BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2428/QĐ-BGTVT | Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông và Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Đảm bảo an toàn giao thông đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 kèm theo Quyết định này với các nội dung chính sau đây:
I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu chung:
a) Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt;
b) Xác định lộ trình đầu tư các dự án về cơ sở hạ tầng trước mắt và lâu dài, nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu, giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người bị chết và số người bị thương), phù hợp với Quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược phát triển Giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
c) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý an toàn giao thông đường sắt; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức và cá nhân để tuyên truyền, bảo vệ, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm gây mất an toàn giao thông đường sắt.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2020:
- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn giao thông đường sắt;
- Không để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt do các đường giao dân sinh; giảm 50% số vụ tai nạn giao thông đường sắt (so với năm 2013) do vi phạm như đi đứng ngồi, đi lại; đỗ xe, xếp đỡ hàng hóa, chăn thả gia súc trong phạm vi khổ tiếp giáp kiến trúc đường sắt hoặc đặt chướng ngại vật lên đường sắt;
- Giảm 50% số vụ tai nạn giao thông đường sắt do chủ quan gây ra (so với năm 2013).
b) Giai đoạn từ sau năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030:
- Giảm 50% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên đường ngang;
- Không để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt do lỗi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt;
- Không để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt do lỗi của phương tiện vận tải (mất hãm, gãy lò xo, gãy trục bánh, bó hãm…);
- Không để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do sụt trượt mái ta luy, lở đất đá, trôi đường;
- Không để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do lỗi vi phạm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt; quy định về đường ngang; quy định về khai thác cầu chung giữa đường bộ - đường sắt; vi phạm kỷ luật lao động (như uống rượu bia, làm việc quá số giờ quy định, bỏ đi chơi trong giờ làm việc...).
II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2020
a) Tiếp tục triển khai thực hiện và hoàn thành các dự án về bảo đảm an toàn giao thông đường sắt đã có kế hoạch, bảo đảm không còn đường giao dân sinh;
b) Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về hành lang bảo vệ, hành lang an toàn giao thông đường sắt, niên hạn sử dụng phương tiện đường sắt, giao cắt đường sắt với đường bộ và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông vận tải đường sắt nói chung và an toàn giao thông đường sắt nói riêng;
c) Nâng cao chất lượng phương tiện giao thông đường sắt và tăng cường bảo đảm an toàn giao thông đường sắt trong công tác tổ chức chạy tàu;
d) Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế trong hoạt động giao thông đường sắt.
Danh mục các chương trình, dự án của Đề án quy định tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.
2. Định hướng sau năm 2020 đến năm 2030
a) Tiếp tục triển khai các dự án liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông đường sắt;
b) Tiếp tục nâng cao chất lượng phương tiện giao thông đường sắt; đổi mới đầu máy, toa xe;
c) Nghiên cứu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, khai thác đường sắt cao tốc và đường sắt điện khí hóa. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông vận tải đường sắt;
d) Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các nước có ngành Giao thông vận tải đường sắt phát triển mạnh và hiện đại.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Đề án được xác định đối với từng chương trình, dự án cụ thể theo quy định và trong phạm vi dự toán chi ngân sách nhà nước giao hàng năm.
2. Nguồn kinh phí thực hiện:
a) Nguồn ngân sách nhà nước (Nguồn chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên);
b) Nguồn vốn ODA, nguồn vốn viện trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thời gian thực hiện Đề án
a) Giai đoạn 1: Từ năm 2014 đến năm 2020;
b) Giai đoạn 2: Từ sau năm 2020 đến năm 2030.
