ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2148/2005/QĐ-UBND | Đông Hà, ngày 09 tháng 09 năm 2005 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2010
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 05/01/2004 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010;
- Căn cứ Quyết định số 972/2004/QĐ-UB ngày 13/4/2004 của UBND tỉnh về việc Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 của Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ (khóa XIII) về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010;
- Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 327/LĐTBXH-ĐTN ngày 01/4/2005,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010.
Điều 2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện đề án này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban ngành, Đoàn thể liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UBND TỈNH QUẢNG TRỊ |
KẾ HOẠCH
ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2148/ 2005 /QĐ-UBND Ngày 09 tháng 09 năm 2005 của UBND tỉnh)
Đào tạo nghề cho người lao động giữ một vị trí quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực của đất nước, đây là một đòi hỏi vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược nhằm tạo ra nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sản xuất.
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của giáo dục và đào tạo, công tác dạy nghề luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đầu tư, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có cơ hội được học nghề, tìm được việc làm. Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IX là:
- Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và phương thức đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng cao, đặc biệt là trong các ngành kinh tế, kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao. Gắn việc hình thành các khu công nghiệp, khu công nghệ cao với hệ thống các trường đào tạo nghề. Phát triển nhanh và phân bố hợp lý hệ thống trường dạy nghề trên địa bàn cả nước; mở rộng các hình thức đào tạo nghề đa dạng, linh hoạt, năng động. Số học sinh công nhân kỹ thuật tăng 11 - 12%/năm.
- Tăng ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo theo nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Hiện đại hóa một số trường dạy nghề, tăng nhanh tỷ lệ lao động được đào tạo trong toàn bộ lao động xã hội, khuyến khích phát triển hệ thống trường, lớp dạy nghề dân lập và tư thục, trang bị cho thanh niên kiến thức sản xuất, kỹ năng lao động và năng lực tiếp thu công nghệ mới để tự tạo việc làm, chủ động tìm kiếm cơ hội lập thân, lập nghiệp.
Quảng Trị là một tỉnh có số lượng lao động dồi dào. Năm 2004 có 310.500 người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề chỉ đạt 15,55%, số còn lại 84,45% chưa được qua đào tạo nghề. Phần lớn số lao động này, nhất là số lao động công nhân kỹ thuật được đào tạo trong thời kỳ kinh tế bao cấp, đến nay trước yêu cầu của khoa học công nghệ mới thì chưa theo kịp với công việc, một bộ phận phải bố trí trái ngành nghề nhưng chưa được đào tạo lại. Trên thực tế, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp đều là lao động phổ thông học nghề bằng hình thức kèm cặp, không qua một hệ thống trường lớp đào tạo cơ bản, không có chứng chỉ hoặc bằng nghề, nhất là trong các ngành công nghiệp cơ khí và công nghiệp xây dựng, sản xuất VLXD.... Lao động trong các ngành công nghiệp của tỉnh còn thiếu cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân lành nghề và thợ bậc cao. Mặt khác, các doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc tổ chức đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho người lao động.
Xác định đào tạo nghề là một nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay nên những năm gần đây, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã từng bước chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, đặc biệt là dạy nghề cho nông dân và đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp đến 2010, thể hiện bằng việc UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2839/2003/QĐ-UB ngày 04/12/2003 về việc ban hành Kế hoạch đào tạo nghề nông thôn, giai đoạn 2003-2010 và Quyết định số 3205/2004/QĐ-UB ngày 15/11/2004 về thu hút đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2010, có tính đến năm 2020 theo Nghị quyết số 13 của Tỉnh ủy.
