NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 223-QĐ/017 | Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 1962 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH BIỆN PHÁP TẠM THỜI CHO VAY SỬA CHỮA NHÀ Ở CỦA NHÂN DÂN TỰ QUẢN LÝ
TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Để thi hành chủ trương của thường vụ Hội đồng Chính phủ về việc sửa chữa ở quy định trong Thông tư số 363-TTg ngày 12-09-1961;
Căn cứ Công văn số 896-TN ngày 14-04-1962 của Thủ tướng Chính phủ duyệt nội dung bản biện pháp tạm thời cho vay sửa chữa nhà ở của nhân dân tự quản lý.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Nay ban hành biện pháp tạm thời cho vay sửa chữa nhà ở của nhân dân tự quản lý kèm theo quyết định này.
Điều 2. – Biện pháp này được áp dụng kể từ ngày ban hành ở các thành phố lớn và thị xã của một số tỉnh cần thiết được quy định riêng trong một bản chỉ thị giải thích cụ thể.
Điều 3. – Các ông Chánh văn phòng, Cục trưởng, Vụ trưởng các Cục, Vụ ở Ngân hàng trung ương và các ông Trưởng chi nhánh Ngân hàng thành phố, tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| K.T.Q TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM |
BIỆN PHÁP TẠM THỜI
CHO VAY SỬA CHỮA NHÀ Ở CỦA NHÂN DÂN TỰ QUẢN LÝ
Thi hành Thông tư số 363-TTg ngày 12-09-1961 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa chức nhà ở trong đó quy định nhiệm vụ Ngân hàng Nhà nước cho vay giúp đỡ những người có nhà tự quản lý, không đủ khả năng sửa chữa bị hư hỏng, để tránh xảy ra tai nạn làm nguy hại đến tính mệnh và tài sản của người ở, Ngân hàng Nhà nước Việt-nam quy định biện pháp tạm thời cho vay sửa chữa nhà ở sau đây:
I. ĐỐI TƯỢNG CHO VAY
1. Những người có nhà cho thuê hoặc không cho thuê (không thuộc diện quản lý nhà đất của Chính phủ) ở các thành phố, thị xã, xét không đủ khả năng sửa chữa nhà hư hỏng, có thể được Ngân hàng cho vay, trước tiên chú trọng những ngôi nhà hư hỏng nhiều, đang đe dọa tính mệnh và tài sản của người ở.
2. Ngân hàng cho vay tiền để mua vật liệu kiến trúc và một phần chi phí trả công, trực tiếp sửa chữa nhà ở đối với những ngôi nhà xây dựng tưởng mái bằng gạch, bêtông, lợp ngói, (kể cả nhà gạch lợp tôn), không cho vay sửa chữa những ngôi nhà làm bằng tre, gỗ, tường đất, lợp lá, gianh, nứa.
II. THỜI HẠN CHO VAY, MỨC CHO VAY, LỢI SUẤT
1. Thời hạn cho vay để sửa chữa nhà ở, tối đa không quá 10 năm.
2. Mức cho vay nhiều hay ít là do những điều kiện sau đây quyết định:
- Mức hư hỏng cụ thể cần sửa chữa của ngôi nhà;
- Khả năng thu nhập và trả nợ của chủ nhà có thể bảo đảm thanh toán tiền vay trong vòng thời hạn tối đa đã quy định trên;
- Trên cơ sở chủ nhà phải tận dụng đúng mức khả năng tự có của mình bỏ ra để sửa chữa, thêm với số tiền khấu hao đã gửi Ngân hàng được rút ra (đối với chủ nhà có cho thuê) sau đó, Ngân hàng mới xét để cho vay vốn số thiếu.
3.Lợi suất cho vay quy định là 2% (hai phần trăm) một năm.
