BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2005/QĐ-BCN | Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2010 PHỤC VỤ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN”
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Chỉ thị số 24/2003/CT-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản;
Căn cứ Chương trình hành động của ngành công nghiệp số 2749/CV - KHĐT ngày 22/7/2002 của Bộ Công nghiệp triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển các ngành công nghiệp đến năm 2010 phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn” với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm
Phát triển công nghiệp nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) nông nghiệp và nông thôn. Phát triển công nghiệp nông thôn là một nội dung của phát triển bền vững, bảo đảm tăng trưởng đồng đều giữa các vùng; gắn kết chặt chẽ nguồn lực con người, thành tựu công nghệ kỹ thuật với đặc điểm từng vùng; phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, tạo điều kiện cho các thành phần và loại hình tổ chức kinh tế phát triển; gắn phát triển công nghiệp với phát triển xã hội, quan tâm thích đáng đến vùng sâu, vùng xa, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá. Phát triển công nghiệp nông thôn phải gắn với củng cố quốc phòng toàn dân, đặc biệt là ở các vùng xung yếu.
2. Mục tiêu
Mục tiêu tổng quát và lâu dài của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá quy mô lớn, bền vững, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ; có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước, có khả năng cạnh tranh trên thị trường; có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển và từng bước được hiện đại hoá, xây dựng con người mới, nông thôn mới giầu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Mục tiêu cụ thể của đề án là: Tăng tỷ trọng công nghiệp nông thôn lên khoảng 32% so với tổng giá trị sản xuất công nghiệp (GO) vào năm 2010 (hiện nay khoảng 25%); phát triển công nghiệp nông thôn theo các quy hoạch phát triển công nghiệp vùng, địa phương đã được phê duyệt. Thu hút lao động nông nghiệp sang công nghiệp, tạo tiền đề cho việc tăng năng suất lao động và thu nhập trong nông nghiệp; giảm sự chênh lệch thu nhập bình quân giữa các địa phương, các vùng xuống còn khoảng 3,5 lần vào năm 2010 (hiện nay là xấp xỉ 5 lần), tạo đà cho sự phát triển bền vững; tham gia giải quyết triệt để các vấn đề xã hội, đảm bảo công bằng, phát triển đời sống văn minh công nghiệp ở nông thôn.
3. Định hướng phát triển
a) Nhóm ngành có tính chất phục vụ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn
- Ngành điện: Đẩy nhanh việc thực hiện điện khí hoá nông thôn, miền núi để tạo điều kiện cho nhân dân nâng cao dân trí, phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2010 đạt 90% số hộ dân nông thôn có điện, đến năm 2020 đạt 100% số hộ dân nông thôn có điện. Nâng cao chất lượng cung cấp điện, bảo đảm an toàn cho người và thiết bị.
- Ngành cơ khí:
Gắn kết chặt chẽ với tổ chức sản xuất nông nghiệp và vùng sản xuất nông nghiệp. Phát triển tập trung, có chọn lọc một số phân ngành, một số sản phẩm cơ khí như máy động lực, thiết bị phục vụ cơ giới hoá khâu làm đất, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, thiết bị chế biến.
Sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp - nông thôn phải đa dạng về quy mô và trình độ công nghệ, loại hình, kiểu dáng mẫu mã máy móc thiết bị, phù hợp điều kiện và tập quán, trình độ sử dụng của các địa phương khác nhau. Phát triển các dịch vụ cung cấp và sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị cơ khí phục vụ nông nghiệp.
Kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và công nghệ trung bình, tạo điều kiện ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế cùng tham gia sản xuất máy móc thiết bị cơ khí nông nghiệp từ đơn giản đến phức tạp, tranh thủ khai thác nguồn vốn trong dân để phát triển sản xuất cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
- Ngành hoá chất: Cung cấp những sản phẩm hoá chất cơ bản cho trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản và bảo vệ môi trường. Trước hết phải thoả mãn nhu cầu cơ bản của sản xuất nông nghiệp về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản sau thu hoạch.
b) Nhóm ngành công nghiệp phát triển ở khu vực nông nghiệp và nông thôn
- Ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản: Phấn đấu năm 2005 đạt kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản chế biến hơn 8 tỷ USD, tỷ trọng chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp cả nước. Về giá trị gia tăng (VA), năm 2005 và 2010 cần phấn đấu đạt tỷ lệ VA/GO tương ứng khoảng 39% và 47%.
Quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, có lợi thế so sánh về nguồn nguyên liệu. Xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống điện, nước, thuỷ lợi hoàn chỉnh phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, vận chuyển và chế biến sản phẩm nông nghiệp tạo thành hệ thống liên hoàn, khép kín.
- Ngành dệt may, da giầy: Mục tiêu của ngành như sau
BẢNG 1: GIÁ TRỊ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP CỦA DỆT MAY, DA GIẦY
Chỉ tiêu | Đơn vị tính | Năm | ||
2000 | 2005 | 2010 | ||
- Các sản phẩm chủ yếu: |
|
|
|
|
+ Bông xơ | 1.000 tấn | 6,7 | 30 | 80 |
+ Xơ sợi tổng hợp | 1.000 tấn | 45 | 60 | 120 |
+ Sợi | 1.000 tấn | 85 | 150 | 300 |
+ Vải lụa | Triệu m2 | 304 | 800 | 1.400 |
+ Sản phẩm dệt kim | Triệu SP | 90 | 300 | 500 |
+ Sản phẩm may (qui chuẩn) | Triệu SP | 400 | 780 | 1.500 |
+ Giầy dép các loại | Triệu đôi | 250 | 410 | 640 |
+ Cặp túi các loaị | Triệu cái | 31 | 51 | 80 |
+ Da thuộc | Triệu sqft | 17 | 40 | 80 |
- Kim ngạch xuất khẩu: | Triệu USD | 3.283 | 6.700 | 12.700 |
+ Hàng dệt | Triệu USD | 370 | 1.000 | 3.000 |
+ Hàng may | Triệu USD | 1.445 | 3.000 | 5.000 |
+ Giầy dép | Triệu USD | 1.468 | 2.700 | 4.700 |
Nguồn: Quy hoạch phát triển ngành dệt may, da giầy theo vùng lãnh thổ đến năm 2010
- Ngành sản xuất vật liệu xây dựng: Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng cả về số lượng, chất lượng, chủng loại nhằm thoả mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhu cầu xây dựng nhà ở, đường xá ở khu vực nông thôn, miền núi.
- Ngành công nghiệp khai khoáng: phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân thời kỳ 2001-2010 là 8-9%/năm, (trong đó 2001-2005: 9-11%; 2006-2010: 5-7%), bảo đảm cung cấp phần lớn năng lượng sơ cấp và các loại nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng của nền kinh tế.
c) Tiểu thủ công nghiệp
Phát triển ngành nghề thủ công phải gắn với phát triển nông nghiệp, công nghiệp và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tập trung phát triển những ngành nghề thủ công có nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh. Lựa chọn công nghệ và thiết bị phù hợp, kết hợp giữa công nghệ truyền thống và công nghệ tiên tiến. Đầu tư nâng cao chất lượng, phát triển các mặt hàng mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm. Kết hợp hài hoà nhiều quy mô, nhiều loại hình tổ chức và sở hữu trong phát triển tiểu thủ công nghiệp.
Việc phát triển tiểu thủ công nghiệp của mỗi địa phương phải phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp và gắn kết với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung, quy hoạch phát triển công nghiệp nói riêng của từng địa phương, nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế – xã hội ở nông thôn. Trong từng thời kỳ, mỗi địa phương cần đề ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể để tập trung phát triển ngành nghề nông thôn ở một số cụm, trung tâm, từ đó lan toả ra các khu vực khác.
