ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 222/2006/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ, KINH DOANH RAU AN TOÀN, THỰC PHẨM SẠCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp năm 2005;
Căn cứ Luật Đầu tư năm 2005;
Căn cứ Luật Xây dựng năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh thủ đô Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-UBND ngày 13 tháng 01 năm 2006 về việc Ban hành Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của UBND thành phố Hà Nội năm 2006;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội tại Tờ trình số 2749/TTr-STM ngày 07 tháng 11 năm 2006;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về khuyến khích đầu tư, kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch trên địa bàn Thành phố Hà Nội”
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ, KINH DOANH RAU AN TOÀN, THỰC PHẨM SẠCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 222/2006/QĐ-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
1. Đối tượng áp dụng: Quy định này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân đầu tư (gọi tắt là nhà đầu tư) khu chế biến, kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch và tổ chức kinh doanh tại các cửa hàng kinh doanh sản phẩm này trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2. Phạm vi áp dụng: Áp dụng đối với các chủ đầu tư có dự án đầu tư xây dựng các khu chế biến, kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị và các cửa hàng kinh doanh sản phẩm này theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Rau an toàn: Là các sản phẩm rau tươi (bao gồm tất cả các loại rau ăn lá, thân, củ, hoa, quả, hạt, các loại nấm thực phẩm), đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn theo Quyết định số 563/QĐ-KHCN ngày 02 tháng 5 năm 1996 của Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Hà Nội.
2. Thực phẩm sạch: Là sản phẩm thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm thủy sản đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, theo các tiêu chuẩn Việt Nam quy định cụ thể cho từng loại sản phẩm.
3. Khu chế biến, kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch, cửa hàng kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch: Là nơi được xây dựng theo quy hoạch và đủ các điều kiện tiêu chuẩn theo Quyết định số 39/2005/QĐ-BYT ngày 28 tháng 11 năm 2005 của Bộ Y tế Quy định về các điều kiện vệ sinh chung đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Điều 3. Các nguyên tắc cơ bản trong khuyến khích đầu tư, kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch:
Cơ chế khuyến khích nhà đầu tư, kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch được thực hiện theo các nguyên tắc cơ bản sau:
1. Việc khuyến khích chỉ thực hiện đối với các tổ chức, cá nhân chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch.
2. Các cơ chế khuyến khích được thực hiện một (01) lần đối với dự án đầu tư, dự án kinh doanh.
3. Nhà đầu tư có thể được hưởng cùng lúc nhiều hình thức khuyến khích khác nhau.
Điều 4. Điều kiện để được hưởng cơ chế khuyến khích
Nhà đầu tư, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế sẽ được hưởng các cơ chế khuyến khích nếu có đủ các điều kiện sau đây:
1. Được thành lập và đang hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam (đối với tổ chức); có đủ quyền công dân được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật hiện hành (đối với cá nhân).
2. Chấp hành nghiêm các quy định pháp luật và có đủ năng lực về tài chính đảm bảo thực hiện hoàn chỉnh dự án.
3. Các dự án đầu tư xây dựng khu chế biến, kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch trên địa bàn Thành phố Hà Nội phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Các cửa hàng kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật và của Thành phố Hà Nội.
Chương 2.
CÁC CƠ CHẾ KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ, KINH DOANH RAU AN TOÀN, THỰC PHẨM SẠCH
Điều 5. Cơ chế về đất đai, địa điểm cho đầu tư mặt bằng kinh doanh
1. Đối với việc đầu tư các khu chế biến, kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch:
Được ưu tiên lựa chọn (không phải đấu thầu) địa điểm đầu tư, phương án kiến trúc trên mặt bằng xây dựng để tổ chức chế biến và kinh doanh theo quy hoạch tổng mặt bằng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu cùng một địa điểm có từ hai nhà đầu tư trở lên, Ủy ban nhân dân Thành phố hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện sẽ lựa chọn dự án để giao (theo phân cấp quản lý đầu tư của Thành phố). Chủ đầu tư được thuê đất sạch theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai. Ngân sách thành phố đầu tư hạ tầng đến ranh giới dự án, bao gồm: Cấp điện, cấp thoát nước, đường giao thông.
2. Đối với việc đầu tư mới hoặc cải tạo các cửa hàng kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch:
Được ưu tiên lựa chọn địa điểm để tổ chức xây dựng mới hoặc cải tạo cửa hàng kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch tại các chợ, trong các Trung tâm thương mại, Siêu thị. Nếu cùng một địa điểm, có từ hai nhà đầu tư trở lên giao cho Ủy ban nhân dân quận – huyện (nếu là dự án quận – huyện làm chủ đầu tư) hoặc doanh nghiệp (nếu là dự án doanh nghiệp làm chủ đầu tư) lựa chọn doanh nghiệp để giao.
Điều 6. Cơ chế khuyến khích về thuế
Nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án chế biến, bảo quản rau an toàn, thực phẩm sạch được quy định tại Nghị định 164/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ về “Quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp”, Nghị định 152/2004/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2003 Quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Điều 7. Các cơ chế khuyến khích khác
1. Về thẩm định chất lượng hàng hóa: Các sản phẩm rau an toàn, thực phẩm sạch phải được cơ quan chức năng kiểm tra, thẩm định chất lượng hàng hóa: Hàng hóa đảm bảo chất lượng phải được đựng trong bao gói tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có nhãn hàng hóa theo quy định (doanh nghiệp được hỗ trợ toàn bộ kinh phí kiểm tra, thẩm định chất lượng hàng hóa).
