ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2368/QĐ-UBND | Tiền Giang, ngày 03 tháng 10 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP TỈNH, HUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2013 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;
Căn cứ Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 - 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Tỉnh ủy Tiền Giang về nâng cao chất lượng công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Kế hoạch số 36-KH/TU ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Tỉnh ủy Tiền Giang về Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 499/TTr-SNV ngày 20 tháng 9 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức, triển khai thực hiện Đề án này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công căn cứ quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
ĐỀ ÁN
ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP TỈNH, HUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2013 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2368/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)
Phần I
MỞ ĐẦU
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN
Cán bộ, công chức là một bộ phận nhân lực đặc biệt trong tổng thể nguồn nhân lực xã hội, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong tham gia các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.
Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đã được các cấp ủy, lãnh đạo cấp tỉnh, huyện quan tâm, đặc biệt là đã kịp thời xây dựng các chế độ, chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng. Nhận thức của cán bộ, công chức về đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên, bước đầu xác định học tập là để đáp ứng yêu cầu công việc, đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm.
Với mục tiêu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp thì việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế thì công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giữ vai trò hết sức quan trọng.
Trên tinh thần đó, mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng được xác định theo yêu cầu nhiệm vụ, vị trí công tác, quy hoạch và bố trí cán bộ trong giai đoạn tới. Do vậy, việc xây dựng đề án tổng thể đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020 là hết sức cần thiết.
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Quyết định số 54-QĐ/TW ngày 12 tháng 5 năm 1999 của Bộ Chính trị quy định về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng;
- Quyết định số 256-QĐ/TW ngày 16 tháng 9 năm 2009 của Ban Bí thư quy định về xác định trình độ lý luận chính trị đối với đảng viên đã học lý luận chính trị ở các cơ sở đào tạo ngoài hệ thống trường chính trị của Đảng hoặc đại học chính trị chuyên ngành và sau đại học tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh;
- Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;
- Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP .
- Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 - 2015;
- Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Tỉnh ủy Tiền Giang về nâng cao chất lượng công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kế hoạch số 36-KH/TU ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Tỉnh ủy Tiền Giang về Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020;
- Kết quả khảo sát thực trạng cán bộ, công chức và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến 2020 đối với các sở ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công; các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện.
Phần II
THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
I. THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TỈNH TIỀN GIANG
1. Tổng quan về đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh Tiền Giang
Qua khảo sát thực trạng, tổng số cán bộ, công chức thuộc cơ quan hành chính nhà nước, khối Đảng, đoàn thể cấp tỉnh, huyện là 3.159 người (số cán bộ, công chức là nữ: 1002 người). Phân bổ như sau:
a) Theo cấp tỉnh, huyện
- Cấp tỉnh: 1.491 người:
+ Cơ quan hành chính nhà nước: 1079 người;
+ Khối Đảng, Đoàn thể: 412 người;
- Cấp huyện: 1.668 người:
+ Cơ quan hành chính nhà nước: 959 người;
+ Khối Đảng, Đoàn thể: 709 người;
b) Theo đối tượng:
- Cán bộ, công chức lãnh đạo
Tổng số cán bộ, công chức lãnh đạo cấp phòng và tương đương trở lên: 1.363 người. Trong đó:
- Cấp tỉnh: 637 người;
- Cấp huyện: 726 người.
- Công chức chuyên môn
Tổng số công chức chuyên môn còn lại, không thuộc đối tượng cán bộ, công chức lãnh đạo nêu trên: 1.796 người. Trong đó:
+ Cấp tỉnh: 854 người;
+ Cấp huyện: 942 người.
c) Theo ngạch công chức
Cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện giữ ngạch từ cán sự và tương đương trở lên: 3.092 người (chiếm 98 % trong tổng số cán bộ, công chức). Trong đó:
- Chuyên viên cao cấp và tương đương: 18 người (chiếm 0,6% tổng số cán bộ, công chức);
- Chuyên viên chính và tương đương: 379 người (chiếm 12% tổng số cán bộ, công chức);
- Chuyên viên và tương đương: 2.029 người (chiếm 70% tổng số cán bộ, công chức);
- Cán sự và tương đương: 486 người (chiếm 15,4% tổng số cán bộ, công chức);
Còn lại 67 người không xếp vào ngạch do không có trình độ chuyên môn, lớn tuổi không thể đưa đi đào tạo.
