UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2136/QĐ-UBND | Lạng Sơn, ngày 30 tháng 12 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN TỈNH LẠNG SƠN THỜI KỲ 2011-2020.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch các ngành và lĩnh vực. Nghị định số 04/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ; Thông tư 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn một số điều của Nghị định 04/2008/NĐ-CP ;
Căn cứ Công văn số 6597/BNN-KH ngày 07/12/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc góp ý dự án Quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2011-2020;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2010/NQ-HĐND ngày 15/12/2010 của HĐND tỉnh về Quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2011-2020;
Xét Báo cáo thẩm định số 01/BC-HĐTĐ tỉnh ngày 07/9/2010 của Hội đồng thẩm định tỉnh báo cáo thẩm định Dự án Quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2011-2020 và Tờ trình số 110/TTr-SNN-KTTH ngày 24/12/2010 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.Phê duyệt dự án Quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2011-2020 với các nội dung cơ bản sau:
1. Tên dự án: Quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2011-2020.
2. Chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Đơn vị tư vấn lập dự án: Công ty cổ phần tư vấn phát triển nông nghiệp nông thôn môi trường và GiS.
4. Thời gian thực hiện: Từ năm 2011 đến 2020.
5. Quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ phát triển chủ yếu:
5.1. Quan điểm, phát triển: Phát triển nông, lâm nghiệp toàn diện; chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hoá; phát triển kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với xây dựng nông thôn mới.
5.2. Mục tiêu phát triển:
a. Mục tiêu tổng quát: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, với sự đa dạng và cơ cấu hợp lý các sản phẩm có chất lượng, phục vụ nhu cầu trong tỉnh và một phần cho nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm cho tỉnh, khai thác hiệu quả tiềm năng của tỉnh và phát triển bền vững, tăng thu nhập cho nông dân.
b. Mục tiêu cụ thể:
Dự án đề xuất 02 phương án tăng trưởng, sau khi tính toán dựa trên cơ sở những thành tựu đã đạt được trong thời kỳ trước và giả định những yếu tố tích cực của những năm hiện tại của Tỉnh vẫn tiếp tục diễn ra trong kỳ quy hoạch tới thì phương án I đã được lựa chọn và xác định đây là phương án phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh và có tính khả thi cao; với một số chỉ tiêu chủ yếu như sau:
- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành giai đoạn 2011- 2020 bình quân đạt 3,5-4%/năm.
- Cơ cấu GDP ngành nông nghiệp trong cơ cấu chung toàn tỉnh đến năm 2015 chiếm 34 - 35% và đến năm 2020 nông lâm nghiệp chiếm từ 28-29%.
- Cơ cấu GDP trong nội ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đến năm 2015 nông nghiệp chiếm 70% (nội ngành nông nghiệp trồng trọt chiếm 54%; Chăn nuôi chiếm 40%; Dịch vụ chiếm 6%); lâm nghiệp chiếm 28%; Thuỷ sản chiếm 2,0%. Đến năm 2020 nông nghiệp chiếm 65% (nội ngành nông nghiệp trồng chiếm 50%; Chăn nuôi 42%; Dịch vụ chiếm 8%); Lâm nghiệp chiếm 32%; Thuỷ sản chiếm 3%.
- Tổng sản lượng lương thực duy trì từ 275 - 280 ngàn tấn giai đoạn 2011- 2015 và ổn định trong khoảng 280-300 ngàn tấn giai đoạn 2016 – 2020; bình quân lương thực/người/năm đạt khoảng 372 kg vào năm 2015 và khoảng 400 kg vào năm 2020.
- Độ che phủ của rừng đạt đạt 54 - 55% năm 2015 và 60% năm 2020.
- Tỷ lệ cư dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 85% vào năm 2015 và 95% năm 2020.
- Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 35-40 triệu đồng/ha năm 2015 và 45-50 triệu đồng/ha năm 2020; từng bước mở rộng quy mô, những mô hình đạt giá trị 50 triệu đồng/ha.
- Thu nhập bình quân/người/năm khu vực nông thôn đạt 20 - 23 triệu đồng vào năm 2015 và khoảng 29 triệu đồng vào năm 2020.
