UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2446/QĐ-UBND | Huế, ngày 25 tháng 11 năm 2010 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ NỘI DUNG CHI, MỨC CHI ÁP DỤNG CHO CÔNG TÁC LẬP, PHÊ DUYỆT DỰ TOÁN THI TUYỂN VÀ TUYỂN CHỌN PHƯƠNG ÁN THIẾT KẾ KIẾN TRÚC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12;
Căn cứ Nghị định số 68/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26 tháng 5 năm 2010 của Bộ xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Thông tư số 23/2009/TT-BXD ngày 16 tháng 7 năm 2009 của Bộ xây dựng hướng dẫn thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 117/2008/TT-BTC ngày 5 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29 tháng 9 năm 2009 của Bộ Xây dựng về việc công bố Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 1686/TTr-TCĐT ngày 20 tháng 7 năm 2010 và Công văn số 2463/STC-TCĐT ngày 7 tháng 10 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về quản lý nội dung chi, mức chi áp dụng cho công tác lập, phê duyệt dự toán thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 2. Nội dung chi, mức chi được quy định tại Quyết định này là mức trần tối đa. Chủ đầu tư khi lập dự toán kinh phí tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình xây dựng phải cân nhắc kỹ các nội dung chi thật cần thiết nhằm đảm bảo sử dụng ngân sách tiết kiệm, có hiệu quả.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011.
Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh; Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Giám đốc các Ban Đầu tư và xây dựng, Chủ đầu tư các dự án, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện, thành phố Huế và thị xã Hương Thủy chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ QUẢN LÝ NỘI DUNG CHI, MỨC CHI ÁP DỤNG CHO CÔNG TÁC LẬP, PHÊ DUYỆT DỰ TOÁN THI TUYỂN VÀ TUYỂN CHỌN PHƯƠNG ÁN THIẾT KẾ KIẾN TRÚC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2446/QĐ-UBND ngày 25 /11/2010 của UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích
Quy định này nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao trách nhiệm của Chủ đầu tư về công tác quản lý, sử dụng chi phí thực hiện thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước đối với các công trình yêu cầu phải thi tuyển nhằm chọn được phương án kiến trúc tốt nhất để thiết kế xây dựng công trình đạt hiệu quả cao nhất.
Điều 2. Phạm vi áp dụng
Quy định này hướng dẫn việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán thực hiện thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng đối với các công trình yêu cầu phải tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc sử dụng vốn nhà nước.
Điều 3. Đối tượng áp dụng
Các chủ đầu tư và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước.
Điều 4. Các công trình yêu cầu phải tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc
1. Các công trình công cộng có quy mô lớn, có yêu cầu kiến trúc đặc thù phải được người quyết định đầu tư quyết định lựa chọn hình thức thi tuyển hoặc tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình, bao gồm:
a) Các công trình công cộng có quy mô cấp I, cấp đặc biệt;
b) Các công trình có yêu cầu kiến trúc đặc thù bao gồm:
- Công trình mang tính biểu tượng, công trình điểm nhấn, công trình được xây dựng tại vị trí có ảnh hưởng trực tiếp đến diện mạo cảnh quan kiến trúc của đô thị hoặc các công trình có yêu cầu đặc thù như cửa khẩu quốc tế, tượng đài, nhà ga đường sắt trung tâm, ga hàng không quốc tế, nội địa; trung tâm phát thanh truyền hình cấp tỉnh trở lên;
- Công trình giao thông đô thị có yêu cầu thẩm mỹ cao như cầu vượt, cầu qua sông trong đô thị;
- Công trình là biểu tượng về truyền thống, văn hoá và lịch sử có ý nghĩa đặc
biệt quan trọng đối với địa phương;
- Các công trình có yêu cầu kiến trúc trang trọng, thể hiện quyền lực như trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước, trung tâm hành chính-chính trị cấp tỉnh trở lên;
- Các công trình do yêu cầu của chính quyền để tạo ra dấu ấn, góp phần tạo diện mạo, cảnh quan đô thị.
2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng vốn khác có liên quan đến các công trình yêu cầu phải tổ chức thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc áp dụng Quy định này.