2. Về mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại: Nhà đầu tư được hỗ trợ một phần kinh phí thuê gian hàng để giới thiệu sản phẩm rau an toàn, thực phẩm sạch tại các Hội chợ thương mại, Hội chợ nông nghiệp do Thành phố tổ chức hoặc tham gia; được hỗ trợ việc xây dựng và phát triển thương hiệu theo quy định tại Quyết định 7483/QĐ-UB ngày 10 tháng 11 năm 2005 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội; doanh nghiệp được cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước theo quy định của Thành phố.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm của các Sở, Ngành
1. Sở Thương mại: Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan, UBND các quận huyện hình thành mạng lưới các khu chế biến, kinh doanh, các cửa hàng kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch trên cơ sở quy hoạch mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt; phối hợp với các sở, ngành thẩm định trình thành phố phê duyệt các dự án đầu tư (theo phân cấp quản lý đầu tư của thành phố); chủ trì triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại; chủ trì cùng các sở, ngành tổ chức cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh cho các khu chế biến, kinh doanh, các cửa hàng, quầy hàng kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch theo phân cấp quản lý của Thành phố và theo quy định của Nhà nước.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan thẩm định và trình UBND thành phố phê duyệt các dự án xây dựng các khu chế biến, kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch theo phân cấp quản lý của Thành phố.
3. Sở Tài chính: Căn cứ vào các cơ chế khuyến khích tại Quyết định này, phối hợp với các sở, ngành Thành phố tổng hợp và cân đối kinh phí từ ngân sách Thành phố hàng năm trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt.
4. Cục thuế Hà Nội: Căn cứ vào các quy định của pháp luật và quy định tại Quyết định này xem xét miễn giảm thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch.
5. Sở Nông nghiệp & PTNT: Quản lý, hướng dẫn, kiểm soát việc sản xuất rau an toàn, quy trình chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố; chịu trách nhiệm quy định, hướng dẫn, công bố tiêu chuẩn các loại rau an toàn, thực phẩm sạch; xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí hàng năm thực hiện việc thẩm định chất lượng rau an toàn, thực phẩm sạch trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.
6. Sở Y tế: Xây dựng kế hoạch hàng năm thực hiện việc kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu chế biến, kinh doanh, các cửa hàng kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch; cấp Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm theo Quyết định số 42/2005/QĐ-BYT ngày 8 tháng 12 năm 2005 về việc “Ban hành quy chế công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm”.
Điều 9. Trách nhiệm của UBND các quận, huyện
Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ vào quy hoạch đã được phê duyệt lập dự án kêu gọi thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các khu chế biến, kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch, các cửa hàng kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch tại các chợ, các trung tâm thương mại, siêu thị và trên các tuyến phố do địa phương quản lý.
Thực hiện việc thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng và quản lý hoạt động kinh doanh sau đầu tư (các dự án quận – huyện làm chủ đầu tư) trên địa bàn theo phân cấp quản lý của Thành phố và theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong đầu tư, tổ chức kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch
Ngoài những quyền, nghĩa vụ được hưởng và thực hiện theo các quy định của Luật đầu tư năm 2005, còn phải thực hiện các nghĩa vụ sau:
1. Tuân thủ các quy định của Nhà nước và Thành phố về trình tự, thủ tục đầu tư theo các quy định quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành; thực hiện các quy định của thành phố về kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch.
2. Sử dụng đất đai, địa điểm kinh doanh đúng mục đích cho phép.
3. Thanh toán tiền thuê đất, vốn vay, các khoản thuế và các khoản chi phí khác (nếu có) theo quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố.
4. Trong vòng 12 tháng kể từ khi nhận quyết định bàn giao mặt bằng để đầu tư, tổ chức kinh doanh phải tiến hành triển khai thực hiện theo đúng nội dung giấy phép đã được cấp. Trường hợp chậm tiến bộ triển khai, nhà đầu tư phải báo cáo bằng văn bản đến cơ quan phê duyệt dự án xem xét, quyết định cho phép thì mới được tiếp tục thực hiện dự án. Các dự án không được phép tiếp tục triển khai sẽ bị thu hồi diện tích đất được giao lập dự án đầu tư và diện tích mặt bằng kinh doanh đã cho thuê mà không được bồi hoàn tất cả chi phí do tổ chức và cá nhân đã chi phí cho dự án.
5. Các tổ chức, cá nhân đầu tư chế biến, kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch phải thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo Quyết định số 42/2005/QĐ-BYT ngày 8 tháng 12 năm 2005 về việc “Ban hành quy chế công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm” của Bộ Y tế.
6. Nhà đầu tư vi phạm các quy định về đầu tư xây dựng, kinh doanh sẽ bị xử lý theo pháp luật (kể cả thu hồi giấy phép kinh doanh), và phải hoàn trả toàn bộ kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cho Nhà nước theo các quy định của Quyết định này.
Điều 11. Sửa đổi, bổ sung
Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có phát sinh cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn, căn cứ vào đề xuất của các Sở, Ngành, Sở Thương mại chịu trách nhiệm tổng hợp trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.