2. Phân công nhiệm vụ
a) Vụ An toàn giao thông
- Là đầu mối tham mưu cho Lãnh đạo Bộ chỉ đạo thực hiện Đề án, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các địa phương phối hợp thực hiện Đề án, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Đề án;
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện các nội dung thuộc Danh mục các chương trình, dự án tại Phụ lục kèm theo Quyết định này;
- Định kỳ 06 tháng, tổng hợp tình hình thực hiện Đề án, báo cáo Bộ trưởng.
b) Các Vụ, cơ quan tham mưu khác thuộc Bộ
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trong việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án và các nhiệm vụ thuộc Danh mục các chương trình, dự án của Đề án tại Phụ lục kèm theo Quyết định này theo đúng tiến độ và đúng quy định của pháp luật;
- Hàng năm, phối hợp với Vụ An toàn giao thông xây dựng chương trình, dự án triển khai thực hiện Đề án; kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Đề án.
c) Cục Đường sắt Việt Nam
- Phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tổ chức thực hiện Đề án, bao gồm các nhiệm vụ quy định tại Danh mục chương trình, dự án tại Phụ lục kèm theo Quyết định này; phối hợp với Vụ An toàn giao thông tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện, tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải;
- Hàng năm, phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện Đề án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện;
- Phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
d) Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
- Chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức thực hiện Đề án, bao gồm các nhiệm vụ quy định tại Danh mục chương trình, dự án tại Phụ lục kèm theo Quyết định này;
- Định kỳ 06 tháng, báo cáo Bộ Giao thông vận tải về kết quả, tình hình thực hiện Đề án.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN CỦA ĐỀ ÁN ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2428/QĐ-BGTVT ngày 26 tháng 06 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
TT | Chương trình, dự án | Cơ quan, đơn vị thực hiện | Tiến độ thực hiện |
A | GIAI ĐOẠN 2014 -2020 |
|
|
1 | Về kết cấu hạ tầng |
|
|
1.1 | Hoàn thành các dự án Xây dựng các hạng mục công trình thuộc giai đoạn 2 Kế hoạch 1856 theo lệnh khẩn cấp; 288 đường ngang; giải tỏa tầm nhìn đường sắt đường bộ tại 653 đường ngang. | Tổng công ty ĐSVN | 2014-2015 |
1.2 | Hoàn thành xây dựng hàng rào, đường gom dọc tuyến đường sắt để xóa bỏ toàn bộ các đường ngang dân sinh. Cải tạo, nâng cấp các đường ngang vi phạm quy định tại Thông tư số 33/2012/TT-BGTVT quy định về đường ngang. | Tổng công ty ĐSVN & các doanh nghiệp quản lý ĐSCD chủ trì, Cục ĐSVN, Vụ KHĐT | 2015-2018 |
1.3 | Hoàn thành việc xây dựng cầu vượt, đường ngầm để hành khách đi lại tại các ga hạng 1. | Tổng công ty ĐSVN chủ trì, Cục ĐSVN, Vụ KHĐT | 2014-2020 |
1.4 | Hoàn thành xây dựng 33/80 cầu vượt đường sắt tại các vị trí giao cắt Quốc lộ 1 và đường sắt Thống Nhất. | Ban Quản lý dự án ATGT chủ trì, Cục ĐSVN, Vụ KHĐT | 2015-2020 |