Điều 5. Tổ chức thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc
Việc thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc được thực hiện như sau:
1.Tổ chức thi tuyển
Người quyết định đầu tư (hoặc chủ đầu tư) có thể tự tổ chức thi tuyển hoặc thuê tổ chức có kinh nghiệm tổ chức thi tuyển. Tùy theo tính chất công trình, chủ đầu tư có thể thành lập Hội đồng đánh giá xếp hạng phương án dự thi (sau đây gọi tắt là Hội đồng) hoặc thành lập Tổ chuyên gia hoặc mời cơ quan chuyên môn phù hợp để giúp chủ đầu tư đánh giá, xếp hạng các phương án. Chủ đầu tư mời các chuyên gia trong nước, chuyên gia nước ngoài (nếu thấy cần thiết) trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch và các lĩnh vực liên quan khác tham gia Hội đồng hoặc Tổ chuyên gia.
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm lựa chọn phù hợp với thực tế, đảm bảo tiết kiệm một trong các hình thức thi tuyển sau đây:
a) Thi tuyển rộng rãi:
Thi tuyển thiết kế kiến trúc rộng rãi là hình thức thi tuyển không hạn chế. Tuỳ theo quy mô, tính chất của công trình, khả năng tài chính, người quyết định đầu tư (hoặc chủ đầu tư) có thể lựa chọn một bước thi hoặc hai bước thi tuyển cho một cuộc thi phù hợp với từng phương án kiến trúc, có tính khả thi cao:
- Bước thi ý tưởng kiến trúc (gọi tắt là bước 1) : Hội đồng có trách nhiệm thực hiện nhận xét, thẩm định và đánh giá phương án dự thi “ý tưởng kiến trúc” theo phương pháp chấm điểm để chọn tối đa không quá 10 phương án dự thi có ý tưởng kiến trúc tốt nhất đáp ứng tối đa các yêu cầu về thẩm mỹ, quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, thể hiện được ý nghĩa, tính chất của công trình xây dựng để tham gia bước thi thiết kế kiến trúc tiếp theo.
- Bước thi thiết kế kiến trúc (gọi tắt là bước 2) : Hội đồng có trách nhiệm thực hiện nhận xét, thẩm định và đánh giá 10 phương án dự thi “thiết kế kiến trúc” theo phương pháp chấm điểm để chọn ra 3 phương án thiết kế kiến trúc cao nhất đáp ứng công năng sử dụng, điều kiện thực tế và đồng thời có tính khả thi cao trình người quyết định đầu tư (hoặc chủ đầu tư) xem xét tổ chức trưng bày, triễn lãm, lấy ý kiến cộng đồng để làm cơ sở xếp hạng công bố kết quả và trao giải thưởng.
b) Thi tuyển hạn chế:
Thi tuyển thiết kế kiến trúc hạn chế là hình thức thi tuyển mà chủ đầu tư mời tối thiểu 5 tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài (nếu thấy cần thiết) có năng lực chuyên môn tham gia thi tuyển. Hình thức thi tuyển hạn chế được áp dụng đối với trường hợp chủ đầu tư đã xác định được một số đơn vị tư vấn có năng lực phù hợp với dự án, công trình xây dựng hoặc vì điều kiện và thời gian không thể tổ chức thi tuyển rộng rãi, được tổ chức một bước thi cho một cuộc thi. Hội đồng có trách nhiệm thực hiện nhận xét, thẩm định và đánh giá phương án thiết kế kiến trúc theo phương pháp chấm điểm để chọn ra 3 phương án thiết kế kiến trúc tốt nhất trình người quyết định đầu tư (hoặc chủ đầu tư) xem xét tổ chức trưng bày, triễn lãm, lấy ý kiến cộng đồng để làm cơ sở xếp hạng công bố kết quả và trao giải thưởng.
2.Tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc
Tuyển chọn phương án là hình thức người quyết định đầu tư (hoặc chủ đầu tư) lựa chọn một đơn vị tư vấn thiết kế có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm đề xuất tối thiểu 3 phương án thiết kế để chủ đầu tư lựa chọn phương án tốt nhất để thiết kế, xây dựng công trình.
