ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2290/QĐ-CT | Tuyên Quang, ngày 13 tháng 11 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN KIỂM KÊ ĐẤT ĐAI VÀ XÂY DỰNG BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2010 TRÊN ĐỊA BÀN BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Chỉ thị số 618/CT-TTg ngày 15/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010;
Căn cứ Thông tư số 08/2007/TT-BTNMT ngày 02/8/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất;
Căn cứ Quyết định số 22/2007/QĐ-BTNMT ngày 17/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành quy định về thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất;
Căn cứ Kế hoạch số 2841/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 07/8/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về thực hiện kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 theo Chỉ thị số 618/CT-TTg ngày 15/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 398/TTr-TNMT ngày 27/10/2009 về việc đề nghị ban hành Phương án kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 trên địa bàn bàn tỉnh Tuyên Quang,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Phương án kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (có bản phương án kèm theo).
Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Các Ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Cục trưởng Cục thống kê tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
PHƯƠNG ÁN
KIỂM KÊ ĐẤT ĐAI VÀ XÂY DỰNG BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
(Kèm theo Quyết định số: 2290/QĐ-CT ngày 13/11/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh)
Phần I
MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ NGUYÊN TẮC KIỂM KÊ ĐẤT ĐAI, XÂY DỰNG BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2010
I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU CÔNG TÁC KIỂM KÊ ĐẤT ĐAI VÀ XÂY DỰNG BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2010
1. Mục đích
- Thông qua việc kiểm kê đất đai để đánh giá biến động đất đai giai đoạn 2005-2010, nhận định xu hướng biến động, sự phù hợp giữa hiện trạng sử dụng đất với mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời đánh giá các nội dung quản lý nhà nước về đất đai trong đó tập trung đánh giá về công tác sử dụng đất theo quy hoạch kế hoạch, cấp giấy CNQSD đất và hoàn thiện hồ sơ địa chính; đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý đất đai nhằm khai thác tiết kiệm, hiệu quả và bền vững quỹ đất đai của tỉnh.
- Tài liệu, số liệu kiểm kê đất đai để phục vụ xây dựng và đánh giá tình hình thực hiện chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, của các ngành, các địa phương; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm (05) năm và hàng năm của địa phương.
- Công bố số liệu về đất đai trong niên giám thống kê quốc gia; phục vụ nhu cầu sử dụng dữ liệu về đất đai cho quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và các nhu cầu khác của cộng đồng.
2. Yêu cầu
- Tài liệu, số liệu kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 bảo đảm lập theo đúng quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Phương án này; số liệu tổng hợp phải chính xác, trung thực, đúng thực tế tại thời điểm kiểm kê.
- Việc kiểm kê đất đai năm 2010 phải xác định được hiện trạng diện tích tự nhiên của các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh, hiện trạng quỹ đất đang quản lý, sử dụng, quỹ đất đã đưa vào sử dụng nhưng nay còn để hoang hoá, quỹ đất chưa sử dụng; đánh giá đúng thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất, tình hình biến động đất đai, tình hình thực hiện đo đạc, cấp Giấy CNQSD đất, lập hồ sơ địa chính, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất.
- Kết quả kiểm kê đất đai năm 2010 được thể hiện trong bảng số liệu và trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 (dạng giấy và dạng số) của cấp xã, cấp huyện, tỉnh và phải được kiểm tra nghiệm thu, đánh giá chất lượng theo quy trình, quy phạm của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ NGUYÊN TẮC KIỂM KÊ ĐẤT ĐAI VÀ XÂY DỰNG BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2010
1. Phạm vi
- Kiểm kê đất đai năm 2010 được tiến hành đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó cấp xã là đơn vị cơ bản để tiến hành kiểm kê đất đai. Kết quả kiểm kê đất đai năm 2010 của cấp xã là cơ sở để tổng hợp số liệu kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất của cấp huyện, tỉnh và cả nước.
