ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2199/QĐ-UBND | Hà Tĩnh, ngày 10 tháng 06 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CẢI TẠO ĐẤT CÁT HOANG HÓA, BẠC MÀU VEN BIỂN ĐỂ SẢN XUẤT RAU, CỦ, QUẢ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO THEO QUY HOẠCH CÓ LIÊN KẾT VỚI DOANH NGHIỆP
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Xét đề nghị của Liên ngành Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ tại Văn bản số 1126/CV-LN ngày 27/4/2015 và Văn bản số 1516/CV-LN ngày 29/5/2015; ý kiến thống nhất của Thường trực HĐND tỉnh tại Văn bản số 205/HĐND ngày 19/5/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định chính sách hỗ trợ cải tạo đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển để sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch, có liên kết với doanh nghiệp, cụ thể như sau:
1. Phạm vi, đối tượng áp dụng:
a) Phạm vi: Các cơ sở thực hiện sản xuất rau, củ, quả trên diện tích đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển từ năm 2015, phù hợp với Quy hoạch sản xuất rau, củ, quả được UBND tỉnh phê duyệt.
b) Đối tượng áp dụng: Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác (gọi là tổ chức), hộ gia đình, cá nhân (gọi là hộ gia đình) trong và ngoài nước sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao trên đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển theo quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, quy mô tối thiểu 05ha trở lên, có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; danh mục rau, củ, quả được cơ cấu theo Đề án sản xuất do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
2. Nguyên tắc, phương thức, nguồn kinh phí hỗ trợ:
a) Nguyên tắc hỗ trợ:
Hỗ trợ kinh phí mua phân mùn hữu cơ vi sinh thực hiện cải tạo đất tối đa cho 02 vụ sản xuất trên một diện tích đất sản xuất tập trung theo quy mô tối thiểu 05ha từ năm 2015;
Ngoài chính sách hỗ trợ tại Quyết định này, các đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ theo các văn bản quy định của Trung ương và của tỉnh còn hiệu lực. Trường hợp các văn bản cùng nội dung hỗ trợ thì được hưởng mức hỗ trợ cao nhất.
b) Hình thức hỗ trợ:
- Kinh phí hỗ trợ được cấp qua đơn vị cung ứng đối với đối tượng được hỗ trợ là doanh nghiệp.
- Kinh phí hỗ trợ được cấp qua ngân sách huyện đối với đối tượng được hỗ trợ là hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân.
c) Mức hỗ trợ:
- Đối với diện tích sản xuất vụ thứ nhất: Hỗ trợ 50% kinh phí mua phân mùn hữu cơ vi sinh thực hiện cải tạo đất, số tiền hỗ trợ tối đa:
+ Nhóm cây rau, củ, quả đã có quy trình kỹ thuật tạm thời (củ cải nhỏ, củ cải lớn, cải thảo, cải bẹ), số tiền hỗ trợ tối đa: 16.800.000 đồng/ha.
+ Nhóm cây rau, củ, quả chưa có quy trình kỹ thuật tạm thời (hành lá, cà rốt, măng tây, dưa chuột, mướp đắng, cà chua, dưa hấu..số tiền hỗ trợ tối đa: 21.000.000 đồng/ha.
- Đối với diện tích sản xuất vụ thứ hai: Hỗ trợ 30% kinh phí mua phân mùn hữu cơ vi sinh thực hiện cải tạo đất, số tiền hỗ trợ tối đa:
+ Nhóm cây rau, củ, quả đã có quy trình kỹ thuật tạm thời (củ cải nhỏ, củ cải lớn, cải thảo và cải bẹ), số tiền hỗ trợ tối đa: 10.080.000 đồng/ha.
+ Nhóm cây rau, củ, quả chưa có quy trình kỹ thuật tạm thời (hành lá, cà rốt, măng tây, dưa chuột, mướp đắng, cà chua, dưa hấu...), số tiền hỗ trợ tối đa: 12.600.000 đồng/ha.
d) Loại phân mùn hữu cơ vi sinh được hỗ trợ: Loại phân mùn hữu cơ vi sinh có hàm lượng đạt chỉ tiêu chất lượng chính được quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
đ) Định mức phân bón mùn hữu cơ: Căn cứ quy trình kỹ thuật tạm thời của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
e) Đơn vị cung ứng phân mùn hữu cơ vi sinh: Ưu tiên các đơn vị sản xuất trong tỉnh.
f) Nguồn kinh phí hỗ trợ:
- Nguồn kinh phí thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trong dự toán chi ngân sách tỉnh, huyện hàng năm.
