ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2130/2008/QĐ-UBND | Việt Trì, ngày 31 tháng 7 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KỶ LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức; Thông tư số 03/2007/TT-BNV ngày 12 tháng 6 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện kỷ luật cán bộ, công chức cấp xã.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 406/TTr-SNV ngày 11 tháng 7 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng kỷ luật cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh Phú Thọ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định 3368/2004/QĐ-UB ngày 03 tháng 11 năm 2004 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc ban hành quy định về thành phần và quy chế hoạt động của Hội đồng kỷ luật đối với công chức xã, phường, thị trấn.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KỶ LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2130/2008/QĐ-UBND ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ)
Thực hiện Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Nghị định 114/2003/NĐ-CP) và Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức (sau đây gọi chung là Nghị định số 35/2005/NĐ-CP); Thông tư số 03/2007/TT-BNV ngày 12 tháng 6 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện kỷ luật công chức cấp xã, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành Quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng kỷ luật, cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
1. Phạm vi điều chỉnh của Quy định này là quy định về việc thành lập Hội đồng kỷ luật và quy chế hoạt động của Hội đồng kỷ luật cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh.
2. Đối tượng điều chỉnh của Quy định này là:
a) Cán bộ chuyên trách xã, phường, thị trấn: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (gọi chung là cán bộ xã).
b) Công chức xã, phường, thị trấn: Trưởng Công an (nơi chưa bố trí lực lượng Công an chính quy), Chỉ huy trưởng Quân sự, Văn phòng - Thống kê, Địa chính - Xây dựng, Tài chính - Kế toán, Tư pháp - Hộ tịch, Văn hóa - Xã hội (gọi chung là công chức xã).
Cán bộ, công chức trên bao gồm cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển về công tác tại xã, phường, thị trấn; cán bộ, công chức cấp xã đang nghỉ chế độ chờ làm thủ tục hưu trí; cán bộ, công chức sau khi điều động công tác về các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mới phát hiện vi phạm kỷ luật; trừ Trưởng Công an chính quy.
3. Đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này là:
a) Cán bộ chuyên trách xã, phường, thị trấn giữ các chức danh trong Đảng, Mặt trận, đoàn thể, khi vi phạm kỷ luật thì xử lý theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức mà cán bộ là người giữ chức vụ trong tổ chức đó.
b) Cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn là những người làm việc theo chế độ hợp đồng, khi vi phạm kỷ luật thì xử lý theo quy định của Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Điều 2. Phạm vi xem xét kỷ luật
Cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật trong các trường hợp sau:
1. Vi phạm nghĩa vụ của cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Điều 8 Nghị định số 114/2003/NĐ-CP .
2. Vi phạm việc thực hiện quy chế làm việc quy định tại Điều 9 của Nghị định số 114/2003/NĐ-CP .
3. Vi phạm những việc cán bộ, công chức cấp xã không được làm quy định tại Điều 11 Nghị định số 114/2003/NĐ-CP .
4. Vi phạm pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tòa án tuyên là có tội nhưng chưa bị phạt tù giam.
5. Vi phạm pháp luật bị cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về hành vi vi phạm.
6. Vi phạm việc quản lý và sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp, gian dối trong kê khai hồ sơ lý lịch.
7. Trong thời gian được cử đi học tập, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ vi phạm quy chế đào tạo.
8. Vi phạm các quy định của Nhà nước về phòng, chống tệ nạn mại dâm, ma túy.
Điều 3. Nguyên tắc xem xét xử lý kỷ luật cán bộ, công chức
1. Khách quan, công bằng, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.
- Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ khi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức xác định cán bộ, công chức có hành vi vi phạm kỷ luật cho đến thời điểm Hội đồng kỷ luật họp (theo Điều 9 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP).
2. Khi xử lý kỷ luật cán bộ, công chức phải thành lập Hội đồng kỷ luật, trừ trường hợp cán bộ, công chức phạm tội bị Tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo.
3. Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật. Nếu cán bộ, công chức có nhiều hành vi vi phạm thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi và tổng hợp lại sẽ phải nhận hình thức kỷ luật cao hơn một mức so với hành vi vi phạm có hình thức kỷ luật cao nhất.
4. Cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, công chức trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm; không áp dụng hình thức phạt tiền, cắt lương thay cho hình thức kỷ luật; không áp dụng hình thức buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức nữ khi đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Chương II
HỘI ĐỒNG KỶ LUẬT
Điều 4. Thành lập Hội đồng kỷ luật
1. Việc thành lập Hội đồng kỷ luật phải được quyết định chậm nhất là 07 ngày trước khi Hội đồng kỷ luật họp.
2. Thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật:
a) Chủ tịch UBND huyện, thành, thị quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật đối với các trường hợp xét kỷ luật Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.
b) Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật đối với các trường hợp còn lại.
