ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/2008/QĐ-UBND | Gia Nghĩa, ngày 22 tháng 7 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG
Căn cứ luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh cán bộ, công chức ngày 28 tháng 4 năm 2000 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đăk Nông tại Tờ trình số 75/TTr-SNV ngày 09 tháng 5 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Đăk Nông.
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Gia Nghĩa; Giám đốc các Doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 24/2008/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng.
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Gia Nghĩa (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện); các cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ban Quản lý các khu công nghiệp (sau đây gọi chung là Sở).
2. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc Sở (sau đây gọi chung là Chi cục), các phòng ban chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở; các phòng ban chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
4. Các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, đơn vị sự nghiệp cấp dưới của đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh (sau đây gọi chung đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, huyện).
5. Các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và tổ chức phi chính phủ được thành lập theo luật định (sau đây được gọi chung là Hội).
6. Doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có phần vốn thuộc sở hữu của Nhà nước là cổ đông chi phối (sau đây gọi chung là doanh nghiệp nhà nước).
7. Cán bộ công chức, công chức dự bị ở các cơ quan hành chính nhà nước; cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp nhà nước; cán bộ, công chức được điều động đến công tác tại các Hội.
8. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã); cán bộ chuyên trách, công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức cấp xã).
9. Lao động thực hiện một số loại công việc theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ.
10. Cán bộ, viên chức y tế công tác tại trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là viên chức y tế cơ sở).
11. Cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ là chuyên viên chính và tương đương trong các doanh nghiệp nhà nước; cán bộ quản lý đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước ở các công ty cổ phần.
Điều 2. Nguyên tắc quản lý công tác tổ chức cán bộ.
1. Công tác tổ chức cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ đi đôi với phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
2. Theo phân công, phân cấp của Trung ương Đảng, của Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan cấp trên về những nội dung được phân công, phân cấp.
3. Kết hợp chặt chẽ giữa các khâu của công tác cán bộ: tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.
Điều 3. Những quy định chung.
1. Quản lý cán bộ do bầu cử thực hiện theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Điều lệ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
2. Công tác quy hoạch cán bộ thực hiện theo nguyên tắc: cấp nào bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thì cấp đó chủ trì và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan làm công tác quy hoạch cán bộ. Định kỳ hàng năm tiến hành đánh giá, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cho phù hợp.
3. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo quy định hiện hành của tỉnh.
4. Quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo quy chế quản lý hồ sơ cán bộ, công chức ban hành kèm theo Quyết định số 14/2006/QĐ-BNV ngày 06/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
5. Việc khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo Luật Thi đua khen thưởng.
6. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công vụ và cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo Luật Khiếu nại tố cáo.
7. Thông qua các cơ quan tham mưu, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện chế độ tiền lương; các chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút theo quy định hiện hành.
Điều 4. Nội dung quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
1. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế về cán bộ, công chức, viên chức.
2. Lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
3. Tổ chức thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
4. Lập và quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức theo quy chế.
5. Đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.
6. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
7. Thanh tra, kiểm tra việc thi hành các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
8. Chỉ đạo, thực hiện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức.
9. Thực hiện việc điều tra, thống kê cán bộ, công chức, viên chức.
Điều 5. Phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo chức danh.
1. Các chức danh do Tỉnh ủy quản lý:
a) Cán bộ, công chức, viên chức là Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở; Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh; Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh; Hiệu trưởng các Trường Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp thuộc tỉnh; Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh; Giám đốc, Phó Giám đốc Doanh nghiệp nhà nước hạng 1; Phó Giám đốc Ban quản lý các khu công nghiệp.
b) Cán bộ, công chức là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện; Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2. Các chức danh do Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý:
a) Cán bộ, công chức, viên chức là cấp trưởng các Chi cục thuộc Sở, cấp trưởng của các cơ quan, đơn vị sau: Trung tâm phát triển quỹ đất và Dịch vụ tài chính, Ban quản lý phát triển khu đô thị mới, Trung tâm xúc tiến Đầu tư và Thương mại, Trung tâm trợ giúp pháp lý, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và các chức danh lãnh đạo khác có hệ số phụ cấp chức vụ tương đương Phó Giám đốc Sở.
b) Hiệu trưởng các trường Trung học phổ thông, Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh; Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp huyện; Giám đốc, Phó Giám đốc Doanh nghiệp nhà nước hạng 2 trở xuống, Kế toán trưởng doanh nghiệp Nhà nước; Giám đốc, Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên; Giám đốc, Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; Trưởng phòng Công chứng; Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh.
