UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2005/QĐ-UBTDTT | Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH LUẬT ĐẨY GẬY
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO
Căn cứ Nghị định số 22/2003/NĐ- CP ngày 11 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Thể dục thể thao.
Xét yêu cầu phát triển và nâng cao thành tích môn Đẩy gậy.
Theo đề nghị của Vụ Thể dục thể thao Quần chúng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Luật đẩy gậy gồm 5 chương và 30 điều.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký áp dụng thống nhất trong các cuộc thi đấu từ cơ sở đến toàn quốc và thi đấu quốc tế tại Việt Nam.
Điều 3. Các ông Chánh Văn Phòng, Vụ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Giám đốc các Sở Thể dục thể thao, Sở văn hoá – thông tin và Thể dục thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thủ trưởng các cơ quan Thể dục thể thao các ngành có trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Chương I.
SÂN BÃI – TRANG THIẾT BỊ THI ĐẤU
Điều 1. Sân thi đấu
1.1. Sân thi đấu đẩy gậy hình tròn đường kính là 5m, vạch giới hạn rộng 0,05m và nằm trong phạm vi của sân có màu trắng hoặc khác với màu nền sân.
1.2. Tâm của sân thi đấu là đường tròn đường kính 0,2m.
1.3. Hình vuông bao quanh sân đấu (khu vực an toàn) cách sân đấu tối thiểu 2m.
Điều 2. Địa điểm tổ chức
2.1. Sân thi đấu phải đảm bảo độ sáng, thoáng mát, an toàn và vệ sinh. Có thể tổ chức ngoài trời, trong nhà tập, nhà thi đầu thể thao…
2.2. Mặt (nền) sân thi đấu là đất nện, xi măng, không trơn và khô ráo
Điều 3. Trang thiết bị phục vụ thi đấu (cho 1 sân)
3.1. Bàn ghế để ban tổ chức, giám sát, trọng tài, thư ký, y tế… làm việc
3.2. Ghế cho 2 vận động viên chuẩn bị thi đấu
3.3. Trống cái 1 chiếc, dùi đánh trống 2 chiếc
3.4. Cân điện từ 1 chiếc
3.5. Đồng hồ bấm giờ 1 chiếc
3.6. Còi 2 chiếc
3.7. Đai lưng 4 chiếc màu đỏ, 4 chiếc màu xanh (đai lưng là một mảnh vải rộng 0,3m dài 1,2m – 1,5 m để VĐV thắt khi thi đấu).
3.8. Gậy thi đấu 4 chiếc: làm bằng tre già (tre đực) thẳng, có chiều dài 2m, đường kính từ 0,04 – 0,05m, được sơn 2 màu đỏ và trắng (mỗi màu 1m); đầu và thân gậy phải được bào nhẵn và có đường kính bằng nhau.
3.9. Loa đài, Mirco dùng trong phát thanh.
3.10. Các dụng cụ sơ cứu của y tế.
Chương II.
NỘI DUNG - THỂ THỨC THI ĐẤU
Điều 4. Điều kiện tham gia thi đấu.
4.1. Tất cả các vận động viên có trình độ kỹ chiến thuật, có sức khoẻ (giấy chứng nhân y tế đảm bảo đủ sức khỏe tham gia thi đấu), tư cách đạo đức tốt được cơ quan TDTT các cấp đăng ký đều có quyền tham gia thi đấu.
4.2. Vận động viên ở độ tuổi thi đấu giải trẻ có thể tham gia thi đấu ở độ tuổi trưởng thành (giải vô địch) nếu đơn vị chủ quản VĐV có bản cam kết và được sự đồng ý của Ban tổ chức cuộc thi khi xem xét cụ thể quá trình huấn luyện và thể lực của vận động viên đó.
4.3. Vận động viên ở hạng cân nào thì đăng ký thi đấu ở hạng cân đó. Vận động viên ở hạng cân dưới có thể đăng ký thi đấu ở hạng cân trên liền kề (vượt 1 hạng cân).
4.4. Vận động viên phải hiểu rõ luật, điều lệ giải.
4.5. Vận động viên phải tuyệt đối tuân thủ theo quy định của Ban tổ chức và quyết định của trọng tài.
Điều 5. Độ tuổi và Hạng cân thi đấu.