Điều 5. Số lượng, thành phần Hội đồng kỷ luật
1. Số lượng thành viên Hội đồng kỷ luật: Số lượng thành viên Hội đồng kỷ luật gồm 05 người.
2. Thành phần Hội đồng kỷ luật: Gồm Chủ tịch, các Ủy viên và Ủy viên kiêm thư ký Hội đồng kỷ luật.
a) Hội đồng kỷ luật do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập:
+ Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân huyện, thành, thị;
+ Một Ủy viên là Trưởng (hoặc Phó) Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy;
+ Một Ủy viên là: Chủ tịch (hoặc Phó) Chủ tịch Ban chấp hành Công đoàn cơ quan xã, phường, thị trấn;
+ Một đại diện tổ chức mà nơi cán bộ, công chức đó công tác;
+ Trưởng (hoặc Phó trưởng) phòng Nội vụ làm Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật.
b) Hội đồng kỷ luật do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thành lập.
+ Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
+ Một Ủy viên Hội đồng là đại diện Ban chấp hành Công đoàn cơ quan xã, phường, thị trấn;
+ Một Ủy viên Hội đồng là Chủ tịch Hội phụ nữ hoặc Bí thư Đoàn Thanh niên CSHCM xã, phường, thị trấn.
+ Một Ủy viên là cán bộ hoặc công chức xã, phường, thị trấn.
+ Một Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật do công chức Văn phòng - Thống kê đảm nhận.
3. Các thành phần được mời tham dự họp Hội đồng kỷ luật:
a) Hội đồng kỷ luật có thể mời đại diện lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, xã, phường, thị trấn tham gia họp xét kỷ luật cán bộ, công chức, bao gồm: Đảng ủy, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên CSHCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh;
b) Các thành phần dự họp Hội đồng kỷ luật nêu trên được tham gia phát biểu ý kiến và đề xuất mức kỷ luật nhưng không được quyền biểu quyết hình thức kỷ luật.
c) Nếu cán bộ, công chức cấp xã vi phạm kỷ luật trong nhiệm kỳ trước, nay nhiệm kỳ mới thay đổi người lãnh đạo thì Hội đồng kỷ luật có thể mời người lãnh đạo nhiệm kỳ trước tham dự cuộc họp Hội đồng kỷ luật.
4. Khi thành lập Hội đồng kỷ luật không được cử người có quan hệ gia đình với cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật tham gia thành viên Hội đồng kỷ luật như: Cha, mẹ đẻ; cha, mẹ vợ (hoặc chồng); cha, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng được pháp luật thừa nhận; vợ hoặc chồng; anh, chị em ruột; anh, chị, em dâu (rể) được pháp luật thừa nhận; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi được pháp luật thừa nhận.
Điều 6. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng kỷ luật
1. Hội đồng kỷ luật làm việc khách quan, công khai, dân chủ, theo chế độ tập thể.
2. Hội đồng kỷ luật chỉ họp khi đầy đủ các thành viên Hội đồng.
3. Hội đồng kỷ luật kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật thực hiện bằng phiếu kín và theo nguyên tắc đa số.
4. Biên bản cuộc họp do Thư ký Hội đồng ghi chép và được Hội đồng thông qua trước khi Chủ tịch Hội đồng ký.
Điều 7. Trách nhiệm của các thành viên Hội đồng kỷ luật
1. Trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng:
a) Yêu cầu người vi phạm làm bản kiểm điểm, tường trình nội dung sự việc, tự nhận xét về tính chất và mức độ sai phạm, nguyên nhân, phương hướng khắc phục (nếu có) và tự đề xuất hình thức kỷ luật tương ứng đối với hành vi vi phạm;
b) Triệu tập và chủ trì cuộc họp của Hội đồng kỷ luật theo quy định của quy chế;
c) Phân công Thư ký Hội đồng thu thập hồ sơ tài liệu có liên quan đến sai phạm của cán bộ, công chức;
d) Nghiên cứu hồ sơ, xem xét sự việc; liên hệ với các cơ quan chức năng điều tra, thanh tra, kiểm tra, nắm chắc sự việc để đưa ra Hội đồng kỷ luật;
đ) Trong thời gian đang bị xem xét xử lý kỷ luật, nếu nhận thấy người vi phạm có thể gây khó khăn cho việc xác minh hoặc tiếp tục có hành vi vi phạm, Chủ tịch Hội đồng kỷ luật có thể đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành, thị tạm đình chỉ công tác đối với người vi phạm. Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không quá 3 tháng (Điều 10 - Nghị định số 35/2005/NĐ-CP).
