UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2485/QĐ-UBND | Thủ Dầu Một, ngày 13 tháng 8 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;
Căn cứ Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 06 tháng 10 năm 2005 phê duyệt Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 81/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 05/2007/QĐ-BTTTT ngày 26 tháng 10 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam đến năm 2020;
Thực hiện Nghị quyết số 06/2008/NQ-HĐND7 ngày 22 tháng 7 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII - kỳ họp lần thứ 10 thông qua ngày 11 tháng 7 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin tỉnh Bình Dương đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với nội dung chủ yếu sau đây:
I. Quan điểm và mục tiêu phát triển
1. Quan điểm phát triển
Công nghệ thông tin là công cụ quan trọng để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Ứng dụng công nghệ thông tin để giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập.
Phát triển công nghệ thông tin phải gắn với quá trình đổi mới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách hành chính và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Phát triển công nghệ thông tin theo cơ cấu, quy mô hợp lý, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo định hướng phát triển Bình Dương trở thành thành phố loại 1, theo kịp khả năng và trình độ phát triển thông tin của quốc gia, của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cần được ưu tiên phát triển, bảo đảm công nghệ hiện đại, cho phép quản lý và khai thác hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.
Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin là yếu tố quyết định đối với việc phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Bình Dương.
Công nghiệp công nghệ thông tin là ngành kinh tế được ưu tiên, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực cùng phát triển. Khai thác triệt để các lợi thế, đặc biệt là thế mạnh về tiềm năng nguồn nhân lực dồi dào, thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp công nghệ thông tin một cách có hiệu quả.
2. Mục tiêu phát triển đến 2010, định hướng đến năm 2015
Mục tiêu phát triển là đưa công nghệ thông tin trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin trong xã hội, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Triển khai chính quyền điện tử và cung cấp nhiều dịch vụ công. Giai đoạn 2011 - 2015, Bình Dương giữ vững là tỉnh ở tốp 5 của cả nước về phát triển công nghệ thông tin, chuẩn bị các điều kiện để Bình Dương trở thành thành phố điện tử năm 2020.
Phấn đấu tỷ lệ chi ngân sách cho công nghệ thông tin đạt ít nhất 1,2% so với tổng chi ngân sách của tỉnh tính bình quân cho cả giai đoạn 2008 - 2015 với cơ cấu các khoản chi cho công nghệ thông tin bao gồm: Ít nhất 10% cho phát triển nhân lực công nghệ thông tin, 30% cho phần mềm và cơ sở dữ liệu, phần còn lại dành cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các chi phí khác.
a) Mục tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin
Năm 2010: Tỷ lệ các Sở, ban, ngành có Website và hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành đạt 50%; đến năm 2015 đạt 100%.
Năm 2010: Ít nhất 4 dịch vụ công mức độ 3 và 07 cơ sở dữ liệu trọng điểm; năm 2015: Ít nhất 10 dịch vụ công mức độ 3 trở lên và 12 cơ sở dữ liệu trọng điểm.
Năm 2010: 100% các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, các cơ sở y tế có mạng nội bộ và kết nối Internet băng rộng; 100% các trường từ tiểu học trở lên có máy tính và kết nối Internet băng rộng; 40% cán bộ nhân viên y tế biết sử dụng máy tính vào nghiệp vụ y tế, 40% giáo viên thực hiện giáo án điện tử; đến năm 2015 cả đội ngũ này đạt tỷ lệ 80%.
Năm 2010: Trên 40% doanh nghiệp có Website, 15% doanh nghiệp sử dụng phần mềm quản lý doanh nghiệp, quản lý bán hàng, điều khiển sản xuất (ERP, CRM); đến năm 2015, tỷ lệ này là 85% và 65%.
b) Mục tiêu xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin
- Năm 2010: Có 100% các xã có điểm truy cập Internet.
- Năm 2015: Mạng chuyên dụng cáp quang đến các xã, phường, thị trấn. Cổng giao dịch điện tử và cổng thông tin thương mại điện tử của tỉnh hoạt động có hiệu quả.
c) Mục tiêu phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin
Năm 2010: 100% cán bộ công chức chuyên môn biết sử dụng công nghệ thông tin trong nghiệp vụ; đào tạo khoảng 1.100 người có trình độ đại học, cao đẳng; 100% các cơ quan đơn vị có mạng nội bộ (LAN) và cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách về công nghệ thông tin; các cơ quan đơn vị xây dựng, duy trì cơ sở dữ liệu dùng chung đều có bộ phận chuyên trách, có lãnh đạo công nghệ thông tin (CIO).
