UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2003/QĐ-UB | Lạng sơn, ngày 22 tháng 10 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH ĐỀ ÁN XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG VÀ CHUYÊN GIA ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC NGOÀI GIAI ĐOẠN 2003-2005
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;
Căn cứ Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17/7/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài;
Xét tờ trình số 699/TT-LĐTBXH ngày 22/8/2003 của Sở Lao động-TBXH,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Đề án Xuất khẩu lao động và chuyên gia đi lao động có thời hạn ở nước ngoài giai đoạn 2003-2005 ( kèm theo Quyết định này).
Điều 2. Sở Lao động- TBXH là cơ quan thường trực của Đề án có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch , tổ chức triển khai, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Đề án.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở ,Ban ,ngành thuộc tỉnh, chủ tịch UBND các huyện ,thành phố Lạng Sơn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN |
ĐỀ ÁN
XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG VÀ CHUYÊN GIA ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC NGOÀI CỦA TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2003 - 2005
(Kèm Quyết định số: 23/2003/QĐ-UB ngày 22 tháng 10 năm 2003)
I/- Thực trạng công tác xuất khẩu lao động ( XKLĐ ) trên địa bàn tỉnh Lạng sơn trong những năm qua.
Lạng sơn là một tỉnh miền núi biên giới, dân cư phân bố không đồng đều, địa hình phức tạp, trình độ dân trí ở những vùng khó khăn còn thấp, 80% là lao động nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, do vậy đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong những năm gần đây cùng với xu thế phát triển của cả nước, tỉnh Lạng sơn đã có những chuyển biến tích cực, kinh tế có mức tăng trưởng khá, thu nhập bình quân hơn 3,36 triệu đồng/người/năm. Trình độ dân trí ngày càng nâng cao, đời sống dân cư cũng đã được cải thiện rõ rệt.... Những năm qua thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giải quyết việc làm, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp Uỷ và chính quyền các cấp hàng năm tỉnh Lạng sơn đã giải quyết một số lượng đáng kể về lực lượng lao động không có việc làm, thiếu việc làm. Song do số lượng người đến tuổi lao động, học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học và chuyên nghiệp ra trường, số thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự ...đã bổ sung thêm vào đội ngũ người lao động thiếu việc làm. Do đó nhu cầu tìm việc của các đối tượng này rất lớn, nên cần có những giải pháp tích cực để giải quyết việc làm nhằm ổn định đời sống - kinh tế - chính trị và an ninh quốc phòng. Bên cạnh các giải pháp phát triển kinh tế để giải quyết việc làm; cho vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm, chương trình xuất khẩu lao động ( XKLĐ) và chuyên gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; giải quyết việc làm cho người lao động thông qua XKLĐ và chuyên gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, là một trong những giải pháp để giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo có hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước.
Thực hiện Chỉ Thị số 41/CT-TW ngày 22/9/1998 của Bộ Chính trị về XKLĐ và chuyên gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và Nghị Định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17/7/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Bộ Luật Lao động về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài và các văn bản hướng dẫn của Bộ LĐTBXH, Bộ Tài Chính, Bộ Công an.
Đối với tỉnh Lạng sơn trong thời gian qua, bằng nhiều con đường khác nhau hàng năm vẫn có lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với số lượng không đáng kể , do chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, hầu hết là lao động chưa qua đào tạo và chưa xác định được trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với những người đi XKLĐ. Để công tác XKLĐ thực sự là một chiến lược quan trọng lâu dài để phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ( nhất là đối với những hộ nghèo ), góp phần quan trọng trong công tác xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và của tỉnh Lạng sơn nói riêng.
Tỉnh Lạng Sơn xây dựng chương trình XKLĐ và chuyên gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài như sau:
II/ Mục tiêu :
1- Mục tiêu tổng quát:
Xuất khẩu lao động và chuyên gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài để giải quyết việc làm cho lực lượng lao động không có việc làm, thiếu việc làm của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nâng cao thu nhập cho người lao động ổn định đời sống xoá đói giảm nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị, nâng tỷ lệ và hiệu quả sử dụng thời gian đối với lao động ở nông thôn, góp phần tích cực để thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo và việc làm của tỉnh Lạng sơn đề ra trong giai đoạn 2001 - 2005 và những năm sau.