- Kiểm kê đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang do Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh phối hợp cùng các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện theo phương án, kế hoạch của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Số liệu kiểm kê đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh được tổng hợp theo từng đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện và tỉnh; kết quả kiểm kê Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh báo cáo các cấp, các ngành theo quy định.
2. Đối tượng
- Việc kiểm kê đất đai gồm kiểm kê diện tích đất và kiểm kê số lượng người sử dụng, người quản lý. Chi tiết về chỉ tiêu kiểm kê diện tích đất theo mục đích sử dụng và chỉ tiêu kiểm kê số lượng người sử dụng, người quản lý đất được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 08/2007/TT-BTNMT ngày 02/8/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất (sau đây gọi là Thông tư số 08/2007/TT-BTNMT).
- Ngoài việc kiểm kê diện tích đất và số lượng người sử dụng, người quản lý đất theo Thông tư số 08/2007/TT-BTNMT , trong kỳ kiểm kê đất đai năm 2010 cần thực hiện điều tra, kiểm kê chi tiết các nội dung sau:
+ Kiểm kê chi tiết đối với đất trồng lúa, đặc biệt đất chuyên trồng lúa nước.
+ Kiểm kê chi tiết đất lâm nghiệp để phục vụ cho việc kiểm kê rừng của Bộ nông nghiệp và PTNT trong việc thực hiện Dự án Tổng điều tra, kiểm kê đất lâm nghiệp và rừng năm 2010 đến 2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
+ Thống kê hiện trạng tình hình đo đạc, lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
3. Nguyên tắc
Nguyên tắc thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 08/2007/TT-BTNMT .
Phần II
NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP KIỂM KÊ ĐẤT ĐAI VÀ XÂY DỰNG BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2010
I. NỘI DUNG THỰC HIỆN KIỂM KÊ ĐẤT ĐAI VÀ XÂY DỰNG BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT
1. Công tác chuẩn bị, tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, số liệu kiểm kê đất đai:
- Chuẩn bị tài liệu, biểu mẫu phục vụ cho kiểm kê đất đai.
- Thu nhập, phân tích, đánh giá khả năng sử dụng tài liệu, bản đồ, số liệu, cơ sở dữ liệu về đất đai hiện có phục vụ cho kiểm kê gồm hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hồ sơ thống kê đất hàng năm trong kỳ kiểm kê và kiểm kê đất đai hai kỳ trước đó và các hồ sơ khác có liên quan.
- Xác định những vấn đề còn tồn tại của kết quả thống kê đất đai trong kỳ và kết quả kiểm kê đất đai kỳ trước cần được khắc phục để chỉ đạo, hướng dẫn cấp xã thực hiện.
- Tiếp nhận và kiểm tra kết quả kiểm kê đất đai và thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
- Chỉnh sửa, hoàn thiện số liệu, báo cáo kết quả kiểm kê đất đai và thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
2. Tổng hợp số liệu kiểm kê đất đai theo hệ thống biểu mẫu.
- Nhập số liệu kiểm kê đất đai.
- Xử lý số liệu kiểm kê đất đai.
- Tổng hợp số liệu kiểm kê đất đai.
3. Phân tích, đánh giá hiện trạng sử dụng đất và biến động sử dụng đất
- Phân tích, đánh giá hiện trạng sử dụng đất.
- Phân tích, đánh giá biến động sử dụng đất qua các kỳ kiểm kê.
4. Xây dựng báo cáo kết quả kiểm kê đất đai và thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất:
- Tổng hợp từ báo cáo kết quả kiểm kê đất đai và thành lập bản đồ HTSDĐ, phương pháp thu thập số liệu kiểm kê đất đai, nguồn gốc số liệu thu thập, độ tin cậy của số liệu thu thập và số liệu tổng hợp, các thông tin khác có liên quan đến số liệu; sự khác nhau giữa số liệu trong hồ sơ địa chính và số liệu thu thập trên thực địa; nguồn tài liệu và phương pháp xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
- Tổng hợp về tình hình tranh chấp hoặc chưa phân định trách nhiệm quản lý về địa giới hành chính giữa các xã, huyện trong tỉnh và với tỉnh khác (nếu có).
