ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2133/QĐ-UBND | Hải Phòng, ngày 28 tháng 12 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “KHU CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TẬP TRUNG THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG”
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 1249/QĐ-UBND ngày 02/7/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai các chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thành phố Hải Phòng 2009-2012;
Căn cứ Quyết định số 1682/QĐ-UBND ngày 12/10/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc phê duyệt đề cương Đề án Khu công nghệ thông tin tập trung của Hải Phòng;
Căn cứ Kế hoạch số 4883/KH-UBND ngày 23/8/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/2011/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố khóa XIV, kỳ họp thứ 2 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng thành phố 5 năm (2011-2015);
Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 39/TTr-STTTT ngày 21/12/2011 về việc đề nghị phê duyệt Đề án “Khu Công nghệ thông tin tập trung thành phố Hải Phòng”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Khu Công nghệ thông tin tập trung thành phố Hải Phòng” với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung
- Xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung là một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng hàng đầu để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, góp phần đổi mới cách thức tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển kinh tế tri thức thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
- Khu Công nghệ thông tin tập trung của Hải Phòng được xây dựng phải bảo đảm thỏa mãn các tiêu chí về vị trí, diện tích, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, các phân khu chức năng, quản lý nhà nước, cơ chế hoạt động, ưu đãi đầu tư ... theo Luật công nghệ cao, Luật đầu tư và các quy định về Khu Công nghệ thông tin tập trung của nhà nước; phù hợp với Quy hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đến 2020 đã được thành phố phê duyệt; bảo đảm tính khả thi cao, từng bước đầu tư đồng bộ, khai thác có hiệu quả; xứng đáng với tiềm năng và vị thế của thành phố Hải Phòng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và Vùng duyên hải Bắc bộ.
Tranh thủ thu hút, huy động các nguồn đầu tư với cơ chế thích hợp, đa dạng về phương thức; trong đó ngân sách thành phố tập trung hỗ trợ phát triển hạ tầng dùng chung, quy hoạch, các khu vực sự nghiệp, đào tạo, nghiên cứu. Các nguồn vốn khác đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
2. Mục tiêu xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung
- Hình thành trung tâm trọng điểm về công nghiệp công nghệ thông tin, góp phần định hướng và phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin thành phố; hình thành trung tâm nghiên cứu - phát triển sản phẩm công nghệ thông tin, phục vụ cho việc đào tạo, chuyển giao công nghệ thông tin; ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thông tin.
- Tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư nhằm thu hút vốn, công nghệ trong và ngoài nước, góp phần xây dựng ngành công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế trọng điểm, quan trọng của thành phố.
- Tạo ra môi trường làm việc đạt chất lượng quốc tế, thu hút lao động chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghệ thông tin.
- Tạo ra các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin có khả năng thay thế sản phẩm nhập khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển các lĩnh vực: viễn thông, tài chính (thuế, kho bạc, kiểm toán,...), ngân hàng, hải quan, hàng không, thương mại, thương mại điện tử và các dịch vụ công cộng, giáo dục, đào tạo, y tế, an ninh, quốc phòng.
- Góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; tăng xuất khẩu, nâng cao vị thế, thương hiệu công nghệ thông tin thành phố.
3. Vị trí, chức năng của Khu Công nghệ thông tin tập trung
- Khu Công nghệ thông tin tập trung thành phố Hải Phòng là khu chuyên nghiên cứu - phát triển, đào tạo, sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ thông tin, cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin và các hoạt động khác liên quan đến công nghệ thông tin của thành phố và khu vực vùng duyên hải Bắc bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
- Khu Công nghệ thông tin tập trung thành phố Hải Phòng là loại Khu Công nghệ thông tin tập trung có ranh giới địa lý xác định, gồm các tổ chức, cơ sở nghiên cứu - phát triển, đào tạo, sản xuất và kinh doanh sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin có tường rào ngăn cách với khu vực bên ngoài.
- Khu Công nghệ thông tin tập trung thành phố Hải Phòng do Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định thành lập.
- Chủ đầu tư xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung là Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hải Phòng.