2- Mục tiêu cụ thể:
Tập trung XKLĐ đi các nước Malaysia, Hàn quốc, Đài loan, Nhật bản, Lào... nhưng chủ yếu là đi Malaysia.
Cụ thể: Giai đoạn 2003 - 2005 phấn đấu đưa 2.500 lao động XKLĐ thời hạn ở nước ngoài.
Trong đó: - Năm 2003 phấn đấu đưa từ 300 - 500 lao động đi xuất khẩu.
- Các năm 2004, 2005 phấn đấu mỗi năm đưa từ 1000 đến 1.200 lao động đi XKLĐ ở ngoài nước. Tập trung XKLĐ đi các nước Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… trong đó chủ yếu là Malaysia.
III/ Đối tượng và tiêu chuẩn
Lao động có độ tuổi từ 18 tuổi đến 35 có sức khoẻ bao gồm:
- Các kỹ sư, cử nhân các ngành kinh tế có nhu cầu hoặc được cấp có thẩm quyền cử đi xuất khẩu lao động dưới dạng chuyên gia.
- Thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự , thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện tham gia các chương trình, dự án ở những nơi khó khăn ( biên giới, vùng sâu, vùng xa) đã hoàn thành nhiệm vụ.
- Lao động đang làm việc trong các công ty, xí nghiệp có nhu cầu đi XKLĐ;
- Học sinh các trường đào tạo;
- Lao động chưa có việc làm ở các xã, phường, thị trấn; trong đó ưu tiên tuyển con em các gia đình chính sách, hộ nghèo; lao động thiếu việc làm ở nông thôn;
IV/ Các giải pháp thực hiện
1- Tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng về các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, về ý nghĩa tầm quan trọng của công tác xuất khẩu lao động để công tác tuyển chọn, đào tạo đúng người, đúng chế độ chính sách. Trước hết cần phải quán triệt sâu sắc Chỉ Thị số 41/CT-TW ngày 22/9/1998 của Bộ Chính trị, Nghị định số 81/2003/NĐ-CP và các văn bản các Bộ liên quan đến công tác XKLĐ đến các cấp uỷ Đảng, các cấp chính quyền, đoàn thể xã hội và mọi người dân để mọi người hiểu đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm khi tham gia xuất khẩu lao động
2- Tổ chức điều tra, khảo sát và thu thập thông tin về thị trường lao động có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Thông báo công khai về thị trường lao động, số lượng tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc và sinh hoạt, quyền lợi, trách nhiệm của người lao động và các khoản phí phải nộp, các khoản người lao động phải đóng góp và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các thủ tục để ngăn chặn kịp thời các thông tin sai lệch và các hành vi lừa đảo gây thiệt hại đến người lao động.
3- Tăng cường nâng cao năng lực, cơ sở vật chất cho các trung tâm Dịch vụ việc làm , các cơ sở đào tạo nghề, đào tạo giáo dục định hướng cho người lao động để đáp ứng được nguồn nhân lực đủ tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu lao động.
4- Triển khai công tác cho vay vốn đối với lao động đi xuất khẩu cụ thể:
+ Đối với đối tượng chính sách, hộ nghèo thông qua nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách - Xã hội.
+ Đối với các đối tượng còn lại thông qua vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
5- Xây dựng nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác đào tạo giáo dục định hướng cho lao động đi xuất khẩu cụ thể:
- Đối với con em gia đình chính sách, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí học( thời hạn không quá ba tháng), các đối tượng khác tự lo kinh phí.
V- Trách nhiệm và tổ chức thực hiện
Để tăng cường công tác XKLĐ và chuyên gia đến các ngành, các cấp nhằm thực hiện tốt Chỉ Thị 41/CT-TW của Bộ Chính Trị, Nghị định 81 của Chính Phủ;
1- Ở cấp tỉnh:
- UBND Tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác XKLĐ.