d) Theo trình độ chuyên môn
Trong tổng số 2.864 cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên được chia ra như sau:
- Tiến sĩ: 8 người (chiếm 0,3%);
- Thạc sĩ: 123 người (chiếm 3,9%);
- Đại học: 2.211 người (chiếm 70%);
- Cao đẳng: 99 người (chiếm 3,1%);
- Trung cấp chuyên nghiệp: 423 người (chiếm 13,4%).
đ) Theo trình độ lý luận chính trị và quản lý nhà nước
- Về trình độ lý luận chính trị
Cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện đã qua đào tạo trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên: 1.744 người (chiếm 55,2% trong tổng số CBCC). Trong đó:
+ Cao cấp lý luận chính trị, cử nhân chính trị: 1.019 người (chiếm 32,2% tổng số CBCC);
+ Trung cấp lý luận chính trị: 725 người (chiếm 23% tổng số CBCC).
- Về trình độ quản lý nhà nước
Cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện đã được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch từ chuyên viên trở lên (có chứng chỉ bồi dưỡng) là 1.477 người. Trong đó:
+ Đã qua bồi dưỡng QLNN chương trình chuyên viên cao cấp: 30 người;
+ Đã qua bồi dưỡng QLNN chương trình chuyên viên chính: 444 người;
+ Đã qua bồi dưỡng QLNN chương trình chuyên viên: 1.003 người.
2. Đánh giá chung trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện
a) Ưu điểm
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức luôn được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, được xác định là một trong những công tác trọng tâm, có tính quyết định đến công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Hiện nay, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện cơ bản đạt yêu cầu so với tiêu chuẩn ngạch và vị trí việc làm.
Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngày càng thiết thực theo hướng có trọng tâm, theo vị trí việc làm của từng cán bộ, công chức. Từ đó, ý thức tự học, tự bồi dưỡng về chuyên môn, cũng như tư cách đạo đức của cán bộ, công chức được nâng lên rõ rệt.
Số cán bộ, công chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngày càng tăng cả về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước và bồi dưỡng nghiệp vụ. Số lượng cán bộ, công chức đi đào tạo sau đại học có xu hướng ngày càng tăng và có tuổi đời trẻ, do đó có thể cống hiến trong một thời gian dài.
Hầu hết công chức qua đào tạo đã tiếp thu được nhiều kiến thức quan trọng trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước.
b) Hạn chế
Không ít cán bộ, công chức còn tâm lý xác định chưa đúng mục tiêu đào tạo là nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ công tác tốt hơn, mà coi mục tiêu đào tạo là có đủ bằng cấp, chứng chỉ để hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh.
Nhận thức của một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị về công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa sâu sắc và toàn diện; chưa gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch và sử dụng cán bộ. Một số địa phương, đơn vị chưa chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ để lựa chọn cử đi đào tạo, bồi dưỡng.
Công tác khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng chưa được quan tâm đúng mức, chưa được thực hiện thường xuyên nên chưa thực sự chủ động trong quản lý và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hàng năm và dài hạn.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trước khi bổ nhiệm và đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo quản lý đương chức chưa được quan tâm đúng mức.
Cán bộ, công chức có xu hướng tập trung vào học ở hình thức đào tạo tại chức để hoàn thiện tiêu chuẩn về bằng cấp nên ít tham gia các chương trình đào tạo khác.
Cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng tuy kịp thời đổi mới nhưng vẫn còn vướng mắc trong một số khâu, một số đối tượng; chậm hướng dẫn về tiêu chuẩn, đối tượng học lý luận chính trị theo Quy định số 256-QĐ/TW. Các cơ sở đào tạo trong tỉnh chậm xây dựng các chương trình bồi dưỡng theo Nghị định số 18/2010/NĐ-CP và Thông tư số 03/2011/TT-BNV .
