CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 237-CT | Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 1991 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆN LUẬN CHỨNG KINH TẾ KỸ THUẬT VƯỜN QUỐC GIA CÁT BÀ (HẢI PHÒNG) THUỘC BỘ LÂM NGHIỆP
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Xét luận chứng kinh tế kỹ thuật Vườn Quốc gia Cát Bà (theo tờ trình số 235/LS-CNR ngày 8 tháng 2 năm 1991) của Lâm nghiệp;
Theo đề nghị của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (số 708-UB/XDNL ngày 27 tháng 7 năm 1991) về việc phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật này,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật Vườn Quốc gia Cát Bà theo những nội dung và chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu sau:
1. Tên công trình: Vườn Quốc gia Cát Bà (Hải Phòng) thuộc Bộ Lâm nghiệp.
2. Chủ quản đầu tư: Bộ Lâm nghiệp.
Chủ đầu tư: Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà.
3. Địa điểm và phạm vi quản lý: được quy định tại Quyết định 79- CT ngày 31 tháng 3 năm 1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập Vườn Quốc gia Cát Bà.
Tổng diện tích Vườn Quốc gia Cát Bà quản lý là: 15.200 hécta. Trong đó, diện tích rừng núi là 9.800 hécta, diện tích mặt nước là 5.400 hécta.
- Diện tích vùng đệm của vườn là dải đất và vùng mặt nước bao quanh vườn rộng từ 1 km đến 3 km tính từ ranh giới của vườn trở ra. Bộ Lâm nghiệp cùng Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm xác định phạm vi cụ thể của vùng này trên thực địa và trên bản đồ.
4. Chức năng, nhiệm vụ của Vườn Quốc gia Cát Bà:
- Bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên còn tương đối nguyên vẹn, bảo tồn nguồn gien các động, thực vật quý hiếm, các loại đặc sản của vườn (kim giao, và nước, voọc đầu trắng, tu hài, cá heo, chim cao cát...).
- Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, các di tích khảo cổ và văn hoá lịch sử.
- Phục hồi lại hệ sinh thái rừng tại các khu vực đã bị tác động, phục hồi các động, thực vật quý có nguồn gốc ở đảo.
- Nghiên cứu cơ bản và thực nghiệm phục vụ yêu cầu bảo tồn và phục hồi tài nguyên rừng theo các hợp đồng.
- Thực hiện các dịch vụ nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục, kết hợp phục vụ tham quan du lịch.
- Phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng, quản lý và bảo vệ tốt vùng đệm.
5. Các phân khu chức năng:
a) Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt: Là khu vực còn nguyên vẹn hoặc gần nguyên vẹn, là nơi cư trú, hoạt động chủ yếu của các loài chim thú, hải sản quý bao gồm các thung áng: De Bờ Đa, áng nước lụt, áng Vọng, áng Ca, Thung ông Bụt, Man tái, Man Đốp, Khu ao ếch và vùng tam giác thuộc biển Vạn Bôi, Vạn Hồ.
Diện tích rừng: 1.421 hécta (không kể hệ thống núi đá bao bọc xung quanh); Biển: 278 hécta.
b) Khu phục hồi sinh thái: Là khu vực rừng trung bình hoặc nghèo tiếp giáp khu bảo vệ nguyên vẹn còn nhiều cây, con quý hiếm có khả năng phục hồi tốt - tiến hành khoanh nuôi, bảo vệ để phục hồi tự nhiên là chính.
Diện tích: 13.008 hécta.
Trong đó: phần mặt đất là: 7.910 hécta
phần mặt biển là: 5.098 hécta.
c) Khu hành chính: có chức năng chủ yếu là bảo đảm các hoạt động về quản lý hành chính và tổ chức các hoạt động dịch vụ nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục, tham quan học tập, du lịch. Diện tích 340 hécta.
d) Vùng đệm: Nhằm tạo vành đai bảo vệ tránh những tác động trực tiếp vào vườn.
6. Tổ chức quản lý:
Vườn Quốc gia Cát Bà là đơn vị trực thuộc Bộ Lâm nghiệp. Tổ chức quản lý và hoạt động của Vườn theo những chương trình chủ yếu sau đây:
- Chương trình bảo vệ vườn.
- Chương trình nghiên cứu và dịch vụ nghiên cứu khoa học.
- Chương trình tuyên truyền giáo dục bảo vệ thiên nhiên, môi trường, cảnh quan di tích lịch sử và tham quan du lịch.
Căn cứ vào nhiệm vụ, tổ chức quản lý và hoạt động của Vườn, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp quy định tổ chức bộ máy và biên chế cụ thể của Vườn, bảo đảm tính gọn và hoạt động có hiệu quả.
