ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2203/QĐ-UBND | Thanh Hóa, ngày 27 tháng 06 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP QUỸ BẢO LÃNH TÍN DỤNG CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỈNH THANH HÓA
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg ngày 20/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quyết định 115/2004/QĐ-TTg ngày 25/6/2004 của Thủ tướng chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành kèm theo Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg ngày 20/12/2001;
Căn cứ Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg ngày 10/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại;
Căn cứ Công văn số 07/TTg-KTTH ngày 03/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Căn cứ Thông tư số 93/2004/TT-BTC ngày 29/9/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Xét đề nghị của Ban trù bị thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thanh Hóa tại Tờ trình số 1885/TTr/STC-BTB ngày 05/6/2013 về việc đề nghị phê duyệt Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thanh Hóa,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thanh Hóa”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các ngành và các thành viên tham gia Hội đồng quản lý Quỹ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
ĐẾ ÁN
THÀNH LẬP QUỸ BẢO LÃNH TÍN DỤNG CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỈNH THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2203/QĐ-UBND ngày 27/6/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)
Phần thứ nhất
CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT THÀNH LẬP QUỸ BẢO LÃNH TÍN DỤNG CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỈNH THANH HÓA
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg ngày 20/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Quyết định số 115/2004/QĐ-TTg ngày 25/6/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế thành lập tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành kèm theo Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg ngày 20/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ;
- Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng thương mại;
- Quyết định số 60/2009/QĐ-TTg ngày 17/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng thương mại;
- Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg ngày 10/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại;
- Thông tư số 93/2004/TT-BTC ngày 29/9/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Công văn số 07/TTg-KTTH ngày 03/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Công văn số 1070/NHNN-TD ngày 03/10/2002 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam v/v triển khai một số nội dung liên quan đến việc thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
II. CƠ SỞ THỰC TIỄN PHẢI THÀNH LẬP QUỸ BẢO LÃNH TÍN DỤNG CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỈNH THANH HÓA
1. Thực trạng phát triển của các DNNVV
1.1. Phân loại doanh nghiệp theo loại hình và quy mô hoạt động
Tính đến thời điểm 31/12/2012, tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng trên 6.050 doanh nghiệp nhỏ và vừa phát sinh doanh thu (chiếm 95% doanh nghiệp đang hoạt động); 1059 hợp tác xã và 521 mô hình kinh tế trang trại. Cụ thể:
- Phân loại theo loại hình hoạt động
+ Các doanh nghiệp thuộc loại nhỏ và vừa: 6.050 doanh nghiệp; trong đó có 16 doanh nghiệp nhà nước; 289 công ty Cổ phần; 2.067 công ty TNHH và 3.678 doanh nghiệp tư nhân.
+ Các hợp tác xã: 1.059 HTX; bao gồm: 108 HTX công nghiệp, xây dựng; 503 HTX nông, lâm, nghiệp; 448 HTX thương mại, dịch vụ khác.
+ Các mô hình trang trại: 521 trang trại; bao gồm: 50 trang trại trồng trọt, 324 trang trại chăn nuôi, 130 trang trại nuôi trồng thủy sản, 17 trang trại kinh doanh tổng hợp.
- Phân loại theo quy mô nguồn vốn
+ Doanh nghiệp vừa (vốn đăng ký kinh doanh từ 20 tỷ đến dưới 100 tỷ đồng): 582 doanh nghiệp;
+ Doanh nghiệp nhỏ (vốn đăng ký kinh doanh từ 01 tỷ đến dưới 20 tỷ đồng): 3.741 doanh nghiệp;
+ Doanh nghiệp siêu nhỏ (vốn đăng ký kinh doanh dưới 01 tỷ đồng): 1.727 doanh nghiệp.