- Thành lập Ban chỉ đạo ( BCĐ ) do đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; đồng chí giám đốc Sở LĐTB&XH, phó ban; và các đồng chí thành viên là lãnh đạo các ngành: Kế hoạch - đầu tư, Tài chính - Vật giá, Công an, Y tế, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT và thành lập tổ chuyên viên liên ngành giúp việc BCĐ
2- Đối với các ngành liên quan;
a/ Sở Lao động- Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ:
- Hướng dẫn người có nhu cầu XKLĐ Thực hiện theo Thông tư số 28/1999/TT-BLĐTBXH ngày 15/11/1999 của Bộ Lao động - TBXH và các văn bản liên quan đến việc đưa người lao động Việt Nam và chuyên gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài ;
- Có trách nhiệm quản lý Nhà nước về các chế độ chính sách đối với người lao động đi XKLĐ.
- Là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các văn bản trình, báo cáo UBND tỉnh đồng thời kiểm tra giám sát các đơn vị thực hiện công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh.
- Tổng hợp chung tình hình và báo cáo định kỳ hoặc đột xuất lên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Bộ Lao Động-TBXH.
b- Sở Y tế: Có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục hồ sơ cần thiết và thực hiện kế hoạch khám sức khoẻ cho người đi XKLĐ theo qui định.
c- Công an tỉnh ( ngành công an):Hướng dẫn cho người đi XKLĐ thực hiện theo NĐ 05/2000/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 09/2000/TT-BCA của Bộ Công An về thủ tục xuất nhập cảnh, cấp hộ chiếu cho người đi XKLĐ.
d- Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính - Vật giá có nhiệm vụ :
Đề xuất giải pháp, chính sách hỗ trợ đào tạo, giáo dục định hướng, tạo nguồn vốn cho vay và các giải pháp thu hồi vốn.
đ- Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT; Ngân hàng chính sách xã hội ;
- Thực hiện theo hướng dẫn số 3582/NHNo -TD ngày 26/11/2001 và công văn hướng dẫn số 2498/NHNo - TD ngày 13/8/2002 của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt nam và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách Xã hội về việc hướng dẫn cho người lao động là các đối tượng chính sách được vay vốn để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo quy định.
e- Sở Văn hoá - Thông tin và các cơ quan thông tin đại chúng; ( Báo Lạng sơn, Đài phát thanh - truyền hình...)
Triển khai, tuyên truyền phổ biến sâu rộng các chế độ chính sách và các văn bản liên quan đến công tác XKLĐ của Đảng và Nhà nước đến mọi tần lớp nhân dân nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức đối với công tác công tác XKLĐ.Tuyên truyền về hiệu quả thông qua việc XKLĐ, hạn chế việc tuyên truyền những tiêu cực đối với việc XKLĐ đã xẩy ra ở một số nơi làm cho nhân dân có thể hiểu sai về công tác XKLĐ.
3- UBND các huyện, Thành phố
- Thành lập BCĐ thành phần như BCĐ của Tỉnh. Trước mắt cần lựa chọn một số xã, phường có đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực để làm thí điểm XKLĐ sau đó sẽ phổ biến, triển khai rộng rãi.
- Xây dựng kế hoạch cụ thể chỉ đạo cấp xã, phường, thị trấn triển khai công tác XKLĐ, phân công cán bộ theo dõi, hướng dẫn chỉ đạo cấp xã, phường, thị trấn.
4- UBND các xã, phường, thị trấn( gọi chung là cấp xã).
Sau khi có sự chỉ đạo của cấp trên cần thành lập Bộ phận theo dõi công tác XKLĐ của địa phương và do đồng chí Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm chính, có nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện và báo cáo cấp trên những vấn đề liên quan đến công tác XKLĐ.
UBND xã đứng ra tín chấp cho những người đủ điều kiện được tuyển chọn đi XKLĐ thuộc diện đối tượng vay không cần thế chấp tài sản theo quy định của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội .
*Trước mắt do tỉnh Lạng Sơn chưa có công ty làm nhiệm vụ XKLĐ nên sẽ phối hợp với các đơn vị tuyển lao động xuất khẩu ở ngoài tỉnh có đủ tư cách pháp nhân và đủ năng lực đảm nhiệm việc đưa người đi XKLĐ. Về lâu dài tỉnh sẽ thành lập doanh nghiệp làm nhiệm vụ đưa người đi XKLĐ.