2. Trách nhiệm của các thành viên Hội đồng: Nắm vững các quy định pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; tìm hiểu sự việc sai phạm của người vi phạm; phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan, tính chất, mức độ, hậu quả về tinh thần, vật chất (nếu có) và kiến nghị hình thức kỷ luật đối với người vi phạm.
3. Trách nhiệm của Thư ký Hội đồng kỷ luật: Chuẩn bị tài liệu, hồ sơ liên quan sự việc, nghiên cứu nắm chắc từng nội dung cụ thể và trình ra Hội đồng theo trình tự quy định tại Điều 15 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP. Chịu trách nhiệm ghi biên bản cuộc họp của Hội đồng và hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Hội đồng ký đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành, thị xem xét, quyết định kỷ luật.
Điều 8. Quy trình xem xét xử lý kỷ luật
1. Cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật phải làm bản kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức để người vi phạm kiểm điểm trước tập thể cơ quan và lấy ý kiến về kiến nghị hình thức kỷ luật đối với người vi phạm. Trường hợp người vi phạm kỷ luật sau khi đã được yêu cầu hai lần mà vẫn không chịu viết bản kiểm điểm thì cơ quan vẫn tiến hành họp, góp ý kiến về sai phạm và kiến nghị hình thức kỷ luật đối với người vi phạm.
2. Người vi phạm kỷ luật được Hội đồng kỷ luật gửi giấy báo triệu tập trước khi họp 07 ngày làm việc. Khi họp Hội đồng kỷ luật phải có mặt của người vi phạm. Nếu người vi phạm vắng mặt phải có lý do chính đáng và phải có đơn xin vắng mặt gửi cho Hội đồng kỷ luật ít nhất trước một ngày. Trường hợp đã gửi giấy triệu tập hai lần mà người vi phạm đều vắng mặt không có lý do chính đáng, ba lần (đối với người tự ý bỏ việc) mà không có mặt thì Hội đồng kỷ luật vẫn họp xem xét và kiến nghị hình thức kỷ luật.
3. Hồ sơ trình Hội đồng kỷ luật gồm:
a) Bản tự kiểm điểm của người vi phạm kỷ luật;
b) Biên bản họp kiểm điểm của cơ quan (có kiến nghị hình thức kỷ luật);
c) Trích ngang sơ yếu lý lịch của người vi phạm;
d) Các tài liệu, hồ sơ có liên quan đến việc vi phạm kỷ luật (đơn tố cáo, khiếu nại; bản tường trình của người vi phạm hoặc của những người liên quan; văn bản kết luận của cơ quan điều tra, xử lý…).
4. Các hình thức kỷ luật áp dụng cho người vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 39 Pháp lệnh cán bộ, công chức; khoản 2, Điều 17 - Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ; Thông tư số 03/2007/TT-BNV gồm:
a) Khiển trách.
b) Cảnh cáo.
c) Hạ bậc lương.
d) Hạ ngạch (đối với công chức cấp xã và cán bộ chuyên trách xếp lương theo trình độ đào tạo).
đ) Cách chức.
e) Buộc thôi việc.
(Mức độ vi phạm của cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã để thực hiện các hình thức kỷ luật được thực hiện theo Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP).
Điều 9. Trình tự cuộc họp Hội đồng kỷ luật
1. Chủ tịch Hội đồng tuyên bố lý do, giới thiệu thành viên tham dự.
2. Thư ký Hội đồng trình bày trích ngang sơ yếu lý lịch, hồ sơ và các tài liệu có liên quan của người vi phạm kỷ luật.
3. Người vi phạm kỷ luật đọc bản kiểm điểm. Trường hợp người vi phạm vắng mặt thì Thư ký Hội đồng đọc giúp bản kiểm điểm.
4. Trường hợp mà cán bộ, công chức không có mặt khi Hội đồng kỷ luật họp thì Thư ký Hội đồng kỷ luật nêu rõ lý do mà cán bộ công chức không có mặt để Hội đồng kỷ luật biết.
