UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2462/2006/QĐ-UBND | Hải Dương, ngày 13 tháng 7 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH QUY CHẾ ĐẤU GIÁ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT KHI NHÀ NƯỚC GIAO ĐẤT CÓ THU TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT HOẶC CHO THUÊ ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất;
Xét đề nghị của Giám đốc sở Tài chính tại tờ trình số 1373/TTr-STC ngày 30/6/2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ; thay thế Quyết định số 311/QĐ-UB ngày 10/4/1994 của UBND tỉnh Hải Hưng (cũ) về việc bán đấu giá nhà, chuyển quyền sử dụng mặt bằng xây dựng và giải quyết thanh lý tài sản.
Các quy định trước đây trái với quy định tại Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các cấp; Các tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
ĐẤU GIÁ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT KHI NHÀ NƯỚC GIAO ĐẤT CÓ THU TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT HOẶC CHO THUÊ ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2462/2006/QĐ-UBND ngày13 /7/2006 của UBND tỉnh Hải Dương)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Quy chế này cụ thể hoá một số quy định được ban hành kèm theo Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Điều 2. Đối tượng tham gia đấu giá
Các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai để thực hiện dự án đầu tư hoặc làm nhà ở theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 3. Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong các trường hợp sau:
1. Giao đất có thu tiền sử dụng đất
a) Đầu tư xây dựng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân.
b) Đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê, trừ trường hợp đất xây dựng nhà chung cư cao tầng cho công nhân khu công nghiệp.
c) Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê.
d) Sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng.
đ) Sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh.
e) Sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.
2. Giao đất theo hình thức khác nay chuyển sang giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất; trừ trường hợp không thay đổi chủ sử dụng đất.
3. Cho thuê đất bao gồm cả cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.
4. Các trường hợp khác do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.
Điều 4. Thẩm quyền quyết định giao đất hoặc cho thuê đất theo hình thức đấu giá
1. Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định giao đất hoặc cho thuê đất theo hình thức đấu giá đối với đất giao cho tổ chức trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài.
2. Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố (gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp huyện) quyết định giao đất hoặc cho thuê đất theo hình thức đấu giá đối với đất giao cho hộ gia đình, cá nhân người Việt Nam trong nước.
3. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp xã) quyết định cho thuê đất theo hình thức đấu giá đối với đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.
4. Định mức giao đất, cho thuê đất và thời hạn giao đất, cho thuê đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.
Điều 5. Điều kiện của các thửa đất được phép tổ chức đấu giá
1. Đã có quy hoạch sử dụng đất chi tiết và kế hoạch sử dụng đất chi tiết; quy hoạch xây dựng chi tiết phù hợp với quy hoạch chung được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành của pháp luật về đất đai, xây dựng.
2. Đã được bồi thường giải phóng mặt bằng.
3. Có phương án hoặc kế hoạch đấu giá (sau đây gọi là kế hoạch đấu giá) do tổ chức của Nhà nước có chức năng đấu giá quyền sử dụng đất ban hành phù hợp với Quy chế này.
Điều 6. Điều kiện được đăng ký tham gia đấu giá
Các đối tượng quy định tại Điều 2 của Quy chế này được đăng ký tham gia đấu giá khi có đủ các điều kiện sau:
1. Có đơn đề nghị được tham gia đấu giá theo mẫu tại hồ sơ đấu giá do Tổ chức đấu giá phát hành, trong đó có nội dung cam kết sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch khi trúng đấu giá.
2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (gọi chung là người) khi tham gia đấu giá phải có đủ năng lực về tài chính và kỹ thuật để thực hiện dự án hoặc phương án đầu tư theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất cho nhân dân xây dựng nhà ở tại các lô (thửa) nhỏ thì hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá không cần xuất trình điều kiện này.
3. Một hộ gia đình chỉ được một cá nhân tham gia đấu giá; một tổ chức chỉ được một đơn vị tham gia đấu giá; có hai doanh nghiệp trở lên thuộc cùng một Tổng công ty thì chỉ được một doanh nghiệp tham gia đấu giá; Tổng công ty với công ty thành viên, công ty mẹ và công ty con, doanh nghiệp liên doanh với một bên góp vốn trong liên doanh thì chỉ được một doanh nghiệp tham gia đấu giá.