4. Nhiệm vụ của Khu Công nghệ thông tin tập trung
- Thực hiện các hoạt động nghiên cứu - phát triển, ứng dụng về công nghệ thông tin.
- Sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ thông tin, cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin.
- Đào tạo nhân lực công nghệ thông tin.
- Ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp công nghệ thông tin.
- Xúc tiến thương mại công nghệ thông tin; tổ chức hội chợ, triển lãm, trình diễn sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin.
- Thu hút các nguồn lực trong nước và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động công nghệ thông tin thành phố.
5. Các hoạt động đầu tư vào Khu Công nghệ thông tin tập trung
- Xây dựng và kinh doanh các công trình hạ tầng kỹ thuật.
- Nghiên cứu - phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin.
- Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin.
- Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm phần cứng thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục công nghệ cao được khuyến khích phát triển do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Đào tạo nhân lực công nghệ thông tin.
- Ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp công nghệ thông tin và xúc tiến thương mại công nghệ thông tin.
- Cung cấp các dịch vụ cho các hoạt động trong Khu Công nghệ thông tin tập trung.
6. Tổ chức và các phân khu chức năng
Khu Công nghệ thông tin tập trung được tổ chức thành 2 nhóm phân khu chức năng chính gồm:
1) Nhóm phân khu thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Khu Công nghệ thông tin tập trung bao gồm:
- Khu sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin;
- Khu nghiên cứu - phát triển, tư vấn, đào tạo, vườn ươm công nghệ thông tin;
- Khu văn phòng, trụ sở làm việc phục vụ công tác quản lý;
- Khu công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối như điện, nước, viễn thông, xử lý môi trường, phòng cháy chữa cháy và các hạ tầng kỹ thuật khác;
- Khu trưng bày, hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm và truyền thống;
- Khu chức năng khác thực hiện các chức năng của Khu Công nghệ thông tin tập trung.
2) Nhóm phân khu cung cấp các dịch vụ cho Khu Công nghệ thông tin tập trung:
- Khu sinh thái và dịch vụ dân sinh;
- Khu tài chính hoặc liên kết tài chính;
- Khu nhà ở cho người làm việc trong Khu;
- Khu chức năng khác cung cấp các dịch vụ cho Khu Công nghệ thông tin tập trung.
7. Mô hình tổ chức quản lý Khu Công nghệ thông tin tập trung
7.1. Mô hình tổ chức.
- Tổ chức quản lý Khu Công nghệ thông tin tập trung là một đơn vị được Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập hoặc giao nhiệm vụ. Tổ chức là đơn vị sự nghiệp, hoạt động dưới hình thức Ban Quản lý Khu, không có chức năng quản lý nhà nước.
- Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu.
7.2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản lý Khu Công nghệ thông tin tập trung
- Quản lý các hoạt động trong Khu Công nghệ thông tin tập trung theo quy định điều lệ Khu và của pháp luật.
- Thẩm định các dự án đầu tư vào Khu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Thực hiện các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư vào khu.
- Giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư tại Khu Công nghệ thông tin tập trung và kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
8. Các tổ chức hoạt động trong Khu Công nghệ thông tin tập trung
8.1. Doanh nghiệp công nghệ thông tin
- Doanh nghiệp công nghệ thông tin là doanh nghiệp hoạt động phù hợp với chức năng của Khu Công nghệ thông tin tập trung.
- Doanh nghiệp công nghệ thông tin có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
8.2. Doanh nghiệp phát triển hạ tầng
- Doanh nghiệp phát triển hạ tầng là doanh nghiệp đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, nhà xưởng và các công trình khác trong Khu Công nghệ thông tin tập trung theo dự án được phê duyệt.
- Doanh nghiệp phát triển hạ tầng có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
8.3. Doanh nghiệp phát triển Khu Công nghệ thông tin tập trung
- Doanh nghiệp phát triển Khu Công nghệ thông tin tập trung là doanh nghiệp được Ban quản lý Khu Công nghệ thông tin tập trung thành lập theo Luật Doanh nghiệp; được chấp thuận và cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển và quản lý hoạt động Khu Công nghệ thông tin tập trung.
