UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 227/QĐ-UBND | Hòa Bình, ngày 20 tháng 02 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA LỰC LƯỢNG KIỂM LÂM, LỰC LƯỢNG CÔNG AN, LỰC LƯỢNG QUÂN SỰ TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TỈNH HÒA BÌNH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004; Luật Dân quân tự vệ năm 2009; Luật phòng cháy chữa cháy năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 09/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng;
Căn cứ Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7/2010 của Chính phủ quy định về phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an xã phường, thị trấn, lực lượng kiểm lâm và các lực lượng khác trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong công tác bảo vệ rừng;
Căn cứ Quyết định số 39/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09 tháng 3 năm 2009 ban hành quy chế phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm và lực lượng dân quân tự vệ trong công tác bảo vệ rừng;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 144/2002/TTLT-BNN-BCA-BQP ngày 13 tháng 12 năm 2002 của Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc phối hợp giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội trong công tác bảo vệ rừng;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 438/TTr-SNN ngày 16 tháng 12 năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, lực lượng Công an, lực lượng Quân sự trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Điều 2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| CHỦ TỊCH |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP GIỮA LỰC LƯỢNG KIỂM LÂM, LỰC LƯỢNG CÔNG AN VÀ LỰC LƯỢNG QUÂN SỰ TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG
( Kèm theo Quyết định số 227/QĐ-UBND ngày 20/02/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Công tác quản lý bảo vệ rừng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, Chính quyền các cấp. Cần xác định rõ an ninh rừng nằm trong an ninh trật tự đảm bảo an toàn xã hội của các địa phương.
Quy chế này quy định việc phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, lực lượng Công an và lực lượng Quân sự trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhằm thống nhất hành động, huy động sức mạnh tổng hợp của ba lực lượng cùng với các cấp, các cơ quan liên quan và toàn dân trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự xã hội tại địa phương.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
1. Hoạt động phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng giữa lực lượng Kiểm lâm với lực lượng Công an, lực lượng Quân sự đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và điều hành của Ủy ban nhân dân các cấp; phát huy sức mạnh của toàn dân và của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp có liên quan theo quy định của pháp luật.
2. Đảm bảo sự chỉ huy, chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất của mỗi lực lượng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của lực lượng Kiểm lâm, lực lượng Công an, lực lượng Quân sự từ tỉnh, huyện đến các các xã, phường, thị trấn.
3. Đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau thực hiện nhiệm vụ được giao, nhưng không gây cản trở trong việc thực hiện nhiệm vụ riêng và công việc nội bộ của nhau; giữ bí mật về lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ trong xử lý tình huống theo quy định của Nhà nước.
4. Việc xử lý các vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản phải kiên quyết, chủ động, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Cơ chế chỉ huy khi thực hiện việc phối hợp
1. Các lực lượng phối hợp phải chấp hành sự chỉ huy thống nhất của người có thẩm quyền theo phương án phối hợp giải quyết các vụ việc bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng cụ thể được Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt.
2. Trong trường hợp giải quyết công việc cụ thể, cấp bách về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng mà cơ quan Kiểm lâm có thẩm quyền đề nghị lực lượng Quân sự, lực lượng Công an phối hợp với lực lượng Kiểm lâm thực hiện việc mai phục, truy bắt, dẫn giải, những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, áp tải tang vật, phương tiện vi phạm, tuần tra, kiểm tra việc bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương án cơ quan Kiểm lâm thì do người đứng đầu cơ quan Kiểm lâm chỉ huy.
3. Trong trường hợp người có thẩm quyền của lực lượng Công an hoặc lực lượng Quân sự đề nghị lực lượng kiểm lâm phối hợp thực hiện việc mai phục, truy bắt, dẫn giải những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật khác thuộc thẩm quyền của lực lượng Công an, lực lượng Quân sự theo phương án của lực lượng Công an hoặc lực lượng Quân sự thì người đứng đầu của lực lượng đó giữ vai trò chỉ huy.