Điều 7. Tổ chức được giao thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất
Tổ chức được thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất (gọi tắt là Tổ chức đấu giá) là các tổ chức của Nhà nước có chức năng, được giao nhiệm vụ đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Hải Dương theo quy định tại Quy chế này bao gồm:
1. Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (thuộc Sở Tư pháp) và các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất cho nhân dân xây dựng nhà ở thuộc thành phố Hải Dương, thị trấn, ven đường quốc lộ, tỉnh lộ.
2. Hội đồng đấu giá cấp tỉnh
a) Hội đồng đấu giá cấp tỉnh do Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập cho từng trường hợp cụ thể trên cơ sở đề nghị của Sở Tài chính. Thành phần gồm: Đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh là Chủ tịch Hội đồng và các thành viên đại diện các sở, ngành: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Kho bạc nhà nước tỉnh và UBND cấp huyện nơi có thửa đất đấu giá. Trường hợp lãnh đạo UBND tỉnh không đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng đấu giá thì uỷ quyền Giám đốc Sở Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng.
b) Hội đồng đấu giá cấp tỉnh có nhiệm vụ:
- Tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư xây dựng (xây dựng nhà ở để bán hoặc cho người thuê trừ trường hợp đất xây dựng nhà chung cư cao tầng cho công nhân khu công nghiệp; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê; sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng; sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh).
- Tổ chức đấu giá khi Nhà nước cho thuê đất đối với tổ chức trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài.
3. Hội đồng đấu giá cấp huyện:
a) Hội đồng đấu giá cấp huyện do Chủ tịch UBND huyện quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của Phòng Tài chính- Kế hoạch, thành phần gồm: Đại diện Lãnh đạo UBND huyện là Chủ tịch Hội đồng, các thành viên là đại diện các phòng ban chức năng của huyện như thành phần Hội đồng đấu giá cấp tỉnh và đại diện UBND xã có thửa đất đấu giá.
b) Hội đồng đấu giá cấp huyện có nhiệm vụ:
- Tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất trên địa bàn huyện, thành phố.
- Tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để sản xuất kinh doanh cho hộ gia đình, cá nhân người Việt Nam trong nước.
- Tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất cho nhân dân xây dựng nhà ở tại các khu vực còn lại trên địa bàn huyện. Trường hợp UBND huyện không thành lập Hội đồng đấu giá cấp huyện thì có thể ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện nhiệm vụ này.
4. Hội đồng đấu giá cấp xã:
a) Hội đồng đấu giá cấp xã do Chủ tịch UBND xã quyết định thành lập, thành phần gồm: Đại diện Lãnh đạo UBND xã là Chủ tịch Hội đồng và các thành viên là đại diện các bộ phận chức năng của xã.
b) Hội đồng đấu giá cấp xã có nhiệm vụ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất khi UBND xã cho thuê đất đối với đất thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.
Điều 8. Hình thức và phương thức đấu giá
1. Hình thức đấu giá:
Đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất chủ yếu được áp dụng hình thức đấu giá công khai bằng bỏ phiếu kín, trực tiếp tại phiên đấu giá. Ngoài ra, tuỳ từng điều kiện cụ thể có thể áp dụng hình thức đấu giá công khai bằng lời.
Phiếu giá dùng trong đấu giá do Tổ chức đấu giá phát hành theo mẫu in sẵn, có dấu của Tổ chức đấu giá. Hội đồng đấu giá cấp tỉnh thì sử dụng dấu của UBND tỉnh (trường hợp uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng thì sử dụng con dấu của Sở Tài chính); Hội đồng đấu giá cấp huyện, xã thì sử dụng dấu của UBND cùng cấp.
2. Phương thức đấu giá:
a) Đối với hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu kín:
Được thực hiện theo hai phương thức: Đấu giá một vòng và đấu giá nhiều vòng liên tục.
Tuỳ theo tính chất, đặc điểm của khu đất đấu giá, Tổ chức đấu giá lựa chọn một trong hai phương thức đấu giá trên cho phù hợp và thông báo công khai phương thức đấu giá trong kế hoạch đấu giá.
b) Đối với hình thức đấu giá công khai bằng lời: Thực hiện phương thức đấu giá nhiều vòng liên tục.
Điều 9. Giá khởi điểm, bước giá để đấu giá
1. Giá khởi điểm:
a) Nguyên tắc xác định giá khởi điểm:
Giá khởi điểm được xác định sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền thuê đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường tại thời điểm xác định giá khởi điểm theo mục đích sử dụng mới của thửa đất đấu giá. Giá khởi điểm không được thấp hơn giá đất, giá thuê đất hiện hành do UBND tỉnh quy định.