- Doanh nghiệp phát triển Khu Công nghệ thông tin tập trung có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
8.4. Doanh nghiệp dịch vụ
- Doanh nghiệp dịch vụ là doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ về nhà ở, trường học, y tế, sinh hoạt văn hóa và các dịch vụ khác để phục vụ cho các tổ chức, cá nhân trong Khu Công nghệ thông tin tập trung.
- Doanh nghiệp dịch vụ có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
9. Cơ chế, chính sách ưu đãi.
9.1. Hỗ trợ, ưu đãi đầu tư xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung
- Thành phố hỗ trợ đầu tư cung cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài Khu (đường giao thông, điện, nước sạch, tiêu thoát nước và các hạ tầng khác), tổ chức hệ thống giao thông vận chuyển hành khách công cộng đến Khu Công nghệ thông tin tập trung để tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung;
- Thành phố hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung;
- Được hưởng các giá ưu đãi về sử dụng điện, nước, viễn thông theo quy định của Nhà nước;
- Thành phố khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, liên doanh, liên kết để đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ thông tin trong Khu Công nghệ thông tin tập trung với các chế độ ưu đãi, hỗ trợ cao nhất theo quy định của pháp luật;
9.2. Chủ đầu tư xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung và các đơn vị đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại Khu Công nghệ thông tin tập trung được ưu đãi, hỗ trợ như sau:
- Tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện thủ tục giao đất, thuê đất;
- Được hưởng ưu đãi về giá thuê đất hoặc giao đất theo quy định của pháp luật về đất đai của Khu công nghệ cao;
- Được quyền quyết định giá và thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho nhà đầu tư;
- Được hưởng các chính sách ưu đãi tín dụng đầu tư của Nhà nước để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và phúc lợi trong Khu Công nghệ thông tin tập trung, (bao gồm đường giao thông nội Khu, hệ thống xử lý nước thải, các công trình phúc lợi xã hội như nhà trẻ, trường học, phòng khám bệnh và văn phòng làm việc cho doanh nghiệp công nghệ thông tin phục vụ trực tiếp cho hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong Khu Công nghệ thông tin tập trung);
- Được thu hút vốn đầu tư theo các hình thức BOT, BT, BTO và các hình khác theo quy định của pháp luật;
- Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ chung trong Khu Công nghệ thông tin tập trung được huy động vốn từ quỹ đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng trong Khu Công nghệ thông tin tập trung được huy động vốn thông qua việc cho nhà đầu tư (trừ các tổ chức, cá nhân nước ngoài; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; người nước ngoài thường trú ở Việt Nam) có khả năng về tài chính và kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư thuê lại một phần hoặc toàn bộ diện tích đất chưa cho thuê để đầu tư và cho thuê lại đất;
- Miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không kinh doanh theo quy định pháp luật hiện hành;
- Chi phí đầu tư xây dựng, vận hành và các công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ Khu Công nghệ thông tin tập trung là chi phí hợp lý được khấu trừ để tính thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp có dự án đầu tư trong Khu Công nghệ thông tin tập trung.
9.3. Hỗ trợ, ưu đãi cho Doanh nghiệp công nghệ thông tin
- Được lựa chọn các hình thức: giao đất có thu tiền sử dụng đất, thuê đất theo quy định theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi theo quy định của pháp luật.
- Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin có quy mô lớn cần đặc biệt thu hút đầu tư, thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi có thể kéo dài theo quy định của pháp luật.
- Theo quy định của pháp luật: Được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc thiết bị và dây chuyền sản xuất nhập làm tài sản cố định và phục vụ sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin của doanh nghiệp; được miễn thuế xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin; được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hải quan trong quá trình xuất nhập khẩu máy móc thiết bị và sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin.
- Theo quy định của pháp luật: Được miễn thuế nhập khẩu và không áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với những máy móc thiết bị và dây chuyền sản xuất nhập khẩu phục vụ sản xuất, gia công sản phẩm công nghệ thông tin không hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp và không tiêu thụ trong nước.