3. Chi phí cho việc thực hiện thi tuyển, tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình được quy định cụ thể tại Chương II, Quy định này.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ NỘI DUNG VÀ MỨC CHI
Điều 6. Mức chi cho công tác chuẩn bị thi tuyển
1. Chi cho công tác lập kế hoạch thi tuyển và chuẩn bị kinh phí tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc; chi cho công tác lập yêu cầu thiết kế: Mức chi tối đa không quá 700.000 đồng/01 văn bản được người quyết định đầu tư phê duyệt.
2. Chi cho công tác xây dựng phương án lựa chọn hình thức thi tuyển và công bố kết quả thi tuyển: Mức chi tối đa không quá 700.000đồng cho 01 phương án được người quyết định đầu tư phê duyệt.
3. Chi cho công tác xây dựng Quy chế thi tuyển thiết kế kiến trúc; chi cho công tác xây dựng Quy chế làm việc của Hội đồng đánh giá, xếp hạng hoặc Tổ chuyên gia: Mức chi tối đa không quá 700.000 đồng/ 01văn bản được chủ đầu tư phê duyệt.
Điều 7. Mức chi hoạt động trong công tác thi tuyển
1. Mời dự thi
a) Đối với thi tuyển rộng rãi, chủ đầu tư tiến hành thông báo mời các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài (nếu thấy cần thiết) có đủ điều kiện năng lực phù hợp tham gia thi tuyển, chi phí cho các công việc mời dự thi như sau :
- Thông báo qua Đài Truyền hình Việt Nam được thanh toán theo thực chi nhưng không vượt quá 1.200.000đ/lần (tối đa 03 lần)
- Thông báo qua Đài Truyền hình địa phương được thanh toán theo thực chi nhưng không vượt quá 300.000 đ/lần (tối đa 03 lần)
- Đăng thông báo trên một số tờ báo được thanh toán theo thực chi nhưng không vượt quá 750.000 đ/số phát hành (tối đa là 03 số)
- Chi phát hồ sơ mời dự thi, thư mời dự thi và chi phí khác phục vụ mời dự thi được thanh toán theo thực chi nhưng không vượt quá 2.000.000 đồng cho một đợt thi tuyển.
b) Đối với thi tuyển hạn chế, chủ đầu tư phê duyệt danh sách, số lượng các tổ chức, cá nhân được tham gia, chi phí cho các công việc mời dự thi như sau:
- Thông báo qua Đài truyền hình địa phương được thanh toán theo thực chi nhưng không vượt quá 500.00đ/lần đọc (tối đa 03 lần)
- Đăng thông báo trên một số tờ báo được thanh toán theo thực chi nhưng không vượt quá 750.000 đ/số phát hành (tối đa là 03 số)
- Chi phát hồ sơ mời dự thi, thư mời dự thi và chi phí khác phục vụ mời dự thi được thanh toán theo thực chi nhưng không vượt quá 1.000.000 đồng cho một đợt thi tuyển.
c) Chi tổ chức phổ biến Quy chế thi tuyển và công bố giải thưởng, mức thưởng, mức hỗ trợ kinh phí cho các phương án dự thi, Ban tổ chức thi tuyển được thanh toán theo thực chi nhưng không vượt quá 3.000.000 đồng/ngày (bao gồm cả thuê địa điểm, thời gian tổ chức không quá 01 ngày).
2. Ban tổ chức thi tuyển
Chi hội họp của ban tổ chức thi tuyển để hoàn chỉnh các văn bản trình người quyết định đầu tư phê duyệt kế hoạch tổ chức thi tuyển và chuẩn bị kinh phí tổ chức thi tuyển; phương án lựa chọn hình thức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án và công bố kết quả thi tuyển (thời gian hội họp và hoàn chỉnh văn bản tối đa 1 ngày):
- Người chủ trì cuộc họp : 100.000 đồng/người/buổi
- Các thành viên Ban tổ chức : 50.000 đồng/người/buổi
- Chi phí thẩm tra, hoàn chỉnh văn bản : 80.000 đồng/văn bản;
- Chi nước uống : 30.000 đồng/ngày/người.