3. Các chức danh do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý:
a) Cán bộ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
b) Cán bộ, công chức, viên chức là Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng cấp huyện; Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các Trường Trung học cơ sở, Trường Tiểu học, Trường Mầm non; cấp trưởng, cấp phó các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
4. Các chức danh do Giám đốc Sở quản lý (ngoài những chức danh do Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý):
Cán bộ, công chức, viên chức là cấp phó các Chi cục thuộc Sở; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng cấp Sở; Phó Hiệu trưởng các Trường Trung học phổ thông, Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện; Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện; Giám đốc, Phó Giám đốc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở.
5. Các chức danh do Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh quản lý:
Cấp trưởng, cấp phó các phòng, khoa của đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh.
6. Các chức danh do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp quản lý:
Cán bộ, công chức, viên chức còn lại không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, điều này.
Chương II
QUẢN LÝ VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY
Điều 6. Thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh.
1. Thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể, hợp nhất các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và các Chi cục trực thuộc Sở, các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo cơ cấu các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện đã được Hội đồng nhân dân tỉnh phê chuẩn.
2. Thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật.
3. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các Sở; các Chi cục thuộc Sở; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật.
4. Quyết định công nhận các Trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đạt chuẩn Quốc gia; công nhận các xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã theo quy định của pháp luật.
5. Quyết định xếp hạng, phân loại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở.
6. Cho phép thành lập Hội, phê duyệt Điều lệ Hội đối với Hội cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
7. Quyết định thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, xếp hạng, chuyển đổi hình thức sở hữu các Doanh nghiệp nhà nước do tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Thẩm quyền, trách nhiệm của Giám đốc Sở Nội vụ.
1. Thẩm định các đề án thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước, các tổ chức tư vấn, tổ chức phối hợp liên ngành; thẩm định hồ sơ xin phép thành lập Hội, điều lệ Hội trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
2. Thẩm định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn trực thuộc tỉnh, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
3. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận các Trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đạt chuẩn Quốc gia.
4. Phối hợp với Sở Y tế thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận các xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế.
5. Thẩm định hồ sơ đề nghị xếp hạng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
6. Phối hợp với Sở Tài chính thẩm định phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp trình Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định phân loại đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở.
Điều 8. Thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc các Sở.
1. Thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
a) Lập hồ sơ đề nghị thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước (đối với các tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý nhưng do Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập).
b) Thành lập, tổ chức lại, giải thể các Trường Trung học cơ sở, Tiểu học, Mầm non công lập, bán công, dân lập, tư thục trên địa bàn theo quy định của Điều lệ Trường Trung học, Tiểu học, Mầm non; quyết định phân loại, xếp hạng các Trường Trung học cơ sở, Tiểu học, Mầm non.
c) Thành lập các tổ chức, đơn vị sự nghiệp khác theo quy định của pháp luật.
2. Thẩm quyền, trách nhiệm của Giám đốc các Sở.
a) Lập hồ sơ đề nghị thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước (đối với các tổ chức theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý nhưng do Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập).
b) Thành lập các tổ chức trực thuộc theo quy định của pháp luật.
Chương III
QUẢN LÝ BIÊN CHẾ HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP
Điều 9. Thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh.
1. Trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định tổng biên chế sự nghiệp hàng năm của tỉnh; thông qua kế hoạch tổng biên chế hành chính năm sau của tỉnh trước khi báo cáo Bộ Nội vụ.
