UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2188/QĐ-UBND | Sơn La, ngày 08 tháng 9 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ;
Căn cứ Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 384/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La thời kỳ 2006 - 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 218/NQ-HĐND ngày 21 tháng 7 năm 2008 của HĐND tỉnh Sơn La về thông qua quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Chi cục Lâm nghiệp tại Tờ trình số 28/TTr-CCLN ngày 18 tháng 8 năm 2008; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo thẩm định số 331/BCTĐ-KHĐT ngày 04 tháng 9 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, với các nội dung chính sau:
I. PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ
1. Phương hướng phát triển
Phát triển rừng một cách toàn diện, lấy nhiệm vụ bảo vệ, khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn làm trọng tâm. Đẩy mạnh phát triển rừng sản xuất, nâng cao chất lượng rừng hiện có, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến lâm sản tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp.
Lấy khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng để phát triển vốn rừng là chính, chú trọng trồng rừng sản xuất tập trung gắn với cơ sở chế biến và thị trường; Phát triển hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ môi trường, gắn với du lịch sinh thái.
Rà soát, hoàn thiện công tác giao đất rừng, giao rừng, khoán rừng và cho thuê rừng nhằm đảm bảo các khu rừng đều có chủ quản lý, sử dụng rừng đúng mục đích, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật về rừng.
Phát triển kinh tế rừng phải gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường, đồng thời mở rộng liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư bảo vệ rừng, trồng rừng, kinh doanh rừng, bao tiêu sản phẩm.
Phát huy cao nội lực và các nguồn lực trong dân, đồng thời tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của Trung ương, các nguồn đầu tư của nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ, các thành phần kinh tế cho bảo vệ và phát triển rừng.
2. Mục tiêu và nhiệm vụ đến năm 2020
2.1. Mục tiêu
Tập trung xây dựng, bảo vệ hệ thống rừng phòng hộ lưu vực sông Đà, sông Mã và các vùng đầu nguồn quan trọng khác. Quản lý bảo vệ tốt các khu rừng đặc dụng hiện có. Phát triển rừng sản xuất theo hướng mở rộng liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đầu tư vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm.
Phấn đấu đến năm 2020 trồng mới 98.278 ha trong đó rừng sản xuất 69.141 ha, rừng phòng hộ 28.737 ha; khoanh nuôi tái sinh 180.000 ha, bảo vệ rừng 850.000 ha, nâng độ che phủ rừng từ 42,08% năm 2006 lên 55% năm 2015 và 60% vào năm 2020.
2.2. Nhiệm vụ
a) Về kinh tế
* Giai đoạn 2008 - 2010
+ Tăng giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp (bao gồm cả công nghiệp chế biến lâm sản và các dịch vụ môi trường) bình quân 4%/năm, đạt 160 - 170 tỷ đồng/năm. Giá trị lâm sản xuất khẩu 1,0 triệu USD/năm.
+ Nâng độ che phủ lên 51%, tương đương diện tích có rừng là 724.730 ha.
+ Thu và thực hiện thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng từ 60 đến 80 tỷ đồng/năm.
* Giai đoạn 2011 - 2015
+ Tăng giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp (bao gồm cả công nghiệp chế biến lâm sản và các dịch vụ môi trường) bình quân 5%/năm, đạt 175 - 185 tỷ đồng/năm. Giá trị lâm sản xuất khẩu 2 triệu USD/năm.
+ Nâng độ che phủ lên 55%, tương đương diện tích có rừng là 770.000 ha.
+ Nâng nguồn thu từ các giá trị môi trường rừng thông qua cơ chế phát triển sạch (CDM), du lịch sinh thái, phòng hộ đất đai chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước, đạt 100 tỷ đồng/năm.
* Giai đoạn 2016 - 2020
+ Tăng giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp (bao gồm cả công nghiệp chế biến lâm sản và các dịch vụ môi trường) bình quân 6%/năm, đạt 195 - 210 tỷ đồng/năm. Giá trị lâm sản xuất khẩu 3 triệu USD/năm.
+ Nâng độ che phủ lên 60%. Tương đương diện tích rừng là 850.000 ha.
+ Nâng nguồn thu từ các giá trị môi trường rừng thông qua cơ chế phát triển sạch (CDM), du lịch sinh thái, phòng hộ đất đai chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước, đạt 120 đến 150 tỷ đồng/năm.
b) Về xã hội
Cải thiện đời sống của người làm rừng thông qua xã hội hoá và đa dạng hoá các hoạt động lâm nghiệp, tạo công ăn việc làm cho 50.000 lao động/năm ở nông thôn.
c) Về môi trường
Bảo vệ vốn rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm thực hiện có hiệu quả chức năng phòng hộ của rừng; phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, chống xói mòn, giữ nguồn nước, bảo vệ môi trường sống.
Nâng độ che phủ rừng từ 42,08 % hiện nay lên 51% vào năm 2010, lên 55% vào năm 2015 và 60% vào năm 2020.
Giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ vi phạm pháp luật về rừng. Hạn chế canh tác nương rẫy trên đất lâm nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững tài nguyên rừng.
II. ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG
1. Định hướng quy hoạch 3 loại rừng và đất lâm nghiệp
Quy hoạch đất lâm nghiệp theo từng giai đoạn như sau:
Đơn vị tính: Ha
Hạng mục | Năm 2006 | Năm 2010 | Năm 2015 | Năm 2020 |
Tổng đất lâm nghiệp | 934.039,0 | 894.500,0 | 890.000,0 | 885.000,0 |
1. Đất có rừng | 594.435,3 | 724.730,0 | 770.000,0 | 850.000,0 |
2. Đất trống | 339.603,7 | 169.770,0 | 120.000,0 | 35.000,0 |
- Rừng Đặc dụng | 62.978,7 | 62.978,7 | 62.978,7 | 62.978,7 |
+ Có rừng | 46.678,2 | 50.653,0 | 55.000,0 | 60.000,0 |
+ Đất trống | 16.300,5 | 12.325,7 | 7.978,7 | 2.978,7 |
- Rừng Phòng hộ | 423.992,7 | 423.992,7 | 423.992,7 | 423.992,7 |
+ Có rừng | 309093,4 | 348.446,0 | 380.000,0 | 391.971,0 |
+ Đất trống | 114.899,3 | 75.546,7 | 43.992,7 | 32.021,7 |
- Rừng sản xuất | 447.067,6 | 407.528,6 | 403.028,6 | 398.028,6 |
+ Có rừng | 238.663,7 | 325.631,0 | 335.000,0 | 398.028,6 |
+ Đất trống | 208.403,9 | 81.897,6 | 68.028,6 |
|
Qua các thời kỳ, diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ổn định là 451.970 ha, chiếm 34% tổng diện tích tự nhiên, đảm bảo an ninh môi trường đối với địa phương và toàn vùng.
1.1. Định hướng quy hoạch rừng phòng hộ
Tổng diện tích rừng phòng hộ là 423.992,6 ha trong đó cơ cấu các loại rừng phòng hộ: Rừng phòng hộ đầu nguồn 398.210,6 ha, chiếm 93,9% (bao gồm rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đà 300.621,3 ha, chiếm 75,5% và rừng phòng hộ đầu nguồn sông Mã 97.589,3 ha, chiếm 24,5%) và rừng phòng hộ bảo vệ môi trường 25.782,0 ha, chiếm 6,1%, (bao gồm rừng phòng hộ bảo vệ sinh thái môi trường: 2.323,0 ha; rừng phòng hộ biên giới 23.459,0 ha (rừng vành đai biên giới Việt - Lào).
1.2. Định hướng quy hoạch rừng đặc dụng
Tiếp tục củng cố, kiện toàn lại các khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha, Sốp Cộp, Tà Xùa, Copia với tổng diện tích rừng là: 62.988,7 ha chiếm 6,7% đất lâm nghiệp. Cần bảo vệ tốt phân khu bảo vệ nghiêm ngặt với diện tích 34.938,6 ha, phục hồi tốt 28.001,1 ha tại các phân khu phục hồi sinh thái và đặc biệt có các giải pháp tích cực nhằm ổn định dân cư sinh sống trong rừng và vùng đệm.
1.3. Định hướng quy hoạch rừng sản xuất
Tổng diện tích quy hoạch rừng sản xuất là 398.028,6 ha, chiếm 44,7% đất lâm nghiệp toàn tỉnh, bố trí theo các ngành hàng như sau:
- Rừng sản xuất nguyên liệu giấy diện tích: 143.228,9 ha (trong đó diện tích chưa có rừng 85.631 ha), trên địa bàn các huyện: Phù Yên, Bắc Yên và Mộc Châu.
- Rừng nguyên liệu ván nhân tạo: 19.854,0 ha (trong đó diện tích chưa có rừng 46.689 ha), phân bố hầu hết các huyện ven sông Đà và vùng dọc đường 6 và các trục chính giao thông của tỉnh.
- Rừng gỗ lớn: 225.705,7 ha (trong đó diện tích chưa có rừng 38.649 ha) tại các xã vùng sâu, vùng cao tại các huyện.
- Rừng đặc sản: 2.740,0 ha (trồng tre lấy măng, Sơn tra…) tại các xã của các huyện: Sông Mã, Sốp Cộp, Mộc Châu, Bắc Yên, Phù Yên, Mường La…
- Vườn cây, vườn rừng 6.500 ha tại các huyện: Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Bắc Yên.
2. Định hướng quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng theo các vùng trọng điểm kinh tế
2.1. Vùng kinh tế động lực Quốc lộ 6
- Phát triển rừng sản xuất quy mô tập trung là chính mỗi huyện quy hoạch 2.000 đến 3.000 ha để thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước gắn với các cơ sở chế biến ván nhân tạo.
- Xây dựng hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn, hành lang giao thông, phòng hộ môi trường gắn với du lịch sinh thái, trồng cây phân tán phục vụ nhu cầu gỗ, củi cho nhân dân.
- Phát triển các mô hình kinh tế trang trại, vườn rừng với tập đoàn cây lâm nghiệp, cây công nghiệp… góp phần hình thành cơ cấu kinh tế của vùng là: “nông - lâm - công nghiệp chế biến, vật liệu xây dựng thương mại và du lịch sinh thái”.