Năm 2015: Đào tạo khoảng 1.500 người có trình độ đại học, cao đẳng.
d) Mục tiêu phát triển công nghiệp công nghệ thông tin
Năm 2010: Phát triển thêm 9 - 10 nhà máy sản xuất phần cứng về điện tử, tin học và truyền thông; có 1 - 2 trung tâm phần mềm của tỉnh có thương hiệu.
Năm 2015: Phát triển 10 - 15 nhà máy sản xuất phần cứng về điện tử, tin học và truyền thông; có 6 - 10 trung tâm phần mềm của tỉnh có thương hiệu.
3. Tầm nhìn đến 2020
a) Định hướng phát triển hạ tầng công nghệ thông tin
Mở rộng tuyến cáp quang kết nối tới xã, phường, thị trấn; 100% Uỷ ban nhân dân cấp xã có mạng nội bộ (LAN).
Trung tâm Tư vấn – phát triển công nghệ thông tin và viễn thông trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông trở thành một trung tâm mạnh, đủ sức phục vụ các nhu cầu cung cấp các dịch vụ Internet, phát triển các ứng dụng, quản trị các hệ thống mạng riêng ảo (VPN).
Mạng không dây phát triển mạnh đưa các ứng dụng Chính phủ điện tử và thương mại điện tử vào cuộc sống.
b) Định hướng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin
Thực hiện chính quyền điện tử;
Thực hiện công dân điện tử;
Phát triển thương mại điện tử;
Thực hiện trường học điện tử;
Thực hiện bệnh viện điện tử;
Các dịch vụ công nghệ thông tin khác.
c) Định hướng phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin
Có chương trình đào tạo tin học cho cán bộ công chức, viên chức trong tỉnh, tạo nguồn nhân lực cán bộ có trình độ công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Có kế hoạch đào tạo kiến thức chuyên sâu cho bộ phận chuyên viên công nghệ thông tin của tỉnh.
Thúc đẩy các quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế về đào tạo công nghệ thông tin, xây dựng các cơ sở đào tạo công nghệ thông tin đạt trình độ tiên tiến trong khu vực phía Nam.
Tiếp tục mở rộng cộng tác với các đơn vị đào tạo trong và ngoài nước nhằm thu hút và tập hợp các tài nguyên, khả năng, kỹ năng và kiến thức chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực cũng như tăng cường kế hoạch phối hợp hoạt động hiệu quả giữa các trung tâm đào tạo, các trường đại học trong và ngoài địa bàn.
Hoàn thiện các chính sách, chế độ ưu đãi để thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cán bộ về công nghệ thông tin về tỉnh làm việc và cộng tác.
d) Định hướng phát triển công nghiệp công nghệ thông tin
Kêu gọi và khuyến khích tiếp tục đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong tỉnh.
Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông dần trở thành công nghiệp mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng bình quân 20 – 25%/năm; góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Công nghiệp phần cứng phát triển mạnh, đặc biệt công nghiệp phụ trợ.
Ưu tiên xuất khẩu sản phẩm công nghiệp phần cứng; chủ động khai thác các nguồn vốn trong và ngoài nước, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin.
Phát triển công nghiệp phần mềm chú trọng công nghiệp nội dung số, phục vụ cho tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội trong nước và xuất khẩu; phát huy hiệu quả hoạt động của các trung tâm phần mềm.
II. Nội dung quy hoạch
1. Quy hoạch phát triển ứng dụng công nghệ thông tin
a) Tạo môi trường cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin
Kiện toàn tổ chức và xây dựng chính sách về công nghệ thông tin.
Nghiên cứu xây dựng các biểu mẫu điện tử thống nhất, tuân theo các quy định của pháp luật, phù hợp với xu thế cải cách hành chính, đáp ứng được các yêu cầu.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa thực tiễn của công nghệ thông tin trong phát triển kinh tế - xã hội.
b) Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng, đoàn thể và các cơ quan hành chính nhà nước
Tiếp tục tin học hóa trong quản lý hành chính nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng, đoàn thể và các Sở, ban, ngành, huyện thị xã.
Xây dựng và nâng cấp 19 cơ sở dữ liệu trọng điểm, đồng thời thiết kế xây dựng phần mềm quản lý từng cơ sở dữ liệu. Trong đó, giai đoạn 2008 - 2010, tập trung xây dựng và nâng cấp 7 cơ sở dữ liệu trọng điểm; giai đoạn 2011 - 2015, xây dựng thêm 12 cơ sở dữ liệu trọng điểm.