- Rà soát kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất trong kỳ kiểm kê đất đai.
- Hội thảo, hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê đất đai và thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
5. Kiểm tra nghiệm thu kết quả kiểm kê đất đai.
6. In, nhân sao, lưu trữ, giao nộp sản phẩm kiểm kê đất đai.
7. Chi tiết các nội dung thực hiện kiểm kê đất đai ở cấp xã, cấp huyện và tỉnh thực hiện theo quy định tại Thông tư số 08/2007/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
II. PHƯƠNG PHÁP KIỂM KÊ ĐẤT ĐAI VÀ XÂY DỰNG BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2010
1. Kiểm kê đất đai
1.1 - Phương pháp thu thập, xử lý số liệu:
- Đối với xã, phường, thị trấn chưa hoàn thành lập hồ sơ địa chính: Căn cứ bản đồ, số liệu kiểm kê đất đai năm 2005 và số liệu thống kê đất đai hàng năm từ năm 2006-2009; hồ sơ thu hồi, giao đất, cho thuê đất xây dựng các công trình, dự án; hồ sơ địa giới hành chính các cấp theo Chỉ thị 364/CT-TTg ngày 06/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ); tài liệu quy hoạch phân 3 loại rừng, diễn biến rừng hàng năm; hồ sơ, bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 (tỉnh, huyện, xã)... Trên cơ sở các tài liệu đã có để chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với hiện trạng sử dụng đất ngoài thực địa, tổng hợp số liệu theo các biểu mẫu và lập bản đồ HTSD đất.
- Đối với xã, phường, thị trấn đã hoàn thành việc lập hồ sơ địa chính thì căn cứ vào hồ sơ địa chính (chủ yếu là sổ mục kê đất đai) và số liệu kiểm kê kỳ trước, số liệu thống kê của các năm giữa hai kỳ kiểm kê, đối soát với thực địa để thu thập và tổng hợp số liệu kiểm kê đất đai, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
1.2- Phương pháp tổng hợp số liệu:
- Số liệu thu thập trong thống kê, kiểm kê đất đai của cấp xã được xử lý, tổng hợp và ghi hoặc in trên các mẫu biểu quy định (gọi chung là số liệu trên giấy).
- Số liệu tổng hợp thống kê, kiểm kê đất đai của cấp xã được chuyển lên cấp huyện để nhập vào máy tính điện tử (gọi là số liệu dạng số) tổng hợp thành số liệu thống kê, kiểm kê đất đai của cấp huyện.
- Số liệu thống kê, kiểm kê đất đai của cấp huyện được chuyển lên cấp tỉnh để tổng hợp thành số liệu thống kê, kiểm kê đất đai cấp tỉnh; số liệu thống kê, kiểm kê đất đai của cấp tỉnh được chuyển về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp thành số liệu thống kê, kiểm kê đất đai của các vùng địa lý tự nhiên - kinh tế và cả nước.
- Số liệu tổng hợp trong thống kê, kiểm kê đất đai của cấp huyện, cấp tỉnh, được tính toán trên máy tính điện tử bằng phần mềm thống nhất; được in ra trên giấy theo các mẫu biểu quy định.
1.3- Phân tích, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đến năm 2010
- Trên cơ sở số liệu kiểm kê đất đai năm 2010 đã được tổng hợp và so sánh với số liệu kiểm kê đất đai năm 2005, số liệu kiểm kê quỹ đất của các tổ chức theo Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg ngày 14/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ, số liệu thống kê đất đai của các năm 2006, 2007, 2008 thực hiện phân tích đánh giá đúng thực trạng tình hình sử dụng quỹ đất, tình hình biến động đất đai, tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tình hình giao đất cho thuê đất, đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính của từng đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện và tỉnh; phân tích, làm rõ những nguyên nhân hạn chế, tồn tại và đề xuất biện pháp khắc phục.
