ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2020/QĐ-UBND | Hải Dương, ngày 10 tháng 3 năm 2020 |
BAN HÀNH QUY CHẾ XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CÔN SƠN HẢI DƯƠNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013; Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Thông tư số 08/2017/TT-BNV ngày 27 tháng 10 năm 2017 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ;
Căn cứ Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ; Nghị định số 60/2019/NĐ-CP ngày 5 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ; Thông tư số 31/2014/TT-BKHCN ngày 06 tháng 11 năm 2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ;
Căn cứ Quyết định số 12/2008/QĐ-BKHCN ngày 04 tháng 9 năm 2008 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành bảng phân loại lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ;
Căn cứ Thông tư số 27/2018/TT-BTC ngày 21 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính về Quy định chế độ tài chính cho hoạt động tổ chức Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng;
Theo đề nghị của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xét tặng Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Côn Sơn Hải Dương.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21 tháng 3 năm 2020 và thay thế Quyết định số 6290/2005/QĐ-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CÔN SƠN HẢI DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2020/QĐ-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Tên gọi của Giải thưởng
Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Côn Sơn Hải Dương (gọi tắt là Giải thưởng) là Giải thưởng cao nhất về lĩnh vực khoa học và công nghệ của tỉnh Hải Dương tặng cho những công trình, cụm công trình khoa học và công nghệ (gọi tắt là công trình) tiêu biểu, có đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và biểu dương tài năng, sự cống hiến của cán bộ khoa học và công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.
Quy chế này quy định về tên, đối tượng, lĩnh vực, nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn, cơ cấu giải thưởng, mức thưởng, trình tự, thủ tục thành lập và hoạt động của Hội đồng xét tặng Giải thưởng (tại Điều 12 của Quy chế này).
1. Tác giả, đồng tác giả là người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài có công trình xuất sắc, có giá trị về khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực được công bố, ứng dụng đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Quy chế này, được đề nghị xét tặng Giải thưởng.
2. Những công trình đã đạt các Giải thưởng ở trong và ngoài nước, nếu tác giả là người đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Hải Dương vẫn thuộc đối tượng xét thưởng.
3. Cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc xét tặng Giải thưởng.
Điều 4. Lĩnh vực xét tặng Giải thưởng
1. Khoa học tự nhiên.
2. Khoa học kỹ thuật và công nghệ.
3. Khoa học xã hội và nhân văn (không xét thưởng những công trình thuộc các lĩnh vực của Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Côn Sơn - Hải Dương và Giải thưởng Báo chí Nguyễn Lương Bằng).
4. Khoa học Y dược.
5. Khoa học Nông nghiệp.
Điều 5. Nguyên tắc xét tặng Giải thưởng
1. Việc đăng ký đề nghị xét tặng Giải thưởng phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng không vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ.
2. Việc xét tặng Giải thưởng được thực hiện khách quan, công khai, công bằng và chính xác.
3. Việc xét tặng các Giải thưởng phải trên cơ sở đảm bảo chất lượng các công trình dự giải, không nhất thiết phải xét đủ số lượng cho từng lĩnh vực nếu các công trình dự giải không đảm bảo điều kiện xét thưởng theo quy định.
4. Giải thưởng theo cơ cấu giải được xét chọn theo tổng số điểm trung bình của các thành viên hội đồng chấm cho từng công trình tham dự Giải thưởng được xét theo số điểm từ cao xuống thấp; khi có nhiều công trình có số điểm ngang nhau, vượt quá số lượng quy định cho mỗi loại giải thì việc xét thưởng ưu tiên các công trình của hội đồng đánh giá về hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường cao hơn.
5. Mỗi công trình chỉ được đề nghị xét tặng Giải thưởng một lần.
6. Không xét thưởng các công trình nhập thiết bị và công nghệ trong nước, ngoài nước trọn gói, không có giải pháp sáng tạo đổi mới, cải tiến.
ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN XÉT THƯỞNG, CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG VÀ MỨC THƯỞNG
Điều 6. Điều kiện xét tặng Giải thưởng
Công trình xét tặng Giải thưởng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
1. Phục vụ trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh Hải Dương.
2. Được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất 01 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng.
3. Công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng là kết quả của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng hoặc nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước phải được đăng ký, lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định pháp luật.
4. Công trình không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến tài nguyên, môi trường, sức khỏe con người; trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
5. Công trình không có tranh chấp về quyền tác giả, không có khiếu nại về nội dung và kết quả của công trình tại thời điểm xét thưởng.
