ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2010/QĐ-UBND | Pleiku, ngày 14 tháng 10 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC TỔ CHỨC ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH LÁI XE MÔ TÔ 2 BÁNH HẠNG A1 ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ CÓ TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN THẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;
Căn cứ Thông tư số 07/2009/TT-BGTVT ngày 19/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ;
Căn cứ Chỉ thị 04/CT-BGTVT ngày 02/02/2010 của Bộ Giao thông vận tải về việc triển khai thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 472/TTr-SGTVT ngày 12/7/2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc tổ chức đào tạo, sát hạch lái xe mô tô 2 bánh hạng A1 đối với người đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các sở, ban ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố; Thủ trưởng các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 62/2004/QĐ-UB ngày 26/5/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô trên địa bàn tỉnh Gia Lai./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC TỔ CHỨC ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH LÁI XE MÔ TÔ 2 BÁNH HẠNG A1 ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ CÓ TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN THẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2010/QĐ-UBND ngày 14 tháng 10 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định về công tác tổ chức đào tạo, sát hạch lái xe mô tô 2 bánh hạng A1 đối với người đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp (sau đây gọi tắt là đào tạo, sát hạch lái xe hạng A1).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Quy định này áp dụng thống nhất đối với cơ quan quản lý công tác đào tạo, sát hạch lái xe, cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe; tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch lái xe hạng A1 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
2. Quy định này không áp dụng đối với công tác đào tạo, sát hạch lái xe hạng A1 của ngành Công an, Quân đội làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này người có trình độ học vấn thấp được hiểu là người chưa tốt nghiệp bậc tiểu học hoặc không đọc, không viết được tiếng Việt.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH LÁI XE
Điều 4. Quản lý đào tạo lái xe
1. Các cơ sở đào tạo được Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai cấp Giấy phép đào tạo lái xe mới được tuyển sinh, đào tạo lái xe hạng A1.
2. Giáo viên giảng dạy lái xe tại các lớp đào tạo lái xe hạng A1 phải có thêm khả năng truyền đạt bằng tiếng Jarai hoặc Bahnar (phù hợp với đa số đồng bào dân tộc thiểu số trong lớp học). Trường hợp cơ sở đào tạo không có giáo viên biết tiếng đồng bào dân tộc thiểu số thì phải hợp đồng với người biết tiếng Việt và tiếng đồng bào dân tộc thiểu số để cùng tham gia giảng dạy.
3. Có đủ giáo trình giảng dạy, tài liệu ôn tập để đào tạo lái xe hạng A1 do Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai ban hành.
4. Các lớp đào tạo lái xe hạng A1 được phép tổ chức tại xã (phường, thị trấn); địa điểm tổ chức lớp học có thể chọn như: Hội trường, phòng học của các trường phổ thông trên địa bàn, nhà văn hóa, …
5. Điều kiện đối với người học lái xe
- Là người đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp hiện đang cư trú tại tỉnh Gia Lai.
- Đủ tuổi, sức khỏe theo quy định.
6. Hình thức đào tạo lái xe
Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe phải được đào tạo; được tự học các môn lý thuyết, nhưng phải đăng ký đào tạo tại cơ sở đào tạo được phép đào tạo để được ôn luyện, kiểm tra.
7. Hồ sơ của người học lái xe
- Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 (đối với người hiện tại không đọc, không viết được tiếng Việt sử dụng theo mẫu quy định tại Phụ lục 2), được UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND xã) nơi cư trú xác nhận là người đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp; cá nhân chịu trách nhiệm về việc cam kết của mình trước pháp luật;
- Bản photocopy giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn;
- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.
Điều 5. Nội dung, chương trình đào tạo và học phí đào tạo lái xe
1. Nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo
- Nội dung, chương trình đào tạo theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải.
- Phương pháp đào tạo: Phương pháp đào tạo linh hoạt, giảng dạy chủ yếu bằng hình ảnh, hỏi đáp.
- Thời gian đào tạo: 14 giờ (lý thuyết: 11 giờ, thực hành lái xe: 03 giờ).
2. Học phí đào tạo lái xe
Thu và sử dụng học phí đào tạo lái xe theo quy định hiện hành; khuyến khích các cơ sở đào tạo miễn, giảm học phí cho người học.