Đối với thửa đất đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thì giá khởi điểm phải tính thêm các khoản chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Trường hợp đấu giá cho thuê đất thì giá khởi điểm là tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định.
b) Thẩm quyền quyết định giá khởi điểm:
- Chủ tịch UBND tỉnh quyết định giá khởi điểm để đấu giá (sau khi có văn bản thẩm định của Sở Tài chính) trong các trường hợp sau:
+ Khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất cho tổ chức trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
+ Khi Nhà nước cho thuê đất đối với tổ chức trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
+ Khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân người Việt Nam trong nước để xây dựng nhà ở, sản xuất kinh doanh thuộc địa bàn thành phố Hải Dương, thị trấn, ven quốc lộ, tỉnh lộ.
- Uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tài chính quyết định giá khởi điểm để đấu giá khi Nhà nước giao đất ở có thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân người Việt Nam trong nước để xây dựng nhà ở, sản xuất kinh doanh tại các khu vực còn lại.
- Chủ tịch UBND huyện quyết định giá khởi điểm để đấu giá (sau khi có văn bản thẩm định của Phòng Tài chính - Kế hoạch) khi Nhà nước cho hộ gia đình, cá nhân người Việt Nam trong nước thuê đất; đấu giá cho thuê đất đối với đất thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.
2. Bước giá để đấu giá:
Bước giá để đấu giá là phần chênh lệch giữa mức giá trả cao nhất của vòng trước trực tiếp với giá do Tổ chức đấu giá công bố cho vòng đấu tiếp theo và được áp dụng trong trường hợp phải đấu giá làm nhiều vòng để chọn ra một đối tượng trả giá cao nhất.
Bước giá do Tổ chức đấu giá quy định tại thông báo kế hoạch đấu giá; tuỳ từng trường hợp cụ thể, bước giá đấu giá được quy định từ 10.000đ/m2 đến 1.000.000đ/m2 đối với trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất; từ 100đ/m2 đến 10.000đ/m2 đối với trường hợp cho thuê đất.
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐẤU GIÁ
Điều 10. Kế hoạch đấu giá
Kế hoạch đấu giá do Tổ chức đấu giá ban hành. Trước khi tổ chức đấu giá 30 ngày, Tổ chức đấu giá phải thông báo công khai kế hoạch đấu giá ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh, Truyền hình Hải Dương, báo Hải Dương và các phương tiện thông tin đại chúng khác; Niêm yết công khai tại địa điểm tổ chức đấu giá, trụ sở UBND huyện và trụ sở UBND xã có thửa đất đấu giá
Nội dung kế hoạch đấu giá gồm: địa điểm, diện tích, kích thước, mốc giới thửa đất, mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, quy hoạch xây dựng chi tiết, thời hạn sử dụng đất; thời gian và địa điểm đăng ký đấu giá; thời gian và địa điểm tổ chức đấu giá; điều kiện về năng lực tài chính, yêu cầu kỹ thuật để thực hiện dự án đầu tư (nếu có); số tiền đặt cọc và địa điểm, thời hạn nộp tiền đặt cọc; phí đấu giá; hình thức đấu giá; bước giá (nếu có); phương thức đấu giá; thời gian, địa điểm nộp tiền sử dụng đất theo kết quả đấu giá và các thông tin khác có liên quan.
Điều 11. Đăng ký tham gia đấu giá
1. Các đối tượng có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 6 của Quy chế này thực hiện đăng ký và hoàn tất các thủ tục đăng ký tham gia đấu giá trong thời hạn do Tổ chức đấu giá thông báo trong kế hoạch đấu giá.
2. Đối tượng tham gia đấu giá khi nộp hồ sơ tham gia đấu giá phải nộp các khoản tiền sau đây:
a) Tiền đặt cọc do Tổ chức đấu giá quyết định cho từng cuộc đấu giá nhưng tối đa không quá 5% giá khởi điểm của thửa đất đấu giá. Người trúng đấu giá không được lấy lại tiền đặt cọc mà được trừ vào tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp.
- Được lấy lại khoản tiền đặt cọc trong các trường hợp sau:
+ Người không trúng đấu giá, được trả lại ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc.
+ Người đã đăng ký tham gia đấu giá nhưng rút lại đăng ký trong thời hạn hoàn tất thủ tục đăng ký tham gia đấu giá quy định tại khoản 1 Điều này.
