UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2140/QĐ-UBND | Sơn La, ngày 25 tháng 9 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KHAI THÁC BỀN VỮNG, CÓ HIỆU QUẢ NGUỒN LỢI THỦY SẢN LÒNG HỒ THỦY ĐIỆN HÒA BÌNH VÀ THỦY ĐIỆN SƠN LA
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 332/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020; Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ Về việc phê duyệt chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản Việt Nam đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Tờ trình số 257/TTr-SNN ngày 11 tháng 9 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Khai thác bền vững, có hiệu quả nguồn lợi thủy sản lòng hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La (có Đề án kèm theo).
Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức, hướng dẫn, triển khai thực hiện; đồng thời kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện đảm bảo theo quy định, định kỳ báo cáo UBND tỉnh về kết quả triển khai các nội dung đề án được phê duyệt.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các ngành, đơn vị, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
KHAI THÁC BỀN VỮNG, CÓ HIỆU QUẢ NGUỒN LỢI THỦY SẢN LÒNG HỒ THỦY ĐIỆN HÒA BÌNH VÀ THỦY ĐIỆN SƠN LA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2140/QĐ-UBND ngày 25/9/2013 của UBND tỉnh Sơn La)
Phần thứ nhất
SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
Căn cứ Luật thủy sản số 17/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 332/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1460/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân Sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình thuộc tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2015;
Căn cứ Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 3338/QĐ-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2009 của UBND tỉnh Sơn La về việc phê duyệt quy hoạch rà soát, bổ sung quy quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sơn La giai đoạn 2009 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 2337/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2010 của UBND tỉnh Sơn La về việc phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020;
Ban chấp hành Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-TU ngày 18 tháng 6 năm 2007; Kết luận số 852/KL-TU ngày 01 tháng 10 năm 2012 về chủ trương nuôi, chế biến, xuất khẩu cá Tầm trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
II. CƠ SỞ THỰC TIỄN
Hồ chứa Sông Đà thuộc hai công trình thuỷ điện Hoà Bình và thuỷ điện Sơn La nằm trên địa bàn tỉnh Sơn La với tổng diên tích khoảng trên 20.000 ha; trong đó hồ thủy điện Hòa Bình 7.900 ha, hồ thuỷ điện Sơn La trên 13.000 ha tạo cơ hội cho tỉnh Sơn La có nhiều điều kiện để phát triển thủy sản. Với đặc điểm của hồ chứa Sông Đà là lòng hồ có dạng lòng máng, xung quanh bao bọc bởi các dãy núi cao, đáy hồ sâu. Nguồn lợi thuỷ sản hồ phong phú về giống, loài thủy sinh. Cơ sở thức ăn ngoài sinh vật phù du phát triển, xung quanh hồ còn có thảm thực vật với diện tích hàng trăm ngàn ha rừng với độ che phủ tốt, hàng năm cung cấp một lượng lớn các sản phẩm hữu cơ đáng kể cho hồ.
Với tiềm năng to lớn về mặt nước và sự phong phú đa dạng của các giống loài thuỷ sinh vật, hồ thuỷ điện Hoà Bình và thuỷ điện Sơn La được coi là kho tàng quý giá về thuỷ sinh vật và nguồn lợi thuỷ sản của vùng Tây Bắc Việt Nam. Tuy nhiên từ khi hồ thuỷ điện Hoà Bình và hồ thủy điện Sơn La được hình thành việc tổ chức, quản lý, khai thác và phát triển nguồn lợi thuỷ sản của hồ chưa được coi trọng. Các bãi cá đẻ tự nhiên của một số loài cá chưa được bảo vệ, nguồn lợi ít được bổ sung hàng năm, khai thác thuỷ sản trong hồ chưa được quản lý, bảo vệ do đó nguồn lợi thuỷ sản trong hồ ngày một suy giảm. Một số loài cá có giá trị kinh tế cao như cá Lăng, cá Chiên, cá Anh vũ, cá Dầm xanh đang có nguy cơ tuyệt chủng, sản lượng khai thác thuỷ sản giảm và thu được chủ yếu là các loài ít có giá trị kinh tế như tôm sông, cá Dầu, cá Ngão, cá Mương...
Hiện nay ngư cụ được ngư dân sử dụng khai thác tại hồ thủy điện Hòa Bình và hồ thủy điện Sơn La có nhiều loại từ thô sơ như bẫy cá, cụp, câu, đó tôm đến các loại ngư cụ lớn hơn như lưới rê 3 lớp, lưới úp, lưới dàn, ngoài ra còn có các nghề lưới rùng, rọ tôm, vó đèn và dùng cả xung điện, hóa chất độc hại.
Nhận thức về vị trí, vai trò của việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản của các cấp, các ngành và nhân dân chưa đồng bộ vì vậy nguồn lợi thuỷ sản của Sơn La trong những năm gần đây giảm sút rõ rệt, số lượng loài cá, giống cá giảm, có một số giống loài có nguy cơ cạn kiệt.