- Tăng hệ số sử dụng đất lên khoảng 1,8 -1,9 lần vào năm 2015 và 2,2 – 2,5 lần năm 2020.
6. Một số nhiệm vụ chính của kỳ quy hoạch:
6.1. Quy hoạch phát triển sản xuất ngành trồng trọt.
a. Quy hoạch phát triển sản xuất cây lương thực (lúa, ngô):
- Đến năm 2015, diện tích lúa cả năm là 49.500 ha, sản lượng là 193.000 tấn; năm 2020, diện tích là 49.500 ha, sản lượng là 200.000 tấn; sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung đầu tư thâm canh cao vào một số vùng Tràng Định, Hữu Lũng, Bắc Sơn, Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng, Văn Quan, Văn Lãng.
- Đến năm 2015, diện tích ngô cả năm là 20.500 ha, sản lượng 92.000 tấn; năm 2020, diện tích ngô là 21.000 ha, sản lượng 100.000 tấn; sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung phát triển tại các vùng Bắc Sơn, Tràng Định, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình.
b. Quy hoạch phát triển sản xuất cây rau đậu thực phẩm:
- Đến năm 2015, diện tích rau cả năm là 8.700 ha, sản lượng 118.190 tấn; năm 2020, diện tích là 10.500 ha, sản lượng 153.160 tấn; vùng sản xuất tập trung tại Thành phố Lạng Sơn, Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định, Hữu Lũng, Chi Lăng.
- Trong sản xuất rau, thực phẩm cần được chú trọng phát triển cây khoai tây, đậu đỗ: Cây khoai tây dự kiến đến năm 2015, diện tích là 2.500 ha, sản lượng 30.000 tấn; năm 2020, diện tích là 2.500 ha, sản lượng 32.000 tấn; vùng sản xuất tập trung Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định. Đậu đỗ đến năm 2015, diện tích cả năm là 2.250 ha, sản lượng 3.749 tấn; năm 2020, diện tích là 2.800 ha, sản lượng là 4.768 tấn; vùng sản xuất tập trung tại Hữu Lũng, Chi Lăng, Lộc Bình, Văn Quan.
c. Quy hoạch phát triển sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày (đỗ tương, lạc, thuốc lá):
- Đỗ tương đến năm 2015, diện tích cả năm là 3.900 ha, sản lượng 7.589 tấn; năm 2020, diện tích 4.700 ha, sản lượng 9.948 tấn; vùng sản xuất tập trung tại các huyện Hữu Lũng, Văn Quan, Chi Lăng, Cao Lộc.
- Thuốc lá đến năm 2015, diện tích là 5.000 ha, sản lượng 9.250 tấn, năm 2020 diện tích là 5.000 ha, sản lượng là 10.055 tấn; vùng sản xuất tập trung Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng.
- Lạc đến năm 2015, diện tích cả năm là 2.800 ha, sản lượng 5.040 tấn; năm 2020, diện tích là 3.000 ha, sản lượng 6.106 tấn; vùng sản xuất tập trung Hữu Lũng, Chi Lăng, Bắc Sơn.
d. Quy hoạch phát triển sản xuất cây thạch đen: Đến năm 2015, diện tích thạch đen cả năm khoảng 2.500 ha, sản lượng 17.200 tấn, năm 2020 diện tích thạch đen cả năm khoảng 2.500 ha, sản lượng 19.700 tấn; vùng sản xuất tập trung tại huyện Tràng Định, Văn Lãng, Bình Gia.
e. Quy hoạch phát triển sản xuất cây chè: Đưa diện tích chè toàn Tỉnh lên khoảng 1.270 ha, sản lượng 3.524 tấn vào năm 2015 và 1.500 ha, sản lượng từ 4.000 tấn vào năm 2020; vùng sản xuất tập trung chủ yếu tại Đình Lập, Bắc Sơn.
6.2. Quy hoạch phát triển sản xuất ngành chăn nuôi.
a. Phương hướng phát triển: Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại, gia trại, dần tiến tới bán công nghiệp và công nghiệp; tập trung vào phát triển chăn nuôi đàn trâu, bò, ngựa, dê, lợn, gia cầm.
b. Dự kiến quy mô phát triển sản xuất:
- Đàn trâu, đến 2015 dự kiến là 165.000 con, năm 2020 là 170.000; vùng chăn nuôi tập trung ở các huyện Lộc Bình, Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Quan, Bình Gia, Tràng Định, Văn Lãng, Bắc Sơn, Đình Lập.