- Không được lấy lại khoản tiền đặt cọc và phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước trong các trường hợp sau:
+ Người đã nộp tiền đặt cọc để đăng ký tham gia đấu giá nhưng không tham gia đấu giá.
+ Người tham gia đấu giá từ vòng thứ hai trở đi nhưng trả giá vòng sau thấp hơn giá cao nhất của vòng đấu trước trực tiếp.
+ Người trúng đấu giá nhưng từ chối nhận quyền sử dụng đất hoặc rút lại giá đã trả.
+ Người vi phạm Quy chế đấu giá.
b) Phí đấu giá:
Khoản phí này nộp khi đăng ký tham gia đấu giá, được sử dụng để chi phí cho việc tổ chức thực hiện đấu giá. Khoản này không hoàn trả cho tổ chức, cá nhân đã đăng ký và nhận hồ sơ tham gia đấu giá.
Mức phí cụ thể đối với các trường hợp đấu giá, địa bàn đấu giá theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Quyết định của UBND tỉnh.
Điều 12. Tổ chức phiên đấu giá
1. Trình tự và thủ tục mở phiên đấu giá:
a) Đến giờ mở phiên đấu giá, đại diện Lãnh đạo của Tổ chức đấu giá giới thiệu Người điều hành phiên đấu giá để thực hiện các công việc sau:
- Giới thiệu thành viên của Tổ chức đấu giá và Người giúp việc phiên đấu giá (nếu có).
- Điểm danh các đối tượng đã đăng ký đấu giá, công bố các đối tượng đủ điều kiện tham gia đấu giá.
- Giới thiệu toàn bộ thông tin về thửa đất đấu giá.
- Giải đáp các vấn đề những người tham dự đấu giá quan tâm.
- Phát Phiếu giá cho những người đủ điều kiện đấu giá và hướng dẫn cách thức ghi Phiếu giá.
b) Ghi Phiếu giá và bỏ vào hòm phiếu:
Trong thời gian 15 phút, người tham gia đấu giá phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, số thửa đất xin đấu giá; ghi mức giá đặt mua cả bằng số và bằng chữ; ký, ghi rõ họ tên người tham gia đấu giá và bỏ Phiếu giá vào hòm phiếu.
Phiếu giá hợp lệ là Phiếu giá do Tổ chức đấu giá phát hành, ghi đầy đủ các thông tin theo đúng yêu cầu của Tổ chức đấu giá; các Phiếu giá còn lại không đáp ứng được yêu cầu trên là Phiếu giá không hợp lệ.
c) Kiểm phiếu và công bố giá khởi điểm, công bố mức giá đặt mua:
- Trường hợp đấu giá nhiều vòng:
Sau khi thu hết Phiếu giá của người tham gia đấu giá và làm các thủ tục về kiểm phiếu theo quy định, Người điều hành phiên đấu giá công bố giá khởi điểm và mức giá đặt mua cao nhất của vòng đấu đó (không công bố cụ thể người đã trả mức giá cao nhất).
Người điều hành phiên đấu giá tuyên bố vòng đấu giá tiếp theo, công bố giá khởi điểm của vòng đấu giá tiếp theo, xác định những người tiếp tục tham gia vòng đấu giá (những người đặt giá mua thấp hơn giá khởi điểm hoặc không có nhu cầu đấu giá tiếp sẽ bị loại) và phát Phiếu giá cho những người tiếp tục tham gia đấu giá, yêu cầu ghi mức giá muốn trả vào Phiếu giá.
Cứ như vậy, phiên đấu giá sẽ kết thúc khi xác định được mức giá trả cao nhất và không còn người yêu cầu đấu giá tiếp, người có mức giá trả cao nhất là người trúng đấu giá.
Trường hợp có 2 người trở lên cùng trả một mức giá cao nhất nhưng không ai có nhu cầu đấu giá tiếp thì người điều hành phiên đấu giá tổ chức rút thăm để chọn người trúng đấu giá.
- Trường hợp đấu giá một vòng:
Sau khi thu hết Phiếu giá và công bố mức giá đặt mua của những người tham dự đấu giá, Người điều hành phiên đấu giá sẽ công khai giá khởi điểm. Những người có mức giá đặt mua cao hơn hoặc bằng giá khởi điểm sẽ được chọn là người trúng đấu giá theo thứ tự ưu tiên người đặt giá mua cao hơn sẽ được nhận lô (thửa) trước cho đến lô (thửa) đất cuối cùng.