- Xây dựng các cơ sở chế biến ván nhân tạo, vừa và nhỏ tại Mộc Châu, Mai Sơn, Yên Châu, thị xã Sơn La và Thuận Châu.
2.2. Vùng lòng hồ sông Đà
- Tập trung phát triển rừng sản xuất quy mô công nghiệp cung cấp cho nguyên liệu giấy và các cơ sở chế biến ván nhân tạo.
- Xây dựng hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đà gắn với du lịch lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La. Xây dựng cơ sở chế biến ván nhân tạo quy mô vừa và nhỏ tại Phù Yên.
2.3. Vùng cao biên giới
- Xây dựng hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn, vành đai biên giới. Kết hợp phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng.
- Phát triển rừng sản xuất, trồng cây gỗ lớn, cây đặc sản, lâm sản ngoài gỗ.
- Xây dựng cơ sở chế biến tre măng ở Sốp Cộp, chế biến Sơn tra ở Bắc Yên và Mường La.
III. QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG ĐẾN NĂM 2020
Để đạt được mục tiêu đã xác định, khối lượng các hạng mục công việc bảo vệ và phát triển rừng theo từng giai đoạn như sau:
Hạng mục | Đơn vị | Theo giai đoạn | |||
Tổng | 2008-2010 | 2011-2015 | 2016-2020 | ||
1. Bảo vệ rừng | ha | 770.000,0 | 594.435,3 | 724.730,0 | 770.000,0 |
- Rừng đặc dụng | ha | 55.000,0 | 46.678,2 | 50.653,0 | 55.000,0 |
- Rừng phòng hộ | ha | 380.000,0 | 309.093,4 | 348.446,0 | 380.000,0 |
- Rừng sản xuất | ha | 335.000,0 | 238.663,7 | 325.631,0 | 335.000,0 |
2. Phát triển rừng | ha | 284.778,0 | 202.300,0 | 219.900,0 | 44.278,0 |
2.1 KN. Phục hồi rừng | ha | 180.000,0 | 180.000,0 | 180.000,0 |
|
- Rừng đặc dụng | ha | 15.900,5 | 15.900,5 | 15.900,5 |
|
- Rừng phòng hộ | ha | 88.207,9 | 88.207,9 | 88.207,9 |
|
- Rừng sản xuất | ha | 75.891,6 | 75.891,6 | 75.891,6 |
|
2.2. Cải tạo RTN nghèo kiệt | ha | 6.500,0 |
| 2.500,0 | 4.000,0 |
2.3. Trồng rừng mới | ha | 98.278,0 | 21.000,0 | 35.400,0 | 41.878,0 |
- Rừng đặc dụng | ha | 400,0 |
| 400,0 |
|
- Rừng phòng hộ | ha | 28.737,0 | 9.000,0 | 15.000,0 | 4.737,0 |
- Rừng sản xuất | ha | 69.141,0 | 12.000,0 | 20.000,0 | 37.141,0 |
2.4. Xây dựng VR. VQ | ha | 6.500,0 | 1.300,0 | 2.500,0 | 2.700,0 |
2.5. Trồng cây phân tán | Tr.cây | 23 | 3 | 10 | 10 |
2.6. Trồng lại rừng sau KT | ha | 24.700 | 4.000 | 8.500 | 12.200 |
3. Xây dựng CSHT |
|
|
|
|
|
3.1. Trung tâm giống |
| 1 | 1 |
|
|
3.2 Xây mới Vườn ươm | Vườn | 3 | 3 |
|
|
3.3. Nâng cấp vườn ươm | Vườn | 6 | 6 |
|
|
3.4. Trạm bảo vệ rừng | Trạm | 10 | 5 | 5 |
|
3.4. Chòi canh lửa rừng | Chòi | 8 | 4 | 4 |
|
3.5. Đường băng cản lửa | Km | 144 | 144 |
|
|
3.6. XD đường lâm nghiệp | Km | 130 | 20 | 110 |
|
3.7. XD cơ sở chế biến | cs | 4 |
| 2 | 2 |
4. Khai thác gỗ | m3 | 1.495.000 | 255.000 | 540.000 | 700.000 |
1. Quản lý bảo vệ rừng
1.1. Đối tượng: Bao gồm diện tích rừng hiện còn và diện tích khoanh nuôi phục hồi rừng và trồng rừng mới, cải tạo rừng, sau khi hết thời gian đầu tư xây dựng cơ bản.
1.2. Khối lượng
- Diện tích bảo vệ rừng: giai đoạn 2008 - 2010: 594.435 ha; giai đoạn 2011-2015: 724.730 ha, giai đoạn 2016 - 2020: 770.000 ha.
- Diện tích tạo rừng mới: 255.565 ha (chưa kể diện tích rừng cao su) trong đó rừng trồng mới là 98.978 ha; giai đoạn 2008 - 2010: 130.295 ha; giai đoạn 2011 -2015: 45.270 ha; giai đoạn 2016 - 2020: 80.000 ha.
2. Khôi phục và phát triển rừng
2.1. Khoanh nuôi phục hồi rừng
- Đối tượng: Diện tích đất trống Ic, Ib có mật độ cây tái sinh có triển vọng (H>1,5 m) > 1.000 cây/ha và những diện tích không đủ điều kiện trên, nhưng phân bố phân tán, cao, xa, dốc, xen kẽ trong rừng có khả năng nhận gieo giống tự nhiên.