2. Vai trò của các DNNVV, hợp tác xã và trang trại trong sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn
2.1. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 6.050 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 95% tổng số doanh nghiệp của tỉnh. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp khoảng 20% GDP của tỉnh, nộp ngân sách nhà nước hàng năm chiếm gần 38% tổng thu ngân sách; giá trị xuất khẩu chiếm khoảng 23% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (Nguồn báo cáo thu chi ngân sách của Sở Tài chính và Sở Công Thương)
Nhìn chung, hoạt động của các DNNVV trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua tương đối ổn định và đạt tốc độ tăng trưởng khá. Các DNNVV có vai trò to lớn trong việc thu hút, tạo việc làm cho lao động là người địa phương, lao động nông thôn; giải quyết việc làm cho trên 604.782 lao động, chiếm khoảng 72% lao động trong khu vực doanh nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp, dịch vụ, tạo bước đột phá trong giải quyết việc làm, xóa đói và giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. DNNVV góp phần thay đổi phương thức kinh doanh vùng nông thôn và là một trong những thành phần chủ yếu trong việc xây dựng nông thôn mới, là nòng cốt để xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân. DNNVV có vai trò to lớn trong phát triển các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và phân phối các sản phẩm đến thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và an sinh xã hội.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, sự phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng.
2.2. Các hợp tác xã
Các HTX trong tỉnh đại đa số là HTX dịch vụ nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn từ hộ gia đình, góp phần tạo công ăn việc làm cho hơn 14.000 xã viên và hơn 200.000 lao động; trong đó, chủ yếu là lao động tại khu vực nông nghiệp nông thôn. Đây cũng là mô hình kinh tế phù hợp với trình độ quản lý ở nông thôn, là nơi tiếp nhận vốn đầu tư khoa học kỹ thuật, nhân cấy nghề mới, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2.3. Các trang trại
Trong quá trình và phát triển, các trang trại đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị hàng hóa cao, khắc phục dần tình trạng sản xuất phân tán, manh mún, tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa tập trung và thâm canh cao; thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp chế biến, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn.
2.4. Tình hình tiếp cận vốn tín dụng của các DNNVV
a) Kết quả tiếp cận vốn của các DNNVV
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, tính đến 31/12/2012, các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã cung cấp tín dụng cho 3.073 doanh nghiệp, với tổng số dư nợ vay đạt 19.634 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 3/2013, có 3.030 doanh nghiệp được các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cung cấp tín dụng với dư nợ đạt 19.220 tỷ đồng (giảm 22% so với cùng kỳ 2012). Dư nợ bình quân đối với 01 doanh nghiệp khoảng hơn 5 tỷ đồng.
b) Những khó khăn của các DNNVV trong tiếp cận vốn tín dụng
Các DNNVV hiện nay gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn, dẫn đến tốc độ đầu tư kinh doanh ở khu vực này chưa tương xứng với tiềm năng. Theo đánh giá của các tổ chức tín dụng và Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn thì hiện nay, các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các DNNVV khó tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng như sau:
- Khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp hiện nay gặp khó khăn do quy mô sản xuất thu hẹp, hàng hóa tồn kho lớn.
- Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng do không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn nên ngân hàng không thể cho vay do:
+ Trình độ quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp chưa cao; công tác lập dự án, phương án SXKD còn hạn chế dẫn đến không làm rõ được tính khả thi của Dự án;
+ Nhiều dự án đầu tư không khả thi, không hiệu quả do doanh nghiệp không có định hướng chiến lược để chủ động về tài chính;
+ Nhiều doanh nghiệp không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ nguồn trả nợ;
+ Phần lớn các doanh nghiệp không đảm bảo tài sản thế chấp theo quy định, không có đầy đủ hồ sơ chứng minh quyền sở hữu tài sản, bao gồm cả máy móc thiết bị và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân do giá cả thị trường có nhiều biến động, dẫn đến việc định giá tài sản thế chấp của các doanh nghiệp không chính xác, làm ảnh hưởng tới quyết định cho vay vốn của các tổ chức tín dụng đối với các doanh nghiệp; mức độ tín nhiệm về năng lực tài chính, năng lực quản lý, thương hiệu của các DNNVV chưa cao, nên chưa tạo được niềm tin cho các tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn.