3. Giải pháp
3.1. Giải pháp chung
a) Giải pháp về quản lý
Phát triển công nghiệp nông thôn song song với chiến lược, quy hoạch phát triển của ngành, vùng. Lồng ghép nội dung phát triển công nghiệp nông thôn vào quy hoạch phát triển công nghiệp các địa phương.
Hình thành và phát triển mô hình tổ chức sản xuất theo kiểu "mạng lưới" ở nông thôn, tổ chức mô hình "Hiệp hội doanh nghiệp nông thôn" trên cơ sở tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế ở các cấp độ quy mô để phối hợp hỗ trợ, tổ chức hiệp tác kinh doanh.
Đề cao vai trò quản lý tập trung một đầu mối về công nghiệp cho các Sở công nghiệp, đồng thời tạo cơ chế gắn kết sự quản lý của Sở công nghiệp với chính quyền địa phương huyện, xã. Cần xây dựng mô hình trách nhiệm và phân chia lợi ích hợp lý cho phát triển công nghiệp nông thôn. Thực hiện linh hoạt chính sách dồn điền đổi thửa để phát triển cụm công nghiệp nhỏ ở nông thôn phù hợp với đặc thù từng vùng.
Ban hành quy chế khung về cụm, điểm công nghiệp làm cơ sở cho các địa phương ban hành quy chế phù hợp với những điều kiện cụ thể, trong đó cần quan tâm đến các tiêu chí về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Xác định sản phẩm đặc trưng phù hợp của từng địa phương, xây dựng thương hiệu, tổ chức phân công và hiệp tác sản xuất để nhanh chóng thị trường hoá các sản phẩm đặc trưng đó.
Xây dựng một hệ thống thông tin chuyên đề về nông nghiệp, nông thôn và chương trình khuyến công với dung lượng thông tin lớn, nhiều phương diện, nhiều phương thức truyền thông, nhiều chương trình mới để tạo một khí thế mới cho phát triển công nghiệp nông thôn.
Phát triển hệ thống dịch vụ công nghiệp ở nông thôn, từ dịch vụ khởi sự doanh nghiệp đến hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ, cũng như các dịch vụ hậu cần cho công nghiệp.
Xây dựng hệ thống chương trình phát triển công nghiệp nông thôn gắn với các địa phương, các vùng. Có mối liên kết chặt chẽ với các chương trình khác của Nhà nước. Nhà nước hỗ trợ cho các chương trình này để thu hút và tạo lòng tin cho các nhà đầu tư, trong đó có thành phần kinh tế tư nhân tham gia.
b) Giải pháp về tài chính
Xây dựng cơ chế để khuyến khích phát triển các tổ chức tín dụng nhỏ ở nông thôn, hình thành các tổ chức tài chính thay thế tín dụng như cho thuê, cầm cố, chuyển nợ. Khuyến khích những người có nghiệp vụ tài chính - tín dụng về địa phương (thông qua gia đình); xây dựng và phát triển các tổ chức tín dụng phát triển nông thôn, khuyến khích các tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia vào thị trường tài chính này. Phương châm là giữ nguồn vốn từ địa phương để đầu tư lại cho địa phương, tránh mọi hình thức đầu tư từ nguồn vốn này vào khu vực thành thị.
Sử dụng các quỹ hỗ trợ của Nhà nước có hiệu quả và tránh chồng chéo. Cung cấp tín dụng gián tiếp thông qua cho thuê máy móc thiết bị.
Các hộ nông dân được vay vốn từ các chương trình hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi, gây rừng và trồng rừng từ các nguồn vốn ưu đãi khác để sản xuất nguyên liệu. Trong trường hợp bị thiên tai, dịch bệnh…các hộ nông dân được dãn nợ và vay tiếp với lãi suất ưu đãi để khôi phục nguyên liệu.
