ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2203/QĐ-UBND | Khánh Hòa, ngày 25 tháng 08 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 97-KL/TW NGÀY 15/5/2014 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ MỘT SỐ CHƯƠNG TRÌNH, GIẢI PHÁP TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TW 7 KHÓA X VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Kết luận số 97-KL/TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 1036-CV/TU ngày 23/5/2014 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về việc tham mưu triển khai thực hiện Kết luận số 97-KL/TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 1289/SKN-KHTC ngày 01/8/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 97-KL/TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Lao động, Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Giao thông vận tải, Xây dựng, Y tế; Liên minh Hợp tác xã Khánh Hòa; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN KẾT LUẬN 97-KL/TW NGÀY 15/5/2014 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, GIẢI PHÁP TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 7 KHÓA X VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2203/QĐ-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Cụ thể hóa nhiệm vụ của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố (huyện) để triển khai có hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
2. Yêu cầu
Tập trung đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tiếp tục nhận thức đầy đủ, sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 7, khóa X; Kết luận số 97-KL/TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 26-CTr/TU ngày 31/10/2008 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về “Vấn đề nông nghiệp nông dân, nông thôn”, trên cơ sở đó tiếp tục cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách xây dựng các chương trình, đề án, dự án; rà soát quy hoạch... để tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, tạo chuyển biến thực sự trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
II. MỤC TIÊU
1. Duy trì tốc độ tăng trưởng nông - lâm - thủy sản hàng năm đạt 2,5-3%; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ xấp xỉ 15%; giá trị chăn nuôi và thủy sản đạt trên 65% (riêng giá trị chăn nuôi đạt trên 23% vào năm 2020).
2. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo các tiêu chí nông thôn mới theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, để bảo đảm đến năm 2015 có 20 xã đạt đầy đủ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
3. Phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ dân cư nông thôn dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 94 %.
4. Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 41% vào năm 2015 và 45 % vào năm 2020.
II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để từng cán bộ, đảng viên, các tổ chức đảng, chính quyền nhận thức sâu sắc hơn về vị trí vai trò về tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình xây dựng và phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Khánh Hòa, để từ đó củng cố, hoàn thiện các chủ trương, giải pháp cụ thể để phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X; Kết luận số 97-KL/TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 26-CTr/TU ngày 31/10/2008 của Tỉnh ủy Khánh Hòa.
Trong quá trình thực hiện công tác tuyên truyền, triển khai các chủ trương, chính sách phải bảo đảm thể hiện rõ mục tiêu của phát triển nông nghiệp, nông thôn đó là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn trên cơ sở công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phải xem đây là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Khánh Hòa.
2. Rà soát điều chỉnh, bổ sung nâng cao chất lượng quy hoạch
Để tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch, bảo đảm phù hợp với định hướng quy hoạch chung của tỉnh, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, trong năm 2014-2015 tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới bảo đảm chất lượng, phù hợp với yêu cầu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phù hợp với quy hoạch của tỉnh, huyện và các quy hoạch chuyên ngành khác, Trong các quy hoạch phải bảo đảm định hướng phát triển nông thôn với quá trình đô thị hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường.
Trong rà soát, điều chỉnh, làm mới quy hoạch cần lưu ý quy hoạch sản xuất các loại nông sản tỉnh có thế mạnh và sản xuất theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt như: Quy hoạch vùng nguyên liệu mía phục vụ cho chế biến mía đường; quy hoạch phát triển cây xoài; quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao; quy hoạch vùng sản xuất cây thực phẩm; quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản...
3. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp, chuyển dịch cấu kinh tế nông thôn
a) Trong quá trình thực hiện Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn phải xem đây là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Khánh Hòa; coi phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản và nông dân giữ vai trò chủ thể.
b) Tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị ngành chăn nuôi, tập trung chỉ đạo sản xuất một số cây, con chủ lực theo hướng: thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa để xây dựng các cánh đồng sản xuất lúa tập trung năng suất, chất lượng cao; vùng sản xuất mía có tưới, năng suất cao; bảo đảm cho quá trình thực hiện cơ giới hóa, hiện đại hóa từ khâu sản xuất, đến thu hoạch và sơ chế; lưu ý phát triển vùng trồng hoa, rau, cây cảnh ven các đô thị lớn; hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, chăn nuôi theo công nghệ cao, an toàn dịch bệnh...
c) Thực hiện các cơ chế, chính sách để bảo đảm thực hiện xã hội hóa cao công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng; trong đó lưu ý hiện đại hóa, nâng cao năng lực phòng chống, cháy rừng; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; tập trung phát triển rừng sản xuất nhằm cung cấp nguyên liệu phục vụ cho chế biến đồ mộc xuất khẩu, tăng cường công tác khoanh nuôi tái sinh rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, hình thành các vùng rừng sinh thái phục vụ cho du lịch và bảo vệ môi trường.
d) Phát triển nguồn lực đánh bắt xa bờ, phát triển các tàu có công suất lớn có trang bị phương tiện đánh bắt hiện đại; tập trung đầu tư hệ thống hậu cần dịch vụ trên biển như: hoàn thành sửa chữa nâng cấp cảng cá Vĩnh Lương, cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang); rà soát lại các vùng nuôi, phát triển mạnh các loại hình nuôi trồng thủy sản bên biển, đảo, ven biển và nội địa; tiếp tục đầu tư đồng bộ hệ thống kỹ thuật cho ngành nuôi trồng như hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi Tôm vùng Ninh Lộc; hoàn thành vùng sản xuất và kiểm định Tôm giống Ninh Vân; hoàn thành các hợp phần của dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (Dự án CRSD); Trong chế biến tạo cơ chế và điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư hiện đại hóa chế biến thủy sản, nhằm nâng cao số lượng và chủng loại các mặt hàng chế biến có giá trị gia tăng, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt tiêu chuẩn EU.
e) Quan tâm hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở vùng sản xuất muối tạo điều kiện ổn định và phát triển sản xuất muối.
g) Lưu ý phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản hàng nông, lâm, thủy sản.
4. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới
a) Tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới bảo đảm năm 2014 có 10 xã và năm 2015 có 20 xã đạt đầy đủ 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
b) Quan tâm đầu tư, hỗ trợ sản xuất để tạo điều kiện cho các xã phát triển sản xuất ổn định, tăng thu nhập cho nông dân và từng bước phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới; quan tâm chính sách bảo hiểm y tế, chính sách dân số, phát triển văn hóa nông thôn gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc.
c) Thực hiện lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án như Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình xóa đói giảm nghèo; Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn để bảo đảm tạo điều kiện cho các xã đạt mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, trong đó cần lưu ý các xã có điều kiện kinh tế và đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
d) Xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn, đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách xã hội ở khu vực nông thôn.
5. Tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể
a) Tập trung hoàn thành đề án phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trên cơ sở đó tiếp tục hỗ trợ cho các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn đã chuyển đổi hoạt động theo luật Hợp tác xã, tiếp tục vươn lên tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
b) Cụ thể hóa các cơ chế chính sách của Trung ương tạo điều kiện tổ chức hợp tác liên kết, hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản.
c) Tổ chức triển khai, cụ thể hóa Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tích cực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
d) Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong quá trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế hộ, kinh tế trang trại và gia trại phát triển.
e) Tiếp tục nhân rộng các mô hình tổ hợp tác; hình thành các Hội những người sản xuất mía, sản xuất xoài...
6. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản
a) Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, tạo chuyển biến mạnh mẽ việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ mới trên các ngành, lĩnh vực nhằm đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; ưu tiên thực hiện các chương trình, đề tài ứng dụng gắn với sản xuất, phục vụ sản xuất nhằm thúc đẩy sản xuất nguyên liệu, nâng dần hàm lượng khoa học - công nghệ trong các sản phẩm chủ yếu của ngành.
b) Củng cố, tăng cường năng lực hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư từ tỉnh đến cơ sở; phát huy hiệu quả các cơ sở: Trại Thực nghiệm giống cây trồng Suối Dầu, Trại thực nghiệm Ninh Lộc, Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao, tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ của các cơ sở nghiên cứu chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật của Trường Đại học Nha Trang, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III...