Chương trình bồi dưỡng chậm đổi mới, còn tập trung nhiều vào lý thuyết, ít thực hành, nhiều nội dung còn trùng lắp giữa các lớp bồi dưỡng.
Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy đầu ngành có kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo, quản lý và kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống thuộc hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có xu hướng già hóa và hụt hẫng đội ngũ giảng viên kế thừa trong thời gian tới. Công tác nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có nhiều đóng góp quan trọng vào nghiên cứu lý luận, giảng dạy, tổng kết thực tiễn.
Công tác phối hợp trong xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm giữa khối đảng và khối nhà nước và cơ sở đào tạo trong tỉnh chưa chặt chẽ, chưa phát huy tốt chức năng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát;
II. CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
1. Hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
a) Trường Chính trị tỉnh và 10 Trung tâm bồi dưỡng Chính trị cấp huyện:
Đội ngũ giáo viên tại Trường Chính trị tỉnh và các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện hiện nay chủ yếu trình độ đại học, chỉ một số ít có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Về nội dung, chương trình và quy mô đào tạo, bồi dưỡng: Qua khảo sát cho thấy, chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức tại Trường Chính trị tỉnh và các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện chủ yếu tập trung ở các nhóm nội dung sau:
- Bồi dưỡng về lý luận chính trị (bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới; Bồi dưỡng kết nạp Đảng; Sơ cấp lý luận chính trị):
- Bồi dưỡng về công tác xây dựng Đảng (bồi dưỡng công tác Đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên ở cơ sở; công tác tuyên giáo ở cơ sở; công tác kiểm tra giám sát; bảo vệ chính trị nội bộ; công tác tổ chức):
- Bồi dưỡng về công tác đoàn thể, khối vận cho các đối tượng thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội, xã hội nghề nghiệp (Hội phụ nữ; Hội Nông dân; Đoàn Thanh niên; Mặt trận Tổ quốc; Hội Cựu chiến binh; Công đoàn; Hội Chữ thập đỏ; Hội người cao tuổi; Hội Liên hiệp thanh niên...);
- Bồi dưỡng về kiến thức quốc phòng - an ninh cho đối tượng 4, 5.
- Một số lớp tập huấn, bồi dưỡng khác (các chuyên đề thông tin thời sự; công tác thanh tra nhân dân; công tác tuyên truyền miệng; hòa giải ở cơ sở; công tác khuyến học...)
Tùy theo từng nội dung chương trình mà thời gian tổ chức các lớp bồi dưỡng tại các trung tâm bồi dưỡng khác nhau, chủ yếu từ 03 - 05 ngày/lớp đối với các lớp bồi dưỡng, riêng các lớp lý luận chính trị tổ chức theo quy định riêng.
b) Trường Đại học Tiền Giang, Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang và Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang:
Tổng số giảng viên, giáo viên và viên chức quản lý có tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Tiền Giang, Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang và Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang là 529 người, trong đó tiến sĩ là 14 người (chiếm tỉ lệ 2.65 %), thạc sĩ là 201 người (chiếm tỉ lệ 38 %), đại học là 293 người (chiếm tỉ lệ 55.69%), cao đẳng là 12 người (chiếm tỉ lệ 2.27%), còn lại là 09 người (chiếm 1.7 %).
Về nội dung, chương trình và quy mô đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu là đào tạo theo nhu cầu xã hội, chưa xây dựng được nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức của tỉnh.
2. Đội ngũ công chức làm công tác đào tạo, bồi dưỡng
Qua khảo sát đối với các sở ngành tỉnh, các huyện thành thị cho thấy: đội ngũ công chức phụ trách công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chiếm khoảng 3% trong tổng số đội ngũ công chức toàn tỉnh, trình độ chủ yếu là đại học với chuyên môn từ nhiều ngành đào tạo khác nhau. Trong đó khoảng 45% có chuyên ngành đào tạo tương đối phù hợp với các vị trí chức danh công việc như: hành chính, luật. Khoảng 55% còn lại có chuyên ngành đào tạo khác như: nông nghiệp, sư phạm, cơ khí, công nghệ thông tin, sinh học, kế toán,...