3. Hội đồng đánh giá, xếp hạng (hoặc Tổ chuyên gia)
a) Chi hội họp của Hội đồng đánh giá, xếp hạng (hoặc Tổ chuyên gia) để hoàn chỉnh các văn bản trình Chủ đầu tư phê duyệt Quy chế thi tuyển thiết kế kiến trúc, Quy chế làm việc của Hội đồng đánh giá và xếp hạng (thời gian hội họp và hoàn chỉnh văn bản tối đa 01 ngày):
- Người chủ trì cuộc họp : 100.000 đồng/người/buổi
- Các thành viên Hội đồng : 50.000 đồng/người/buổi
- Chi phí thẩm tra, hoàn chỉnh văn bản : 80.000 đồng/văn bản;
- Chi nước uống : 30.000 đồng/ngày/người.
b) Chi cho các thành viên Hội đồng đánh giá, xếp hạng (hoặc Tổ chuyên gia) thực hiện công tác thẩm định, đánh giá, cho điểm và xếp hạng các phương án dự thi bước thi ý tưởng (tối đa không quá 3 ngày) hoặc bước thi thiết kế kiến trúc và công bố kết quả thi tuyển thiết kế kiến trúc (tối đa không quá 3 ngày):
- Chủ tịch Hội đồng : 300.000 đồng/ngày/01 bước thi tuyển
- Thành viên Hội đồng : 200.000 đồng/ngày/01 bước thi tuyển
- Thư ký : 150.000 đồng/ngày/01 bước thi tuyển
- Đại biểu mời tham dự : 100.000 đồng/ngày/01 bước thi tuyển
- Chi nước uống : 30.000 đồng/ngày/người.
c) Chi thuê chuyên gia trong nước tham gia Hội đồng đánh giá, xếp hạng:
Tùy yêu cầu, qui mô của dự án và khả năng tài chính, chủ đầu tư có thể thuê chuyên gia trong nước có trình độ chuyên môn, học hàm, học vị, thâm niên công tác tham gia Hội đồng đánh giá, xếp hạng (hoặc Tổ chuyên gia) và chi trả tiền thuê dưới đây tính theo thời gian thuê (thời gian thuê chuyên gia tối đa bằng thời gian hoạt động của Hội đồng) với mức chi trọn gói, bao gồm cả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các loại thuế theo quy định hiện hành:
Mức 1: Chuyên gia có bằng đại học và có từ 3 đến dưới 5 năm kinh nghiệm hoặc có bằng cao học và dưới 3 năm kinh nghiệm, áp dụng mức tối đa không quá 5.400.000 đồng/tháng/người.
Mức 2: Chuyên gia có bằng đại học và có từ 5 đến dưới 10 năm kinh nghiệm hoặc có bằng cao học và có từ 3 đến 5 năm kinh nghiệm, áp dụng mức tối đa không quá 10.800.000 đồng/tháng/ người.
Mức 3: Chuyên gia có bằng đại học và có từ 10 đến dưới 15 năm kinh nghiệm hoặc có bằng cao học và có từ 5 đến 8 năm kinh nghiệm, áp dụng mức tối đa không quá 21.000.000 đồng/tháng/ người.
Mức 4: Chuyên gia có bằng đại học và 15 năm kinh nghiệm hoặc có bằng cao học và trên 8 năm kinh nghiệm áp dụng mức tối đa không quá 27.000.000 đồng/tháng/người.
d) Chi thuê phòng nghỉ, tàu xe (đi và về) cho các chuyên gia trong nước tham gia Hội đồng đánh giá, xếp hạng (hoặc Tổ chuyên gia) được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Những trường hợp cần thiết phải đi bằng máy bay do chủ đầu tư quyết định.
đ) Hỗ trợ tiền ăn cho các chuyên gia trong nước tham gia Hội đồng đánh giá, xếp hạng (nếu có), mức chi tối đa không quá 100.000 đồng/người/ngày;
Những người đã hưởng khoản chi này của Ban tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc thì không được thanh toán chế độ công tác phí ở cơ quan, đơn vị cử đi. Ban tổ chức thi tuyển phải thông báo rõ trong giấy mời tham gia để cơ quan, đơn vị cử đi tránh chi trùng lắp.
e) Chi làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ:
Các thành viên Ban Tổ chức và Hội đồng đánh giá, xếp hạng phải làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ theo yêu cầu của Chủ đầu tư, thì được trả thêm chi phí tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ theo quy định hiện hành về chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.
g) Chi thuê chuyên gia nước ngoài tham gia Hội đồng đánh giá, xếp hạng:
Trường hợp thật cần thiết, tùy theo tính chất công trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (hoặc người quyết định đầu tư) quyết định thuê và hình thức thuê chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch và các lĩnh vực liên quan khác để tham gia Hội đồng đánh giá, xếp hạng hoặc Tổ chuyên gia.