- Đối với đất chuyên trồng lúa nước ngoài các yêu cầu trên cần phân tích đánh giá hiện trạng quản lý, sử dụng, hiện trạng thu hồi chuyển mục đích sử dụng cho các dự án, công trình; chuyển mục đích trái pháp luật… để có những nhận xét đánh giá và đề xuất biện pháp tăng cường quản lý sử dụng đất trồng lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh.
1.4- Xây dựng báo cáo kết quả kiểm kê đất đai
Báo cáo kết quả kiểm kê đất đai năm 2010 của các cấp phải phản ánh đầy đủ các nội dung theo quy định tại điểm 7.2 khoản 7 mục I Thông tư số 08/2007/TT-BTNMT , bao gồm các nội dung sau:
- Tình hình tổ chức thực hiện, phương pháp thu thập số liệu kiểm kê đất đai, nguồn gốc số liệu thu thập tại cấp xã, độ tin cậy của số liệu thu thập và số liệu tổng hợp, các thông tin khác có liên quan đến số liệu; phân tích sự khác nhau giữa số liệu trong hồ sơ địa chính và số liệu thu thập trên thực địa; nguồn tài liệu và phương pháp xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
- Thuyết minh kết quả kiểm kê đất đai gồm đánh giá hiện trạng sử dụng đất; đánh giá tình hình biến động và phân tích nguyên nhân biến động về sử dụng đất từ kỳ kiểm kê của mười (10) năm trước và kỳ kiểm kê của của năm (05) trước đến kỳ kiểm kê này; đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất giữa các kỳ kiểm kê; tình hình tranh chấp địa giới hành chính và số liệu kiểm kê đối với phần diện tích đang tranh chấp (nếu có); kiến nghị biện pháp tăng cường quản lý sử dụng đất đai.
Ngoài các quy định trên, nội dung trong báo cáo phải đáp ứng yêu cầu quy định tại điểm 1.3, mục II, phần II của phương án này.
1.5- Hệ thống biểu mẫu thực hiện kiểm kê đất đai gồm:
+ Biểu 01-TKĐĐ: Kiểm kê diện tích đất nông nghiệp.
+ Biểu 02-TKĐĐ: Kiểm kê diện tích đất phi nông nghiệp.
+ Biểu 03-TKĐĐ: Kiểm kê diện tích đất đai.
+ Biểu 04-TKĐĐ: Kiểm kê người sử dụng đất.
+ Biểu 05-TKĐĐ: Kiểm kê về tăng, giảm diện tích đất theo mục đích sử dụng.
+ Biểu 06-TKĐĐ: Phân tích tình hình tăng, giảm diện tích đất theo mục đích sử dụng.
+ Biểu 07-TKĐĐ: Kiểm kê diện tích đất theo đơn vị hành chính.
+ Biểu 08-TKĐĐ: Cơ cấu diện tích theo mục đích sử dụng đất và đối tượng sử dụng, quản lý đất.
+ Biểu 09-TKĐĐ: Biến động diện tích đất theo mục đích sử dụng.
+ Biểu 10-TKĐĐ: Kiểm kê diện tích đất đai theo mục đích được giao, được thuê, được chuyển mục đích nhưng chưa thực hiện.
+ Biểu 11-TKĐĐ: Kiểm kê diện tích đất đai có sử dụng kết hợp vào mục đích phụ.
(Mẫu biểu chính thức sử dụng tổng hợp số liệu kiểm kê đất đai trong Phương án này sử dụng theo mẫu biểu ban hành kèm theo Thông tư 08/2007/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường và mẫu biểu kiểm kê đất lúa, tình hình cấp giấy Chứng nhận... do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành).
2. Quy trình thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất
- Phương pháp thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, nội dung và ký hiệu thể hiện bản đồ hiện trạng sử dụng đất thực hiện theo quy định tại Quyết định số 22/2007/QĐ-BTNMT và Quyết định số 23/2007/QĐ-BTNMT ngày 17/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Qui phạm thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất và Ký hiệu bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch đất.