4. Đối với các trường hợp ngoại lệ khác thì cơ quan, đơn vị nào phát hiện, đề xuất sẽ là người chỉ huy thực hiện vụ việc.
Chương II
NỘI DUNG PHỐI HỢP
Điều 4. Phối hợp trong công tác tuyên truyền, đào tạo, huấn luyện
1. Hằng năm cơ quan Kiểm lâm chủ trì, phối hợp cơ quan Công an, cơ quan Quân sự cùng cấp xây dựng kế hoạch tuyên truyền, đào tạo, huấn luyện về công tác phòng cháy và chữa cháy rừng được lãnh đạo từng cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Sau khi kế hoạch được phê duyệt, việc triển khai phối hợp trong công tác tuyên truyền, đào tạo, huấn luyện như sau:
a) Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, đào tạo, huấn luyện trên địa bàn cấp tỉnh. Chỉ đạo, hướng dẫn các Hạt Kiểm lâm cấp huyện chủ trì, cùng hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, phối hợp Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện tổ chức thực hiện trên địa bàn quản lý. Dựa vào kế hoạch thực hiện của cấp huyện Kiểm lâm địa bàn chủ trì phối hợp với Ban chỉ huy Quân sự cấp xã, Công an xã tiến hành triển khai thực hiện.
- Về nội dung tuyên truyền:
+ Tổ chức tuyên truyền cho cộng đồng về chính sách Nhà nước; quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân và cộng đồng trong PCCCR; Các quy định của nhà nước về bảo vệ rừng và PCCCR.
+ Tác hại, nguyên nhân của cháy rừng và tầm quan trọng của việc phòng và chữa cháy rừng.
+ Xây dựng quy ước thôn bản về quản lý bảo vệ rừng. Thực hiện quản lý lửa rừng dựa trên cơ sở cộng đồng.
+ Xây dựng các bảng nội quy bảo vệ rừng và PCCCR; biển cấm lửa và biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng; in ấn và phát hành các tài liệu phổ biến về bảo vệ rừng và PCCCR.
+ Xây dựng mạng lưới thông tin các vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng.
- Công tác đào tạo và huấn luyện:
+ Hướng dẫn kỹ thuật sử dụng các trang thiết bị về phòng cháy chữa cháy rừng.
+ Hướng dẫn, sử dụng vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ.
+ Những thao tác cơ bản về các phương pháp chữa cháy rừng.
+ Ứng dụng công nghệ thông tin mới trong PCCCR.
+ Cứu hộ, cứu nạn trong chữa cháy rừng.
+ Kỹ thuật khắc phục hậu quả của cháy rừng.
+ Nghiệp vụ tuyên truyền PCCCR.
+ Biết phân tích và đánh giá sau mỗi vụ cháy rừng.
+ Cách sử dụng máy định vị vệ tinh khi đi tuần tra rừng và xác định vị trí địa điểm cháy phục vụ trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR.
+ Cách lập biên bản ban đầu khi tuần tra, kiểm tra phát hiện vụ việc; các bước tiến hành để giải quyết vụ vi phạm.
+ Các nội dung tập huấn khác theo yêu cầu và xét thấy cần thiết.
b) Đối tượng tập huấn: Là các cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn về PCCCR, cán bộ thuộc đội kiểm lâm cơ động, cán bộ công chức kiểm lâm phụ trách địa bàn, chính quyền cấp xã, lực lượng Dân quân tự vệ, lực lượng Công an các cấp trong biên chế.
Chi cục Kiểm lâm thống nhất với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh về nội dung tuyên truyền, đào tạo, huấn luyện, biên soạn bài giảng, lập kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai (địa điểm, thời gian, đối tượng học viên), giảng viên cho từng khóa đào tạo, tập huấn.