Việc thuê chuyên gia nước ngoài được thực hiện theo Quy chế thuê tư vấn nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 131/2007/QĐ-TTg ngày 09/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định pháp luật Việt Nam có liên quan.
h) Chi thuê dịch thuật:
- Dịch nói thông thường: mức tối đa tối đa không quá 200.000 đồng/giờ/ người, tương đương không quá 1.600.000 đồng/ngày/người làm việc 8 giờ;
- Dịch đuổi (dịch đồng thời): mức tối đa tối đa không quá 350.000 đồng/ giờ/người, tương đương 2.800.000 đồng/ngày/người làm việc 8 giờ;
Định mức chi dịch thuật nêu trên chỉ được áp dụng trong trường hợp cần thiết khi Chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án) phải thuê phiên dịch từ bên ngoài, không áp dụng cho phiên dịch là cán bộ của Chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án).
4. Văn phòng phẩm: Chi văn phòng phẩm phục vụ thi tuyển, tuyển chọn thiết kế kiến trúc (kể cả công bố và trao giải thưởng) theo mức chi thực tế, nhưng tối đa không quá 8% tổng dự toán được duyệt cho một cuộc thi tuyển.
5. Chi phí dự phòng tối đa không quá 10% tổng dự toán được duyệt để chi cho các khoản chi khác (phát sinh ngoài kế hoạch) được thanh toán theo mức chi thực tế do Chủ đầu tư tổ chức thi tuyển quyết định.
Điều 8. Mức chi cho công tác trưng bày, triển lãm, lấy ý kiến cộng đồng
1. Chi thuê địa điểm, hội trường, phương tiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phù hợp với yêu cầu chuyên môn được tính theo hợp đồng thời gian thực tế thuê. Thời gian cụ thể do Chủ đầu tư quyết định. Mức chi tối đa không quá 5.000.000 đồng/ngày (thời gian trưng bày tối đa không quá 7 ngày ).
2. Chi cho thành viên Ban Tổ chức và thư ký Tiểu ban triển lãm: 100.000 đồng/ngày (tính theo thời gian trưng bày tối đa không quá 7 ngày).
Điều 9. Mức chi hỗ trợ cho phương án dự thi
1. Đối với hình thức thi tuyển rộng rãi
a) Hội đồng đánh giá, xếp hạng theo phương pháp chấm điểm qua hai bước chấm:
- Bước 1: Các tổ chức, cá nhân nộp phương án dự thi hợp lệ có đủ điều kiện năng lực phù hợp với Quy chế thi tuyển, được Hội đồng chấm điểm đánh giá, xếp hạng chọn vào bước 2 tối đa không quá 10 phương án dự thi có ý tưởng kiến trúc tốt nhất để thiết kế xây dựng công trình đạt hiệu quả cao nhất. Mỗi phương án được chọn vào bước 2 được Ban tổ chức hỗ trợ kinh phí tối đa như sau:
+ Công trình có tổng mức đầu tư dự tính từ 10÷100 tỷ đồng : 3.000.000 đồng
+ Công trình có tổng mức đầu tư dự tính trên 100 tỷ đồng: 5.000.000 đồng
- Bước 2 : Trong số 10 phương án dự thi của các tổ chức, cá nhân được chọn vào bước 2, Hội đồng chấm điểm đánh giá, xếp hạng chọn ra 3 phương án thiết kế kiến trúc tốt nhất đáp ứng công năng sử dụng, điều kiện thực tế và đồng thời có tính khả thi cao, người quyết định đầu tư (hoặc chủ đầu tư) có thể yêu cầu tác giả điều chỉnh, chỉnh sữa phương án thiết kế cho phù hợp để tổ chức trưng bày, lấy ý kiến cộng đồng về 3 phương án được chọn. Mỗi phương án được chọn được Ban tổ chức hỗ trợ kinh phí tối đa như sau:
+ Công trình có tổng mức đầu tư dự tính từ 10÷100 tỷ đồng: 5.000.000 đồng