Những tồn tại trên do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu là do con người làm thay đổi môi trường sống của các loài thuỷ sinh vật, khai thác ở cường độ cao mang tính huỷ diệt, lũ lụt, việc triển khai các công trình xây dựng làm ô nhiễm nguồn nước, công tác tuyên truyền giáo dục và ý thức bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản của người dân ở các vùng có những con sông suối lớn chưa tốt.
Chưa có lực lượng kiểm ngư phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức quán triệt, quản lý việc khai thác đánh bắt thủy sản trên các thủy vực lớn một cách hợp lý;
Chưa thường xuyên thả bổ sung các loài giống thủy sản phù hợp vào các thuỷ vực, các hồ chứa lớn.
Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản còn rất yếu và thiếu.
Trước tình hình giảm sút về nguồn lợi thuỷ sản và nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng, để công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản từng bước được xã hội hoá, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng các dân tộc trong thời gian tới việc lập Đề án khai thác bền vững, có hiệu quả nguồn lợi thủy sản lòng hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La là cần thiết nhằm khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách hợp lý và bền vững, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống của một bộ phận dân cư sống ven hồ.
Phần thứ hai
ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI, TIỀM NĂNG VÀ HIỆN TRẠNG NGUỒN LỢI THUỶ SẢN HỒ CHỨA SÔNG ĐÀ
I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN HỒ CHỨA SÔNG ĐÀ
1. Hồ chứa thuộc thuỷ điện Hoà Bình
Hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình thuộc địa phận tỉnh Sơn La có diện tích 7.900 ha, thuộc 5 huyện, 29 xã:
- Huyện Mộc Châu có 7 xã: Xã Quang Minh. Mường Tè, Song Khủa, Liên Hoà, Quy Hướng, Tân Hợp và Suối Bàng.
- Huyện Phù Yên có 9 xã: Xã Nam Phong, Tân Phong, Tường Phong, Tường Tiến, Tường Thượng, Tường Hạ, Tường Phù, Bắc Phong, Đá đỏ.
- Huyện Bắc Yên có 6 xã gồm: Xã Chiềng Sại, Tạ Khoa, Song Pe, Mường Khoa, Chim Vàn, Pắc Ngà.
- Huyện Mai Sơn có 2 xã: Xã Tà Hộc và xã Chiềng Chăn.
- Huyện Mường La có 5 xã: Xã Mường Chùm, Chiềng Hoa, Tạ Bú, Chiềng San, Mường Bú.
2. Hồ chứa thuỷ điện Sơn La
Vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La thuộc địa phận tỉnh Sơn La có diện tích 13.000 ha thuộc phạm vi của 3 huyện, 15 xã:
- Huyện Quỳnh Nhai gồm 8 xã: Xã Cà Nàng, Mường Chiên, Pắc Ma Pha Kinh, Chiềng Ơn, Chiềng Bằng, Mường Sại, Nậm Ét, Mường Giàng.
- Huyện Mường La có 5 xã: Xã Nậm Giôn, Chiềng Lao, Mường Trai, Hua Trai, Ít Ong.
- Huyện Thuận Châu có 2 xã: Xã Liệp Tè và Chiềng Ngàm.
3. Những yếu tố môi trường ảnh hưởng trực tiếp tới sự sinh trưởng và phát triển của các loài thuỷ sinh vật trong hồ
a) Chế độ Thuỷ văn
Nguồn sinh thuỷ cho hồ thuỷ điện Hoà Bình và hồ thuỷ điện Sơn La chủ yếu là do nước từ các lưu vực rộng lớn của hồ chảy về. Lòng hồ tương đối rộng, lưu tốc dòng chảy bình thường không lớn, về mùa mưa lũ do có nhiều sản phẩm hữu cơ nên nước bị đục gây khó khăn cho việc nuôi trồng thuỷ sản. Mặt nước của hồ chứa có sự thay đổi lớn, về mùa khô ở mức thấp, nhất là đầu vụ nước năm sau (tháng 4 - 5). Sự chênh lệch về mực nước giữa mùa khô và mùa tích nước chênh nhau từ (25 - 30) m, độ trong của nước cũng có sự thay đổi lớn, mùa mưa độ đục cao, mùa khô trong hơn.
b) Chế độ nhiệt độ
Hồ chứa Sông Đà thuỷ điện Hoà Bình và thuỷ điện Sơn La là những hồ chứa lớn, nước sâu, nhiệt độ nước trong hồ không có sự thay đổi lớn và đột ngột. Với hồ thuỷ điện Hoà Bình và thủy điện Sơn La về mùa hè nhiệt độ của nước khoảng 28 - 300C, mùa đông nhiệt độ nước trong hồ thường cao hơn nhiệt độ không khí và tương đối ổn định từ (20 - 23)0C rất thích hợp cho các loài thuỷ sinh vật phát triển.
