ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2249/QĐ-UBND | Thanh Hóa, ngày 18 tháng 07 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH 14/QĐ-TTG NGÀY 01/3/2012 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH CHO NGƯỜI NGHÈO
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày 14/11/2008;
Căn cứ Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc khám chữa bệnh cho người nghèo;
Căn cứ Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 33/2013/TTLT-BYT-BTC ngày 18/10/2013 của Liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức thực hiện Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo;
Xét đề nghị của Sở Tài chính tại Công văn số 2213/STC-HCSN ngày 26/6/2014 về việc sửa đổi và bổ sung một số nội dung Quyết định số 2760/QĐ-UBND ngày 08/8/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch triển khai Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai Quyết định 14/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo.
Điều 2. Các sở: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội tỉnh, các đơn vị có liên quan căn cứ nội dung Kế hoạch đã được phê duyệt để triển khai thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2760/QĐ-UBND ngày 08/8/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc nhà nước tỉnh, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh và Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 14/2012/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH CHO NGƯỜI NGHÈO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2249/QĐ-UBND ngày 18 tháng 7 năm 2014 của Chủ tịch UBND tỉnh)
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Mục tiêu
Đảm bảo thực hiện tốt chính sách hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo, đảm bảo thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Tổ chức quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, phù hợp với tình hình của địa phương.
2. Yêu cầu
Đảm bảo quyền lợi, sự công bằng cho người nghèo trong thực hiện các chính sách xã hội của Nhà nước. Không bỏ sót đối tượng.
II. NỘI DUNG
1. Chế độ hỗ trợ
1.1. Đối tượng hỗ trợ:
- Người thuộc hộ nghèo theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn hộ nghèo được Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) người nghèo.
- Người thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.
- Đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, có thẻ BHYT do BHXH tỉnh Thanh Hóa cấp.
- Người nghèo mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí.
1.2. Nội dung hỗ trợ:
Hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo khi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Nhà nước tại Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
1.3. Điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ:
- Các đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ tại Kế hoạch này khi đi điều trị nội trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh Thanh Hóa theo đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật do Bộ Y tế quy định.
- Các trường hợp cấp cứu, tử vong hoặc bệnh quá nặng và người nhà có nguyện vọng đưa về nhà, nhưng không thuộc diện được BHYT hỗ trợ.
1.4. Trường hợp không được hưởng chế độ hỗ trợ.
- Người nghèo tự lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (vượt tuyến, trái tuyến) hoặc khám chữa bệnh theo yêu cầu.
- Những người nghèo thuộc diện được mua BHYT từ mọi nguồn khác và trẻ em dưới sáu tuổi không thuộc đối tượng hưởng chế độ mua BHYT người nghèo theo quy định này.
- Người nghèo đi du lịch, đi lao động, đi học, làm việc hoặc làm ăn sinh sống tại tỉnh ngoài... khi đi điều trị nội trú tại các bệnh viện Trung ương hoặc địa phương thuộc tỉnh ngoài.
2. Mức hỗ trợ
2.1. Mức hỗ trợ tiền ăn
- Trong thời gian điều trị nội trú tại bệnh viện, người bệnh thuộc đối tượng hỗ trợ tại Kế hoạch này được hỗ trợ tiền ăn bằng 3% mức lương tối thiểu, cụ thể là: 35.000 đồng/ngày/người bệnh. Khi Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu, mức hỗ trợ sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ trên. Cách tính ngày hỗ trợ theo công thức: số ngày được hỗ trợ = ngày vào viện - ngày ra viện.
2.2. Mức hỗ trợ tiền đi lại
Mức hỗ trợ tiền đi lại thực hiện theo quy định tại Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
2.3. Hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh
2.3.1. Người nghèo có thẻ BHYT do BHXH tỉnh Thanh Hóa cấp khi đi điều trị nội trú tại các bệnh viện Nhà nước thuộc tỉnh Thanh Hóa phải tự thanh toán nếu số tiền đồng chi trả dưới 100.000 đồng/đợt điều trị.
2.3.2. Trường hợp số tiền đồng chi trả lớn hơn 100.000 đồng/đợt điều trị thì số tiền từ trên 100.000 đồng sẽ được Quỹ khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo hỗ trợ thông qua các bệnh viện theo quy định tại Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
2.3.3. Trường hợp người nghèo điều trị nội trú ở các bệnh viện tuyến trên do các bệnh viện trong tỉnh chuyển lên theo đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật cũng được hưởng chế độ hỗ trợ này; việc chi trả do các bệnh viện trong tỉnh chuyển bệnh nhân chi trả cho người bệnh theo hồ sơ thanh toán hợp lệ.