Căn cứ từ năm sinh đến năm thi đấu được chia làm 3 độ tuổi với các hạng cân thi đấu như sau:
5.1. Giải Thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi (nam, nữ).
- Dưới 40 kg
- Trên 40 kg đến 45 kg
- Trên 45 kg đến 50 kg
- Trên 50 kg đến 60 kg
- Trên 60 kg đến 65 kg
- Trên 65 kg
5.2. Giải Trẻ từ 16 đến 18 tuổi (nam, nữ).
- Dưới 45 kg
- Trên 45 kg đến 50 kg
- Trên 50 kg đến 55 kg
- Trên 55 kg đến 60 kg
- Trên 60 kg đến 65 kg
- Trên 65 kg đến 70 kg
- Trên 70 kg
5.3. Giải Vô địch từ 19 đến 45 tuổi (nam, nữ).
- Dưới 50 kg
- Trên 50 kg đến 55 kg
- Trên 55 kg đến 60 kg
- Trên 60 kg đến 65 kg
- Trên 65 kg đến 70 kg
- Trên 70 kg đến 75 kg
- Trên 75 kg đến 80 kg
- Trên 80 kg đến 85 kg
- Trên 85 kg đến 95 kg
- Trên 95 kg
Điều 6. Kiểm tra cân nặng và thể thức cân.
6.1. Tất cả các vận động viên tham gia thi đấu đều phải cân chính thức trước khi bốc thăm, xếp lịch thi đấu.
6.2. Trước khi cân chính thức, Ban tổ chức phải bố trí cho các vận động viên được cân thử trên cân chính thức này.
6.3. Các vận động viên chỉ cân chính thức 1 lần để bốc thăm, xếp lịch trước khi tiến hành cuộc thi tối thiểu 6 tiếng.
6.4. Khi cân các vận động viên phải mặc áo phông, quần ngắn, (nữ quần soóc hoặc quần dài) chân đất và phải trình thẻ VĐV do Ban tổ chức cấp.
6.5. Thứ tự cân: cân từ hạng cân nhỏ đến hạng cân lớn.
6.6. Kết quả cân được ghi vào biên bản.
6.7. Theo lịch kiểm tra trọng lượng vận động viên để bốc thăm xếp lịch thi đấu, VĐV nào vắng mặt (không tham gia kiểm tra trọng lượng) sẽ không được xếp hạng thi đấu.
6.8. Trong khi cân nếu vận động viên thừa cân có thể đăng ký thi đấu lên hạng cân trên (hạng kế tiếp) với điều kiện ở hạng cân này đơn vị chưa có vận dộng viên tham gia thi đấu.
6.9. Tiểu ban cân đo gồm trọng tài, tổng thư ký, hai hoặc ba trọng tài và đại diện các đoàn được phép chứng kiến việc kiểm tra cân đo cho VĐV.
Điều 7. Thể thức thi đấu.
Căn cứ tình hình cụ thể và điều lệ giải quy định có thể áp dụng các thể thức thi đấu sau:
7.1. Thi đấu loại trực tiếp
7.2. Thi đấu vòng tròn
7.3. Thi đấu hỗn hợp
Chương III.
ĐIỀU LUẬT THI ĐẤU VÀ THỦ TỤC TRẬN ĐẤU
Điều 8. Hiệp đấu và thời gian thi đấu:
8.1. Mỗi trận đấu được tiến hành trong 3 hiệp, VĐV nào thắng 2 hiệp là thắng trận
8.2. Thời gian thi đấu mỗi hiệp là 3 phút
8.3. Thời gian nghỉ giữa các hiệp đấu là 1 phút rưỡi (90 giây)
8.4. Thời gian nghỉ điều trị chấn thương trong 1 trận đấu tối đa là 3 phút
Điều 9. Cách phân định thắng thua trong 1 hiệp đấu.
VĐV thắng 1 hiệp khi:
9.1. Đẩy đổi phương ngã hoặc có 1 điểm bất kỳ của cơ thể ngoài 2 bàn chân chạm nền sân.