Trường hợp trong một khu đất gồm nhiều lô có diện tích, kích thước, hình dáng khác nhau dẫn đến mức giá khác nhau thì có thể tổ chức đấu giá theo lô, người đặt mua với mức giá cao nhất (cao hơn hoặc bằng giá khởi điểm) sẽ là người trúng đấu giá.
Nếu có từ 2 người trở lên cùng đặt mua với mức giá bằng nhau (cao hơn hoặc bằng giá khởi điểm) thì tiến hành bốc thăm để chọn người trúng đấu giá.
d) Trường hợp đấu giá theo hình thức công khai bằng lời thì trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 11 của Quy chế đấu giá ban hành kèm theo Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ Về việc ban hành Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.
2. Xử lý các trường hợp cụ thể:
a) Trường hợp người tham gia đấu giá ghi mức giá đặt mua bằng số và bằng chữ không khớp nhau thì lấy số tiền ghi bằng chữ.
b) Trường hợp tất cả những người tham gia đấu giá ở vòng thứ nhất đều bỏ mức giá thấp hơn mức giá khởi điểm thì Người điều hành phiên đấu giá công bố phiên đấu giá không thành và tiến hành tổ chức đấu giá lại vào thời điểm khác.
c) Trường hợp người trúng đấu giá từ chối không nhận quyền sử dụng đất hoặc rút lại giá đã đặt mua thì Tổ chức đấu giá xem xét chọn người thấp hơn, liền kề là người trúng giá bổ sung với điều kiện chênh lệch giữa hai mức giá thấp hơn tiền đặt cọc và mức giá trúng đấu giá không được thấp hơn giá khởi điểm (trường hợp đấu giá một vòng) hoặc không được thấp hơn mức giá khởi điểm của vòng đấu cuối cùng (trường hợp đấu giá nhiều vòng).
Nếu người trúng giá bổ sung từ chối không nhận quyền sử dụng đất thì Tổ chức đấu giá trình cấp có thẩm quyền ra văn bản huỷ bỏ kết quả đấu giá. Cuộc đấu giá sẽ được tổ chức lại vào thời điểm khác.
3. Biên bản đấu giá:
Diễn biến của mỗi phiên bán đấu giá phải được ghi thành Biên bản đấu giá với những nội dung chủ yếu như sau:
a) Địa điểm, thời gian tổ chức đấu giá.
b) Tên Tổ chức đấu giá, họ tên Người điều hành phiên đấu giá.
c) Số đối tượng tham gia đấu giá.
d) Mức giá khởi điểm của vòng đấu giá thứ nhất và quy định bước giá (nếu có).
đ) Mức giá đặt mua thấp nhất; mức giá đặt mua cao nhất (trường hợp đấu giá nhiều vòng).
e) Mức giá đặt mua của các đối tượng tham gia đấu giá (kết quả kiểm phiếu).
f) Họ tên, địa chỉ, điện thoại (nếu có) của người trúng giá và vị trí lô (thửa) đất trúng đấu giá.
g) Kết luận có liên quan khác.
Biên bản đấu giá có ký xác nhận của người điều hành phiên đấu giá, Tổ chức đấu giá, người trúng đấu giá và đại diện cho những người tham gia đấu giá. Biên bản đấu giá và Phiếu giá của các đối tượng tham gia đấu giá được lưu tại Tổ chức đấu giá và làm cơ sở để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá.
Điều 13. Thẩm định và phê duyệt kết quả đấu giá
Chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày mở phiên đấu giá, Tổ chức đấu giá gửi văn bản trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kết quả đấu giá. Cụ thể:
1. Giám đốc Sở Tài chính thẩm định và trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kết quả đấu giá trong trường hợp đấu giá khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất đối với tổ chức trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài;
2. Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện thẩm định, trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt kết quả đấu giá quyền sử dụng đất đối với các trường hợp:
- Đấu giá khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân người Việt Nam trong nước để xây dựng nhà ở hoặc sản xuất kinh doanh.
- Đấu giá cho thuê đất với hộ gia đình, cá nhân người Việt Nam trong nước( cả trường hợp cho thuê đất thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản).
3. Nội dung thẩm định và phê duyệt kết quả đấu giá gồm: Họ tên, địa chỉ của người trúng đấu giá, ví trí và diện tích của thửa đất trúng đấu giá, mức giá trúng đấu giá, tổng số tiền trúng đấu giá phải nộp.