2.5. Nhu cầu về mức bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV trên địa bàn tỉnh
Tính đến tháng 3/2013, các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã cung cấp tín dụng cho 3.030 doanh nghiệp, với tổng số dư nợ vay đạt 19.634 tỷ đồng. Như vậy, còn khoảng 3.000 doanh nghiệp (tương ứng 50% số DNNVV) chưa tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng.
Phân tích nhu cầu về vốn của các DNNVV trên địa bàn tỉnh cho thấy:
STT | Doanh nghiệp | Số lượng (DN) | Số lao động (người) | Tổng nhu cầu vốn (tỷ đồng) |
1 | Doanh nghiệp vừa | 582 | 145.500 | 26.444 |
2 | Doanh nghiệp nhỏ | 3.741 | 448.920 | 14.964 |
3 | Doanh nghiệp siêu nhỏ | 1.727 | 10.362 | 790 |
| Cộng | 6.050 | 604.782 | 42.198 |
(Nguồn: Số liệu điều tra của Sở Tài chính.)
Như vậy:
- Tổng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay ước tính là: 42.198 tỷ đồng.
- Vốn tự có của các doanh nghiệp mới đáp ứng được 20% nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh: tương ứng với 8.440 tỷ đồng.
- Vốn các tổ chức tín dụng đã cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp là: 19.634 tỷ đồng.
- Giá trị tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp chiếm 30% tổng vốn vay tương ứng là: 12.660 tỷ đồng.
Do đó, tổng nhu cầu vốn vay thời điểm hiện tại của các doanh nghiệp được xác định như sau:
- Nhu cầu vốn vay hiện tại = tổng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh - vốn tự có của các doanh nghiệp - vốn các tổ chức tín dụng đã cung cấp - giá trị tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp: 42.198 tỷ VNĐ - 8.440 tỷ VNĐ - 19.634 tỷ VNĐ - 12.660 tỷ VNĐ = 1.464 tỷ VNĐ.
- Vốn cấp bảo lãnh cần có = nhu cầu cấp bảo lãnh / bội số bảo lãnh tín dụng (theo quy định bội số bảo lãnh không vượt quá 5 lần so với vốn hoạt động): 1.464 tỷ đồng / 5 = 292 tỷ đồng.
Giả thiết các doanh nghiệp vay vốn có chu kỳ hoạt động (vòng quay vốn) là 2,5 vòng; khi đó, nhu cầu vốn hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng là: 292 tỷ đồng / 2,5 vòng = 116 tỷ đồng.
Từ phân tích trên cho thấy, tại thời điểm hiện nay, nhu cầu vốn điều lệ hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV khi thành lập tối thiểu phải có là 100 tỷ đồng.
Trong quá trình hoạt động, căn cứ nhu cầu phát triển của nền kinh tế và khả năng ngân sách địa phương, Quỹ sẽ trình cấp có thẩm quyền bổ sung vốn điều lệ hàng năm theo quy định.
3. Hiệu quả của việc thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vừa tỉnh Thanh Hóa
3.1. Hiệu quả về mặt xã hội
- Hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp cận được các nguồn tín dụng để cùng với các nguồn vốn khác mở rộng sản xuất kinh doanh; góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
- Ngoài việc tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho số lao động hiện có trong các DNNVV (604.782 lao động), việc có thêm nguồn vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh còn tạo thêm việc làm và thu nhập cho một bộ phận không nhỏ những người sản xuất nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp, góp phần thắng lợi đường lối phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
3.2. Hiệu quả về kinh tế
Sự phát triển của các DNNVV trên địa bàn tỉnh hiện nay là yếu tố quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế xã hội của tỉnh, góp phần ổn định và tăng thu ngân sách.
Theo đánh giá tổng kết thu ngân sách nhà nước, tốc độ tăng về thu ngân sách của các DNNVV từ năm 2011 về trước đạt 32%. Năm 2012, do suy giảm kinh tế cả nước nói chung và tại Thanh Hóa nói riêng, nộp ngân sách nhà nước của các DNNVV chỉ tăng 8% so với 2011 (thu NSNN 2011: 865 tỷ đồng; năm 2012: 932 tỷ đồng) giảm 24% so với bình quân giai đoạn trước.