Tiếp tục thực hiện chính sách tài chính ưu đãi cho những vùng, ngành phục vụ CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp công nghiệp mới thành lập ở nông thôn phù hợp với các quy định của ngành Thuế. Khuyến khích các nhà đầu tư vào nông thôn theo Luật Đất đai mới để thu hút vốn; hình thành các trang trại có quy mô thúc đẩy sự phát triển công nghiệp nhỏ; từng bước "công nhân hoá" lao động nông nghiệp, thay đổi tư duy, lối sống, tạo đà cho CNH, HĐH một cách sâu rộng.
c) Giải pháp về khoa học và công nghệ
Thể chế hoá mô hình tổ chức hoạt động khoa học để tạo hành lang pháp lý cho việc ra đời các tổ chức này ở nông thôn. Tăng tỷ lệ vốn hoạt động khoa học công nghệ cho các chương trình nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất kinh doanh ở nông thôn. Khuyến khích các doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất kinh doanh từ thành thị về nông thôn bằng những cơ chế hấp dẫn về đất đai, thuế và tổ chức chuyển giao công nghệ. Nhà nước giữ vai trò thúc đẩy việc ra đời và phát triển thị trường khoa học công nghệ (thông qua các Sở Khoa học Công nghệ, Sở Công nghiệp), tạo dựng đội ngũ khoa học công nghệ tại địa phương thông qua chính sách thu hút, ưu đãi về quyền lợi.
d) Giải pháp về nhân sự và phát triển
Đa dạng hoá phương thức và loại hình đào tạo cho nông nghiệp và nông thôn. Chú trọng phát triển các loại hình đào tạo phi chính quy như thông qua hội, nhóm, thông qua các phương tiện truyền thông, thông qua tham quan, kiến tập….Tiếp tục xã hội hoá đào tạo nghề, đặc biệt ưu đãi cho các tổ chức đào tạo nghề ở nông thôn.
Thu hút nhân lực về nông thôn thông qua các chính sách thuyên chuyển và biệt phái nhân lực từ thành thị về nông thôn, quản lý đội ngũ sinh viên, học sinh học nghề từ địa phương.
Coi trọng yếu tố văn hoá, dòng tộc ở nông thôn trong phát triển công nghiệp, khuyến khích các dòng họ xây dựng thương hiệu, tạo động lực cạnh tranh.
3.2. Giải pháp cụ thể
a) Đối với ngành cơ khí
Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc triển khai thực hiện những dự án về cơ khí phục vụ nông nghiệp thuộc Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên môn hóa - hợp tác hoá. Phát triển mạng lưới đại lý cung ứng thiết bị, phụ tùng, vật tư, nhiên liệu..., làm tốt dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa và các dịch vụ khác sau bán hàng. Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển mạng lưới cung ứng rộng khắp tới tận thôn xóm. Đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại để bảo vệ và mở rộng thị trường trong nước. Có chính sách trợ giúp nông dân trang bị máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp. Các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí mũi nhọn phục vụ nông nghiệp nông thôn được hưởng các cơ chế ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất theo chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ. Đầu tư, xây dựng các cơ quan nghiên cứu, thiết kế đủ mạnh và chuyên sâu, đủ khả năng thiết kế những thiết bị và dây chuyền phức tạp để phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
b) Đối với ngành hoá chất
- Đảm bảo cung cấp đủ và ổn định phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật và các sản phẩm hóa chất phục vụ bảo quản nông sản, thực phẩm với chất lượng tốt, an toàn cho người sử dụng. Có cơ chế hỗ trợ thích hợp cho sản xuất và lưu thông phân bón.
- Cần nghiên cứu sản xuất các loại phân bón thâm canh cây lúa, ngô, rau màu, cây ăn quả cho các loại đất khác khau ứng với từng khu vực như đất phèn, chua, đất thịt nặng, đất bồi pha cát... Sản xuất các loại chế phẩm như enzim cho chế biến thực phẩm và xử lý nước thải công nghiệp...
- Chú trọng các loại phân bón cho cây lương thực, rau màu ở vùng đất cát, pha cát bạc màu, nhiễm phèn, sản xuất các loại chế phẩm phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản ven biển, xử lý nước thải trong công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản...
