UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2089/QĐ-UBTDTT | Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
BỘ TRƯỞNG - CHỦ NHIỆM UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO
Căn cứ Nghị định số 22/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 03 năm 2003 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn về cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Thể dục thể thao;
Xét yêu cầu về phát triển và nâng cao thành tích môn Cử tạ ở Việt Nam;
Theo đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Luật cử tạ gồm 5 phần và 54 Điều.
Điều 2. Luật Cử tạ được áp dụng thống nhất trong các cuộc thi đấu từ cơ sở đến toàn quốc và thi đấu quốc tế tại Việt Nam.
Điều 3. Luật này thay thế cho các Luật đã in trước đây và có hiệu lực từ ngày ký.
Điều 4. Các ông Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Giám đốc các Sở Thể dục thể thao và các đơn vị có liên quan thuộc Uỷ ban TDTT, chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| BỘ TRƯỞNG - CHỦ NHIỆM |
Phần I.
LUẬT VỀ TỔ CHỨC CỦA LIÊN ĐOÀN CỬ TẠ QUỐC TẾ (IWF)
Điều 1. Định nghĩa
1.1. Nguồn gốc và tên gọi:
1.1.1. Liên đoàn Cử tạ Quốc tế gọi tắt là "IWF" là một tổ chức được thành lập vào năm 1905. Liên đoàn gồm các Liên đoàn quốc gia thành viên quản lý môn thể thao Cử tạ trên cơ sở mỗi quốc gia một Liên đoàn.
1.1.2. IWF là cơ quan điều hành tất cả các cuộc thi cử tạ: có nghĩa là tất cả các thuộc thi nâng trọng lượng trên một thanh đòn, dù kích thước hoặc hình dạng của thanh đòn và đĩa tạ như thế nào.
1.2. Mục đích:
Mục đích của IWF là:
1.2.1. Tổ chức, điều hành và phát triển môn thể thao Cử tạ trên quy mô toàn thế giới.
1.2.2. Tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa các Liên đoàn quốc gia và các vận động viên của tất cả các nước.
1.2.3. Giúp đỡ các Liên đoàn quốc gia trong các hoạt động của họ.
1.2.4. Giải quyết những vấn đề tranh chấp nảy sinh trong phạm vi môn Cử tạ giữa các Liên đoàn quốc gia, Châu lục hoặc Khu vực và đây được coi là cơ quan quyền lực cao nhất trong môn Cử tạ.
1.2.5. Xây dựng Luật Cử tạ.
1.2.6. Kiểm soát và điều hành tất cả các cuộc thi đấu Cử tạ quốc tế.
1.2.7. Giám sát hoạt động của các Liên đoàn khu vực và Châu lục theo Hiến chương, Quy chế và Luật của IWF.
1.2.8. Xác nhận tất cả các kỷ lục thế giới.
Điều 2. Biểu trưng và cờ
2.1. Biểu trưng:
2.1.1. Biểu trưng của IWF gồm các yếu tố sau:
- Quả địa cầu với những kinh tuyến và vĩ tuyến. Bên phải của quả địa cầu có một bàn tay nâng thanh tạ gồm 3 đĩa tạ được khắc chữ IWF.
- Một vòng nguyệt quế bao quanh quả địa cầu.
- Quả địa cầu và vòng nguyệt quế được đặt ở vị trí hai đường tròn đồng tâm với dòng chữ: INTERNATIONAL WEIGHTLIFTING FEDERATION- FOUNDED 1905.
2.1.2. Màu sắc của biểu trưng:
Màu xanh: quả địa cầu.
Màu vàng: bàn tay, thanh đòn và vòng nguyệt quế.
Màu đen: các kinh tuyến, vĩ tuyến, vòng tròn, chữ IWF và các chữ khác.
2.2. Cờ:
2.2.1. Cờ của IWF là biểu trưng đặt trên nền trắng.
2.3. Quyền sử dụng biểu trưng:
2.3.1. Không được phép sử dụng biểu trưng của IWF khi chưa được sự đồng ý của IWF.
2.3.2. Chỉ có IWF mới có quyền cho phép chế tạo biểu trưng, phù hiệu, huy chương v.v...
Điều 3. Điều khoản chung
3.1. IWF được các tổ chức như Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC), Tổng hội các Liên đoàn thể thao quốc tế (GAISF), Hiệp hội các Liên đoàn quốc tế Olympic mùa hè (ASOIF) công nhận là cơ quan điều hành duy nhất của Cử tạ quốc tế.
3.2. Trong các hoạt động, IWF tuân theo nguyên tắc và lý tưởng Olympic.
3.3. Nghiêm cấm mọi hoạt động tranh cãi mang tính chất chính trị và tôn giáo hoặc biểu tình trong phạm vi của IWF.
3.4. IWF ủng hộ tất cả các sáng kiến của các vận động viên vì hoà bình và sự hiểu biết.
3.5. Không có sự phân biệt giữa các châu lục, các quốc gia hoặc các cá nhân vì lý do ganh đua, màu cờ sắc áo, giới tính, tôn giáo hoặc chính trị.
Điều 4. Ngôn ngữ chính thức của IWF
4.1. Ngôn ngữ chính thức của IWF là tiếng Ả Rập, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha. Tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc. Đại diện của các quốc gia thành viên có thể nói tiếng bản địa, phiên dịch sẽ dịch sang tiếng Anh.
4.2. Tất cả các ấn phẩm và báo cáo của IWF đều bằng tiếng Anh. Các cuộc họp của Ban thường vụ và các Tiểu ban được tiến hành bằng tiếng Anh.
4.3. Ban tổ chức các Đại hội thường niên phải cung cấp các thiết bị và phiên dịch để dịch đồng thời sang các ngôn ngữ chính của IWF, khi có thể và sang tiếng bản ngữ.
Điều 5. Tổ chức IWF
IWF bao gồm các tổ chức sau:
- Đại hội.
- Ban thường vụ.
- Các tiểu ban.
Điều 6. Đại hội
6.1. Điều khoản chung:
6.1.1 Cơ quan quyền lực cao nhất của IWF là Đại hội.
6.1.2. Đại hội bao gồm các phái đoàn của các Liên đoàn thành viên IWF. Chỉ có những Liên đoàn đóng đầy đủ niên liễm hàng năm mới được tham dự và bỏ phiếu tại Đại hội. Mỗi nước thành viên có thể cử 2 đại biểu nhưng chỉ được bỏ 1 phiếu. Đại biểu phải là công dân của nước họ đại diện. Không chấp nhận hình thức bỏ phiếu hộ.
6.1.3. Các vận động viên tham dự các giải thi đấu trước hoặc sau thời gian Đại hội có thể là đại biểu nhưng chỉ khi không có quan chức của Liên đoàn đi kèm. Họ phải trình thư uỷ nhiệm của Liên đoàn.
6.1.4. Trước khi khai mạc Đại hội, một bộ phận gồm 3 người sẽ được thành lập làm nhiệm vụ thẩm tra thư uỷ nhiệm của tất cả các đại biểu.
6.1.5. Chủ tịch và Tổng thư ký bắt buộc phải có mặt trong tất cả các kỳ Đại hội.
6.1.6. Chỉ có các mục nêu trên trong chương trình nghị sự mới được thảo luận tại Đại hội.
6.1.7. Các đề xuất đưa vào trong chương trình nghị sự phải gửi tới Tổng thư ký ít nhất 60 ngày trước Đại hội.
6.1.8. Tổng thư ký chuẩn bị chương trình nghị sự trên cơ sở các đề xuất được đệ trình bởi các Liên đoàn thành viên, Ban thường vụ và các Tiểu ban.
6.1.9. Đại hội tổ chức cùng thời gian diễn ra Giải vô địch thế giới phải giải quyết các vấn đề:
- Thông tin kỹ thuật của giải vô địch Thế giới.
6.1.10. Ban thường vụ phải thông qua các đề mục và thứ tự thảo luận của chương trình nghị sự.
6.1.11. Quyết định của Đại hội được thông qua bởi đa số phiếu tán thành của các đoàn tham dự và bỏ phiếu. Các quyết định này có hiệu lực sau khi IWF công bố.
Quyết định về các vấn đề sau phải được thông qua bởi ít nhất 2/3 số phiếu tán thành của các đại biểu tham dự:
- Sửa đổi Hiến chương IWF.
- Công nhận Liên đoàn thành viên mới.
6.1.12. Chủ tịch quyết địn số lượng và thời lượng các bài phát biểu của các đại biểu để tránh việc kéo dài thời gian Đại hội.
6.1.13. Các phiên họp của IWF được giữ bí mật.
6.1.14. Những quyết định có tính nguyên tắc của Đại hội là quyết định cuối cùng, không được quyền kháng cáo tại Đại hội sau đó.
6.2. Đại hội thường niên:
6.2.1. Đại hội thường niên của IWF được tổ chức hàng năm, kết hợp với Giải vô địch thế giới.
6.2.2. Các mục phải có trong chương trình nghị sự:
- Công nhận thành viên mới.
- Kiểm tra và thông qua các báo cáo hoạt động của Ban thường vụ và các Tiểu ban.
- Bổ nhiệm vào những vị trí khuyết của Ban thường vụ và các Tiểu ban.
- Thông tin về việc chuẩn bị các giải vô địch thế giới tiếp theo.
- Những vấn đề quan trọng của môn thể thao Cử tạ.
- Sửa đổi và thông qua Luật thi đấu được phê chuẩn bởi Ban thường vụ.
- Thông qua quyết định của Ban thường vụ về việc đăng cai giải vô địch thế giới.
6.2.3. Các bản báo cáo riêng của Chủ tịch, Tổng thư ký và các Trưởng Tiểu ban được chuẩn bị và gửi tới các Liên đoàn thành viên ít nhất 30 ngày trước Đại hội.