Xây dựng 12 dịch vụ công trọng điểm, đồng thời thiết kế xây dựng phần mềm quản lý, khai thác từng dịch vụ công đó. Trong đó, giai đoạn 2008 - 2010, tập trung xây dựng và nâng cấp 04 dịch vụ công trọng điểm; giai đoạn 2011 - 2015, xây dựng thêm 08 dịch vụ công.
c) Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo
- Giai đoạn 2008 – 2010: Đảm bảo 100% cán bộ và giáo viên trung học phổ thông trở lên được đào tạo cơ bản về công nghệ thông tin và ứng dụng thành thạo các chương trình quản lý và các chương trình phục vụ giảng dạy.
Có 50% học sinh trung học cơ sở có thể sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông và khai thác Internet.
Đảm bảo 100% trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh có trang thông tin điện tử.
Tiếp tục trang bị hệ thống máy tính cho tất ca các trường học từ tiểu học trở lên để làm nhiệm vụ quản lý, hỗ trợ giảng dạy và học tập. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, các phần mềm hỗ trợ cho việc học tập của học sinh, sinh viên.
- Giai đoạn 2011 - 2015: Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng các chương trình phần mềm hỗ trợ quản lý, các chương trình quản lý và xây dựng giáo án điện tử, ngân hàng đề thi; đưa công nghệ thông tin trở thành công cụ đắc lực phục vụ tốt cho việc giảng dạy các môn khoa học khác. Không ngừng xây dựng phát triển hệ thống các cơ sở dữ liệu của ngành, phát triển trang thông tin điện tử của ngành, của các trường.
d) Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế
Tất cả các bệnh viện cấp tỉnh, các bệnh viện tuyến huyện và các trung tâm y tế đều được trang bị máy tính phục vụ chuyên môn; xây dựng được mạng nội bộ và kết nối Internet băng rộng.
Xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện thống nhất trên địa bàn tỉnh.
Trên 80% cán bộ, y bác sĩ trong các bệnh viện tỉnh, trên 60% cán bộ, y bác sĩ trong các bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực và trung tâm y tế huyện được đào tạo cơ bản về tin học, đào tạo nghiệp vụ chung.
Mạng y tế được triển khai với những công nghệ mới để có thể thực hiện các hội nghị truyền hình, hội chẩn và khám chữa bệnh từ xa. Sở Y tế và bệnh viện tuyến tỉnh có Website.
đ) Ứng dụng công nghệ thông tin trong xã hội
Ứng dụng và khai thác công nghệ thông tin phục vụ công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân ở nông thôn và các khu công nghiệp.
Đưa Internet về nông thôn, các khu công nghiệp để góp phần đắc lực trong việc nâng cao dân trí, người dân nhanh chóng tiếp cận với thông tin mới nhất: Thông tin khoa học công nghệ, thông tin văn hóa, thông tin thời sự, thông tin mùa vụ, thông tin giống cây trồng vật nuôi, phòng chống dịch bệnh.
Phát triển mạnh mẽ các dịch vụ công nghệ thông tin hỗ trợ giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội, xây dựng Website của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nhằm cung cấp thông tin về lao động việc làm, xây dựng sàn giao dịch điện tử về giải quyết việc làm.
Ban hành các quy định và tiêu chuẩn cụ thể đối với các đối tượng bắt buộc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông như: Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên đại học và cao đẳng, học sinh trung học phổ thông. Đối với các đối tượng không bắt buộc, tỉnh cần có chính sách khuyến khích họ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
e) Ứng dụng công nghệ thông tin trong quốc phòng – an ninh
Thực hiện các quy định, quy chế an toàn bảo mật thông tin. Xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo các yêu cầu về quốc phòng - an ninh.
Xây dựng các phương án dự phòng cho các hệ thống thông tin trọng yếu.
g) Ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp
Tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa thực tiễn của công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh; phổ cập nâng cao kỹ năng ứng dụng khai thác công nghệ thông tin trong cộng đồng doanh nghiệp.
Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho ứng dụng công nghệ thông tin: Ứng dụng trong quản lý và tác nghiệp; ứng dụng trong quảng bá thương hiệu, sản phẩm và xúc tiến thương mại; ứng dụng trong điều khiển, đo lường, quản lý chất lượng.