c) Đẩy mạnh thông tin khoa học - kỹ thuật - thương mại để hỗ trợ các thành phần kinh tế về khoa học, công nghệ, thị trường, định hướng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
7. Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
a) Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; nhu cầu phát triển các khu, cụm công nghiệp ở địa phương; kiên quyết không tổ chức dạy nghề khi chưa dự kiến nơi làm việc và chưa đánh giá được khả năng tổ chức lao động có hiệu quả khi đã được đào tạo nghề.
b) Trong đào tạo nghề cần đa dạng hóa các phương thức, mô hình đào tạo, đẩy mạnh hình thức liên kết với các doanh nghiệp hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp ở địa phương, phối hợp đào tạo theo các đề án, dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả trên địa bàn...
c) Cần lưu ý đào tạo nghề cho thanh niên, nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, các đối tượng chính sách và lao động ở các vùng đô thị hóa.
d) Tập trung hoàn thành đề án đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng đã được UBND tỉnh phê duyệt.
8. Đổi mới cơ chế, chính sách, huy động đa dạng các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn
a) Tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo hướng tranh thủ sự hỗ trợ đầu tư, đi đôi với quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, vốn Trái phiếu Chính phủ để triển khai các dự án trọng điểm về thủy lợi, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.
b) Căn cứ các cơ chế, chính sách của Trung ương tiếp tục cụ thể hóa, vận dụng ở địa phương nhằm huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế và nông dân, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
c) Ưu tiên giải quyết nguồn kinh phí sự nghiệp để triển khai các đề án Chương trình Khuyến nông, xây dựng và nhân rộng các mô hình mới có hiệu quả hỗ trợ sản xuất; thực hiện nhiệm vụ giám sát, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thủy sản; tăng cường năng lực, kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nông; lâm, thủy sản; đảm bảo kinh phí thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao; quan tâm bố trí đào tạo nghề cho lao động nông thôn...
9. Nâng cao năng lực của bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp
a) Đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thành việc sắp xếp ổn định tổ chức các đơn vị có chức năng quản lý nhà nước có liên quan đến quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhất là các đơn vị quản lý hành chính nhà nước thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Tiếp tục kiện toàn tổ chức, điều hành hoạt động tốt các tổ chức: Khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y, quản lý chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm...
c) Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp ngành nông nghiệp; cùng với việc tăng cường năng lực cho các đơn vị sự nghiệp, cần đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trong đó lưu ý các đơn vị: Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao; Trung tâm quản lý khai thác các công trình thủy sản; Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; các Trại thực nghiệm...
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp các sở, ngành UBND cấp huyện và cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện; định kỳ tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bố trí đầu tư lồng ghép các Chương trình, dự án đề án bảo đảm có hiệu quả trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Chương trình nông thôn mới.
3. Các sở ban, ngành tập trung triển khai thực hiện các Chương trình, đề án, dự án có liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó tập trung vào các chương trình, đề án sau:
a) Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020;
b) Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020;
c) Kế hoạch hành động thực hiện “Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ” (Quyết định số 932/QĐ-UBND ngày 17/4/2014 của UBND tỉnh);
d) Đề án phát triển ngành trồng trọt theo Quyết định số 2958/QĐ-UBND ngày 19/11/2013 của UBND;
e) Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bảo đảm nhu cầu thực tế và người lao động khi được đào tạo phải có việc làm ổn định.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể trên địa bàn huyện; theo dõi, tổng hợp tình hình, định kỳ báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp).
5. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Khánh Hòa và các cơ quan thông tin truyền thông tiếp tục tuyên truyền các nội dung có liên quan đến Nghị quyết Trung ương 7 khóa X; Kết luận số 97-KL/TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 26-CTr/TU ngày 31/10/2008 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Kế hoạch hành động thực hiện của Ủy ban nhân dân tỉnh; thông tin, phản ánh kịp thời các mô hình, điển hình về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.