4. Thời hạn thẩm định và phê duyệt kết quả đấu giá:
a) Thời hạn thẩm định không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Văn bản đề nghị và hồ sơ hợp lệ do Tổ chức đấu giá gửi đến.
b) Thời hạn phê duyệt kết quả đấu giá không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Văn bản thẩm định của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 1,2 Điều này.
5. Giá trúng đấu giá để cho thuê đất được giữ ổn định trong thời hạn 05 năm, trừ trường hợp Nhà nước có sự điều chỉnh về giá đất. Hết thời hạn ổn định trên, giá thuê đất sẽ được xem xét điều chỉnh theo mức giá các loại đất do UBND tỉnh quy định cùng thời điểm.
Điều 14. Thu, nộp tiền trúng đấu giá
1. Căn cứ quyết định phê duyệt kết quả đấu giá, chậm nhất sau 03 ngày làm việc cơ quan tài nguyên và môi trường phối hợp cùng cơ quan thuế xác lập Thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các khoản nộp khác (nếu có) gửi đến người trúng đấu giá.
2. Trong thời hạn tối đa không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền của cơ quan thuế, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các khoản nộp khác bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản (tiền Việt Nam đồng) tại địa điểm nộp tiền theo thông báo.
Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng thì thời gian nộp tiền sẽ có quy định riêng và được UBND tỉnh quyết định cho từng trường hợp cụ thể.
3. Việc luân chuyển hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính của người trúng đấu giá thực hiện theo các quy định tại Thông tư liên bộ số 30/2005/TTLT/BTC-BTNMT ngày 18/4/2005 của liên Bộ Tài chính- Bộ Tài nguyên &-Môi trường và các quy định hiện hành.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh, Kho bạc nhà nước tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện việc luân chuyển hồ sơ, thu, nộp tiền trúng đấu giá đảm bảo an toàn, thuận tiện, nhanh chóng.
Điều 15. Giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá
1. Căn cứ vào quyết định phê duyệt kết quả đấu giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và giấy nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào Kho bạc nhà nước, cơ quan tài nguyên môi trường (theo thẩm quyền được quy định tại Luật Đất đai) tiến hành các thủ tục giao đất trên thực địa, lập hồ sơ quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá theo quy định hiện hành.
2. Thời hạn giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá tối đa không quá 15 ngày làm việc sau khi người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định hiện hành.
Điều 16. Quyền lợi và trách nhiệm của người người trúng đấu giá
1. Quyền lợi của người trúng đấu giá: Được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo kết quả trúng đấu giá do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Trách nhiệm của người trúng đấu giá: Thực hiện theo đúng các cam kết khi tham gia đấu giá; nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đầy đủ và đúng quy định.
Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng đất, quản lý đô thị, quy hoạch xây dựng và bảo vệ môi trường.
Điều 17. Thanh toán, hạch toán và quản lý tiền thu được từ đấu giá
1. Trường hợp đấu giá khu đất thuộc dự án sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng: Số tiền còn lại sau khi thanh toán giá trị công trình xây dựng kết cấu hạ tầng cho nhà đầu tư và khoản tiền ứng trước để bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi được nộp vào tài khoản do Sở Tài chính mở tại Kho bạc nhà nước và được sử dụng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân xây dựng nhà ở thì các khoản chi phí ứng trước (bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các chi phí khác có liên quan) sẽ được phân bổ bình quân cho diện tích đất ở theo quy hoạch làm căn cứ để trừ vào kết quả trúng đấu giá cho từng người trúng đấu giá trước khi nộp ngân sách nhà nước.
3. Các trường hợp đấu giá khác: Số tiền còn lại sau khi thanh toán khoản tiền ứng trước để bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật (nếu có) được nộp ngân sách nhà nước. Việc phân bổ, sử dụng các khoản thu này giữa các cấp ngân sách thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Điều 18. Trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan của Nhà nước
1. Sở Tài chính:
a) Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan về trình tự, thủ tục xây dựng giá khởi điểm theo quy định.
b) Tổng hợp kết quả thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất trên địa bàn toàn tỉnh báo cáo Bộ Tài chính và Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định.