c) Dưỡng khí và các yếu tố khác
Hồ chứa Sông Đà có mặt thoáng rộng, nước chảy thường xuyên, nhiệt độ không cao, môi trường nước chưa bị nhiễm bẩn. Riêng hồ thuỷ điện Hoà Bình có hàm lượng oxy hoà tan trong nước trung bình từ (8 - 13,5)mg/lít thấp hơn nhiều so với các loại thuỷ vực khác. Ngoài ra các yếu tố khác như PH từ (7,4 - 8,0), các chất hữu cơ từ (4 - 14) mg/lít, đặc biệt là các loại Ion kim loại nặng như Cu, Zn, Hg, Pb và các nước thải công nghiệp hầu như không có (số liệu điều tra của Viện nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I năm 1995) nên có đủ điều kiện để phát triển các loại thuỷ sinh vật.
II. ĐIỀU KIỆN KINH TẾ XÃ HỘI
Hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình thuộc địa phận tỉnh Sơn La hiện nay có 44 xã thuộc 7 huyện: Mộc Châu, Phù Yên, Bắc Yên, Mai Sơn, Mường La, Thuận Châu và Quỳnh Nhai với dân số đang sinh sống ven hồ với 42.426 hộ, 153.231 khẩu, 80.236 lao động (số liệu thống kê tháng 12 năm 2012). Đây sẽ là nguồn nhân lực dồi dào cho phát triển thủy sản của tỉnh nói chung và phát triển nguồn lợi thuỷ sản vùng lòng hồ nói riêng.
Hiện tại nguồn nhân lực tham gia sản xuất và khai thác thủy sản là rất đa dạng bao gồm nông dân sản xuất thủy sản không chuyên nghiệp, các tổ chức xã hội, quân đội làm kinh tế…, hàng vạn hộ nông dân tham gia khai thác và nuôi cá trên hồ chứa thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La. Ngoài ra mỗi năm có thêm hàng vạn lao động trẻ có trình độ được đào tạo từ các trường phổ thông, chuyên nghiệp và bộ đội hoàn thành nghĩa vụ. Khi ngành thủy sản phát triển, lực lượng lao động trẻ khỏe, có trình độ đang có nhu cầu việc làm này sẽ là cơ hội tốt để bổ sung vào nguồn lao động sản xuất thủy sản.
III. HIỆN TRẠNG KHAI THÁC NGUỒN LỢI THỦY SẢN
Nguồn lợi thủy sản của tỉnh Sơn La nói chung và hồ chứa Sông Đà nói riêng rất đa dạng, phong phú và có phần độc đáo. Khi chưa ngăn đập thuỷ điện Hoà Bình, thủy điện Sơn La nguồn lợi thuỷ sản của tỉnh Sơn La có 123 loài cá thuộc 79 giống của 19 họ và 16 loài động vật đáy như: Cua, lươn, ốc, hến, tôm…(theo điều tra của Viện nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I Bắc Ninh). Được chia thành 3 dòng cơ bản là:
Cá nhập nội: Mè hoa, Trôi ấn độ, trắm cỏ, Rô phi đơn tính, cá Chim trắng, tôm càng xanh…
Cá Đồng bằng Bắc bộ gồm: Mè trắng, Trắm đen, cá Trôi, cá Mương, cá Vền, cá Ngạnh, cá Ngão…
Các loài thuỷ sản đặc trưng cho miền núi Tây bắc bao gồm: Cá Dầm xanh, cá Anh vũ, cá Bỗng, cá Chiên, cá Lăng, cá Xỉnh, cá Diếc mắt trắng, cá Chép mắt đỏ…
Tuy nhiên hiện nay hồ chứa Sông Đà đã giảm sút rõ rệt theo điều tra chỉ còn 74 loài thuộc 37 giống của 5 bộ trong đó có 5 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam là: Cá Chày đất, cá Bám đá liền, cá Lăng Chấm, cá Chiên sông, cá Ngạnh. Ghi nhận gần đây đã giảm gần 50% và nhiều loài giảm mạnh về số lượng cá thể. Trong số này, các loài cá di cư từ biển vào không còn xuất hiện tại khu vực nghiên cứu do sự xuất hiện của đập thủy điện Hòa Bình và đập thủy điện Sơn La. Nhiều loại cá trước đây vốn là những giống loài phổ biến trên sông Đà như cá Chày tràng, cá Chày đất, cá Chiên, cá Măng, cá Bỗng, những loài cá cỡ nhỏ đặc trưng cho miền núi như cá Chát, cá Xỉnh, cá Đục, Chạch chấu…, đều có nguy cơ cạn kiệt. Kết quả điều tra qua ngư dân khai thác cho thấy những loại này ít khi gặp trong số lượng cá khai thác được. Nhìn chung thành phần giống loài cá của tỉnh Sơn La những năm gần đây giảm mạnh; nhiều loài có nguy cơ cạn kiệt về số lượng và đang ở trong tình trạng báo động.