- Nghiên cứu sản xuất các loại phân bón chuyên dùng cho các loại cây công nghiệp như chè, cà phê, tiêu, điều, mía, bông, cây nguyên liệu giấy... và phân bón đặc thù cho cây lương thực, thực phẩm ở vùng đất đồi núi.
c) Đối với ngành điện
- Tập trung vào đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống phân phối để giảm tổn thất điện năng. Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn để người dân được hưởng giá điện với giá tiếp cận giá trần do Thủ tướng Chính phủ quy định.
- Tranh thủ mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến trình điện khí hoá qua mạng lưới điện quốc gia hoặc nguồn điện tại chỗ. Xúc tiến nghiên cứu sử dụng các nguồn điện khác như thuỷ điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện địa nhiệt, điện diêzel. Tranh thủ các nguồn viện trợ của các quốc gia và tổ chức quốc tế để nâng cấp hệ thống lưới điện.
- Đặc biệt chú trọng tới công tác giáo dục an toàn, tiết kiệm điện cho nhân dân, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa để bảo đảm sử dụng điện an toàn, hiệu quả. Nhanh chóng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về điện lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sản xuất nông nghiệp, nông thôn cả về số lượng và chất lượng.
d) Đối với ngành chế biến nông, lâm, thuỷ sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản
- Cần có những cơ chế chính sách phù hợp đối với từng ngành cụ thể, đột phá vào những khâu then chốt, tháo gỡ những khó khăn cho người nông dân như: thế chấp vay vốn, tạo điều kiện giãn nợ khi mất mùa, lập các quỹ hỗ trợ sản xuất, chia sẻ rủi ro.
- Khuyến khích phát triển các các loại hình sản xuất như gạch tuynen, gạch, ngói không nung bằng các chính sách cụ thể. Khuyến khích các địa phương nghiên cứu chế tạo cát nhân tạo nghiền từ đá để thay cát dùng trong xây dựng, phục vụ nhu cầu xây dựng của nhân dân địa phương.
- Sắp xếp lại các cơ sở sản xuất theo hướng gắn với vùng nguyên liệu, tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh. Quản lý tốt các cơ sở khai thác đá nhằm hạn chế tình trạng khai thác tràn lan.
đ) Đối với ngành dệt may, da giầy
- Phát triển các thị trường phi hạn ngạch và chú trọng sản xuất các mặt hàng không bị áp dụng hạn ngạch. Củng cố các đơn vị xúc tiến thương mại, thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các văn phòng đại diện tại những thị trường được đánh giá là có tiềm năng, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cung cấp kịp thời thông tin về thị trường xuất khẩu.
- Gây dựng và quảng cáo thương hiệu sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế. Tổ chức và xâm nhập mạng lưới bán lẻ, thiết lập hệ thống phân phối, tiếp thị, hậu mãi ở thị trường nội địa và nước ngoài. Thành lập các Trung tâm, siêu thị bán sản phẩm tại các thành phố lớn hoặc mở các cửa hàng đại lý tại thị trấn, thị xã. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch các doanh nghiệp may từ thành phố về khu vực nông thôn, ven đô.
- Các doanh nghiệp xác định thị trường cần chiếm lĩnh, các mặt hàng chủ lực trong từng giai đoạn, tương ứng với từng thị trường để điều chỉnh cơ cấu đầu tư và nhịp độ phát triển các mặt hàng cho phù hợp. Thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo lại, đào tạo bổ sung có chất lượng tốt cho các cán bộ quản lý.
e) Đối với ngành tiểu thủ công nghiệp
- Tạo điều kiện thuận lợi để các hộ tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn chuyển đổi mô hình sản xuất. Khuyến khích thành lập các Hiệp hội nghề nghiệp để hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Khuyến khích hình thức hợp tác, phân công sản xuất, chuyên môn hóa trong sản xuất cùng một ngành hàng của các hộ ngành nghề nông thôn.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở trong việc thu mua nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trong tiếp cận thị trường trong và ngoài nước thông qua quảng cáo, triển lãm, cung cấp các thông tin về thị trường...Tăng cường hiệu quả của các cơ quan thương vụ ở nước ngoài trong việc giúp ngành tiểu thủ công nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
- Hỗ trợ các cơ sở trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm thông qua các chương trình kinh tế xã hội, các trung tâm tư vấn và chuyển giao công nghệ...