- Đàn bò, đến 2015 dự kiến là 80.000 con; năm 2020 là 85.000 con; vùng chăn nuôi tập trung Chi Lăng, Bình Gia, Văn Quan, Bắc Sơn, Đình Lập, Lộc Bình.
- Đàn lợn, đến năm 2015 là 443.000 con, năm 2020 là 480.000; vùng chăn nuôi tập chung Hữu Lũng, Chi Lăng, Lộc Bình, Bắc Sơn, Tràng Định.
- Đàn Dê, đến năm 2015 là 23.000 con, năm 2020 là 25.000 con; vùng chăn nuôi tập trung ở các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Lộc Bình, Bắc Sơn, Tràng Định, Bình Gia.
- Đàn Ngựa năm 2015 là 3.000 con, năm 2020 là 5.000 con; vùng chăn nuôi tập trung ở các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Tràng Định, Đình Lập.
- Gia cầm, đến năm 2015 là 3.944 nghìn con, năm 2020 là 4.500 ngàn con; vùng chăn nuôi tập trung Hữu Lũng, Bắc Sơn, Thành phố, Văn Quan, Chi Lăng, Tràng Định.
6.3. Quy hoạch phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản:
- Mục tiêu: phấn đấu mức tăng trưởng ngành nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2011-2020 đạt 9-10%/năm; giá trị thủy sản chiếm 1,1% GDP trong nông nghiệp vào năm 2015 và chiếm 1,8% GDP trong nông nghiệp vào năm 2020.
* Nội dung quy hoạch phát triển thuỷ sản:
- Quy hoạch sản xuất giống thuỷ sản: Tập trung đầu tư nâng cấp trung tâm giống thủy sản Bản Ngà thành trung tâm giống cấp I với quy mô 3 ha mặt nước chuyên nuôi cá bố mẹ và sản xuất cá bột, sẽ sản xuất được khoảng 50-100 triệu con hương/ năm đủ cung cấp cho các cơ sở cấp huyện và bà con ương thành cá giống; tại các huyện khuyến khích nhân dân đầu tư xây dựng các cơ sở ương cá giống theo phương châm xã hội hóa nhà nước và nhân dân cùng làm trong đó Nhà nước hỗ trợ cho vay một phần vốn để xây cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kỹ thuật quản lý chất lượng con giống và ban hành cơ chế chính sách phù hợp khuyến khích nuôi thủy sản.
- Quy hoạch nuôi cá thương phẩm:
+ Nuôi cá ao, hồ nhỏ gia đình: Khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho người dân đào thêm ao nuôi và tận dụng diện tích các công trình thuỷ lợi (hồ, đập nhỏ) để nuôi trồng thuỷ sản dự kiến qui mô đến năm 2015 diện tích nuôi trồng 1.249 ha, sản lượng 1.400 tấn; năm 2020 diện tích nuôi trồng 1.357 ha, sản lượng 1.900 tấn.
+ Nuôi cá hồ chứa và đập dâng lớn: Xây dựng các phương án nuôi cá hồ chứa và đập lớn phù hợp vừa đảm bảo được các nguồn lợi tự nhiên và khai thác có hiệu quả các tiềm năng mặt nước, dự kiến năm 2015 sản lượng cá thương phẩm đạt 2.672 tấn, năm 2020 là 4.335 tấn.
+ Quy hoạch nuôi cá lồng: Để khai thác tiềm năng mặt nước của các hồ chứa, đập dâng lớn, sông suối trên địa bàn cần qui hoạch nuôi các loại cá lồng như Trắm cỏ, rô phi lai, cá điêu hồng, cá bống...trên các đập lớn như Tà Keo, Tam Hoa, Cấm Sơn, Bản Quyền... các sông Sông Kỳ Cùng, Sông thương...