6.3. Đại hội toàn thể:
6.3.1. IWF sẽ tổ chức Đại hội toàn thể trong dịp Giải vô địch trẻ thế giới.
6.3.2. Những vấn đề quan trọng của môn Cử tạ quốc tế cũng như những đề xuất của Liên đoàn thành viên hoặc quan chức IWF được đưa vào chương trình nghị sự.
6.4. Đại hội bầu cử:
6.4.1. Vào năm tổ chức Đại hội Olympic mùa hè, IWF sẽ tổ chức Đại hội bầu cử. Ban thường vụ sẽ quyết định thời gian và địa điểm tổ chức.
6.4.2. Ngoài chương trình nghị sự của Đại hội thường niên, Đại hội bầu cử quyết định các vấn đề sau:
- Bầu các uỷ viên Ban thường vụ và các Tiểu ban.
- Sửa đổi các Điều luật và Hiến chương IWF.
6.4.3. Đại hội bầu cử có thể kéo dài đến 2 ngày.
6.4.4. Những đề xuất được đưa vào chương trình nghị sự của Đại hội bầu cử phải gửi tới Tổng thư ký 6 tháng trước ngày ấn định tổ chức Đại hội.
6.4.5. Những đề xuất của các Liên đoàn quốc gia và uỷ viên được bầu về sửa đổi Hiến chương, Quy chế và Luật chuyên môn phải gửi tới Tổng thư ký theo thời gian mà Uỷ ban được Ban thường vụ quy định. Như vậy cho phép các Tiểu ban của IWF có đủ thời gian nghiên cứu những đề xuất này.
6.4.6. Hiến chương, Quy chế và Luật chuyên môn sửa đổi có hiệu lực từ ngày được Ban thường vụ quyết định.
6.4.7. Chỉ có các Liên đoàn thành viên đã nộp niên liễm tới IWF trong 4 năm của kỳ thế vận hội gần đây mới được tham dự bỏ phiếu tại Đại hội.
6.5. Đại hội bất thường:
Nếu có ít nhất 25% số Liên đoàn quốc gia thành viên đề nghị thì Ban thường vụ phải triệu tập một Đại hội bất thường được tiến hành trong vòng 60 ngày sau khi nhận được đề nghị.
Điều 7. Ban Thường vụ IWF
7.1. Trong thời gian giữa các kỳ Đại hội, Ban thường vụ quyết định tất cả các vấn đề về môn thể thao Cử tạ và việc tổ chức thi đấu sao cho đạt kết quả tốt nhất. Ban thường vụ cũng chịu trách nhiệm đảm bảo đủ nhân sự và trang thiết bị để IWF hoạt động có hiệu quả. Một trách nhiệm nữa là quyết định vấn đề tài chính cho hoạt động của IWF.
7.2. Thành phần của Ban thường vụ:
7.2.1. Các uỷ viên được bầu:
- Chủ tịch.
- Tổng thư ký - kiêm phụ trách tài chính.
- 6 Phó chủ tịch.
- 8 uỷ viên.
7.2.2. Các uỷ viên được kếp nạp:
- Chủ tịch các Liên đoàn Châu lục.
7.2.3. Các uỷ viên được bổ nhiệm: Khi thấy cần thiết, Ban thường vụ có thể tiến hành bổ nhiệm đặc biệt với điều kiện Liên đoàn quốc gia của người đó đồng ý việc bổ nhiệm. Tiêu chuẩn lựa chọn là những người đã có thâm niên làm việc liên tục trong Ban thường vụ hoặc các Tiểu ban của IWF. Thành viên được bổ nhiệm không có quyền bỏ phiếu.
7.2.4. Phó tổng thư ký: Phó Tổng thư ký là một uỷ viên Ban thường vụ và phải tham dự các cuộc họp của Ban nhưng không được quyền bỏ phiếu. Trường hợp Tổng thư ký, vì bất kỳ lý do nào, không thể tham dự cuộc họp của Ban thường vụ, Phó Tổng thư ký sẽ có quyền bỏ phiếu.
7.3. Mỗi quốc gia chỉ có thể có 1 đại diện được quyền bỏ phiếu trong Ban thường vụ, ưu tiên cho uỷ viên được bầu.
7.4. Một quốc gia không thể có hai uỷ viên được bầu tham gia vào Ban thường vụ.
7.5. Buổi họp của Ban thường vụ là họp kín và được giữ bí mật.
7.6. Biên bản cuộc họp của Ban thường vụ được Văn phòng giữ và phải gửi bản copy cho tất cả các uỷ viên.
7.7. Ban thường vụ phải họp ít nhất một năm một lần.
7.8. Giữa các kỳ Đại hội, Ban thường vụ có quyền thay đổi và sửa đổi Quy chế và Luật chuyên môn khi thấy thật cần thiết. Tuy nhiên, những thay đổi hoặc sửa đổi này phải được đưa ra tại Đại hội tiếp theo để được phê chuẩn.
7.9. Đối với giải vô địch thế giới, Ban thường vụ và Tiểu ban chuyên môn lựa chọn Ban giám khảo giám sát kỹ thuật và trọng tài, Ban thường vụ phê chuẩn việc chỉ định Bác sỹ trực trên cơ sở những người đã được Tiểu ban y tế lựa chọn.
7.10. Để phối hợp quản lý toàn cần môn thể thao Cử tạ, Ban thường vụ có thể có các cuộc họp phối hợp với Ban thường vụ các Liên đoàn châu lục.
7.11. Ban thường vụ có quyền chỉ định thành lập các tiểu ban đặc biệt để thực thi các nhiệm vụ cụ thể, trong phạm vi quyền hạn của mình.
7.12. Ban thường vụ lựa chọn và phân bổ đăng cai các giải vô địch thế giới.
7.13. Trong cuộc họp đầu tiên, Ban thường vụ mới được bầu thực hiện việc bổ nhiệm.
7.14. Ban thường vụ liên lạc với một Uỷ ban chuyên gia để đảm bảo sự phối hợp toàn cầu của các chuyên gia cử tạ.
Điều 8. Các tiểu ban
8.1. Điều khoản chung:
8.1.1. Có 4 tiểu ban được bầu trong Đại hội IWF:
- Tiểu ban chuyên môn (Tiểu ban kỹ thuật).
- Tiểu ban nghiên cứu và khoa học.
- Tiểu ban y tế.
- Tiểu ban kiểm toán.
8.1.2. Mỗi Tiểu ban kỹ thuật, nghiên cứu và khoa học và Tiểu ban Y tế gồm có 1 trưởng ban và 10 uỷ viên. 10 uỷ viên này (xem Điều 9.3.1, ngoại trừ Tiểu ban Y tế, Tiểu ban nghiên cứu và khoa học) được bầu tại Đại hội. Trưởng ban được bổ nhiệm trong số uỷ viên Ban thường vụ và chỉ tiến hành bỏ phiếu quyết định khi ngang điểm. Trưởng tiểu ban của các Liên đoàn châu lục được mời với tư cách quan sát viên, không được quyền bỏ phiếu tại cuộc họp của các Tiểu ban của IWF.
8.1.3. Chủ tịch và Tổng thư ký là thành viên đặc biệt của tất cả các Tiểu ban nhưng không có quyền bỏ phiếu.
8.1.4. Tất cả các Tiểu ban phải họp ít nhất 1lần/năm. Biên bản của tất cả các cuộc họp phải được lưu lại và có danh sách chữ ký những người tham dự.
8.1.5. Cuộc họp của các Tiểu ban là họp kín.
8.1.6. Việc tham dự họp là bắt buộc đối với các uỷ viên. Những uỷ viên không thể tham dự phải thông báo trước với Tổng thư ký và nêu rõ lý do vắng mặt.
8.1.7. Ban thường vụ có quyền đình chỉ những thành viên vắng 2 buổi liên tiếp các cuộc họp của Ban thường vụ hoặc các Tiểu ban mà không có lý do chính đáng.
8.1.8. Giữa các kỳ Đại hội, Ban thường vụ có quyền thay thế thành viên vì bất cứ lý do gì không làm nhiệm vụ trong các Tiểu ban của IWF.
Thành viên mới sẽ làm việc cho đến Đại hội bầu cử tiếp theo.
8.2. Tiểu ban chuyên môn (kỹ thuật):
8.2.1. Tiểu ban kỹ thuật cùng với Ban thường vụ lựa chọn Ban giám khảo, giám sát kỹ thuật và trọng tài cho Giải vô địch thế giới.
8.2.2. Giải quyết những thắc mắc của trọng tài.
8.2.3. Tổ chức các khoá học trọng tài.
8.2.4. Giám sát việc chuẩn bị bàn thi và kiểm tra trọng tài.
8.2.5. Đề ra biện pháp nâng cao trình độ trọng tài.
8.2.6. Cùng với Tổng thư ký chịu trách nhiệm về các cuộc thi đấu và đảm bảo rằng tất cả các thiết bị phải đúng tiêu chuẩn Luật kỹ thuật IWF.
8.2.7. Giám sát việc thực hiện Luật IWF tại Thế vận hội Olympic, giải Vô địch Thế giới, Châu lục, khu vực và các Đại hội TDTT khác, điều hành thi đấu trên lập trường của trọng tài.
8.2.8. Đảm bảo các dụng cụ và trang thiết bị có liên quan đến việc tổ chức thi đấu phải đạt tiêu chuẩn IWF (phối hợp với Tiểu ban nghiên cứu khoa học).