- Khối lượng: Tổng diện tích phục hồi rừng là 180.000 trong đó: rừng đặc dụng: 15.900,5 ha; rừng phòng hộ: 88.207,9 ha, rừng sản xuất: 75.891,6 ha. Đến năm 2013 sẽ hoàn thành việc khoanh nuôi rừng.
2.2. Trồng rừng
a) Trồng rừng mới
- Đối tượng: Diện tích đất trống (Ia), nương rẫy không cố định, đất trống cây bụi (Ib), nhưng khả năng tái sinh kém (mật độ cây tái sinh có H< 50cm đạt < 1.000 cây/ha hoặc mật độ cây tái sinh triển vọng H.1,5 m, đạt dưới 300 cây/ha). Những diện tích gần các trục đường giao thông, các khu dân cư thuận lợi cho việc trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ và khai thác tiêu thụ sản phẩm (đối với rừng sản xuất).
- Khối lượng: Tổng diện tích trồng và chăm sóc rừng mới là: 98.278 ha, giai đoạn 2008 - 2010: 21.000 ha, giai đoạn 2011 - 2015: 35.400 ha, giai đoạn 2016 -2020: 41.878 ha. Trong đó:
+ Rừng đặc dụng: 400 ha.
+ Rừng phòng hộ: 28.737,0 ha, trong đó: đầu nguồn sông Đà: 15.295,3 ha; đầu nguồn sông Mã: 10.161,6 ha; phòng hộ môi trường sinh thái: 254,0 ha; phòng hộ biên giới Việt Lào tỉnh Sơn La: 3.026,0 ha.
+ Rừng sản xuất: 69.141 ha, trong đó: rừng nguyên liệu giấy: 27.130 ha; rừng nguyên liệu ván nhân tạo: 30.445,0 ha; rừng gỗ lớn: 8.827 ha và trồng rừng đặc sản: 2.740 ha.
b) Trồng lại rừng sau khai thác
- Đối tượng: Diện tích rừng trồng trong rừng sản xuất đến tuổi thành thục công nghệ, sau khi khai thác.
- Khối lượng: Đến năm 2020, sẽ khai thác và trồng lại tổng cộng 24.700 ha trong đó 20.200 ha rừng trồng hiện có và 4.500 ha rừng trồng giai đoạn 2008 - 2010. Bình quân 1.500 - 2.000 ha/năm.
2.3. Cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt
Điều kiện, đối tượng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 99/2006/TT-BNN ngày 06 tháng 11 năm 2006 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg , ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.
- Khối lượng: Tổng diện tích: 6.500 ha.
- Tiến độ thực hiện: Giai đoạn 2011 - 2015: 2.500 ha; giai đoạn 2016 - 2020: 4.000 ha.
2.4. Xây dựng vườn rừng vườn quả
- Đối tượng: Diện tích đất chưa có rừng, diện tích nương không cố định quy hoạch lâm nghiệp, gần các khu dân cư, có điều kiện trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác, tiêu thụ.
- Diện tích: Tổng diện tích: 6.500 ha, thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất.
- Tiến độ thực hiện: Giai đoạn 2008 - 2010: 1.300 ha; giai đoạn 2011 - 2015: 2.500 ha và giai đoạn 2016 - 2018: 2.700 ha.
2.5. Trồng cây phân tán
Để giải quyết các nhu cầu về củi đun, gỗ gia dụng và cung cấp một phần gỗ nguyên liệu cho các làng nghề, tiến hành trồng cây phân tán trên các diện tích vườn hộ gia đình, đất công cộng, công sở, trường học, các khu công nghiệp, đất xen kẽ khu dân cư, đường giao thông nông thôn, kênh, mương…
- Giai đoạn 2008 - 2010, bình quân trồng từ 1 triệu cây/ năm.
- Giai đoạn 2011 - 2015 và sau năm 2015 đến năm 2020, bình quân trồng toàn tỉnh đạt 2,0 triệu cây/ năm.
3. Khai thác rừng
3.1. Khai thác tận dụng trong rừng phòng hộ
a) Khai thác tận dụng trong rừng tự nhiên phòng hộ
- Đối tượng khai thác: Rừng giàu và rừng trung bình. Hàng năm có thể khai thác tận dụng trong 10% diện tích.
- Sản lượng tận dụng: Dự kiến sản lượng khai thác tận dụng 3.000 m3/ năm.
b) Khai thác cây phù trợ trong rừng trồng phòng hộ
- Đối tượng khai thác: Hiện có 7.119 ha rừng trồng hỗn giao, thuần loại có trữ lượng. Hàng năm có thể khai thác các lô rừng đã đến tuổi thành thục tự nhiên, dự kiến 10% tổng diện tích rừng trồng có trữ lượng tương đương 700 ha.
- Sản lượng khai thác: Dự kiến sản lượng khai thác 10.000 m3/năm.
3.2. Khai thác rừng sản xuất
a) Khai thác chính rừng tự nhiên
- Đối tượng khai thác: Rừng giàu và rừng trung bình có thể khai thác chính. Hàng năm có thể khai thác 5% diện tích, tương đương 425 ha.