9.2. Đẩy 1 chân hoặc cả 2 chân của đổi phương ra khỏi vạch giới hạn của sân đấu.
9.3. Làm cho đối phương 2 tay rời khỏi gậy
9.4. Làm cho đối phương để đầu gậy cao hơn vai
9.5. Làm cho đối phương để đầu gậy chạm nền sân hoặc vượt ra khỏi vạch giới hạn của sân đấu.
9.6. Làm cho đối phương cầm 1 hoặc 2 tay vượt qua phần gậy của mình.
9.7. Đối phương bỏ cuộc hoặc ngưng trận do trấn thương không thể thi đấu tiếp.
9.8. Đối phương bị truất quyền thi đấu.
Điều 10. Cách cầm gậy.
10.1. VĐV chỉ được dùng bàn tay và các ngón tay để cầm gậy (có thể đi găng tay) được phép tỳ vào phần cơ thể từ thắt lưng trở xuống đến đầu gối nhưng không được rời 2 tay khỏi gậy
10.2. Khi chuẩn bị thi đấu, điểm giữa gậy phải ở đúng tâm của sân thi đấu và VĐV phải cầm gậy song song với sân đấu, không được cầm vượt quá phần gậy quy định của mỗi bên.
Điều 11. Cách tính điểm và xếp hạng. (áp dụng trong thi đấu vòng tròn)
11.1. Cách tính điểm: VĐV thắng trận đấu được 2 điểm, VĐV thua 1 điểm, VĐV bỏ cuộc 0 điểm.
11.2. Cách xếp hạng: Cộng tất cả điểm VĐV đạt được trong từng bảng đấu, vòng đấu nếu VĐV nào nhiều điểm hơn sẽ xếp trên.
- Trong trường hợp 2 VĐV bằng điểm nhau thì VĐV nào thắng trong lần gặp nhau trực tiếp sẽ xếp trên.
- Trong trường hợp 3 VĐV trở lên bằng điểm nhau thì xét hiệu số hiệp thắng trên hiệp thua VĐV nào cao hơn sẽ xếp trên
Điều 12. Lỗi vi phạm.
12.1. Vận động viên không được vi phạm các điều cấm sau đây:
12.1.1. Cố tình tháo đầu gậy (giật gậy chuyển tư thế khác tư thế ban đầu 1 cách đột ngột, rời tay khỏi gậy đột ngột khi đang thi đấu).
12.1.2. Không nhiệt tình thi đấu hoặc có thái độ thi đấu không đúng mức (cố tình không thi đấu dứt điểm).
12.1.3. Có hành động thô bạo, có hành vi phản ứng, không tuân thủ lệnh trọng tài.
12.1.4. Có lời nói, hành vi thiếu văn hoá xúc phạm ban tổ chức, trọng tài, đối phương và khán giả…
12.2. Các VĐV vi phạm các điều kiện cấm trên sẽ bị trọng tài xử phạt tuỳ theo mức độ sai phạm:
12.2.1. Nhắc nhở (nhắc nhở 3 lần bằng 1 lần cảnh cáo).
12.2.2. Cảnh cáo (cảnh cáo 3 lần bị truất quyền thi đấu).
12.2.3. Nếu vi phạm lỗi (12.1.1) trong điều 12 sẽ bị xử thua hiệp đó.
12.2.4. Truất quyền thi đấu.
Điều 13. Thủ tục trận đấu:
13.1. Khi bắt đầu một trận đấu, trọng tài phát thanh giới thiệu trận đấu (tên VĐV, đơn vị, màu đai, trọng tài chính điều khiển trận đấu và trọng tài biên. 2 VĐV chuẩn bị cho trận đấu về ngồi tại ghế dành cho VĐV.
13.2. Khi trọng tài phát thanh giới thiệu VĐV nào thì VĐV đó đứng dậy cúi chào Ban tổ chức và khán giả, sau đó trọng tài phát thanh giới thiệu đến tổ trọng tài điều khiển trận đấu (tên trọng tài chính và trọng tài biên).