2. Quy hoạch phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông
a) Phát triển mạng viễn thông và Internet
Xây dựng hạ tầng viễn thông và Internet, đặc biệt là Internet băng rộng (ADSL) để đưa ứng dụng công nghệ thông tin đến mọi tầng lớp nhân dân.
b) Phát triển mạng nội bộ (LAN) tại các cơ quan Sở, ban, ngành
Lập phương án, kế hoạch cụ thể cho việc nâng cấp và xây dựng mới hệ thống mạng nội bộ (LAN) tại các cơ quan nhà nước cấp huyện và cấp tỉnh.
c) Xây dựng cơ sở hạ tầng mạng chuyên dụng của Bình Dương
Xây dựng mạng chuyên dụng để đáp ứng các giao dịch trực tuyến giữa các cơ quan hành chính nhà nươc trên địa bàn tỉnh với người dân và doanh nghiệp (G2C, G2B); giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau (G2G) thông qua chương trình tác nghiệp, các dịch vụ công trong nền hành chính điện tử của chính quyền điện tử. Trong quá trình xây dựng mạng chuyên dụng phải song song xây dựng, phát triển hệ thống các cơ sở dữ liệu và hệ thống các dịch vụ công.
d) Nâng cấp và phát triển trung tâm tích hợp dữ liệu
Khi mạng chuyên dụng và các cơ sở dữ liệu đã từng bước được xây dựng, cần đầu tư nâng cấp và phát triển trung tâm tích hợp dữ liệu để tích hợp với cổng giao tiếp điện tử, kết nối các hệ thống cơ sở dữ liệu, tích hợp hệ thống các dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ứng dụng và khai thác thông tin.
đ) Trang bị hệ thống máy tính cho các đơn vị trong tỉnh
Đầu tư trang bị máy tính, kết nối mạng nội bộ (LAN), mạng diện rộng (WAN) và các trang thiết bị tin học hỗ trợ dạy và học trong hệ thống giáo dục; đầu tư trang thiết bị tin học, kết nối mạng LAN, WAN phục vụ y tế; đầu tư trang thiết bị tin học và kết nối LAN, Internet cho doanh nghiệp.
e) Quy hoạch xây dựng cổng giao tiếp điện tử của tỉnh
Cổng giao tiếp điện tử của tỉnh được xây dựng và phát triển từ mô hình Chính phủ điện tử:
- Cung cấp thông tin giới thiệu về tỉnh, kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch, góp phần xúc tiến thương mại, thúc đẩy quá trình hội nhập trong nước và quốc tế;
- Đáp ứng các nhu cầu về thông tin công cộng của mọi đối tượng nhân dân;
- Thực hiện các giao tiếp và giao dịch điện tử với người dân, với doanh nghiệp thông qua hệ thống các dịch vụ công;
- Đẩy mạnh hoạt động giao dịch thương mại với sàn giao dịch thương mại điện tử.
3. Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin
a) Nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ thông tin của tỉnh
Dự báo đến năm 2015, Bình Dương cần đào tạo, thu hút khoảng 2.700 cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin (khoảng 50% có trình độ cao đẳng, đại học) và 1.480 cán bộ lãnh đạo công nghệ thông tin (CIO).
b) Đào tạo công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức
Tổ chức các chương trình đào tạo thiết thực và phù hợp với từng loại đối tượng; nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng ứng dụng và khai thác công nghệ thông tin cho 100% cán bộ, công chức, viên chức theo các mức độ và lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Cử cán bộ đi đào tạo và thu hút lực lượng kỹ sư công nghệ thông tin trẻ đã được đào tạo chính quy, bố trí vào các vị trí chuyên trách công nghệ thông tin trong các cơ quan đơn vị.
Đến năm 2015: 100% cơ quan đơn vị từ cấp huyện, cấp tỉnh có đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin. Trong đó, đối với các cơ quan đơn vị cấp tỉnh cần có ít nhất 01 trình độ cao đẳng, đại học, 02 trình độ trung cấp hoặc kỹ thuật viên công nghệ thông tin. Đối với cấp huyện cần có ít nhất 01 trình độ cao đẳng, 02 trình độ trung cấp hoặc kỹ thuật viên công nghệ thông tin.