8.2.9. Lập danh sách đề cử các Tiểu ban khác.
8.2.10. Phối kết hợp với các Tiểu ban khác.
8.2.11. Các ứng viên vào Tiểu ban kỹ thuật phải có bằng trọng tài cấp 1 trước khi được bầu hoặc chỉ định vào Tiểu ban này. Các ứng cử viên phải có sơ yếu lý lịch khi xin vào vị trí đó.
8.3. Uỷ ban nghiên cứu khoa học:
8.3.1. Uỷ ban này nghiên cứu sự phát triển các vấn đề liên quan đến việc tập luyện cử tạ và chuẩn bị cho các cuộc thi đấu.
8.3.2. Nghiên cứu phương pháp nâng cao kỹ thuật cử tạ.
8.3.3. Nghiên cứu, phát triển và truyền bá những phương pháp tập luyện mới.
8.3.4. Nghiên cứu và phát triển phương pháp có liên quan đến vận động viên cử tạ trẻ.
8.3.5. Giới thiệu phim ảnh và sách báo về thông tin kỹ thuật, bản tin và những ấn phẩm khác về cử tạ.
8.3.6. Đề xuất nội dung của các lớp huấn luyện viên và chọn giảng viên giảng dạy.
8.3.7. Thông qua những điểm có liên quan tới thiết bị thể thao từ quan điểm huấn luyện viên.
8.3.8. Thông qua những điểm có liên quan tới Luật chuyên môn từ quan điểm huấn luyện viên.
8.3.9. Phối hợp với với các Tiểu ban khác.
8.3.10. Nghiên cứu và xây dựng chương trình cụ thể cho các lứa tuổi và giới tính.
8.3.11. Ứng cử viên của Tiểu ban nghiên cứu khoa học phải có văn bằng giáo dục thể chất hoặc có kinh nghiệm phù hợp trong lĩnh vực huấn luyện cử tạ, giáo dục học, tâm lý học hoặc sinh học.
8.4. Tiểu ban Y tế:
8.4.1. Tiểu ban này có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của vận động viên cử tạ.
8.4.2. Cố vấn BTC Giải vô địch thế giới các vấn đề về y tế, vệ sinh, dinh dưỡng và những vấn đề có liên quan.
8.4.3. Tại Giải vô địch Thế giới, liên hệ với Ban tổ chức để đảm bảo về cung cấp dịch vụ y tế, kiểm tra doping, vận chuyển và dịch vụ y tế theo yêu cầu của Điều lệ giải vô địch.
8.4.4. Chỉ định bác sỹ trực trong những ngày diễn ra Giải vô địch thế giới và đề xuất với Ban thường vụ tên các bác sỹ làm nhiệm vụ tại Thế vận hội.
8.4.5. Thu thập sô liệu y học về tác động lâu dài của môn Cử tạ đối với cơ thể con người.
8.4.6. Chuẩn bị tài liệu cho việc cổ động môn Cử tạ như là phương pháp cải thiện sức khỏe và thể lực.
8.4.7. Phát triển chương trình đào tạo đi đôi với việc kiểm soát trọng lượng cơ thể, tập luyện, chăm sóc chấn thương và việc sử dụng, lạm dụng thuốc và các chất bị cấm.
8.4.8. Cộng tác với Tiểu ban nghiên cứu khoa học, lên kế hoạch và thực hiện những nghiên cứu về cử tạ.
8.4.9. Phối hợp với những Tiểu ban khác của IWF và Tiểu ban y học của các Liên đoàn châu lục về các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
8.4.10. Phối hợp với những tổ chức phù hợp để mang lại lợi ích cho môn Cử tạ.
8.4.11. Tổ chức và tham dự những hội thảo và hội nghị chuyên đề về Y học.
8.4.12. Tại Giải vô địch thế giới, một bác sỹ đại diện Liên đoàn đăng cai có thể tham dự cuộc họp của Tiểu ban Y học, nhưng không có quyền bỏ phiếu.
8.4.13. Các ứng viên của Tiểu ban Y học phải là bác sỹ y khoa.
8.5. Tiểu ban kiểm toán:
8.5.1. Đại hội bầu ra (3) kiểm toán viên.
8.5.2. 2 kiểm toán viên có mặt là đủ số đại biểu cần thiết theo quy định.
8.5.3. Kiểm toán viên:
- Kiểm tra sổ sách tài khoản của IWF một lần/năm và báo cáo trước Ban thường vụ và Đại hội.
- Là nhà tư vấn về tài chính cho Ban thường vụ.
- Khi có yêu cầu, khảo sát và tìm kiếm các nguồn có thể cải thiện tình hình tài chính của IWF.
8.5.4. Ứng viên của Tiểu ban kiểm toán phải có kinh nghiệm phù hợp về sổ sách kế toán, tài chính và kinh tế.
Điều 9. Bầu cử
9.1. Điều khoản chung:
9.1.1. Những thành viên của Ban thường vụ và các Tiểu ban được bầu tại Đại hội sẽ làm việc đến Đại hội bầu cử tiếp theo hoặc đến khi kết thúc Thế vận hội tiếp theo, nếu Thế vận hội này kết thúc sau thời gian Đại hội bầu cử.
9.1.2. Việc đề cử vào vị trí phải được gửi bằng thư bảo đảm tới văn phòng thư ký của IWF ít nhất 3 tháng trước ngày Đại hội. Các Liên đoàn quốc gia phải gửi văn bản đề cử. Các ứng cử viên không đăng ký đúng thời hạn thì không đủ tư cách bầu cử. Văn phòng thư ký sẽ có giấy xác nhận chính thức về đề cử hợp lệ.
9.1.3. Các Liên đoàn quốc gia thành viên chỉ có thể đề xuất những ứng cử viên có thiện ý. Những ứng cử viên này phải là công dân của nước họ đại diện và Liên đoàn quốc gia của họ phải chi trả chi phí cho việc tham dự các cuộc họp.
9.1.4. Một người có thể là ứng cử viên của nhiều vị trí khác nhau của IWF nhưng chỉ được bầu vào 1 vị trí. Những ứng cử viên không trúng cử một vị trí không được tự động coi là đủ tư cách bầu cho vị trí khác. Đề cử phải nêu rõ vị trí tranh cử.
9.1.5. Về việc bầu cử, Chủ tịch chỉ định 3 người kiểm phiếu thực hiện việc phân phát, thu và kiểm phiếu.
9.1.6. Khi có 2 ứng cử viên trở lên có cùng số phiếu bầu thì tiến hành bầu lại. Nếu sau đó số phiếu vẫn bằng nhau, Chủ tịch có thể bốc lá phiếu quyết định.
9.1.7. Mỗi Liên đoàn thành viên được quyền bỏ 1 phiếu.
9.1.8. Việc bầu cử được tiến hành bằng cách bỏ phiếu kín, ngoại trừ khi chỉ có 1 ứng cử viên cho 1 vị trí.
9.1.9. Thứ tự bầu cử như sau:
- Ban thường vụ.
- Tiểu ban Kỹ thuật.
- Tiểu ban Y học.
- Tiểu ban nghiên cứu khoa học.
- Tiểu ban Kiểm toán.
9.1.10. Ứng cử viên không trúng cử có thể tranh cử ở Tiểu ban khác, tuy nhiên, nếu một nước có hơn một ứng cử viên cho 1 vị trí cụ thể thì Liên đoàn quốc gia đưa ra thứ tự ưu tiên sao cho chỉ có một ứng cử viên có tên trong danh sách của mỗi lá phiếu.
9.1.11. Bầu cử theo hình thức đa số phiếu bầu, có nghĩa là người giành được số phiếu bầu cao nhất thì trúng cử.
9.1.12. Chủ tịch và Tổng thư ký IWF phải được bầu theo phương thức đa số phiếu tuyệt đối. Trường hợp có hơn 2 ứng cử viên, người có số phiếu thấp nhất sẽ bị loại sau mỗi vòng cho đến khi một ứng cử viên nhận được đa số phiếu tuyệt đối.
9.1.13. Chỉ những lá phiếu bầu đủ số ứng cử viên mới có giá trị.
9.2. Bầu Ban thường vụ:
9.2.1. Thứ tự bầu cử như sau:
- Chủ tịch.
- Tổng thư ký kiêm phụ trách tài chính.
- 6 Phó Chủ tịch.
- 8 uỷ viên.
9.2.2 Khi bầu chức danh Tổng thư ký kiêm phụ trách tài chính, người có tên trong cùng danh sách như là Phó Tổng thư ký cũng tự động được bầu.
9.2.3. Trong trường hợp vị trí Chủ tịch hoặc Tổng thư ký bị khuyết, Phó Chủ tịch thứ nhất hoặc Phó Tổng thư ký sẽ thực thi các chức năng đó cho đến Đại hội tiếp theo sẽ quy định bổ nhiệm. Trong trường hợp có vị trí khuyết trong Ban thường vụ, các uỷ viên sẽ được thay thế vào Đại hội sau. Tất cả các uỷ viên được bầu vào vị trí khuyết phải thực hiện chức năng của họ trong thời gian còn lại.
9.2.4. Thứ tự Phó Chủ tịch căn cứ theo số phiếu được bầu của mỗi người. Phó Chủ tịch có số phiếu bầu cao nhất sẽ trở thành Phó Chủ tịch thứ nhất.
9.3. Bầu các Uỷ ban:
Đại hội bầu ra 10 uỷ viên vào Tiểu ban kỹ thuật và 6 uỷ viên vào Tiểu ban y tế và Tiểu ban nghiên cứu khoa học và toàn bộ uỷ viên Tiểu ban kiểm toán. Bốn (4) uỷ viên còn lại của Tiểu ban y tế và Tiểu ban nghiên cứu khoa học sẽ được Ban thường vụ chỉ định.