Phần I
THỰC TRẠNG VỀ CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP VÀ LAO ĐỘNG TRONG CÔNG NGHIỆP
1. Số lượng cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (TTCN):
Đơn vị tính: Cơ sở
PHÂN LOẠI | 2000 | 2001 | 2002 | 2003 | 2004 |
1. Công nghiệp khai thác | 355 | 376 | 332 | 285 | 317 |
2. Công nghiệp chế biến | 5.303 | 5.496 | 5.983 | 6.079 | 5.904 |
Trong đó: |
|
|
|
|
|
- Sản xuất thực phẩm và đồ uống | 2.609 | 2.378 | 2.816 | 2.830 | 2.784 |
- Sản xuất trang phục | 1.146 | 1.219 | 1.113 | 1.090 | 1.025 |
- Sản xuất sản phẩm bằng da, giả da | 129 | 103 | 103 | 99 | 67 |
- Sản suất sản phẩm gỗ và lâm sản | 97 | 375 | 286 | 306 | 226 |
- Xuất bản, in và sao bản ghi | 13 | 14 | 15 | 23 | 20 |
- SX sản phẩm khoáng, phi kim loại | 199 | 210 | 244 | 222 | 223 |
- Sản xuất các sản phẩm từ kim loại | 397 | 416 | 446 | 479 | 479 |
- Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế | 666 | 720 | 892 | 901 | 905 |
- Sản xuất các sản phẩm khác | 47 | 61 | 68 | 129 | 135 |
3. Công nghiệp sản xuất & phân phối điện, khí đốt và nước. | 2 | 2 | 2 | 2 | 2 |
Trong đó: |
|
|
|
|
|
- Sản xuất phân phối điện, ga | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 |
- Sản xuất và phân phối nước | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 |
Tổng số | 5.660 | 5.874 | 6.317 | 6.366 | 6.223 |
Số lượng cơ sở công nghiệp - TTCN trên địa bàn tỉnh, nhìn chung còn ít, chậm phát triển do sự tác động và chi phối của quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường. Bên cạnh một số doanh nghiệp quốc doanh đang hoạt động, nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh ra đời nhưng sự phát triển chưa ổn định và hiệu quả chưa cao. Phần lớn các cơ sở công nghiệp có quy mô nhỏ bé. Chưa có các công trình công nghiệp lớn mang tính mũi nhọn, tạo bước ngoặc cho phát triển công nghiệp của tỉnh nhà.
2. Tình hình sản xuất công nghiệp - TTCN:
- Từ năm 1996, với chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nhiều thành phần, nhiều cơ sở sản xuất tư nhân được thành lập với quy mô ngày càng lớn. Đồng thời, các cơ sở quốc doanh cũng được sắp xếp, tổ chức lại và đổi mới theo hướng phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Quy mô đầu tư ngày càng lớn hơn, số lượng cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng (Từ 5.660 cơ sở năm 2000 lên 6.223 cơ sở năm 2004, tăng 9,9%).
- Hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp trong những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng ngày càng cao: Giai đoạn 1995-1999: tăng từ 162.302 triệu đồng lên 309.686 triệu đồng, tăng bình quân 10,48%/năm; Giai đoạn 2000-2003: tăng từ 377.079 triệu đồng lên 652.685 triệu đồng, tăng bình quân 12,9%/năm. Trong đó, giá trị sản xuất của công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng từ 35%-36% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Công nghiệp khai thác khoáng sản có tốc độ tăng trưởng bình quân cao: 33,37%, bao gồm các sản phẩm chủ yếu là titan, đá...
Công nghiệp ngoài quốc doanh có giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng ngày càng cao (năm 2001 chiếm 53,22% và năm 2005 khả năng chiếm 60,98% trong giá trị công nghiệp địa phương). Tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực đầu tư nước ngoài cao hơn cả, đạt 91,62%. Nguyên nhân chủ yếu là do một số dự án FDI đi vào ổn định từ năm 2003 đến nay như công ty nước giải khát Super Horse (Thái Lan), công ty cao su Camel (Thái Lan), công ty chế biến hồ tiêu VREMIA (Giờ Nga), nhưng giá trị tuyệt đối của khu vực này còn quá nhỏ bé so với các tỉnh khác trong khu vực.
- Những năm qua, lãnh đạo tỉnh và các ngành đã chú trọng nhiều trong việc đề ra các giải pháp khuyến khích và kêu gọi đầu tư nên gần đây đã có các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đăng ký hoạt động trên địa bàn Quảng Trị. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh được xây dựng trong Khu công nghiệp Nam Đông Hà và Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo. Một số doanh nghiệp đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư các cơ sở sản xuất đạt trình độ công nghệ khá (nhựa, giấy). Nhiều sản phẩm được sản xuất không hoàn toàn dựa vào nguyên liệu tại địa phương như sản phẩm của chế biến gỗ, các sản phẩm nhựa, quạt điện, giấy...