Từ năm 2011 - 2015: 100% cơ quan đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện cần có cán bộ lãnh đạo công nghệ thông tin (CIO), đặc biệt là các Sở, ngành. Đào tạo phổ cập công nghệ thông tin cho cán bộ cấp xã; đảm bảo 100% cán bộ đều biết sử dụng máy vi tính, có trình độ A, B, trung cấp hoặc kỹ thuật viên công nghệ thông tin.
c) Nâng cấp hệ thống trường, trung tâm, cơ sở đào tạo công nghệ thông tin
Khuyến khích, tạo điều kiện cho hoạt động của các trường, trung tâm, cơ sở đào tạo công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh; đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên để nâng cao số lượng, chất lượng đào tạo công nghệ thông tin. Bên cạnh đó cần đầu tư phát triển đào tạo công nghệ thông tin trong hệ thống giáo dục phổ thông.
d) Nâng cấp và phát triển trung tâm trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông
Đầu tư, nâng cấp trung tâm trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông để thực hiện các chức năng:
- Tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ban, ngành về những vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông;
- Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phổ cập công nghệ thông tin trong toàn tỉnh; đào tạo chuyên sâu, đào tạo đội ngũ lãnh đạo công nghệ thông tin. Ngoài ra sẽ mở rộng thêm các loại hình liên kết đào tạo trong nước và quốc tế;
- Phát triển phần mềm, chuyển giao công nghệ, làm tiền đề cho bước phát triển ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai;
- Làm nòng cốt triển khai và hỗ trợ cho các dự án công nghệ thông tin và truyền thông của tỉnh;
- Thực hiện các dịch vụ khác về công nghệ thông tin và truyền thông.
đ) Đào tạo công nghệ thông tin cho các đối tượng trong xã hội
Nâng cao chất lượng đào tạo về công nghệ thông tin ở bậc trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; thúc đẩy các loại hình đào tạo phi chính quy, hướng nghiệp thực hành; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực. Xã hội hóa việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ cho các hoạt động phổ biến kiến thức công nghệ thông tin trong toàn xã hội; tạo điều kiện và môi trường hấp dẫn để thu hút các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là con em của tỉnh ở nước ngoài mang tri thức, công nghệ và đầu tư đóng góp tích cực vào quá trình phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin của tỉnh.
e) Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong quốc phòng - an ninh
Tỉnh tạo điều kiện ưu tiên cho các yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quốc phòng - an ninh. Sở Thông tin và Truyền thông chuẩn bị phương tiện và nội dung, đề xuất tổ chức diễn tập ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai và các hoạt động đặc thù.
4. Quy hoạch phát triển công nghiệp công nghệ thông tin
a) Công nghiệp phần cứng
Đào tạo số lượng lớn công nhân kỹ thuật công nghệ thông tin có tay nghề đạt yêu cầu, có tác phong công nghiệp. Tạo môi trường thu hút và khuyến khích đầu tư công nghệ cao trong công nghiệp phần cứng.
b) Công nghiệp phần mềm
Tích cực đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp phần mềm. Ban hành cơ chế, chính sách tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thu hút được các chuyên gia giỏi, có được 5 - 7 công ty phần mềm trong đó có 1 - 2 công ty làm gia công phần mềm cho nước ngoài. Nghiên cứu khả năng xây dựng Công viên phần mềm Bình Dương.
c) Công nghiệp nội dung số
Tích cực đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng công nghệ thông tin và có kiến thức về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của tỉnh. Tạo điều kiện xây dựng các sản phẩm nội dung số đặc trưng của tỉnh.
d) Dịch vụ công nghệ thông tin
Phát triển các loại hình dịch vụ công nghệ thông tin:
- Cung cấp và bảo trì, bảo dưỡng thiết bị công nghệ thông tin;
- Tư vấn - thiết kế các dự án, xây dựng dự án khả thi;
- Cung cấp phần mềm quản lý doanh nghiệp và các giải pháp ứng dụng, triển khai và phát triển công nghệ thông tin;
- Cung cấp và đào tạo nguồn nhân lực;
- Các dịch vụ phục vụ thương mại điện tử;
- Lưu trữ, cho thuê kho lưu trữ trên mạng và xử lý dữ liệu.
5. Dự toán ngân sách chi thường xuyên
Dự toán ngân sách chi thường xuyên cho công nghệ thông tin đảm bảo duy trì, quản lý cổng giao tiếp điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, trung tâm tích hợp dữ liệu, thuê đường truyền Internet, thuê chỗ đặt máy chủ, thuê và duy tu bảo dưỡng mạng dùng riêng, mua sắm phần mềm tác nghiệp.
6. Phân kỳ kinh phí:
Kinh phí thực hiện quy hoạch bao gồm: Kinh phí Trung ương, kinh phí tỉnh, kinh phí hợp tác liên doanh và kinh phí các thành phần kinh tế khác.