Điều 10. Chủ tịch
Chủ tịch và Tổng thư ký phối hợp chặt chẽ với nhau trong công việc để chia sẻ trách nhiệm về thủ tục hành chính và nguyên tắc hoạt động để thực thi những quyết định và chỉ đạo của Đại hội và Ban thường vụ.
Chủ tịch của IWF:
10.1. Chủ trì và điều khiển các cuộc tranh luận tại Đại hội và các cuộc họp của Ban thường vụ theo thông lệ truyền thống và luật thảo luận tại nghị trường.
10.2. Tham dự các Giải vô địch thế giới và Thế vận hội. Chi phí đi lại và ăn ở (tiền phòng và ăn) do Ban tổ chức đài thọ.
10.3. Tham dự các cuộc họp của Ban thường vụ. Khi các cuộc họp này không tổ chức kết hợp với Giải vô địch thế giới, IWF sẽ chi trả tiền đi lại và ăn ở.
10.4. Đại diện cho IWF tại các cuộc họp của IOC, GAISF, ASOIF và các tổ chức thể thao khác mà IWF là thành viên. Báo cáo về các hoạt động này được viết bằng văn bản theo dạng thông tin tổng hợp và phải được đệ trình tại cuộc họp của Ban thường vụ sau đó nếu cần, phải được phân phát tại Đại hội IWF. IWF sẽ thanh toán chi phí cho việc tham dự các cuộc họp này.
10.5. Có thể làm Trưởng Ban giám khảo tại các Giải vô địch thế giới, Thế vận hội và những giải quốc tế khác theo quyết định của Ban thường vụ.
10.6. Giữ vai trò chủ chốt trong lễ khai mạc và bế mạc tại Giải vô địch thế giới.
10.7. Trao huy chương cho VĐV đoạt giải tại lễ trao thưởng của Giải vô địch thế giới. Chủ tịch đôi khi có thể cử người khác đại diện trao giải.
10.8. Khi Chủ tịch không có mặt, việc trao thưởng sẽ được Phó Chủ tịch ở thứ hạng cao nhất có mặt lúc đó thực hiện.
10.9. Bỏ lá phiếu quyết định trong trường hợp hoà điểm.
Điều 11. Tổng Thư ký kiêm phụ trách tài chính
Chủ tịch và Tổng thư ký phối hợp chặt chẽ với nhau trong công việc để chia sẻ trách nhiệm về thủ tục hành chính và nguyên tắc hoạt động để thực thi những quyết định và chỉ đạo của Đại hội và Ban thường vụ.
Tổng thư ký - Phụ trách tài chính:
11.1. Tổ chức môn thể thao Cử tạ trên toàn thế giới theo Hiến chương, Quy chế và Luật IWF, quyết định của Đại hội và Ban thường vụ hoặc trong những sự kiện đặc biệt, có tham khảo ý kiến Chủ tịch.
11.2. Cùng với Chủ tịch đàn phán và ký kết toàn bộ hợp đồng giữa IWF và các công ty và tổ chức khác.
11.3. Cùng với Chủ tịch, hàng năm đệ trình báo cáo hoạt động và báo cáo tài chính lên Ban thường vụ. Những báo cáo này phải được trình bày tại Đại hội
11.4. Bắt buộc phải tham dự Thế vận hội, Đại hội TDTT khu vực, Giải vô địch trẻ thế giới và Giải vô địch thế giới. Là đại diện chính thức của IWF, điều khiển toàn bộ công tác tổ chức các giải vô địch này, đảm bảo theo đúng Hiến chương và Luật của IWF. Việc kiểm tra này phải được hoàn tất trước khi diễn ra giải và Ban tổ chức phải đài thọ chi phí đi lại và ăn ở (tiền phòng và ăn). Trường hợp Tổng thư ký không thể tham dự, Phó Tổng thư ký hoặc một đại diện được chỉ định sau khi được sự đồng ý của Chủ tịch sẽ đảm trách nhiệm vụ này.
11.5. Đại diện IWF tại các cuộc họp của IOC, GAISF, ASOIF và các tổ chức thể thao quốc tế khác. Đại diện IWF tại các cuộc đàm phán, thay mặt IWF đưa ra kết luận. Tất cả chi phí đi lại và ăn ở cho các sự kiện này do IWF đài thọ.
Điều 12. Các Phó Chủ tịch và các Uỷ viên Ban Thường vụ
12.1. Vì lợi ích của việc thúc đẩy và phát triển môn Cử tạ trên toàn cầu, theo sự phân công nhiệm vụ của Ban thường vụ cho từng cá nhân, tập trung vào các đối tượng và nhiệm vụ sau:
- Thay thế và đại diện Chủ tịch IWF theo thứ hạng.
- Chương trình phát triển IWF.
- Các vấn đề tài chính của IWF, tìm kiếm nguồn tài chính mới.
- Xuất bản, quan hệ với giới truyền thông đại chúng.
- Cử tạ nữ.
12.2. Tài trợ giúp việc điều hành Đại hội khi Chủ tịch chỉ định (kiểm tra tư cách đại biểu, thăm dò v.v...).
12.3. Hỗ trợ Ban tổ chức theo Hiến chương và Luật IWF khi hiện diện tại Thế vận hội, Giải vô địch thế giới, châu lục và các giải khác.
12.4. Hoạt động tích cực tại quốc gia và khu vực của mình với tư cách là đại diện của IWF.
12.5. Đóng góp vào việc xuất bản sách, tạp chí...của IWF bằng việc cung cấp các bài báo và tư liệu.
12.6. Đệ trình, đề xuất và tìm kiếm khả năng cải thiện tài chính của IWF.
12.7. Trong trường hợp Tổng thư ký vắng mặt, nếu có sự chỉ định đại diện IWF tại các giải khu vực và châu âu.
12.8. Ngoài các điểm nêu trên, các Trưởng Tiểu ban phải chịu trách nhiệm:
- Phối hợp với Tổng thư ký triệu tập cuộc họp của Tiểu ban mình theo chương trình hàng năm của IWF.
- Điều khiển các cuộc họp và đệ trình báo cáo về các hoạt động của Tiểu ban. Các báo cáo này phải gửi tới Tổng thư ký 2 tháng trước Đại hội và được đưa vào phần báo cáo tại Đại hội.
- Trưởng Tiểu ban Y tế và Kỹ thuật tham dự các Giải vô địch thế giới.
Điều 13. Uỷ viên danh dự
Ban thường vụ có thể tôn vinh cựu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký hoặc uỷ viên Ban thường vụ vì những công lao đã đóng góp trong công việc của IWF bằng việc suy tôn họ là "Chủ tịch danh dự suốt đời", "Phó Chủ tịch danh dự suốt đời", "Tổng thư ký danh dự suốt đời" hay là "Uỷ viên danh dự suốt đời" của IWF. Những người này có thể tham dự Đại hội IWF. Họ cũng có thể tham dự các cuộc họp của Ban thường vụ với tư cách cố vấn nếu được Ban thường vụ mời.
Điều 14. Văn phòng Thư ký của IWF
14.1. Văn phòng thư ký là tổng hành dinh của IWF.
14.2. Chịu sự lãnh đạo và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch và Tổng thư ký.
14.3. Ban thường vụ quyết định địa điểm của Văn phòng.
14.4. Đây là trung tâm thông tin và hành chính của IWF. Nhiệm vụ chính là đảm bảo sự hoạt động có hiệu quả của Liên đoàn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Văn phòng phải tuyển chọn những cán bộ có năng lực và phải được trang bị đầy đủ các thiết bị văn phòng.
14.5. Đây là văn phòng giao dịch và duy trì mối quan hệ với các Liên đoàn quốc gia, IOC, GAISF, các Uỷ viên Olympic quốc gia. Tất cả các liên hệ công tác liên quan đến IWF đều do Văn phòng thư ký thực hiện.
14.6. Xuất bản định kỳ các tạp trí thông tin có liên quan đến cử tạ và IWF.
14.7. Xác minh và đăng ký các kỷ lục thế giới; sắp xếp và xuất bản danh sách xếp hạng thế giới.
14.8. Chuẩn bị chương trình nghị sự cho Đại hội, các cuộc họp của Ban thường vụ và các Tiểu ban và gửi tới những người có liên quan trước cuộc họp 30 ngày.
14.9. Xuất bản thường xuyên tạp chí thông tin thu thập tại Đại hội, các cuộc họp của Ban thường vụ và các Tiểu ban và gửi cho các Liên đoàn thành viên, các uỷ viên của Ban chấp hành và các Tiểu ban.
14.10. Phát hành và lưu giữ thẻ trọng tài quốc tế.
14.11. Tham gia vào tất cả các hoạt động tài chính của IWF, thu chi và sổ sách kế toán. Dự trù kinh phí để Ban thường vụ duyệt.
14.12. Đặt hàng và phân phát các ấn phẩm của IWF giải thưởng danh dự, huy hiệu v.v...
Điều 15. Kết nạp thành viên
15.1. Bất kỳ Liên đoàn quốc gia nào muốn gia nhập IWF phải gửi những văn bản sau tới Văn phòng thư ký:
- Công văn xin gia nhập có chữ ký Chủ tịch và Tổng thư ký.
- Một bản copy Hiến chương.
- Danh sách Ban chấp hành.
- Một giấy chứng nhận của Uỷ ban Olympic quốc gia hoặc cơ quan quản lý cao nhất về thể thao chứng nhận Liên đoàn đó được công nhận là tổ chức quản lý môn Cử tạ ở đất nước họ.
- Lệ phí hội viên 500 USD (Năm trăm Đô la Mỹ).