+ Công trình có tổng mức đầu tư dự tính trên 100 tỷ đồng: 10.000.000 đồng
b) Trường hợp người quyết định đầu tư (hoặc chủ đầu tư) lựa chọn một bước thi cho một cuộc thi : Các phương án dự thi của các tổ chức, cá nhân tham gia đều phải sơ tuyển để chọn lựa các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực phù hợp tham gia thi tuyển. Tuỳ theo quy mô, tính chất của công trình, khả năng tài chính của dự án chủ đầu tư phê duyệt danh sách các tổ chức, cá nhân được tham gia thi tuyển. Mỗi phương án được tham gia thi tuyển được Ban tổ chức hỗ trợ kinh phí tối đa như sau:
+ Công trình có tổng mức đầu tư dự tính từ 10÷100 tỷ đồng : 3.000.000 đồng
+ Công trình có tổng mức đầu tư dự tính trên 100 tỷ đồng : 5.000.000 đồng
2. Đối với hình thức thi tuyển hạn chế
Hội đồng đánh giá, xếp hạng theo phương pháp chấm điểm qua một bước chấm để chọn ra 3 phương án thiết kế kiến trúc tốt nhất, người quyết định đầu tư (hoặc chủ đầu tư) có thể yêu cầu tác giả điều chỉnh, chỉnh sữa phương án thiết kế cho phù hợp để tổ chức trưng bày, lấy ý kiến cộng đồng về 3 phương án dự thi. Mỗi phương án được chọn được Ban tổ chức hỗ trợ kinh phí tối đa như sau:
+ Công trình có tổng mức đầu tư dự tính từ 10÷100 tỷ đồng : 5.000.000 đồng
+ Công trình có tổng mức đầu tư dự tính trên 100 tỷ đồng : 10.000.000 đồng
Điều 10. Cơ cấu giải thưởng và mức chi tiền thưởng
Giải thưởng được chọn cho 3 phương án cao nhất lần lượt là: giải nhất, giải nhì và giải ba, mức chi tối đa cho mỗi giải cụ thể như sau:
1. Công trình có tổng mức đầu tư dự tính từ 10 đến 30 tỷ đồng: giải nhất 10.000.000 đồng, giải nhì 7.000.000 đồng, giải ba 5.000.000 đồng;
2. Công trình có tổng mức đầu tư dự tính từ trên 30 đến 100 tỷ đồng: giải nhất 30.000.000 đồng, giải nhì 22.000.000 đồng, giải ba 15.000.000 đồng;
3. Công trình có tổng mức đầu tư dự tính trên 100 đến 700 tỷ đồng: giải nhất 60.000.000 đồng, giải nhì 45.000.000 đồng, giải ba 30.000.000 đồng;
4. Công trình có tổng mức đầu tư dự tính trên 700 tỷ đồng: giải nhất 150.000.000 đồng, giải nhì 110.000.000 đồng, giải ba 75.000.000 đồng;
Điều 11. Mức chi cho hình thức tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc
1. Không áp dụng mức chi hỗ trợ và mức chi tiền thưởng theo Điều 9 và Điều 10 của Quy định này đối với các phương án được lựa chọn theo hình thức tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc.
2. Trên cơ sở hướng dẫn tại các Điểm a, c, đ Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 5 của Thông tư số 23/2009/TT-BXD ngày 16/7/2009 của Bộ xây dựng hướng dẫn thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng, người quyết định đầu tư (hoặc chủ đầu tư) tổ chức công tác tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cho phù hợp với quy mô, tính chất của công trình xây dựng và điều kiện thực tế.
Chi phí cho việc thực hiện công tác tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình nêu tại Khoản này được áp dụng theo các mức chi tương ứng quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 8 của Quy định này.