+ Quy hoạch nuôi thuỷ sản đặc sản: Để đáp ứng nhu cầu cao trong tiêu dùng của một bộ phận dân cư cần nuôi một số loài thủy đặc sản như: Ba ba gai, rùa núi, tôm càng xanh và một số loài thủy sản ở nước mát có biên độ 15-22 oC như cá Vược nước ngọt...
- Các vùng nuôi trồng tập trung tại các huyện Hữu Lũng, Lộc Bình, Cao Lộc, Tràng Định, Văn Lãng, Văn Quan.
6.4. Quy hoạch phát triển sản xuất lâm nghiệp, cây ăn quả:
a. Lâm nghiệp:
- Mục tiêu: Phát triển lâm nghiệp một cách bền vững trên cơ sở phát triển đồng bộ từ khâu lâm sinh xây dựng vốn rừng đến khai thác, chế biến, dịch vụ và công tác tổ chức quản lí, đưa lâm nghiệp trở thành ngành có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường.
- Nhiệm vụ:
1. Phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành khối lượng công việc chủ yếu sau: Bảo vệ rừng 411.841 ha; Trồng rừng mới 36.896 ha; Xây dựng vườn rừng vườn quả 3.140 ha; Khai thác rừng và trồng lại rừng sau khai thác 9.386 ha; Khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên 23.323 ha; Cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt 2.000 ha; Sản lượng khai thác gỗ bình quân 75.000 m3/năm; độ che phủ rừng 54-55%.
2. Đến năm 2020: Bảo vệ rừng 462.067 ha; Trồng rừng mới 30.390 ha; Xây dựng vườn rừng vườn quả 4.800 ha; Khai thác rừng và trồng lại rừng sau khai thác 11.341 ha; Khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 23.474 ha; Cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt 2.500,0 ha; Sản lượng gỗ khai thác bình quân 120.000 m3/năm; độ che phủ rừng 60%.
- Quy hoạch phát triển rừng:
+ Phát triển theo 03 loại rừng: Đặc dụng; phòng hộ; sản xuất.
+ Phát triển rừng theo các vùng kinh tế trọng điểm gồm: Vùng kinh tế động lực Thành phố Lạng Sơn- Đồng Đăng phát triển vườn rừng kinh tế kết hợp du lịch sinh thái; Vùng kinh tế Hữu Lũng – Chi Lăng phát triển rừng sản xuất (keo, bạch đàn), rừng phòng hộ, bảo tồn; vùng kinh tế Lộc Bình – Đình Lập tập trung phát triển cây thông; vùng Văn Quan – Bình Gia - Bắc Sơn phát triển chuyên canh tập trung cho cây hồi; Vùng Văn Lãng – Tràng Định phát triển vùng nguyên liệu giấy (tre, nứa...).
b. Cây ăn quả - Lâm sản ngoài gỗ:
- Quy hoạch phát triển sản xuất cây ăn quả: Đến năm 2015, diện tích cây ăn quả là 25.500 ha, sản lượng 35.000 tấn; năm 2020, diện tích là 30.000 ha, sản lượng 40.000 tấn; tập trung phát triển một số loại đặc sản theo vùng tập trung với quy mô khá như vùng Na Chi Lăng, Hữu Lũng; vùng Quýt Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định; vùng hồng Cao Lộc, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan, Văn Lãng.
- Quy hoạch phát triển sản xuất cây hồi: Đến năm 2015, diện tích hồi là 34.000 ha, sản lượng 55.465 tấn (quả tươi); năm 2020, diện tích hồi vẫn giữ ổn định 34.000 ha, sản lượng 62.475 tấn; vùng sản xuất tập trung Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng, Tràng Định.
- Quy hoạch phát triển khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ khác: Khai thác nhựa thông hàng năm đạt 4.000 – 5.000 tấn/năm tại các huyện Đình Lập, Lộc Bình; Khai thác tre, nứa 21-25 triệu cây/năm, song mây 20-25 tấn/năm tại các huyện Tràng Định, Văn Quan, Văn Lãng, Bình Gia, Bắc Sơn.
6.5. Phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn và xây dựng nông thôn mới:
a. Phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn:
- Mục tiêu: Tập trung, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng nhằm đáp ứng được cơ bản nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung khu vực nông thôn nói riêng.
- Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn đến 2020 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung đầu tư vào các lĩnh vực sau đây:
1. Phát triển hệ thống cơ sở trạm trại dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp:
Đầu tư nâng cấp, mở rộng, hoàn chỉnh hệ thống trạm, trại kỹ thuật nông, lâm nghiệp, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh, hệ thống cơ sở chế biến nông lâm thuỷ sản và hệ thống cơ sở phòng trừ dịch bệnh cho nông, lâm nghiệp – chăn nuôi; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, dần hình thành hệ thống tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm nông, lâm sản và thuỷ sản.
Đẩy nhanh tiến độ xúc tiến thành lập Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, giống thuỷ sản tỉnh Lạng Sơn để cung cấp các giống vật nuôi, cây trồng có chất lượng tốt và hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
2. Phát triển hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư:
Trên cơ sở hệ thống khuyến nông, lâm, ngư cơ sở và hệ thống thú y viên cơ sở đã được thiết lập từ tỉnh đến xã đang hoạt động có hiệu quả; tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn lực nâng cao chất lượng đội ngũ thú y viên, khuyến nông, lâm và thuỷ sản cơ sở nhằm ngày một nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ đắc lực trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
3. Phát triển mạng lưới thủy lợi:
- Tiếp tục đầu tư sửa chữa nâng cấp các công trình đầu mối, kênh mương hiện có, đồng thời thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương các tuyến còn lại. Trong giai đoạn 2011-2020 cần tập trung, huy động mọi nguồn lực thực hiện tu sửa nâng cấp 180 công trình (60 hồ chứa, 110 đập dâng, 10 trạm bơm) đảm bảo diện tích tưới củng cố, tưới phát triển hàng năm tăng 1.380 ha với tổng nhu cầu vốn đầu tư là 150 tỷ.
- Lập quy hoạch thủy lợi thời kỳ 2011-2020 để có cơ sở lập dự án đầu tư trọng điểm xây dựng một số công trình,cụm công trình mới, đảm bảo xây dựng được một hệ thống thuỷ lợi tương đối đồng bộ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về nước tưới, sinh hoạt, sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
- Đối với các công trình thuỷ lợi nhỏ: Đây là những công trình có quy mô nhỏ, vốn đầu tư không lớn, phù hợp với điều kiện tưới của một tỉnh miền núi như Lạng Sơn; Cần đầu tư xây dựng kiên cố toàn bộ số công trình này.
4. Phát triển hệ thống cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn:
- Đầu tư hệ thống cấp nước để đến 2015 có 85% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, năm 2020 là 95% .
- Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý 90% vào năm 2015 và 100% vào năm 2020.
5. Phát triển hệ thống giao thông nông thôn: Tiếp tục đầu tư các hệ thống đường giao thông nông thôn để đảm bảo tỷ lệ xã có đường ô tô đi được 4 mùa là 95% vào năm 2015 và 98% vào năm 2020.
6. Phát triển hệ thống lưới điện và thông tin liên lạc:
a) Phát triển mạng lưới điện: Đầu tư mới đường dây hạ thế đến trung tâm số thôn, bản còn lại chưa có đường dây hạ thế, phấn đấu có 100% số thôn bản có điện lưới quốc gia; Đảm bảo đến năm 2015 có 99,6% số hộ gia đình được sử dụng điện và 99,9% vào năm 2020.
b) Phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông:
- Về phát triển bưu chính: Phấn đấu đến 2015 hầu hết các thôn, cụm thôn có điểm phục vụ, cung cấp các dịch vụ thiết yếu về Bưu chính Viễn thông; các điểm bưu điện văn hóa xã cung cấp hầu hết các dịch vụ Bưu chính mà các bưu cục cung cấp. Đến năm 2020 hoàn thành việc phát triển mạng lưới và phát triển rộng khắp các dịch vụ chuyển phát nhanh, chuyển tiền nhanh, dịch vụ tài chính; mở rộng lĩnh vực cung cấp dịch vụ theo hướng cung cấp ứng dụng rộng rãi mọi lĩnh vực và giải trí.