Điều 5. Trao đổi thông tin
1. Việc trao đổi, xử lý thông tin phải bảo đảm bí mật, chính xác, kịp thời. Khi có những thông tin khác nhau về vụ việc, hiện tượng thì các bên phải phối hợp với các cơ quan chức năng khác để xác minh, thống nhất kết luận trước khi báo cáo lên cấp trên và cơ quan thẩm quyền giải quyết. Trường hợp đột xuất, cần thiết có thể báo cáo vượt cấp nhưng trong vòng 3 giờ kể từ khi báo cáo vượt cấp phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp và cơ quan thẩm quyền giải quyết.
2. Nội dung trao đổi thông tin giữa cơ quan Kiểm lâm với cơ quan Quân sự và cơ quan Công an các cấp:
a) Cơ quan Kiểm lâm chủ động trao đổi với cơ quan Quân sự, cơ quan Công an cùng cấp những thông tin sau:
- Tình hình bảo vệ rừng trong phạm vi quản lý.
- Các trọng điểm về cháy rừng, loài cây, diện tích có nguy cơ cháy rừng cao và dự kiến các tình huống có thể xảy ra cháy rừng để có kế hoạch phối hợp phòng, chống các hành vi xâm hại rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Tình hình canh tác nương rẫy.
- Kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ rừng của cơ quan Kiểm lâm và Ban Chỉ huy những vấn đề cấp bách bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng của từng cấp.
- Các nội dung khác liên quan đến công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tình hình phối hợp giữa các lực lượng.
b) Cơ quan Quân sự, cơ quan Công an chủ động trao đổi với cơ quan Kiểm lâm cùng cấp những thông tin sau:
- Tình hình bảo vệ rừng trong phạm vi hoạt động của cơ quan Quân sự, cơ quan Công an.
- Kế hoạch phối hợp giữa cơ quan Quân sự, cơ quan Công an với cơ quan Kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng.
- Tình hình, kết quả phối hợp giữa lực lượng Công an, Quân sự, Kiểm lâm về bảo vệ và ngăn chặn các hành vi phá rừng, khai thác rừng, mua bán, kinh doanh lâm sản trái phép, các đối tượng đầu nậu, các tuyến, địa bàn trọng điểm về vận chuyển, buôn bán lâm sản, động vật rừng trên địa bàn tỉnh.
Điều 6. Giao ban
1. Trách nhiệm của tổ chức giao ban
- Chủ trì tổ chức giao ban công tác chỉ đạo phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm với lực lượng Quân sự, lực lượng Công an trong công tác bảo vệ rừng ở cấp tỉnh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh luân phiên đảm nhiệm; ở cấp huyện do Hạt Kiểm lâm cấp huyện, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Ban chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện luân phiên đảm nhiệm.
- Giao ban giữa Ban chỉ huy Quân sự xã, Công an xã với Kiểm lâm địa bàn trong phối hợp hoạt động bảo vệ rừng.
+ Việc tổ chức giao ban giữa Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã, ban Chỉ huy Quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở với Kiểm lâm địa bàn trong phối hợp hoạt động bảo vệ rừng, do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự câp xã, Ban chỉ huy Quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở phối hợp với Kiểm lâm địa bàn thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã.
- Ở những nơi có rừng, căn cứ vào tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội và tỉnh hình bảo vệ rừng trên địa bàn, Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo việc giao ban công tác phối hợp hoạt động giữa Ban chỉ huy Quân sự cấp xã, Công an xã và Kiểm lâm địa bàn.
2. Chế độ giao ban
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh tổ chức giao ban định kỳ 6 tháng 01 lần.
- Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện tổ chức giao ban định kỳ mỗi quý 01 lần.
- Kiểm lâm địa bàn chủ trì cùng Ban chỉ huy Quân sự cấp xã, Công an xã giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức giao ban chung theo định kỳ mỗi tháng 01 lần.
- Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hạt Kiểm lâm cấp huyện, Kiểm lâm địa bàn chủ trì đề nghị việc giao ban đột xuất khi có tình huống phức tạp về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
3. Nội dung giao ban
- Tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng trong địa bàn cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các vùng giáp danh có liên quan.