2.3.4. Đối với người nghèo mắc các bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác có chi phí cao, được hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh như sau:
2.3.4.1. Đối với trường hợp có thẻ BHYT
Quỹ hỗ trợ cho người bệnh phần chi phí đồng chi trả cho mỗi đợt điều trị với mức tối đa là 05 triệu đồng/bệnh nhân/đợt điều trị.
2.3.4.2. Đối với trường hợp không có thẻ BHYT:
a) Trường hợp chi phí khám bệnh, chữa bệnh dưới 01 triệu đồng, người bệnh phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh.
b) Trường hợp chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ trên 01 triệu đồng/người bệnh/đợt điều trị được hỗ trợ theo các mức như sau:
- Chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ 01 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng, người bệnh được hỗ trợ 30% chi phí/đợt điều trị.
- Chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ 10 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng, người bệnh được hỗ trợ 40% chi phí/đợt điều trị.
- Chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ 30 triệu đồng trở lên, người bệnh được hỗ trợ 50% chi phí/đợt điều trị.
Các mức hỗ trợ nêu trên tối đa không quá 40 triệu đồng/người/năm và một năm không quá 3 lần.
Trường hợp đặc biệt do Hội đồng Ban quản lý Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo tỉnh Thanh Hóa quyết định.
3. Trách nhiệm chi trả
3.1. Ban quản lý Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm quản lý và sử dụng kinh phí Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh người nghèo để thanh toán cho các bệnh viện thuộc tỉnh Thanh Hóa nhằm chi trả hỗ trợ cho người nghèo khi khám bệnh, chữa bệnh nội trú tại các bệnh viện công lập trong và ngoài tỉnh theo quy định tại Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg và Quyết định 139/2002/QĐ-TTg .
3.2. Các bệnh viện
- Các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm chi trả kinh phí hỗ trợ người nghèo khi đi khám bệnh, chữa bệnh nội trú.
- Các bệnh viện căn cứ các thủ tục pháp lý và tình hình thực tế của người bệnh để chi trả các khoản hỗ trợ theo quy định theo đúng nội dung và mức chi quy định tại Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg và các quy định tại Kế hoạch này.
- Các khoản chi hỗ trợ người nghèo phải được tổng hợp riêng để thanh quyết toán với Ban quản lý Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh. Các bệnh viện phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực trong quá trình quản lý thanh toán chi phí hỗ trợ người nghèo điều trị tại đơn vị mình.
- Trường hợp người nghèo sinh con tại bệnh viện, mẹ hoặc con bị bệnh thì người mẹ được hưởng chính sách hỗ trợ này. Không thực hiện chính sách hỗ trợ cho người nghèo đẻ thường tại các bệnh viện.
- Trường hợp người nghèo bị các bệnh về thần kinh, tâm thần, bị các bệnh bẩm sinh, dị tật bẩm sinh... phải nằm điều trị tại bệnh viện lâu dài tại các bệnh viện trong và ngoài tỉnh cũng được hưởng chính sách hỗ trợ này theo quy định tại Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg và các quy định tại Kế hoạch này.
- Trường hợp cấp cứu, người thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ tại các bệnh viện trong tỉnh không bắt buộc phải chuyển viện đúng tuyến vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ này.
- Các trường hợp người nghèo có thẻ BHYT do các tỉnh khác cấp nhưng phải cấp cứu tại các bệnh viện công lập thuộc tỉnh Thanh Hóa cũng được xem xét hỗ trợ như người có thẻ BHYT người nghèo do BHXH tỉnh Thanh Hóa cấp.
4. Quản lý và huy động Quỹ
- Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo được thành lập và hoạt động theo quy chế do UBND tỉnh phê duyệt.
- Thường trực Ban quản lý Quỹ đặt tại Sở Y tế; có con dấu riêng; được mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước để quản lý nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
- Nguồn kinh phí hoạt động của Quỹ do Ngân sách tỉnh cấp và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác. Trong năm kế hoạch nếu có kết dư quỹ thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban quản lý Quỹ
- Xây dựng Quy chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo và đề xuất phương án hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo; trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, để có cơ sở thực hiện.