15.2. Một đơn vị xin gia nhập hội viên nêu rõ việc hoàn toàn công nhận Hiến chương, Quy chế và Luật của IWF. Sau khi nộp đủ hồ sơ và hội phí, Liên đoàn được Ban Thường vụ công nhận là hội viên. Quyết định này phải được thông qua tại Đại hội sau đó.
15.3. Một Liên đoàn quốc gia không thể gia nhập cả 2 tổ chức: IWF và tổ chức toàn cầu khác về môn Cử tạ.
Điều 16. Các Liên đoàn Quốc gia
16.1. Các Liên đoàn quốc gia là tổ chức được công nhận quản lý môn Cử tạ ở mỗi quốc gia. Liên đoàn quốc gia, sau khi gia nhập sẽ được công nhận là thành viên của IWF.
16.2. Nghĩa vụ của các Liên đoàn:
16.2.1. Định kỳ tiến hành bầu cử, bổ nhiệm Chủ tịch, Tổng thư ký và quan chức và thông báo cho IWF về việc bầu cử và bổ nhiệm này.
16.2.2. Tổ chức hoạt động Cử tạ tại quốc gia của họ, bao gồm các giải vô địch quốc gia tổ chức hàng năm. Kết quả của các giải này phải được gửi tới IWF. Tương tự, các Liên đoàn đăng cai phải gửi kết quả tất cả các giải quốc tế tới IWF.
Báo cáo gửi tới Văn phòng điều hành phải gồm các thông tin sau:
- Tên đầy đủ của vận động viên, danh sách theo số và nhóm rút thăm.
- Quốc tịch.
- Ngày tháng năm sinh.
- Cân nặng.
- Tất cả các lần thực hiện cử tạ.
- Tên các quan chức, trọng tài.
- Kỷ lục nếu có.
16.2.3. Nộp đầy đủ niên liễm cho IWF theo Điều 18.1 và 18.2.
16.2.4. Thường xuyên thông báo IWF về sự phát triển của môn Cử tạ tại nước mình và trả lời những yêu cầu, thông báo, câu hỏi v.v...của IWF.
16.2.5. Đệ trình những đề xuất về sửa đổi Hiến chương, Luật kỹ thuật và Quy chế nếu có yêu cầu.
16.2.6. Chấp thuận và thi hành những quyết định của Đại hội IWF và Ban thường vụ.
16.2.7. Tham dự Đại hội thường niên nếu có thể.
16.2.8. Các Liên đoàn quốc gia có thể tham gia ký kết các hợp đồng trang thiết bị cho phép quảng cáo tổng thể. Tiền tài trợ phải được gửi tới Liên đoàn quốc gia có liên quan và không được trực tiếp tới cá nhân vận động viên.
16.3. Nghĩa vụ của IWF đối với các Liên đoàn quôc gia:
16.3.1. Thường xuyên thông báo cho các Liên đoàn quốc gia về tất cả các sự kiện quan trọng quốc tế, ví dụ: lịch thi đấu, kết quả các cuộc thi đấu chính, danh sách xếp hạng, bầu cử, hội viên đăng ký trọng tài...
16.3.2. Thông báo cho các Liên đoàn quốc gia về những quyết định của Đại hội và Ban thường vụ.
16.3.3. Ban hành Hiến chương IWF, Quy chế và Luật kỹ thuật và gửi cho các Liên đoàn quốc gia. Xuất bản và phổ biến thông tin kỹ thuật về Cử tạ để nâng cao trình độ trên toàn cầu.
16.3.4. Giải quyết các vấn đề tranh chấp giữa các Liên đoàn quốc gia khi được đề nghị.
16.3.5. Giúp đỡ các Liên đoàn quốc gia về thông tin, các vấn đề về hành chính... thông qua Văn phòng điều hành.
Điều 17. Các Liên đoàn Châu lục
17.1. IWF công nhận 5 Liên đoàn Châu lục: Châu Phi, Châu Á, Châu Âu, Châu Đại Dương và Châu Liên Mỹ.
17.2. Chỉ những Liên đoàn đã gia nhập IWF thì mới được gia nhập các Liên đoàn khu vực và châu lục.
17.3. Điều lệ và Hiến chương của các Liên đoàn châu lục phải được đệ trình lên Ban thường vụ IWF và tuân thủ tối đa các điều khoản và Luật của IWF.
17.4.Các Liên đoàn châu lục tổ chức và giám sát các giải châu lục của mình ở tất cả các nhóm tuổi và giới tính theo Hiến chương, Quy chế và Luật kỹ thuật của IWF.
17.5. Chủ tịch và Tổng thư ký có thể tham dự các cuộc họp của Ban thường vụ và Đại hội của các Liên đoàn châu lục.
17.6. Các Liên đoàn châu lục đóng vai trò cố vấn cho IWF về vấn đề thành viên của mình. Họ trợ giúp IWF trong việc giám sát tất cả các giải quốc tế tổ chức tại châu lục và báo cáo lên IWF.
17.7. Các cuộc bầu cử của Liên đoàn châu lục do IWF phê chuẩn chỉ khi số đại biểu trong Đại hội bầu cử được 50% cộng một hội viên (quá bán).
17.8. Đại diện của các Liên đoàn châu lục trong Ban thường vụ IWF phải đệ trình báo cáo hoạt động thường niên, bao gồm cả một báo cáo tài chình lên Ban thường vụ và Đại hội.
17.9. Các Liên đoàn châu lục không được cấp thẻ trọng tài.
17.10. Các Liên đoàn châu lục có thể công nhận kỷ lục ở các nhóm tuổi và giới tính giống như việc công nhận kỷ lục thế giới.
17.11. Đối với các giải châu lục hoặc các sự kiện tổ chức phối hợp với IWF, như quảng cáo, bản quyền truyền hình v.v...
17.12. Các giải vô địch châu lục, Liên đoàn châu lục có quyền đình chỉ vận động viên hoặc huấn luyện viên và có những hình thức kỷ luật tuỳ theo sai phạm. Liên đoàn phải báo cáo sự việc này lên IWF. Có thể IWF sẽ nâng kỷ luật này lên mức độ toàn thế giới. Các Liên đoàn châu lục không thể đình chỉ các Liên đoàn quốc gia nhưng có thể đề xuất lên IWF.
17.13. Các Liên đoàn thành viên IWF có quyền thành lập các nhóm Liên đoàn trên cơ sở có cùng lợi ích.
17.14. Tại các giải vô địch châu lục, Liên đoàn châu lục bắt buộc phải thực thi Điều khoản chống doping. Kiểm tra doping phải được tiến hành sau khi tham khảo ý kiến của IWF. IWF chỉ định một chuyên gia kiểm tra doping, mọi chi phí liên quan do Liên đoàn châu lục chi trả.
17.15. Khi các giải vô địch châu lục diễn ra cùng thời gian với các giải vòng loại olympic, những điều kiện cụ thể mà IWF quy định cho các giải vòng loại này sẽ được thực thi và thay thế Điều lệ của các giải vô địch châu lục.
17.16. Trưởng tiểu ban của Liên đoàn châu lục nếu không được bầu là uỷ viên của Tiểu ban chức năng tương tự của IWF thì có thể tham dự vào cuộc họp của Tiểu ban chức năng đó của IWF với tư cách quan sát viên.
17.17. Liên đoàn châu lục phải mời một đại diện IWF tham dự Đại hội bầu cử. Liên đoàn châu lục chi trả tiền ăn ở và đi lại cho đại biểu này.
17.18. Các Liên đoàn châu lục bắt buộc phải thông báo cho IWF muộn nhất là 30 tháng 6 năm trước về thời gian và địa điểm các giải châu lục để đưa vào lịch thi đấu của IWF.
Điều 18. Lệ phí
18.1. Tiền niên liễm Hội viên của IWF là 500 USD (năm trăm Đô la Mỹ).
18.2. Tiền niêm liễm hội viên được nộp trong tháng Giêng. Bất kỳ một quốc gia nào không nộp lệ phí thì không được tham dự hoặc bỏ phiếu tại các cuộc họp của IWF. Vận động viên của họ không được tham dự thi đấu hoặc các cuộc họp được tổ chức theo luật IWF. Thông báo nhắc nhở được gửi tới các liên đoàn chưa đóng lệ phí tính đến thời điểm tháng hai.
18.3. Tiền tổ chức phí 2500 USD (hai nghìn năm trăm Đô la Mỹ) phải đóng cho IWF để được đăng cai mỗi giải vô địch thế giới (giải lớn, trẻ, nam và nữ...), chẳng hạn như:Tiền tổ chức phí phải nộp để được đăng cai giải vô địch trẻ thế giới nam và nữ là 5.000 USD (năm nghìn Đô la Mỹ hoặc 2500 USD x 2).
18.4. Mỗi đơn xin tổ chức giải vô địch thế giới phải gửi kèm theo số tiền đặt cọc là 5000 USD (năm nghìn Đô la Mỹ) để được đăng cai một giải Vô địch thế giới danhf cho nam và nữ, tiền đặt cọc là 10.000 USD (mười nghìn Đô la Mỹ). Trong vòng 30 ngày sau khi kết thúc giải, một nửa số tiền sẽ được hoàn trả Liên đoàn đăng cai. Trong vòng 30 ngày sau quyết định của Ban thường vụ, toàn bộ tiền đặt cọc sẽ được hoàn lại cho các ứng viên không được đăng cai.
Điều 19. Các hình thức kỷ luật và phạt
19.1. Bất kỳ một Liên đoàn thành viên hoặc hội viên nào vi phạm Hiến chương. Quy chế hoặc hội viên nào nếu vi phạm Hiến chương. Quy chế hoặc Luật kỹ thuật sẽ bị đình chỉ một thời gian do Ban thường vụ quyết định.