13.3. Trọng tài chính điều khiển trận đấu ra giữa sân thi đấu mặt hướng về bàn Ban tổ chức thổi 2 hồi còi đồng thời hai tay giơ ngang vai, bàn tay ngửa hướng về phía 2 VĐV, sau đó làm động tác gấp khuỷu tay, hai lòng bàn tay hướng vào nhau, mũi tay hướng lên trên, khi 2 VĐV đã vào sân trọng tài chính cho 2 VĐV bốc thăm để chọn sân và chọn đầu gậy.
13.4. Chuẩn bị cho trận đấu: Sau khi các VĐV đã hoàn tất thủ tục chuẩn bị thi đấu, trọng tài chính dùng khẩu lệnh “ cầm gậy” các VĐV mới được phép cầm gậy theo quy định của luật, trọng tài chính một tay cầm chính giữa gậy, mắt quan sát 2 VĐV, khi các VĐV đã ở tư thế sắn sàng, đúng luật hô dự lệnh “chuẩn bị” sau đó thổi một hồi còi ngắn làm “động lệnh” cho hiệp đấu bắt đầu đồng thời buông tay cầm gậy ra.
13.5. Khi kết thúc hiệp đấu trọng tài chính tuyên bố VĐV thắng hiệp đấu bằng cách trọng tài chính và VĐV mặt hướng về Ban tổ chức, dùng tay cầm tay VĐV thắng giơ lên cao để báo hiệu VĐV thắng, đồng thời trọng tài phát thanh tuyên bố tên VĐV thắng hiệp đấu, sau đó cho 2 VĐV nghỉ 90 giây.
13.6. Hiệp 2 các vận động viên đổi đầu gậy và đổi vị trí trên sân
13.7. Nếu sau 2 hiệp chưa phân định được VĐV thắng cuộc, 2 VĐV nghỉ 90 giây sau đó tiếp tục thi đấu hiệp 3 (hiệp quyết thắng) các VĐV sẽ bốc thăm lại để chọn sân và chọn đầu gậy.
13.8. Khi kết thúc trận đấu trọng tài chính và 2 VĐV mặt hướng về Ban tổ chức trọng tài chính hai tay cầm tay 2 VĐV, khi trọng tài phát thanh tuyên bố tên VĐV thắng cuộc và tỷ số trận đấu trọng tài chính cầm tay VĐV thắng cuộc giơ lên cao, sau đó các VĐV rời sân.
Chương IV.
BAN TỔ CHỨC VÀ TRỌNG TÀI
Điều 14. Thành phần Ban tổ chức.
14.1. Ban tổ chức cuộc thi do thủ trưởng cơ quan tổ chức cuộc thi trực tiếp ra quyết định thành lập.
14.2. Ban tổ chức cuộc thi chịu trách nhiệm toàn bộ về công tác tổ chức giải
14.3. Thành phần của Ban tổ chức cuộc thi gồm:
+ Trưởng ban tổ chức
+ Các phó trưởng ban tổ chức
+ Các uỷ viên ban tổ chức
14.4. Trưởng ban tổ chức ra quyết định thành lập các tiểu ban giúp việc cho Ban tổ chức như: Tiểu ban chuyên môn, Tiểu ban tài chính, Tiểu ban cơ sở vật chất tuyên truyền khánh tiết, Tiểu ban bảo vệ Y tế…
Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban tổ chức.
15.1. Điều hành các tiểu ban thực hiện công việc chuẩn bị cho cuộc thi.
15.2. Điều hành cuộc thi diễn ra đúng Luật và Điều lệ.
15.3. Công nhận và công bố kết quả thi đấu.
15.4.Giải quyết các ý kiến khiếu nại của các đoàn.
15.5. Trao tặng huy chương, giải thưởng, tặng phẩm…
15.6. Xét và trao quyết định các hình thức kỷ luật đối với các cá nhân, tập thể vi phạm luật, điều lệ cuộc thi.
15.7. Công bố kết quả cuộc thi cho các cơ quan tuyên truyền đại chúng.
Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng Ban tổ chức.
16.1. Trưởng ban tổ chức là người chịu trách nhiệm toàn bộ về cuộc thi.
16.2. Phân công, đôn đốc và kiểm tra mọi công việc của ban tổ chức và trọng tài.
16.3. Trực tiếp điều hành các cuộc họp của ban tổ chức, trọng tài và các trưởng đoàn, huấn luyện viên về công tác tổ chức, chuyên môn.
