ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2010/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH XÉT TẶNG DANH HIỆU “NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;
Xét đề nghị của Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ tại Tờ trình số 239/TTr-BTĐ ngày 17/3/2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định xét tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 219/2006/QĐ-UBND ngày 07/12/2006 của HĐND Thành phố Hà Nội và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Thành phố, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị trực thuộc Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
XÉT TẶNG DANH HIỆU “NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2010/QĐ-UBND ngày 31/5/2010 của UBND Thành phố Hà Nội)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” là hình thức khen thưởng của UBND Thành phố Hà Nội và của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố đối với các cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, chiến đấu và công tác trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
2. Quy định này đề ra tiêu chuẩn, hình thức khen thưởng và quy trình xét tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 2. Đối tượng xét tặng
Công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội (bao gồm cả các cơ quan Trung ương, các thành phần kinh tế), không phân biệt độ tuổi, nghề nghiệp, tôn giáo, dân tộc, đạt tiêu chuẩn tại điều 4 của Quy định này.
Điều 3. Nguyên tắc xét tặng
1. Cá nhân thuộc ngành, địa phương, đơn vị nào trực tiếp quản lý thì ngành, địa phương, đơn vị đó xét duyệt, khen thưởng và đề nghị lên cấp trên trực tiếp xét khen thưởng.
2. Cá nhân có thành tích toàn diện được xem xét công nhận “Người tốt, việc tốt” toàn diện, cá nhân có hành động tốt ở 1 lĩnh vực được xét, công nhận “Việc tốt” đột xuất ở lĩnh vực đó.
3. Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” được xét tặng thường xuyên và tôn vinh hàng năm vào dịp 10/10.
Chương 2.
TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG
Điều 4. Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tặng cho cá nhân đạt tiêu chuẩn sau:
1. Tiêu chuẩn “Người tốt, việc tốt” toàn diện:
Cá nhân chấp hành chính sách và pháp luật của Nhà nước, sống chan hòa, quan hệ tốt với quần chúng, đoàn kết, trung thực, tương thân - tương ái, có nhiều việc làm tốt, cưu mang, giúp đỡ được nhiều người, làm được nhiều việc thiện có tác dụng nêu gương trong gia đình, cộng đồng và xã hội; hăng hái tham gia các phong trào thi đua của địa phương, cơ quan, đơn vị, là tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước, đầu tàu, gương mẫu; có việc làm xuất sắc được khen thưởng đột xuất và biểu dương gương tiêu biểu, điển hình trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, có tác dụng lôi cuốn mọi người noi theo, được các thành viên trong tập thể hoặc cộng đồng quý trọng, nể phục và suy tôn.
2. Tiêu chuẩn công nhận “Việc tốt” cho cá nhân có một trong những hành động sau đây:
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ đột xuất do các cấp có thẩm quyền giao trong một thời gian ngắn;
- Có sáng kiến được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả rõ rệt;
- Có hành động dũng cảm đấu tranh chống những hành vi tiêu cực, chống những việc làm vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội;
- Lập thành tích tốt trong đấu tranh khám phá các vụ án về an ninh, kinh tế, hình sự, ma túy;
- Có hành động dũng cảm cứu người bị nạn; có việc làm kiên quyết bảo vệ tài sản của Nhà nước và của nhân dân;
- Có hành động, việc làm thể hiện nghĩa cử cao đẹp bảo vệ và phát huy thuần phong mỹ tục, được cộng đồng ghi nhận hoặc được dư luận xã hội hoan nghênh.
Chương 3.
HÌNH THỨC, KINH PHÍ KHEN THƯỞNG
Điều 5. Hình thức khen thưởng
1. Cá nhân đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu hoặc được công nhận có “Việc tốt” của Thành phố được tặng Bằng chứng nhận và tiền thưởng theo quy định tại khoản 2 Điều 73 Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ;
2. Cá nhân đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” hoặc được công nhận “Việc tốt” do Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, đơn vị trực thuộc tặng được cấp Giấy chứng nhận và tiền thưởng theo quy định tại khoản 3 Điều 73 Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ.
3. Cá nhân được ngành, địa phương, đơn vị nào tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” được ghi tên vào Sổ vàng truyền thống của ngành, địa phương, đơn vị đó.
Điều 6. Kinh phí khen thưởng
Nguồn kinh phí chi khen thưởng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” do cấp nào ra quyết định công nhận được trích từ nguồn kinh phí khen thưởng của cấp đó theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Chương 4.
QUY TRÌNH, THỦ TỤC HỒ SƠ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Quy trình xét, tặng và thẩm quyền quyết định khen thưởng
1. UBND phường, xã, thị trấn, các đơn vị cơ sở có trách nhiệm thường xuyên phát hiện, khen thưởng cá nhân có “Việc tốt” đột xuất, công nhận “Người tốt, việc tốt” của địa phương, đồng thời tổ chức Hội nghị biểu dương vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10) hàng năm.
2. UBND quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành và các cơ quan đơn vị trên địa bàn thành phố thường xuyên phát hiện, khen thưởng cá nhân có “Việt tốt” đột xuất và xét chọn công nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” từ phường, xã, thị trấn và các đơn vị, cơ sở trực thuộc đề nghị; hàng năm tổ chức hội nghị biểu dương phong trào. “Người tốt, việc tốt” ở cơ quan, đơn vị mình vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10), đồng thời xét chọn, giới thiệu những “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu để UBND Thành phố biểu dương, khen thưởng.
3. UBND Thành phố thường xuyên phát hiện, khen thưởng cá nhân có “Việc tốt” đột xuất và xét công nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu trong số các cá nhân đã được các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị trên địa bàn lựa chọn, giới thiệu, tổ chức Lễ biểu dương “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10) hàng năm.
Điều 8. Hồ sơ xét tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu Thành phố
1. Tờ trình kèm theo Biên bản họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng xét tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu của quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị trên địa bàn Thành phố.
2. Bản trích ngang thành tích có xác nhận của Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn nơi cư trú hoặc Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, Thủ trưởng sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố.
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc các quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Quy định này.
2. Quá trình thực hiện các cấp, các ngành phát hiện những vấn đề gì chưa phù hợp hoặc những vấn đề mới cần bổ sung, sửa đổi, báo cáo UBND Thành phố (qua Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ) để điều chỉnh kịp thời./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.