Kết quả trên cho thấy phần lớn đội ngũ công chức phụ trách công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức rất cần chuẩn hóa về chuyên môn (với các chuyên ngành đào tạo như: luật, hành chính, quản trị nhân sự, quản lý nhà nước) và được trang bị kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực công tác đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng trong thời gian tới.
3. Nhận xét, đánh giá chung
Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời ban hành các chế độ, chính sách về công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức. Xây dựng hành lang pháp lý thông qua các văn bản như: Nghị quyết số 07/2011/NQ-HĐND ; Quyết định số 01/2012/QĐ-UBND ; Quyết định số 26/2012/QĐ-UBND qua đó cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về cơ chế, chính sách cho cán bộ, công chức khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, góp phần làm cho cán bộ, công chức an tâm công tác và học tập nâng cao trình độ, chuyên môn.
Chương trình, tài liệu giảng dạy còn chậm đổi mới; hầu hết các cơ sở đào tạo chưa tự biên soạn tài liệu đối với các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, nội dung bồi dưỡng còn trùng lặp, nặng về lý thuyết, nhẹ về kỹ năng thực hành và tổng kết thực tiễn.
Chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian qua mới chỉ tập trung vào việc trang bị kiến thức theo tiêu chuẩn trình độ, theo tiêu chuẩn ngạch mà chưa tập trung vào việc trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp làm việc.
Đội ngũ giáo viên của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong tỉnh còn hạn chế, nhất là về kiến thức, kinh nghiệm quản lý nhà nước và phương pháp giảng dạy, có xu hướng hụt hẫng nguồn bổ xung giáo viên có trình độ, kinh nghiệm giảng dạy khi số giáo viên lớn tuổi về hưu. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên kiêm chức tuy có chú trọng xây dựng nhưng chưa được bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy cho đối tượng học là người lớn tuổi.
Một số trường hợp, giáo viên thuộc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp huyện vẫn giữ ngạch chuyên viên, chưa chuyển xếp sang ngạch giảng viên nên các chế độ chưa được thực hiện (như thâm niên nhà giáo, bồi dưỡng giảng viên...).
Phần III
MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Tạo chuyển biến thực chất trong việc trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức;
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có đủ năng lực trong hoạt động công vụ;
- Gắn đào tạo, bồi dưỡng với cơ cấu ngạch công chức, theo yêu cầu của vị trí việc làm, đồng bộ với công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ, công chức.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015
- Có 98% cán bộ, công chức được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định;
- Có 98% cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, huyện được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định; Có 95% cán bộ, lãnh đạo quản lý cấp phòng (tương đương) được đào tạo, bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm;
- Có 70% cán bộ, công chức thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm;
- Phấn đấu cử từ 40 đến 50 cán bộ, công chức đi đào tạo trình độ sau đại học ở trong nước thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước, hoạch định chính sách.
3. Định hướng đến năm 2020:
Giữ vững các mục tiêu đến năm 2015 và từng bước nâng cao, đồng thời phấn đấu tăng tỉ lệ cán bộ, lãnh đạo quản lý cấp phòng (tương đương) được đào tạo, bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm; tăng tỉ lệ cán bộ, công chức thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm và tăng số lượng cán bộ, công chức có trình độ sau đại học nhằm hướng tới xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành.