Điều 7. Tiêu chuẩn công trình được xét tặng Giải thưởng
1. Tính mới của công trình:
a) Công trình lần đầu tiên được thực hiện hiệu quả trên địa bàn tỉnh, có tính mới, sáng tạo để giải quyết được mục tiêu nghiên cứu hoặc tạo ra sản phẩm mới, quy trình công nghệ, kỹ thuật mới phù hợp điều kiện của địa phương.
b) Công trình nghiên cứu khoa học phải có tác động đến nhận thức và đời sống xã hội hoặc góp phần xây dựng cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương trên cơ sở khoa học và thực tiễn của công trình.
2. Tính khoa học của công trình:
a) Công trình đạt được những thành tựu khoa học cao, dẫn tới những thay đổi tích cực trong nhận thức, sản xuất và đời sống xã hội của tỉnh; được đánh giá cao về giá trị khoa học.
b) Công trình có những phát hiện để hình thành hướng nghiên cứu mới, phương pháp, giải pháp kỹ thuật mới đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
3. Tính hiệu quả của công trình:
a) Hiệu quả về khoa học: Công trình có đóng góp tích cực đối với sự phát triển của các ngành và lĩnh vực trong tỉnh.
b) Hiệu quả kinh tế: Đối với lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn, hiệu quả kinh tế của công trình được thể hiện thông qua giá trị lợi nhuận mang lại khi ứng dụng các kết quả của công trình phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường; phục vụ việc ban hành các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đối với công trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, hiệu quả kinh tế được thể hiện thông qua việc ứng dụng công nghệ của công trình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn được thể hiện thông qua các chỉ tiêu như giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
c) Hiệu quả xã hội: Đóng góp lớn cho hoạch định chính sách, chiến lược phát triển bền vững của tỉnh. Được thể hiện dưới dạng cải thiện môi trường xã hội; cải thiện điều kiện sống, điều kiện làm việc, an toàn lao động; bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường.
4. Khả năng áp dụng của công trình
Công trình đã được áp dụng trên địa bàn tỉnh và có khả năng áp dụng ở phạm vi rộng. Nếu kết quả của công trình là quy trình công nghệ thì phải dễ áp dụng, dễ sử dụng, nguyên vật liệu dễ kiếm trong điều kiện của tỉnh và có thể thay thế nhập ngoại.
Điều 8. Thang điểm và tiêu chí xét tặng Giải thưởng
1. Thang điểm để xét tặng giải thưởng áp dụng thang điểm 100.
2. Hội đồng xét tặng giải thưởng căn cứ vào tiêu chuẩn quy định tại Điều 7 Quy chế này xây dựng tiêu chí và thang điểm cụ thể để xét tặng Giải thưởng.
Điều 9. Cơ cấu Giải thưởng, mức thưởng và khen thưởng
1. Cơ cấu Giải thưởng và mức thưởng cho mỗi lĩnh vực (theo quy định tại Điều 4 của Quy chế này) được cơ cấu như sau:
a) 01 Giải A trị giá 25 lần mức lương cơ sở, được trao cho công trình xuất sắc có số điểm cao nhất, đạt điểm trung bình từ 90 điểm trở lên.
b) 01 Giải B trị giá 20 lần mức lương cơ sở, được trao cho công trình có điểm số đạt trung bình từ 80 điểm đến dưới 90 điểm.
c) 02 Giải C, mỗi giải trị giá 15 lần mức lương cơ sở, được trao cho công trình có điểm số đạt trung bình từ 70 điểm đến dưới 80 điểm.
d) 03 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 10 lần mức lương cơ sở, được trao cho công trình có điểm số đạt trung bình từ 60 điểm đến dưới 70 điểm.
2. Khen thưởng
a) Các tập thể, cá nhân có công trình đoạt giải được nhận Giải thưởng bằng tiền và Giấy chứng nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (chỉ những cá nhân có mức đóng góp từ 20% trở lên mới được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Giấy chứng nhận)
b) Các tập thể, cá nhân có công trình đạt giải A, ngoài việc được nhận giải thưởng bằng tiền, giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng xét tặng Giải thưởng được đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen.
c) Tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, triển khai xét tặng Giải thưởng được Hội đồng xét tặng Giải thưởng đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen.
