường và hệ thống cầu cống đối với tuyến quốc lộ 54, các đường tỉnh kết nối với các khu, cụm, tuyến cụm công nghiệp và hạ tầng các khu, cụm, tuyến công nghiệp.
e) Giải pháp về chính sách khuyến công: Đẩy mạnh công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp: Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, quản lý chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường; hỗ trợ truyền nghề, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
f) Giải pháp về nguồn nhân lực:
- Có kế hoạch đào tạo nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gồm: (1) cấp lãnh đạo: Các nhà quản lý, điều hành doanh nghiệp, (2) quản lý cấp trung: Bộ phận nghiên cứu, xúc tiến, quảng bá sản phẩm, tìm hiểu thị trường, kỹ sư; (3) lao động phổ thông đảm bảo có tính kế thừa và liên tục; có chính sách thu hút và sử dụng tốt lao động có trình độ và tay nghề cao.
- Có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho công chức được cử đi học và các sinh viên, học sinh giỏi theo học các ngành nghề có nhu cầu trong những năm tới. Thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp với nhà trường và các ngành, các cấp để xác định nhu cầu thực của các doanh nghiệp.
g) Giải pháp về khoa học công nghệ: Thực hiện chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp. Thực thi tốt các chính sách có liên quan của Nhà nước về hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới khoa học công nghệ.
h) Giải pháp về cải cách hành chính: Tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh cải cách hành chánh tạo thuận lợi và nhanh chóng cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
i) Nhóm giải pháp hỗ trợ:
- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thông qua đó giúp doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.
- Thực hiện tốt chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư của tỉnh.
- Có chính sách đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến.
- Hỗ trợ và khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, làng nghề.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn:
Sở Công thương: Chủ trì, phối hợp với giám đốc các sở, ngành tỉnh liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có liên quan, triển khai thực hiện phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn năm 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 theo đúng nội dung nêu tại Điều 1 và các quy định hiện hành của Nhà nước.
Sở Kế hoạch và Đầu tư: Cân đối và huy động các nguồn lực, xây dựng kế hoạch dài hạn, ngắn hạn để thực hiện quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Nghiên cứu đề xuất những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích đầu tư khu vực dân doanh, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư vào những ngành ưu tiên phát triển. Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch nếu có phát sinh, cần tính toán điều chỉnh và thông báo cho các ngành cùng thực hiện.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Có kế hoạch triển khai sớm các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến, đưa các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất và chất lượng cao nhằm nâng hiệu quả sản xuất.
Sở Giao thông vận tải: Lập kế hoạch và thực hiện xây dựng, nâng cấp các tuyến giao thông tới các khu, cụm công nghiệp, các vùng nguyên liệu. Đặc biệt xúc tiến đầu tư các cảng quan trọng trên địa bàn tỉnh và các tuyến đường quốc lộ 1A, quốc lộ 53, quốc lộ 54, đường tỉnh 902; nâng cấp các đường tỉnh nhằm đáp ứng tốt cho lưu lượng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế xã hội nói chung.
Các Sở ngành: Tài nguyên Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Khoa học Công nghệ, Thông tin - Truyền thông, Ban Quản lý các khu công nghiệp; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các ban ngành khác tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Công thương triển khai thực hiện Quy hoạch này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, vượt thẩm quyền, Sở Công thương trao đổi thống nhất với các sở ngành, địa phương có liên quan trước khi trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công thương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành và đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.