Dự kiến, sau khi thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh như đã phân tích nêu trên thì tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hàng năm sau khi được cấp bảo lãnh tín dụng sẽ tăng khoảng 20%. Cụ thể:
- Dự kiến thu NSNN của các DNNVV năm 2014 đạt: 1.118 tỷ đồng,
- Dự kiến thu NSNN của các DNNVV năm 2015 đạt: 1.341 tỷ đồng,
- Dự kiến thu NSNN của các DNNVV năm 2016 đạt: 1.609 tỷ đồng.
Như vậy, để phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thanh Hóa với những căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn nêu trên là hết sức cần thiết.
Phần thứ hai
PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG QUỸ BẢO LÃNH TÍN DỤNG CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỈNH THANH HÓA
I. KHÁI QUÁT VỀ QUỸ
1. Tên gọi của Quỹ: Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thanh Hóa.
Tên viết tắt: Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV Thanh Hóa.
Tên giao dịch quốc tế: Thanh Hoa province credit guarantee Fund for Medium - Small Enterprises.
Tên viết tắt tiếng Anh: THCGF.
2. Trụ sở của Quỹ: Đặt tại Sở Tài chính; địa chỉ: Nam Đại lộ Lê Lợi - Xã Đông Hương - Thành phố Thanh Hóa.
3. Địa vị pháp lý
Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Tỉnh Thanh Hóa là một tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa, hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu, không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chức năng bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hoàn vốn và tự bù đắp 100% kinh phí hoạt động. Quỹ có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có bảng cân đối kế toán riêng, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp trong nước.
4. Chức năng của Quỹ
- Tiếp nhận vốn ngân sách của tỉnh, vốn tài trợ, viện trợ; huy động các nguồn vốn trung và dài hạn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để tạo nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ được giao.
- Tiếp nhận, quản lý nguồn vốn ủy thác từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động theo hợp đồng ủy thác; mua trái phiếu Chính phủ.
- Thực hiện nhiệm vụ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhận ủy thác một số Quỹ khác do UBND tỉnh thành lập (nếu có).
5. Nhiệm vụ của Quỹ
- Quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn vốn; đảm bảo an toàn và phát triển vốn; tự bù đắp chi phí và tự chịu rủi ro.
- Thực hiện đúng hạn, đầy đủ các nghĩa vụ trả nợ của Quỹ đối với tổ chức, cá nhân đã cho Quỹ vay vốn; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định hiện hành.
- Thực hiện đúng chế độ kế toán, thống kê và báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật, chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Tài chính, Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền.
- Chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo luật định; cung cấp số liệu, công bố công khai về tình hình tài chính theo quy định của pháp luật.
- Mua bảo hiểm tài sản, bảo hiểm rủi ro và các loại bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật.
- Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước và các quy định khác có liên quan đến hoạt động của bảo lãnh tín dụng.
- Thực hiện một số nhiệm vụ khác do UBND tỉnh giao nhưng không được trái với quy định tại Quyết định 193/2001/QĐ-TTg và các quy định pháp luật liên quan khác.
6. Quyền hạn của Quỹ
- Được yêu cầu pháp luật bảo hộ với tư cách là một pháp nhân trước mọi hành vi trái pháp luật gây tổn hại đến tài sản, quyền lợi và uy tín của Quỹ.
- Được quản lý, sử dụng vốn và tài sản được giao; khai thác các nguồn lực nhằm tăng nguồn vốn để thực hiện nhiệm vụ.
- Được trực tiếp quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhận tài trợ, nhận ủy thác trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, theo đúng pháp luật Việt Nam.
- Có quyền yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu, hồ sơ về tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh để xem xét quyết định bảo lãnh tín dụng, trực tiếp thẩm định phương án tài chính, hiệu quả đầu tư của các dự án.
