ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2305/QĐ-UBND | An Giang, ngày 04 tháng 11 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC THẨM QUYỀN QUẢN LÝ CỦA CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THEO CƠ CHẾ MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ ngày 08 tháng 11 năm 2011 ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020;
Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;
Căn cứ Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh An Giang tại Tờ trình số 51/TTr-STP ngày 11 tháng 10 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC THẨM QUYỀN QUẢN LÝ CỦA CHỦ TICH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THEO CƠ CHẾ MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 2305/QĐ-UBND ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
I. CƠ SỞ LÝ LUẬN, PHÁP LÝ CỦA ĐỀ ÁN
1. Cơ sở lý luận:
Cải cách hành chính là nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Những năm qua, thực hiện các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng triển khai và đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác cải cách hành chính hành, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 – 2010 (gọi tắt là Đề án 30).
Thành công của việc triển khai Đề án 30 của tỉnh được Trung ương đánh giá cao và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận dựa trên 3 yếu tố: Thứ nhất, đã tập hợp, niêm yết tại trụ sở cơ quan hành chính và cổng thông tin điện tử đầy đủ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Chủ tịch UBND tỉnh, nhờ đó người dân, doanh nghiệp dễ dàng truy cập và có được những thông tin về thủ tục hành chính, cũng như biết được quyền và nghĩa vụ mà mình phải tuân thủ. Thứ hai, đã tổ chức rà soát, tập hợp, xây dựng và được tích hợp trên cơ sở dữ liệu quốc gia 1778 thủ tục hành chính áp dụng tại 3 cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã). Thứ ba, thiết lập bộ phận kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh (nay thuộc Sở Tư pháp) theo quy định pháp luật hiện hành.
Bên cạnh những kết quả và chuyển biến tích cực trên, công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sau:
- Một số cơ quan, đơn vị trong thời gian gần đây thiếu sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông mặc dù đã triển khai nhưng mang tính cục bộ ở một số lĩnh vực nên thiếu sự toàn diện, thống nhất trong quá trình xây dựng, ban hành và thực hiện quy định thủ tục hành chính.
- Vẫn còn tồn tại tình trạng cơ quan hành chính nhà nước giành thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp nên việc giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn nhiều phiền hà, phức tạp, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.
- Cơ chế một cửa, một cửa liên thông mặc dù đã được triển khai trên địa bàn tỉnh nhưng mang tính cục bộ ở một số lĩnh vực nên thiếu sự toàn diện, thống nhất trong quá trình xây dựng, ban hành quy định thủ tục hành chính, đồng thời gây trở ngại cho việc thống kê, tính toán, cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính trên toàn tỉnh.
Tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, nhận thức, tư duy về quản lý nhà nước trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, kể cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt chậm được đổi mới. Biểu hiện của tư duy này là muốn quản lý chặt, ôm đồm, áp đặt ý chí chủ quan trong quá trình xử lý tình huống, giải quyết thủ tục hành chính.
Thứ hai, một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, có nơi chính quyền địa phương chưa có sự chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên nguồn lực cho công tác cải cách thủ tục hành chính.
Thứ ba, các thủ tục hành chính hiện nay còn tình trạng cắt khúc, cục bộ, thiếu tính liên thông và phối hợp trong thực hiện thủ tục hành chính. Khi có nhu cầu cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp còn phải đến nhiều cơ quan, nhiều đầu mối để thực hiện thủ tục hành chính.
2. Cơ sở pháp lý:
Từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP và Nghị quyết số 76/NQ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, tới nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác này như: Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 05/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính.
Thực hiện chỉ đạo của các Bộ, ngành và căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tỉnh An Giang đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP. Cụ thể như sau:
Quyết định số 930/QĐ-UBND ngày 15/6/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc ban hành Chương trình cải cách hành chính nhà nước tỉnh An Giang.
Chỉ thị số 05/2012/CT-UBND ngày 28/5/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2011 – 2015.
Quyết định số 10/QĐ-UBND ngày 04/01/2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc ban hành Danh mục các thủ tục hành chính giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh An Giang.