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG
Điều 10. Thời gian xét tặng Giải thưởng
Giải thưởng được xét tặng 05 năm một lần (05 năm gần nhất)
Điều 11. Hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng
Hồ sơ tham dự giải thưởng (01 bộ), gồm:
1. Đơn xin tham dự Giải thưởng và danh sách các đồng tác giả (có mẫu kèm theo);
2. Báo cáo tóm tắt công trình và toàn văn công trình;
3. Bản sao biên bản đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu công trình khoa học và công nghệ do cấp quản lý có thẩm quyền tương ứng thành lập; hoặc giấy chứng nhận đoạt các giải thưởng, hội thi toàn quốc từ giải Ba trở lên và giải Nhất, Nhì hội thi cấp tỉnh.
4. Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với công trình có sử dụng hoặc nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước.
5. Các tài liệu liên quan khác (nếu có) như: Bằng độc quyền sáng chế, nhận xét đánh giá của các đơn vị áp dụng công trình...
Khi có yêu cầu, tác giả hoặc người đại diện hợp pháp của tác giả phải xuất trình bản gốc của văn bản, tài liệu liên quan đến công trình đã nêu.
Các tác giả phải chịu trách nhiệm về quyền tác giả của mình đối với công trình tham dự Giải thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Hội đồng xét tặng Giải thưởng
1. Hội đồng xét tặng Giải thưởng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập, gồm các thành viên sau:
- Chủ tịch Hội đồng là 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
- 03 Phó Chủ tịch Hội đồng, gồm:
+ Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh là Phó Chủ tịch thường trực;
+ Đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
+ Đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ.
- 01 Ủy viên thư ký.
- Từ 09 - 11 Ủy viên khác gồm: 01 đại diện Thường trực Hội đồng Thi đua, khen thưởng tỉnh và một số cán bộ khoa học chuyên ngành, chuyên gia am hiểu sâu lĩnh vực xét thưởng.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng xét tặng Giải thưởng:
- Hướng dẫn thực hiện Quy chế này;
- Tuyển chọn chung khảo và đề xuất danh sách các Công trình đoạt giải trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
- Giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo có liên quan đến quá trình xét thưởng.
Điều 13. Cơ quan thường trực Hội đồng xét tặng Giải thưởng
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh là Cơ quan thường trực của Hội đồng xét tặng Giải thưởng, có nhiệm vụ:
1. Tham mưu, giúp Chủ tịch Hội đồng xét tặng Giải thưởng ban hành: Kế hoạch tổ chức xét tặng Giải thưởng, Quyết định thành lập Hội đồng chuyên ngành.
2. Tổ chức tuyên truyền, vận động các đơn vị, tác giả, đồng tác giả có công trình tham gia Giải thưởng.
3. Căn cứ các quy định tại văn bản này lập kế hoạch triển khai, dự toán kinh phí và tổ chức triển khai các hoạt động xét thưởng theo Quy định.
4. Tổ chức nhận, bảo quản, phân loại hồ sơ các công trình dự giải theo chuyên ngành khoa học, tạo điều kiện thuận lợi để các Hội đồng sơ khảo, Hội đồng xét, tặng giải thưởng làm việc.
5. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định khen thưởng, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Lễ tổng kết và trao Giải thưởng.
6. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
Điều 14. Hội đồng sơ khảo chuyên ngành
1. Chủ tịch Hội đồng xét tặng Giải thưởng thành lập các Hội đồng sơ khảo chuyên ngành theo 05 lĩnh vực nêu tại Điều 4 Quy chế này. Hội đồng sơ khảo gồm 07 thành viên, trong đó có: 01 Chủ tịch Hội đồng; 01 Phó Chủ tịch Hội đồng; 01 Thư ký; 04 Ủy viên. Hội đồng sơ khảo gồm các cán bộ khoa học, các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ quản lý có uy tín, có chuyên môn phù hợp, có hiểu biết sâu về lĩnh vực xét thưởng. Tác giả có công trình đề nghị xét tặng giải không được tham gia Hội đồng chấm lĩnh vực đó.
Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Hội đồng sơ khảo, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh mời chuyên gia am hiểu công trình, không phải là thành viên Hội đồng sơ khảo tham gia nhận xét, đánh giá về công trình.
2. Hội đồng sơ khảo có nhiệm vụ chấm sơ khảo, đề xuất các công trình được vào chung khảo và chịu trách nhiệm trước Hội đồng xét thưởng về nhiệm vụ được giao.
Điều 15. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng xét tặng Giải thưởng và Hội đồng sơ khảo
1. Hội đồng xét tặng Giải thưởng và Hội đồng sơ khảo làm việc theo nguyên tắc tập thể, công khai, thảo luận dân chủ. Hội đồng làm việc khi phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên tham dự.