7. Đầu tư cơ bản:
a) Chương trình bảo vệ Vườn:
- Xây dựng hệ thống cột và phao mốc ranh giới Vườn và vùng đệm.
- Xây dựng 10 trạm bảo vệ.
- Bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, trong đó: Khoanh nuôi tái sinh, phục hồi rừng khoảng 7.000 hécta gồm: trồng rặm rừng và cây tinh bột để tạo thêm nguồn thức ăn cho chim thú, xây dựng đồng cỏ, các vườn ươm cây, trại con giống và các cơ sở nghiên cứu thực nghiệm khoa học.
- Trồng rừng khoảng: 800 hécta.
- Xây dựng các sân ăn, máng ăn, máng uống cho chim thú (bổ sung) và làm các chuồng dẫn dụ.
- Nhập lại một số loại thú: Hươu, nai, sơn dương.
- Di chuyển một số ít dân ở những khu vực thật cần thiết.
- Hỗ trợ dân xây dựng vùng đệm.
- Làm đường tuần tra bảo vệ rừng (đường đi bộ) khoảng: 12.500m.
b) Chương trình nghiên cứu và dịch vụ nghiên cứu khoa học.
- Xây dựng vườn thực vật: 50 hécta
- Xây dựng khu nghiên cứu và nuôi chim thú bán tự nhiên: 350m2.
- Khu nghiên cứu nuôi động vật biển: 10 hécta.
- Xây dựng một số cơ sở trưng bầy mẫu động, thực vật và phòng thí nghiệm.
- Xây dựng 3 chòi quan sát.
c) Chương trình tuyên truyền giáo dục và tham quan du lịch:
Việc thực hiện những nội dung tuyên truyền, giáo dục phải gắn với với các chương trình khác của Vườn để thực hiện.
Việc xây dựng các công trình phục vụ tham quan, du lịch, theo quy hoạch chung và do địa phương, các ngành có liên quan chịu trách nhiệm đầu tư, không được sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho Vườn.
d) Đầu tư cho tổ chức quản lý hành chính của Vườn:
- Nhà làm việc của Ban quản lý vườn kết hợp với nhà nghỉ của khách, trạm liên lạc ở Hải Phòng và các công trình phụ trợ khác.
- Nhà ở của cán bộ, công nhân viên quản lý vườn.
- Hệ thống thông tin liên lạc.
- Hệ thống cấp điện nước.
- Một số phương tiện, thiết bị cần thiết.
- Đường trung tâm vườn 2 km.
8. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản:
- Tổng vốn đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước cho vườn trong 7 năm (1991-1997) là 2.800 triệu đồng.
Trong đó:
+ Trồng rừng khoảng 800 hécta: 1.000 triệu đồng.
+ Bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, trong đó khoanh nuôi, tái sinh, phục hồi rừng khoảng 7.000 hécta: 1.200 triệu đồng.
+ Kiến thiết cơ bản khác khoảng: 600 triệu đồng.
- Vốn đầu tư cho các chương trình nghiên cứu khoa học được sử dụng nguồn vốn sự nghiệp khoa học theo kế hoạch hàng năm để thực hiện.
Ngoài nguồn vốn đầu tư bằng ngân sách Nhà nước nói trên, Bộ Lâm nghiệp và Giám đốc vườn Quốc gia Cát Bà cần tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn khác (vốn tự có, vốn viện trợ quốc tế, vốn liên doanh liên kết, v.v...) để đầu tư xây dựng vườn, bảo đảm được tiến độ và yêu cầu đề ra.
9. Tiến độ đầu tư: Công trình được đầu tư xây dựng trong 7 năm (1991- 1997).
Điều 2. Bộ Lâm nghiệp và Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà chịu trách nhiệm:
1. Căn cứ vào luận chứng kinh tế kỹ thuật đã được phê duyệt, lựa chọn các hạng mục công trình và mức độ đầu tư. Cần thứ tự ưu tiên để tập trung tổ chức, chỉ đạo thiết kế, thi công công trình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và đạt hiệu quả kinh tế cao.
2. Phối hợp với Bộ Thuỷ sản xây dựng luận chứng kinh tế kỹ thuật phân khu bảo vệ động vật biển để thực hiện đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh vườn.
3. Cùng với Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh xác định rõ ranh giới vườn và phạm vi vùng đệm.
4. Cùng Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức, ổn định sản xuất và đời sống dân cư trong vùng quy hoạch của vườn, thực hiện việc hợp đồng khoán cho dân để bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, gây nuôi động vật rừng; việc di chuyển dân chỉ thực hiện đối với một số ít trường hợp thật cần thiết.
Điều 3. Bộ trưởng các Bộ: Lâm nghiệp, Thuỷ sản, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Xây dựng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Tổng giám đốc Ngân hàng đầu tư phát triển, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và Thủ trưởng các ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Đồng Sĩ Nguyên (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.