BỘ NỘI THƯƠNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 235-NT/SM | Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 1960 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH TẠM THỜI TỔ CHỨC BỘ MÁY THỐNG NHẤT QUẢN LÝ KINH DOANH MUỐI
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG
Căn cứ Nghị quyết khóa họp thứ 8 của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tách Bộ Thương nghiệp thành hai Bộ: Bộ Nội thương và Bộ Ngoại thương;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ ngày 25, 26 tháng 03 năm 1958 về kiện toàn tổ chức, chấn chỉnh biên chế và điều chỉnh cán bộ;
Căn cứ Quyết định số 261-TTg ngày 06-07-1959 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện toàn bộ chính sách thống nhất quản lý kinh doanh muối và tổ chức Ngành muối từ Bộ Tài chính sang Bộ Nội thương;
Trong khi chờ đợi Thủ tướng của Thủ tướng Chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Nay tạm thời quy định tổ chức bộ máy cơ quan thống nhất quản lý kinh doanh muối trong những điều khoản sau đây:
Điều 2. - Sở Muối trung ương, nay đổi tên là Cục Quản lý muối.
Cục Quản lý muối có nhiệm vụ: giúp Bộ chỉ đạo thực hiện chính sách thống nhất quản lý kinh doanh muối, chỉ đạo nghiệp vụ kinh doanh muối, và tổ chức việc sản xuất, thu mua, phân phối muối cho các địa phương.
Cụ thể là:
a) Giúp Bộ nghiên cứu và dự thảo các chính sách thống nhất quản lý kinh doanh muối; nghiên cứu dự thảo các biện pháp, thể lệ, chế độ thực hiện chính sách thống nhất quản lý kinh doanh muối.
b) Căn cứ vào kế hoạch Nhà nước, giúp Bộ quy định chỉ tiêu kế hoạch sản xuất và tiêu thụ muối cho các địa phương.
c) Cùng Vụ Vật giá giúp Bộ định giá bán buôn muối và bán lẻ ở thị trường chính của từng địa phương.
d) Giúp Bộ chỉ đạo thực hiện việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với những người sản xuất muối riêng lẻ.
e) Giúp Bộ chỉ đạo, hướng dẫn việc cải tiến kỹ thuật làm muối; xây dựng và quản lý các ruộng muối thí nghiệm, các quốc doanh sản xuất muối và các cơ sở sản xuất sản phẩm hóa học của muối.
g) Thừa ủy nhiệm của Bộ, giao dịch ký kết hợp đồng mua bán với các Bộ, các ngành có liên quan về muối.
h) Quản lý kinh doanh, tài sản, tổ chức, biên chế, cán bộ, đối vối các Chi cục muối trực thuộc Cục.
i) Kiểm soát việc thi hành các thể lệ về quản lý muối.
j) Chỉ đạo thu nộp thuế muối cho Nhà nước.
Cục Quản lý muối có các phòng:
- Phòng Sản xuất
- Phòng Kinh doanh – Tài vụ
- Phòng Tổ chức hành chính.
Điều 3. – Nay đổi tên các Chi sở muối Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thành các Chi cục quản lý kinh doanh muối, và tách Chi sở muối Hải Phòng ra làm 3 phòng : Hồng Quảng, Hải Phòng và Kiến An.
Các Chi cục quản lý kinh doanh muối là những cơ quan hành chính, đồng thời là đơn vị hạch toán kinh tế về mặt kinh doanh, có nhiệm vụ:
a) Quản lý các ruộng muối về mặt hành chính (bao gồm việc cấp giấy phép, cho hoặc không cho đăng ký sản xuất, xử lý muối lậu, hoặc muối vận chuyển không hợp pháp…)
b) Tổ chức thực hiện việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với những người sản xuất muối riêng lẻ.
c) Tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất, thu mua và phân phối theo kế hoạch đã được Cục duyệt.
d) Tổ chức vận chuyển muối đến các kho trung chuyển và các kho dự trữ muối.
e) Nghiên cứu xây dựng kế hoạch kiến thiết cơ bản và tổ chức việc thực hiện sau khi đã được Bộ phê chuẩn.
g) Quản lý kinh doanh tài sản và các mặt khác của các trạm quản lý kinh doanh muối trực thuộc, các ruộng muối thí nghiệm, các quốc doanh sản xuất muối, các cơ sở sản xuất sản phẩm hóa học của muối, có nhiệm vụ tích lũy vốn cho Nhà nước.
h) Thu nộp thuế muối cho Nhà nước.