- Căn cứ dự toán được phê duyệt, Ban quản lý Quỹ có trách nhiệm cấp tạm ứng cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh một phần kinh phí tương đương 70% kế hoạch quý để thực hiện hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo vào tháng đầu mỗi quý; Ban quản lý Quỹ thanh quyết toán chi phí hỗ trợ người nghèo với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tỉnh cùng với quyết toán chi thường xuyên của các đơn vị sự nghiệp cuối năm.
2. Trách nhiệm của Sở Y tế
- Sở Y tế là cơ quan thường trực của Ban quản lý Quỹ khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo có trách nhiệm xây dựng dự toán, quản lý Quỹ theo quy chế hoạt động của Quỹ.
- Giao Sở Y tế căn cứ các quy định hiện hành và tình hình thực tế của địa phương, hàng năm lập dự toán kinh phí đảm bảo đủ nguồn và lộ trình thực hiện các nội dung hỗ trợ chi phí đi lại, tiền ăn và chi phí khám bệnh, chữa bệnh gửi Sở Tài chính thẩm định; trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
- Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục khi thanh toán chi phí hỗ trợ cho người nghèo phù hợp với nội dung kế hoạch này và các quy định tại Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ; Thông tư liên tịch số 33/2013/TTLT-BYT-BTC ngày 18/10/2013 của Liên Bộ Bộ Y tế - Bộ Tài chính. Đồng thời hướng dẫn các đơn vị thực hiện chi trả và thanh quyết toán kinh phí được hỗ trợ đảm bảo quy định của nhà nước.
3. Trách nhiệm của Sở Lao động Thương binh và Xã hội
Phối hợp với Ban dân tộc - Miền núi xác định đối tượng thuộc diện hỗ trợ theo Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ; cung cấp kịp thời số liệu về người nghèo làm cơ sở để Ban quản lý Quỹ xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
Phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia vận động, khai thác các nguồn kinh phí hợp pháp bổ sung cho Quỹ khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo.
4. Trách nhiệm của Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Y tế thẩm định dự toán và quyết toán kinh phí hỗ trợ người nghèo khi khám bệnh, chữa bệnh định kỳ theo quy định pháp luật.
Chủ trì phối hợp với Sở Y tế tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh hàng năm bố trí kinh phí cho Quỹ khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo đảm bảo kế hoạch được phê duyệt.
5. Trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội tỉnh
Chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức thống kê, thanh quyết toán cho các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Rà soát, đối chiếu danh sách các đối tượng được hưởng các loại hình BHYT trên địa bàn tỉnh để tránh chồng chéo, trùng lặp đối tượng. Chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố thực hiện in ấn thẻ BHYT người nghèo theo danh sách đã được UBND huyện, thành phố phê duyệt sau khi rà soát; bàn giao thẻ BHYT cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để bàn giao cho UBND các xã, phường, thị trấn cấp phát đúng đối tượng được thụ hưởng.
Tổng hợp chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo ở từng tuyến, thông báo cho Ban quản lý Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo tỉnh làm cơ sở xác định các đối tượng có thẻ BHYT được hưởng quyền lợi theo Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
6. UBND các huyện, thị xã, thành phố
Hàng năm, chỉ đạo tổ chức thực hiện điều tra, lập danh sách đối tượng được hưởng chính sách trên địa bàn huyện, thành phố; lập danh sách điều chỉnh khi có sự biến động về đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp.
Chỉ đạo việc cấp phát thẻ BHYT người nghèo đến đúng đối tượng được hưởng trên địa bàn.
Chỉ đạo Bệnh viện tuyến huyện, phòng Y tế hướng dẫn các trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo.
7. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội có trách nhiệm phối hợp với các ngành, các tổ chức thành viên vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ, ủng hộ đóng góp xây dựng Quỹ khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo.
V. KẾ HOẠCH CỤ THỂ
Giám đốc Sở Y tế căn cứ Kế hoạch này chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai kế hoạch chi tiết thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người nghèo khi đi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Nhà nước.
Ban quản lý Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo tự thành lập tổ giúp việc trong quá trình hoạt động. Hàng năm, báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện chính sách; đề xuất giải pháp nhằm thực hiện tốt chính sách cho những năm tiếp theo./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.