- Được hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ và các tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật để sản xuất, nghiên cứu - phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin, ươm tạo doanh nghiệp và đào tạo nhân lực công nghệ thông tin.
9.4. Ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân
Cá nhân làm việc tại Khu Công nghệ thông tin tập trung được hưởng các ưu đãi giảm thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật hiện hành.
9.5. Điểm thông quan trong Khu Công nghệ thông tin tập trung
Khu Công nghệ thông tin tập trung được phép mở điểm thông quan trong Khu theo quy định của pháp luật.
9.6. Quản lý lao động và dân cư
- Nhà đầu tư hoạt động trong Khu Công nghệ thông tin tập trung có quyền trực tiếp tuyển dụng và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
- Điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động trên cơ sở đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động.
- Nhà đầu tư các dự án hoạt động trong Khu Công nghệ thông tin tập trung sử dụng lao động có trách nhiệm đăng ký danh sách lao động là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và định kì thông báo về sự thay đổi danh sách này cho Tổ chức quản lý Khu Công nghệ thông tin tập trung.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, phân chia, chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý hoặc quyền sử dụng tài sản của các nhà đầu tư trong Khu CNTT tập trung, chủ sở hữu mới hoặc người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm tiếp tục thực hiện thỏa ước lao động tập thể và các hợp đồng lao động đã ký kết cho tới khi các bên ký kết hợp đồng có thỏa thuận sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng cũ, ký kết hợp đồng mới.
- Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm việc tại Khu Công nghệ thông tin tập trung và các thành viên của gia đình họ được ưu tiên trong việc cấp thị thực xuất, nhập cảnh nhiều lần, giấy phép lao động và thẻ tạm trú.
- Người Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Khu Công nghệ thông tin tập trung và gia đình của họ được cư trú trong Khu theo quy định của cơ quan lý nhà nước và được tạo điều kiện thuận lợi về cư trú, được thuê nhà, mua nhà theo quy định của pháp luật.
9.7. Quản lý đất đai
- Ban Quản lý Khu Công nghệ thông tin tập trung được giao đất một lần hoặc theo tiến độ của dự án để tổ chức xây dựng và phát triển Khu Công nghệ thông tin tập trung theo quy hoạch và mục đích sử dụng đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Nhà đầu tư sử dụng đất trong Khu Công nghệ thông tin tập trung được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
9.8. Quản lý quy hoạch và xây dựng hạ tầng kỹ thuật
- Việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các công trình trong Khu Công nghệ thông tin tập trung phải tuân theo quy hoạch đã được phê duyệt. Ban quản lý Khu Công nghệ thông tin tập trung quản lý hồ sơ quy hoạch, thiết kế kỹ thuật và biên bản nghiệm thu các công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong Khu Công nghệ thông tin tập trung.
- Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước, Ban quản lý Khu Công nghệ thông tin tập trung triển khai thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật.
- Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước, Ban quản lý Khu Công nghệ thông tin tập trung hướng dẫn và giám sát các nhà đầu tư thực hiện việc xây dựng theo các quy định của pháp luật.
- Các công trình giao thông, cấp điện, nước, hạ tầng truyền thông ngoài địa giới Khu Công nghệ thông tin tập trung do các doanh nghiệp chuyên ngành thực hiện theo yêu cầu của Ban quản lý Khu Công nghệ thông tin tập trung, phù hợp với quy hoạch và tiến độ xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung.
9.9. Nguồn vốn đầu tư xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung
- Vốn ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng Khu CNTT tập trung được bố trí cho các nhiệm vụ sau:
+ Lập quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết, công tác chuẩn bị đầu tư;
+ Giải phóng mặt bằng, rà, phá bom, mìn, vật liệu nổ, san lấp mặt bằng;
+ Xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung Khu Công nghệ thông tin tập trung bao gồm: hạ tầng truyền thông, điện, nước, xử lý môi trường; trụ sở Ban quản lý Khu Công nghệ thông tin tập trung;
+ Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đào tạo, Khu nghiên cứu - phát triển CNTT.
+ Các chi phí khác phục vụ công tác quản lý thực hiện đầu tư xây dựng của Ban quản lý Khu Công nghệ thông tin tập trung.
- Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu vực còn lại được thực hiện bằng các nguồn vốn khác.
10. Nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với Khu Công nghệ thông tin tập trung
- Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và cơ chế, chính sách phát triển Khu Công nghệ thông tin tập trung.
- Quy định và hướng dẫn việc thành lập, xây dựng, phát triển và quản lý hoạt động của Khu Công nghệ thông tin tập trung.
- Cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các loại giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận, tổ chức thực hiện các thủ tục hành chính nhà nước và dịch vụ hỗ trợ có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trong Khu Công nghệ thông tin tập trung.
- Tổ chức bộ máy, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cơ quan quản lý nhà nước về Khu Công nghệ thông tin tập trung.
- Hướng dẫn, hỗ trợ, đánh giá hiệu quả đầu tư, kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hình thành và phát triển Khu Công nghệ thông tin tập trung.
- Kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thỏa mãn các tiêu chí của Khu Công nghệ thông tin tập trung, chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật tại Khu CNTT tập trung.
11. Định hướng chức năng và quy hoạch không gian các phân khu
11.1. Khu sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin.
a. Chức năng.
Là nơi sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin. Nơi đây tập trung các nhà máy, xí nghiệp, trung tâm sản xuất, cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ phần cứng, phần mềm, nội dung số.
b. Quy hoạch không gian.
* Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phần cứng
- Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm phần cứng thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục công nghệ cao được khuyến khích phát triển do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Phát triển công nghiệp phần cứng với định hướng xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư với các quy mô, loại hình khác nhau, từ lắp ráp thành phẩm đến sản xuất linh kiện, phụ tùng và các sản phẩm phụ trợ, trong đó đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn đa quốc gia. Phát triển điện tử chuyên dùng, bao gồm sản xuất sản phẩm, linh kiện, phụ tùng và sản phẩm phụ trợ cho các lĩnh vực tin học, viễn thông, điện tử y tế, điện tử công nghiệp, cơ điện tử, đo lường, tự động hóa.
- Nhóm sản phẩm định hướng phát triển bao gồm: máy tính và các thiết bị ngoại vi; thông tin - viễn thông; điện tử y tế, điện tử công nghiệp, đo lường và tự động hóa; sản xuất linh kiện, phụ tùng và sản phẩm phụ trợ.
- Dịch vụ phần cứng bao gồm tư vấn, trợ giúp khách hàng lắp đặt sản phẩm phần cứng; phân phối, lưu thông các sản phẩm phần cứng; lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành sản phẩm phần cứng; xuất nhập khẩu sản phẩm phần cứng; các dịch vụ phần cứng khác.
* Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phần mềm.
- Thiết kế, sản xuất, gia công và cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm, bao gồm sản xuất phần mềm đóng gói; sản xuất phần mềm theo đơn đặt hàng; sản xuất phần mềm nhúng;
- Các loại sản phẩm phần mềm bao gồm: Phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng, phần mềm điều khiển, tự động hóa, phần mềm tiện ích, phần mềm công cụ, các phần mềm khác.
- Các loại dịch vụ phần mềm bao gồm: dịch vụ quản trị, bảo hành, bảo trì hoạt động của phần mềm và hệ thống thông tin; dịch vụ tư vấn, đánh giá, thẩm định chất lượng phần mềm; dịch vụ tư vấn, xây dựng dự án phần mềm; dịch vụ tư vấn định giá phần mềm; dịch vụ chuyển giao công nghệ phần mềm; dịch vụ tích hợp hệ thống; dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh cho sản phẩm phần mềm, hệ thống thông tin; dịch vụ phân phối, cung ứng sản phẩm phần mềm; các dịch vụ phần mềm khác.
* Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nội dung số.
- Sản xuất, cung cấp, thực hiện các dịch vụ nội dung thông tin số bao gồm thông tin kinh tế - xã hội, thông tin khoa học - giáo dục, thông tin văn hóa - giải trí trên môi trường mạng và các sản phẩm tương tự khác.