- Sản xuất TTCN phát triển đa dạng trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực như chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, sửa chữa cơ khí, dịch vụ điện, điện tử, may mặc... Một số ngành nghề truyền thống đang được phục hồi và phát triển như: Đan lát Lan Đình (Gio Linh), Phương Ngạn (Triệu Phong); Nón lá Bố Liêu (Triệu Phong), Trà Lộc (Hải Lăng); Bún bánh Phường Lang (Hải Lăng), Cam An (Cam Lộ); Đan lưới Thâm Khê (Hải Lăng); Rượu Kim Long (Hải Lăng); Giá đỗ Đông Thanh (Đông Hà)... Đồng thời đã phát triển thêm một số ngành nghề mới như sản xuất các sản phẩm mộc cao cấp, nhôm gia dụng, quạt điện, sản phẩm nhựa, giấy bao bì, sản xuất nấm công nghiệp..., góp phần khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Tuy nhiên, do vị trí địa lý không thuận lợi, xa các trung tâm kinh tế lớn, cơ sở hạ tầng kinh tế thấp kém, nền công nghiệp còn nhỏ bé về quy mô và số lượng, công nghệ và thiết bị lạc hậu. Hình thức tổ chức sản xuất của ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh những năm qua chủ yếu là các công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Hình thức hợp tác xã chưa được chú trọng phát triển. Các doanh nghiệp hầu hết có quy mô sản xuất nhỏ, vốn đầu tư thấp nên sản phẩm chưa có sức cạnh tranh trên thị trường.
3. Lực lượng lao động trong công nghiệp:
3.1. Lao động công nghiệp hiện có (Phân theo thành phần kinh tế):
Đơn vị tính: Người
| 2000 | 2001 | 2002 | 2003 | 2004 |
Tổng số | 12.069 | 13.393 | 13.725 | 15.392 | 15.723 |
Quốc doanh TW | 373 | 383 | 423 | 430 | 435 |
Quốc doanh địa phương | 1.806 | 1.805 | 1.865 | 1.679 | 1.620 |
Ngoài quốc doanh | 9.865 | 11.137 | 11.388 | 13.231 | 13.530 |
DN có vốn đầu tư nước ngoài | 25 | 68 | 49 | 52 | 138 |
3.2. Lao động công nghiệp hiện có (Phân theo ngành kinh tế):
Đơn vị tính: Người
Ngành công nghiệp | 2000 | 2001 | 2002 | 2003 | 2004 |
Tổng số | 12.069 | 13.393 | 13.725 | 15.392 | 15.723 |
1. Công nghiệp khai thác | 1.320 | 1.544 | 1.590 | 1.630 | 1.673 |
2. Công nghiệp chế biến | 10.236 | 11.292 | 11.546 | 13.142 | 13.415 |
3. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước . | 513 | 557 | 589 | 620 | 635 |
Nhìn chung, lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật đang hoạt động công nghiệp thấp, chủ yếu là lao động giản đơn, thiếu các nghệ nhân, thợ giỏi, thiếu cán bộ có trình độ quản lý kinh doanh, nắm bắt thông tin về thị trường. Đặc biệt, lao động có tay nghề đã qua đào tạo để cung cấp cho các doanh nghiệp hiện nay đang quá thiếu.
Về cơ cấu đào tạo giữa lao động có trình độ đại học, cao đẳng trở lên với lao động có trình độ trung cấp và công nhân kỹ thuật ở tỉnh ta còn bất hợp lý (trình độ phổ thông chiếm 84,41%, cao đẳng 0,55%, đại học 1,22%, trên đại học 0,16%. Công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ có 9.067 người, trung học chuyên nghiệp 13.038 người, cao đẳng trở lên 8.210 người). Đó là một trong những nguyên nhân khó khăn cho việc cung ứng lao động kỹ thuật khi có nhu cầu sử dụng lao động ở trong và ngoài tỉnh.
Năm 2004, số lao động làm việc trong các ngành sản xuất công nghiệp - xây dựng có 31.891 người. Trong đó công nghiệp có 15.723 người, chiếm 49,3% số lao động làm việc trong các ngành sản xuất công nghiệp - xây dựng và chiếm 5,06% số người trong độ tuổi lao động (310.500 người) toàn tỉnh.
Lực lượng lao động trong công nghiệp so với năm 1995 tăng lên đáng kể, từ 9.520 người năm 1995 lên 15.723 người năm 2004, bình quân tăng 11,8%/năm. Trong đó, lực lượng lao động ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm từ 77,43% năm 1995 lên 86,0% năm 2004 so với lao động công nghiệp chung toàn tỉnh.
