BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/QĐ-LĐTBXH | Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG CỦA NGÀNH LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI NĂM 2010
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Quyết định số 30/2006/QĐ-TTg ngày 6 tháng 2 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội năm 2010.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG CỦA NGÀNH LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 24/QĐ-LĐTBXH ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)
A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA KẾ HOẠCH
I. MỤC ĐÍCH:
Phòng ngừa và đầy lùi tham nhũng trong các lĩnh vực thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý.
Nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức trong ngành về phòng, chống tham nhũng.
Hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; đưa công tác phòng, chống tham nhũng thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của đơn vị.
II. YÊU CẦU:
Cụ thể hóa các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống tham nhũng thuộc các lĩnh vực quản lý của ngành.
Tổ chức triển khai thực hiện trong năm 2010 một số lĩnh vực trọng tâm, bức xúc, tạo chuyển biến tích cực, có hiệu quả, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của các tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phòng, chống tham nhũng.
B. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
I. KẾ HOẠCH CHUNG
1. Ở Bộ:
- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ để sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.
- Loại bỏ những nội dung, quy định không phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước; chồng chéo, sơ hở, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, khó khăn cho cơ sở và nhân dân.
- Tổ chức thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, công khai minh bạch trong hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ.
- Tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục giải quyết công việc trong các lĩnh vực được phân công.
- Tăng cường giám sát của thanh tra nhân dân ở các đơn vị đối với việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ công tác hàng năm của đơn vị; việc sử dụng kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách nhà nước, chấp hành chế độ quản lý tài chính, tài sản và công tác tự kiểm tra tài chính của đơn vị; thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.
2. Đối với các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:
Gắn công tác phòng, chống tham nhũng với việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của ngành trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với các quận, huyện, xã, phường; chú trọng vào những nội dung nhạy cảm.
II. KẾ HOẠCH CỤ THỂ
1. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định về tiêu chuẩn, định mức, quy trình, thủ tục, xử lý vi phạm thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ:
Tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu về chính sách đối với người có công với cách mạng, lao động, xuất khẩu lao động, chăm sóc và bảo vệ trẻ em; kế hoạch, tài chính, công tác tổ chức cán bộ và các lĩnh vực xã hội.
2. Lồng ghép các nội dung thanh tra, kiểm tra thuộc chức năng quản lý nhà nước của ngành với công tác phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh những vụ việc tiêu cực, tham nhũng thuộc lĩnh vực của ngành:
2.1. Thanh tra Bộ tập trung thanh tra trách nhiệm đối với một số đơn vị thuộc Bộ, một số Sở và tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như: Thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công; thanh tra công tác an toàn lao động tại một số công trình trọng điểm quốc gia; xuất khẩu lao động; dạy nghề (Quyết định số 1779/QĐ-LĐTBXH ngày 30/12/2009 kèm theo).
2.2. Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có kế hoạch thanh tra đối với các đơn vị thuộc Sở. Các nội dung thanh tra theo hướng dẫn của Bộ và theo chương trình, kế hoạch hàng năm đã được phê duyệt.
2.3. Tập trung giải quyết các vụ tố cáo về tham nhũng:
- Các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết kịp thời các đơn tố cáo cán bộ vi phạm chính sách thuộc thẩm quyền; tố cáo việc thực hiện không đúng các quy định về chính sách đối với người có công với cách mạng; các nội dung tố cáo liên quan đến cán bộ của ngành.
- Thanh tra Bộ có kế hoạch kiểm tra việc giải quyết tố cáo của các Sở; thực hiện giải quyết dứt điểm các vụ tố cáo thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng. Tập trung kiểm tra việc thực hiện các kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra, công khai kết luận thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý.
2.4. Thực hiện tốt việc kê khai tài sản, thu nhập theo hướng dẫn tại Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09/3/2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập và Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày 13/11/2007 của Thanh tra Chính phủ.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Bộ chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010 trên tất cả các lĩnh vực thuộc ngành quản lý.
2. Các cơ quan Báo, Tạp chí và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng và kế hoạch thực hiện của Bộ. Chủ động đề ra các biện pháp thực hiện nhằm ngăn chặn, phòng, ngừa, đấu tranh chống tham nhũng trong đơn vị mình, bảo đảm hiệu quả. Khi phát hiện những biểu hiện tiêu cực, Thủ trưởng các đơn vị, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải có biện pháp ngăn chặn và báo cáo kết quả xử lý đến Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Bộ.
3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng. Nội dung kế hoạch phải cụ thể, có trọng tâm, phân công trách nhiệm rõ ràng và gửi kế hoạch thực hiện đến Ban chỉ đạo Bộ để tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương.
4. Các đơn vị thuộc Bộ, các Sở phải có báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện phòng chống tham nhũng gửi Ban chỉ đạo Bộ (qua Thanh tra Bộ) trước ngày 10 tháng 9 năm 2010. Ban chỉ đạo Bộ có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương, Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng theo quy định.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.