+ Đối với các doanh nghiệp: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% mức hỗ trợ tại Điểm c Khoản 2 Điều 1 Quyết định này.
+ Đối với hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân sản xuất: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, ngân sách huyện hỗ trợ 30% mức hỗ trợ tại Điểm c Khoản 2 Điều 1 Quyết định này.
Điều 2. Quy trình hỗ trợ
1. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ:
- Văn bản đề nghị hỗ trợ của tổ chức, hộ gia đình (bản chính);
- Kế hoạch về diện tích trồng rau, củ, quả của doanh nghiệp, của UBND cấp huyện (đối với hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân);
- Hợp đồng, biên bản nghiệm thu và thanh lý hợp đồng mua bán phân mùn hữu cơ vi sinh cải tạo đất với đơn vị cung ứng, kèm theo hóa đơn giá trị gia tăng (bản sao, mang theo bản gốc để đối chiếu).
2. Thời gian nhận hồ sơ: Các địa phương, đơn vị nộp hồ sơ trước 15 ngày so với thời gian thu hoạch của mỗi vụ.
3. Nơi nhận hồ sơ:
- Đối với các đối tượng đề nghị hỗ trợ là doanh nghiệp: Nộp hồ sơ về Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi đơn vị 01 bộ hồ sơ.
- Đối với các đối tượng đề nghị hỗ trợ là hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân: Nộp 02 bộ hồ sơ về UBND cấp xã.
4. Quy trình thực hiện hỗ trợ:
a) Đối với các đối tượng đề nghị hỗ trợ là doanh nghiệp: Căn cứ hồ sơ đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Tài chính kiểm tra nghiệm thu, sau 07 ngày kết thúc đợt kiểm tra nghiệm thu, tham mưu trình UBND tỉnh xem xét, quyết định phân bố kinh phí hỗ trợ theo quy định.
b) Đối với các đối tượng đề nghị hỗ trợ là hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân:
Căn cứ hồ sơ đề nghị hỗ trợ của đối tượng, UBND cấp xã tổng hợp và lập tờ trình, kèm theo bản tổng hợp thể hiện nội dung, quy mô, đối tượng, địa điểm, kinh phí thực hiện và hồ sơ của đối tượng gửi UBND cấp huyện.
Căn cứ tờ trình đề nghị hỗ trợ của UBND cấp xã, hồ sơ của các tổ chức cá nhân, UBND cấp huyện thực hiện kiểm tra, nghiệm thu, ban hành quyết định phân bổ kinh phí và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kèm tờ trình để nghị UBND tỉnh cấp ứng 70% kinh phí.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, tham mưu UBND tỉnh quyết định cấp ứng 70% kinh phí sau khi nhận được tờ trình đề nghị hỗ trợ và quyết định phân bổ kinh phí hỗ trợ của UBND cấp huyện; sau khi có quyết định cấp ứng kinh phí của UBND tỉnh, trong vòng 10 ngày, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành phúc tra, kiểm tra kết quả nghiệm thu, phân bổ kinh phí thực hiện chính sách của UBND cấp huyện.
Số kinh phí còn lại (30%) được cấp sau khi đoàn liên ngành hoàn thành phúc tra, kiểm tra (nếu thực hiện đúng quy định) và UBND cấp huyện có báo cáo quyết toán kinh phí hỗ trợ. Trường hợp phát hiện việc hỗ trợ sai quy định thì Sở Tài chính kịp thời tham mưu UBND tỉnh quyết định thu hồi kinh phí đã chi sai quy định và UBND cấp huyện phải tự đảm bảo 30% số kinh phí còn lại (của tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ) để chi trả cho các đối tượng được hưởng chính sách trên địa bàn, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành và thực hiện từ năm 2015.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các xã có vùng đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển tham gia sản xuất rau, củ, quả theo Quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt và Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.