BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2412/QĐ-BCT | Hà Nội, ngày 17 tháng 05 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG SẢN XUẤT VÀ HỆ THỐNG PHÂN PHỐI XĂNG DẦU GIAI ĐOẠN 2010 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 223/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 và Quyết định số 1139/QĐ-TTg ngày 31 tháng 07 năm 2009 về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025;
Căn cứ Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 20 tháng 4 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ về đề án đẩy mạnh phát triển và tăng cường quản lý nhà nước đối với hệ thống phân phối trên thị trường bán lẻ nước ta hiện nay và những năm tiếp theo;
Quyết định số 2358/QĐ-BCT ngày 19 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối một số hàng hóa thiết yếu đối với sản xuất và đời sống xã hội giai đoạn 2010 - 2020 có xét đến năm 2025 và Quyết định số 5721/QĐ-BCT ngày 13 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt đề cương và dự toán của đề án “Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối mặt hàng xăng dầu giai đoạn 2010 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”;
Căn cứ kết quả thẩm định Đề án “Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối mặt hàng xăng dầu giai đoạn 2010 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” ngày 21 tháng 01 năm 2011 của Hội đồng Thẩm định Bộ Công Thương;
Căn cứ Tờ trình số 063/2011/PEC-TK-TTr ngày 24 tháng 01 năm 2011 của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Petrolimex;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Năng lượng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối mặt hàng xăng dầu giai đoạn 2010 - 2020, định hướng đến năm 2025” với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Quan điểm phát triển
- Phát triển hệ thống sản xuất và phân phối xăng dầu đồng bộ, hiệu quả, an toàn, mang tính đa ngành, liên ngành và phù hợp với định hướng phát triển chung của cả nước, phù hợp với quy hoạch phát triển của các ngành, các địa phương và xu hướng phát triển của thị trường xăng dầu trong nước.
- Phát triển hệ thống sản xuất và phân phối xăng dầu nhằm ổn định năng lực sản xuất của các nhà máy lọc hóa dầu, đảm bảo lưu thông và bình ổn thị trường tiêu thụ sản phẩm xăng dầu tới các vùng trong cả nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.
- Giảm thiểu các tác hại đối với nền kinh tế trong trường hợp nguồn cung xăng dầu trên thị trường thế giới giảm bất thường và góp phần tăng hiệu quả kinh tế nhất định trong trường hợp giá dầu trên thế giới tăng đột biến.
- Đảm bảo kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời khuyến khích sự tham gia tối đa của các thành phần kinh tế khác trong lĩnh vực sản xuất chế biến, dịch vụ, vận chuyển, phân phối sản phẩm, ….
- Phát triển bền vững, gắn kết giữa phát triển kinh tế với sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái.
- Phát triển hệ thống sản xuất và phân phối xăng dầu gắn với giữ vững ổn định chính trị, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
- Hoạch định các chính sách sản xuất và phân phối xăng dầu phù hợp theo từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội và thị trường có định hướng.
2. Mục tiêu phát triển
- Xác định nhu cầu và khả năng xây dựng hệ thống các nhà máy lọc dầu, cơ sở hạ tầng phân phối sản phẩm xăng dầu (kho cảng, hệ thống vận tải, hệ thống bán lẻ, …) để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
- Đảm bảo an ninh xăng dầu trong điều kiện cung cầu xăng dầu trên thế giới luôn biến động, diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho các nước thải nhập khẩu xăng dầu như Việt Nam.
- Khai thác và tận dụng tối đa năng lực sản xuất hiện có, khả năng xây dựng mới các nhà máy lọc dầu, chế biến xăng dầu, bổ sung hệ thống kho cảng xăng dầu, hệ thống vận tải xăng dầu trên phạm vi cả nước và các vùng cung ứng trong giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng đến năm 2025.
- Tiếp tục đầu tư và xây dựng các nhà máy lọc dầu nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng về nguyên liệu và nhiên liệu của thị trường tiêu thụ nội địa, từng bước thay thế nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu, hướng tới xuất khẩu một số loại sản phẩm ra nước ngoài. Song song với các dự án lọc dầu, sẽ triển khai các dự án chế biến khác nhằm đa dạng hóa nguồn sản xuất và chủng loại sản phẩm (condensate, nhiên liệu sinh học, v.v…).
- Bố trí hệ thống phân phối hợp lý, an toàn, hiệu quả và đảm bảo cung ứng kịp thời xăng dầu với giá cả hợp lý. Đảm bảo thị trường xăng dầu trong nước ổn định, không có sản phẩm kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường.
3. Định hướng phát triển
3.1. Định hướng phát triển hệ thống sản xuất xăng dầu
- Định hướng về lọc dầu: Kết hợp nguồn dầu thô khai thác trong nước với nguồn dầu thô nhập ngoại để xây dựng mới và mở rộng các nhà máy lọc dầu theo quy hoạch phát triển ngành dầu khí đã được phê duyệt. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu. Đến năm 2025 hoàn thành việc mở rộng và xây dựng xong 6 - 7 nhà máy lọc hóa dầu với tổng công suất lọc dầu 45 - 60 triệu tấn/năm.
- Định hướng về phát triển nhiên liệu sinh học: Triển khai và hoàn thiện các nhà máy nhiên liệu sinh học hiện tại đang đầu tư xây dựng để đáp ứng đủ nhu cầu pha chế xăng dầu E5, E10, B5, B10 và tiến tới xuất khẩu.
- Định hướng về chế biến condensate: Tận dụng tối đa nguồn condensate khai thác trong nước kết hợp với nhập khẩu để sản xuất xăng dầu. Xem xét việc xây dựng thêm hoặc mở rộng các nhà máy hiện có để tăng khả năng sản xuất và chất lượng sản phẩm xăng dầu trong nước.
- Xây dựng hệ thống kho chứa dự trữ chiến lược dầu thô phục vụ cho các nhà máy lọc dầu góp phần đảm bảo sản xuất và an ninh năng lượng.
3.2. Định hướng phát triển hệ thống phân phối xăng dầu
- Xây dựng và nâng cấp hệ thống phân phối lớn của các doanh nghiệp đầu mối có vốn Nhà nước làm nòng cốt trên cả nước để bao tiêu sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu. Các trung tâm phân phối được xây dựng đồng bộ về tổ chức (tổng công ty, công ty, chi nhánh, xí nghiệp …) và năng lực cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật (hệ thống kho cảng đầu mối, kho tuyến sau, bến bãi, hệ thống vận tải …).
- Phát triển mạng lưới bán lẻ xăng dầu trực tiếp của doanh nghiệp và hệ thống tổng đại lý, đại lý với hệ thống các kho tuyến sau, cửa hàng bán lẻ tới từng địa phương, xã/phường.