- Sản phẩm nội dung thông tin số bao gồm: giáo trình, bài giảng, tài liệu học tập dưới dạng điện tử; sách, báo, tài liệu dưới dạng số; các loại trò chơi điện tử bao gồm trò chơi trên máy tính đơn, trò chơi trực tuyến, trò chơi trên điện thoại di động; trò chơi tương tác qua truyền hình; sản phẩm giải trí trên mạng viễn thông di động và cố định; thư viện số, kho dữ liệu số, từ điển điện tử; phim số, ảnh số, nhạc số, quảng cáo số; các sản phẩm nội dung thông tin số khác.
- Các dịch vụ nội dung thông tin số bao gồm: dịch vụ phân phối, phát hành sản phẩm nội dung thông tin số; dịch vụ nhập, cập nhật, tìm kiếm, lưu trữ và xử lý dữ liệu số; dịch vụ quản trị, duy trì, bảo dưỡng, bảo hành các sản phẩm nội dung thông tin số; dịch vụ chỉnh sửa, bổ sung tính năng, bản địa hóa các sản phẩm nội dung thông tin số; dịch vụ đào tạo từ xa; dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa; dịch vụ truyền thông được cung cấp trên môi trường mạng; các dịch vụ nội dung thông tin số khác.
11.2. Khu nghiên cứu - phát triển và ươm tạo công nghệ thông tin.
a. Chức năng.
- Nghiên cứu và phát triển công nghệ, sản phẩm công nghệ thông tin; tiếp thu, chuyển hóa, chuyển giao kết quả nghiên cứu và các thành tựu công nghệ thông tin vào sản xuất và đời sống, bao gồm:
+ Công nghiệp phần cứng: nghiên cứu và phát triển các sản phẩm máy tính và các thiết bị ngoại vi; thông tin - viễn thông; điện tử y tế, điện tử công nghiệp, đo lường và tự động hóa; linh kiện, phụ tùng và sản phẩm phụ trợ.
+ Công nghiệp phần mềm: nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, dịch vụ phần mềm; đẩy mạnh ứng dụng và phát triển phần mềm mã nguồn mở.
+ Công nghiệp nội dung số: nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số như thư viện điện tử, bảo tàng điện tử, giáo trình, giáo án điện tử, các chương trình truyền hình, giải trí...
+ Ưu tiên việc nghiên cứu và phát triển các nhóm sản phẩm công nghệ thông tin thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo Quyết định 49/2010/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.
+ Hợp tác liên kết nghiên cứu về công nghệ thông tin với các doanh nghiệp, các Trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước.
- Ươm tạo công nghệ, sản phẩm và doanh nghiệp công nghệ thông tin, gồm cung cấp mẫu các điều kiện thuận lợi về hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực và dịch vụ cần thiết; tổ chức sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới; đấu giá công nghệ, sản phẩm về công nghệ thông tin kèm theo các cơ chế hỗ trợ thành lập doanh nghiệp công nghệ thông tin mới.
b. Quy hoạch không gian
- Các không gian chức năng của khu Nghiên cứu và Phát triển gồm các khu vực sau:
- Trung tâm nghiên cứu và phát triển
- Trung tâm ươm tạo công nghệ, sản phẩm và doanh nghiệp công nghệ thông tin.
- Trung tâm thí nghiệm, kiểm định và đo lường công nghệ thông tin.
11.3. Khu đào tạo
a. Chức năng.
- Là Trung tâm đào tạo nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao của thành phố
- Liên doanh, liên kết, hợp tác, thu hút, kêu gọi đầu tư với các tổ chức, cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để tổ chức đào tạo nhân lực công nghệ thông tin ở mọi trình độ, mọi hình thức, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của thành phố và khu vực.
- Ưu tiên đầu tư phục vụ đào tạo nhân lực công nghệ thông tin có trình độ kỹ năng chuyên môn và học vấn cao; nhân lực có chứng chỉ và bằng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế như: Cisco System, Cadence, Sun Microsystems, NIIT, Houston Community College System...
- Đào tạo, đào tạo lại đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trong Khu.
b. Quy hoạch không gian
- Khu quản lý đào tạo, giáo vụ, giảng viên.
- Khu giảng đường, hội trường.