- Riêng đối với các điểm đất quốc phòng, an ninh, nội dung bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo quy định cụ thể của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; bản đồ hoặc bản trích đo khu đất gửi kèm theo báo cáo xác định đường ranh giới các đất quốc phòng, an ninh.
III. SẢN PHẨM GIAO NỘP CỦA CÔNG TÁC KIỂM KÊ ĐẤT ĐAI VÀ XÂY DỰNG BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2010
Sản phẩm của công tác kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 được lập ở dạng giấy và dạng số; được thẩm định và ký xác nhận theo quy định tại khoản 4, khoản 6 mục III tại Thông tư số 08/2007/TT-BTNMT , cụ thể:
1. Hồ sơ kiểm kê đất đai năm 2010 của xã
- Hệ thống biểu số liệu kiểm kê đất đai cấp xã (03 bộ);
- Báo cáo kết quả kiểm kê đất đai cấp xã (03 bộ);
- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã tỷ lệ 1/2000 hoặc 1/5000 hoặc 1/10000 (03 bộ).
(Quy định tỷ lệ bản đồ HTSD đất cấp xã: tỷ lệ 1/2000 tổng diện tích tự nhiên từ 120 ha đến 500 ha; tỷ lệ 1/5000 tổng diện tích tự nhiên từ 500 ha đến 3000 ha; tỷ lệ 1/10000 tổng diện tích tự nhiên trên 3000 ha).
2. Hồ sơ kiểm kê đất đai năm 2010 của huyện
- Hệ thống biểu số liệu kiểm kê đất đai cấp huyện (02 bộ);
- Báo cáo kết quả kiểm kê đất đai cấp huyện (02 bộ);
- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp huyện tỷ lệ 1/10000 hoặc 1/25000 hoặc 1/50000 (02 bộ).
(Quy định tỷ lệ bản đồ HTSD đất cấp huyện: tỷ lệ 1/10000 tổng diện tích tự nhiên từ 3000 ha đến 12000 ha; tỷ lệ 1/25000 tổng diện tích tự nhiên trên 12000 ha).
3. Hồ sơ kiểm kê đất đai năm 2010 của tỉnh
- Hệ thống biểu số liệu kiểm kê đất đai cấp tỉnh (02 bộ);
- Báo cáo kết quả kiểm kê đất đai cấp tỉnh (02 bộ);
- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp tỉnh tỷ lệ 1/100000(02 bộ).
IV. THỜI ĐIỂM KIỂM KÊ, THỜI HẠN HOÀN THÀNH VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN KIỂM KÊ ĐẤT ĐAI VÀ XÂY DỰNG BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2010
1. Thời điểm kiểm kê đất đai
Thời điểm kiểm kê đất đai thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh là ngày 01/01/2010.
2. Thời hạn hoàn thành kiểm kê đất đai
- Cấp xã: Hoàn thành trước ngày 30/4/2010.
- Cấp huyện: Hoàn thành trước ngày 30/6/2010.
- Cấp tỉnh: Hoàn thành trước ngày 31/7/2010.
3. Kinh phí kiểm kê đất đai
Kinh phí thực hiện kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 được sử dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 618/CT-TTg ngày 15/5/2009 và Kế hoạch số 2841/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 07/8/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường: lập dự toán kinh phí tổng kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 toàn tỉnh;
- Chuẩn bị đầy đủ tài liệu tập huấn, biểu mẫu và xây dựng hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010;
- Tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 cho: Tổ công tác liên ngành và cán bộ của Sở trực tiếp thực hiện kiểm kê; Ban chỉ đạo cấp huyện, cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và cán bộ địa chính;
- Phối hợp với các huyện, các ngành đôn đốc hướng dẫn, kiểm tra các huyện, thị xã tổ chức thực hiện tổng kiểm kê đất đai xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất;
- Tổng hợp số liệu và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 cấp tỉnh, dự thảo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả tổng kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất;
- Bố trí cán bộ trực tiếp cài đặt phần mềm thống kê, kiểm kê đất đai cho Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã để tổng hợp số liệu trên hệ thống phần mềm. Sử dụng tối đa công nghệ thông tin, hộp thư điện tử để trao đổi, tích hợp số liệu.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính
Thẩm định dự toán kinh phí tổng kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010; tính toán, cân đối, bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sở Tài chính có văn bản hướng dẫn Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã sử dụng nguồn kinh phí kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 theo đúng quy định.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chịu trách nhiệm về số liệu đất lâm nghiệp, đất trồng lúa đặc biệt là đất chuyên trồng lúa nước; xác định diện tích đất trồng lúa ổn định trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, cử cán bộ tham gia hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các huyện, thị xã thực hiện.