19.2. Các vận động viên hoặc quan chức bị IWF hoặc Liên đoàn quốc gia nước họ đình chỉ sẽ coi như bị IWF và tất cả các Liên đoàn thành viên đình chỉ.
19.3. Một Ban kỷ luật dưới sự chỉ đạo của một thành viên Ban thường vụ có các nghĩa vụ sau:
- Giải quyết bước đầu các vấn đề về kỷ luật của IWF.
- Xử phạt và phạt tiền theo Luật tương ứng của IWF và quyết định của Đại hội và Ban thường vụ.
- Đưa ra những lời khuyên về các vấn đề có liên quan tới IWF.
Ban này có thể bổ nhiệm những người có đủ khả năng để trợ giúp và đưa ra những lời khuyên trong việc đưa ra quyết định cua Ban, ví dụ như luật sư, bác sỹ y khoa v.v...
19.4. IWF có thẩm quyền đình chỉ hoặc truất quyền hội viên của bất cứ một Liên đoàn quốc gia nào không đóng niên liễm.
19.5. Khi một Liên đoàn phạt một vận động viên hoặc một quan chức, thì phải thông báo ngay cho Tổng thư ký. Tổng thư ký sẽ thông báo cho tất cả các nước khác trong trường hợp vận động viên hoặc quan chức đó tham gia thi đấu với một nước khác mà không có sự cho phép của Liên đoàn quốc gia của họ.
19.6. Khi một vận động viên vi phạm trong khi tham gia thi đấu ở một nước khác thì Liên đoàn đăng cai phải gửi một văn bản báo cáo chi tiết đến Văn phòng điều hành. Sau khi được thông báo, Ban thường vụ sẽ ra quyết định xử phạt thích đáng. Liên đoàn đăng cai không được phạt vận động viên của một quốc gia khác, họ chỉ loại vận động viên khỏi cuộc thi đấu.
19.7. Trong trường hợp kháng cáo, Liên đoàn quốc gia hoặc vận động viên có quyền được giải trình trước Ban thường vụ trước khi Ban này ra quyết định cuối cùng.
19.8. Tất cả kháng cáo phải được gửi bằng văn bản. Tiền đặt cọc 500 USD (năm trăm Đô la Mỹ) phải đi kèm với mỗi bản kháng cáo. Số tiền này sẽ được trả trong trường hợp Liên đoàn quốc gia thắng cuộc.
19.9. Quy trình kỷ luật của IWF được tiến hành qua hai giai đoạn. Trước tiên Ban kỷ luật IWF là người đưa ra quyết định cuối cùng sẽ xem xét một bản kháng cáo lại quyết định của Ban kỷ luật, đệ trình trong vòng 60 ngày.
19.10. Một vận động viên chỉ được tham gia thi đấu ở nước ngoài nếu được Liên đoàn quốc gia của họ cho phép.
19.11. Các Liên đoàn quốc gia phải cấp giấy phép trước khi bất cứ một thành viên nào của họ được phép thi đấu ở đẳng cấp nào tại bất cứ quốc gia nào khác.
Giấy phép này sẽ được Liên đoàn đăng cai gửi cho IWF và Liên đoàn châu lục của mình. Liên đoàn quốc gia không tuân thủ những quy định này sẽ bị IWF phạt tiền 5000 USD (năm nghìn Đô la Mỹ) tuỳ vào từng trường hợp vi phạm.
19.12. Không vận động viên nào được gia nhập hội viên một quốc gia khác mà không có sự cho phép từ Liên đoàn gốc. Trong trường hợp không có giấy phép, vận động viên không được phép tham dự vào các giải quốc tế ở nước mới gia nhập trong vòng 12 tháng kể từ ngày đến nước đó.
19.13. Một điều kiện để tham gia thi đấu cho một quốc gia là vận động viên phải là công dân của quốc gia đó.
Trường hợp có hai quốc tịch, ví dụ: hộ chiếu liên minh Châu Âu, bất kỳ vận động viên nào tham gia các giải thi đấu quốc tế chỉ được đại diện cho một nước trong thời gian 12 tháng.
19.14. Vận động viên tham gia thi đấu ở một giải được tổ chức theo Luật IWF bị đình chỉ hoặc trục xuất khi:
- Vận động viên đang chịu hình phạt đình chỉ tạm thời hoặc vĩnh viễn.
- Phạm tội xúc phạm hoặc không phục tùng Liên đoàn quốc gia hoặc huấn luyện viên trong khi thi hành nhiệm vụ.
- Vận động viên tham gia thi đấu cho quốc gia khác mà không được sự cho phép của Liên đoàn quốc gia của họ.
19.15. Trục xuất vĩnh viễn được quyết định bởi một Liên đoàn thành viên hoặc Ban thường vụ IWF với hình thức bỏ phiếu đa số cho những vi phạm nghiêm trọng làm hoen ố danh dự hoặc tính trung thực của vận động viên hoặc huấn luyện viên.
19.16. Nếu một vận động viên cư xử xấu, liên đoàn đăng cai có thể loại VĐV đó khỏi giải. Liên đoàn đăng cai phải thông báo tới liên đoàn quốc gia của vận động viên đó về xử phạt này. Bất kỳ một vận động viên, huấn luyện viên hoặc thành viên của liên đoàn quốc gia nào có lời lẽ và cử chỉ đe doạ trọng tài hoặc quan chức trong khi thi hành nhiệm vụ đều bị xử phạt.
19.17. Các Liên đoàn quốc gia bị đình chỉ sẽ không được tổ chức bất kỳ giải hoặc sự kiện cử tạ quốc tế nào.
19.18. Liên đoàn quốc gia và các thành viên (vận động viên và huấn luyện viên) của Liên đoàn quốc gia bị đình chỉ không được thi đấu hoặc tham gia bất kỳ giải quốc tế nào trong hệ thống thi đấu của IWF hoặc bất kỳ giải quốc tế được IWF công nhận. Trong trường hợp không rõ ràng, Tổng thư ký sẽ quyết định sự kiện hoặc giải đó có tính quốc tế hay không.
19.19. Quan chức của Liên đoàn quốc gia bị đình chỉ không được tham dự bất kỳ một giải quốc tế nào với tư cách là thành viên Ban giám khảo, trọng tài, giám sát kỹ thuật v.v....
19.20. Liên đoàn quốc gia bị đình chỉ vẫn tiếp tục được nhận thư từ của văn phòng thư ký IWF và đại diện của họ có thể tham dự Đại hội, các khoá học...
19.21. Các uỷ viên được bầu vào Tiểu ban IWF của các Liên đoàn quốc gia bị đình chỉ vẫn có thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của họ trong phạm vi Tiểu ban mình.
Điều 20. Tư cách
20.1. Khái niệm:
20.1.1. Một vận động viên đủ tư cách là người tuân thủ Điều lệ về tư cách của IWF.
20.1.2. Không có sự liên quan về tài chính nào đối với vấn đề tư cách vận động viên.
Điều 21. Phần thưởng của IWF
21.1. IWF có 3 loại khen thưởng trao cho những người có cống hiến lớn lao cho môn thể thao Cử tạ, đó là:
- Huân chương IWF.
- Bằng khen của IWF.
- Giải thưởng quốc gia IWF.
21.2. Huân chương IWF:
21.2. 1. Huân chương IWF có 3 loại: vàng, bạc và đồng.
21.2.2. Huân chương vàng là phần thưởng cho những người được bầu chọn, kết nạp hoặc được bổ nhiệm làm việc trong Ban thường vụ trong 5 nhiệm kỳ liên tục (20 năm) và đã được bầu chọn, kết nạp hoặc được bổ nhiệm ở nhiệm kỳ thứ 6.
21.2.3. Huân chương bạc là phần thưởng cho những người được bầu chọn, kết nạp hoặc được bổ nhiệm làm việc trong Ban thường vụ trong 4 nhiệm kỳ liên tục (16 năm) và đã được bầu chọn, kết nạp hoặc được bổ nhiệm ở nhiệm kỳ thứ 5.
21.2.4. Huân chương đồng là phần thưởng cho những người được bầu chọn, kết nạp hoặc được bổ nhiệm làm việc trong Ban thường vụ trong 3 nhiệm kỳ liên tục (12 năm) và đã được bầu chọn, kết nạp hoặc được bổ nhiệm ở nhiệm kỳ thứ 4.
21.3. Bằng khen:
21.3.1. Bằng khen là phần thưởng dành cho những người có những đóng góp nổi bật phục vụ sự phát triển của môn Cử tạ.
21.3.2. Đề xuất tặng Bằng khen có thể do các Liên đoàn quốc gia, Liên đoàn châu lục hoặc các uỷ viên Ban thường vụ đệ trình.
21.4. Giải thưởng quốc gia IWF:
21.4.1. Giải thưởng này có 3 loại: vàng, bạc và đồng.
21.4.2. Đây là giải thưởng được trao cho các thành viên của Liên đoàn quốc gia với các điều kiện sau:
a. Giải thưởng vàng cho 25 năm công tác và là hội viên liên tục.
b. Giải thưởng bạc cho 15 năm công tác và là hội viên liên tục.
c. Giải thưởng đồng cho 10 năm công tác và là hội viên liên tục.
Phần II.
QUY CHẾ
Điều 22. Truyền hình và quảng cáo
22.1. IWF là chủ sở hữu độc quyền về bản quyền truyền hình, marketing, hình ảnh trên Iternet (webcasting), băng video sau giải, quyền quảng cáo và tất cả những phương tiện truyền thông khác đưa tin về sự kiện giải vô địch thế giới và những giải khác do IWF tổ chức và chỉ đạo.
22.2. Để giành được một phần hoặc toàn bộ các quyền này, phải nộp cho IWF một khoản lệ phí. Số tiền được quyết định sau khi tham khảo ý kiến Tổng thư ký và Chủ tịch.