II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU VÀ PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu:
Hệ thống, đánh giá tổng thể thực trạng các thủ tục hành chính, trên cơ sở đó xác định tỷ lệ phần trăm thủ tục hành chính phải qua nhiều cơ quan, nhiều cấp chính quyền. Qua đó, phát hiện những thủ tục rườm rà, phức tạp, có chi phí tuân thủ lớn để đưa ra các phương án giải quyết, hoàn thiện hệ thống thủ tục hành chính theo hướng một đầu mối.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhằm đảm bảo 100% thủ tục hành chính liên quan đến công việc của nhiều cơ quan hành chính nhà nước, nhiều cấp chính quyền được “tiếp nhận hồ sơ - trả kết quả” tại một nơi. Qua đó tạo sự thuận lợi, cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí xã hội không cần thiết cho việc thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
2. Yêu cầu:
Thủ tục hành chính trên từng lĩnh vực quản lý nhà nước phải được xem xét, đánh giá để thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan cấp trên đơn giản hóa theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Quy trình giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều cấp chính quyền, hồ sơ thủ tục hành chính phải được chuẩn hóa về một đầu mối, đồng thời công khai hóa để mọi cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước.
Tiếp tục cải thiện, tăng cường mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa cơ quan hành chính nhà nước với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau trong giải quyết và thực hiện thủ tục hành chính.
3. Phạm vi:
Thống kê, rà soát, và đơn giản hoá tất cả các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo cơ chế một cửa, một cửa liên.
III. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN
1. Nội dung:
a) Thống kê, tập hợp các thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên từng lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.
b) Xây dựng sơ đồ và công khai, minh bạch các thủ tục hành chính có liên quan để tạo điều kiện cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp dễ dàng, thuận lợi trong tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính.
c) Rà soát, đánh giá các thủ tục hành chính đã giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; các thủ tục hành chính cần giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và đề xuất các phương án đơn giản hóa dựa trên cơ sở:
Quy định pháp luật;
Hồ sơ giấy tờ;
Tính khả thi, phù hợp của thủ tục hành chính;
Hiệu quả cắt giảm chi phí tuân thủ khi tổ chức thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông;
Quy trình phối hợp giải quyết công việc giữa các cơ quan hành chính nhà nước, các cấp chính quyền theo hướng một đầu mối tiếp nhận và trả kết quả cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
d) Tổng hợp danh mục các thủ tục hành chính liên quan và những đề xuất, kiến nghị của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã về việc sửa đổi thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
đ) Xây dựng báo cáo về các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tổ chức lấy ý kiến của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có liên quan về dự thảo báo cáo này và trình Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh xem xét, cho ý kiến trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
e) Xem xét, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các thủ tục hành chính mà cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải đến nhiều cơ quan, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân;
g) Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Bộ Tư pháp trình cơ quan hoặc người có thẩm quyền ban hành văn bản đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Theo đó, cải cách hồ sơ thủ tục hành chính, trình tự thực hiện, quy định rõ trách nhiệm phối hợp, thời gian xử lý hồ sơ của từng cơ quan để tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, dễ dàng và thuận lợi trên cơ sở một đầu mối tiếp nhận và trả kết quả;
h) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của cơ quan, người có thẩm quyền về việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông làm cơ sở cho việc tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính thời gian tiếp theo.
i) Xây dựng báo cáo tổng kết kết quả triển khai đề án.
2. Phân công công việc:
a) Các Cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các cơ quan ngành dọc trên địa bàn tỉnh (Thuế, Kho bạc, Hải Quan, Bảo Hiểm xã hội, Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang):
- Thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 mục này;
- Thiết lập cơ sở dữ liệu điện tử về thủ tục hành chính (giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông) thuộc thẩm quyền giải quyết và ngành, lĩnh vực quản lý để công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của cơ quan;
- Phối hợp, cung cấp cho Sở Tư pháp cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính thuộc ngành, lĩnh vực quản lý để tổng hợp trình Bộ Tư pháp công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia và công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan và cổng thông tin điện tử của tỉnh.
- Báo cáo định kỳ theo hướng dẫn của Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình, tiến độ triển khai đề án.
b) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quy định tại các điểm a, b, khoản 1 mục này.
- Lập danh mục các thủ tục hành chính mà cá nhân phải đến nhiều cơ quan mới được giải quyết. Trên cơ sở đó đề xuất phương án giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông (cùng cấp hoặc với cơ quan chuyên môn cấp trên và Ủy ban nhân dân cấp xã).
- Rà soát, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình Ủy ban nhân dân tỉnh bãi bỏ các quy định thủ tục hành chính do các cơ quan chuyên môn trực thuộc, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc do mình ban hành.
c) Ủy ban nhân dân cấp xã (mỗi đơn vị hành chính cấp huyện là một xã, phường hoặc thị trấn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định):
- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ quy định tại các điểm a, b, khoản 1 mục này.