Nhiều năm qua do tác động của con người như nạn phá rừng, xây dựng các công trình kinh tế làm biến đổi môi trường sinh thái như dòng chảy, độ sâu của mực nước và sự bồi lấp làm mất các bãi đẻ tự nhiên của một số loài cá đặc biệt là do điều kiện kinh tế xã hội vùng lòng hồ còn nhiều khó khăn, số hộ di vén thiếu đất canh tác, thiếu việc làm, ý thức bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản của đồng bào còn hạn chế dẫn đến khai thác đánh bắt tuỳ tiện, khai thác bằng các công cụ gây huỷ diệt như: Chất nổ, xung điện, hoá chất, vó đèn..., làm cho nguồn lợi thuỷ sản ngày càng suy giảm. Đây là hình thức khai thác mang tính huỷ diệt, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản trong lòng hồ thủy điện Hòa Bình và hồ thủy điện Sơn La.
Sơn La đã nuôi từ năm 1976, cao điểm nhất là năm 1993 Sơn La có 800 lồng đến năm 1995 do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi, quá trình chăm sóc quản lý chưa hợp lý, không kiểm soát được dịch bệnh dẫn đến bùng phát bệnh đốm đỏ, lở loét gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng nuôi cá lồng và khả năng phát triển thêm số lượng lồng nuôi cá. Căn cứ Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020 tỉnh Sơn La nuôi cá lồng từ 800 - 1.500 lồng tại hồ thủy điện Hòa Bình và hồ thủy điện Sơn La đối tượng nuôi bao gồm cá bản địa như cá Bỗng, cá Chiên, cá Lăng; cá ăn tạp cá Rô phi, cá Chép; cá ăn thực vật cá Trắm cỏ…, các loài cá trên thích hợp với môi trường nước, có khả năng kháng bệnh tốt, có giá trị kinh tế cao.
Phần thứ ba
NỘI DUNG ĐỀ ÁN
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
1. Phát triển nguồn lợi thuỷ sản hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình và hồ chứa thuỷ điện Sơn La nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước của hồ chứa, bảo vệ cảnh quan của hồ, bảo vệ môi trường nước, bảo vệ đa dạng thuỷ sinh vật, giữ gìn tính đa dạng, độc đáo của hệ sinh thái thuỷ sinh vật lòng hồ.
2. Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản là yêu cầu cấp bách trước mắt và lâu dài, là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó trách nhiệm của cộng đồng dân cư ven hồ thủy điện Hòa Bình và hồ thủy điện Sơn La là rất quan trọng. Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản phải kết hợp cân đối hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên môi trường, đảm bảo lợi ích chung của các ngành, các địa phương.
3. Ứng dụng các tiến bộ khoa học, các công nghệ sản xuất mới trong việc nuôi thuỷ, đặc sản trong hồ. Nuôi cá lồng, bè theo hướng công nghiệp tập trung tạo ra hiệu quả kinh tế cao và nguồn sản phẩm thuỷ sản tập trung.
4. Tổ chức sản xuất, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản của hồ, quản lý nghề cá hồ chứa theo các hình thức doanh nghiệp, nhóm hộ, quản lý cộng đồng hoặc liên doanh có sự hướng dẫn và hỗ trợ của Nhà nước về giống, công nghệ, vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển nguồn lợi thuỷ sản của hồ chứa bền vững nhằm ổn định sản xuất, đời sống của nhân dân các dân tộc sống định cư ven hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình và thuỷ điện Sơn La.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Kết hợp với bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo đảm cân đối hài hòa giữa phát triển kinh tế và sử dụng tài nguyên nước vùng hồ thuỷ điện Hoà Bình và thuỷ điện Sơn La cho nuôi trồng thủy sản phù hợp với quy hoạch phân bổ tài nguyên nước, không gây ô nhiễm nguồn nước. Đảm bảo phát triển giao thông đường thủy và du lịch. Nhằm tạo ra nguồn sản phẩm thuỷ sản mang tính hàng hóa tạo công ăn việc làm, nâng cao mức sống của nhân dân vùng lồng hồ.