22.3. Thu nhập từ bản quyền truyền hình, marketing và tài trợ cho giải vô địch thế giới được chia theo hợp đồng ký kết giữa Liên đoàn đăng cai/Ban tổ chức và IWF.
22.4. Tại các giải quốc tế, giải vô địch và những trận thi đấu do IWF tổ chức, kích cỡ quảng cáo trên quần áo của vận động viên không vượt quá 500 cm2. IWF có thể quyết định việc đánh số ban đầu cùng với quảng cáo mà vận động viên phải mặc tại bất kỳ cuộc thi đấu nào của IWF. Tại Thế vận hội, Luật của Uỷ ban Olympic quốc tế có quyền tối cao.
Điều 23. Thiết bị cử tạ
23.1. Tại giải vô địch thế giới, Thế vận hội, các giải vô địch khu vực và châu lục cũng như các giải quốc tế do IWF tổ chức, chỉ những dụng cụ như đòn tạ, hệ thống đèn của trọng tài, cân, đồng hồ bấm giờ được công nhận mới được sử dụng. Ban thường vụ quyết định điều kiện công nhận.
23.1.1. Đòn tạ: Tại giải vô địch thế giới, các giải vô địch và Đại hội TDTT khu vực và châu lục cũng như các giải quốc tế, chỉ những đòn tạ có dấu chứng nhận của IWF mới được sử dụng.
Các nhà sản xuất nộp hồ sơ và được cấp giấy chứng nhận của IWF đều phải trả một khoản tiền nhất định. Điều kiện để có được chứng nhận của IWF là phải tuân thủ đầy đủ theo Quy định về chất lượng của IWF - những Quy định này có trong phụ lục của Luật IWF.
Đối với Thế vận hội, Ban thường vụ chỉ định loại đòn tạ trong số các công ty được cấp phép của IWF.
23.1.2. Những thiết bị khác: hệ thống đèn trọng tài, bảng tính điểm, đồng hồ, cân và bục cử tạ phải được IWF chứng nhận và được lựa chọn theo thoả thuận vơi IWF.
Điều 24. Tổ chức giải vô địch thế giới, TVH Olympic, giải khu vực, châu lục và những giải khác.
24.1.1. Các cuộc thi đấu Cử tạ tại giải vô địch thế giới, TVH Olympic, giải khu vực, châu lục và những giải khác phải được tổ chức dưới sự giám sát của IWF và thực hiện đầy đủ theo Hiến chương, Quy chế và Luật kỹ thuật.
24.1.2. Các Liên đoàn đăng cai phải bảo đảm tuyệt đối việc tiếp nhận đăng ký của tất cả các vận động viên của các quốc gia đủ tư cách là thành viên của IWF.
24.1.3. Có thể kết hợp các giải vô địch thế giới với giải vô địch khu vực và châu lục. Trong trường hợp này, các vận động viên từ châu lục và khu vực có liên quan được phân loại theo thành tích tại giải vô địch thế giới. Người thắng cuộc sẽ được nhận giấy chứng nhận về thứ hạng.
24.1.4. Các cuộc thi đấu ở các nội dung theo Điều 24 phải bao gồm hai động tác cử đơn (cử giật và cử đẩy) ở tất cả các hạng cân được IWF công nhận.
24.1.5. Không được tổ chức cuộc thi đấu lớn nào trong vòng 30 ngày trước và sau giải vô địch thế giới hoặc Thế vận hội để không làm ảnh hưởng đến việc tham dự các sự kiện này.
24.1.6. Tại các giải vô địch thế giới, chỉ những vận động viên có đủ tư cách được IWF xác nhận mới được tham dự.
24.2. Giải vô địch thế giới:
24.2.1. Giải vô địch và giải trẻ thế giới nam và nữ được tổ chức hàng năm, ngoại trừ những năm tổ chức TVH Olympic mùa hè. Trừ trường hợp đặc biệt, giải vô địch và giải trẻ thế giới mới được tổ chức cùng nhau.
24.2.2. Huy chương vàng, bạc và đồng được trao cho 3 vị trí đầu tiên của nội dung cử giật và cử đẩy và tổng Olympic cho mỗi hạng cân.
24.2.3. Đơn xin đăng cai giải vô địch thế giới phải làm bằng văn bản gửi tới Ban thường vụ 60 ngày trước khi Ban thường vụ họp quyết định địa điểm. Văn phòng thư ký IWF gửi một mẫu đơn (Bản điều tra) tới các ứng cử viên. Bản điều tra hoàn chỉnh phải được gửi lại cho Văn phòng thư ký IWF.
24.2.4. Địa điểm giải vô địch thế giới được quyết định bằng việc bỏ phiếu của Ban thường vụ IWF.
24.2.5. Sau khi quyết định địa điểm giải vô địch thế giới, IWF và liên đoàn đăng cai ký kết một bản thoả thuận về những điều kiện và nghĩa vụ chính về đăng cai trên cơ sở bản điều tra.
24.2.6. Giải vô địch thế giới được tổ chức trong thời gian không dưới 8 ngày.
24.3. Thế vận hội:
24.3.1. Ít nhất 24 tháng trước khi khai mạc Thế vận hội và sau khi tham khảo ý kiến giữa Ban thường vụ IWF, IOC và Ban tổ chức đại hội, IWF sẽ gửi thông báo tới các liên đoàn quốc gia về:
- Chương trình thi đấu.
- Lịch thi đấu.
- Tiêu chuẩn tham dự của các vận động viên (tổng Olympic được tuyển/tiêu chuẩn sơ tuyển).
- Điều kiện đăng ký tham dự Olympic của vận động viên.
24.3.2. Thi đấu Cử tạ tại Thế vận hội được tổ chức trong vòng 11 ngày: 10 ngày thi đấu và 1 ngày nghỉ sau 5 ngày thi đấu đầu tiên.
24.3.3. Huy chương vàng, bạc và đồng Olympic được trao cho 3 vị trí đầu tiên của tổng điểm Olympic đối với mỗi hạng cân.
24.3.4. Ban thường vụ IWF chỉ định 2 Giám sát kỹ thuật cho Thế vận hội.
24.3.5. Sáu tháng trước Thế vận hội, Ban thường vụ chỉ định thành viên Ban thường vụ chỉ định thành viên Ban giám khảo, trọng tài, giám sát kỹ thuật và bác sỹ trực tại Thế vận hội trên cơ sở danh sách các ứng cử viên được đệ trình bởi các liên đoàn quốc gia. Không chỉ định những quan chức là thành viên đội tuyển quốc gia tham dự Olympic.
24.4. Những giải khác không thuộc Olympic:
24.4.1. Ít nhất 2 năm trước khi khai mạc giải, IWF được thông báo để công nhận những thiết bị đề xuất và công tác tổ chức chuyên môn. Việc kiểm tra sơ bộ ban đầu do một đại diện kỹ thuật thực hiện. Chi phí di chuyển và ăn ở do Ban tổ chức/ liên đoàn đăng cai chi trả.
24.4.2.Điều lệ thi đấu giải và chương trình thi đấu phải đệ trình lên IWF để phê chuẩn trước khi in ấn. Điều lệ phải bằng tiếng Anh, ngoài ra, có thể sử dụng bất kỳ một ngôn ngữ nào khác mà Ban tổ chức cho là cần thiết.
24.4.3. IWF kiểm tra tất cả các thiết bị và thông qua danh sách Ban giám khảo, trọng tài cho cuộc thi đấu bằng việc tham khảo ý kiến của liên đoàn khu vực và châu lục liên quan hoặc Ban tổ chức giải. Đại diện IWF phải có mặt đầy đủ trước khi khai mạc giải để đảm bảo các thiết bị đã đầy đủ và tuân thủ theo luật IWF.
24.4.4. Chủ tịch, Tổng thư ký, Phó Tổng thư ký hoặc 1 đại diện cho IWF. Đại diện IWF đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ban giám khảo, thành viên Ban giám khảo hoặc thư ký cuộc thi, vị trí nào được coi là phù hợp nhất.
24.4.5. Ban tổ chức phải chi trả tiền đi lại và ăn ở cho đại diện IWF tại giải.
24.4.6. Huy chương vàng, bạc và đồng được trao cho 3 vị trí đầu của cử giật, cử đẩy và tổng Olympic đối với mỗi hạng cân, ngoại trừ những quy định khác và sự sắp đặt giữa Ban tổ chức và IWF.
Điều 25. Luật chi tiết đối với giải vô địch thế giới
25.1. Trách nhiệm tài chính - liên đoàn đăng cai/ Ban tổ chức.
Liên đoàn đăng cai/ Ban tổ chức:
25.1.1. Lo ăn ở cho các thành viên tham dự với chi phí nhất định cũng như tiền di chuyển nội địa, tham dự giải, tham dự họp, tập luyện, tiệc chia tay và những dịch vụ kỹ thuật thông thường khác. Chi phí ăn ở hàng ngày phải được IWF phê chuẩn. IWF xem xét sao cho những dịch vụ cung cấp phù hợp với giá cả đưa ra.