1.5 | Hoàn thành việc giải tỏa hành lang ATGTĐS bước 1 tại 5 tỉnh thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai và Sài Gòn). | Tổng công ty ĐSVN chủ trì, Cục ĐSVN, Vụ KHĐT | 2015-2020 |
2 | Về phương tiện vận tải và tổ chức chạy tàu |
|
|
2.1 | Hoàn thành công tác đánh giá chất lượng đầu máy, toa xe và phụ tùng thay thế, công tác thử nghiệm thiết bị giám sát hành trình. | Tổng công ty ĐSVN | 2014-2015 |
2.2 | Hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên toàn bộ đầu máy. | Tổng công ty ĐSVN; các doanh nghiệp quản lý ĐSCD | 2015-2016 |
2.3 | Thay thế một số đầu máy, toa xe có niên hạn sử dụng 35- 40 năm. | Tổng công ty ĐSVN; các doanh nghiệp quản lý ĐSCD | 2015-2020 |
2.4 | Tổ chức học tập và kiểm tra định kỳ hàng năm về quy trình an toàn giao thông đường sắt cho các đối tượng làm công tác chạy tàu. | Tổng công ty ĐSVN; các doanh nghiệp quản lý ĐSCD | Định kỳ hàng năm |
3 | Về cơ chế, chính sách |
|
|
3.1 | Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Đường sắt | Cục ĐSVN chủ trì soạn thảo, Vụ Pháp chế chủ trì trình | 2014-2015 |
3.2 | Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2009/TT-BGTVT và Thông tư số 29/2013/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT “quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt”. | Cục ĐSVN chủ trì soạn thảo, Vụ ATGT chủ trì trình | 2015-2016 |
3.3 | Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 66/2011/TT-BGTVT về ban hành 03 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ĐS. | Cục ĐSVN chủ trì soạn thảo, Vụ KHCN chủ trì trình | 2015 |
3.4 | Xây dựng mới Thông tư ban hành Quy chuẩn thiết kế đường sắt khổ 1000mm. | Cục ĐSVN chủ trì soạn thảo, Vụ KHCN chủ trì trình | 2016 |
3.5 | Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ. | Cục ĐSVN chủ trì soạn thảo, Vụ ATGT chủ trì trình | 2017-2018 |
3.6 | Xây dựng mới Nghị định, Thông tư hướng dẫn quy định về niên hạn sử dụng đối với các loại đầu máy, toa xe. | Cục ĐSVN chủ trì soạn thảo, Vụ Vận tải chủ trì trình | 2015-2016 |
3.7 | Xây dựng chương trình tuyên truyền về ATGTĐS trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo viết và báo điện tử, Đài truyền thanh & truyền hình, Pano...). | Cục ĐSVN chủ trì, Tổng công ty ĐSVN, Báo GTVT, Tạp chí GTVT | Định kỳ hàng tháng, hàng quý |
3.8 | Tiếp tục duy trì tốt công tác quản lý, điều hành và phối hợp trong công tác đảm bảo ATGTĐS. | Cục ĐSVN, ĐSVN, TCĐB, Sở GTVT, các doanh nghiệp quản lý ĐSCD; UBND các quận (huyện) | Thường xuyên |
4 | Về công tác khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế |
|
|
4.1 | Nghiên cứu lắp đặt các thiết bị cảnh báo đảm bảo ATGTĐS. | Tổng công ty ĐSVN | 2015 |
4.2 | Nghiên cứu, đánh giá và triển khai ứng dụng vật liệu mới để lát mặt đường ngang, giao ke. | Tổng công ty ĐSVN | 2015 |
4.3 | Nghiên cứu và sử dụng hệ thống thiết bị thông tin, tín hiệu hiện đại như hệ thống đóng đường tự động, hệ thống dừng tàu tự động, hệ thống kiểm soát đoàn tàu tự động. | Tổng công ty ĐSVN | 2015-2020 |
4.4 | Nghiên cứu và sử dụng các đoàn tàu kiểm tra chuyên dụng. | Tổng công ty ĐSVN | 2015-2020 |
4.5 | Nghiên cứu Hiện đại hóa Trung tâm điều hành vận tải. | Tổng công ty ĐSVN | 2015-2020 |