- Phát triển thuỷ sản hồ chứa Sông Đà theo quan điểm bền vững bao gồm phát triển nguồn lợi tự nhiên kết hợp với gây nuôi các loài thủy sản có chất lượng cao tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung, đa dạng.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Sản lượng thuỷ sản thương phẩm: 4.500 - 6.000 tấn/năm
Trong đó:
- Sản lượng khai thác: 3.000 - 4.000 tấn/năm
- Sản lượng nuôi lồng: 1.500 - 2.000 tấn/năm
b) Nuôi cá lồng: 800 - 1.500 lồng cá
c) Thả bổ sung từ 10 - 12 triệu con cá giống vào 02 lòng hồ.
d) Di nhập từ 3 - 5 loài cá có giá trị kinh tế cao, nhập công nghệ sản xuất được giống cá bản địa là cá Lăng chấm, Chiên sông, Anh vũ, cá Tầm triển khai bảo vệ 10 - 15 bãi sinh sản của các loài cá, khu bảo tồn sinh thái ở hồ chứa thủy điện Hòa Bình và hồ thủy điện Sơn La.
III. NHIỆM VỤ
1. Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản hồ chứa Sông Đà
a) Bảo vệ nghiêm ngặt các bãi cá đẻ tự nhiên. Quy định cụ thể mùa vụ khai thác, cỡ cá khai thác, mắt lưới tối thiểu dùng để khai thác, quản lý vùng cấm khai thác có thời hạn với các bãi cá đẻ.
- Xây dựng các mô hình tổ chức đồng quản lý nguồn lợi thủy sản với sự tham gia của cộng đồng.
- Thường xuyên điều tra nguồn lợi, đặc tính di cư sinh sản và xu hướng biến động nguồn lợi của một số giống loài thủy sản quý hiếm có giá trị khoa học và kinh tế như cá Anh vũ, cá Rầm xanh, cá Chiêm, cá Lăng, cá Bỗng để xây dựng các quy định khai thác hợp lý.
b) Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề khai thác tự nhiên sang nuôi trồng thủy sản theo các vị trí đã được quy hoạch và các ngành kinh tế khác để giảm sức ép khai thác tại các bãi cá đẻ, bãi thủy sinh vật còn non.
- Tổ chức tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản thông qua các hoạt động:
+ Xây dựng các chuyên mục phát triển trên Đài truyền hình tỉnh.
+ Xây dựng các chuyên mục đăng trên báo Sơn La.
+ Xây dựng các Pa nô, áp phích, tờ rơi.
+ Mở các lớp tuyên truyền về các nội dung văn bản của trung ương, tỉnh về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
+ Tổ chức thăm quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh về mô hình đồng quản lý nghề cá hiệu quả.
2. Phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản hồ chứa Sông Đà
a) Đầu tư, hỗ trợ - nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hòa Bình và hồ thủy điện Sơn La theo hướng tập trung không ảnh hưởng đến giao thông đường thuỷ, phấn đấu đến năm 2020 đạt số lượng lồng từ (1.000 - 1.500) lồng cụ thể bố trí như sau:
- Hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình: (700 - 1.000) lồng gồm khu vực Suối Giăng Quy Hướng, Suối Tấc Phù Yên, từ xã Quanh Minh đến Suối Bàng, từ Bắc Phong tới Mường Khoa.
- Hồ chứa thuỷ điện Sơn La: (300 - 500) lồng khu vực cửa Suối Muội xã Chiềng Muôn, Chiềng Ơn, Chiềng Bằng, khu vực xã Mường Sại, Nậm Ét.
- Quy hoạch phát triển nuôi chế biến, xuất khẩu cá Tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La.
b) Thả bổ sung một số loài cá phổ thông cho lòng hồ để tái tạo nguồn lợi
- Thả bổ sung cho lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình giai đoạn 2013 - 2015 với số lượng 4 triệu con gồm cá Mè Trắng, Mè Hoa, Mrigan, Rô hu, Rô phi, Chép.
- Thả bổ sung cho lòng hồ thuỷ điện Sơn La giai đoạn 2016 - 2020 với số lượng 8 triệu con gồm cá Mè Trắng, Mè Hoa, Mrigan, Rô hu, Rô phi, Chép.
3. Xây dựng cơ sở hạ tầng thuỷ sản vùng hồ Sông Đà
- Xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý và bảo vệ các bãi cá đẻ, bãi thủy sinh vật còn non, các cảng cá, chợ cá tại hồ chứa thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La.
- Xây dựng trại sản xuất giống, vùng nuôi trồng thủy sản trên hồ, đặc biệt là các giống cá có giá trị kinh tế cao như cá Tầm, cá lăng chấm, cá Chiên…
- Xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản thủy sản tại Pá Uôn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai.
- Quy hoạch hạ tầng nghề cá phục vụ phát triển thủy sản trên 02 lồng hồ.
4. Đầu tư về khoa học công nghệ
- Nghiên cứu, du nhập và ứng dụng các công nghệ nuôi tiên tiến, khai thác có lựa chọn, đảm bảo môi trường sạch và phát triển bền vững.
- Ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống thuỷ sản nhân tạo đáp ứng nhu cầu tái tạo, phục hồi mật độ quần thể của các giống loài thuỷ sản đã hoặc đang bị khai thác cạn kiệt, các loài thuỷ sản quý hiếm như cá Lăng Chấm, cá Chiên sông, cá Anh vũ, cá Rầm xanh.