- Sản lượng khai thác: Dự kiến khai thác chọn 18-20% trữ lượng cây đứng, tương đương 15m3/ha, sản lượng 5.000 m3/năm.
b) Khai thác tận dụng gỗ trong cải tạo rừng nghèo kiệt: Tiêu chí rừng tự nhiên nghèo kiệt được phép khai thác theo Thông tư số 99/2006/TT-BNN , ngày 06 tháng 11 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Sản lượng gỗ tận dụng từ 2010 đến 2020 diện tích cải tạo 6.500 ha, dự kiến 10m3/ha, tương đương 65.000m3.
c) Khai thác rừng trồng: Đối tượng là diện tích rừng trồng đến tuổi thành thục công nghệ (trồng sau 7 - 8 năm). Hiện có 20.234,7 ha và rừng trồng 4.500 ha rừng trồng giai đoạn 2008 - 2010. Hàng năm tiến hành khai thác bình quân 1.500 - 2.000 ha, bình quân mỗi ha đạt 50 m3/ha, sản lượng từ 75.000 - 100.000 m3/năm. Như vậy sản lượng gỗ khai thác bình quân theo từng thời kỳ từ 85.000 m3 đến 140.000 m3, đủ đảm bảo cho nhu cầu và phát triển kinh tế của tỉnh.
3.3. Khai thác lâm sản ngoài gỗ
Khai thác tre, nứa ở rừng sản xuất là rừng tự nhiên và một phần trong rừng phòng hộ, bình quân hàng năm từ 6 - 8 triệu cây. Khai thác Song, Mây, Măng, Dược liệu… khoảng 100 tấn/năm.
4. Chế biến và tiêu thụ lâm sản
4.1. Giai đoạn 2008 - 2010
Củng cố, nâng cấp, đầu tư có chiều sâu, nâng cao công suất và chất lượng sản phẩm của 3 cơ sở chế biến lâm sản (Mộc Châu, Phù Yên, Sơn La) bằng giải pháp đổi mới công nghệ, đầu tư trang thiết bị tiên tiến hiện đại. Sắp xếp lại các cơ sở chế biến gỗ gia dụng quy mô nhỏ tại tất cả các huyện.
4.2. Giai đoạn 2011 - 2020
Khi diện tích rừng trồng đi vào khai thác ổn định, xem xét năng lực sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp chế biến để phát triển các cơ sở chế biến hướng vào ván ghép, ván dăm, gỗ xây dựng, sản xuất bột giấy:
+ Xây dựng 4 cơ sở chế biến ván nhân tạo vừa và nhỏ tại Mai Sơn, Mộc Châu, Phù Yên, Thuận Châu, công suất: 20.000 - 30.000 tấn/năm/cơ sở;
+ Mở rộng, nâng cấp cơ sở chế biến Sơn tra ở Mường La, Bắc Yên; Xây dựng cơ sở chế biến măng tre ở Sốp Cộp.
Về thị trường tiêu thụ lâm sản hướng tập trung vào thị trường nội địa (sản phẩm giấy cho nhà máy giấy Bãi Bằng), ván nhân tạo, đồ mộc gia dụng và các sản phẩm khác phục vụ thị trường trong tỉnh và vùng đồng bằng Bắc bộ. Đồng thời tích cực khai thác thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường các tỉnh Bắc Lào, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
5. Dịch vụ môi trường rừng
5.1. Quy hoạch dịch vụ môi trường rừng
a) Giai đoạn: 2008 - 2010
Triển khai thực hiện chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định số 380/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn các huyện, thị xã thuộc lưu vực sông Đà.
- Loại hình dịch vụ môi trường rừng thí điểm gồm: Dịch vụ về điều tiết và cung ứng nguồn nước; dịch vụ về bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, chống bồi lắng lòng hồ, dịch vụ về du lịch.
- Các chủ rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng: Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng.
b) Giai đoạn 2011- 2015 hướng đến 2020
Diện tích quy hoạch dịch vụ môi trường rừng 724.730 ha.
5.2. Dự kiến nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng
- Giai đoạn: 2008 - 2010: Bình quân 1 năm đạt 60-80 tỷ đồng.
- Giai đoạn: 2011 - 2015: Bình quân hàng năm đạt 100 tỷ đồng.
- Giai đoạn: 2016 - 2020: Bình quân hàng năm đạt 120-150 tỷ đồng.
6. Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ lâm sinh
6.1. Xây dựng vườn ươm, chuyển hoá rừng giống
- Xây dựng trung tâm nuôi cấy mô và dâm hom công suất 3 - 5 triệu cây/năm. Xây dựng mới 3 vườn ươm cơ giới tại các huyện: Quỳnh Nhai, Sốp Cộp, Bắc Yên, quy mô vườn từ 1 - 1,5 ha, sản xuất từ 1,5 - 2,0 triệu cây/năm để phục vụ trồng rừng và trồng cây phân tán.
- Đầu tư mở rộng nâng cấp công suất các vườn ươm hiện có lên 1,5 triệu cây/năm tại các huyện: Yên Châu, Thuận Châu, Mường La, Phù Yên, Mộc Châu, Sông Mã và Mai Sơn, vườn ươm của Công ty giống cây trồng Sơn La.