- Những nội dung chỉ đạo của cơ quan Kiểm lâm, cơ quan Công an, Quân sự cấp trên và của cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Kết quả phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, lực lượng Công an, Quân sự và lực lượng khác trong bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng.
- Nhiệm vụ, nội dung, biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, lực lượng Công an, Quân sự và lực lượng khác trong thời gian tới.
- Những kiến nghị, đề xuất với cấp trên và cấp ủy, chính quyền, địa phương cùng cấp trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
4. Phương pháp giao ban
a) Trước giao ban: Đơn vị chù trì giao ban tổng hợp tình hình có liên quan đến công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, chuẩn bị nội dung báo cáo, xác định chương trình, thành phần, thời gian, địa điểm, công tác bảo đảm báo cáo Chủ tỉnh Ủy ban nhân dân cùng cấp để triệu tập hoặc mời các thành phần giao ban, đơn vị phối hợp có trách nhiệm cung cấp những thông tin có liên quan để chuẩn bị báo cáo cùng tiến hành làm công tác chuẩn bị.
b) Trong giao ban: Đơn vị chủ trì trình bày báo cáo trung tâm; duy trì thảo luận, giải đáp những vướng mắc, kiến nghị kết luận trong hội nghị giao ban.
c) Sau giao ban: Đơn vị chủ trì phối hợp với đơn vị liên quan hoàn chỉnh báo cáo, chậm nhất 05 ngày gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp lấy ý kiến, chịu trách nhiệm với đơn vị phối hợp giao ban để báo cáo cấp ủy, chính quyền cùng cấp, thông báo cho các lực lượng liên quan trong địa bàn và báo cáo cấp trên trực tiếp.
Điều 7. Phối hợp trong công tác phòng cháy và chữa cháy rừng
1. Hằng năm cơ quan Kiểm lâm phối hợp với cơ quan Công an, Quân sự huấn luyện, diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
- Nghiên cứu xây dựng các điểm phát hiện lửa rừng từ xa, thông tin kịp thời các điểm cháy cho chủ rừng và ban chỉ huy các vấn đề cấp bách về bảo vệ và PCCCR các cấp tổ chức lực lượng chữa cháy kịp thời.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PCCCR.
- Diễn tập chữa cháy rừng: Diễn tập huy động và sử dụng các công cụ chữa cháy rừng và phối hợp sử dụng các công cụ chữa cháy rừng đối với các tình huống giả định, để khảo sát và đánh giá sự phù hợp, đồng thời rút kinh nghiệm về sự phối hợp sử dụng có hiệu quả các loại công cụ: Thủ công, bán cơ giới, cơ giới đối với từng địa bàn rừng khác nhau.
+ Diễn tập huy động và chỉ huy lực lượng chữa cháy rừng phù hợp với quy mô vụ cháy và các tình huống phát triển lan rộng của đám cháy.
+ Diễn tập các tình huống bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia chữa cháy rừng.
+ Đối tượng tham gia diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng là các chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, quân đội, công an, các cấp, các ngành, các tổ chức đơn vị có liên quan tham gia diễn tập chữa cháy rừng. Trong đó lực lượng kiểm lâm các cấp tham mưu cho ban chỉ huy các vấn đề cấp bách bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng cấp mình tổ chức thực hiện.
+ Xây dựng các công trình phòng cháy chữa cháy rừng: Xây dựng hệ thống đường băng cản lửa phòng cháy rừng, đường băng trắng, đường băng xanh, xây dựng hệ thống chòi canh lửa rừng, xây dựng hệ thống hồ, ao, bể chứa nước chữa cháy rừng.
+ Xây dựng phương án PCCCR, đặc biệt là phương án PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ.
2. Chữa cháy rừng: Thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Tuỳ theo quy mô của đám cháy mà UBND và Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng huy động lực lượng chữa cháy cho phù hợp. Cụ thể như sau:
- Nếu phát hiện đám cháy: Huy động ngay những nhân lực nơi gần đám cháy để dập tắt ngay đám cháy.