- Tối ưu hóa cung đường vận chuyển xăng dầu, đặc biệt nghiên cứu xây dựng mới các tuyến ống dẫn chính tại một số khu vực để kết nối từ các nhà máy lọc dầu với các trung tâm tiêu thụ lớn nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển, hao hụt và khó khăn khi vận tải bằng đường thủy, bộ từ các kho cảng ở ven biển đến các trung tâm tiêu thụ lớn và các vùng sâu, vùng xa, núi cao và biên giới.
4. Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối mặt hàng xăng dầu
4.1. Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất
4.1.1. Các nhà máy lọc dầu và chế biến condensate
Về cơ bản thực hiện theo Quyết định 223/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025, cụ thể như sau:
- Giai đoạn đến năm 2020: Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 8 - 10 triệu tấn dầu thô/năm. Triển khai xây dựng và đưa vào vận hành các tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm, Nam Vân Phong công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm, nhà máy lọc hóa dầu Long Sơn công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm và nhà máy lọc dầu Vũng Rô với công suất chế biến 4 triệu tấn dầu thô/năm.
- Định hướng giai đoạn 2020 - 2025: Hoàn thành mở rộng công suất Tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và Nhà máy lọc hóa dầu Long Sơn với công suất chế biến 20 triệu tấn dầu thô/năm. Dự kiến xây dựng mới hoặc nâng cấp mở rộng nhà máy hiện có (1 - 2 nhà máy) với cấu hình chế biến dâu nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia về sản phẩm nhiên liệu và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm hóa dầu khác.
4.1.2. Các nhà máy nhiên liệu sinh học
Trong giai đoạn đến năm 2015, triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy cồn sinh học ở Phú Thọ, Quảng Ngãi, Bình Phước công suất mỗi nhà máy 100.000 tấn/năm theo quy hoạch đã được phê duyệt. Sau năm 2015, tùy theo nhu cầu thị trường, khả năng nguồn nguyên liệu, hiệu quả hoạt động của các nhà máy đã xây dựng và mục tiêu an ninh năng lượng, an ninh lương thực, môi trường sẽ xem xét đầu tư thêm các nhà máy sản xuất bio-ethanol khác và biodiezen.
4.1.3. Kho dự trữ dầu thô cho các nhà máy lọc dầu
Tiếp tục thực hiện và triển khai hệ thống kho dầu thô dự trữ theo Quyết định 1139/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025: Đến năm 2025, dự trữ khoảng 2,2 triệu tấn dầu thô (khoảng 3,1 triệu m3 kho), trong đó: 500.000 tấn dầu thô nhập khẩu tương đương dầu Bạch Hổ và 1.700.000 tấn dầu thô Trung Đông. Phát triển hệ thống kho ngầm chứa dầu thô giai đoạn đến năm 2025 bao gồm: kho Long Sơn với sức chứa khoảng 1 triệu m3, kho Nghi Sơn với sức chứa khoảng 1 triệu m3, kho Vân Phong với sức chứa khoảng 1,1 triệu m3.
4.2. Quy hoạch phát triển hệ thống phân phối
4.2.1. Phát triển hệ thống kho chứa xăng dầu
a. Kho xăng dầu dự trữ quốc gia
Phát triển hệ thống kho xăng dầu phục vụ dự trữ quốc gia được thực hiện theo mục 2 - Phụ lục 1, của Quyết định 1139/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.
b. Kho xăng dầu thương mại
Phát triển hệ thống kho xăng dầu thương mại nhằm bảo đảm sức chứa tối thiểu theo Quyết định 1139/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ. Vì tiến độ xây dựng các nhà máy lọc dầu Long Sơn, Nam Vân Phong và Vũng Rô triển khai chậm hơn so với kế hoạch, nên xem xét và điều chỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư các kho xăng dầu để đảm bảo đủ năng lực tiếp nhận kho đầu mối. Bổ sung xây dựng các kho tuyến sau ở các khu vực trung tâm tiêu thụ xăng dầu và dọc các tuyến ống dẫn dầu mới.
Quy mô phát triển sức chứa kho xăng dầu thương mại tại các vùng cung ứng trong Phụ lục 1.
Danh mục dự án đầu tư kho xăng dầu thương mại trong Phụ lục 2.
4.2.2. Phát triển hệ thống vận tải xăng dầu
a. Phát triển các cảng biển chuyên dùng xăng dầu đầu mối
Ngoài các cảng xăng dầu hiện có và các cảng đã có dự án đầu tư, các cảng chuyên dụng xăng dầu mới cần được lập quy hoạch chi tiết để trình lên Bộ Giao thông vận tải bổ sung vào quy hoạch chi tiết hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, chủ yếu bao gồm:
- Khu vực Bắc Bộ gồm các cảng: Cảng Lạch Huyện và Cái Lân (Quảng Ninh), Đình Vũ (Hải Phòng).
- Khu vực Bắc Trung Bộ gồm các cảng: Cảng Hòn La (Quảng Bình).
- Khu vực duyên hải miền Trung gồm các cảng: Kê Gà (Bình Thuận), Nhơn Hội, Bình Định, Cam Ranh (Khánh Hòa).
- Khu vực đồng bằng sông Cửu Long gồm các cảng: Soài Rạp (Tiền Giang) và Trà Cú (Trà Vinh).
b. Phát triển các tuyến ống chính dẫn xăng dầu
- Cải tạo và nâng cấp đồng bộ tuyến ống chính dẫn đầu B12 để nâng công suất bơm chuyển tối thiểu đạt 5 triệu m3/năm (bao gồm mở rộng sức chứa các kho trên tuyến, nâng cấp các trạm bơm chính, bơm mồi tại các kho và nâng cấp các đoạn tuyến ống nối các kho).
- Xây dựng mới các tuyến ống dẫn chính:
1. Tuyến ống nhà máy lọc dầu Nghi Sơn - Hà Nam - Hà Nội - Hòa Bình
Khẩn trương nghiên cứu chi tiết và triển khai xây dựng hệ thống đường ống (gồm 02 nhánh ống) từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nối kết với hệ thống đường ống dẫn chính B12 tại kho Hà Nam, bơm chuyển tiếp theo tuyến ống B12 về kho Nam Phong (Phú Xuyên, Hà Nội), K132 (Hải Dương) và Đức Giang (Hà Nội). Phát triển thêm nhánh ống mới để bơm chuyển từ Phú Xuyên về Lương Sơn (Hòa Bình) để cung ứng cho khu vực Tây Hà Nội và Tây Bắc. Xây dựng thêm các kho trên tuyến tại Thanh Hóa, mở rộng kho Hà Nam, Phú Xuyên, xây mới kho Phú Thị, Lương Sơn. Tổng chiều dài tuyến Nghi Sơn - Hà Nam khoảng 210 km, tuyến Nam Phong - Lương Sơn khoảng 50 km với giai đoạn triển khai năm 2013 - 2016.