II. ĐỐI TƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
Cán bộ, công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh, cấp huyện; và công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
III. NỘI DUNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC:
1. Đối với bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước
a) Bồi dưỡng QLNN theo chương trình chuyên viên cao cấp (tương đương):
- Số cán bộ, công chức hiện đang giữ ngạch chuyên viên cao cấp là: 18 người;
- Số cán bộ, công chức hiện tại đã có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp (tương đương) là 30 người;
Hầu hết cán bộ, công chức đang giữ ngạch chuyên viên cao cấp (tương đương) đã được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên cao cấp, tuy nhiên để lãnh đạo cấp sở, ngành tỉnh, cấp huyện có kiến thức phục vụ công tác tham mưu thì mỗi cơ quan, đơn vị cần cử Ban Giám đốc và lãnh đạo cấp huyện đi bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên cao cấp. Do đó, dự kiến từ nay đến năm 2020, sẽ cử đi bồi dưỡng 120 lượt (trung bình 15 người/năm).
b) Bồi dưỡng QLNN chương trình chuyên viên chính (tương đương)
- Số cán bộ, công chức hiện đang giữ ngạch chuyên viên chính (tương đương) là 379 người;
- Số cán bộ, công chức hiện tại đã có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính (tương đương) là 444 người;
Mục tiêu bồi dưỡng đến năm 2020 là các cán bộ, công chức đang giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng phải được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính (tương đương), tổng số cán bộ, công chức đang giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng và tương đương của tỉnh là khoảng 1044 người, do đó dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ cử đi bồi dưỡng 600 lượt (trung bình 75 người/năm).
c) Bồi dưỡng QLNN theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên (tương đương)
- Số cán bộ, công chức hiện đang giữ ngạch chuyên viên (tương đương) là 2.209 người;
- Số cán bộ, công chức hiện tại đã có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên (tương đương) là 1.003 người.
Qua số liệu trên cho thấy chỉ 45,4 % số cán bộ, công chức đang giữ ngạch chuyên viên có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, trước mắt cần bồi dưỡng cho số cán bộ, công chức còn lại là 1.206 người và dự kiến số công chức được tuyển dụng mới và số cán bộ, công chức đang giữ ngạch có nhu cầu thi nâng ngạch chuyên viên là 400 người, do đó từ nay đến năm 2020 cần bồi dưỡng khoảng 1606 lượt, trung bình mỗi năm là 200 lượt (mỗi năm tổ chức 02 lớp, mỗi lớp khoảng 100 người).
d) Bồi dưỡng QLNN theo tiêu chuẩn ngạch cán sự (tương đương)
- Số cán bộ, công chức hiện đang giữ ngạch cán sự (tương đương) là 486 người;
- Số cán bộ, công chức hiện tại đã có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch cán sự (tương đương) là 25 người;
Hầu hết công chức giữ ngạch cán sự (tương đương) chưa được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch cán sự (tương đương), nên từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 cần tổ chức bồi dưỡng dứt điểm số cán bộ công chức hiện đang giữ ngạch cán sự hiện có để đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn ngạch. Như vậy, số CBCC cần bồi dưỡng QLNN ngạch cán sự đến năm 2020 là 461 lượt, mỗi năm tổ chức 1 lớp, mỗi lớp khoảng 60 người.
2. Đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý
a) Đối với đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị
Thực hiện Quy định số 54-QĐ/TW ngày 12 tháng 5 năm 1999 của Bộ Chính trị (khóa VIII) quy định về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng. Theo đó, đảng viên là công chức ngạch chuyên viên, chuyên viên chính phải học xong chương trình trung cấp lý luận chính trị; đảng viên là chuyên viên cao cấp phải học xong chương trình lý luận chính trị cao cấp;
Qua khảo sát, số cán bộ, công chức đã qua đào tạo cao cấp lý luận chính trị, cử nhân chính trị là: 1.019 người. Nhu cầu đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị đến năm 2015 là: 557 người. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, dự kiến mỗi năm cần đào tạo cao cấp lý luận chính trị khoảng 80 đến 90 người;
Số cán bộ, công chức đã qua đào tạo trung cấp lý luận chính trị là 725 người. Nhu cầu đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị đến năm 2015 là: 640 người. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, dự kiến mỗi năm cần đào tạo trung cấp lý luận chính trị khoảng 90 đến 100 người.
b) Đối với đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý
Hiện nay, số cán bộ, công chức lãnh đạo cấp phòng (tương đương) trở lên là 1363 người, trong đó hầu hết cán bộ, công chức chưa qua bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý theo quy định tại Nghị định số 18/2010/NĐ-CP .