- Lập danh mục các thủ tục hành chính mà cá nhân phải đến nhiều cơ quan mới được giải quyết. Trên cơ sở đó đề xuất phương án giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông (với cơ quan chuyên môn cấp huyện và cấp tỉnh).
- Rà soát, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình Ủy ban nhân dân tỉnh bãi bỏ các quy định thủ tục hành chính do các cơ quan chuyên môn trực thuộc hoặc do mình ban hành.
d) Sở Tư pháp:
- Đôn đốc các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.
- Thực hiện nhiệm vụ đơn giản hóa thủ tục hành chính theo quy định tại các điểm d, đ, e g, h, i khoản 1 mục này.
- Định kỳ hàng quý báo cáo Chủ tịch Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư pháp về tình hình và kết quả thực hiện Đề án.
3. Thời gian thực hiện:
Thời gian thực hiện Đề án: từ tháng 10/2013 đến tháng 10/2014, gồm 04 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Thống kê, lập danh mục tất cả các thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh mà cá nhân, tổ chức phải đến nhiều cơ quan, nhiều cấp hành chính mới được giải quyết (từ 10/2013 đến tháng 12/2013).
- Giai đoạn 2: Rà soát, hệ thống hóa quy định, tình hình thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến công việc, chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan, nhiều cấp hành chính (từ tháng 01/2013 đến 5/2014).
- Giai đoạn 3: Đề xuất phương án, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đơn giản hóa thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đáp ứng yêu cầu tất cả các thủ tục hành chính đều được tiếp nhận và trả kết quả tại một nơi (từ tháng 6/2014 đến tháng 12/2014).
- Giai đoạn 4: Kiểm tra, sơ kết đánh giá hiệu quả việc thi hành phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước (từ tháng 01/2015 - tháng 6/2015).
4. Kinh phí thực hiện:
Kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước bảo đảm trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các cơ quan thực hiện nhiệm vụ. Đối với cơ quan chủ trì đề án sử dụng từ nguồn kinh phí kiểm soát thủ tục hành chính cấp cho Sở Tư pháp và nguồn kinh phí cải cách hành chính cấp cho Sở Nội vụ hằng năm.
IV. HIỆU QUẢ, KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Hiệu quả đạt được của Đề án:
Việc triển khai thành công Đề án góp phần thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 30c/NQ-CP đề ra: Một là thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân, tổ chức được cải cách cơ bản theo hướng gọn nhẹ, đơn giản; mỗi năm đều có tỷ lệ giảm chi phí mà cá nhân, tổ chức phải bỏ ra khi giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước. Hai là, cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai 100% tại tất cả các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 60%.
Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông là một trong những giải pháp cần thiết để xây dựng nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, đảm bảo quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời cải thiện đáng kể mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân và doanh nghiệp.
2. Kết quả cụ thể của Đề án:
- Báo cáo tổng hợp của Sở Tư pháp về những đề xuất, kiến nghị của các cơ quan chuyên môn cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính theo cơ chế liên thông hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp được quy định trong các văn bản hiện hành;
- Dự thảo Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý không phù hợp, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp;
- Văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Bộ Tư pháp trình cơ quan hoặc người có thẩm quyền ban hành quy định đơn giản hóa về hồ sơ thủ tục hành chính, quy định cơ chế liên thông, trách nhiệm phối hợp, kỷ luật, kỷ cương trong giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan.
- Báo cáo tổng kết thực hiện Đề án.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tư pháp:
- Thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính về các nhiệm vụ được Chủ tịch UBND tỉnh giao trong Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
2. Sở Nội vụ:
- Gắn công tác thi đua, khen thưởng vào việc thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian triển khai Đề án.
- Thực hiện vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính nhà nước để phối hợp với Sở Tư pháp điều hành việc triển khai Đề án.
3. Sở Tài chính:
Bố trí đủ nguồn kinh phí cho việc xây dựng, triển khai và thực hiện Đề án theo quy định pháp luật; duyệt quyết toán kinh phí đề án đã kết thúc.
4. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện:
Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Chính phủ và Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao nêu trong Đề án.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chủ trì triển khai những nội dung có liên quan đã nêu trong Đề án, định kỳ hằng tháng thông tin bằng văn bản tiến độ triển khai công việc cho Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.