2. Tuyến ống Vũng Áng (Hà Tĩnh) lên cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) để cung ứng sang Lào
Nghiên cứu khả năng xây dựng hệ thống đường ống từ Kho đầu mối Vũng Áng đi qua các huyện: Kỳ Anh, Quảng Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa, tổng chiều dài 228 km. Xây mới kho trung chuyển đường ống sang Lào tại khu vực cửa khẩu Cha Lo, sức chứa 10.000m3 với giai đoạn từ năm 2014 - 2016.
3. Tuyến ống lên Bắc Tây Nguyên (Kho Phú Hòa - Quy Nhơn đi Pleiku)
Nghiên cứu và triển khai xây dựng hệ thống đường ống Phú Hòa/Quy Nhơn đi Pleiku theo hướng của quốc lộ 19 với tổng chiều dài 180 km, đi qua các địa phương Phú Mỹ, Phú Phong, đèo An Khê, đèo Mang Yang, Iatiêm (kho Bắc Tây Nguyên), xây dựng thêm kho trung chuyển ở Phú Phong và trạm bơm tại chân đèo Măng Yang vào giai đoạn 2014 - 2016.
4. Tuyến ống kết nối Tổng kho Lạch Huyện - tuyến B12 (khu vực Biểu Nghi)
Từ Tổng kho đầu mối Lạch Huyện xây dựng tuyến ống mới kết nối với tuyến ống B12, điểm kết nối tại khu vực Biểu Nghi. Dự kiến xây dựng 02 tuyến ống 14” với chiều dài từ Lạch Huyện đến Biểu Nghi khoảng 15km.
5. Tuyến ống kết nối Nhà máy lọc dầu Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu) với Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè PV Oil (TP Hồ Chí Minh)
Nghiên cứu và triển khai xây dựng hệ thống đường ống từ nhà máy lọc dầu Long Sơn về Nhơn Trạch, Nhà Bè theo hướng Quốc lộ 51 về Bà Rịa; từ Bà Rịa theo tuyến ống dẫn khí về KCN Nhơn Trạch (Đồng Nai); vượt sông Nhà Bè về đến khu vực các Tổng kho xăng dầu Nhà Bè của Petrolimex và PV Oil, với chiều dài khoảng 68 km.
c. Nâng cao năng lực phương tiện vận tải xăng dầu đường thủy, đường bộ, đường sắt
Cải tạo, nâng cấp và hiện đại hóa các phương tiện vận chuyển bằng đường thủy, đường bộ, đường sắt hiện có nhằm bảo đảm linh hoạt và an toàn vận chuyển dầu thô và các sản phẩm xăng dầu theo từng giai đoạn của quy hoạch. Khai thác năng lực công nghiệp tàu thủy, công nghiệp ô tô trong nước để đóng mới các tàu xà lan, ô tô xitéc … chuyên dùng chở dầu.
Nâng cao năng lực vận tải đường sắt theo tuyến Hải Phòng - Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai để đáp ứng yêu cầu cung ứng xăng dầu của các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và tái xuất sang Vân Nam - Trung Quốc.
4.2.3. Phát triển hệ thống bán lẻ xăng dầu
Các tỉnh, thành phố rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống bán lẻ xăng dầu đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, gửi báo cáo quy hoạch và quyết định phê duyệt về Bộ Công Thương để tổng hợp.
Bộ Công Thương lập các quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc các tuyến quốc lộ, đường cao tốc kết hợp với các trạm nghỉ dừng chân.
5. Nhu cầu vốn đầu tư
Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống sản xuất và phân phối xăng dầu cho cả kỳ quy hoạch là 651.523 tỷ đồng, cụ thể:
- Nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống sản xuất xăng dầu giai đoạn 2010 - 2015 là 267.876 tỷ đồng. Nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống sản xuất xăng dầu giai đoạn 2016 - 2020 là: 204.582 tỷ đồng. Tổng nhu cầu về vốn đầu tư cho phát triển hệ thống sản xuất cho cả kỳ quy hoạch là: 472.458 tỷ đồng.
- Nhu cầu vốn cho hệ thống phân phối xăng dầu giai đoạn 2011 - 2015 là 41.187 tỷ đồng. Nhu cầu vốn cho hệ thống phân phối xăng dầu giai đoạn 2016 - 2020 là 47.466 tỷ đồng. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống phân phối cho cả kỳ quy hoạch là 88.653 tỷ đồng.
Nhu cầu về vốn đầu tư cho hệ thống sản xuất và phân phối xăng dầu theo các giai đoạn trong Phụ lục 3.
6. Các chính sách và giải pháp chủ yếu
6.1. Các giải pháp
6.1.1. Giải pháp thu hút vốn và khuyến khích đầu tư
- Đa dạng hóa các hình thức đầu tư và hình thức sở hữu, huy động các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong xã hội, chú trọng các nguồn vốn được huy động từ thị trường chứng khoán, cổ phần hóa doanh nghiệp, nguồn FDI, vốn vay, v.v …. Kết hợp lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án đầu tư và tham gia thị trường tài chính trong và ngoài nước cho các dự án đầu tư có nhu cầu vốn lớn.
- Tăng cường các hoạt động quản lý giám sát đầu tư, đặc biệt là kiểm soát nội bộ nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư các công trình dầu khí.
- Nguồn vốn từ Ngân sách nhà nước tập trung đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các dự án trọng điểm về lọc, hóa dầu đảm bảo thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; một phần hỗ trợ cho đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
- Công bố công khai Quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và chế biến xăng dầu.
- Phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn đối với các dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, tránh đầu tư tràn lan làm phân tán nguồn lực, gây chậm tiến độ.
6.1.2. Giải pháp đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất xăng dầu
- Nguyên liệu dầu thô:
Đảm bảo và cân đối đủ dầu thô khai thác tại các mỏ trong nước cho sản xuất xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất, từng bước xây dựng kho dự trữ dầu thô chiến lược đảm bảo cung cấp cho các nhà máy lọc dầu khác sử dụng dầu nhập ngoại.
- Nguyên liệu cho nhiên liệu sinh học:
Các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học phải gắn với các vùng nguyên liệu trồng sắn, mía và cây có dầu. Doanh nghiệp có chính sách phù hợp, phối hợp với địa phương trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu và ký hợp đồng dài hạn với nông dân bảo đảm đủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất.
6.1.3. Giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm xăng dầu
- Các doanh nghiệp lớn sản xuất, kinh doanh xăng dầu, trong đó nòng cốt và chủ lực là các doanh nghiệp Nhà nước (PVN, Petrolimex) kiện toàn tổ chức các trung tâm phân phối theo các vùng cung ứng trên địa bàn cả nước.
- Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu xăng dầu để tiêu thụ hết sản phẩm của các nhà máy lọc dầu. Thường xuyên cập nhật dự báo cân đối cung cầu xăng dầu trên thị trường trong nước, giá cả xăng dầu trên thị trường quốc tế, trong khu vực và các vùng miền trong nước để kiểm soát thị trường.
- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các mạng lưới phân phối để kiểm soát chặt chẽ thị trường xăng dầu, nhất là vấn đề giá bán và chất lượng xăng dầu, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những trường hợp gian lận thương mại, bán lẻ tại các cửa hàng xăng dầu và đầu cơ, tích trữ xăng dầu vào thời điểm nhạy cảm.
- Đề xuất giải pháp tích cực để bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho các địa bàn vùng núi, biên giới, hải đảo …
6.1.4. Giải pháp bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn và bảo vệ môi trường
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức về môi trường đến toàn dân.
- Kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất xăng dầu từ khâu nhập nguyên liệu đến quá trình sản xuất tại nhà máy và xuất sản phẩm đi tiêu thụ, quá trình vận chuyển, tồn chứa xăng dầu; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Bổ sung, sửa đổi các tiêu chuẩn về môi trường cho phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam; xây dựng mục tiêu dài hạn về môi trường theo hướng thống nhất với tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam, khu vực và thế giới.
- Áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt trong việc bảo đảm an toàn môi trường đối với tất cả các khâu sản xuất và phân phối xăng dầu. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp mới về giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
6.1.5. Giải pháp phát triển và đảm bảo nguồn nhân lực
- Tập trung đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công nhân có kỹ thuật hiện có, đào tạo bổ sung nhân lực vận hành cho các cơ sở chế biến và phân phối sản phẩm xăng dầu cho những khâu còn thiếu, còn yếu.
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống các trường đào tạo cán bộ, kỹ sư và công nhân kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển của hệ thống sản xuất và phân phối xăng dầu.
6.1.6. Giải pháp về khoa học và công nghệ
- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ cao, mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh và phân phối xăng dầu, giảm thiểu tối đa hao hụt xăng dầu trong quá trình vận chuyển và tồn chứa xăng dầu.
- Nghiên cứu lựa chọn, ứng dụng, làm chủ và phát triển các công nghệ tiên tiến của nước ngoài trong các lĩnh vực chế biến, vận chuyển và phân phối xăng dầu. Áp dụng các giải pháp công nghệ mới làm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành các sản phẩm xăng dầu. Đặc biệt quan tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ lọc hóa dầu hiện đại, sản xuất những thiết bị và vật tư thông dụng trong nước để giảm giá thành xây dựng các công trình lọc hóa dầu và phân phối xăng dầu.
- Kết nối giữa thực tế sản xuất với các Viện nghiên cứu, trường đại học trong nước để xây dựng và triển khai nghiên cứu các chương trình, đề tài, đề án trọng điểm trong lĩnh vực sản xuất và phân phối xăng dầu.
6.2. Các cơ chế chính sách
6.2.1. Chính sách phát triển sản xuất xăng dầu
- Ban hành chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào nhà máy lọc dầu, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu tiên vay vốn tín dụng, khuyến khích đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực lọc hóa dầu.
- Xây dựng cơ chế, chính sách, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, cải cách các thủ tục hành chính … để phát huy tối đa mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình sản xuất xăng dầu.
- Ban hành các chính sách ưu đãi cho các dự án nhiên liệu sinh học và đưa nhiên liệu sinh học vào tiêu dùng để khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước. Đưa chương trình chế biến và sử dụng nguyên liệu sinh học thành một chiến lược phát triển của ngành dầu khí.
- Đầu tư có trọng điểm các nhà máy lọc hóa dầu, ưu tiên các dự án có quy mô lớn và công nghệ cao. Không khuyến khích các dự án lọc dầu quy mô nhỏ. Không cấp phép cho các dự án có công nghệ lạc hậu.
6.2.2. Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống phân phối xăng dầu
- Thường xuyên giám sát việc thực hiện Nghị định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu để phát hiện những điểm bất cập cần bổ sung điều chỉnh kịp thời, cơ chế hợp lý về giá bán xăng dầu.
- Nhà nước và các địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư (bằng vốn tự cân đối của doanh nghiệp) xây dựng kho xăng dầu nhằm đáp ứng nhu cầu cung ứng nhiên liệu tại mỗi vùng, địa phương. Khuyến khích đầu tư công nghệ mới trong lĩnh vực an toàn phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
- Ưu tiên quỹ đất quy hoạch để xây dựng hệ thống kho cảng xăng dầu đầu mối, bố trí kho xăng dầu theo quy hoạch khu công nghiệp ven biển để khai thác chung các công trình hạ tầng như nạo vét luồng lạch, đường giao thông, cấp điện, cấp nước … Tập trung các kho cảng tiếp nhận đầu mối thành các cụm lớn nhằm khai thác tối ưu cơ sở vật chất kỹ thuật, hạn chế đầu tư tràn lan các kho cảng xăng dầu và giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn về cháy nổ, ô nhiễm môi trường.
- Xác định các hệ thống đường ống xăng dầu là công trình cơ sở hạ tầng năng lượng của quốc gia, được Nhà nước và các Bộ, ngành quan tâm và hỗ trợ tối đa.
- Từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống kho dự trữ quốc gia mặt hàng xăng dầu, bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam.
- Tăng cường khả năng chế tạo và sử dụng các phương tiện vận tải trong nước đã sản xuất được như tàu chở dầu, xe bồn chuyên dụng.
- Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng hệ thống cửa hàng xăng dầu có quy mô lớn trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc kết hợp các trạm nghỉ dừng chân.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Công Thương
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sản xuất và phân phối xăng dầu, công bố công khai “Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối mặt hàng xăng dầu giai đoạn 2010 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi thực hiện, giám sát và cập nhật quy hoạch.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ quy định tại các Nghị định, Quyết định có liên quan đến sản xuất và phân phối xăng dầu, đề xuất các cơ chế, chính sách để góp phần phát triển ổn định và bền vững ngành dầu khí.
- Trước mắt, cần tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Long Sơn, Nam Vân Phong, Vũng Rô; nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất; các nhà máy nhiên liệu sinh học. Chỉ đạo việc pha chế và đưa nhiên liệu sinh học E5, E10, B5, B10 được sử dụng rộng rãi theo lộ trình đã được phê duyệt.
- Tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các dự án kho cảng xăng dầu dự kiến đầu tư trong giai đoạn quy hoạch.
- Chỉ đạo công tác quy hoạch chi tiết và lập các dự án đầu tư vận chuyển sản phẩm xăng dầu bằng đường ống từ Nghi Sơn, Thanh Hóa về Hà Nam - Hà Nội - Hòa Bình, Long Sơn về Thành phố Hồ Chí Minh; từ Quy Nhơn lên Pleiku, từ Vũng Áng - Hà Tĩnh lên cửa khẩu Cha Lo, Quảng Bình.
- Chủ trì thẩm định và phê duyệt bổ sung quy hoạch đối với các dự án kho xăng dầu thương mại có công suất kho dưới 100.000 m3.
- Chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý Nhà nước về sản xuất và phân phối xăng dầu.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nghiên cứu và triển khai xây dựng các kho dự trữ quốc gia về dầu thô và sản phẩm xăng dầu. Tiếp tục chỉ đạo việc triển khai nghiên cứu các điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn, cơ lý đá đối với các vị trí dự kiến đặt các kho ngầm dự trữ dầu thô, cũng như tiến độ xây dựng các kho này.
- Lập quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc các tuyến quốc lộ, đường cao tốc.
2. Các Bộ liên quan
Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Giao thông vận tải thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của mình, phối hợp với Bộ Công Thương triển khai cụ thể hóa các giải pháp, chính sách nêu trong quy hoạch này.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố và các khu kinh tế, khu công nghiệp có tính đến việc xây dựng các dự án thuộc “Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối mặt hàng xăng dầu giai đoạn 2010 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Ủy ban nhân dân các tỉnh ưu tiên dành quỹ mặt đất, mặt nước để xây dựng các công trình sản xuất và phân phối xăng dầu các vị trí đã được quy hoạch, đặc biệt là quỹ đất để xây dựng các hệ thống đường ống xăng dầu.
- Tổ chức quản lý và tạo điều kiện triển khai các dự án đầu tư hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn theo quy hoạch được duyệt. Chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ việc xem xét và cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật đầu tư, xây dựng.
- Xây dựng, rà soát và điều chỉnh bổ sung quy hoạch hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh, thành phố; gửi báo cáo Bộ Công Thương để tổng hợp.
- Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát giá cả và thị trường xăng dầu; ngăn chặn tình trạng đầu cơ, đảm bảo bình ổn giá xăng dầu trên địa bàn.
4. Các doanh nghiệp sản xuất, đầu mối kinh doanh và phân phối xăng dầu
- Nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh xăng dầu.
- Tổ chức triển khai đúng tiến độ và có hiệu quả các dự án sản xuất, phân phối xăng dầu, đặc biệt là các nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Vân Phong, Long Sơn, Vũng Rô, các kho cảng tiếp nhận đầu mối lớn, các tuyến ống dẫn chính để bảo đảm đủ nguồn cung ứng xăng dầu.
- Kiện toàn hệ thống kênh phân phối, đặc biệt là hệ thống bán lẻ xăng dầu theo hướng hiện đại, văn minh thương mại và an toàn về môi trường.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC 1
QUY MÔ PHÁT TRIỂN SỨC CHỨA KHO XĂNG DẦU THƯƠNG MẠI TẠI CÁC KHU VỰC
(Kèm theo Quyết định số 2412/QĐ-BCT ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Bộ Công Thương)
1. Khu vực Bắc Bộ
Đơn vị: 1.000m3
TT | Loại hình xây dựng | 2010-2015 | 2016-2020 | 2021-2025 | Tổng cộng |
A | Kho cảng đầu mối | 862 | 565 | 817 | 2.244 |
1 | Các dự án đang triển khai | 459 | 0 |
| 459 |
a | Mở rộng | 15 |
|
| 15 |
b | Xây mới | 444 |
|
| 444 |
2 | Mở rộng nâng cấp kho hiện có | 100 | 100 | 230 | 430 |
3 | Xây dựng mới | 303 | 465 | 587 | 1.355 |
B | Kho cảng trung chuyển | 304 | 240 | 341 | 885 |
1 | Các dự án đang triển khai | 164 | 0 |
| 164 |
a | Mở rộng | 116 |
|
| 116 |
b | Xây mới | 48 |
|
| 48 |
2 | Mở rộng nâng cấp kho hiện có | 100 | 200 | 200 | 500 |
3 | Xây dựng mới | 40 | 40 | 141 | 221 |
C | Kho cung ứng vùng núi biên giới | 21 | 12 |
| 33 |
1 | Các dự án đang triển khai | 15 | 0 |
| 15 |
2 | Xây dựng mới | 6 | 12 |
| 18 |
Tổng cộng toàn khu vực | 1.187 | 817 | 1.158 | 3.162 |
2. Khu vực Bắc Trung Bộ
Đơn vị: 1.000m3
TT | Loại hình xây dựng | 2008-2015 | 2016-2020 | 2021-2025 | Tổng cộng |
A | Kho cảng đầu mối và trung chuyển đường biển | 95 | 90 | 152 | 337 |
1 | Các dự án đang triển khai | 47 | 0 |
| 47 |
a | Mở rộng | 32 |
|
|
|
b | Xây mới | - |
|
|
|
2 | Mở rộng nâng cấp kho hiện có | 50 | 100 | 142 | 292 |
3 | Xây dựng mới | (2) | (10) |
| -12 |
Tổng cộng toàn khu vực | 95 | 90 | 142 | 327 |
3. Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên
Đơn vị: 1.000m3
TT | Loại hình xây dựng | 2010-2015 | 2016-2020 | 2021-2025 | Tổng cộng |
A | Kho cảng đầu mối và trung chuyển đường biển | 285 | 226 | 330 | 840 |
1 | Các dự án đang triển khai | 162 | 0 |
| 162 |
a | Mở rộng | 62 |
|
|
|
b | Xây mới | 100 |
|
|
|
2 | Mở rộng nâng cấp kho hiện có | 10 | 100 | 125 | 235 |
3 | Xây dựng mới | 113 | 1 |