Do vậy, theo mục tiêu tại Quyết định số 3629/QĐ-UBND thì bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho các chức danh lãnh đạo từ năm 2013 đến năm 2015 với 2 nhóm đối tượng gồm: bồi dưỡng cán bộ, công chức đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo quản lý.
Qua khảo sát, tổng số cán bộ, công chức đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cần bồi dưỡng là 877 người. Trong đó nhu cầu cụ thể như sau:
+ Bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo cấp sở (tương đương) là 238 người.
+ Bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo cấp phòng (tương đương) là 639 người.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, dự kiến mỗi năm cần bồi dưỡng kỹ năng cho lãnh đạo cấp sở (tương đương) khoảng 30 đến 40 người và bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo cấp phòng (tương đương) khoảng 90 đến 100 người.
c) Đối với đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành:
Thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc theo tiêu chuẩn chuyên ngành và theo vị trí việc làm quy định tại Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 5 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức và Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP. Theo đó cán bộ, công chức cần phải thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu một tuần trong một năm.
Mục tiêu đề án đến 2015 có 70% cán bộ, công chức thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm. Trong tổng số 3.159 cán bộ, công chức (gồm 1363 công chức đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên và 1796 công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý), số công chức cần thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm là 3.159 x 70% = 2.211 người/năm. Như vậy, mỗi năm cần tổ chức khoảng 25 lớp bồi dưỡng theo chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm. Mỗi lớp bồi dưỡng khoảng 70 người/lớp. Nội dung chương trình cụ thể của mỗi lớp bồi dưỡng được xác định thông qua khảo sát nhu cầu bồi dưỡng từng năm đối với cán bộ, công chức.
3. Đào tạo, bồi dưỡng tin học và ngoại ngữ:
Việc đào tạo tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, công chức thực hiện theo Đề án đào tạo, bồi dưỡng tin học và ngoại ngữ cho cán bộ, công chức giai đoạn 2013 - 2015 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1537/QĐ-UBND ngày 27 tháng 6 năm 2013.
4. Đào tạo sau đại học:
Trên cơ sở các ngành đào tạo trình độ sau đại học tại Thông tư 04/2012/TT-BGD&ĐT ngày 15 tháng 02 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Các ngành, lĩnh vực trong công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách cần đào tạo trình độ sau đại học đến năm 2015, định hướng 2020 đối với cán bộ, công chức tỉnh, huyện gồm:
a) Quản lý giáo dục;
b) Quản lý văn hóa;
c) Quản lý y tế;
d) Quản lý thể dục thể thao;
e) Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;
g) Chính sách công;
h) Quản lý công;
i) Quản trị nhân lực;
k) Quản lý kinh tế;
l) Quản lý khoa học và công nghệ;
m) Quản lý công nghiệp;
n) Quản lý năng lượng;
o) Quản lý đô thị và công trình;
p) Quy hoạch vùng và đô thị;
q) Quản lý xây dựng;
r) Quản lý nguồn lợi thủy sản;
s) Tổ chức quản lý dược;
t) Tổ chức và quản lý vận tải;
u) Quản lý tài nguyên và môi trường;
v) Quản lý đất đai;
x) Công tác xã hội;
y) Luật Hiến pháp và luật Hành chính;
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN:
Kinh phí tổ chức thực hiện các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước theo các quy định hiện hành.
Phần IV
GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. GIẢI PHÁP:
Thống nhất trong nhận thức, trong công tác chỉ đạo, tham mưu và tổ chức thực hiện của các cấp tính đặc thù của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là một bộ phận của công tác cán bộ, chịu sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; do các cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức chủ động thực hiện theo một cơ chế mở, có tính cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời đảm bảo được sự chủ động, quyền được tham gia biên soạn và lựa chọn những chương trình phù hợp với đặc thù công tác, vị trí việc làm của cán bộ, công chức.