16.4. Là người có quyết định cuối cùng về việc giải quyết các khiếu nại
Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn của phó trưởng ban tổ chức.
Giúp việc cho trưởng ban tổ chức có các Phó trưởng ban tổ chức.
17.1. Các phó trưởng ban tổ chức chịu trách nhiệm về các phần việc được trưởng ban tổ chức phân công,
17.2. Phó trưởng ban tổ chức được quyền thay thế trưởng ban tổ chức khi trưởng ban tổ chức uỷ quyền.
Điều 18. Thành phần ban trọng tài.
18.1. Ban trọng tài do thủ trưởng cơ quan tổ chức cuộc thi hoặc trưởng ban tổ chức ra quyết định thành lập.
18.2. Tuỳ thuộc vào tính chất của giải để quyết định thành phần của ban trọng tài. Ban trọng tài gồm:
18.2.1. Tổng trọng tài và phó tổng trọng tài.
18.2.2. Các trọng tài khác như: trọng tài bấm giờ, trọng tài phát thanh, trọng tài trống,…
18.2.3. Tổng thư ký và các thư ký viên.
18.2.4. Ban trọng tài có nhiệm vụ điều khiển các cuộc thi theo chương trình thi đấu đã được ban tổ chức quyết định và theo các điều khoản của luật đẩy gậy hiện hành.
Điều 19. Nhiệm vụ và quyền hạn của tổng trọng tài:
19.1. Nhiệm vụ của tổng trọng tai:
19.1.1. Họp các thành viên trong ban trọng tài. Tổ chức tập huấn trọng tài.
19.1.2. Giám sát, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong ban trọng tài.
19.1.3. Kiểm tra toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, các điều kiện đảm bảo cho thi đấu theo đúng Luật quy định.
19.1.4. Tổ chức các cuộc thi đấu theo đúng luật và điều lệ quy định
19.1.5. Sắp xếp chương trình thi đấu.
19.1.6. Phân công các trọng tài cho từng trận đấu một cách công bằng, khách quan.
19.1.7. Giải quyết các trường hợp khiếu nại của các đơn vị và quyết định kết quả của trận đấu sau khi tham khảo ý kiến của các trọng tài điều khiển trận đấu.
19.1.8. Tiến hành các cuộc họp trọng tài trước hoặc sau buổi thi đấu để rút kinh nghiệm và đánh giá công việc của từng thành viên trong ban trọng tài.
19.1.9. Là người giải quyết và chịu trách nhiệm chính về kết quả của giải
19.1.10. Ký duyệt vào biên bản tổng kết kết quả thi đấu sau khi kết thúc giải
19.2. Quyền hạn của tổng trọng tài
19.2.1. Tuyền bố hoãn cuộc thi nếu địa điểm, trang thiết bị dụng cụ thi đấu không đảm bảo theo đúng luật và an toàn cho thi đấu (khi đã báo cáo và được phép của trưởng ban tổ chức)
19.2.2. Dừng trận đấu tạm thời nếu gặp sự cố về thời tiết kỹ thuật gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc thi, thời gian tạm ngừng tối đa là 60 phút, nếu quá thời gian thì có quyền hoãn cuộc thi. (khi đã báo cáo và được phép của Trưởng ban tổ chức)
19.2.3. Được phép đề nghị Trưởng ban tổ chứ đình chỉ hoạt động của trọng tài từng trận đấu hay toàn bộ cuộc thi nếu trọng tài không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có những sai phạm nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến cuộc thi.
19.2.4. Nhắc nhở cảnh cáo, truất quyền thi đấu khi vận động viên không đủ trình độ chuyên môn, thể lực hoặc vi phạm luật
Điều 20. Nhiệm vụ và quyền hạn của phó tổng trọng tài:
20.1. Phó tổng trọng tài chịu trách nhiệm phụ trách phần việc được tổng trọng tài uỷ nhiệm.
20.2. Thay tổng trọng tài giải quyết, điều hành công việc khi được Tổng trọng tài uỷ quyền (khi đã báo cáo và được phép của trưởng ban tổ chức)
Điều 21. Nhiệm vụ của tổng thư ký:
21.1. Điều hành các công việc của ban thư ký.