- Được thuê các tổ chức, chuyên gia tư vấn để xem xét, thẩm định một phần hoặc toàn bộ các dự án Quỹ tham gia bảo lãnh tín dụng.
- Được kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tình hình sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân vay vốn về tài sản bảo đảm tiền vay; tình hình quản lý, sử dụng nguồn vốn vay qua bảo lãnh tín dụng, cũng như các vấn đề liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư.
- Đề nghị tổ chức tín dụng chấm dứt việc cho vay, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện thấy khách hàng có những dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc vi phạm hợp đồng bảo lãnh tín dụng.
- Được tuyển chọn, hợp đồng lao động, bố trí, sử dụng và đào tạo cán bộ; lựa chọn các hình thức trả lương, thưởng trên cơ sở kết quả hoạt động của Quỹ và có các quyền khác của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
- Được ban hành các quy chế, quy trình hoạt động để làm căn cứ triển khai hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của Quỹ trong từng thời kỳ.
- Khi đến hạn trả nợ, nếu khách hàng được bảo lãnh không trả được nợ thì Quỹ được quyền xử lý tài sản đảm bảo tiền vay để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật; được đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan trích tài khoản của khách hàng tại các tổ chức đó không phân biệt tính chất nguồn gốc khoản thu để trả nợ cho Quỹ khi đến hạn, hết hạn trả nợ mà khách hàng không trả được nợ hoặc trả nợ không đầy đủ.
- Được nhận chính tài sản bảo đảm của các bên bảo đảm để thay thế cho nghĩa vụ của bên bảo đảm; được quyền khai thác, sử dụng, chuyển nhượng, bán các tài sản đó để thu hồi vốn.
- Được sử dụng vốn nhàn rỗi của Quỹ để gửi tại các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp trong nước nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn của Quỹ nhưng phải bảo đảm an toàn.
- Được thực hiện và tiếp nhận các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tăng cường năng lực cho Quỹ.
- Được thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về bảo lãnh tín dụng.
7. Đối tượng phục vụ
Quỹ xem xét cấp bảo lãnh tín dụng cho các khách hàng hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là những đối tượng sau:
- Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được xếp vào loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.
- Các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã.
- Các hộ kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
- Các chủ trang trại, các hộ nông dân, ngư dân... thực hiện dự án nuôi thủy sản, đánh bắt xa bờ, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi.
8. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ
- Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, bảo đảm hoàn vốn và phát triển vốn, tự bù đắp chi phí và tự chịu rủi ro.
- Quỹ bảo lãnh tín dụng chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi sử dụng nguồn vốn của mình.
9. Thời gian hoạt động của Quỹ: 20 năm
10. Điều lệ hoạt động của Quỹ: (Có Điều lệ kèm theo)
II. VỐN HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ
1. Vốn hoạt động của Quỹ được hình thành từ các nguồn sau:
1.1. Vốn điều lệ: 100 tỷ đồng. Bao gồm:
- Vốn điều lệ khi thành lập: 70 tỷ đồng được hình thành từ các nguồn sau:
+ Ngân sách tỉnh cấp: 11 tỷ đồng;
+ Nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước chưa nộp Quỹ SX: 47 tỷ đồng (gồm: Công ty TNHH MTV Đầu tư và Thương mại miền núi, Công ty TNHH MTV In báo, Công ty TNHH MTV Sông Mã, Tổng Công ty xây dựng);
+ Cổ tức 05 CTCP thuộc tỉnh quản lý: 2 tỷ đồng (gồm: Công ty CP Môi trường Bỉm Sơn, Công ty CP Môi trường Sầm Sơn, Công ty CP Đường thủy nội địa, Công ty CP Quản lý đường bộ I, Công ty CP Quản lý đường bộ II).
+ Vốn tham gia đóng góp của các DN và tổ chức tín dụng: 10 tỷ đồng (dự kiến).