Các thành viên Hội đồng căn cứ tiêu chuẩn của Giải thưởng để xem xét, đánh giá từng công trình và bỏ phiếu đánh giá cho điểm độc lập. Điểm đánh giá cho mỗi công trình tham dự giải là điểm trung bình cộng của tất cả các thành viên Hội đồng tham gia bỏ phiếu chấm điểm theo hình thức bỏ phiếu kín và quyết định theo đa số, điểm số được xếp theo thứ tự từ cao xuống tới điểm quy định tối thiểu
Trường hợp đặc biệt khi Chủ tịch Hội đồng vắng mặt thì Phó Chủ tịch Hội đồng thay thế.
2. Các thành viên của Hội đồng xét tặng Giải thưởng, Hội đồng sơ khảo, nếu có công trình dự giải thì không được tham gia xét thưởng công trình ấy.
3. Đại diện Hội đồng sơ khảo được mời dự xét chung khảo, nếu không phải là thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng thì không được tham gia bỏ phiếu.
Điều 16. Trình tự xét tặng Giải thưởng
1. Việc xét tặng Giải thưởng Khoa học và công nghệ Côn Sơn Hải Dương được thực hiện qua hai vòng chấm: Chấm sơ khảo tại các Hội đồng chuyên ngành (theo các lĩnh vực), chấm chung khảo tại Hội đồng xét tặng Giải thưởng đồng thời là Hội đồng chung khảo do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập.
a) Điểm của mỗi công trình là điểm trung bình cộng của Hội đồng giám khảo chấm công trình đó (cả sơ khảo và chung khảo).
b) Chỉ những công trình đạt từ 60 điểm trở lên mới được xét ở vòng chung khảo;
c) Điểm tối thiểu để được xét trao giải là 60 điểm;
d) Điểm tối thiểu để được xét trao giải A là 90 điểm.
2. Công bố kết quả và giải quyết khiếu nại tố cáo
a) Hội đồng xét tặng Giải thưởng có nhiệm vụ công bố kết quả chung khảo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời niêm yết kết quả tại Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trong vòng 15 ngày làm việc. Trong thời gian này, các đơn thư khiếu nại, tố cáo (nếu có) gửi về Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh.
b) Hội đồng xét tặng Giải thưởng phải xem xét, xử lý các đơn thư khiếu nại tố cáo và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; sau đó thông báo kết quả cho người nộp đơn, chậm nhất 15 ngày kể từ ngày Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh nhận đơn.
c) Hội đồng xét tặng Giải thưởng không xem xét đơn nặc danh hoặc gửi tới Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh sau thời gian quy định.
d) Các tranh chấp về Công trình dự giải được giải quyết theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 17. Những hình thức xử lý vi phạm
1. Tác giả có công trình tham dự giải phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về quyền tác giả và những nội dung liên quan đến công trình dự giải theo Quy chế này.
Trong khi chấm giải, nếu phát hiện có công trình vi phạm thì công trình đó bị loại khỏi danh sách dự giải; nếu phát hiện công trình có vi phạm sau khi trao giải thì Hội đồng xem xét trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thu hồi Giải thưởng và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
2. Trong quá trình chấm giải, nếu thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng và Hội đồng sơ khảo chuyên ngành vi phạm quy định về chấm giải thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ phải chịu các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Kinh phí xét tặng Giải thưởng
Nguồn kinh phí cho việc tổ chức xét tặng Giải thưởng được đảm bảo từ nguồn chi sự nghiệp Khoa học và Công nghệ thuộc ngân sách cấp tỉnh và từ các nguồn ủng hộ, tài trợ, huy động đóng góp hợp pháp khác.
Ngoài mức tiền thưởng, nội dung chi và mức chi cho triển khai, tổ chức Giải thưởng thực hiện theo Thông tư 27/2018/TT-BTC ngày 21 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài Chính.
Điều 19. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức
1. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này.
2. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Cơ quan thường trực Hội đồng xét tặng Giải thưởng đề xuất danh mục các đề tài, dự án, công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ có giá trị khoa học và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính tỉnh phối hợp với cơ quan thường trực Hội đồng xét tặng Giải thưởng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kế hoạch kinh phí dành cho giải thưởng và kinh phí đảm bảo cho công tác tổ chức Giải thưởng.
4. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể; Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền rộng rãi và tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả có công trình được tham gia Giải thưởng.
5. Ban Thi đua, khen thưởng tỉnh thuộc Sở Nội vụ tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định tặng Bằng khen cho các tác giả, nhóm tác giả có công trình đoạt giải A và tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, triển khai xét tặng Giải thưởng
Giao Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc và những điểm không còn phù hợp, các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.