| 114 |
B | Kho cung ứng vùng núi biên giới | 10 | 10 | 3 | 23 |
1 | Các dự án đang triển khai | 6 | 6 |
| 12 |
a | Mở rộng | 0 |
|
|
|
b | Xây mới | 6 |
|
|
|
2 | Xây dựng mới | 4 | 3 | 3 | 10 |
Tổng cộng toàn khu vực | 295 | 236 | 333 | 863 |
4. Khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và phụ cận
Đơn vị: 1.000m3
TT | Loại hình xây dựng | 2010-2015 | 2016-2020 | 2021-2025 | Tổng cộng |
A | Kho cảng đầu mối |
|
|
|
|
A1 | Nhu cầu tối thiểu | 547 | 367 | 1.128 | 2.042 |
A2 | Quy hoạch (các doanh nghiệp) | 1.330 | 960 | 560 | 2.850 |
1 | Các dự án đang triển khai | 1.240 | 0 |
| 1.240 |
a | Mở rộng | 765 |
|
| 765 |
b | Xây mới | 475 |
|
| 475 |
2 | Mở rộng nâng cấp kho hiện có | 90 | 660 | 180 | 930 |
3 | Xây dựng mới | - | 300 | 380 | 680 |
B | Kho cảng trung chuyển |
|
|
|
|
B1 | Nhu cầu tối thiểu | 50 | 79 | 106 | 236 |
B2 | Quy hoạch | 125 | 60 | 50 | 235 |
1 | Các dự án đang triển khai | 85 | 0 |
| 85 |
2 | Mở rộng nâng cấp kho hiện có | 40 | 20 | 20 | 80 |
3 | Xây dựng mới | 0 | 40 | 30 | 70 |
Tổng cộng toàn khu vực |
|
|
|
| |
Nhu cầu tối thiểu | 598 | 446 | 1.234 | 2.278 | |
Quy hoạch | 1.380 | 1.039 | 666 | 3.086 |
5. Khu vực Thành phố Cần Thơ và phụ cận
Đơn vị: 1.000m3
TT | Loại hình xây dựng | 2010-2015 | 2016-2020 | 2021-2025 | Tổng cộng |
A | Kho cảng đầu mối | 203 | 256 | 355 | 813 |
1 | Các dự án đang triển khai | 140 | 0 |
| 140 |
a | Mở rộng | 0 |
|
| 0 |
b | Xây mới | 140 |
|
| 140 |
2 | Mở rộng nâng cấp kho hiện có | 0 | 30 |
| 30 |
3 | Xây dựng mới | 63 | 226 | 355 | 643 |
B | Kho cảng trung chuyển | 68 | 64 | 88 | 220 |
1 | Các dự án đang triển khai | 10 | 0 |
| 10 |
a | Mở rộng | 4 |
|
| 4 |
b | Xây mới | 6 |
|
| 6 |
2 | Mở rộng nâng cấp kho hiện có | 2 | 50 |
| 52 |
3 | Xây dựng mới | 56 | 14 | 88 | 158 |
Tổng cộng toàn khu vực |
|
|
| 1.033 |
6. Tổng hợp cả nước
Đơn vị: 1.000m3
TT | Loại hình xây dựng | 2010-2015 | 2016-2020 | 2021-2025 | Tổng cộng |
A | Kho cảng đầu mối |
|
|
|
|
A1 | Nhu cầu tối thiểu | 1.993 | 1.503 | 2.781 | 6.277 |
A2 | Quy hoạch (Phương án chọn) | 2.775 | 2.096 | 2.213 | 7.085 |
1 | Các dự án đang triển khai | 2.033 |
|
| 2.033 |
a | Mở rộng kho | 874 |
|
| 874 |
b | Xây dựng mới | 1.159 |
|
| 1.159 |
2 | Mở rộng nâng cấp kho hiện có | 250 | 990 | 677 | 1.917 |
3 | Xây dựng mới | 477 | 982 | 1.322 | 2.781 |
B | Kho cảng tuyến sau |
|
|
|
|
B1 | Nhu cầu tối thiểu | 423 | 383 | 535 | 1.340 |
B2 | Quy hoạch (Phương án chọn) | 497 | 364 | 479 | 1.340 |
1 | Các dự án đang triển khai | 259 | 0 |
| 259 |
a | Mở rộng kho | 120 |
|
| 120 |
b | Xây dựng mới | 139 |
|
| 139 |
2 | Mở rộng nâng cấp kho hiện có | 142 | 270 | 220 | 632 |
3 | Xây dựng mới | 96 | 94 | 259 | 449 |
C | Kho cung ứng vùng núi biên giới | 31 | 22 | 3 | 56 |
1 | Các dự án đang triển khai | 21 | 6 | 0 | 27 |
2 | Xây dựng mới | 10 | 15 | 3 | 28 |
Tổng cộng cả nước |
|
|
| 0 | |
| Nhu cầu tối thiểu | 2.446 | 1.908 | 3.319 | 7.673 |
| Quy hoạch (Phương án chọn) | 3.303 | 2.482 | 2.695 | 8.480 |
(Cập nhật, bổ sung so với QĐ 1139/QĐ-TTg)
PHỤ LỤC 2
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ
(Kèm theo Quyết định số 2412/QĐ-BCT ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Bộ Công Thương)
1. Danh mục dự án kho xăng dầu thương mại ưu tiên đầu tư trong giai đoạn đến năm 2015
(chỉ tính kho tiếp nhận đầu mối và trung chuyển lớn > 10.000m)
Thứ tự | Tên dự án | Địa điểm | Quy mô | Thời gian xây dựng GĐ1 | Ghi chú |
I | Khu vực Bắc Bộ |
|
|
|
|
a) | Kho đầu mối |
|
|
|
|
1 | Mở rộng Kho đầu mối K130 (Petrolimex) | Quảng Ninh | 100.000 | 2011-2015 | Đã có trong danh mục tại QĐ 1139/QĐ-TTg và CV của TTCP. |
2 | Xây mới Kho đầu mối Đình Vũ - VIPCO (Vipco - Petrolimex) | Khu kinh tế Đình Vũ - Hải Phòng | 200.000 m3 | 2011-2015 | |
3 | Mở rộng Kho đầu mối Cái Lân PV Oil (Petrovietnam - Vinashin) | Quảng Ninh | Đến 70.000 m3 | 2011-2015 | |
4 | Xây mới Tổng đầu mối Lạch Huyện (Petrolimex/PV Oil và DN khác) | Lạch Huyện Quảng Ninh | GĐ I: 200.000m3 | 2011-2015 | |
5 | Xây mới Kho đầu mối Vinapco Hải Phòng | Hải Phòng | 50.000 m3 | 2011-2015 | |
6 | Xây mới Kho Mông Dương Quảng Ninh | Cẩm Phả - Quảng Ninh | GĐ 1: 60.000 m3 240.000 m3 | 2011-2015 | |
7 | Xây mới Kho đầu mối Nam Đình Vũ (Công ty CP đầu tư Nam Đình Vũ/ PV Oil) | Khu Công nghiệp Nam Đình Vũ - Hải Phòng | GĐ 1: 50.000 - 70.000 m3 | 2013-2015 |
|
b) | Kho tuyến sau |
|
|
|
|