21.2. Nhận hồ sơ đăng ký của các đội.
21.3. Ghi biên bản cân đo VĐV
21.4. Ghi biên bản cuộc họp giữa ban tổ chức, trọng tài, và các lãnh đội.
21.5. Tổ chức bốc thăm, xếp lịch thi đấu, chuẩn bị văn bản cho tổng trọng tài
21.6. Ghi biên bản từng trận đấu
21.7. Tổng hợp kết quả thi đấu
21.8. Trình tổng trọng tài kết quả tổng hợp của toàn bộ cuộc thi
Điều 22. Nhiệm vụ và quyền hạn của trọng tài chính
22.1. Nhiệm vụ của trọng tài chính:
22.1.1. Điều khiển trận đấu theo luật bằng tiếng còi và khẩu lệnh
22.1.2. Dùng tiếng còi ra lệnh cho 2 VĐV thi đấu (1 hồi còi ngắn) hoặc dừng thi đấu (2 hồi còi ngắn)
22.2. Quyền hạn của trọng tài chính:
Trọng tài chính cho dừng trận đấu bằng còi trong các trường hợp sau
22.2.1. Khi đã xác định được vận động viên thắng
22.2.2. Một trong 2 VĐV vi phạm lỗi
22.2.3. VĐV bị chấn thương
22.2.4. Khi tổng trọng tai, phó tổng trọng tài, trọng tai biên có đè nghị
22.2.5. Khi vận động viên có đề nghị (khi có lý do chính đáng)
- Trọng tài chính phải theo dõi những động tác kỹ thuật của VĐV, nhắc nhở, cảnh cáo hoặc đề nghị truất quyền thi đấu khi các VĐV vi phạm lỗi
- Là người quyết định VĐV thắng, vận động viên thua
Điều 23. Nhiệm vụ và quyền hạn của trọng tài biên
23.1. Trọng tài biên di chuyển ở ngoài vạch giới hạn của sân đấu để theo dõi trận đấu, giúp cho trọng tài chính phát hiện và ngăn chặn kịp thơi các VĐV bị phạm lỗi hoặc 1 trong 2 VĐV đã giành thắng lợi
23.2. Hội ý cùng trọng tài chính để thống nhất, quyết định VĐV thắng, trong TH khó phân định thắng thua.
23.3. Kiểm tra tư cách VĐV trước khi thi đấu
Điều 24. Nhiệm vụ của trọng tài phát thanh
- Là người phát ngôn chính thức của ban tổ chức
24.1. Giới thiệu mục đích, yêu cầu, tính chất nội dung, quy mô, tiến trình giải
24.2. Giới thiệu trận đấu: VĐV, trọng tài điều khiển trận đấu…
24.3. Thông báo trận đấu, hiệp đấu bắt đầu và kết thúc
24.4. Giải thích về chuyên môn theo yêu cầu của ban tổ chức và tổng trọng tài
24.5. Công bố kết quả hiệp đấu và trận đấu
24.6. Phối hợp cùng trọng tài chính điều khiển trận đấu bằng loa
Điều 25. Nhiệm vụ của tiểu ban y tế
25.1. Theo dõi sức khoẻ các VĐV trước, trong và sau trận đấu
25.2. Được phép vào sân khám và kiểm tra sức khoẻ cho VĐV bị chấn thương theo lệnh của trọng tài
25.3. Sau khi kiểm tra, giám định chấn thương của VĐV, là người quyết định VĐV tiếp túc thi đấu hoặc không được thi đấu (phải có biên bản về nguyên nhân để trình tổng trọng tài và ban tổ chức cuộc thi)
25.4. Nhân viên y tế mặc trang phục áo blue trắng
Điều 26. Trang phục của trọng tài
Các trọng tài mặc trang phục quần âu, áo sơ mi, giầy thể thao (màu trắng)
Chương V.