2. Quyết định phân bổ biên chế hành chính, biên chế công chức dự bị đối với các Sở và Ủy ban nhân dân cấp huyện; phân bổ biên chế sự nghiệp cho các đơn vị sự nghiệp theo phương án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt.
3. Chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra đối với các Sở và Ủy ban nhân dân cấp huyện; đơn vị sự nghiệp về quản lý sử dụng biên chế, quỹ tiền lương.
4. Báo cáo kế hoạch biên chế hành chính hàng năm và tình hình thực hiện biên chế hành chính, sử dụng biên chế sự nghiệp của Ủy ban nhân dân tỉnh gửi Bộ Nội vụ theo định kỳ.
Điều 10. Thẩm quyền, trách nhiệm của Giám đốc Sở Nội vụ.
1. Tổng hợp, thẩm định kế hoạch biên chế hành chính của các Sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện để xây dựng kế hoạch biên chế hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để gửi Bộ Nội vụ; tổng hợp nhu cầu biên chế công chức dự bị của các Sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Tổng hợp kế hoạch biên chế sự nghiệp của các đơn vị; phối hợp với Sở Tài chính thẩm định kế hoạch biên chế sự nghiệp hàng năm của tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.
3. Sau khi có Quyết định phân bổ biên chế hành chính, biên chế công chức dự bị của Bộ Nội vụ, Nghị quyết phê chuẩn biên chế sự nghiệp hàng năm của Hội đồng nhân dân; trình Ủy ban nhân dân tỉnh về phương án phân bổ chỉ tiêu biên chế hành chính, biên chế công chức dự bị, biên chế sự nghiệp cho các cơ quan, đơn vị.
4. Sau khi có quyết định phân bổ biên chế của Ủy ban nhân dân tỉnh; thông báo chỉ tiêu biên chế hành chính, biên chế công chức dự bị đối với các Sở và Ủy ban nhân dân cấp huyện; thông báo chỉ tiêu biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp chưa tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên.
5. Hướng dẫn việc sử dụng biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và các đơn vị sự nghiệp được nhà nước giao kinh phí để thực hiện cơ chế khoán một số loại dịch vụ công hoặc giao kinh phí hoạt động bằng hình thức định mức chi theo khối lượng công việc.
6. Kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch hoặc đột xuất việc quản lý, sử dụng biên chế ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp để kịp thời hướng dẫn hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý trong việc quản lý, sử dụng biên chế, quỹ tiền lương trái với quy định của pháp luật.
Điều 11. Thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc các Sở.
1. Thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
a) Xây dựng kế hoạch sử dụng biên chế hành chính, biên chế sự nghiệp cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo thông báo chỉ tiêu biên chế hành chính, sự nghiệp hàng năm của Sở Nội vụ.
b) Tổng hợp nhu cầu sử dụng biên chế công chức dự bị của các cơ quan chuyên môn trực thuộc báo cáo Sở Nội vụ.
c) Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc sử dụng biên chế và quỹ tiền lương của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.
2. Thẩm quyền, trách nhiệm của Giám đốc các Sở.
a) Xây dựng kế hoạch sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp hàng năm và nhu cầu biên chế công chức dự bị của cơ quan, đơn vị mình báo cáo Sở Nội vụ.
b) Phân bổ chỉ tiêu biên chế hành chính, sự nghiệp cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo thông báo chỉ tiêu biên chế hành chính, sự nghiệp của Sở Nội vụ.
c) Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc sử dụng biên chế và quỹ tiền lương của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.
Chương IV
QUẢN LÝ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC HÀNH CHÍNH; CÔNG CHỨC DỰ BỊ
Điều 12. Quy định về các đối tượng chuyển công tác đến cơ quan hành chính nhà nước.
Những đối tượng sau đây (nếu đủ tiêu chuẩn chức danh của các ngạch công chức) khi chuyển về công tác tại cơ quan hành chính nhà nước không thực hiện theo các quy định về tuyển dụng mà thực hiện theo các quy định về điều động, luân chuyển:
1. Những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thuộc cấp tỉnh, cấp huyện.
2. Công chức cấp xã, cán bộ chuyên trách cấp xã đã có thời gian công tác đủ 05 năm trở lên gồm: Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, cấp trưởng các tổ chức chính trị - xã hội.