- Đơn giản thủ tục cho vay vốn, tăng thời gian vay vốn phù hợp với chu kỳ sản xuất. Có chính sách khuyến khích đầu tư từ nước ngoài, từ khu vực thành thị vào nông thôn. Phát triển Quỹ tín dụng trong nông thôn để huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân. Thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng nhằm tạo điều kiện để các cơ sở, hộ sản xuất công nghiệp nông thôn vay vốn phát triển sản xuất.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Công nghiệp
a) Các Vụ chức năng
- Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phát triển công nghiệp cơ khí, hoá chất phục vụ CNH- HĐH nông nghiệp nông thôn; Đề án quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề ở nông thôn.
- Tăng cường tiếp xúc, tìm hiểu thực tế tại các huyện, xã để phối hợp nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thiết thực cho phát triển công nghiệp nông thôn.
- Nghiên cứu chọn mẫu để thành lập thí điểm mô hình Hiệp hội doanh nghiệp nông thôn hay Hiệp hội nghề nghiệp trên cơ sở gắn kết ngành, vùng, doanh nghiệp để thu hút nguồn lực cho phát triển cũng như hình thành thương hiệu để cạnh tranh trên thị thường, từ đó khuyến khích các địa phương chủ động thành lập trên cơ sở những tiêu chí cụ thể, phù hợp yêu cầu phát triển công nghiệp nông thôn.
b) Cục Công nghiệp địa phương
- Phối hợp chặt chẽ với các Sở Công nghiệp thực hiện tốt các Đề án về phát triển công nghiệp nông thôn, tạo ra một cuộc vận động có tính sâu rộng trên địa bàn nông thôn.
- Hướng dẫn các địa phương sử dụng quỹ khuyến công tập trung vào phát triển công nghiệp nông thôn, trong đó giành một phần thoả đáng cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý công nghiệp ở địa phương cũng như các chủ doanh nghiệp công nghiệp, hỗ trợ chuyển giao công nghệ để khuyến khích phát triển công nghiệp tại chỗ.
- Phối hợp với các Vụ chức năng của Bộ phát triển thí điểm các mô hình mẫu công nghiệp nông thôn, từ đó nhân rộng ra cả nước, thu hút sự tham gia của dân cư nông thôn.
- Sắp xếp và lựa chọn thứ tự ưu tiên trong việc sử dụng quỹ khuyến công để hỗ trợ trực tiếp ngành hàng công nghiệp ở nông thôn (tập trung cho chế biến nông, lâm, thuỷ hải sản, tiểu thủ công nghiệp).
c) Báo Công nghiệp Việt Nam và Tạp chí Công nghiệp
Tập trung tuyên truyền sâu rộng hơn về chủ đề công nghiệp nông thôn và chủ trương phát triển công nghiệp nông thôn. Phát hành các ấn phẩm về CNH, HĐH nói chung và phát triển công nghiệp nông thôn nói riêng. Nghiên cứu, xây dựng và phát triển chương trình truyền hình công nghiệp nông thôn, phát thanh về công nghiệp nông thôn.
2. Sở Công nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ thực hiện tốt đề án này.
- Chỉ đạo sát sao tình hình phát triển công nghiệp nông thôn đối với các huyện. Kiện toàn hệ thống quản lý công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tổ chức đầu mối quản lý công nghiệp ở địa bàn huyện, xác định các ngành công nghiệp có lợi thế ở huyện để hỗ trợ phát triển.
3. Các trường đào tạo thuộc Bộ
Cần có định hướng vừa đào tạo nghề, vừa đào tạo đội ngũ quản lý công nghiệp nông thôn nhằm bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cao cho nông nghiệp, nông thôn.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Giám đốc các Sở Công nghiệp, Tổng Giám đốc các Tổng công ty, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.