- Nếu cháy lớn diện tích từ 500 – 1.000 m2 phải huy động lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng, Kiểm lâm địa bàn, các tổ đội quần chúng ở các thôn, bản.
- Nếu cháy 1.000 – 10.000 m2 huy động lực lượng cơ động nhanh của xã sở tại và cán bộ, nhân dân, lực lượng dân quân tự vệ, các cơ quan, xí nghiệp, trường học (nơi có điều kiện thuận lợi) gần đám cháy.
- Nếu có nguy cơ lan rộng thì huy động các đơn vị bộ đội, công an, kiểm lâm cơ động trong huyện sở tại.
- Nếu đám cháy có tốc độ lan nhanh với quy mô lớn không kiểm soát được thì phải huy động tối đa lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng cấp tỉnh (đặc biệt là lực lượng Kiểm lâm và lực lượng của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, cơ quan PCCC Công an tỉnh).
Mọi trường hợp cháy rừng xảy ra, các lực lượng phải chủ động chữa cháy rừng ngay, đồng thời thông tin ngay cho đơn vị phối hợp, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan.
Trường hợp xảy ra cháy rừng cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy theo quy định của pháp luật, cơ quan Kiểm lâm phối hợp với cơ quan Công an, cơ quan Quân sự cùng cấp tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp điều động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng, khắc phục hậu quả cháy rừng.
Điều 8. Phối hợp trong việc phát hiện, truy quét các hành vi chặt phá rừng trái phép
1. Trong các đợt hành quân dã ngoại, huấn luyện
- Các đợt hành quân dã ngoại, huấn luyện của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh khi phát hiện điểm phá rừng trái phép, Chỉ huy đơn vị tổ chức dã ngoại chủ động bố trí lực lượng tổ chức tuyên truyền, vận động, lấy giáo dục, thuyết phục là chính và tìm biện pháp xử lý giải quyết vụ việc.
- Trường hợp các đối tượng vi phạm có số lượng lớn, ít phức tạp:
+ Đơn vị phát hiện cần bí mật, tìm biện pháp giữ hiện trường vi phạm.
+ Tìm cách liên hệ báo cho chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng huy động lực lượng phối hợp truy quét.
- Trường hợp các đối tượng vi phạm có số lượng lớn, mức độ phức tạp, đối tượng có hành vi chống trả:
+ Đơn vị phát hiện cần tìm mọi biện pháp giữ hiện trường vi phạm.
+ Tìm cách liên hệ báo cho Chủ tịch UBND huyện và các lực lượng chức năng của huyện huy động lực lượng truy quét; Đồng thời báo về tỉnh để chuẩn bị lực lượng hỗ trợ cho huyện khi cần thiết.
2. Phối hợp kiểm tra truy quét bảo vệ rừng trong các khu rừng theo kế hoạch
- Hằng năm lực lượng Quân sự, lực lượng Công an thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về các tụ điểm chặt phá rừng lớn trên địa bàn tỉnh cho lực lượng Kiểm lâm.
- Lực lượng Kiểm lâm các cấp chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với lực lượng Quân sự và lực lượng Công an cấp mình. Tiến hành kiểm tra truy quét các tụ điểm có nguy cơ xâm hại rừng cao.
3. Phối hợp kiểm tra truy quét các tụ điểm, hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng ngoài các khu rừng trên địa bàn tỉnh
- Phối hợp kiểm tra các trạm cửa rừng, các điểm lưu thông, chế biến lâm sản tập trung, các nhà hàng kinh doanh động vật hoang dã có dấu hiệu phạm pháp.
- Truy bắt những đối tượng có hành vi vận chuyển, trốn chạy, tẩu tán tang vật và chống người thi hành công vụ.
- Phối hợp kiểm tra tháo gỡ, tiêu hủy các loại bẫy săn bắt động vật rừng, các đối tượng giết mổ động vật trái phép.