4. Kết quả đào tạo nghề:
4.1. Số cơ sở dạy nghề hiện có và kết quả dạy nghề qua các năm:
| 1999 | 2000 | 2001 | 2002 | 2003 | 2004 |
1. Số trường dạy nghề | 1 | 1 | 1 | 2 | 2 | 2 |
Trong đó: - Công lập | 1 | 1 | 1 | 2 | 2 | 2 |
- Ngoài công lập |
|
|
|
|
|
|
- Thuộc doanh nghiệp |
|
|
|
|
|
|
2. Số trường CĐ-THCN có dạy nghề | 2 | 2 | 2 | - | - | - |
3. Số Trung tâm dạy nghề | 4 | 6 | 6 | 6 | 7 | 7 |
Trong đó: - Công lập | 4 | 5 | 5 | 5 | 6 | 6 |
- Ngoài công lập | - | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 |
4. Tổng số học sinh tuyển mới | 1.029 | 1.048 | 1.014 | 1.144 | 2.063 | 4.366 |
- Dài hạn | 215 | 230 | 245 | 246 | 375 | 220 |
- Ngắn hạn | 814 | 818 | 769 | 898 | 1.688 | 4.146 |
5. Tổng số HS tốt nghiệp (hệ dài hạn) | - | 195 | 215 | 230 | 245 | 84 |
Trong đó: - Số học sinh nữ | - | 91 | 97 | 103 | 135 | 15 |
- Số HS dân tộc ít người | - | - | - | - | - | 21 |
Bên cạnh việc đào tạo tại các cơ sở dạy nghề có đăng ký hoạt động, hàng năm có khoảng 50 - 100 em được học nghề dài hạn tại các cơ sở dạy nghề ngoài tỉnh và 300 - 400 em được học nghề tại các cơ sở sản xuất, dịch vụ theo hình thức kèm cặp.
Những năm qua, số lượng học sinh tuyển mới vào các cơ sở dạy nghề của tỉnh có tăng nhưng không đáng kể. So với năm 1998 đến nay, bình quân mỗi năm tăng 667 em. Chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu. Việc đầu tư cho công tác đào tạo nghề chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức nên cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề của các cơ sở dạy nghề chưa đủ để người học có điều kiện tiếp cận với công nghệ mới. Tình trạng dạy chay, học chay đang là phổ biến trong các cơ sở dạy nghề của tỉnh. Đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu về lượng lẫn chất, số ít được bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ...
Nguồn tài chính cho đào tạo nghề của các cơ sở dạy nghề từ trước đến nay chủ yếu được hình thành từ nguồn thu học phí. Riêng Trường dạy nghề tổng hợp tỉnh được ngân sách nhà nước chi đầu tư xây dựng trường, mua sắm trang thiết bị.
4.2. Về quy mô và năng lực đào tạo:
4.2.1. Trường dạy nghề Tổng hợp tỉnh Quảng Trị:
- Đào tạo các nghề: Điện tử, điện công nghiệp và dân dụng, xây dựng, Cắt gọt kim loại (tiện, phay, bào), mộc dân dụng, Kỹ nghệ sắt (rèn, gò, hàn), May công nghiệp, Sửa chữa ô tô, xe máy, Tin học
Theo đề án, Trường dạy nghề tổng hợp đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động trong tỉnh và khu vực. Tuy nhiên, do điều kiện còn khó khăn nên mức độ đầu tư nhỏ giọt, hoạt động của trường còn lúng túng và gặp nhiều khó khăn.
- Quy mô đào tạo: Bình quân 700 em/năm, trong đó dài hạn 200 em ngắn hạn 500 em.
4.2.2. Trường CNKT và Nghiệp vụ GTVT tỉnh Quảng Trị:
- Đào tạo các nghề: lái xe máy thi công các loại, công nhân kỹ thuật cầu đường, lái tàu sông hạng 3 và 4, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giao thông nông thôn, hợp tác xã
- Quy mô đào tạo: Bình quân 500 em/năm
4.2.3. Trung tâm Tin học ngân hàng NN và PTNT Quảng Trị:
- Đào tạo các nghề: Tin học văn phòng, tin học nâng cao, tin học phục vụ ngành Ngân hàng.
- Quy mô đào tạo: Bình quân 200 em/năm
4.2.4. Trung tâm dạy nghề miễn phí Phùng Xuân:
- Đào tạo các nghề: May dân dụng, điện
- Quy mô đào tạo: Bình quân 100 em/năm
4.2.5. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Trị:
Dạy ngoại ngữ và giáo dục định hướng phục vụ xuất khẩu lao động. Quy mô bình quân 400 em/năm.
4.2.6. Trung tâm KTTH - Hướng nghiệp dạy nghề Sông Hiếu:
- Đào tạo các nghề: May dân dụng, tin học văn phòng, tin học nâng cao, điện dân dụng
- Quy mô đào tạo: Bình quân 200 em/năm
4.2.7. Trung tâm KTTH - Hướng nghiệp dạy nghề Vĩnh Linh:
- Đào tạo các nghề: Cắt may dân dụng, điện công nghiệp, điện dân dụng, tin học văn phòng, tin học nâng cao.