5. Tổ chức khai thác
Khai thác thuỷ sản lòng hồ chứa Sông Đà theo quy hoạch được duyệt. Hình thành các tổ chức nghề cá (Hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp) để đăng ký quản lý, khai thác, nuôi trồng chế biến theo quy định của pháp luật. Giao, cho thuê đất, mặt nước để cho các tổ chức, cá nhân sử dụng lâu dài vào mục đích nuôi trồng thủy sản trên lồng hồ.
IV. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ
1. Tổng vốn đầu tư dự kiến: 341,6 tỷ đồng
Trong đó:
- Thả bổ xung cá giống cho hồ chứa Sông Đà: 10 tỷ đồng;
- Đầu tư nuôi cá lồng: 9 tỷ đồng;
- Đầu tư cho hoạt động truyền thông: 1,6 tỷ đồng;
- Xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá hồ chứa: 300 tỷ đồng;
- Đầu tư cho công nghệ nuôi, sản xuất giống: 5 tỷ đồng;
- Đào tạo tập huấn cho nông dân: 3 tỷ đồng;
- Đầu tư cho điều tra nguồn lợi thủy sản: 3 tỷ đồng;
- Đầu tư thiết lập mô hình ĐQL nghề cá tại cộng đồng: 2 tỷ đồng;
- Đầu tư hỗ trợ chuyển đổi nghề: 8 tỷ đồng.
2. Nguồn vốn
- Vốn thuộc chương trình 332 của Chính phủ;
- Vốn thuộc chương trình 188 của Chính phủ;
- Vốn thuộc chương trình ổn định sản xuất, đời sống của nhân dân vùng hồ chứa Sông Đà;
- Vốn ODA;
- Các nguồn vốn khác (Doanh nghiệp, tư nhân, các nhà tài trợ).
3. Phân kỳ đầu tư
a) Từ năm 2013 đến 2015: 165,6 tỷ đồng.
Trong đó:
- Thả bổ sung cá giống cho lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình: 2 tỷ đồng;
- Thả bổ sung cá giống cho lòng hồ thuỷ điện Sơn La: 2 tỷ đồng;
- Đầu tư cho hoạt động truyền thông: 1,6 tỷ đồng;
- Đầu tư nuôi cá lồng: 4 tỷ đồng;
- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá: 150 tỷ đồng;
- Đầu tư cho Khoa học - Công nghệ nuôi, sản xuất giống: 2 tỷ đồng;
- Tập huấn kỹ thuật cho ngư dân: 1 tỷ đồng;
- Đầu tư hỗ trợ chuyển đổi nghề: 3 tỷ đồng.
b) Từ năm 2016 đến năm 2020: 176 tỷ đồng.
Trong đó:
- Thả bổ sung cá giống cho lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình: 3 tỷ đồng;
- Thả bổ sung cá giống hồ thuỷ điện Sơn La: 3 tỷ đồng;
- Đầu tư nuôi cá lồng: 5 tỷ đồng;
- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá: 150 tỷ đồng;
- Đầu tư khoa học - công nghệ nuôi, sản xuất giống: 3 tỷ đồng;
- Tập huấn kỹ thuật cho nông dân: 2 tỷ đồng;
- Điều tra nguồn lợi thủy sản: 3 tỷ đồng;
- Đầu tư thiết lập mô hình ĐQL nghề cá cộng đồng: 2 tỷ đồng;
- Đầu tư hỗ trợ chuyển đổi nghề: 5 tỷ đồng.
4. Các dự án ưu tiên
- Dự án thả bổ sung cá giống cho lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình giai đoạn 2013 - 2015; Giai đoạn 2016 - 2018.
- Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển nghề cá thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La giai đoạn 2014 - 2018.
- Dự án đầu tư xây dựng các trại sản xuất giống các loài thủy sản giai đoạn 2016 - 2018.
- Dự án điều tra nguồn lợi, đặc tính di cư sinh sản và xu hướng biến động nguồn lợi của một số giống loài thủy sản quý hiếm, có giá trị khoa học và kinh tế như: cá Anh vũ, cá Rầm xanh, cá Chiên, cá Lăng, cá Nheo, cá Bỗng giai đoạn 2016 - 2018.
- Dự án xây dựng các mô hình tổ chức quản lý nguồn lợi thủy sản với sự tham gia của cộng đồng giai đoạn 2016 - 2018.
- Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý và bảo vệ các bãi cá đẻ và bãi sinh vật thủy sản con non giai đoạn 2016 - 2020.
- Dự án hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề khai thác tự nhiên sang nuôi trồng thủy sản theo các vị trí đã được quy hoạch và các ngành kinh tế khác để giảm áp lực khai thác tại các bãi cá đẻ và bãi sinh vật thủy sản còn non giai đoạn 2016 - 2020.
