HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24-CP | Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 1979 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ CUỘC VẬN ĐỘNG NHÂN DÂN VÙNG CAO MIỀN NÚI KHÔNG TỰ DO TRỒNG VÀ HÚT THUỐC PHIỆN
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Cây thuốc phiện là loại cây được trồng từ lâu và nhiều nhất là ở vùng cao miền núi nước ta (nơi có đồng bào Mèo cư trú) do đó đã có ảnh hưởng sâu sắc đến tập quán và đời sống của đồng bào Mèo.
Trong những năm qua, căn cứ theo Chỉ thị số 110-TTg ngày 27-11/1964 của Thủ tướng Chính phủ, một số địa phương đã vận động quần chúng bỏ trồng, bỏ hút và bỏ dùng thuốc phiện. Nhưng nhìn chung, kết quả còn hạn chế, vì cuộc vận động thiếu liên tục, không đồng bộ và thống nhất giữa các địa phương; mặt khác sự chỉ đạo từ trên xuống dưới còn thiếu chặt chẽ, nên có nơi có lúc đã gây thêm phức tạp, ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị, kinh tế trong nội bộ các dân tộc.
Để khắc phục những thiếu sót nói trên, nhằm giải quyết vấn đề được tốt hơn và phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, Thường vụ Hội đồng Chính phủ quyết định như sau.
I. VỀ CHỦ TRƯƠNG, PHƯƠNG HƯỚNG
1. Trong thời gian từ nay đến hết năm 1980, Ủy ban nhân dân các tỉnh, huyện, xã ở miền núi cần tích cực vận động nhân dân và hợp tác xã không tự do trồng và hút thuốc phiện, đồng thời tổ chức thật tốt việc giúp đỡ những người đang trồng cây thuốc phiện chuyển sang trồng lương thực hoặc các cây dược liệu khác thích hợp với điều kiện đất đai và khí hậu của vùng cao miền núi. Những vùng hiện còn trồng cây thuốc phiện nay chuyển hướng sản xuất sẽ được Nhà nước giúp đỡ như đối với các vùng trọng điểm của cuộc vận động định canh định cư, nếu đời sống đồng bào có nhiều khó khăn thì sẽ được Nhà nước cứu trợ.
Trong quá trình tiến tới chấm dứt hẳn việc tự do trồng cây thuốc phiện, những người hiện đang còn trồng cây thuốc phiện phải đăng ký diện tích, sản lượng với chính quyền xã và có nhiệm vụ bán toàn bộ sản phẩm cho Nhà nước để chế biến thành thuốc chữa bệnh phục vụ nhân dân. (Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban Vật giá Nhà nước và Bộ Nông nghiệp nghiên cứu giá thu mua thuốc phiện trình Chính phủ quyết định).
2. Nhà nước sẽ quy vùng sản xuất và tổ chức các cơ sở quốc doanh hoặc hợp tác xã trồng cây thuốc phiện làm thuốc chữa bệnh. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp hướng dẫn việc phân vùng, chỉ đạo sản xuất và quản lý thống nhất việc thu mua, chế biến và phân phối sản phẩm bằng thuốc phiện. Những nơi được quy vùng chuyên trồng cây thuốc phiện, thì các mặt như tổ chức quản lý, chính sách, chế độ, v.v… đều được áp dụng theo Nghị quyết số 200-CP ngày 21-08-1978 của Hội đồng Chính phủ về việc phát triển dược liệu trong nước. Những lao động là người dân tộc ở địa phương có nhiều kinh nghiệm về trồng cây thuốc phiện sẽ được ưu tiên tuyển dụng vào làm việc trong các cơ sở trồng cây thuốc phiện của Nhà nước hoặc hợp tác xã.
3. Nhà nước nghiêm cấm việc buôn bán lậu thuốc phiện. Các ngành có trách nhiệm ở trung ương và Ủy ban nhân dân các địa phương cần tăng cường các biện pháp cần thiết để quản lý chặt chẽ từ gốc sản phẩm thuốc phiện. Vận động nhân dân bỏ tập quán đổi chác bằng thuốc phiện, hoặc sử dụng thuốc phiện trong những tập tục cũ như cưới xin, ma chay. Vận động đồng bào không dùng thuốc phiện để chữa bệnh cho trẻ em nhằm tránh nguy hiểm chết người.