- Khu phục vụ đào tạo: Thư viện, kí túc xá...
11.4. Khu trưng bày, hội chợ, triển lãm, mua bán, giới thiệu sản phẩm.
a. Chức năng.
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo cấp quốc gia, khu vực, thành phố và các doanh nghiệp về thông tin và truyền thông.
- Tổ chức các hội chợ, triển lãm, trình diễn sản phẩm, công nghệ, các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
- Đáp ứng nhu cầu dịch vụ tra cứu, tìm kiếm, hỏi - đáp thông tin về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
- Môi giới, tư vấn về công nghệ và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ giao dịch, kết nối các quan hệ “cung - cầu” trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
- Đại diện các đơn vị, doanh nghiệp chuyển giao, đại lý cung cấp, phân phối sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông.
- Xuất bản các tài liệu, thông tin, quảng bá, quảng cáo, tuyên truyền về công nghệ thông tin và truyền thông.
b. Quy hoạch không gian:
- Trung tâm hội chợ, triển lãm, trình diễn sản phẩm, công nghệ.
- Trung tâm dịch vụ tư vấn, tra cứu, hỏi đáp, môi giới, chuyển giao công nghệ thông tin, quảng bá, quảng cáo về sản phẩm và công nghệ thông tin.
- Trung tâm đại lý, đại diện cung cấp, phân phối sản phẩm, dịch vụ.
11.5. Nhóm phân khu cung cấp các dịch vụ cho Khu Công nghệ thông tin tập trung:
- Khu sinh thái và dịch vụ dân sinh (công viên, vườn hoa, dịch vụ căng tin, nhà ăn, bệnh xá, hiệu thuốc, dịch vụ vận chuyển, thể thao, giải trí, bưu điện...).
- Khu tài chính hoặc liên kết tài chính (ngân hàng, ATM, ...).
- Khu nhà ở cho người làm việc trong Khu.
- Khu trường học nhà trẻ, mẫu giáo, phổ thông.
11.6. Khu văn phòng, trụ sở làm việc phục vụ công tác quản lý.
- Khu trụ sở làm việc của Ban quản lý khu.
- Khu trụ sở làm việc của doanh nghiệp quản lý và phát triển hạ tầng.
- Khu trụ sở làm việc của doanh nghiệp quản lý và phát triển khu.
11.7. Khu công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối như điện, nước, viễn thông, xử lý môi trường, phòng cháy chữa cháy và các hạ tầng kỹ thuật khác.
Gồm toàn bộ khu vực bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối như:
- Cấp điện: trạm biến áp, phân phối điện...
- Cấp nước: cấp nước, trạm bơm, hệ thống đường ống...
- Đầu mối thông tin liên lạc: điện thoại, BTS, phân phối cáp viễn thông...
- Đầu mối các công trình phòng cháy, chữa cháy.
- Khu xử lý nước thải, thu gom rác.
12. Địa điểm và nhu cầu sử dụng đất.
12.1. Nhu cầu sử dụng đất.
- Cần diện tích khoảng 20-30ha, diện tích dự kiến được phân ra thành các phân khu cụ thể như sau:
+ Khu quản lý: 1 - 2 ha;
+ Khu sản xuất: 8 - 10ha;
+ Khu hội chợ, triển lãm: 3 - 5ha;
+ Khu đào tạo: 2 - 3 ha;
+ Khu nghiên cứu - phát triển: 2 - 3ha;
+ Khu hạ tầng đầu mối: 1-2ha;
+ Khu dịch vụ : 3-5ha.
Giai đoạn đầu cần 20 ha, giai đoạn mở rộng 30 ha.
12.2. Địa điểm xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung.
Địa điểm xây dựng khu đảm bảo, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển khu Công nghệ thông tin tập trung quốc gia; phù hợp với Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;
Điều 2. Tổ chức thực hiện
- Đề án Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Hải Phòng là cơ sở để trình các cấp thành phố duyệt và thực hiện các bước có liên quan để triển khai xây dựng dự án đầu tư theo quy định.
- Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện việc xây dựng dự án Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Hải Phòng đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các sở, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.