5. Thư ký Hội đồng đọc biên bản cuộc họp kiểm điểm người vi phạm của cơ quan;
6. Các thành viên Hội đồng và các đại biểu tham dự họp phát biểu ý kiến.
7. Người vi phạm kỷ luật phát biểu ý kiến về hình thức kỷ luật của mình trước khi Hội đồng kỷ luật bỏ phiếu kín để kiến nghị hình thức kỷ luật.
8. Hội đồng kỷ luật tiến hành bỏ phiếu kín để kiến nghị hình thức kỷ luật.
9. Lập Biên bản và công khai kết quả bỏ phiếu.
Điều 10. Cơ sở để tăng nặng hoặc giảm nhẹ hình thức kỷ luật
1. Khi xem xét hình thức kỷ luật, Hội đồng kỷ luật có thể áp dụng hình thức kỷ luật cao hơn một mức đối với người vi phạm trong các trường hợp sau:
a) Trong thời gian đang bị thi hành kỷ luật lại tiếp tục có hành vi vi phạm kỷ luật;
b) Vi phạm kỷ luật nhiều lần trong vòng một năm hoặc có tính hệ thống;
c) Có hành vi cố tình che giấu hoặc gây cản trở trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật.
2. Khi xem xét hình thức kỷ luật, Hội đồng kỷ luật có thể áp dụng hình thức kỷ luật thấp hơn một mức đối với người vi phạm trong các trường hợp sau:
a) Đã đạt nhiều thành tích trong quá trình công tác (chiến sĩ thi đua, khen thưởng cấp huyện trở lên);
b) Có thái độ thành khẩn và đã cố gắng giải quyết, khắc phục các hậu quả do mình gây ra.
3. Xử lý một số vấn đề phát sinh
a) Trong quá trình trao đổi, thảo luận Hội đồng có quyền yêu cầu Thư ký báo cáo, giải trình những vấn đề chưa rõ liên quan đến sai phạm của cán bộ, công chức.
b) Chủ tịch Hội đồng có thể quyết định việc dừng cuộc họp trong trường hợp còn có những vấn đề chưa rõ cần phải thẩm tra, xác minh thêm.
c) Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm bổ sung hoặc xác minh làm rõ những vấn đề mà Hội đồng đã nêu ra để trình Hội đồng xem xét quyết định trong phiên họp tiếp theo.
Điều 11. Thủ tục sau cuộc họp Hội đồng kỷ luật
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi kết thúc cuộc họp, Hội đồng kỷ luật phải có văn bản đề nghị xử lý kỷ luật (kèm theo biên bản, các hồ sơ, tài liệu liên quan) gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành, thị xem xét, quyết định kỷ luật.
2. Đối với cán bộ chuyên trách thuộc điểm a, khoản 2, điều 1; sau khi nhận được văn bản của Hội đồng kỷ luật và ý kiến bằng văn bản của Ban Thường vụ huyện, thành, Thị ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định theo thẩm quyền được quy định tại Điều 127 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, đồng thời gửi quyết định đến HĐND địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo điều 34 Luật Tổ chức HĐND và UBND. Trong trường hợp kiến nghị của Hội đồng kỷ luật khác với quyết định của HĐND (đối với những chức danh do HĐND cùng cấp bầu ra) thì Hội đồng kỷ luật phải họp lại để trao đổi, thảo luận về ý kiến đó (Biên bản cuộc họp được gửi cho cơ quan có liên quan và người ra quyết định). Nếu sau khi trao đổi, thảo luận vẫn không thống nhất thì người ra quyết định có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định xử lý của mình.
3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Hội đồng kỷ luật (cùng hồ sơ, tài liệu) Chủ tịch UBND cấp huyện phải ra quyết định kỷ luật bằng văn bản.
4. Các hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật và quyết định thi hành kỷ luật phải được lưu giữ trong hồ sơ cán bộ, công chức.
Điều 12. Giải quyết khiếu nại
1. Trường hợp cán bộ, công chức không đồng ý với quyết định xử lý kỷ luật thì có quyền khiếu nại đến cấp có thẩm quyền theo quy định.
2. Nguyên tắc giải quyết khiếu nại: Chủ tịch UBND cấp trên xem xét giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền, đúng thời hạn và theo quy định của pháp luật.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Quy định này thực hiện thống nhất đối với tất cả các xã, phường, thị trấn. Giao cho Sở Nội vụ theo dõi, đánh giá và tổng hợp các vướng mắc của UBND các huyện, thành, thị. Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế quy định thành phần và quy chế Hội đồng kỷ luật cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, ban hành kèm theo Quyết định số 3368/2004/QĐ-UB ngày 03/11/2004 của UBND tỉnh Phú Thọ.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.