CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 229-CT | Hà Nội, ngày 27 tháng 7 năm 1991 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT DỰ ÁN TIỀN KHẢ THI CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG RỪNG PHÒNG HỘ KHU VỰC HỒ DẦU TIẾNG TÂY NINH - SÔNG BÉ
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Xét Tờ trình số 181-LN-Kl ngày 29-1-1991 của Bộ Lâm nghiệp và tờ trình số 404-UB ngày 5-11-1990 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc xin phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình rừng phòng hộ khu vực hồ Dầu Tiếng Tây Ninh - Sông Bé;
Căn cứ đề nghị của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (văn bản số 604 UB-XD-NL ngày 27-6-1991) về việc phê duyệt dự án đầu tư này,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Phê duyệt dự án tiền khả thi công trình xây dựng rừng phòng hộ khu vực hồ Dầu Tiếng Tây Ninh - Sông Bé theo những nội dung chủ yếu sau:
1. Tên dự án: Công trình xây dựng rừng phòng hộ khu vực hồ Dầu Tiếng Tây Ninh - Sông Bé.
Chủ quản đầu tư: Bộ Lâm nghiệp.
Chủ đầu tư: Do Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp chỉ định, sau khi tham khảo ý kiến của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh và Sông Bé.
2. Khu vực địa điểm:
Nằm trong khu vực quản lý hành chính của 9 xã thuộc huyện Tân Châu, 1 xã thuộc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh và 7 xã thuộc huyện Lộc Ninh, 8 xã thuộc huyện Bình Long, 2 xã thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé.
Tổng diện tích khu vực: 217.000 hécta.
Diện tích cần đảm bảo các yêu cầu phòng hộ: 60.600 hécta.
3. Mục tiêu, nhiệm vụ:
a) Mục tiêu: xây dựng hệ thống rừng phòng hộ và chế độ quản lý, canh tác trong khu vực phòng hộ đảm bảo yêu cầu bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn, phát huy năng lực công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng, góp phần tạo lập cân bằng sinh thái, cải thiện môi trường toàn vùng.
b) Nhiệm vụ cụ thể:
- Tập trung vào nhiệm vụ chủ yếu là khoanh nuôi, trồng dặm và bảo vệ diện tích rừng hiện có khoảng: 34.700 hécta.
- Trồng rừng mới với mật độ cây thưa trên vùng đất trống dốc trên 10 độ, chú trọng kết hợp trồng cây gỗ lớn với cây cao su, các cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, sản xuất nông - lâm kết hợp.
- Thiết lập chế độ quản lý canh tác vùng bán ngập và toàn khu vực.
- Hướng dẫn khai thác tiềm năng đất đai, bảo đảm chế độ phòng hộ môi trường cân bằng sinh thái.
4. Các giải pháp chủ yếu:
a) Giải pháp về kinh tế - xã hội:
Bộ Lâm nghiệp phối hợp với Uỷ ban Nhân dân các tỉnh làm rõ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên toàn khu vực phòng hộ, căn cứ vào điều kiện khả năng đất đai, khí hậu của từng vùng mà bố trí cụ thể trồng cây gì, nuôi con gì, kết hợp nông, lâm nghiệp, công nghiệp nhằm sử dụng hợp lý đất đai, có kế hoạch từng bước ổn định đời sống nhân dân, phát triển sản xuất hàng hoá trong khu vực, thực hiện định canh định cư, chấm dứt nạn phá rừng làm nương rẫy.
- Tiến hành giao rừng, đất trồng rừng, khuyến khích các hộ gia đình phát triển kinh tế vườn, kinh doanh tổng hợp nông, lâm nghiệp, chăn nuôi và xây dựng rừng phòng hộ dưới sự hướng dẫn của Nhà nước.
b) Giải pháp lâm nghiệp: Các giải pháp lâm nghiệp phải đảm bảo:
- Tận dụng tối đa khả năng phục hồi tự nhiên trên cơ sở khoanh nuôi làm giàu rừng.
- Thiết kế xây dựng rừng có kết cấu hợp lý, phù hợp với yêu cầu phòng hộ ở từng vùng khác nhau, nhằm phát huy hiệu quả phòng hộ lâu dài và tiết kiệm vốn đầu tư.
- Bảo đảm các yêu cầu về quản lý bảo vệ rừng.
- Tạo mọi điều kiện kết hợp tăng thu nhập trên các khu vực phòng hộ.
c) Các ngành sản xuất trên khu vực có yêu cầu phòng hộ phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình sản xuất bảo đảm hiệu quả phòng hộ.
5. Nguồn vốn đầu tư:
Để thực hiện dự án, cần huy động nhiều nguồn vốn tham gia đầu tư như: tiền nuôi rừng, vốn tự có, vốn liên doanh liên kết, vốn viện trợ và vốn ngân sách Nhà nước. Vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước sẽ được bố trí trong chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước hàng năm, trên cơ sở các luận chứng kinh tế kỹ thuật đã được phê duyệt và chỉ được sử dụng nguồn vốn này vào nhiệm vụ chủ yếu là trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng tại các khu vực phòng hộ xung yếu, duy trì và phát triển các loại động vật rừng, và xây dựng những cơ sở hạ tầng cần thiết, hạn chế đến mức thấp nhất việc đầu tư xây dựng những công trình ít liên quan trực tiếp đến rừng.
6. Tổ chức thực hiện:
Bộ Lâm nghiệp chịu trách nhiệm:
- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Tây Ninh, Sông Bé tổ chức chỉ đạo thực hiện dự án theo đúng quy định của Điều lệ về quản lý xây dựng cơ bản và các quy định hiện hành của Nhà nước.
- Chỉ đạo việc lập và tổ chức xét duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật từng công trình cụ thể để thực hiện đầu tư kể từ năm 1992 trở đi. Riêng năm 1991 thực hiện đầu tư theo thiết kế được duyệt.
- Nghiên cứu trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quy định chế độ quản lý, sử dụng đất đai canh tác đối với các ngành sản xuất trong khu vực có yêu cầu phòng hộ.
Thời hạn thực hiện đầu tư xây dựng công trình là 10 năm, kể từ năm 1991 đến năm 2000.
Điều 2. Bộ trưởng các Bộ: Lâm nghiệp, Tài chính, Xây dựng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Tổng giám đốc Ngân hàng đầu tư phát triển, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh Tây Ninh, Sông Bé và Thủ trưởng các ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Đồng Sĩ Nguyên (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.