Điều 6. Sát hạch lái xe
1. Hồ sơ để được dự sát hạch lái xe
a) Đối với người dự sát hạch lần đầu
- Sử dụng chung hồ sơ quy định tại khoản 7 Điều 4 của Quy định này;
- Danh sách đề nghị sát hạch của cơ sở đào tạo có tên của người dự sát hạch.
b) Đối với người dự sát hạch lại do bị mất giấy phép lái xe, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn, bị thu hồi giấy phép lái xe, hồ sơ sát hạch lại bao gồm giấy tờ quy định tại khoản 7 Điều 4, hồ sơ gốc và đơn trình báo mất giấy phép lái xe có xác nhận của cơ quan công an cấp xã hoặc quyết định thu hồi, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (quyết định thu hồi, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe là bản gốc hoặc bản photocopy có công chứng hoặc chứng thực). Trường hợp mất giấy phép lái xe và mất hồ sơ gốc, hồ sơ sát hạch lại bao gồm giấy tờ quy định tại khoản 7 Điều 4 và đơn trình báo mất giấy phép lái xe, mất hồ sơ gốc có xác nhận của cơ quan công an cấp xã.
2. Nội dung, quy trình sát hạch lái xe
Thực hiện sát hạch gồm 2 phần: sát hạch lý thuyết và sát hạch thực hành lái xe trong hình.
a) Sát hạch lý thuyết: thực hiện trắc nghiệm trên giấy hoặc thi hỏi đáp
- Bộ đề sát hạch, đáp án sát hạch lý thuyết do Sở Giao thông vận tải Gia Lai ban hành: đề sát hạch lý thuyết gồm 10 câu hỏi, mỗi câu hỏi được tính 01 điểm phân bổ như sau: 03 câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ, 07 câu hỏi về biển báo hiệu đường bộ, trả lời đúng 07 câu hỏi trở lên là đạt phần sát hạch lý thuyết.
- Đối với người đọc, viết được tiếng Việt thì thực hiện sát hạch bằng phương pháp trắc nghiệm trên giấy.
- Đối với người không đọc, không viết được tiếng Việt thì thực hiện sát hạch bằng phương pháp hỏi đáp.
- Thời gian sát hạch lý thuyết: 10 phút.
b) Sát hạch kỹ năng lái xe trong hình
Việc tổ chức kỳ sát hạch lái xe được thực hiện tại trung tâm sát hạch hoặc sân sát hạch lái xe; sân sát hạch phải đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định để thực hiện các kỳ sát hạch đạt kết quả chính xác, khách quan, an toàn và được sự đồng ý của Trưởng ban quản lý sát hạch.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn, ban hành giáo trình giảng dạy lái xe hạng A1 bằng ba thứ tiếng Việt, Jarai và Bahnar.
2. Ban hành chương trình đào tạo lái xe hạng A1; hướng dẫn việc thực hiện đào tạo, sát hạch lái xe hạng A1; soạn thảo, ban hành bộ câu hỏi dùng cho sát hạch lái xe hạng A1 bằng ba thứ tiếng Việt, Jarai và Bahnar.
3. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã và thành phố (sau đây gọi tắt là UBND huyện) giám sát, kiểm tra các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe hạng A1.
4. Tổ chức sát hạch lái xe hạng A1 tại Trung tâm sát hạch hoặc sân sát hạch theo quy định.
Điều 8. Trách nhiệm của UBND huyện
1. Tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đăng ký đào tạo, sát hạch lái xe hạng A1.
2. Giám sát công tác tuyển sinh, giảng dạy, thu học phí, phí sát hạch theo quy định của Nhà nước đối với các cơ sở đào tạo thực hiện đào tạo lái xe hạng A1 trên địa bàn.
3. Chỉ đạo, hướng dẫn cho UBND xã xác nhận đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng A1; nội dung xác nhận phải đúng đối tượng, UBND xã chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận.
Điều 9. Trách nhiệm của các cơ sở đào tạo
1. Phối hợp với UBND huyện, xã tổ chức tuyển sinh, đào tạo lái xe hạng A1 theo đúng quy định.
2. Tổ chức giảng dạy từng lớp riêng đối với đào tạo lái xe hạng A1; kết thúc khóa học cơ sở đào tạo tổ chức ôn tập, kiểm tra.
Điều 10. Trách nhiệm của các trung tâm sát hạch
Phối hợp và tạo mọi điều kiện cùng với UBND huyện, xã và cơ sở đào tạo lái xe đưa học viên đến học, ôn luyện và tổ sát hạch tổ chức kỳ sát hạch lái xe hạng A1 đúng kế hoạch, thuận tiện, an toàn.
Điều 11. Trách nhiệm thi hành
1. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện đúng theo Quy định; thường xuyên theo dõi, kiểm tra và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện Quy định này.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này, nếu có vấn đề vướng mắc, phát sinh, các tổ chức cá nhân phản ảnh về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh nghiên cứu bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.
3. Các tổ chức, cá nhân có liên quan vi phạm các Quy định về đào tạo, sát hạch lái xe hạng A1, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.