- Về phát triển Viễn thông: Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phấn đấu đến năm 2015 tỉnh Lạng Sơn sẽ trở thành tỉnh có mức độ phát triển về Viễn thông thuộc vào các tỉnh phát triển khá trong cả nước. Đến năm 2020 đảm bảo 100% nhu cầu về dịch vụ Viễn thông được đáp ứng; 100% số thuê bao Internet là băng rộng; 100% các vùng dân cư được phủ sóng; mật độ thuê bao điện thoại cố định chiếm 63%; điện thoại di động chiếm 72%; truyền hình cáp cung cấp trong phạm vi toàn tỉnh đến cấp xã, thôn.
7. Phát triển kết cấu hạ tầng ngành y tế: Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để củng cố và nâng cấp các Trạm y tế đảm bảo tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế xã là 90% vào năm 2015; 90% cơ sở khám chữa bệnh thực hiện được các kỹ thuật theo danh mục phân tuyến kỹ thuật do Bộ Y tế quy định và năm 2020 là 100%.
8. Phát triển kết cấu hạ tầng ngành giáo dục: Từ nay đến năm 2020 cần tập trung đầu tư để nâng cấp 2.002 phòng học bán kiên cố (nhà cấp 4) phòng học của các trường phổ thông và xây mới 788 phòng học của các trường phổ thông hiện nay đang là nhà dưới cấp 4 (nhà lán tạm, tranh tre) trên địa bàn nông thôn tỉnh Lạng Sơn; tiếp tục đầu tư cơ sở, trang thiết bị mới phục vụ cho công tác giảng dạy chuyên môn phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 125 trường đạt chuẩn quốc gia và đến năm 2020 là 180 trường.
9. Quy hoạch phát triển hệ thống chợ nông thôn: Định hướng phân bố kết cấu hạ tầng, các loại hình thương mại trên địa bàn đô thị tỉnh Lạng Sơn chú trọng phát triển các loại hình thương mại hiện đại tại các khu đô thị, dân cư tập trung, khu kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế cửa khẩu, trong khu hợp tác biên giới và tại trung tâm một số huyện lớn. Ở khu vực nông thôn, tại các huyện có điều kiện phát triển kinh tế khó khăn hơn sẽ xây dựng chủ yếu loại hình chợ, khu thương mại – dịch vụ tổng hợp để tạo điều kiện phát triển mạng lưới đại lý cung ứng và tiêu thụ hàng hóa. Phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ khu vực tại các xã, cụm xã.
10. Định hướng phát triển cơ khí hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến:
Căn cứ trên Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tỉnh Lạng sơn giai đoạn 2010-2015, định hướng đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1107/QĐTTg ngày 21/8/2006; tiếp tục xây dựng các chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư để huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các khu, nhà máy sản xuất, chế biến, chế xuất các sản phẩm nông, lâm sản và các khu công nghiệp sản xuất lắp máy móc nông lâm nghiệp phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hoá hiện đại hoá trên địa bàn tỉnh.
11. Phát trển ngành nghề – dịch vụ nông nghiệp:
- Khôi phục, phát triển các nghề truyền thống và các làng có nghề truyền thống.
- Phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái gắn với các lễ hội, các làng nghề khu vực nông thôn.
b. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới: Phấn đấu đến năm 2020 tỉnh Lạng Sơn phấn đấu có khoảng 103 xã đạt tiêu chí nông thôn mới trong đó:
- Giai đoạn 2011-2015 phấn đấu xây dựng bình quân mỗi huyện, thành phố có từ 1 – 2 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
- Giai đoạn 2016-2020 phấn đấu xây dựng bình quân mỗi huyện, thành phố có từ 7 – 8 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
c. Định hướng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân:
1. Mục tiêu công tác xoá đói, giảm nghèo: Đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10%, cả giai đoạn 2011 – 2020 bình quân mỗi năm giảm lớn hơn 3% /năm.
2. Giải quyết việc làm: Trong giai đoạn 2011 – 2015, mỗi năm cần giải quyết việc làm cho 3.200 lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn và giai đoạn 2016 – 2020, mỗi năm cần giải quyết việc làm cho 2.800 lao động.