1 | Mở rộng Kho trung chuyển đường ống K131 (Petrolimex) | Thuy Nguyên – Hải Phòng | GĐ 2: 88.000 m3 | 2013-2015 | Đã có trong danh mục tại QĐ 1139/QĐ-TTg |
2 | Xây mới Kho K132 (Petrolimex) | Hải Dương | GĐ 2: 60.000 m3 | 2012-2015 | |
3 | Mở rộng Tổng kho Thượng Lý (Petrolimex) | Thượng Lý – Hải Phòng | 60.000 m3 | 2011-2015 | |
4 | Mở rộng Kho Việt Trì (Petrolimex) | Việt Trì – Phú Thọ | 20.000 m3 | 2011-2015 | |
5 | Mở rộng Kho Nam Phong – (Petrolimex) K133 | Phú Xuyên – Hà Nội | 100.000 m3 GĐ 1: 30.000 m3 | 2010-2012 | |
6 | Xây mới Kho trung chuyển đường ống Phú Thị (Petrolimex) | Gia Lâm – Hà Nội | 120.000 m3 GĐ 1: 60.000 m3 | 2011-2015 | |
7 | Mở rộng Kho Lào Cai (Petrolimex) | Lào Cai | 15.000 m3 | 2011-2013 |
|
8 | Mở rộng kho Bắc Giang (Petrolimex) | Bắc Giang | 10.000 m3 | 2011-2013 | |
9 | Mở rộng Kho Hà Nam GĐ 2 (Petrolimex) | Hà Nam | GĐ 2: 40.000 m3 | 2011-2015 | |
10 | Xây mới Kho Nghĩa Thịnh | Ninh Bình | 10.000 m3 | 2011-2015 | |
11 | Xây mới Kho trung chuyển Hải Phòng (Công ty Dầu khí An pha Hải Phòng) | Hải Phòng | 54.000 m3 GĐ 1: 34.000 m3 | 2011-2015 | |
12 | Xây mới Kho trung chuyển Bình Ngọc | Móng Cái – Quảng Ninh | GĐ 1: 10.000 m3 | 2011-2015 | |
13 | Xây mới Kho trung chuyển Vạn Ninh | Móng Cái – Quảng Ninh | GĐ 1: 10.000 m3 | 2011-2015 | |
14 | Xây mới Kho trung chuyển huyện Hải Hà | Hải Hà – Quảng Ninh | GĐ 1: 10.000 m3 | 2011-2015 | |
15 | Xây mới Kho Lương Sơn (kho trên tuyến ống của Petrolimex) | Lương Sơn – Hòa Bình | 50.000 m3 | 2013-2015 | |
16 | Xây mới Kho trung chuyển Tiên Du – Bắc Ninh | Tiên Du – Bắc Ninh | GĐ 1: 10.000 m3 | 2011-2015 | |
II | Khu vực Bắc Trung Bộ |
|
|
|
|
a) | Kho đầu mối |
|
|
|
|
1 | Mở rộng Kho đầu mối Vũng Áng (PV Oil) | Đức Thọ - Hà Tĩnh | 60.000 m3 | 2011-2015 | Đã có trong danh mục tại QĐ 1139/QĐ-TTg |
2 | Mở rộng Kho đầu mối Chân Mây (PV Oil) Giai đoạn II | Cảng Chân Mây- Thừa Thiên Huế | 50.000 m3 | 2011-2012 | |
3 | Xây mới Kho đầu mối Hòn La (PV Oil) | Cảng Hòn La Quảng Bình | GĐ 1: 10.000 m3 | 2011-2015 | |
4 | Mở rộng Kho đầu mối Cửa Việt | Cửa Việt - Quảng Trị | 20.000 m3 | 2011-2012 | |
5 | Mở rộng Kho đầu mối Nghi Hương (Petrolimex) | Nghi Hương – Nghệ An | 72.000 m3 | 2011-2015 | |
b) | Kho tuyến sau |
|
|
|
|
1 | Xây mới Kho trung chuyển Cha Lo (PV Oil) | Quảng Bình | 10.000 m3 | 2011-2012 |
|
2 | Xây mới Kho trung chuyển Đá Mổng- Cửa khẩu Cầu Treo | Hà Tĩnh | 15.000 m3 | 2011-2015 |
|
3 | Xây mới Kho trung chuyển Xuân Giang | Nghi Xuân - Hà Tĩnh | 10.000 m3 | 2011-2013 |
|
III | Khu vực Nam Trung Bộ |
|
|
|
|
a) | Kho đầu mối |
|
|
|
|
1 | Mở rộng Kho đầu mối Vũng Rô (Công ty VTTH Phú Yên) | Phú Yên | 30.000 m3 | 2011-2015 | Đã có trong danh mục tại Quyết định 1139/QĐ-TTg |
2 | Mở rộng Kho đầu mối Phú Hòa (Petrolimex) | Bình Định | 50.000 m3 | 2011-2015 | |
3 | Mở rộng Kho ngoại quan Vân Phong (Petrolimex) | Khánh Hòa | GĐ 2: 500.000 m3 | 2011-2015 | |
4 | Xây mới Kho Nam Trung Bộ - Petrolimex | Ninh Thuận hoặc Bình Thuận | 50.000 m3 | 2011-2015 | |
5 | Xây mới Kho Cam Ranh (Petrolimex) | Khánh Hòa | GĐ 1: 50.000 m3 | 2013-2015 | |
b) | Kho tuyến sau |
|
|
|
|
1 | Xây mới Kho Thọ Quang (Petrolimex) | Đà Nẵng | GĐ 1: 100.000 m3 | 2011-2015 | Đã có trong danh mục tại Quyết định 1139/QĐ-TTg |
2 | Mở rộng Kho PTSC Liên Chiểu | Đà Nẵng | 13.000 m3 | 2011-2012 | |
IV | Khu vực TP. Hồ Chí Minh và phụ cận |
|
|
|
|
a) | Kho đầu mối |
|
|
|
|
1 | Xây mới, Mở rộng kho B, C, D Tổng kho đầu mối Nhà Bè (Petrolimex) | TP. Hồ Chí Minh | 415.000 m3 | 2011-2015 | Đã có trong danh mục tại Quyết định 1139/QĐ-TTg |
2 | Mở rộng Kho đầu mối Nhà Bè (PV Oil) | TP. Hồ Chí Minh | 70.000-100.000 m3 | 2011-2015 | |
3 | Mở rộng Kho đầu mối Cù Lao Tào (PV Oil) | Bà Rịa Vũng Tàu | 70.000 m3 | 2011-2015 | |
4 | Xây mới Kho đầu mối Nhà Bè (Vinapco) | TP. Hồ Chí Minh | GĐ 1: 130.000 m3 | 2011-2015 | |
5 | Xây mới Tổng kho đầu mối (COMECO) | Nhơn Trạch Đồng Nai | GĐ 1: 45.000 m3 | 2011-2013 | |
6 | Xây mới Tổng kho đầu mối Phú Hữu (Công ty CP Tín Nghĩa) | Nhơn Trạch Đồng Nai | GĐ 1: 60.000 m3 | 2011-2013 | |
7 | Xây mới Kho đầu mối Soài Rạp (PetroMekong-PV Oil) | Gò Công Đông Tiền Giang | 520.000 m3 GĐ 1: 160.000 m3 | 2011-2015 | |
8 | Xây mới Kho Soài Rạp (Công ty TNHH Thuận Tiến) | Gò Công Đông Tiền Giang | 80.000 m3 | 2011-2013 | |
9 | Xây mới Tổng kho đầu mối Cái Mép (Petec – PV Oil) | Bà Rịa Vũng Tàu | 80.000 m3 | 2011-2013 | |