3. Những người đang là cán bộ quản lý, lãnh đạo cấp Giám đốc, Phó Giám đốc và tương đương ở các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, Doanh nghiệp Nhà nước.
4. Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập được cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng đã có thời gian công tác đủ 05 năm trở lên.
Điều 13. Một số quy định về công chức dự bị.
1. Công chức dự bị được tuyển dụng để bổ sung, thay thế cho đội ngũ công chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện. Việc phân bổ chỉ tiêu biên chế công chức dự bị dựa vào nhu cầu cụ thể cần bổ sung, thay thế ở các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.
2. Công chức dự bị phải là những người được đào tạo chính quy, được tuyển ở các ngạch công chức loại A và loại B tùy theo nhu cầu cần thay thế, bổ sung.
3. Theo yêu cầu công tác, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thể phân công công chức dự bị về công tác tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nhưng phải đảm bảo sao cho thời gian thực hiện chế độ công chức dự bị ở cơ quan có nhu cầu bổ sung, thay thế tối thiểu bằng một phần hai tổng thời gian phải thực hiện chế độ công chức dự bị theo từng ngạch.
Điều 14. Thẩm quyền, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
1. Quyết định tiếp nhận, điều động, biệt phái, luân chuyển, cho thôi việc, nghỉ hưởng chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện Tỉnh ủy quản lý sau khi có Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
2. Quyết định tiếp nhận, điều động, biệt phái, luân chuyển, cho thôi việc, nghỉ hưởng chế độ đối với cán bộ, công chức thuộc diện Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý sau khi có nghị quyết của Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Quyết định bổ nhiệm vào ngạch Chuyên viên chính và tương đương đối với cán bộ, công chức đạt kết quả kỳ thi nâng ngạch; quyết định bổ nhiệm ngạch thanh tra viên.
4. Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Kế toán trưởng, giao phụ trách kế toán trong các cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.
5. Ban hành quy chế tuyển dụng công chức hành chính; quy chế tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức dự bị.
6. Chỉ đạo công tác tuyển dụng công chức hành chính, công chức dự bị; quyết định công nhận kết quả tuyển dụng theo đề nghị của Hội đồng tuyển dụng.
Điều 15. Thẩm quyền, trách nhiệm của Giám đốc Sở Nội vụ.
1. Phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thực hiện quy trình về điều động, biệt phái, luân chuyển, cho thôi việc, nghỉ hưởng chế độ đối với cán bộ, công chức thuộc diện Tỉnh ủy quản lý.
2. Chủ trì và phối hợp với các Ủy ban nhân dân cấp huyện, các Sở, các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh thực hiện các quy trình về điều động, tiếp nhận, luân chuyển, biệt phái, cho thôi việc, nghỉ hưởng chế độ đối với cán bộ, công chức thuộc diện Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý.
3. Thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm vào ngạch Chuyên viên chính và tương đương cho cán bộ, công chức đạt kết quả kỳ thi nâng ngạch; phối hợp với Thanh tra tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm ngạch thanh tra viên; phối hợp với Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Kế toán trưởng, giao phụ trách kế toán trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, Doanh nghiệp nhà nước.
4. Thẩm định hồ sơ đề nghị nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức ở ngạch Chuyên viên chính, Chuyên viên cao cấp và tương đương trình Ủy ban nhân dân tỉnh.
5. Tổ chức thi tuyển công chức hành chính, công chức dự bị; căn cứ kết quả thi tuyển hoặc xét tuyển được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, quyết định tuyển dụng công chức hành chính, công chức dự bị.
6. Xét chuyển ngạch cho cán bộ, công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương trở xuống.
7. Quyết định công nhận hết thời gian tập sự, thời gian thực hiện chế độ công chức dự bị và bổ nhiệm vào ngạch công chức.