- Phối hợp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính và giải tỏa diện tích bị lấn chiếm chặt phá trái phép theo quy định của pháp luật.
4. Phối hợp trong điều tra giải quyết vi phạm
- Điều tra những cá nhân, tổ chức phá rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép lâm sản, gây cháy rừng, săn bắt, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã; có biện pháp giáo dục phòng ngừa vi phạm.
- Đối với vụ việc phức tạp hoặc có dấu hiệu phạm tội thì căn cứ vào phạm vi quyền hạn, cơ quan Kiểm lâm tiến hành các biện pháp điều tra và các thủ tục tố tụng theo quy định. Trong trường hợp cần thiết có thể đề nghị Công an, Quân sự phối hợp hướng dẫn, trao đổi biện pháp nghiệp vụ điều tra theo quy định để công tác điều tra, xử lý đạt hiệu quả.
5. Phối hợp trong việc lập hồ sơ xử lý vi phạm
Trường hợp vụ vi phạm bên Quân sự, Công an phát hiện trước thì hồ sơ ban đầu do bên phát hiện thiết lập. Trong quá trình củng cố, hoàn thiện hồ sơ vi phạm nếu cần các bên phối hợp thì lãnh đạo các bên cử cán bộ cùng tham gia cung cấp tài liệu, hồ sơ, biện pháp nghiệp vụ có liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR. Trong trường hợp cần thiết cùng tiến hành phối hợp xác minh, để lập hồ sơ đảm bảo theo quy định.
6. Chỉ đạo các hạt Kiểm lâm chủ trì phối hợp với Ban chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, xây dựng quy chế phối hợp cụ thể và phù hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng ở địa phương
- Hạt kiểm lâm chỉ đạo, đôn đốc kiểm lâm phụ trách địa bàn hằng năm xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng ở cấp xã trình Chủ tịch xã phê duyệt làm cơ sở chỉ đạo việc phối hợp ba lực lượng cấp xã, tổ chức giao ban theo quy định tại Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ.
- Công an huyện chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra lực lượng Công an xã trong việc kết hợp tuần tra nhằm phát hiện các hành vi vận chuyển, cất giấu, tàng trữ lâm sản chủ động hoặc phối hợp đề xuất phương án xử lý kịp thời.
- Cơ quan Quân sự huyện chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn và cấp xã trong việc phối hợp các lực lượng tham gia công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đảm bảo cấp cơ sở thực hiện triệt để tinh thần phối hợp theo Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ.
7. Đối với cấp xã: Chủ tịch UBND xã trực tiếp chỉ đạo công tác phối hợp của 3 lực lượng tại xã ( Kiểm lâm địa bàn, lực lượng Dân quân tự vệ, lực lượng Công an xã ) trong việc nắm bắt tình hình, phát hiện kịp thời các hành vi, đề xuất và chỉ đạo thực hiện các phương án tác chiến khi các tình huống xảy ra.
Chỉ đạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự cấp xã, Trưởng Công an xã, Kiểm lâm địa bàn xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp phù hợp theo tình hình và diễn biến thực trạng quản lý bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng với cơ sở mình; nắm thực trạng rừng, tổ chức thống kê rừng và đất lâm nghiệp hằng năm; chỉ đạo các thôn, xóm nắm chắc các đối tượng xâm hại rừng định hướng tuyên truyền, vận động và phương án giải quyết nhằm đảm bảo việc quản lý rừng tại gốc đạt hiệu quả.
Tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc việc giao ban theo quy định.
Điều 9. Phối hợp trong sơ kết, tổng kết thực hiện Quy chế
1. Quy định thời gian sơ kết, tổng kết
a) Sơ kết thực hiện vào quý IV hàng năm.
b) Tổng kết thực hiện 5 năm/lần.
2. Hình thức sơ kết
Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh theo dõi, chỉ đạo cơ quan Kiểm lâm cấp huyện, Ban chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện tổ chức sơ kết.
Chủ tịch UBND xã chủ trì việc sơ kết hằng năm, để đánh giá việc phối hợp, thực hiện giữa 3 lực lượng ở cấp xã.