10 | Mở rộng kho Phú Mỹ - NM chế biến Condensate | KCN Cái Mép, Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu | Đến 75.000 m3 | 2011-2015 |
|
11 | Mở rộng Kho đầu mối Cát Lái (SaigonPetro) | TP. Hồ Chí Minh | 50.000 m3 | 2011-2013 |
|
12 | Mở rộng Kho đầu mối Phước Khánh (Petimex Đồng Tháp) | Đồng Nai | 65.000 m3 | 2011-2014 |
|
13 | Xây mới Kho đầu mối Mỹ Xuân (Công ty AAA VinaMotor) | Bà Rịa - Vũng Tàu | GĐ 1: 60.000 – 90.000 m3 | 2011-2015 |
|
b) | Kho tuyến sau |
|
|
|
|
1 | Xây mới Kho Đồng Nai (Petrolimex) | Đồng Nai | 30.000 m3 | 2010-2015 | Đã có trong danh mục tại Quyết định 1139/QĐ-TTg |
2 | Xây mới Kho Vĩnh Long (Petrolimex) | Thị xã Vĩnh Long – tỉnh Vĩnh Long | 20.000 m3 | 2010-2015 | |
3 | Xây mới Kho Mộc Hóa (Petrolimex) | Long An | GĐ 1: 15.000 m3 | 2011-2015 |
|
4 | Xây mới Kho Hóa dầu (Long Hưng) | Long An | GĐ 1: 10.000m3 | 2011-2015 |
|
5 | Xây mới Kho Tân An | Long An | 10.000 m3 | 2011-2015 |
|
V | Khu vực TP Cần Thơ và phụ cận |
|
|
|
|
a) | Kho đầu mối |
|
|
|
|
1 | Xây mới Kho đầu mối Trà Vinh (CAWACO) | Kim Sơn - Trà Cú Trà Vinh | 100.000 m3 | 2011-2015 | Đã có trong danh mục tại Quyết định 1139/QĐ-TTg |
2 | Xây mới Kho đầu mối Kiên Lương (Petrolimex) | Kiên Lương - Kiên Giang | 40.000 m3 | 2011-2013 | |
3 | Xây mới Kho đầu mối Hậu Giang (PV Oil) | Hậu Giang | 10.000 m3 | 2011-2015 |
|
b) | Kho tuyến sau |
|
|
|
|
1 | Xây mới Kho trung chuyển Cà Mau (PV Oil) | Cà Mau | 15.000 m3 | 2011-2015 | Đã có trong danh mục tại Quyết định 1139/QĐ-TTg |
2 | Xây mới và mở rộng các kho xăng nhiên liệu máy bay Jet A1 | Tại các sân bay Nội bài, Đà Nẵng, Cát bi, Phù Cát, Phú Xuân, Cam Ranh | 10.000 – 15.000 m3/ cho mỗi địa điểm | 2010-2020 | |
3 | Xây mới Kho trung chuyển Long Phú (PV Oil) | Sóc Trăng | 15.000 m3 | 2011-2015 |
|
4 | Xây mới Kho Hỏa Lựu | Tân Tiến - Hậu Giang | 10.000 m3 | 2012-2015 |
|
5 | Xây mới Kho Phú Quốc | Kiên Giang | 10.000 m3 | 2012-2015 |
|
6 | Xây mới Kho đầu mối Cái Cui (Petimex Đồng Tháp) | Hậu Giang | 20.000 m3 | 2011-2013 |
|
2. Danh mục dự án hệ thống đường ống vận chuyển dầu giai đoạn đến năm 2015
Thứ tự | Tên dự án | Quy mô | Thời gian | Ghi chú |
I | Nâng cấp, cải tạo tuyến hiện có |
|
|
|
1 | Nâng cấp, cải tạo một số đoạn tuyến của hệ thống B12 | Toàn tuyến khoảng 130 km | 2011-2015 | Đã có trong danh mục tại QĐ 1139/QĐ-TTg |
II | Xây mới tuyến ống |
|
|
|
1 | Tuyến ống Nghi Sơn – Hà Nội – Hòa Bình và các kho trên tuyến Kho Thanh Hóa, Kho Hòa Bình | 230 km | 2015-2025 | Đã có trong danh mục tại QĐ 1139/QĐ-TTg |
2 | Tuyến ống từ Bình Định - Quy Nhơn đi Pleiku- Tây Nguyên và các kho trên tuyến | 180 km | 2013-2017 | Đã có trong danh mục tại QĐ 1139/QĐ-TTg |
3 | Tuyến ống từ NMLD Long Sơn – Nhà bè | 80 km | 2016 | Đã có trong danh mục tại QĐ 1139/QĐ-TTg |
4 | Vũng Áng (Hà Tĩnh) – Cửa khẩu Cha Lo và các kho trên tuyến | 228 km | 2012-2015 | Bổ sung quy hoạch |
PHỤ LỤC 3
NHU CẦU VỀ VỐN ĐẦU TƯ
(Kèm theo Quyết định số 2412/QĐ-BCT ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Bộ Công Thương)
TT | Công việc | Vốn đầu tư, tỷ đồng | |||
Tổng | 2010 - 2015 | 2016 - 2020 | 2021 - 2025 | ||
I | Hệ thống sản xuất xăng dầu | 520.758 | 267.876 | 204.582 | 48.300 |
1 | Các Nhà máy lọc dầu | 479.598 | 252.378 | 185.220 | 42.000 |
2 | Nhà máy condensate (mở rộng Thị Vải và xây mới Trà Vinh) | 2.730 | 1.638 | 1.092 | 0 |
3 | Nhà máy nhiên liệu sinh học (04 nhà máy) | 5.460 | 5.460 | 0 | 0 |
4 | Kho dự trữ dầu thô (dự trữ chiến lược) | 32.970 | 8.400 | 18.270 | 6.300 |
II | Hệ thống phân phối xăng dầu | 130.725 | 41.187 | 47.466 | 42.073 |
1 | Kho xăng dầu thương mại | 11.604 | 4.332 | 3.401 | 3.872 |
2 | Kho dự trữ xăng dầu (dự trữ chiến lược) | 9.256 | 0 | 3.640 | 5.616 |
3 | Hệ thống vận tải xăng dầu | 71.865 | 26.855 | 25.425 | 19.585 |
a | Cải tạo hệ thống tuyến ống B12 | 477 | 188 | 150 | 139 |
b | Xây dựng các tuyến ống mới | 10.193 | 1.153 | 6.500 | 2.540 |
c | Mua sắm phương tiện vận tải thủy | 57.535 | 24.204 | 17.640 | 15.691 |
d | Mua sắm phương tiện vận tải bộ | 3.600 | 1.280 | 1.120 | 1.200 |
e | Mua sắm phương tiện vận tải đường sắt | 60 | 30 | 15 | 15 |
4 | Xây dựng mới cửa hàng xăng dầu | 38.000 | 10.000 | 15.000 | 13.000 |
III | Đầu tư nghiên cứu cơ chế chính sách | 10 | 4 | 3 | 3 |
IV | Đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới | 30 | 10 | 10 | 10 |
| Tổng cộng | 651.523 | 309.077 | 252.061 | 90.386 |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.