3. Đào tạo nguồn nhân lực: Giai đoạn 2011-2015 tỷ lệ lao động được qua đào tạo trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 26%; trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng là 55% và trong lĩnh vực dịch vụ là 85%; giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ lao động được qua đào tạo trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 35%; trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng là 70% và trong lĩnh vực dịch vụ là 95%.
4. Định hướng phát triển văn hóa, thể dục – thể thao: Tỷ lệ thôn, bản, khối phố có nhà văn hoá 85% vào năm 2015 và 100% vào năm 2020.
6.6. Nhu cầu vốn đầu tư: Tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn - nông dân trong cả thời kỳ 2011-2020 là 34.799 tỷ đồng (trong đó giai đoạn 2011-2015 là 16.187 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 18.612 tỷ đồng). Trong đó:
1. Vốn đầu tư cho sản xuất nông, lâm nghiệp – thủy sản trong cả thời kỳ 2011-2020 là 4.554 tỷ đồng (trong đó giai đoạn 2011-2015 là 2.042 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 2.512 tỷ đồng).
2. Vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn trong cả thời kỳ 2011-2020 là 29.245 tỷ đồng (trong đó giai đoạn 2011-2015 là 13.745 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 15.500 tỷ đồng).
3. Vốn đầu tư cho hỗ trợ các lĩnh vực và đào tạo nông dân trong cả thời kỳ 2011-2020 là 1.000 tỷ đồng (trong đó giai đoạn 2011-2015 là 400 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 600 tỷ đồng).
6.7. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư:
a. Tiêu chí lựa chọn dự án:
- Đầu tư phát triển là động lực để phát triển các mặt kinh tế-xã hội khu vực nông thôn tỉnh Lạng Sơn. Vai trò của nhà nước là cung cấp các dịch vụ công, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư phát triển và thực hiện đầu tư phát triển những lĩnh vực mà khu vực tư không có điều kiện, hoặc “không muốn” đầu tư.
- Xác định toàn diện các lĩnh vực đầu tư, các dự án trọng tâm để tạo các bước đột phá, các giá trị gia tăng mới thúc đẩy sự phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lạng Sơn.
- Trên cơ sở các định hướng và giải pháp phát triển nông – lâm nghiệp, thủy sản và hạ tầng nông thôn đến năm 2020 đã được phân tích ở trên, xác định các lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư gồm: Kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, phát triển dịch vụ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
b. Danh mục các dự án: (Chi tiết theo phụ biểu trong Quy hoạch).
7. Giải pháp thực hiện:
1. Tiếp tục giải phóng và phát huy cao các nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông, lâm nghiệp và thủy sản, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.
2. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, gắn với phát triển các đô thị.
3. Tạo bước chuyển biến mạnh, nâng cao nhanh đời sống vật chất tinh thần, bảo đảm quyền lợi của cư dân nông thôn, nhất là của nông dân.
4. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn.
5. Tạo sự chuyển biến mạnh trong đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH nông thôn và xây dựng nền nông nghiệp hiện đại.
6. Phát triển nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng khoa học công nghệ.
7. Đổi mới mạnh mẽ các cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nông dân.
8. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở nông thôn.
Điều 2.Tổ chức thực hiện:
- UBND tỉnh chỉ đạo, giám sát việc tổ chức thực hiện Quy hoạch.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, Ban, ngành, các Tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn chỉ đạo các huyện, thành phố, các xã trên địa bàn tỉnh thực hiện Quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2011 - 2020.
- Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối và bố trí vốn, tính toán các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Quy hoạch đã được duyệt.
- Các Sở, ban, ngành khác có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung của Quy hoạch này liên quan đến ngành mình theo quy định của pháp luật.
- UBND các huyện, thành phố trên cơ sở Quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn tỉnh Lạng Sơn thời kỳ năm 2011 - 2020, xây dựng kế hoạch, quy hoạch sản xuất cụ thể cho các xã, cho từng vùng đất, đồng đất trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch chi tiết xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng và xây dựng nông thôn mới. Xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác xóa đói giảm nghèo và các chương trình giúp người nông dân nói riêng và cộng đồng dân cư nông thôn nói chung ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.
Điều 3.Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHẦN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.