4. Ở các vùng cao, cần hạn chế, tiến tới mau chóng thanh toán nạn nghiện hút thuốc phiện. Ở các vùng khác, phải triệt để thanh toán nạn nghiện thuốc phiện. Cần tuyên truyền giải thích cho mọi người nhất là đối với thanh niên nhận rõ di hại của việc hút và nghiện thuốc phiện, như tốn kém, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, hại sức khỏe, hại nòi giống, v.v… Đối với người đang mắc nghiện, phải thiết thực giúp đỡ họ bỏ hút thuốc phiện bằng các biện pháp tích cực và khoa học, không nên khinh rẻ họ hoặc cưỡng bách họ lao động nặng nhọc. Bộ Y tế cần tổ chức sản xuất và cung cấp thuốc cai thuốc nghiện, đồng thời phổ biến rộng rãi phương pháp cho người nghiện tự làm để bỏ hút thuốc phiện. Ngành y tế ở các địa phương cần tổ chức từng đợt vận động số người nghiện còn trong độ tuổi lao động đến cơ sở cai nghiện tập trung ở nơi gần nhất. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thương binh và xã hội nghiên cứu trình Chính phủ xét duyệt các chế độ, kinh phí tổ chức các cơ sở cai nghiện và các chính sách giúp đỡ những người nghiện tự cai ở gia đình và những người đến cai nghiện ở cơ sở tập trung.
5. Bộ Nông nghiệp lập những nông trường chuyên sản xuất loại cây thuốc phiện chiết xuất, (không nên trồng loại cây thuốc phiện trích nhựa như hiện nay) để dùng làm thuốc ở trong nước và để xuất khẩu. Khuyến khích các hợp tác xã trồng ngày càng nhiều loại cây thuốc phiện mới chiết xuất tiến tới loại bỏ hoàn toàn loại cây thuốc phiện cũ trích nhựa và bài trừ hẳn tệ nghiện thuốc phiện xưa nay.
Đây là một cuộc vận động cách mạng có ý nghĩa chính trị xã hội và kinh tế rất quan trọng ở miền núi.
II. VỀ BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trước hết, cần tổ chức một đợt tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng ở các vùng dân tộc ít người, chú trọng, những nơi nhân dân đang còn trồng cây thuốc phiện, để làm cho mọi người từ cán bộ, đảng viên đến nhân dân nhất trí với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cây thuốc phiện cũ và cây thuốc phiện mới và nạn nghiện thuốc phiện xưa nay (như đã đề ra ở phần I). Đặc biệt cán bộ, đảng viên và gia đình phải là những người gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc bỏ trồng và cai nghiện thuốc phiện.
2. Phải rất coi trọng công tác phát động quần chúng, dựa vào nhân dân (nhất là những người có tín nhiệm trong đồng bào dân tộc) và các đoàn thể quần chúng ở địa phương để kiên trì thuyết phục, giải thích các chủ trương trên đây để quần chúng tự giác chấp hành; tuyệt đối không được dùng mệnh lệnh hành chính như phá, nhổ cây trồng, bắt phạt, bắt giam người trồng cây thuốc phiện. Phải theo dõi, kịp thời trấn áp những luận điệu phản tuyên truyền của bọn phản động gây kích động trong quần chúng và kiên quyết trừng trị bọn đầu cơ buôn lậu thuốc phiện.
3. Cuộc vận động quần chúng chuyển hướng sản xuất thôi trồng cây thuốc phiện phải có kế hoạch làm tích cực, có bước đi vững chắc và phải gắn liền với việc thực hiện tổ chức lại sản xuất từ cơ sở, kết hợp chặt chẽ vói việc tổ chức định canh định cư và việc phát triển y tế, văn hóa ở miền núi.
4. Vận động đồng bào vùng cao miền núi thôi trồng cây thuốc phiện cũ và cai nghiện thuốc phiện là công việc phức tạp có liên quan đến các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; Ủy ban nhân dân các cấp và các ngành có liên quan cần phối hợp chặt chẽ để thực hiện nghiêm túc và khẩn trương quyết định này.
5. Ủy ban nhân dân của Chính phủ có trách nhiệm giúp Hội đồng Chính phủ theo dõi, đôn đốc toàn bộ việc thực hiện quyết định này và 3 tháng một lần báo cáo Thường vụ Hội đồng Chính phủ kết quả đạt được và kịp thời đề nghị bổ sung những vấn đề cần thiết.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, huyện có vùng trồng cây thuốc phiện cần phân công các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện, tăng cường kiểm tra, đôn đốc đồng thời có bộ phận hoặc có cán bộ chuyên trách giúp cấp ủy và chính quyền trong việc hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện quyết định này.
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.