BỘ TÀI NGUYÊN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 223/QĐ-BTNMT | Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHIÊN CHUYỂN ĐỊA DANH QUỐC TẾ SANG TIẾNG VIỆT PHỤC VỤ CÔNG TÁC LẬP BẢN ĐỒ
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định phiên chuyển địa danh quốc tế sang tiếng Việt phục vụ công tác lập bản đồ” để áp dụng trong Đề án “Xây dựng hệ thống thông tin địa danh Việt Nam và quốc tế phục vụ công tác lập bản đồ”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
QUY ĐỊNH
PHIÊN CHUYỂN ĐỊA DANH QUỐC TẾ SANG TIẾNG VIỆT PHỤC VỤ CÔNG TÁC LẬP BẢN ĐỒ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 223/QĐ-BTNMT ngày 14 tháng 2 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Quy định này áp dụng cho việc phiên chuyển địa danh quốc tế sang tiếng Việt thuộc Đề án “Xây dựng hệ thống thông tin địa danh Việt Nam và quốc tế phục vụ công tác lập bản đồ” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, hướng dẫn áp dụng cho phiên chuyển địa danh quốc tế phục vụ công tác lập bản đồ trong cả nước.
2. Phiên chuyển địa danh quốc tế sang tiếng Việt phải phù hợp quy định chính tả tiếng Việt, bảo đảm tính kế thừa, tính hệ thống, tính phổ thông, tính hội nhập và tuân thủ quy tắc phiên chuyển chung của địa danh học, địa danh bản đồ học và các nguyên tắc có tính định hướng về phiên chuyển địa danh của Nhóm chuyên gia địa danh Liên hợp quốc (UNGEGN).
3. Các thuật ngữ trong Quy định này được hiểu như sau:
a) Địa danh quốc tế là tên gọi các đối tượng địa lý ngoài lãnh thổ Việt Nam như tên châu lục, tên quốc gia, tên vùng lãnh thổ, tên dân cư, tên đại dương, tên biển, tên đảo, tên sông, tên hồ, tên đường giao thông và tên các đối tượng địa lý khác;
b) Địa danh nguyên ngữ là địa danh được ghi bằng văn tự chính thức của quốc gia có địa danh đó gồm địa danh tự dạng Latinh và địa danh tự dạng không Latinh theo Bảng phân loại tại Phụ lục I của Quy định này;
c) Địa danh Latinh hóa là địa danh đã được phiên chuyển sang tự dạng Latinh từ các địa danh có tự dạng không Latinh;
d) Phiên âm là chuyển âm của địa danh nguyên ngữ sang âm, vần theo cách đọc tiếng Việt;
đ) Chuyển tự là chuyển tự dạng của địa danh nguyên ngữ hoặc địa danh Latinh hóa sang tự dạng tương ứng trong tiếng Việt;
e) Âm tiết hóa là chuyển tổ hợp phụ âm không có trong tiếng Việt của địa danh quốc tế thành một hoặc nhiều âm tiết trong tiếng Việt.
4. Địa danh quốc tế để phiên chuyển sang tiếng Việt là địa danh nguyên ngữ.
Đối với địa danh nguyên ngữ tự dạng không Latinh mà cách đọc còn khó khăn ở Việt Nam thì sử dụng địa danh Latinh hóa đã được Liên hợp quốc công nhận để phiên chuyển.
Trường hợp chưa thu thập được địa danh nguyên ngữ hoặc địa danh Latinh hóa chính thức thì sử dụng nguồn tài liệu địa danh thay thế để phiên chuyển theo quy định tại khoản 1 mục III Quy định này.
5. Trường hợp danh từ chung đi kèm địa danh nhưng không cấu thành địa danh thì dịch nghĩa danh từ chung đó.
Ví dụ: vinh Grết Ôxtơrâylia
6. Đối với địa danh thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì sử dụng địa danh Hán – Việt và ghi kèm trong ngoặc địa danh theo bộ chữ Latinh hóa của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã được Liên hợp quốc công nhận, không sử dụng dấu thanh.
Ví dụ: Thượng Hải (Shanghai), Nam Ninh (Nanning), Vân Nam (Yunnan), Dương Tuyển (Yangquan), Tây An (Xian), Tứ Xuyên (Sichuan)
7. Những địa danh châu lục, đại dương và biển lớn hiện quen sử dụng ở Việt Nam thì giữ nguyên và ghi kèm trong ngoặc đơn địa danh đó bằng tiếng Anh;
Ví dụ: Thái Bình Dương (Pacific Ocean), Đại Tây Dương (Atlantic Ocean), Châu Âu (Europe), Châu Á (Asia), Châu Phi (Africa), Địa Trung Hải (Mediterranean Sea)
8. Tên một số quốc gia và thủ đô hiện đang quen sử dụng ở Việt Nam thì giữ nguyên và ghi kèm trong ngoặc đơn tên phiên chuyển theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 mục II Quy định này;
9. Địa danh của những đối tượng địa lý đã được nhiều quốc gia dịch nghĩa thì dịch nghĩa sang tiếng Việt;
Ví dụ: Biển Đen, Biển Đỏ
10. Địa danh có các hư từ thì hư từ được dịch nghĩa sang tiếng Việt.
Ví dụ: Xao Tômê và Prinxipê, Tơriniđat và Tôbagô
11. Chỉ sử dụng bốn con chữ Latinh không có trong chữ Quốc ngữ là F(f), J(j), W(w), Z(z) để phiên chuyển những địa danh quốc tế trong những trường hợp đặc biệt được quy định tại mục 3 Điều 26 Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 1 năm 2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ.
II. CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Địa danh nguyên ngữ tự dạng Latinh được phiên chuyển sang tiếng Việt bằng cách phiên âm và chuyển tự, trong đó phiên âm là chính và có sử dụng dấu chữ.
Ví dụ: Gibralta > Gibranta, Frankfurt > Phrăngphuôc, Philadelphia > Philơđenphia, New Zealand > Niu Dilơn
2. Địa danh nguyên ngữ tự dạng không Latinh được phiên chuyển sang tiếng Việt bằng cách phiên âm và chuyển tự trong đó phiên âm là chính, có sử dụng dấu chữ
Ví dụ: Aбxaзuя > Apkhadia, Бoƨомoлec > Bôgômôletxơ, Cκpaмmaеɞ > Xcơramtaep
3. Đối với các tổ hợp hai phụ âm không có trong tiếng Việt như kr, br, bl, hr, xp, xt, pl, st, cr và các tổ hợp hai phụ âm khác thì sử dụng các tổ hợp đó để phiên chuyển địa danh.
Ví dụ: Brasil > Braxin
Riêng đối với tổ hợp hai phụ âm “tr” thì được âm tiết hóa thành “tơr”.
Ví dụ: Strolchst > Stơrônstơ, Tpaŭнυн > Tơrainin, Tpuecm > Tơriextơ.
4. Trong trường hợp cần thiết khi phiên chuyển được âm tiết hóa và lược bỏ phụ âm nhưng phải đảm bảo địa danh được phiên chuyển có cách đọc gần với nguyên ngữ.
Ví dụ: Spree > Sơprê, Rees > Rêxơ, Karlstad > Canxtat
5. Những phụ âm và tổ hợp phụ âm cuối của địa danh quốc tế không có trong tiếng Việt như –rk, -ck, -l, -nts, -lm, -b, -ð và những âm cuối khác được phiên chuyển thành phụ âm tương ứng trong tiếng Việt.
Ví dụ: New York > Niu Yooc, Back > Bach, Brasil > Braxin, Barents > Baren, Stockholm > Xtôckhôm, Zagreb > Dagrep, Boлƨoƨpa∂ > Vôngagrat.
6. Trường hợp danh từ chung cấu thành địa danh chỉ đối tượng như đảo, biển, eo, vịnh, sông, hồ, chỉ hướng như đông, tây, nam, bắc hoặc từ chỉ tính chất như mới, cũ thì phiên chuyển theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Mục này.
Ví dụ: Niu Xao Oênxơn, Niu Dilơn.
7. Căn cứ vào Quy định tại văn bản này, Cục Đo đạc và Bản đồ có trách nhiệm ban hành mẫu phiên chuyển địa danh quốc tế sang tiếng Việt đối với từng ngôn ngữ nước ngoài cụ thể.
III. QUY TRÌNH PHIÊN CHUYỂN ĐỊA DANH QUỐC TẾ
1. Xác định địa danh nguyên ngữ để phiên chuyển từ tài liệu của một trong số các tổ chức về địa danh theo thứ tự ưu tiên như sau:
a) Tài liệu của tổ chức địa danh của các quốc gia có địa danh đó;
b) Tài liệu của Tổ chức địa lý, bản đồ của quốc gia có địa danh đó;
c) Tài liệu chính thức của nhóm chuyên gia địa danh Liên hợp quốc (UNGEGN);
d) Tài liệu của Tổ chức Địa lý thế giới và bản đồ thế giới.
Trường hợp chưa thu thập được địa danh nguyên ngữ hoặc địa danh Latinh hóa chính thức thì so sánh, đối chiếu từ ít nhất hai nguồn tài liệu địa danh thuộc các nước có ngôn ngữ được Liên hợp quốc chọn làm ngôn ngữ chính thức theo thứ tự ưu tiên (Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Ảrập, Hán) để quyết định chọn địa danh thay thế địa danh nguyên ngữ và phải ghi chú nguồn tài liệu địa danh được sử dụng trong bảng danh mục địa danh.
Đối với các quốc gia có từ hai ngôn ngữ chính thức trở lên thì căn cứ vào thực tế sử dụng và phân vùng ngôn ngữ của quốc gia đó để quyết định lựa chọn địa danh dùng để phiên chuyển. Trường hợp không có phân vùng ngôn ngữ thì ưu tiên ngôn ngữ sử dụng phổ biến của quốc gia đó.
2. Lập danh mục địa danh nguyên ngữ hoặc địa danh thay thế cần phiên chuyển.
3. Phiên âm địa danh theo Bảng ký hiệu ngữ âm quốc tế (IPA) tại Phụ lục II của Quy định này và phiên chuyển địa danh sang tiếng Việt.
4. Kiểm tra và thẩm định địa danh được phiên chuyển theo quy định tại mục I của Quy định này.
IV. THỂ HIỆN ĐỊA DANH QUỐC TẾ TRÊN BẢN ĐỒ
1. Mỗi địa danh thể hiện trên bản đồ phải gắn với một đối tượng địa lý cụ thể và có tọa độ xác định trên bản đồ.
2. Địa danh được viết liền âm tiết và viết hoa chữ cái đầu từ.
Ví dụ: Giơnevơ, Nixơ, Italia, Hoilit Lâycơ.
Đối với địa danh có gạch nối thì giữ nguyên gạch nối đó.
Ví dụ: Trás – Os – Montes > Trat – Ôt – Montat
3. Trường hợp cần viết rút gọn tên quốc gia thì viết tên quốc gia rút gọn chính thức theo quy định của Liên hợp quốc.
Ví dụ: Repùblica Argentina > Argentina, Rèpublique du Bènin > Bènin.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.