8. Ngoài các chức danh thuộc Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, Sở Nội vụ thống nhất với Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng cán bộ, công chức, viên chức quyết định điều động, tiếp nhận, luân chuyển, biệt phái cán bộ, công chức giữa các cơ quan hành chính nhà nước; giữa cơ quan hành chính với đơn vị sự nghiệp; giữa cơ quan hành chính với các cơ quan thuộc khối Đảng, đoàn thể; điều động cán bộ, công chức ra ngoài tỉnh và tiếp nhận công chức từ tỉnh khác đến.
9. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, công chức dự bị.
Điều 16. Thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở.
1. Bố trí, phân công nhiệm vụ và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, công chức dự bị; nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương trở xuống; tổ chức thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với cán bộ, công chức, công chức dự bị.
2. Theo chỉ tiêu biên chế và ngân sách được giao; ký hợp đồng lao động với người thực hiện một số loại công việc theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP , ký hợp đồng lao động thử việc với người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính.
3. Đề xuất Sở Nội vụ các yêu cầu về tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức; nhu cầu tuyển dụng công chức dự bị.
4. Bố trí, giao nhiệm vụ, hướng dẫn, nhận xét, đánh giá đối với công chức dự bị được phân công về nhận công tác tại cơ quan.
5. Lập và quản lý hồ sơ của cán bộ, công chức; chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ về công tác hồ sơ cán bộ, công chức của cơ quan quản lý cán bộ, công chức cấp trên; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc về quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, công chức dự bị.
6. Đánh giá cán bộ, công chức thuộc quyền sử dụng theo quy định.
7. Thống kê và báo cáo tình hình đội ngũ cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý cho cơ quan quản lý công chức cấp trên.
Chương V
QUẢN LÝ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ
Điều 17. Thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh.
1. Ban hành quy chế tuyển dụng công chức cấp xã.
2. Quyết định số lượng cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Thẩm quyền, trách nhiệm của Sở Nội vụ.
1. Hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Quy chế tuyển dụng công chức cấp xã.
2. Hướng dẫn, kiểm tra việc nâng lương đối với cán bộ, công chức cấp xã.
Điều 19. Thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
1. Tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức cấp xã; báo cáo Sở Nội vụ kết quả thi tuyển, xét tuyển. Những người tốt nghiệp đại học hệ chính quy có ngành nghề phù hợp với nhu cầu, vị trí công tác được ưu tiên trong tuyển dụng, tiếp nhận.
2. Quyết định tuyển dụng công chức cấp xã sau khi có ý kiến phê duyệt bằng văn bản của Sở Nội vụ.
3. Tổ chức xét chuyển ngạch đối với công chức cấp xã đủ điều kiện chuyển ngạch, báo cáo kết quả xét chuyển ngạch về Sở Nội vụ; quyết định bổ nhiệm ngạch công chức cấp xã sau khi có ý kiến phê duyệt bằng văn bản của Sở Nội vụ.
4. Quyết định nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn; điều động, luân chuyển, biệt phái, cho thôi việc, nghỉ hưởng chế độ, xử lý kỷ luật, quản lý hồ sơ cán bộ, công chức cấp xã trong phạm vi quản lý.
Điều 20. Thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã.
1. Trực tiếp quản lý, sử dụng đội ngũ công chức cấp xã.
2. Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện xét chuyển ngạch đối với công chức cấp xã.
3. Xem xét và đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp huyện về xử lý kỷ luật đối với công chức cấp xã.
4. Báo cáo số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cho cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức cấp huyện.
Chương VI
QUẢN LÝ VIÊN CHỨC TRONG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
Điều 21. Những đối tượng sau đây khi được xét, tiếp nhận về công tác tại đơn vị sự nghiệp nhà nước thì không phải thực hiện chế độ hợp đồng lao động.
1. Cán bộ, công chức hành chính được điều động, tiếp nhận về công tác tại các đơn vị sự nghiệp.
2. Những người làm việc ở Doanh nghiệp Nhà nước được tuyển dụng từ trước khi Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ hoặc những người công tác ở lực lượng vũ trang từ trước khi Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ có hiệu lực;
Điều 22. Các đơn vị sự nghiệp sau đây được Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp quyền tuyển dụng viên chức sự nghiệp.
1. Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh:
a) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.
b) Các Trường Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, Trung cấp nghề thuộc tỉnh.
2. Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở:
a) Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa các huyện thuộc Sở Y tế.
b) Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, các trường Trung học phổ thông thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Điều 23. Thẩm quyền, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
1. Quyết định điều động, tiếp nhận, luân chuyển, biệt phái, cho thôi việc, nghỉ hưởng chế độ đối với cán bộ, viên chức thuộc diện Tỉnh ủy quản lý sau khi có Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
2. Quyết định điều động, tiếp nhận, biệt phái, luân chuyển, cho thôi việc, nghỉ hưởng chế độ đối với cán bộ, viên chức thuộc diện Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý sau khi có Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Quyết định bổ nhiệm vào ngạch Chuyên viên chính và tương đương cho viên chức trong các đơn vị sự nghiệp, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ ở các doanh nghiệp Nhà nước.
4. Bãi bỏ các quyết định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ở các Sở, ngành, UBND cấp huyện, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh trái với quy định hiện hành.
Điều 24. Thẩm quyền, trách nhiệm của Giám đốc Sở Nội vụ.
1. Hướng dẫn, kiểm tra việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; công nhận kết quả thi tuyển hoặc xét tuyển viên chức của Ủy ban nhân dân cấp huyện, các Sở, các đơn vị sự nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp quyền tuyển dụng viên chức.
2. Đối với các chức danh không thuộc Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý: quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái viên chức trong tỉnh sau khi có ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp huyện, các Sở, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Đối với các chức danh không thuộc Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý: quyết định tiếp nhận cán bộ, viên chức ở các cơ quan Trung ương và tỉnh ngoài về tỉnh công tác; quyết định cho cán bộ, viên chức chuyển công tác đến cơ quan Trung ương và tỉnh ngoài.
4. Tổng hợp nhu cầu nâng ngạch của các đơn vị sự nghiệp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ, ngành Trung ương có liên quan; phối hợp với các cơ quan liên quan, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xét duyệt và cử cán bộ, viên chức dự thi nâng ngạch đối với các ngạch tương đương chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp.
5. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh bãi bỏ các quyết định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ở các Sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh trái với quy định hiện hành.
6. Được Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền bãi bỏ các quyết định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, viên chức trái với quy định hiện hành của các đơn vị sự nghiệp quy định tại khỏan 2, Điều 22 quy định này.
7. Tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nội vụ về số lượng, chất lượng đội ngũ viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh theo quy định.
Điều 25. Thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở.
1. Căn cứ Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, xét thấy đủ điều kiện thành lập Hội đồng tuyển dụng để thực hiện tuyển dụng viên chức thì giao cho các đơn vị sự nghiệp thực hiện; trường hợp các đơn vị sự nghiệp không đủ điều kiện để thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức thì báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp thành lập Hội đồng tuyển dụng để tổ chức việc tuyển dụng viên chức cho đơn vị sự nghiệp. Báo cáo Sở Nội vụ về kết quả tuyển dụng viên chức sự nghiệp.
2. Quyết định bổ nhiệm vào ngạch, xếp lương đối với viên chức đã hoàn thành thử việc; quyết định nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn đối với viên chức các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
3. Thành lập Hội đồng và thực hiện xét chuyển ngạch đối với các ngạch viên chức tương đương ngạch chuyên viên trở xuống, báo cáo Sở Nội vụ về kết quả xét chuyển ngạch viên chức; quyết định bổ nhiệm vào ngạch viên chức sau khi có văn bản phê duyệt kết quả xét chuyển ngạch của Sở Nội vụ.
4. Quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái viên chức sự nghiệp giữa các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
5. Ký hợp đồng làm việc với viên chức là người được bổ nhiệm chức cấp trưởng, cấp phó của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
6. Định kỳ hàng năm, tổng hợp và báo cáo Sở Nội vụ về số lượng, chất lượng đội ngũ viên chức các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Điều 26. Thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp đuợc Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp quyền tuyển dụng viên chức.