- Quy mô đào tạo: Bình quân 250 em/năm
4.2.8. Trung tâm KTTH - Hướng nghiệp dạy nghề tỉnh Quảng Trị:
- Đào tạo các nghề: Mộc dân dụng, may công nghiệp, nữ công gia chánh, điện dân dụng, cơ khí
- Quy mô đào tạo: Bình quân 100 em/năm
4.2.9. Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề Gio Linh:
- Đào tạo các nghề: Tin học văn phòng, tin học nâng cao, lâm sinh, Anh văn, nuôi trồng thủy sản, sửa chữa xe máy, cắt may dân dụng
- Quy mô đào tạo: Bình quân 150 em/năm
4.3. Tình hình CBCNV và giáo viên dạy nghề năm 2004:
TT | Cơ sở đào tạo | Tổng số | Tr.đó, GV dạy nghề | |
Tổng số | Số đạt chuẩn | |||
| TỔNG SỐ | 151 | 93 | 85 |
| 1. Công lập | 139 | 91 | 83 |
1 | Trường Dạy nghề tổng hợp Quảng Trị | 17 | 12 | 7 |
2 | Trường CNKT và Nghiệp vụ GTVT | 22 | 13 | 12 |
3 | Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị | 11 | 5 | 5 |
4 | Trung tâm KTTH-HN dạy nghề Sông Hiếu | 9 | 7 | 7 |
5 | Trung tâm KTTH-HN dạy nghề Vĩnh Linh | 17 | 13 | 11 |
6 | Trung tâm KTTH-HN dạy nghề Gio Linh | 11 | 9 | 9 |
7 | Trung tâm KTTH - HN dạy nghề Quảng Trị | 39 | 27 | 27 |
8 | Trung tâm tin học NHNN & PTNT | 13 | 5 | 5 |
| 2. Ngoài công lập | 12 | 2 | 2 |
1 | Trung Tâm dạy nghề miễn phí Phùng Xuân | 12 | 2 | 2 |
Đội ngũ cán bộ làm công tác dạy nghề mặc dù đã được bổ sung song vẫn còn thiếu và yếu nên chất lượng đào tạo chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phần II
KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP ĐẾN 2010
i - mỤc tiêu phát triỂn công nghiỆp và thu hút nguỒn nhân lỰc:
1. Mục tiêu phát triển công nghiệp đến năm 2010:
- Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 1994) đạt từ 710 - 750 tỷ đồng năm 2005 lên 1.900-2.030 tỷ đồng năm 2010. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân thời kỳ 2006 - 2010 từ 22 - 24%.
- Cơ cấu các chuyên ngành công nghiệp đến năm 2010 như sau:
+ Chế biến nông, lâm, thủy sản và đồ uống: 24 - 27%
+ Sản xuất vật liệu xây dựng: 18 - 26%
+ Khai thác khoáng sản: 6 - 7%
+ Hóa chất: 3 - 7%
+ Cơ khí: 26 - 32%
+ Sản xuất và phân phối điện, nước: 8 - 9%
+ Công nghiệp khác: 3%
- Tăng cường đầu tư mở mang các ngành sản xuất công nghiệp, trước hết là công nghiệp chế biến, khai khoáng. Đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Hình thành nền công nghiệp có cơ cấu hợp lý, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương.
- Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động. Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, ban hành cơ chế chính sách hấp dẫn thu hút đầu tư. Phát triển công nghiệp từng bước vững chắc, tăng dần tỷ trọng trong GDP của tỉnh.
2. Chính sách về đào tạo và thu hút nhân lực:
- Hỗ trợ kinh phí đào tạo cán bộ quản lý học tập nâng cao trình độ, đặc biệt là đào tạo các nhà quản lý doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc đào tạo nghề, truyền nghề cho nông dân. Củng cố và phát huy tác dụng của Trường dạy nghề và các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề. Thực hiện tốt chính sách thu hút các nghệ nhân, các nhà khoa học, các nhà quản lý dưới nhiều hình thức (về làm việc tại Quảng Trị, tham gia đóng góp trí tuệ, giúp đào tạo nghề...)
II - KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO NGHỀ CHO PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TTCN ĐẾN 2010:
1. Mục tiêu đào tạo:
1.1. Mục tiêu chung:
- Cung cấp nguồn lao động đã có trình độ tay nghề qua đào tạo cho các thành phần kinh tế, nhất là các khu công nghiệp đang được hình thành, đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm trong nước và xuất khẩu lao động theo mục tiêu giải quyết việc làm của tỉnh đề ra trong từng giai đoạn.
- Tập trung đào tạo thợ lành nghề của các nghề: cơ khí, cơ khí động lực, may công nghiệp, điện nước, xây dựng... dạy nghề tiểu thủ công nghiệp để phát triển các làng nghề, phát triển các cụm Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đưa công nghiệp sơ chế và chế biến về nông thôn và vùng nguyên liệu. Phấn đấu đến năm 2010 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 15,55% năm 2004 lên 24% năm 2010.
- Phát triển lĩnh vực dịch vụ cung ứng vật tư kỹ thuật nhằm tăng nhanh việc làm tại chổ cho khu vực phi nông nghiệp, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho từng hộ gia đình theo hướng tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo. Tạo cơ hội cho số người trong độ tuổi lao động có điều kiện được học tập và được đào tạo một nghề dù là thủ công đơn giản để có thể kiếm việc làm và tự thân lập nghiệp.
1.2. Mục tiêu cụ thể:
- Từ năm 2005 đến năm 2010, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 3.000 - 3.600 lao động,
- Đến năm 2010, số lao động làm việc trong các ngành công nghiệp được đào tạo nghề là 21.500 người.
2. Kế hoạch đào tạo:
Nhu cầu lao động thu hút vào khu vực sản xuất công nghiệp năm 2005 có khoảng 16.000 người và đến năm 2010 có khoảng 20.000 người.
Tỷ lệ lao động công nghiệp cần được đào tạo trong năm 2005 dự kiến chiếm 22% tổng số lao động cho công nghiệp (3.520 người) và năm 2010 chiếm 35% (7.000 người). Để khắc phục tình trạng học chữ nhiều hơn học nghề, dự kiến đào tạo nghề cho khoảng 70% tổng số lao động được đào tạo.
Kế hoạch đào tạo nghề và sử dụng lao động trong các ngành công nghiệp tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2005 - 2010
TT | CHỈ TIÊU | 2005 | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 |
1 | Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp (tỷ đồng) | 720 | 885,6 | 1.089,3 | 1339,8 | 1.648 | 2.030 |
2 | Năng suất lao động công nghiệp (triệu đồng) | 45,0 | 52,5 | 61,2 | 71,4 | 83,3 | 97,0 |
3 | Dự báo LĐ có việc làm đến 2010 (nghìn người) | 256,8 | 260,9 | 265 | 269,1 | 273,2 | 277,2 |
4 | - Nhu cầu LĐ cho Công nghiệp (người) - % số LĐ có việc làm |
16.000 6,23 |
16.730 6,41 |
17.493 6,6 |
18.291 6,79 |
19.125 7,0 |
20.000 7,22 |
5 | - LĐ cần đào tạo (người) - % LĐ cho công nghiệp | 3.520 22,0 | 4.039 24,14 | 4.634 26,49 | 5.317 29,07 | 6.101 31,9 | 7.000 35,0 |
6 | Lao động cần được đào tạo nghề (người) | 2.464 | 2.827 | 3.244 | 3.722 | 4.271 | 4.900 |
Theo mục tiêu quy hoạch cơ cấu các chuyên ngành công nghiệp đến năm 2010 của UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 3205/2004/QĐ-UB ngày 15/11/2004 thì số lao động cần được đào tạo nghề phân theo cơ cấu các ngành công nghiệp chính như sau:
Lao động cần được đào tạo nghề
(Phân theo cơ cấu các ngành công nghiệp chính)
Đơn vị tính: người
TT | NGÀNH CÔNG NGHIỆP | 2005 | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 |
1 | Công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản và đồ uống | 591 | 679 | 779 | 892 | 1.025 | 1.176 |
2 | Công nghiệp sản xuất VLXD | 542 | 621 | 714 | 819 | 940 | 1.078 |
3 | Công nghiệp khai thác khoáng sản | 172 | 198 | 227 | 261 | 299 | 343 |
4 | Công nghiệp hoá chất | 172 | 198 | 227 | 261 | 299 | 343 |
5 | Công nghiệp cơ khí và gia công kim loại | 690 | 792 | 908 | 1.042 | 1.196 | 1.372 |
6 | Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước | 222 | 254 | 292 | 335 | 384 | 441 |
7 | Công nghiệp khác | 75 | 85 | 97 | 112 | 128 | 147 |
| Tổng số | 2.464 | 2.827 | 3.244 | 3.722 | 4.271 | 4.900 |
Phần III
GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I - CÁC GIẢI PHÁP:
1. Công tác tuyên truyền và chỉ đạo:
UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề cho người lao động tại địa phương theo các hướng sau:
1.1. Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đến cơ sở, tích cực tuyên truyền đến mọi người dân hiểu về chủ trương của Đảng, Nhà nước về học nghề để người dân ý thức được chỉ khi có tay nghề mới có cơ hội tạo việc làm tăng thu nhập cho bản thân và gia đình họ.