- Dự án nuôi, chế biến, xuất khẩu cá Tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La.
V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Về quy hoạch
Quy hoạch hệ thống sản xuất thủy sản tại khu vực lòng hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh; quy hoạch khu nuôi cá tập trung tại các vùng có điều kiện, quy hoạch nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tầm.
2. Về chính sách
a) Chính sách về đầu tư, tín dụng
- Doanh nghiệp, HTX, các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức tham gia nuôi trồng và khai thác thuỷ sản lòng hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La được hưởng các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển của Nhà nước.
- Được hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) và các quy định hiện hành.
- Được hỗ trợ vốn thông qua chương trình khuyến ngư, chương trình phát triển kinh tế miền núi, các dự án nuôi cá hồ chứa, chương trình xoá đói giảm nghèo, được trợ cước vận chuyển cá giống theo quy định hiện hành.
b) Khuyến khích các thành phần kinh tế và nhà đầu tư xây dựng các bến cá, chợ cá, cơ sở chế biến sản phẩm, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm.
- Nuôi và khai thác thủy sản là những nghề có tính rủi ro cao, vì vậy cần thành lập quỹ bảo hiểm trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có thủy sản.
- Người dân có thể liên doanh với các tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài để đầu tư vốn phát triển nghề cá hồ chứa Sông Đà.
3. Về Khoa học công nghệ
a) Xây dựng hệ thống sản xuất cá giống phù hợp với điều kiện sinh thái của hồ Sông Đà cho năng xuất và giá trị kinh tế cao, dễ đánh bắt, có khả năng tự
sinh sản trong hồ, làm sạch môi trường sinh thái
b) Thử nghiệm, ứng dụng công nghệ nuôi cá lồng bè, phù hợp với từng đối tượng nuôi, từng khu vực có điều kiện sinh thái đặc trưng khác nhau như: công nghệ sản xuất lồng bè bền phù hợp, nhẹ, vận chuyển gọn, lắp gáp dễ dàng và giá thành rẻ đã được áp dụng ở một số tỉnh phía bắc; công nghệ chế biến thức ăn tận dụng nguyên liệu địa phương (ngô, đậu tương, khoai, sắn) phối hợp với các chất cần thiết như bột cá, vi lượng, vitamin, chất thô đảm bảo thức ăn có chất lượng cao, vệ sinh, giá thành hạ. Tăng cường công tác phòng trừ bệnh cho nuôi cá lồng.
c) Đẩy mạnh công tác khuyến ngư; xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng kỹ thuật về ương nuôi cá giống, mô hình nuôi cá lồng hồ chứa có năng xuất cao, nuôi cá lồng với các giống loài mới, mô hình sản xuất thức ăn bằng nguyên liệu tự nhiên, phòng và chữa bệnh cho cá nuôi.
4. Về Vốn
Huy động các nguồn vốn: Nguồn vốn ổn định đời sống nhân dân vùng lòng hồ Sông Đà; vốn tự có của nhân dân, của các doanh nghiệp; vốn của các chương trình dự án đầu tư cho vùng hồ; vốn ngân sách Nhà nước; vốn sự nghiệp kinh tế, vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, vốn ODA.
Tranh thủ các nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, các tổ chức kinh tế xã hội, các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước.
Vốn ngân sách sự nghiệp kinh tế ưu tiên cho chương trình giống, nghiên cứu thực nghiệm, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ cước vận chuyển giống, hỗ trợ phát triển thủy sản.
Tập trung vốn tín dụng cho vay đủ và kịp thời cho các dự án phát triển nghề cá hồ chứa được phê duyệt, đặc biệt cho vay vốn ưu đãi với lãi xuất thấp cho các dự án sản xuất và nuôi các giống thuỷ sản mới có năng xuất và giá trị kinh tế cao.
5. Giải pháp về thị trường
Xây dựng các bến cá và chợ cá tại một số điểm tập kết mang tính truyền thống như bến cá Vạn Yên, Tạ Khoa, Tà Hộc ở hồ thủy điện Hòa Bình và bến cá, chợ cá Tạ Bú, Pá Uôn xã Mường Giàng ở hồ thủy điện Sơn La.
VI. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN
1. Hiệu quả kinh tế
Sản lượng thuỷ sản thương phẩm đạt từ (4.500 - 6.000) tấn/năm tương đương (90 - 150) tỷ đồng.
2. Hiệu quả xã hội
Tạo việc làm cho từ (5.000 - 8.000) người dân sống ven hồ; gắn kết hoạt động nuôi trồng thuỷ sản hồ chứa với hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải đường thuỷ, du lịch, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thúc đẩy nền nông nghiệp vùng hồ phát triển toàn diện và bền vững, đảm bảo nguồn thực phẩm giầu dinh dưỡng phục vụ cho nhu cầu của xã hội, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của vùng lòng hồ Sông Đà.