1. Thành lập Hội đồng tuyển dụng để thực hiện tuyển dụng viên chức, báo cáo Sở Nội vụ về kết quả thi tuyển hoặc xét tuyển; quyết định tuyển dụng viên chức sự nghiệp sau khi có văn bản phê duyệt kết quả thi tuyển hoặc xét tuyển của Sở Nội vụ.
2. Theo chỉ tiêu biên chế và ngân sách được giao; ký hợp đồng lao động với người thực hiện một số loại công việc theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP , ký hợp đồng lao động thử việc với người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ tại đơn vị.
3. Ký hợp đồng làm việc; quyết định bổ nhiệm vào ngạch, xếp lương đối với viên chức đã hoàn thành thử việc; quyết định nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn đối với viên chức thuộc quyền quản lý.
4. Thành lập Hội đồng và thực hiện xét chuyển ngạch đối với các ngạch viên chức tương đương ngạch chuyên viên trở xuống, báo cáo Sở Nội vụ về kết quả xét chuyển ngạch viên chức; quyết định bổ nhiệm vào ngạch viên chức sau khi có văn bản phê duyệt kết quả xét chuyển ngạch của Sở Nội vụ.
5. Định kỳ hàng năm, tổng hợp và báo cáo Sở Nội vụ về số lượng, chất lượng đội ngũ viên chức.
6. Nếu đơn vị sự nghiệp đã đuợc Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp quyền tuyển dụng viên chức nhưng chưa đủ điều kiện, năng lực thành lập Hội đồng để tuyển dụng viên chức thì thực hiện như sau:
a) Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp báo cáo bằng văn bản cho cơ quan cấp trên trực tiếp.
b) Cơ quan cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm theo quy định tại Điều 25, quy định này.
c) Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm theo quy định tại Điều 27 quy định này.
Điều 27. Thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp chưa được phân cấp quyền tuyển dụng viên chức.
1. Theo chỉ tiêu biên chế và ngân sách được giao; ký hợp đồng lao động với người thực hiện một số loại công việc theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP , ký hợp đồng lao động thử việc với người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ tại đơn vị.
2. Ký hợp đồng làm việc với viên chức được cơ quan cấp trên tuyển dụng và phân công về công tác tại đơn vị; phân công người hướng dẫn thử việc, đánh giá quá trình thử việc của viên chức, đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm hoặc không bổ nhiệm vào ngạch.
3. Sắp xếp, bố trí và sử dụng cán bộ, viên chức phải phù hợp giữa nhiệm vụ được giao với ngạch viên chức và quy định của nhà nước về trách nhiệm thi hành nhiệm vụ, công vụ.
4. Đánh giá viên chức hàng năm; lập và quản lý hồ sơ viên chức theo quy chế.
5. Thực hiện chế độ báo cáo về đội ngũ viên chức thuộc quyền quản lý theo quy định.
Chương VII
BỔ NHIỆM, BỔ NHIỆM LẠI, MIỄN NHIỆM, TỪ CHỨC; XỬ LÝ KỶ LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
Điều 28. Thẩm quyền, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
1. Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện Tỉnh ủy quản lý sau khi có Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
2. Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý sau khi có Nghị quyết của Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Quyết định công nhận chức danh Hiệu trưởng các Trường dân lập, tư thục bậc Trung học phổ thông và Trung cấp nghề.
4. Quyết định cử cán bộ làm đại diện quản lý phần vốn của Nhà nước, giới thiệu nhân sự ứng cử vào Hội đồng quản trị tại các Doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước.
Điều 29. Thẩm quyền, trách nhiệm của Sở Nội vụ.
1. Đối với các chức vụ lãnh đạo thuộc diện Tỉnh ủy quản lý: phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, xử lý kỷ luật.
2. Đối với chức vụ lãnh đạo thuộc diện Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý: chủ trì và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các quy trình về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, xử lý kỷ luật trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định sau khi có Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh bãi bỏ quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc các Sở về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức trái với quy định của pháp luật.