- Nguồn hạt giống các loài cây bản địa một phần thu hái tại các khu rừng giống đã được tuyển chọn tại các địa phương: rừng giống Thông 3 lá ở Phù Yên, quy mô 10 ha; rừng giống Sơn Tra tại Bắc Yên, quy mô 10 ha và rừng giống Vối thuốc tại Yên Châu, Mai Sơn, Sốp Cộp, quy mô mỗi nơi 10 ha.
- Tiến độ thực hiện: Giai đoạn: 2008 - 2010.
6.2. Xây dựng trạm bảo vệ và chòi canh rừng
- Trạm bảo vệ: Xây dựng thêm 10 trạm bảo vệ rừng tại các khu vực rừng tập trung: Mộc Châu, Phù Yên, Sông Mã, Mường La, Thuận Châu, Mai Sơn và tại 4 khu bảo tồn thiên nhiên.
- Chòi canh lửa rừng: 8 chòi tại Mường La, Thuận Châu, Sông Mã, Mai Sơn và 4 khu bảo tồn thiên nhiên.
- Tiến độ thực hiện: Giai đoạn: 2008 – 2010.
- Hệ thống đường băng cản lửa 144 km, trong đó đường băng xanh 84 km ỏ Sông Mã, Thị xã, Yên Châu, Quỳnh Nhai, Bắc Yên, Mai Sơn, và 4 khu bảo tồn. Đường băng trắng 60 km ở 11 huyện thị và 4 khu bảo tồn.
6.3. Xây dựng hệ thống đường lâm nghiệp
- Khối lượng xây dựng: Tính bình quân từ 1-2 km/1.000 ha (tương đương với 1 tiểu khu, tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn miền núi).
- Tổng nhu cầu: khoảng 130 km, gồm: Huyện Sốp Cộp: 16,5 km; Sông Mã: 9,5 km; Mộc Châu: 17,5 km; Yên Châu: 14,0 km; Phù Yên: 9,8 km; Bắc Yên: 14,3 km; Mường La: 12,0 km; Mai Sơn: 8,7 km; Quỳnh Nhai: 11,8 km; thị xã Sơn La: 5,4 km và Thuận Châu: 15,9 km.
- Tiến độ thực hiện:
+ Giai đoạn: 2009 - 2010: 20 km, bình quân 10 km/năm.
+ Giai đoạn: 2011 - 2015: 110 km, bình quân 22 km/năm.
7. Các dự án ưu tiên
- Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (661).
- Dự án phát triển lâm nghiệp Hoà Bình - Sơn La (KFW7).
- Dự án bảo vệ và khôi phục rừng phòng hộ lưu vực Sông Đà tại 9 huyện, Thị xã: Mộc Châu, Phù Yên, Yên Châu, Bắc Yên, Mai Sơn, Thị xã, Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu.
- Dự án phát triển cây cao su tại các huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2007-2011 và tầm nhìn đến năm 2020.
- Dự án bảo vệ và phát triển rừng vành đai biên giới Việt - Lào tại các xã vùng biên giới huyện Mộc Châu, Yên Châu, Sông Mã, Sốp Cộp.
- Dự án xây dựng các khu rừng phòng hộ tập trung thuộc lưu vực sông Đà, sông Mã gắn với thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ các huyện, thị xã.
- Dự án thực hiện cấp lương thực cho đồng bào dân tộc thiểu số trồng rừng trên đất lâm nghiệp để thay thế nương rẫy năm 2008 đến 2012 (trước mắt 2008 - 2010 thí điểm tại 15 bản trên địa bàn tỉnh).
- Đề án bảo vệ và PT rừng kinh tế vùng Tây Bắc.
- Đề án thí điểm chi trả dịch vụ môi trường theo Quyết định số 380/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ triển khai trên địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Phù Yên.
- Đề án phát triển rừng sản xuất gắn với công nghiệp chế biến giai đoạn 2008-1010 và đến năm 2020.
- Đề án phát triển cây tre măng gắn với công nghiệp chế biến.
8. Khái toán vốn đầu tư
* Tổng vốn đầu tư: 2.926.801,0 triệu đồng. Trong đó:
Giai đoạn: 2008 - 2010: 636.117,4 triệu đồng.
Giai đoạn: 2011 - 2015: 1.162.548,5 triệu đồng.
Giai đoạn: 2016-2020: 1.128.135,2 triệu đồng.
a) Phân theo mục đầu tư, giai đoạn đầu tư
+ Vốn bảo vệ rừng: 925.695,6 triệu đồng, chiếm 31,6%.
Giai đoạn: 2008 - 2010: 178.330,6 triệu đồng.
Giai đoạn: 2011 - 2015: 362.356,0 triệu đồng.
Giai đoạn: 2016 - 2020: 385.000,0 triệu đồng.
+ Vốn phát triển rừng: 1.348.232,0 triệu đồng, chiếm 46,1%.
Giai đoạn: 2008 - 2010: 278.800 triệu đồng.
Giai đoạn: 2011 - 2015: 481.400 triệu đồng.
Giai đoạn: 2016 - 2020: 588.032 triệu đồng.
+ Vốn xây dựng cơ sở hạ tầng là: 297.408,0 triệu đồng, chiếm 10,1%.