- Sở Tài chính căn cứ khả năng ngân sách địa phương nghiên cứu, trình UBND tỉnh bổ sung vốn điều lệ của Quỹ cho đủ vốn tối thiểu 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn thu từ cổ phần hóa theo lộ trình sau:
+ Năm 2014 bổ sung: 15 tỷ đồng;
+ Năm 2015 bổ sung: 15 tỷ đồng.
Việc thay đổi vốn điều lệ của Quỹ do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định nhưng không được thấp hơn mức quy định của Chính phủ và phải thông báo cho Bộ Tài chính. Hàng năm căn cứ nhu cầu phát triển của Quỹ và khả năng ngân sách tỉnh, Sở Tài chính trình Chủ tịch UBND tỉnh bổ sung vốn điều lệ của Quỹ theo quy định của pháp luật.
1.2. Vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (bao gồm cả vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA) cho mục tiêu phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, các chương trình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp.
1.3. Vốn tự bổ sung từ kết quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
1.4. Vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách của tỉnh hàng năm và nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước theo quy định.
1.5. Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Cơ chế tài chính, kinh phí hoạt động của Quỹ
- Chế độ kế toán, chế độ báo cáo tài chính và kiểm toán của Quỹ thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính, các quy định pháp luật liên quan và điều lệ Quỹ.
- Quỹ đảm bảo 100% kinh phí hoạt động từ nguồn thu phí bảo lãnh, lãi tiền gửi, lãi cho vay và các nguồn thu hợp pháp khác.
- Ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị ban đầu và chi phí khi thành lập Quỹ.
3. Phương án hoạt động tài chính 03 năm (2013-2015)
Đơn vị: 1.000 đồng
Chỉ tiêu | Năm 2013 (6 tháng) | Năm 2014 | Năm 2015 |
I. Thu nhập | 994.000 | 2.065.000 | 3.557.000 |
1. Thu phí bảo lãnh | 244.000 | 815.000 | 1.227.000 |
2. Thu lãi tiền gửi NH | 750.000 | 1.250.000 | 1.750.000 |
3. Thu lãi cho vay bắt buộc | 0 | 200.000 | 300.000 |
4. Thu đầu tư cổ phiếu, trái phiếu … | 0 | 0 | 280.000 |
II. Chi phí | 994.000 | 1.798.000 | 2.850.000 |
1. Chi cho người lao động | 320.000 | 550.000 | 800.000 |
2. Chi hoạt động quản lý công vụ | 200.000 | 350.000 | 450.000 |
3. Chi về tài sản | 120.000 | 250.000 | 400.000 |
- Khấu hao TSCĐ | 70.000 | 200.000 | 300.000 |
- Bảo hiểm, bảo dưỡng, sửa chữa | 50.000 | 50.000 | 100.000 |
4. Chi phí hoạt động bảo lãnh | 254.000 | 575.000 | 950.000 |
- Chi hoạt động bảo lãnh | 229.000 | 400.000 | 700.000 |
- Chi trích quỹ dự phòng nghiệp vụ | 25.000 | 175.000 | 250.000 |
5. Chi nộp thuế, phí, lệ phí | 0 | 0 | 50.000 |
6. Chi khác | 100.000 | 150.000 | 200.000 |
III. Chênh lệch thu chi | 0 | 190,000 | 727.000 |
IV. Phân phối chênh lệch thu chi |
|
|
|
1. Trích 15 % lập quỹ bổ sung vốn hoạt động |
| 28.000 | 105.000 |
2. Trích 10% lập quỹ dự phòng tài chính |
| 20.000 | 70.000 |
3. Trích 30% lập quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ |
| 60.000 | 220.000 |
4. Trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi |
| 72.000 | 200.000 |
5. Chia lãi vốn góp |
| 10.000 | 132.000 |
Như vậy, dự kiến phương án hoạt động 03 năm đầu của Quỹ cho thấy khả năng bảo toàn vốn và tự trang trải chi phí hoạt động của Quỹ.
III. CƠ CẤU TỔ CHỨC, QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH QUỸ BẢO LÃNH TÍN DỤNG
Bộ máy tổ chức và điều hành Quỹ gồm có Hội đồng Quản lý, Ban Kiểm soát và Ban điều hành Quỹ.