Điều 30. Thẩm quyền, trách nhiệm của Giám đốc Sở theo ngành, lĩnh vực được phân công quản lý.
1. Ngoài những chức danh do Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nêu tại khoản 2, Điều 5 quy định này; sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Nội vụ, quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức đối với các chức danh lãnh đạo:
a) Cấp phó các Chi cục thuộc sở; Trưởng phòng thuộc Sở.
b) Cấp trưởng, cấp phó các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở.
c) Phó Hiệu trưởng các trường công lập, bán công bậc Trung học phổ thông.
2. Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức và báo cáo Sở Nội vụ đối với các chức danh Phó trưởng phòng thuộc Sở.
3. Sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Nội vụ, theo ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, quyết định công nhận Phó Hiệu trưởng các trường dân lập, tư thục bậc Trung học phổ thông.
4. Quyết định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức không thuộc diện Tỉnh ủy hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, báo cáo Sở Nội vụ để theo dõi, kiểm tra. Riêng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung, hình thức kỷ luật cách chức đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc khoản 1 điều này phải được sự đồng ý bằng văn bản của Sở Nội vụ; hình thức kỷ luật hạ ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức đang giữ ngạch tương đương ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp phải được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 31. Thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
1. Sau khi có Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy và được sự đồng ý bằng văn bản của Sở Nội vụ; quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức đối với chức danh Trưởng phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2. Sau khi có Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy; quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ các chức vụ lãnh đạo:
a) Phó Trưởng phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
b) Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các Trường công lập, bán công bậc Trung học cơ sở, Tiểu học, Mầm non.
c) Cấp trưởng, cấp phó ở đơn vị sự nghiệp, các tổ chức sản xuất kinh doanh của Nhà nước thuộc huyện quản lý.
3. Quyết định công nhận Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các Trường dân lập, tư thục bậc Trung học cơ sở, Tiểu học, Mầm non.
4. Quyết định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức không thuộc diện Tỉnh ủy hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, báo cáo Sở Nội vụ để theo dõi, kiểm tra. Riêng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung, hình thức kỷ luật cách chức đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc khoản 1 điều này phải được sự đồng ý bằng văn bản của Sở Nội vụ; hình thức kỷ luật hạ ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức đang giữ ngạch tương đương ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp phải được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 32. Thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ truởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.
1. Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức đối với chức danh Trưởng phòng, Trưởng khoa chuyên môn sau khi được sự đồng ý bằng văn bản của Sở Nội vụ.
2. Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức đối với chức danh Phó Trưởng phòng, Phó Trưởng khoa chuyên môn, báo cáo Sở Nội vụ để theo dõi, kiểm tra.
3. Quyết định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức không thuộc diện Tỉnh ủy hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, báo cáo Sở Nội vụ để theo dõi, kiểm tra; riêng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung, hình thức kỷ luật cách chức đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc khoản 1 điều này phải được sự đồng ý bằng văn bản của Sở Nội vụ; hình thức kỷ luật hạ ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức đang giữ ngạch tương đương ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp phải được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 33. Thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ trưởng các Chi cục thuộc Sở.
1. Theo lĩnh vực quản lý, quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức đối với các chức danh lãnh đạo sau khi được sự đồng ý bằng văn bản của Sở Nội vụ:
a) Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động.
b) Đội trưởng Đội quản lý thị trường.
2. Theo lĩnh vực quản lý, quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức đối với các chức danh lãnh đạo sau khi được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan chủ quản cấp trên:
a) Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Đội phó Đội Kiểm lâm cơ động.
b) Đội phó Đội quản lý thị trường.
c) Trưởng phòng, Phó trưởng phòng thuộc Chi cục.
Chương VIII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 34. Sở Nội vụ theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các đơn vị sự nghiệp trong tỉnh thực hiện quy định này.
Điều 35. Quy định này làm căn cứ để thực hiện quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy; cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp của nhà nước, doanh nghiệp nhà nước; cán bộ, công chức cấp xã./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.