Quán triệt và nâng cao nhận thức về trách nhiệm, đề cao tinh thần học tập và tự học tập suốt đời của cán bộ, công chức; xác định rõ việc học tập đáp ứng các tiêu chuẩn trình độ quy định cho các ngạch, chức danh lãnh đạo, quản lý; học tập, rèn luyện để thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ, công vụ được giao, trước hết, là nhiệm vụ của bản thân người cán bộ, công chức. Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội tạo điều kiện và hỗ trợ cho cán bộ, công chức được trang bị các kiến thức, kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm để nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.
Tăng cường sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các ngành các cấp trong xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước và kinh phí tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng.
Thực hiện tốt công tác khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm sát nhu cầu của cán bộ, công chức và đáp ứng theo vị trí việc làm.
Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với bố trí, sử dụng sau đào tạo và phải theo chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ trong từng thời kỳ; xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu có năng lực đề xuất, xây dựng các chính sách phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên Trường Chính trị, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện theo yêu cầu nhiệm vụ của công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới để Trường Chính trị tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính (bên cạnh lớp quản lý nhà nước ngạch chuyên viên hiện đang tổ chức), Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đủ năng lực thực hiện tổ các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch cán sự.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ sở đào tạo trong tỉnh cần tăng cường hợp tác liên kết các cơ sở đào tạo ngoài tỉnh, mở các lớp đào tạo đại học các chuyên ngành, các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng góp phần phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy:
a) Hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Đề án này;
b) Căn cứ các mục tiêu của Đề án này xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và danh mục các chuyên ngành sau đại học cần thu hút hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
c) Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh dành khoản kinh phí thích hợp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh. Đồng thời hàng năm tổng hợp chung kinh phí đào tạo, bồi dưỡng vào dự toán kinh phí hoạt động của Sở Nội vụ;
d) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng chính sách, chế độ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, đặc biệt là nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học và kịp thời tiếp thu những vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách mới ban hành, để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết kịp thời.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối nguồn kinh phí thực hiện Đề án này.
3. Sở Tài chính:
a) Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng dự toán đào tạo, bồi dưỡng hàng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt;
b) Quản lý và cấp phát kinh phí kịp thời; theo dõi, kiểm tra, quyết toán kinh phí đã cấp theo đúng quy định hiện hành.
4. Sở Ngoại vụ:
Phối hợp với các cơ quan chức năng huy động nguồn tài trợ của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; phối hợp với Công an tỉnh, các cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ trong việc giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh; theo dõi, phối hợp quản lý các đối tượng cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.
5. Các cơ sở đào tạo của tỉnh:
a) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng, triển khai thực hiện chương trình, giáo trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; bồi dưỡng theo chức danh lãnh đạo, quản lý; đào tạo, bồi dưỡng tối thiểu bắt buộc hàng năm đối với công chức.
b) Chủ động nghiên cứu, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy nâng cao chất lượng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; xây dựng đội ngũ giảng viên có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới.
6. Các cơ quan, đơn vị:
a) Các cơ quan, đơn vị theo phân cấp, chủ động khảo sát, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm, 05 năm của cơ quan, đơn vị theo các nội dung, mục tiêu nêu tại Đề án này và chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, các cơ sở đào tạo triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo của địa phương, đơn vị đã được phê duyệt; đồng thời, hàng năm báo cáo, đánh giá tình hình việc triển khai thực hiện Đề án.
b) Phối hợp các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có năng lực trong và ngoài tỉnh để phối hợp tổ chức mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn đáp ứng theo vị trí việc làm, chú trọng các lớp bồi dưỡng bắt buộc 05 ngày/năm theo Nghị định số 18/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
c) Phân công, sử dụng, tạo môi trường làm việc phù hợp cho công chức mới được tuyển dụng, cũng như công chức trình độ sau đại học được thu hút về tỉnh công tác. Sắp xếp, bố trí thời gian và tạo điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ, công chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.
Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang giao các sở, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan, Trường Chính trị tỉnh, các Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp huyện và các cơ sở đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý căn cứ chức năng nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ triển khai thực hiện tốt Đề án này. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh đề nghị các cơ quan, đơn vị có văn bản (thông qua Sở Nội vụ) để Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.