3. Hình thức tổng kết
Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì tổng kết.
Chương III
CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH, NGUỒN KINH PHÍ BẢO ĐẢM PHỐI HỢP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Chế độ, chính sách
1. Chế độ, chính sách đối với lực lượng Kiểm lâm: Công chức, viên chức, người lao động hợp đồng trong các cơ quan Kiểm lâm khi phối hợp với lực lượng Quân sự, lực lượng Công an để bảo vệ và phát triển rừng được hưởng chế độ, chính sách theo Điều 17 Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm và các văn bản hướng dẫn khác liên quan của cơ quan nhà nước thẩm quyền.
2. Chế độ, chính sách đối với lực lượng Quân sự: Cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ khi tham gia phối hợp lực lượng Kiểm lâm để bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng được hưởng chế độ, chính sách theo Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của chính phủ và các văn ban hướng dẫn thực hiện luật Dân quân tự vệ.
3. Chế độ, chính sách đối với lực lượng Công an: Cán bộ, chiến sĩ Công an khi tham gia phối hợp lực lượng Kiểm lâm để bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng được hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại Luật Công an nhân dân và các quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 11. Nguồn kinh phí bảo đảm cho thực hiện việc phối hợp
1. Hằng năm các ngành, các địa phương lập dự toán chi tiết phục vụ cho quy chế phối hợp vào dự toán chi ngân sách hằng năm gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt (Mục chi sự nghiệp kinh tế) để chủ động nguồn kinh phí bảo đảm sự phối hợp giữa các lực lượng ở địa phương có hiệu quả.
2. Ngân sách bảo đảm chi cho các nội dung sau:
a) Tuyên truyền, đào tạo, tập huấn bảo vệ và phát triển rừng;
b) Tổ chức hội nghị giao ban các cấp;
c) Công tác sơ kết, tổng kết;
d) Huy động lực lượng thực hiện nhiệm vụ;
đ) Mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ chữa cháy rừng;
e) Diễn tập, luyện tập;
g) Xây dựng các đơn vị điểm;
h) Xây dựng phương án, kế hoạch;
i) Các khoản chi khác theo quy định tại quy chế này.
3. Kinh phí cho lực lượng Kiểm lâm, lực lượng Công an và lực lượng Quân sự tổ chức các hoạt động phối hợp quy định tại Quy chế này. Thực hiện theo hướng dẫn giữa Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Điều 12. Lập dự toán kinh phí thực hiện Quy chế phối hợp
1) Hằng năm Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh lập dự toán chi cho các hoạt động Quy chế này cùng với dự toán chi thường xuyên gửi Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt.
2) Hằng năm Hạt Kiểm lâm cấp huyện, Ban chỉ huy Quân sự cấp huyện, Công an huyện; Kiểm lâm địa bàn, Ban chỉ huy Quân sự cấp xã, Công an xã lập dự toán chi cho các hoạt động Quy chế này cùng với dự toán chi thường xuyên gửi Phòng Tài chính – Kế hoạch tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trình Hội đồng nhân dân cungd cấp phê duyệt.
Điều 13. Nguồn chi trích lại từ xử lý vụ việc
Đối với công tác chữa cháy rừng, lực lượng huy động được chi trả theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Các vụ thuộc thẩm quyền cấp xã xử lý, tiền phạt và tiền thu từ bán hàng tịch thu cấp xã lập đầy đủ chứng từ theo quy định; nguồn thu được để lại tại xã và chỉ được chi cho công tác bảo vệ rừng, chấp hành việc quyết toán thực hiện theo quy định hiện hành của luật Ngân sách Nhà nước.
Điều 14. Tổ chức thực hiện
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và phân cấp cho các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện Quy chế này; định kỳ sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh để có biện pháp chỉ đạo việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ những năm tiếp theo.
Trong quá trình thực hiện quy chế này nếu có vướng mắc các đơn vị gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để được điều chỉnh kịp thời ./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.