Giai đoạn: 2008 - 2010: 50.958 triệu đồng.
Giai đoạn: 2011 - 2015: 176.450 triệu đồng.
Giai đoạn: 2016 - 2020: 70.000 triệu đồng.
+ Trợ cấp lương thực: 127.840 triệu đồng, chiếm 4,4%;
Giai đoạn: 2008 - 2010: 75.200 triệu đồng.
Giai đoạn: 2011 - 2015: 52.640 triệu đồng.
+ Vốn quản lý: 227.625,5 triệu đồng, chiếm 7,8%.
Giai đoạn: 2008 - 2010: 52.828,8 triệu đồng.
Giai đoạn: 2011 - 2015: 89.693,5 triệu đồng.
Giai đoạn: 2016 - 2020: 85.103,2 triệu đồng.
b) Phân theo nguồn
+ Vốn ngân sách: 910.728,0 triệu đồng, chiếm 31,1% tổng vốn đầu tư (Ngân sách Trung ương 819.655,0 triệu đồng chiếm 90%, ngân sách điạ phương 91.072,0 triệu đồng chiếm 10%);
+ Vốn Viện trợ nước ngoài: 134.079,0 triệu đồng chiếm 4,6% tổng vốn đầu tư (hiện dự án KFW7 với số vốn đầu tư 70 tỷ);
+ Vốn của doanh nghiệp: 1.029.450,0 triệu đồng, chiếm 35,2% tổng vốn đầu tư;
+ Vốn của cá nhân, hộ gia đình 852.543,0 triệu đồng, chiếm 29,1%.
IV. CÁC GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giải pháp về chính sách quản lý rừng và đất lâm nghiệp
Xác lập các lâm phận phòng hộ đầu nguồn ổn định trên địa bàn tỉnh giao cho Ban quản rừng phòng hộ các huyện, thị xã và triển khai kế hoạch cắm mốc ranh giới 3 loại rừng trên thực địa; rà soát lại quỹ đất lâm nghiệp, thu hồi diện tích đất đã được giao chưa đúng đối tượng và sử dụng không đúng mục đích, giao lại cho các thành phần kinh tế khác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Chỉ đạo xây dựng các dự án đầu tư trồng rừng sản xuất, nguyên liệu công nghiệp tập trung, liền vùng, liền khoảnh tại một số huyện để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Rà soát, bổ sung quy ước bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với các quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; tiếp tục thử nghiệm và nhân rộng các mô hình quản lý rừng cộng đồng trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý rừng và cơ chế hưởng lợi cho các thành phần kinh tế; phù hợp với đặc điểm, tình hình tại địa phương.
Tăng cường phân cấp quản lý nhà nước về rừng cho chính quyền cấp huyện và xã. Quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của chủ rừng, chính quyền các cấp, các cơ quan thừa hành pháp luật, nếu để mất rừng, phá rừng sẽ xử lý nghiêm và kịp thời theo pháp luật.
2. Chính sách tài chính và tín dụng
Tăng ngân sách đầu tư của Nhà nước cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, nghiên cứu khoa học, khuyến lâm, đào tạo nguồn nhân lực... và đầu tư thích đáng cho xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp theo các chương trình, dự án của Chính phủ tại Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2007; Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ. Hỗ trợ trồng các loài cây quý hiếm, cây có chu kỳ kinh doanh dài và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp, chủ yếu là đường lâm nghiệp, công trình và thiết bị phòng, chống cháy rừng, ưu tiên cho các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung.
Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng và chế biến lâm sản. Triển khai thực hiện thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh.Thành lập quỹ bảo vệ và phát triển rừng và có cơ chế quản lý, sử dụng quỹ hợp lý, nhằm đẩy nhanh quá trình xã hội hoá nghề rừng và ngành lâm nghiệp. Thực hiện chính sách trợ cấp lương thực cho đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện chuyển đổi từ canh tác nương rẫy trên đất lâm nghiệp sang trồng rừng trong thời gian chưa có thu nhập từ rừng.
3. Đổi mới tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển lâm nghiệp
Tiếp tục đổi mới sắp xếp lại các lâm trường quốc doanh theo Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường Quốc doanh, đối với các đơn vị đang hoạt động có hiệu quả, đủ điều kiện chuyển sang công ty lâm nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất làm hạt nhân cho phát triển ngành, đồng thời thành lập mới các Ban quản lý rừng phòng hộ các huyện, thị xã để quản lý các khu rừng phòng hộ tập trung.
Kiện toàn các Ban quản lý rừng đặc dụng và Ban quản lý rừng phòng hộ Thuận Quỳnh. Các Ban quản lý là chủ rừng đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn và làm dịch vụ cung ứng giống, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho nhân dân các dân tộc trong vùng. Chú trọng phát triển hình thức sản xuất lâm nghiệp hộ gia đình, trang trại, cộng đồng bản và hợp tác xã. Cần hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông, lâm kết hợp nhằm hạn chế thấp nhất canh tác nương rẫy trên đất lâm nghiệp. Tổ chức thực hiện chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế vào đầu tư kinh doanh rừng và chế biến lâm sản, đơn giản hoá các thủ tục khai thác, lưu thông lâm sản.