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo qui định.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Tổng hợp và lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
b) Chủ trì cùng các đơn vị liên quan trong việc hoàn tất các thủ tục về đất đai bảo đảm cho việc đấu giá quyền sử dụng đất theo thẩm quyền được giao.
c) Phối hợp cùng Cục thuế tỉnh, Kho bạc nhà nước tỉnh hướng dẫn và chỉ đạo Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện thực hiện việc luân chuyển hồ sơ, thu, nộp tiền trúng đấu giá và giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá theo quy định hiện hành.
3. Sở Xây dựng:
a) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch xây dựng để tổ chức đấu giá đất theo đúng các quy định hiện hành.
b) Thẩm định quy hoạch xây dựng theo thẩm quyền bảo đảm cho việc đấu giá quyền sử dụng đất.
4. Sở Tư pháp: Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn các huyện, thành phố theo quy định.
5. Cục Thuế tỉnh:
a) Phối hợp cùng Kho bạc nhà nước tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn và chỉ đạo Chi cục thuế các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan trong việc luân chuyển hồ sơ, thu, nộp tiền trúng đấu giá và các khoản thu khác của người trúng đấu giá; thông báo nộp tiền theo quy định hiện hành.
b) Giải thích những thắc mắc cho người trúng đấu giá về việc thu, nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo kết quả đấu giá.
6. Kho bạc nhà nước tỉnh:
a) Phối hợp cùng Cục Thuế tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn và chỉ đạo Kho bạc nhà nước các huyện và các đơn vị có liên quan trong việc luân chuyển hồ sơ, thu, nộp tiền trúng đấu giá và các khoản thu khác của người trúng đấu giá;
b) Chỉ đạo Kho bạc nhà nước các huyện và các bộ phận liên quan của Kho bạc nhà nước tỉnh tổ chức thu tiền sử dụng đất và các khoản thu khác theo kết quả trúng đấu giá được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
7. Uỷ ban nhân dân cấp huyện:
a) Lập kế hoạch sử dụng đất, hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch chi tiết, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, hồ sơ xây dựng kết cấu hạ tầng (nếu có) để đấu giá đất khi giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
b) Chỉ đạo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo quy định và tổ chức giải phóng mặt bằng để tổ chức đấu giá.
c) Bố trí tạm ứng ngân sách cấp huyện để chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất theo hình thức cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân theo kế hoạch hàng năm.
d) Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND xã có đất đấu giá khảo sát mức giá làm cơ sở trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền quy định tại Quy chế này.
đ) Chỉ đạo Hội đồng đấu giá cấp huyện ban hành kế hoạch đấu giá theo thẩm quyền và tổ chức đấu giá theo đúng các quy định của Quy chế này.
e) Tổ chức kiểm tra, giám sát Uỷ ban nhân dân cấp xã trên địa bàn quản lý về việc thực hiện đấu giá cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.
f) Báo cáo kết quả thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất trên địa bàn về Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính và Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định.
8. Uỷ ban nhân dân cấp xã:
a) Lập hồ sơ sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cùng với Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và phối hợp tổ chức giải phóng mặt bằng để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
b) Bố trí tạm ứng ngân sách cấp xã để chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất cho hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở theo kế hoạch hàng năm.
c) Chỉ đạo các bộ phận chuyên môn và Hội đồng đấu giá cấp xã khảo sát mức giá làm cơ sở trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền quy định tại Quy chế này.
d) Chỉ đạo Hội đồng đấu giá cấp xã ban hành kế hoạch đấu giá theo thẩm quyền và tổ chức đấu giá theo đúng các quy định của Quy chế này.
đ) Phối hợp với cơ quan tài nguyên và môi trường để giao đất cho người trúng đấu giá theo thẩm quyền.
Điều 19. Xử lý vi phạm trong quá trình đấu giá quyền sử dụng đất
1. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về giá như dìm giá, gian lận, thông đồng mua chuộc, ép giá, tiết lộ về giá hoặc làm mất tính công khai dân chủ trong đấu giá nếu bị phát hiện đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nếu có vi phạm trong quá trình đấu giá thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Các đối tượng tham gia đấu giá mà gian dối, không thực hiện đúng các quy định tại Quy chế đấu giá này, sử dụng đất không đúng mục đích đều bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
4. Các khiếu nại, tố cáo có liên quan đến quá trình tổ chức thực hiện đấu giá được giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; pháp luật về đất đai; pháp luật về đấu giá.
Điều 20. Điều khoản thi hành
Giao cho Sở Tài chính phối hợp cùng các cơ quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì phản ánh về Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét , giải quyết./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.