Các Chi cục quản lý kinh doanh muối coi như một xí nghiệp của Trung ương đặt tại địa phương, chịu sự lãnh đạo của Bộ Nội thương (Cục quản lý muối) về mọi mặt, đồng thời chịu sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính tỉnh về những mặt đã được quy định trong Thông tư số 828-NT ngày 02-10-1959 của Bộ Nội thương (trong phần nội dung nói về những xí nghiệp của Trung ương tại địa phương)
Điều 4. - Nhiệm vụ thực hiện chính sách thống nhất quản lý kinh doanh muối, tổ chức sản xuất và cải tạo người làm muối riêng lẻ, tổ chức thu mua và phân phối muối ở khu Hồng Quảng, thành phố Hải Phòng và các tỉnh Kiến An, Hải Ninh, Thái Bình, Quảng Bình, Bộ phận cấp quản lý cho Ủy ban hành chính khu, thành phố và các tỉnh đó phụ trách.
Các Sở, Ty Thương nghiệp giúp Uỷ ban hành chính khu, thành phố và các tỉnh đảm nhận trách nhiệm trên đây, và chịu sự chỉ đạo thống nhất của Cục Quản lý muối về mặt thực hiện chính sách thống nhất quản lý kinh doanh muối, về nghiệp vụ sản xuất, thu mua và phân phối muối.
Trong các Sở, Ty Thương nghiệp ở các thành phố và các tỉnh trên đặt một Phòng quản lý kinh doanh muối. Kể từ nay trở đi, các Sở, Ty Thương nghiệp có thêm nhiệm vụ:
a) Quản lý các ruộng muối về mặt hành chính (bao gồm việc cấp giấy phép, cho hoặc không cho đăng ký sản xuất, xử lý muối lậu hoặc muối vận chuyển không hợp pháp…)
b) Hướng dẫn cải tiến kỹ thuật sản xuất muối.
c) Tổ chức thực hiện việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với những người sản xuất muối riêng lẻ.
d) Tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất, thu mua và phân phối muối.
e) Nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiến thiết công nghiệp cơ bản các công trình về sản xuất và bảo quản muối.
g) Quản lý kinh doanh và tài sản của các trạm quản lý kinh doanh muối trực thuộc.
Điều 5. - Tại các huyện có đồng muối, đặt một trạm quản lý kinh doanh muối, và ở các xã đồng muối đặt những tổ thu mua muối, trực thuộc trạm.
Trạm quản lý kinh doanh muối có nhiệm vụ:
a) Nắm tình hình sản xuất các đồng muối và thi hành các quy định về quản lý muối.
b) Hướng dẫn việc cải tiến kỹ thuật làm muối; kiến thiết các công trình giao thông thủy lợi nhỏ ở đồng muối.
c) Xây dựng các tổ đổi công và các hợp tác xã sản xuất muối.
d) Tổ chức thu mua và phân phối muối theo kế hoạch của các Chi cục quản lý muối hoặc của các Sở, Ty Thương nghiệp;
e) Bảo quản các kho muối ở trong huyện.
Các trạm quản lý kinh doanh muối đặt dưới sự lãmh đạo trực tiếp của các Chi cục quản lý kinh doanh muối (đối với những nơi không phân cấp quản lý) hoặc của các Sở, Ty Thương nghiệp (đối với những nơi đã phân cấp quản lý), đồng thời đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính huyện về các mặt sau đây:
- Thực hiện chính sách thống nhất quản lý kinh doanh muối.
- Kiểm tra đôn đốc việc thực hiện kế hoạch.
- Bảo vệ an toàn các kho muối của Nhà nước và đảm bảo an toàn cho các đồng muối sản xuất liên tục.
- Lãnh đạo chính trị, giáo dục, học tập cán bộ nhân viên công tác ở trạm quản lý kinh doanh muối.
Điều 6. – Ủy ban hành chính xã ở những vùng có đồng muối có trách nhiệm trực tiếp thực hiện chính sách thống nhất quản lý kinh doanh muối và trực tiếp tiến hành cải tạo những người sản xuất muối riêng lẻ, đảm bảo an toàn các đồng muối và các kho muối của Nhà nước đặt tại địa phương.
Điều 7. - Cục Quản lý muối có nhiệm vụ phân phối muối đến các tỉnh (trừ các tỉnh đã phân cấp quản lý kinh doanh về muối), và việc bán muối ra thị trường do các Công ty lương thực địa phương phụ trách.
Điều 8. – Các Ông Chánh văn phòng, Giám đốc các Vụ, Cục, thuộc Bộ Nội thương, Ủy ban hành chính các thành phố và các tỉnh có đồng muối chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.