5- Các trung tâm Dịch vụ - Việc làm, các cơ sở Đào tạo nghề.
Có trách nhiệm tư vấn về XKLĐ cho người lao động có nhu cầu và căn cứ vào nhu cầu tuyển lao động của các đơn vị XKLĐ do Bộ Lao động Thương binh và xã hội giới thiệu phối hợp với các UBND xã được chọn làm điểm tổ chức tuyển chọn, đào tạo giáo dục định hướng đảm bảo đủ số lượng và chất lượng lao động, hướng dẫn các thủ tục hồ sơ cần thiết cho người lao động.
6- Các Công ty tuyển lao động xuất khẩu;
- Thông báo kế hoạch, số lượng, thời gian tuyển và các thông tin cần thiết khác cho BCĐ tỉnh.
- Thực hiện các qui trình thủ tục cho lao động đi xuất khẩu theo sự chỉ đạo của BCĐ cấp tỉnh.
- Trực tiếp tuyển chọn lao động tại các xã ; phối hợp UBND xã hoàn tất các thủ tục giấy tờ cần thiết cho người lao động và giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong công tác tuyển chọn lao động và quản lý lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Đồng thời có những biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với lao động bỏ trốn, những người cố tình .
VI - Thời gian và Tiến độ thực hiện;
Đề án Xuất khẩu lao động và chuyên gia thực hiện trong 3 năm ( 2003 - 2005)
Trong tháng 10/2003 UBND tỉnh xem xét để phê duyệt Đề án XKLĐ và ban hành các văn bản chỉ đao về công tác XKLĐ. Sở LĐTBXH tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thành lập BCĐ từ tỉnh đến huyện và tổ chức hội nghị quán triệt các văn bản của Đảng và Nhà nước về XKLĐ tới lãnh đạo Huyện uỷ, Thành uỷ, UBND các Huyện, thành phố và các Ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh.
Trong quý IV/2003 sẽ chọn 2 huyện Văn Quan và Hữu Lũng làm điểm, sau đó sẽ triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh. Phấn đấu trong năm 2003 giải quyết cho khoảng từ 300 - 500 lao động đi XKLĐ tại các nước ( Chủ yếu tập trung đi XKLĐ tại Malaysia).
VII- Kinh phí thực hiện và hiệu quả của đề án;
I- Kinh phí thực hiện:
Kinh phí thực hiện Đề án Ban chỉ đạo xem xét cụ thể từng đợt, Sở Tài chính - Vật giá thẩm định trình UBND tỉnh xem xét quyết định .
II- Hiệu quả kinh tế - xã hội:
- Về kinh tế: Lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài có mức thu nhập cao hơn so với trong nước.Ví dụ: Người đi lao động phổ thông tại Malaysia là nước có thu nhập thấp nhất, sau khi trừ các khoản chi phí thì thu nhập bình quân khoảng 1,5 triệu đến 5 triệu đồng/tháng/người. Trong 3 năm người lao động tự tích luỹ được từ 50 triệu VN đồng trở lên, với khoản tiền đó sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế cho từng gia đình nói riêng và cho tỉnh nói chung, đồng thời tiết kiệm được một khoản kinh phí chi cho giải quyết việc làm tại địa phương.
- Về xã hội: Bên cạnh hiệu quả kinh tế công tác XKLĐ cũng góp phần quan trọng trong việc ổn định trật tự - an toàn - xã hội, hạn chế các tệ nạn xã hội, hạn chế áp lực có tính bức xúc trong chương trình giải quyết việc làm. Người lao động đi XKLĐ tạo cho họ có ý chí tự lập, tự rèn luyện cho mình có tác phong công nghiệp. Khi về nước sẽ bổ sung cho tỉnh một lực lượng lao động có kỹ thuật góp phần vào công cuộc đổi mới phát triển kinh tế đất nước nói chung và của Tỉnh Lạng sơn nói riêng./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.