4. Giải pháp về quản lý quy hoạch
Tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, xác định ổn định các lâm phần (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất), xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển cho từng loại rừng phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, từng huyện, từng xã.
Căn cứ quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh tiến hành xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện và cấp xã. Nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng các cấp. Các dự án lâm nghiệp phải lồng ghép với các dự án xoá đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn.
Quy hoạch và phát triển công nghiệp chế biến gắn với thị trường tiêu thụ lâm sản; rà soát và xây dựng các vùng trồng rừng nguyên liệu công nghiệp tập trung. Cần có kế hoạch thay thế các diện tích rừng trồng có năng suất thấp. Chú trọng quy hoạch phát triển các nghề sản xuất, chế biến lâm sản quy mô nhỏ và các trang trại lâm nghiệp địa phương có thế mạnh.
Tăng cường công tác quản lý sau quy hoạch, tiến hành rà soát và bổ sung mốc giới nương rẫy phân định giữa đất nông nghiệp và đất rừng. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Tiến hành thống kê, kiểm kê và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng gắn với thống kê, kiểm kê đất đai. Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu quản lý tài nguyên rừng, áp dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện chất lượng điều tra quy hoạch rừng.
5. Giải pháp về tổ chức quản lý ngành
Củng cố và tăng cường hệ thống quản lý nhà nước về lâm nghiệp từ tỉnh đến huyện và xã theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phát huy vai trò của chính quyền cơ sở. Kiện toàn và nâng cao năng lực quản lý các chương trình, dự án, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các dự án, đảm bảo đạt hiệu quả cao, các xã có rừng thành lập Ban phát triển rừng xã và Ban phát triển rừng bản.
Tổ chức sắp xếp lại hệ thống lực lượng Kiểm lâm theo Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ; Quyết định số 83/2007/QĐ-BNN ngày 04 tháng 10 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đưa kiểm lâm viên về địa bàn xã; xây dựng lực lượng kiểm lâm trong sạch vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ rừng. Khuyến khích và hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, hội sản xuất kinh doanh lâm nghiệp, chế biến và xuất nhập khẩu lâm sản.
6. Giải pháp về khoa học công nghệ
Tập trung nghiên cứu khảo nghiệm, chọn lọc và bổ sung tập đoàn cây trồng phù hợp với điều kiện hệ sinh thái từng vùng, từng loại rừng, từng lập địa, ưu tiên phát triển các loài cây đa mục đích; xây dựng hệ sinh thái rừng nhiều tầng kết hợp cây phòng hộ, cây kinh tế, cây công nghiệp, cây ăn quả và lâm sản ngoài gỗ. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ tin học vào công tác quản lý, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, theo dõi công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
7. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
Đào tạo bồi dưỡng chuẩn hoá các chức danh trong quản lý Nhà nước về lâm nghiệp các cấp, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho các địa phương, coi trọng đào tạo con em các dân tộc và cán bộ lâm nghiệp ở các vùng sâu, vùng xa.
Thu hút các cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi để bổ sung cho các cơ quan trong ngành lâm nghiệp của tỉnh. Nâng cao năng lực cho các thành phần kinh tế làm nghề rừng thông qua đào tạo tại chỗ, ngắn hạn và khuyến lâm, từng bước nâng cao năng lực tự xây dựng, thực hiện và giám sát kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.
Đưa nội dung khuyến nông, khuyến lâm đến tất cả các cấp học phổ thông. Thành lập các hội làm vườn, làm rừng, từ đó chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tới người dân. Xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn trên cơ sở ưu tiên đào tạo nông dân làm nghề rừng, công nhân lâm nghiệp và thợ thủ công trong các làng nghề.
8. Hỗ trợ của các ngành và hợp tác quốc tế
Tăng cường hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế như: WB, ADB, KFW, JICA, JBIC, thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thu hút nguồn vốn ODA của các nước , tổ chức phi Chính phủ đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh PT lâm nghiệp.
Hợp tác với các tỉnh của nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào có đường biên giới chung với tỉnh Sơn La trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Lồng ghép các dự án phát triển lâm nghiệp với các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn để bảo vệ và phát triển rừng, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo cho nhân dân các dân tộc.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức thực hiện quy hoạch, bảo vệ và phát triển rừng; đưa các nội dung của quy hoạch vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh hàng năm;
Tổ chức công bố công khai quy hoạch được phê duyệt. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã thực hiện các giải pháp trong quy hoạch.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối và bố trí vốn, tính toán các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác để thực hiện có hiệu quả các nội dung của quy hoạch, được duyệt.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã rà soát quy hoạch sử dụng đất và giao, cho thuê đất lâm nghiệp phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng.
4. Cục Thống kê phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bên liên quan xác định nội dung, tiêu chí và chỉ số giám sát đánh giá ngành lâm nghiệp; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện thống kê, kiểm kê rừng và nghiên cứu về những đóng góp về kinh tế, môi trường.
5. Các sở, ngành khác có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung của quy hoạch liên quan đến ngành mình. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy hoạch thông qua việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển lâm nghiệp trên địa bàn huyện và xã. Các dự án lâm nghiệp tại địa phương phải lồng ghép với các dự án xoá đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; Thủ trưởng các ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.