- Phát triển nghề cá hồ chứa Sông Đà, phát triển bền vững nguồn lợi thuỷ sản hồ chứa sẽ góp phần vào công cuộc ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân các dân tộc, bảo vệ an ninh, chính trị vùng hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình, thuỷ điện Sơn La.
3. Hiệu quả môi trường
- Tăng cường công tác bảo vệ môi trường sinh thái của lòng hồ, tái tạo được nguồn lợi của hồ chứa, bảo vệ các loài thuỷ sản quý hiếm của địa phương.
- Góp phần vào công tác định canh, định cư, ngăn chặn nạn phá rừng làm rẫy xung quanh hồ, bảo vệ được môi trường nước, môi trường sống vùng hồ chứa.
Phần thứ tư
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La
a) Chỉ đạo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thuỷ sản phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý những hành vi vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
b) Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện vùng lòng hồ triển khai rà soát, thống kê diện tích mặt nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản và các mục đích khác; Xây dựng quy hoạch vùng nuôi trồng, khai thác đánh bắt, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản lòng hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La.
c) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tổ chức cho nhân dân phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản theo quy hoạch và đảm bảo các điều kiện về chất lượng, an toàn vệ sinh, thú y thủy sản. Kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
d) Thực hiện các dự án phát triển thuỷ sản; điều tra nghiên cứu, thăm dò, đánh giá nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch sản xuất cá giống thả bổ sung tái tạo nguồn lợi thuỷ sản theo đề án phê duyệt.
đ) Chủ trì xây dựng các chương trình, dự án phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản bị suy giảm ở các vùng nước tự nhiên trên địa bàn tỉnh Sơn La.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan thẩm định trình UBND tỉnh chấp thuận, phê duyệt các dự án có liên quan đến lĩnh vực thủy sản.
b) Bố trí nguồn vốn theo kế hoạch hàng năm cho các dự án thuộc lĩnh vực thủy sản.
3. Sở Tài chính
a) Hàng năm căn cứ vào dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và kế hoạch vốn được giao thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán và thông báo kinh phí để thực hiện.
b) Hướng dẫn việc quản lý sử dụng nguồn kinh phí đã cấp đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, thanh tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng, khai thác đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
b) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập hồ sơ thuê đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản; Thẩm định trình UBND tỉnh quyết định cho thuê đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật.
5. Công an tỉnh Sơn La
a) Chỉ đạo lực lượng cảnh sát đường thủy cùng phối hợp với UBND cấp xã, UBND các huyện vùng lòng hồ và lực lượng thanh tra thủy sản theo khu vực quản lý trong công tác tuần tra xử lý các vi phạm trong khai thác đánh bắt thủy sản khi có yêu cầu.
b) Chủ trì phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện vùng lòng hồ kiểm tra, kiểm soát và xử lý theo thẩm quyền các vụ việc dùng vật liệu nổ, xung điện, chất độc và ngư cụ không đúng quy định trong khai thác đánh bắt thủy sản.
6. Sở Công thương
Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh Sơn La, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện vùng lòng hồ kiểm tra, kiểm soát và xử lý theo thẩm quyền các vụ việc đưa các loại giống, thức ăn, thuốc thú ý, hóa chất không rõ nguồn gốc hoặc cấm được sử dụng vào nuôi trồng thủy sản.
7. UBND các huyện vùng hồ chứa Sông Đà
a) Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh Sơn La đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng kế hoạch chi tiết các vùng nuôi trồng thuỷ sản trong phạm vi quản lý để tổ chức triển khai thực hiện.
b) Vận động tuyên truyền nhân dân tổ chức lại sản xuất vùng hồ và ven hồ chứa chứa theo quy hoạch; kết hợp với các ngành kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường hồ chứa Sông Đà thuỷ điện Hoà Bình và thuỷ điện Sơn La.
c) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với nuôi trồng, khai thác đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn theo các quy định của pháp luật; Tổ chức thực hiện các chương trình, dự án phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản ở các vùng nước thuộc địa bàn quản lý.
d) Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức quản lý chặt chẽ các nghề khai thác đánh bắt thủy sản trên địa bàn; tuyên truyền các hộ sử dụng các ngư cụ khai thác cố định phải tuân thủ nghiêm về an toàn giao thông đường thủy trong hoạt động khai thác đánh bắt và thực hiện nghiêm các quy định về khai thác đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tổ chức, hướng dẫn sản xuất theo mùa vụ, khi phát hiện có dịch bệnh phải xử lý ngay theo đúng sự hướng dẫn về phòng trừ dịch bệnh của cơ quan thú y thuỷ sản.
Trên đây là toàn bộ nội dung đề án khai thác bền vững, có hiệu quả nguồn lợi thủy sản lòng hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La, đề nghị các cơ quan ban ngành liên quan nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.