- Giai đoạn 2008 – 2010: 225,05 tỷ đồng
- Giai đoạn 2011 – 2015: 311,37 tỷ đồng
Tổng hợp giai đoạn 2008 – 2015: 536,42 tỷ đồng
III. Giải pháp thực hiện quy hoạch
1. Nâng cao nhận thức về vai trò của công nghệ thông tin
Nâng cao nhận thức của các cơ quan Đảng và Nhà nước về vai trò động lực của công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý;
Nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp về vai trò động lực của công nghệ thông tin trong môi trường cạnh tranh, hội nhập;
Nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò của công nghệ thông tin trong việc hình thành xã hội thông tin.
2. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin
Có chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, trong nước và trong tỉnh đầu tư vào công nghệ thông tin, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp quy, tạo cơ chế thông thoáng, một cửa, công khai, minh bạch, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi và môi trường tốt cho việc triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.
Xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ thông tin, trong đó đặc biệt chú ý đến việc khuyến khích sử dụng các sản phẩm và dịch vụ được tạo ra tại địa bàn tỉnh.
3. Huy động vốn đầu tư
a) Vốn từ ngân sách
Hàng năm tỉnh dành kinh phí thoả đáng để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin cho các cơ quan nhà nước và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.
b) Huy động vốn đầu tư nước ngoài
Xây dựng cơ chế thông thoáng, một cửa, giải quyết thủ tục thật nhanh chóng, để thu hút các dự án đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp của tỉnh. Xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh phù hợp với từng lĩnh vực ngành nghề với mức ưu đãi cao nhất trong khung pháp lý chung của nhà nước, đồng thời thể hiện một số ưu đãi riêng của tỉnh; chú trọng các hình thức đầu tư mới, gắn quyền lợi với trách nhiệm của nhà đầu tư.
Sử dụng có hiệu quả vốn ngân sách Trung ương đầu tư thông qua các dự án trọng điểm của quốc gia và theo ngành dọc thực hiện trên địa bàn tỉnh.
c) Huy động vốn trong dân và các doanh nghiệp
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin để huy động vốn từ xã hội đầu tư vào công nghệ thông tin.
Ưu tiên cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn tham gia các dự án công nghệ thông tin của tỉnh để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nâng cao trình độ, công nghệ.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài về lĩnh vực công nghệ thông tin vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
4. Phát triển và nuôi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ thông tin
Hoàn thiện chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Đầu tư, nâng cấp trung tâm trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông; đảm bảo đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin và cán bộ lãnh đạo công nghệ thông tin.
Đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo công nghệ thông tin, trường dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng đào tạo.
Từng bước xã hội hóa việc đào tạo nguồn lực công nghệ thông tin, nhằm thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh trực tiếp đầu tư phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
5. Các giải pháp khác
Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước;
Nhóm giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin;
Nhóm giải pháp khoa học và công nghệ;
Tăng cường hợp tác, liên kết trong và ngoài nước về công nghệ thông tin;
Nhóm giải pháp thúc đẩy hình thành và phát triển thị trường;
Nhóm giải pháp về môi trường.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức công bố công khai quy hoạch đã được phê duyệt; đánh giá rút kinh nghiệm từng giai đoạn thực hiện quy hoạch để có kế hoạch điều chỉnh và bổ sung các chỉ tiêu trong kế hoạch 5 năm và hàng năm theo đúng định hướng quy hoạch đề ra; định kỳ tổng hợp kết quả báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm cân đối, bố trí vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch theo đúng tiến độ, giám sát việc thực hiện quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính chịu trách nhiệm bảo đảm nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho chương trình công nghệ thông tin tỉnh theo kế hoạch 5 năm và hàng năm.
4. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo các phòng chức năng và Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện quy hoạch theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC
(Kèm theo Quyết định số 2485/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương)
KHÁI TOÁN CÁC NHÓM DỰ ÁN
Đơn vị tính: Tỷ đồng
TT | Lĩnh vực | Tổng |
TỔNG KINH PHÍ | 536,42 | |
1 | Các dự án tạo môi trường cho ứng dụng và phát triển CNTT | 10,30 |
2 | Các dự án ứng dụng CNTT trong các sở ngành | 16,00 |
3 | Các dự án xây dựng 19 cơ sở dữ liệu | 35,80 |
4 | Các dự án xây dựng 12 hệ thống dịch vụ công | 11,80 |
5 | Các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT | 112,30 |
6 | Cac dự án phát triển nguồn nhân lực CNTT | 59,47 |
7 | Các dự án đầu tư cho giáo dục, y tế, cộng đồng và QPAN | 175,60 |
8 | Các dự án ứng dụng CNTT phục vụ sản xuất kinh doanh | 47,20 |
9 | Các dự án đầu tư cho phát triển công nghiệp CNTT | 32,00 |
10 | Khái toán kinh phí chi thường xuyên | 35,95 |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM
Đơn vị tính: Tỷ đồng
TT | Các dự án | Thời gian thực hiện | Dự toán kinh phí | Nguồn kinh phí |
I | Các dự án tạo môi trường cho ứng dụng và phát triển CNTT | |||
1 (1) | Chuẩn hóa các hệ thống form mẫu, định dạng thông tin, các CSDL, các quy trình nghiệp vụ, đảm bảo tối ưu và hợp chuẩn quốc gia. | |||
Chủ trì: Sở Nội vụ | 2008 - 2015 | 2,00 | Kinh phí tỉnh | |
Phối hợp: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê. | ||||
2 (2) | Xây dựng văn phòng điện tử, làm việc nhóm trên mạng (group ware e-office), hệ thống thư điện tử cho các cơ quan trọng điểm | |||
Chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông. | 2008 - 2015 | 2,80 | Kinh phí tỉnh | |
Phối hợp: Các sở ngành liên quan, Văn phòng UBND tỉnh | ||||
II | Các dự án phát triển nguồn nhân lực | |||
1 (3) | Đào tạo phổ cập CNTT cho cán bộ các cấp xã, phường | |||
Chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông. | 2008 - 2015 | 10,19 | Kinh phí tỉnh | |
Phối hợp: Trung tâm CNTT tỉnh, các Trung tâm Tin học, các cơ sở đào tạo. | ||||
2 (4) | Đào tạo kỹ năng ứng dụng và khai thác CNTT trong cán bộ công chức | |||
Chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông. | 2008 - 2015 | 2,95 | Kinh phí tỉnh | |
Phối hợp: Trung tâm CNTT tỉnh, các Trung tâm Tin học, các cơ sở đào tạo. | ||||
3 (5) | Đào tạo các chuyên viên kỹ thuật mạng cho các sở ban ngành | |||
Chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông. | 2008 - 2015 | 16,31 | Kinh phí tỉnh | |
Phối hợp: Trung tâm CNTT tỉnh, các Trung tâm Tin học, các cơ sở đào tạo. | ||||
4 (6) | Đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm CNTT thuộc Sở TT&TT (có 1 trong các chức năng là phục vụ công tác đào tạo) | |||
Chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông. | 2008 - 2010 | 3,40 | Kinh phí tỉnh | |
Phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở ngành liên quan | ||||
III | Các dự án phát triển CSHT | |||
1 (7) | Nâng cấp mạng Internet tỉnh Bình Dương | |||
Chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông. | 2008 - 2015 | 4,10 | Kinh phí TW | |
Phối hợp: Viễn thông tỉnh | ||||
2 (8) | Xây dựng mạng LAN thông tin các trụ sở hợp khối của các cơ quan Đảng, chính quyền, các sở ban ngành thuộc Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương | |||
Chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông. | 2008-2015 | 25,00 | Kinh phí tỉnh | |
Phối hợp: Các sở ban ngành liên quan, Trung tâm CNTT tỉnh, các Trung tâm Tin học. | ||||
3 (9) | Nâng cấp và phát triển Cổng điện tử của tỉnh theo công nghệ Portal (BinhDuong.Portal) | |||
Chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông. | 2008-2015 | 3,10 | Kinh phí tỉnh | |
Phối hợp: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, và các sở ngành liên quan | ||||
IV | Các dự án xây dựng 7 cơ sở dữ liệu trọng điểm | |||
1 (10) | Xây dựng CSDL Tài chính (CSDL 18) | |||
Chủ trì: Sở Tài chính | 2008-2010 | 1,20 | Kinh phí tỉnh + TW | |
Phối hợp: Các sở ban ngành liên quan | ||||
2 (11) | Xây dựng CSDL Doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất kinh doanh (CSDL 13) | |||