Điều 12. Nguồn kinh phí thực hiện thi tuyển thiết kế kiến trúc
Nguồn kinh phí thực hiện thi tuyển, tuyển chọn thiết kế kiến trúc được tính vào tổng mức đầu tư của dự án đầu tư xây dựng công trình, trong đó :
1. Chi phí để tổ chức thi tuyển, tuyển chọn thiết kế kiến trúc thuộc chi phí khác của chi phí quản lý dự án của tổng mức đầu tư, bao gồm một số chi phí sau: Chi phí cho công tác chuẩn bị thi tuyển, chi phí cho Ban tổ chức và một số chi phí khác ( nếu có);
2. Chi phí thi tuyển thiết kế kiến trúc được tính trong Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng của tổng mức đầu tư, bao gồm một số chi phí sau: Chi phí mời thi tuyển; chi phí cho Hội đồng đánh giá, xếp hạng ; Chi phí thuê chuyên gia tư vấn trong nước, nước ngoài tham gia Hội đồng đánh giá, xếp hạng; Chi phí trưng bày, triển lãm, lấy ý kiến cộng đồng; Chi phí hỗ trợ phương án dự thi; Chi phí giải thưởng ; chi phí thuê đơn vị tư vấn tổ chức cuộc thi và một số chi phí khác (nếu có).
Điều 13. Công tác lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí
Công tác quản lý tài chính đối với thi tuyển thiết kế kiến trúc phải thực hiện theo các quy định của Luật ngân sách Nhà nước, các chế độ quản lý tài chính hiện hành và các quy định cụ thể dưới đây:
1. Lập dự toán: Sau khi người quyết định đầu tư quyết định tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc thì chủ đầu tư căn cứ vào khối lượng công việc, nội dung và mức chi tại Quy định này để lập dự toán thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cho phù hợp với khả năng tài chính của dự án gửi phòng Quản lý tài chính Đầu tư thẩm định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Quản lý và sử dụng kinh phí: Căn cứ vào dự toán được phê duyệt chủ đầu tư dự án thực hiện quản lý và sử dụng kinh phí tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị thi tuyển đến khi kết thúc công bố kết quả thi tuyển. Mọi tranh chấp trong quá trình thực hiện thi tuyển (nếu có) được giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Quyết toán kinh phí: Thực hiện theo các quy định của Luật ngân sách Nhà nước, các chế độ quản lý tài chính hiện hành.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Trách nhiệm của chủ đầu tư
1. Chịu trách nhiệm thực hiện việc lập dự toán, trình duyệt dự toán thi tuyển thiết kế kiến trúc đúng nội dung của quy định này;
2. Chịu trách nhiệm toàn bộ về việc quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình xây dựng, về tính chính xác của số liệu và tính pháp lý của hồ sơ trình duyệt.
Điều 15. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan
1. Sở Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn, thẩm định, thẩm tra, phê duyệt dự toán kinh phí tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình xây dựng do chủ đầu tư gửi đến.
2. Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch chịu trách nhiệm kiểm soát, thanh toán chi phí tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc theo dự toán được duyệt, phù hợp chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước và các quy định cụ thể tại Quy định này;
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Sở Xây dựng có trách nhiệm giám sát, kiểm tra thực hiện việc tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc đối với các công trình nói tại Điều 3, Thông tư số 23/2009/TT-BXD ngày 16/7/2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng; có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, đơn vị có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc.
4. Cơ quan, tổ chức tư vấn, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện đúng nội dung chi, mức chi cho công tác thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước được quy định cụ thể tại Quy định này.
Điều 16. Tổ chức thực hiện
1. Các chủ đầu tư đã được phê duyệt dự toán kinh phí tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình xây dựng trước ngày có hiệu lực của Quy định này, nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc đang thực hiện dở dang thì không phải làm thủ tục phê duyệt lại dự toán, tiếp tục thực hiện theo dự toán đã duyệt cho đến khi kết thúc dự án.
Các công trình yêu cầu phải tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc chưa được phê duyệt dự toán thì thực hiện theo Quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản được dẫn chiếu để áp dụng trong Quy định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản mới theo hướng dẫn của Sở Tài chính. Các vướng mắc trong quá trình thực hiện, các đơn vị gửi về Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.