4.6 | Hợp tác với các nước có đường sắt phát triển mạnh như Nhật Bản, Trung Quốc, Châu Âu để học tập và trao đổi về an toàn giao thông đường sắt. | Vụ KHCN chủ trì, Cục ĐSVN, Vụ ATGT, Tổng công ty ĐSVN phối hợp | 2015-2020 |
B | GIAI ĐOẠN TỪ SAU NĂM 2020, TẦM NIIÌN ĐẾN NĂM 2030 |
|
|
1 | Về kết cấu hạ tầng |
|
|
1.1 | Hoàn thành giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường sắt theo đúng Luật Đường sắt. | Tổng công ty ĐSVN, các doanh nghiệp quản lý ĐSCD chủ trì, Vụ KHĐT phối hợp | 2020-2030 |
1.2 | Hoàn thành xây dựng 47/80 cầu vượt đường sắt tại các vị trí giao cắt đường sắt còn lại. | Ban dự án ATGT chủ trì, Cục ĐSVN, Vụ KHĐT phối hợp | 2020-2030 |
1.3 | Hoàn thành việc xử lý các điểm xung yếu trên các tuyến đường sắt để chống sạt lở, sụt trượt, úng ngập vào mùa mưa lũ. | Tổng công ty ĐSVN, các doanh nghiệp quản lý ĐSCD chủ trì; Cục ĐSVN, Vụ KHĐT phối hợp | 2020-2030 |
1.4 | Hoàn thành Dự án đèo Khe Nét, Dự án Hầm đường sắt Hải Vân và các đoạn tuyến có yếu tố bình diện xấu, bán kính đường cong nhỏ. | Tổng công ty ĐSVN chủ trì; Cục ĐSVN, Vụ KHĐT phối hợp | 2025-2030 |
1.5 | Xây dựng cầu vượt, hầm chui để thay thế các đường ngang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt và giảm mật độ đường ngang trên tuyến. | Tổng công ty ĐSVN chủ trì; Cục ĐSVN, Vụ KHĐT phối hợp | 2025-2030 |
2 | Về phương tiện vận tải và tổ chức chạy tàu |
|
|
2.1 | Hoàn thành việc thay thế các đầu máy, toa xe có niên hạn sử dụng trên 30 năm. | Tổng công ty ĐSVN; các doanh nghiệp quản lý ĐSCD | 2020-2030 |
2.2 | Tiếp tục duy trì công tác kiểm tra, giám sát và điều chỉnh kịp thời đội ngũ cán bộ làm công tác chạy tàu (Lái tàu, Trực ban, Gác ghi, Gác chắn, Trưởng tàu, Tổ dồn). | Tổng công ty ĐSVN; các doanh nghiệp quản lý ĐSCD | Định kỳ hàng năm |
3 | Về cơ chế, chính sách |
|
|
3.1 | Xây dựng Thông tư ban hành các Quy chuẩn thiết kế, khai thác, tín hiệu đường sắt cao tốc, đường sắt điện khí hóa. | Cục ĐSVN chủ trì soạn thảo, Vụ KHCN chủ trì trình | 2020-2025 |
3.2 | Xây dựng Thông tư quy định về hành lang an toàn giao thông đường sắt cao tốc, đường sắt điện khí hóa. | Cục ĐSVN chủ trì soạn thảo, Vụ ATGT chủ trì trình | 2020-2025 |
3.3 | Xây dựng chương trình tuyên truyền về ATGTĐS trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo viết và báo điện tử, Đài truyền thanh & truyền hình, Pano...). | Cục ĐSVN chủ trì, Tổng công ty ĐSVN, Báo GTVT, Tạp chí GTVT | Định kỳ hàng tháng, hàng quý |
3.4 | Tiếp tục duy trì tốt công tác quản lý, điều hành và phối hợp trong công tác đảm bảo ATGTĐS | Tổng công ty ĐSVN chủ trì, phối hợp với Cục ĐSVN, TCĐBVN, Sở GTVT các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua | Thường xuyên |
4 | Về công tác khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế |
|
|
4.1 | Tiếp tục duy trì hợp tác với các nước có đường sắt phát triển mạnh như Nhật Bản, Trung Quốc, Châu Âu để trao đổi kinh nghiệm đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. | Vụ KHCN chủ trì, Cục ĐSVN, Vụ ATGT, Tổng công ty ĐSVN | 2020-2030 |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.