III. ĐIỀU KIỆN VAY TIỀN
Các chủ nhà muốn vay tiền sửa chữa nhà ở, phải:
- Được Sở, Ty quản lý nhà đất thành phố, tỉnh hoặc Phòng quản lý nhà đất khu phố,thị xã giới thiệu;
- Bản dự trù tính toán, chi phí và thiết kế sửa chữa nhà phải được các Sở, Ty hoặc Phòng quản lý nhà đất duyệt y và chịu trách nhiệm về kỹ thuật (đối với những công trình sửa chữa nhà đòi hỏi kỹ thuật phức tạp mà cơ quan quản lý nhà đất không bảo đảm thiết kế, dự trữ tính toàn chi phí thì phải do các Sở, Ty kiến trúc thành phố, tỉnh duyệt y).
IV. CÁCH THU NỢ
- Mức tính toán thu nợ là căn cứ vào thu nhập của người chủ nhà (tiền cho thuê nhà sau khi đã trừ phần nộp thuế cho Nhà nước - nếu có cho thuê - và các thu nhập khác của gia đình họ) để quy định đúng với khả năng và bảo đảm thanh toán xong tiền vay trong vòng thời hạn đề ra.
- Việc thu nợ sẽ tiến hành thu hàng tháng. Người vay có trách nhiệm thanh toán đều đặn và trực tiếp với Ngân hàng.
V. NGUỒN VỐN CHO VAY VÀ VIỆC KẾ HOẠCH HÓA CỦA NGÂN HÀNG
- Nguồn vốn cho vay sửa chữa nhà ở của tư nhân quản lý là dựa một phần vào các số dư tiền gửi khấu hao sửa chữa nhà của các chủ nhà có nhà cho thuê đã và sẽ phải gửi liên tục vào Ngân hàng và một phần vào vốn của ngân sách Nhà nước cấp cho Ngân hàng Nhà nước.
- Các khoản cho vay sửa chữa nhà ở của tư nhân quản lý mang tính chất đặc biệt cần được kế hoạch hóa riêng, theo dõi riêng. Các chi nhánh Ngân hàng phải lập kế hoạch riêng và thống kê báo cáo riêng về đối tượng này. Ngân hàng trung ương sẽ căn cứ vào nhu cầu cho vay cụ thể và khả năng vốn mà phân phối chỉ tiêu vốn hàng quý cho các chi nhánh để cho vay.
VI. MỘT SỐ ĐIỂM CẦN CHÚ Ý
1. Để có thể tiến hành cho vay được đúng đối tượng, đúng yêu cầu và đưa lại kết quả tốt, Ngân hàng phải phối hợp chặt chẽ và dựa vào các cơ quan quản lý nhà đất. Vì vậy, yêu cầu các cơ quan quản lý nhà đất cần điều tra, phát hiện, nắm vững tình hình nhu cầu sửa chữa nhà ở của tư nhân quản lý, chịu trách nhiệm về thiết kế kỹ thuật và giúp đỡ việc thi công cho các chủ nhà được vay, bảo đảm công trình sửa chữa được tốt và rẻ.
2. Về việc gửi tiền khấu hao sửa chữa nhà của các chủ nhà cho thuê theo quy định của Chính phủ phải được đôn đốc thường xuyên để gửi liên tục vào Ngân hàng. Thông tư số 08-TT/NH ngày 09-06-1961 của Ngân hàng trung ương đã đề ra biện pháp cụ thể của việc quản lý các số tiền trên, các Chi nhánh Ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà đất tích cực đôn đốc, theo dõi các chủ nhà cho thuê, xác định nghĩa vụ và trách nhiệm của họ là phải gửi tiền khấu hao để bảo đảm việc sửa chữa an toàn cho người ở, tránh tình trạng bỏ qua những trường hợp chủ nhà chây lười không gửi tiền mà hiện nay đang còn phổ biến.
3. Đi đôi với việc cho vay, phải chú ý việc cung cấp vật tư. Cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước địa phương, cơ quan cung cấp vật tư sửa chữa nhà như các Công ty mậu dịch, Ty Lâm sản để giải quyết kịp thời và đầy đủ nhu cầu vật liệu sửa chữa - Khi cho vay, phải chú trọng thực hiện việc chuyển khoản tránh phát triển mặt không cần thiết và cho vay dần theo mức thực hiện thi công.
*
* *
(Biện pháp này ban hành theo Quyết định số 223-QĐ/017 ngày 18-05-1962 sẽ giải thích thêm bằng một chỉ thị riêng kèm theo).
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.