Chủ trì: Sở Công thương | 2008-2010 | 0,70 | Kinh phí tỉnh | |
Phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Ban Quản lý các KCN, UBND huyện thị, Cục Thống kê | ||||
3 (12) | Xây dựng CSDL GIS chuyên ngành Tài nguyên môi trường (CSDL 7) | |||
Chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường. | 2008-2010 | 17,00 | Kinh phí tỉnh + TW | |
Phối hợp: Các Sở, ngành liên quan | ||||
4 (13) | Xây dựng CSDL thông tin địa lý (GIS) cơ sở dùng chung cho các chuyên ngành (CSDL 6) | |||
Chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ. | 2008-2010 | 1,00 | Kinh phí tỉnh | |
Phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường. | ||||
5 (14) | Nâng cấp và hoàn thiện CSDL cán bộ công chức tỉnh (CSDL 4) | |||
Chủ trì: Sở Nội vụ | 2008-2010 | 0,80 | Kinh phí tỉnh + TW | |
Phối hợp: Các Sở ban ngành liên quan | ||||
6 (15) | Nâng cấp và hoàn thiện CSDL văn bản và quy phạm pháp luật tỉnh…(CSDL 3) | |||
Chủ trì: Văn phòng UBND tỉnh | 2008-2010 | 0,70 | Kinh phí tỉnh | |
Phối hợp: Các Sở ban ngành liên quan | ||||
7 (16) | CSDL Dân cư (CSDL 2) | |||
Chủ trì: Sở Y tế | 2008-2010 | 2,50 | Kinh phí tỉnh + TW | |
Phối hợp: Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh, UBND các huyện, thị | ||||
V | Các dự án xây dựng 4 dịch vụ công trọng điểm | |||
1 (17) | Dịch vụ công ngành Kế hoạch đầu tư: Cấp đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư… | |||
Chủ trì: Sở KHĐT | 2008-2010 | 1,00 | Kinh phí tỉnh | |
Phối hợp: Ban Quản lý các KCN, UBND huyện, thị | ||||
2 (18) | Dịch vụ công ngành xây dựng: cấp phép xây dựng, cấp chứng chỉ quy hoạch… | |||
Chủ trì: Sở Xây dựng. | 2008-2010 | 1,00 | Kinh phí tỉnh | |
Phối hợp: UBND các huyện, thị và các sở ban ngành liên quan | ||||
3 (19) | Các dịch vụ công của UBND thị xã Thủ Dầu Một và các huyện có điều kiện: Khai sinh, khai sinh quá hạn, khai tử, cấp đăng ký kinh doanh, cấp chứng chỉ quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng… thuộc thẩm quyền | |||
Chủ trì: UBND thị xã Thủ Dầu Một và UBND các huyện | 2008-2010 | 1,20 | Kinh phí tỉnh | |
Phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Công an tỉnh và các Sở ngành liên quan | ||||
4 (20) | Dịch vụ công ngành Tài nguyên môi trường: Quản lý quy hoạch đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép khai thác tài nguyên… | |||
Chủ trì: Sở Tài nguyên môi trường. | 2008-2010 | 1,20 | Kinh phí tỉnh | |
Phối hợp: Các Sở ban ngành liên quan | ||||
VI | 6 dự án ứng dụng CNTT trong y tế, giáo dục, cộng đồng và QPAN (Dự án 2, 3, 7, 10, 11, 13) | |||
1 (21) | Triển khai ứng dụng các chương trình quản lý giáo dục. | |||
Chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo. | 2008-2015 | 14,30 | Kinh phí tỉnh + TW | |
Phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, các Trung tâm Tin học. | ||||
2 (22) | Bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng khai thác CNTT cho giáo viên phổ thông | |||
Chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo. | 2008-2015 | 3,00 | Kinh phí tỉnh | |
Phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, các Trung tâm Tin học | ||||
3 (23) | Triển khai ứng dụng các chương trình quản lý y tế | |||
Chủ trì: Sở Y tế | 2008-2015 | 5,10 | Kinh phí tỉnh + TW | |
Phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, các Trung tâm Tin học. | ||||
4 (24) | Dự án Internet nông thôn, phổ cập Internet cho cộng đồng, phát triển các điểm văn hóa xã | |||
Chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông. | 2008-2015 | 4,60 | Kinh phí TW | |
Phối hợp: Bưu điện tỉnh | ||||
5 (25) | Xây dựng sàn giao dịch điện tử giải quyết việc làm của Bình Dương | |||
Chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông. | 2008-2015 | 5,00 | Kinh phí tỉnh + TW | |
Phối hợp: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. | ||||
6 (26) | Triển khai văn phòng điện tử tại Công an tỉnh và các huyện thị | |||
Chủ trì: Công an tỉnh | 2008-2015 | 4,80 | Kinh phí tỉnh | |
Phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Công an các huyện thị |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.