4. Sở Nội vụ
- Chịu trách nhiệm về những nội dung liên quan đến địa giới hành chính các cấp (tỉnh, huyện, xã) thực hiện kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010; tập trung những xã, phường, thị xã Tuyên Quang và huyện Yên Sơn có điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị định số 99/2008/NĐ-CP ngày 03/9/2008 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Yên Sơn để mở rộng thị xã Tuyên Quang và thành lập một số phường thuộc thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang;
- Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã kiểm tra, rà soát những khu vực đang có tranh chấp về địa giới hành chính hoặc những khu vực có đường địa giới hành chính chưa rõ ràng để có giải pháp xử lý khi thực hiện kiểm kê đất đai;
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, cử cán bộ tham gia hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các huyện, thị xã thực hiện.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo thuộc ngành quản lý từ tỉnh đến cơ sở cung cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp xã số liệu, tài liệu có liên quan đến đất đai để phục vụ công tác tổng kiểm kê;
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, cử cán bộ tham gia hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các huyện, thị xã thực hiện.
6. Cục thống kê tỉnh
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp số liệu tổng kiểm kê đất đai và cử cán bộ trực tiếp tham gia Tổ công tác đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện tổng kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
7. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh về số liệu kiểm kê diện tích đất đang sử dụng vào mục đích đất an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh; báo cáo giải trình rõ nguyên nhân chênh lệch diện tích (nếu có) so với kết quả kiểm kê quỹ đất của các tổ chức theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg và số liệu kiểm kê đất đai năm 2005.
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, cử cán bộ tham gia hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các huyện, thị xã thực hiện.
II. TRÁCH NHIỆM CỦA CẤP HUYỆN, CẤP XÃ
1. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã
- Chỉ đạo Uỷ ban nhân cấp xã tổ chức thực hiện tổng kiểm kê đất đai theo Phương án được tỉnh duyệt và Kế hoạch chi tiết của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
- Chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng sản phẩm tổng kiểm kê đất đai trên địa bàn huyện, thị xã.
- Tổng hợp số liệu kiểm kê đất đai, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất trên cơ sở số liệu kiểm kê đất đai và bản đồ hiện trạng sử dụng đất của cấp xã; nộp báo cáo thuyết minh, biểu tổng hợp số liệu và bản đồ hiện trạng sử dụng đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/6/2010.
2. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã
- Thành lập Tổ công tác do đồng chí Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch UBND (xã, phường, thị trấn) tổ trưởng, cán bộ địa chính làm Tổ phó; các thành viên khác: cán bộ tư pháp, kế toán, thống kê, giao thông, xây dựng...
- Xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức thực hiện kế hoạch đó.
- Thực hiện các nội dung công việc nêu tại Phương án này; giao nộp đầy đủ các sản phẩm kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã; nộp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/4/2009.
- Chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã về tính chính xác của số liệu, tài liệu kiểm kê, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và tiến độ thực hiện.
Ban chỉ đạo kiểm kê đất đai cấp tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã căn cứ Phương án và nhiệm vụ được giao tại Phương án này để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, đảm bảo thời gian và chất lượng theo quy định./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.