1. Hội đồng Quản lý Quỹ bảo lãnh tín dụng
- Hội đồng Quản lý quỹ có 07 thành viên, gồm:
+ Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
+ 01 Phó Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc Sở Tài chính;
+ 01 Phó Chủ tịch Hội đồng kiêm Giám đốc Quỹ;
+ 01 thành viên Hội đồng là lãnh đạo của Sở Kế hoạch và Đầu tư;
+ 01 thành viên Hội đồng là lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa;
+ 01 thành viên Hội đồng là lãnh đạo của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa;
+ 01 thành viên Hội đồng là đại diện các tổ chức tham gia góp vốn vào Quỹ (tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp có vốn góp cao nhất).
- Hội đồng Quản lý quỹ hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm theo nhiệm kỳ 05 năm và không được kiêm nhiệm bất kỳ một chức vụ nào khác trong Quỹ (trừ Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý kiêm Giám đốc Quỹ hoạt động chuyên trách) và được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành của Nhà nước.
- Các thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ phải có kiến thức, kinh nghiệm về tài chính, tín dụng, đầu tư vốn, quản trị doanh nghiệp ít nhất 05 năm công tác. Thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ, Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng Ban kiểm soát và Kế toán trưởng của Quỹ không được là người có liên quan của nhau (cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, vợ, chồng, con, con nuôi, anh chị em ruột).
- Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng và kỷ luật thành viên của Hội đồng quản lý Quỹ do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Thành viên của Hội đồng Quản lý Quỹ có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
- Hội đồng Quản lý Quỹ có trách nhiệm tuân thủ đúng quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ. Hội đồng Quản lý Quỹ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật về việc bảo toàn và phát triển vốn của Quỹ. Trong trường hợp quyết định do Hội đồng Quản lý Quỹ thông qua trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ, gây thất thoát về vốn và tài sản của Quỹ thì các thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ chấp thuận thông qua quyết định số phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định đó và phải đền bù thiệt hại cho Quỹ; các thành viên phản đối thông qua quyết định nói trên được miễn trừ trách nhiệm.
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Quản lý Quỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ được quy định cụ thể tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
2. Ban Kiểm soát
- Ban Kiểm soát Quỹ có 3 thành viên, gồm:
+ Trưởng Ban hoạt động chuyên trách;
+ 01 thành viên của Sở Tài chính hoạt động kiêm nhiệm;
+ 01 thành viên của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa hoạt động kiêm nhiệm.
- Trưởng Ban Kiểm soát do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ. Trưởng ban kiểm soát phải có trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, tốt nghiệp đại học thuộc một trong các ngành tài chính, kế toán, ngân hàng; đồng thời, phải có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm về quản lý hoặc điều hành một trong các lĩnh vực tài chính, kế toán, ngân hàng.
- Các thành viên còn lại của Ban Kiểm soát do Hội đồng Quản lý Quỹ bổ nhiệm theo đề nghị của Trưởng Ban Kiểm soát. Thành viên Ban Kiểm soát phải có trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, tốt nghiệp đại học và có ít nhất 02 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kinh tế hoặc tài chính - ngân hàng.
- Nhiệm kỳ của thành viên Ban Kiểm soát là 03 năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
- Ban Kiểm soát chịu trách nhiệm trước Hội đồng Quản lý kiểm soát toàn bộ hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
Trưởng Ban Kiểm soát phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng Quản lý Quỹ, Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật về hành vi bao che, bỏ qua các hành vi vi phạm đã phát hiện; về các thiệt hại của Quỹ nếu tiết lộ kết quả kiểm tra, kiểm soát khi chưa có sự chấp thuận của Hội đồng quản lý Quỹ; về lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để báo cáo sai sự thật gây ảnh hưởng đến uy tín, quyền lợi của các tổ chức và cá nhân; trường hợp đột xuất, vì lợi ích của Quỹ và trách nhiệm của Ban Kiểm soát, Trưởng Ban Kiểm soát có quyền báo cáo trực tiếp với Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ hoặc Chủ tịch UBND tỉnh.