1.2. Trên cơ sở quy hoạch Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp, chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống hoặc du nhập nghề mới kết hợp giữa Trung ương và địa phương, sử dụng có hiệu quả các chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để xây dựng mô hình làng nghề điển hình tiên tiến và nhân ra diện rộng để thu hút nguồn lao động nhàn rỗi trong nông nghiệp.
1.3. Khuyến khích các nguồn lực tài chính từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đầu tư cho dạy nghề, mở rộng ngành nghề đào tạo theo hướng xã hội hóa về dạy nghề. Cơ quan thi đua khen thưởng các cấp kịp thời có những chính sách khen thưởng thoả đáng đối với những tập thể, cá nhân ủng hộ tài chính cho các cơ sở dạy nghề và cá nhân học nghề.
1.4. Chú trọng chọn ngành nghề để đào tạo cho người lao động phù hợp với thực tế nhu cầu sử dụng lao động. Mục tiêu đào tạo nghề phải gắn với việc làm, ưu tiên phát triển, khôi phục các làng nghề, du nhập các nghề mới, sử dụng nguyên liệu sản xuất sẵn có tại địa phương, tiêu thụ sản phẩm và thu nhập. Chú trọng đào tạo các ngành nghề phục vụ cho các lĩnh vực: chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, sửa chữa cơ khí, dịch vụ điện, điện tử, may mặc..
2. Đầu tư vốn cho đào tạo nghề:
- Đẩy mạnh tiến độ thực hiện quy hoạch hệ thống các cơ sở dạy nghề trên địa bàn theo Quyết định số 48/2002/QĐ-TTg ngày 11/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động số 149/CTHĐ-UB ngày 21/01/2005 của UBND tỉnh. Trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, Trong những năm tới, ưu tiên cho việc đầu tư xây dựng Trường dạy nghề tổng hợp tỉnh (giai đoạn 2) và 03 Trung tâm dạy nghề ở 3 khu vực: Hải Lăng, Hướng Hóa, Vĩnh Linh với quy mô đào tạo của mỗi trung tâm bình quân 500 em/năm.
- Hàng năm căn cứ nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu về Giáo dục - Đào tạo, phân bổ cho các cơ sở dạy nghề để nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy nghề nhằm tăng cường năng lực và chất lượng đào tạo. Phấn đấu hàng năm đào tạo tại chỗ cho khoảng 80% số học sinh có nhu cầu học nghề theo kế hoạch đặt ra, 20% còn lại gửi đi đào tạo tại các trường dạy nghề ngoài tỉnh.
3. Chính sách thu hút giáo viên và hỗ trợ người học:
1. Tăng tỷ lệ chuẩn hoá đội ngũ giáo viên dạy nghề. Đến năm 2010 đủ về số lượng giáo viên dạy nghề và 100% giáo viên đạt chuẩn theo quy định. Trong đó 10% giáo viên đạt trình độ sau đại học theo quy định tại Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 11/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh khuyến khích đội ngũ giáo viên dạy nghề tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ và hỗ trợ học phí đối với giáo viên dạy nghề nếu được gửi đi đào tạo.
2. Con em dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao tại các huyện Đakrông, Hướng Hoá, Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ có nguyện vọng học nghề được tỉnh hỗ trợ 100% học phí. Các đối tượng còn lại ngoài chế độ học bổng, chính sách miễn giảm học phí theo quy định của Nhà nước và chính sách hỗ trợ của các huyện, thị xã, tỉnh sẽ hỗ trợ 50.000đ/người/tháng đối với học sinh học nghề theo hệ dài hạn ngoài tỉnh; hỗ trợ 30.000đ/người/tháng, đối với các học sinh học nghề tại các cơ sở dạy nghề trong tỉnh.
II - PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM:
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý Nhà nước về ngành nghề và đào tạo nghề chịu trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở: Công nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính hàng năm xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động để trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Trên cơ sở kế hoạch được duyệt, hướng dẫn thủ tục đăng ký mở lớp, tổ chức quản lý lớp học,
- Phối hợp với các huyện, thị xã, các cơ sở dạy nghề đề xuất các chính sách ưu đãi thu hút giáo viên về giảng dạy trong các cơ sở dạy nghề. Động viên, khuyến khích người lao động tham gia học nghề để chủ động chọn cho mình một nghề thích ứng với thị trường lao động. Các chính sách giảm học phí hoặc miễn học phí, hỗ trợ học phí cho các đối tượng thuộc diện ưu tiên hoặc phải gửi đi đào tạo ngoài tỉnh để khuyến khích việc học nghề. Phát triển đào tạo nghề theo hướng cộng đồng và xã hội hoá.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt hàng năm.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả dạy nghề và những vấn đề vướng mắc cần giải quyết về UBND tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Hàng năm tổng hợp kế hoạch đào tạo nghề cho lao động do các ngành, các địa phương xây dựng thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để đưa vào kế hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trình UBND tỉnh những định hướng chung về công tác đào tạo nghề.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính giúp UBND tỉnh trong việc đề xuất mức hỗ trợ kinh phí hàng năm đầu tư cho các cơ sở dạy nghề. Quản lý và điều hành kế hoạch đầu tư về vốn trong kế hoạch đào tạo nghề cho lao động đã được UBND tỉnh phê duyệt.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt hàng năm.
3. Sở Tài chính:
- Phối hợp với các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Công nghiệp và các ngành liên quan hàng năm xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động để trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tổng mức kinh phí phân bổ đầu tư theo kế hoạch hàng năm cho các cơ sở dạy nghề và thực hiện chế độ cấp phát kinh phí theo kế hoạch được duyệt.
- Kiểm tra và hướng dẫn các cơ sở dạy nghề thực hiện đúng các quy định về chế độ tài chính - kế toán hiện hành.
5. Sở Công nghiệp:
- Phối hợp với các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính hàng năm xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động để trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt hàng năm.
- Chỉ đạo Trung tâm khuyến công hàng năm lập kế hoạch và hỗ trợ kinh phí khuyến công đúng đối tượng, tránh đầu tư trùng lắp với nguồn kinh phí hỗ trợ dạy nghề cho nông dân để khôi phục các cơ sở công nghiệp, hợp tác xã TTCN.
6. Sở Thủy sản:
Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập kế hoạch sử dụng nguồn vốn khuyến ngư để hỗ trợ cho các nhu cầu học nghề, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật chế biến, nuôi trồng thủy, hải sản đúng đối tượng. Tránh đầu tư trùng lắp với nguồn vốn đầu tư dạy nghề cho ngư dân.
7. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn:
Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập kế hoạch sử dụng nguồn vốn khuyến nông, khuyến lâm cho đào tạo nghề, khôi phục và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống.
8. UBND các huyện, thị xã:
- Hàng năm tiến hành xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động của địa phương, trong đó cần cụ thể các nội dung chính sau:
+ Tổng số lao động cần đào tạo; ngành nghề cần đào tạo; thời gian, địa điểm và hình thức tổ chức đào tạo.
+ Dự toán tài chính cho mỗi suất đào tạo. Trong đó đề xuất mức hỗ trợ học phí của xã, huyện, tỉnh... cho người học.
+ Kế hoạch sử dụng lao động sau khi đào tạo xong.
- Hỗ trợ tài chính từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của các huyện, thị xã thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công để mở các lớp tập huấn, trình diễn kỹ thuật, tiếp thu công nghệ sản xuất, chế biến, nuôi trồng,... cho người lao động.
9. Các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh:
- Có kế hoạch đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, kỹ thuật; Chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên có đủ năng lực, trình độ để đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Cần ưu tiên chỉ tiêu đào tạo nghề cho các cơ sở ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trong phạm vi kế hoạch kinh phí hàng năm Nhà nước cấp cho các trường dạy nghề.
- Hàng năm tiến hành điều tra nhu cầu học nghề, xây dựng kế hoạch đào tạo, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Công nghiệp tổ chức các lớp đào tạo tại trường hoặc tại các cơ sở làng xã. Biên soạn tài liệu giảng dạy đáp ứng được yêu cầu thực tế của người học, chú trọng kỹ năng thực hành.
- Tăng cường liên doanh, liên kết đào tạo với các tổ chức, cá nhân để tổ chức đào tạo nghề với nhiều hình thức thích hợp, có hiệu quả, phù hợp với điều kiện sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại địa phương./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.