VẬN ĐỘNG VIÊN - CHỈ ĐẠO VIÊN
Điều 27. Trang phục thi đấu của VĐV
27.1. Các VĐV tham gia thi đấu phải mặc trang phục quần, áo thể thao hoặc trang phục theo dân tộc, đi giầy thể thao hoặc đi chân đất, tay có thể đeo găng, thắt đai lưng theo quy định: vận động viên gọi tên trước thắt đai màu đỏ, VĐV gọi tên sau thắt đai màu xanh
27.2. Các VĐV không đeo đồng hồ, nhẫn, vòng tay, các vật trang sức trong khi thi đấu
Điều 28. Nhiệm vụ - quyền hạn của VĐV
28.1. VĐV phải chấp hành tốt luật, điều lệ giải và các quy định của ban tổ chức
28.2. Phải tuân thủ theo quyết định của ban tổ chức và trọng tài
28.3. Phải tôn trọng huấn luyện viên, vân động viên đội bạn, khán giả…
28.4. Nghiêm cấm những hành vi thiếu văn hoá trái với tinh thần thể thao XHCN
28.5. VĐV chỉ được phép ra khỏi sân đấu khi có lệnh của trọng tài chính
28.6. Đến giờ thi đấu VĐV phải có mặt ở khu dành cho các VĐV, nếu trọng tài gọi tên đến lần thứ ba trong khoảng thời gian 5 phút mà VĐV đó không có mặt coi nhu VĐV đó bỏ cuộc
28.7. Các VĐV không được có những hành động thô bạo, cố tình hãm hại đối phương, các VĐV phải tuyệt đối tuân theo khẩu lệnh của trọng tài. Khi trọng tài có hiệu lệnh dừng hiệp đấu, trận đấu các VĐV phải dừng thi đấu ngay.
28.8. Những VĐV vi phạm luật hoặc có những hành động thô bạo thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà có thể bị nhắc nhở, cảnh cáo hoặc truất quyền thi đấu.
Điều 29. Nhiệm vụ - quyền hạn của trưởng đoàn, huấn luyện viên, chỉ đạo viên
29.1. Trưởng đoàn, huấn luyện viên, chỉ đạo viên phải chịu trách nhiệm toàn bộ về các thành viên của đội mình trong thời gian tham dự giải
29.2. Tham gia các cuộc họp do Ban tổ chức và ban trọng tài triệu tập
29.3. Có quyền đề nghị thay đổi (nếu hợp lệ) VĐV thi đấu
29.4. Đăng ký thi đấu của đội mình bằng văn bản
29.5. Có quyền xin cho VĐV của đơn vị mình thôi thi đấu (bỏ cuộc) khi xét thấy khả năng tiếp tục thi đấu
29.6. Khi thấy có vấn đè gì không rõ, không hợp lý có quyền đòi hỏi hoặc khiếu nại lên Ban tổ chức sau khi sự việc xảy ra không quá 15 phút. Những ý kiến khiếu nại phải ghi bằng văn bản và nói rõ nội dung, chứng cứ, chức danh, ký tên
29.7. Phải chấp hành nghiêm túc các quyết định của Ban tổ chức và trọng tài
29.8. Trong khi VĐV thi đấu chỉ 1 HLV hoặc chỉ đạo viên được ngồi vào ghế của VĐV và chỉ đạo VĐV thi đấu
Điều 30. Nhiệm vụ của săn sóc viên:
30.1. Săn sóc viên có nhiệm vụ săn sóc VĐV trước và sau các hiệp đấu, trận đấu (vào thời gian nghỉ)
30.2. Mỗi vận động viên chỉ có một săn sóc viên
30.3. Săn sóc viên phải mặc trang phục thể thao và ngồi đúng vị trí Ban tổ chức quy định
30.4. Không được phép có những hành vi, cử chỉ thiếu văn hoá trong khi VĐV đang thi đấu
30.5. Nếu cố tình vi phạm ban tổ chức có thể truất quyền săn sóc viên một hay nhiều trận đấu, VĐV của đơn vị đó có thể bị nhắc nhở hoặc cảnh cáo
30.6. Trong khi VĐV đang thi đấu săn sóc viên không được quyền chỉ đạo cùng huấn luyện viên mà phải ra khỏi vạch giới hạn an toàn của sân đấu.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.