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Kiểm soát Quỹ được quy định cụ thể tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
3. Bộ máy điều hành Quỹ
a) Ban điều hành Quỹ có 09 thành viên hoạt động chuyên trách, gồm:
- Ban Giám đốc: 01 Giám đốc và 01 Phó Giám đốc;
- Phòng nghiệp vụ: 04 người;
- Phòng hành chính, tổng hợp: 03 người.
Trong đó:
+ Chuyển từ Sở Tài chính sang: 04 người.
+ Tuyển dụng cán bộ có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp: 05 người.
Ngoài ra, căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ, khối lượng công việc và khả năng tài chính, Giám đốc Quỹ được ký hợp đồng lao động, bảo đảm cho việc thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
b) Trách nhiệm của Bộ máy điều hành Quỹ
- Quỹ có trách nhiệm thẩm định các tài liệu, tính khả thi, khả năng hoàn trả vốn của dự án phát triển sản xuất kinh doanh do khách hàng gửi đến, tùy theo từng dự án Quỹ có thể phối hợp với tổ chức tín dụng thẩm định hồ sơ đề nghị vây và bảo lãnh của khách hàng.
- Quỹ có trách nhiệm xây dựng quy trình thẩm định hồ sơ xin cấp bảo lãnh tín dụng của khách hàng theo nguyên tắc đảm bảo tính độc lập và phân định rõ ràng trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới giữa khâu thẩm định và quyết định bảo lãnh tín dụng.
- Giám đốc Quỹ là người đại diện pháp nhân của Quỹ, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản lý và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động nghiệp vụ của Quỹ, do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm.
c) Nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc Quỹ, Phó Giám đốc Quỹ, Kế toán trưởng Quỹ và các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ của Quỹ được quy định cụ thể tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
Phần thứ ba
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và các ngành liên quan tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Quỹ và phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thanh Hóa.
- Trình cấp có thẩm quyền bổ sung vốn hoạt động ban đầu cho Quỹ.
- Cấp vốn điều lệ hàng năm cho Quỹ khi có quyết định của cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Cử lãnh đạo Sở và cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của Sở để tham gia vào Hội đồng quản lý và bộ máy tổ chức hoạt động của Quỹ.
- Bố trí văn phòng làm việc và hướng dẫn nghiệp vụ cho Quỹ.
2. Ngân hàng nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa
- Cử thành viên Ban Giám đốc Ngân hàng và cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ để tham gia vào Hội đồng quản lý và Ban kiểm soát Quỹ.
- Tham gia, phối hợp cùng Sở Tài chính trong việc hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động Quỹ.
3. Sở Nội vụ
Sở Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính, các ngành, các sở có liên quan triển khai Quyết định thành lập Quỹ; trình Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm các chức danh quản lý, điều hành Quỹ; phối hợp với Hội đồng quản lý Quỹ trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phương án biên chế, chế độ tiền lương, thưởng; phương thức tổ chức, bộ máy quản lý của Quỹ phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Cử lãnh đạo Sở để tham gia vào Hội đồng Quản lý và bộ máy tổ chức hoạt động của Quỹ.
- Thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin cho Quỹ về tình hình tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh khi có yêu cầu của Hội đồng Quản lý Quỹ.
5. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa
- Chủ động phối hợp với Quỹ, định kỳ đánh giá, phân loại nhu cầu vốn bảo lãnh tín dụng của các DNNVV trên địa bàn tỉnh cho Quỹ.
- Hỗ trợ công tác đào tạo, nâng cao trình độ quản trị cho các DNNVV trên địa bàn.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng Phương án sản xuất kinh doanh khả thi, phù hợp với thực tế hoạt động của các doanh nghiệp làm căn cứ để Quỹ thực hiện việc bảo lãnh tín dụng.
- Phối hợp với Quỹ trong việc hướng dẫn các DNNVV hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý để được bảo lãnh tín dụng./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.