25.1.2. Bố trí phương tiện đi lại và tập luyện cho các thành viên tham dự ít nhất là 4 ngày trước giải.
25.1.3. Bố trí ăn ở miễn phí trong quá trình thi đấu cộng thêm 2 ngày cho 45 quan chức kỹ thuật được lựa chọn (trọng tài, thành viên Ban giám khảo, giám sát kỹ thuật và bác sỹ). Số lượng quan chức kỹ thuật được quyết định dựa trên số ngày thi đấu, số lượng giải vô địch thế giới được tổ chức và những lý do khác và phụ thuộc vào sự thoả thuận giữa IWF và liên đoàn đăng cai/ Ban tổ chức. Nếu cuộc họp của Ban thường vụ IWF và các Tiểu Ban được tổ chức họp kết hợp với giải vô địch thế giới thì những quan chức được lựa chọn là các thành viên của Ban chấp hành hoặc các uỷ ban, được miễn phí ăn ở trong những ngày thi đấu cộng thêm 5 ngày. Để thuận tiện, các quan chức kỹ thuật phải có mặt sẵn sàng trong suốt thời gian giải. Những thành viên tham dự phải trả cho những ngày ở thêm.
25.1.4. Đảm bảo giá cả ăn ở được thông báo 6 tháng trước giải vô địch thế giới sẽ không tăng lên.
25.1.5. Cung cấp miễn phí các thiết bị cho Đại hội và các cuộc họp của Ban thường vụ cũng như các Tiểu ban (bao gồm phòng họp, phiên dịch, thiết bị kỹ thuật, cà phê, đồ ăn nhẹ v.v...).
25.1.6. Cung cấp miễn phí việc chuẩn bị chuyên môn về tất cả thiết bị có liên quan (thiết bị, hội trường và phòng có đầy đủ nội thất, nhân viên kỹ thuật, sơ cứu, đồ ăn nhẹ v.v.) cho tập luyện và thi đấu giải vô địch thế giới theo những yêu cầu của luật IWF.
25.1.7. Mua bảo hiểm sức khỏe, y tế, bảo hiểm bệnh viện đối với giải.
25.1.8. Trưởng Tiểu ban kỹ thuật và Tiểu ban Y học IWF cũng phải được bố trí ăn ở miễn phí khi họ không thuộc số những quan chức kỹ thuật được chỉ định.
25.1.9. Cung cấp miễn phí vé máy bay khứ hồi và ăn ở trong thời gian thi đấu cộng thêm 6 ngày cho Chủ tịch, Tổng thư ký và 5 thành viên Văn phòng điều hành.
25.1.10. Cung cấp miễn phí vé máy bay khứ hồi và ăn ở cho một đại biểu được chỉ định của AIPS (theo thoả thuận giữa IWF và Ban tổ chức).
25.1.11. Cung cấp văn phòng và các thiết bị kỹ thuật cho hoạt động của Văn phòng điều hành IWF, phục vụ các cuộc họp và giải vô địch thế giới.
25.1.12. Nếu được yêu cầu, chi trả toàn bộ phí đi lại và ăn ở cho 2 lần kiểm tra kỹ thuật trước giải để đánh giá công tác chuẩn bị.
25.2. Trách nhiệm tài chính - các liên đoàn tham dự:
25.2.1. Các đoàn tham dự phải chấp nhận ăn ở do Ban tổ chức bố trí theo giá nêu trong điều lệ. Số tiền do IWF thông qua phải phù hợp vơí chất lượng dịch vụ.
25.2.2. Nộp cho liên đoàn/ hoặc Ban tổ chức đăng cai lệ phí thi đấu là 140 USD (một trăm bốn mươi Đô la Mỹ) cho mỗi thành viên. 70 Đô la trong khoản tiền này Ban tổ chức được hưởng, còn lại 70 Đô la phải nộp cho IWF là một phần của Quỹ chống doping.
25.2.3. Quan chức kỹ thuật được lựa chọn, Chủ tịch, Tổng thư ký và thành viên Văn phòng điều hành, những nhà báo có thẻ không phải đóng phí tham dự. Uỷ viên Ban thường vụ hoặc các Tiểu ban và đại biểu tham dự Đại hội, chỉ tham dự họp thì cũng được miễn lệ phí tham dự. Sau Đại hội, những người này không được hưởng những đặc quyền cùng với thẻ của mình như đi lại, vào nơi thi đấu và nơi có dụng cụ thể thao cũng như bất kỳ sự kiện xã hội nào.
25.2.4. Các liên đoàn quốc gia tham dự giải vô địch thế giới phải chịu sự rủi ro của họ. Các Liên đoàn phải chịu trách nhiệm về mặt đạo đức và tài chính cho các đại biểu của họ về sức khoẻ và trong trường hợp gặp tai nạn hoặc thiệt hại.
25.3. Tham dự giải vô địch thế giới:
25.3.1. Bốn (4) tháng trước giải vô địch thế giới, Liên đoàn đăng cai gửi Điều lệ giải tới các liên đoàn thành viên của IWF, Ban thường vụ và các uỷ viên các Tiểu ban.
25.3.2. Điều lệ giải vô địch thế giới bao gồm các thông tin:
25.3.2.1. Thời gian chính xác của giải cùng với chương trình chi tiết về thi đấu và các hoạt động có liên quan.
25.3.2.2. Địa điểm thi đấu và đường đến.
25.3.2.3. Điều kiện tài chính và ăn ở.
25.3.2.4. Mẫu đăng ký phóng viên.
25.3.2.5. Mẫu đăng ký sơ bộ, đăng ký chính thức và sơ lược về vận động viên.
25.3.2.6. Những thông tin khác.
25.3.3. Thành viên tham dự phải được đăng ký tham dự chính thức bởi các liên đoàn quốc gia thành viên. Gửi mẫu đăng ký sơ bộ bao gồm thông tin về số lượng vận động viên, huấn luyện viên tới Liên đoàn/ Ban tổ chức đăng cai muộn nhất là 60 ngày trước giải.
25.3.4. Đăng ký chính thức/ Đăng ký cuối cùng gồm họ tên, ngày sinh, hạng cân và thành tích tốt nhất của vận động viên ở nội dung cử giật, cử đẩy và tổng, nêu rõ VĐV dự bị, tên và chức danh quan chức đi theo đoàn, thông tin chính xác về ngày đi và về của đoàn phải gửi tới Ban tổ chức đăng cai muộn nhất là 10 ngày trước giải.
25.3.5. Tại cuộc họp kỹ thuật tổ chức trước giải, mỗi đoàn sẽ nhận được một mẫu (Xác nhận đăng ký chính thức), và phải xác nhận họ tên, năm sinh, hạng cân và tổng thành tích của vận động viên. Khi mẫu này được xác nhận, có chữ kỹ và được chuyển lại thì đăng ký coi như là chính thức, có nghĩa là không được chữa dù tên hay hạng cân. Trường hợp vì một lý do nào đó mà một đoàn không tham dự cuộc họp kỹ thuật thì phải gửi đăng ký chính thức được coi là đăng ký cuối cùng. Việc đề cử không được thực hiện qua hình thức uỷ nhiệm.
25.3.6.Tổng thành tích được chấp nhận trong mẫu đăng ký là tổng thành tích của vận động viên thi đấu tại bất kỳ giải nào trong hệ thống thi đấu quốc tế IWF (đăng ký danh sách xếp hạng thế giới) trong thời gian 18 tháng trước giải vô địch thế giới ở hạng cân mà họ đăng ký.
Một đại diện đội tham dự cung cấp thông tin cần thiết về các hạng cân, năm sinh, tổng điểm tham dự hợp lệ phải kiểm tra và ký vào mẫu đăng ký cuối cùng trước khi tham dự cuộc họp của IWF (Xác nhận đăng ký cuối cùng). Bất kỳ một quốc gia nào bỏ lỡ cơ hội kiểm tra đăng ký cuối cùng phải chấp thuận việc IWF có quyền sửa đổi tổng điểm đăng ký trên mẫu đăng ký khi chia VĐV vào các nhóm khác nhau nếu như kết quả đăng ký không giống nhau.
Đối với những trường hợp không đăng ký trước tổng trọng lượng, tổng trọng lượng trong mẫu đăng ký chính thức được chấp nhận nhưng trọng lượng ban đầu ở môn cử giật và cử nâng không được thấp hơn trọng lượng thông báo 20kg. Trọng lượn có thể tăng lên nhưng không bao giờ có trượng hợp trọng lượng trong thẻ đăng ký thấp hơn những lần cử khác. Việc giám sát luật này là trách nhiệm của Thư ký giải hoặc Tổng trọng tài.
Ví dụ: Một vận động viên đăng ký một cuộc thi với Tổng trọng lượng là 200kg. Trong bất kỳ trường hợp nào, tổng của lần thực hiện đầu tiên của cử giật và cử đẩy không được dưới 180kg (80 - 100kg, 70 - 110kg hoặc các kết hợp khác). Nếu điều luật này không được tôn trọng, giám khảo có thể loại vận động viên khỏi cuộc thi.
25.3.7. Việc phân chia nhóm sẽ được Thư ký cuộc thi hoặc đại diện chính thức IWF xác định căn cứ vào danh sách xếp hạng mới nhất của IWF hoặc những kết quả chính thức khác.
25.3.8. Vận động viên không có tên trong đăng ký chính thức thì không được thi đấu.
Điều 26. Kiểm tra giới tính nữ
26.1. Để đủ tư cách tham dự Giải vô địch thế giới, vận động viên nữ phải trình giấy chứng nhận giới tính nữ do IWF hoặc IOC cấp.
26.2. Để có giấy chứng nhận này, vận động viên phải:
- Trải qua kiểm tra giới tính bởi IWF và Ban tổ chức tại giải vô địch thế giới. Lệ phí liên quan do Liên đoàn quốc gia trả hoặc;
- Trình giấy chứng nhận kiểm tra giới tính chính thức được cấp ở nước mình thì sẽ được IWF cấp giấy chứng nhận giới tính.
26.3. IWF vẫn có quyền tiến hành kiểm tra giới tính bất kỳ một vận động viên nào tham dự giải vô địch thế giới. Trong trường hợp này, IWF sẽ chi lệ phí kiểm tra.
26.4. Một nữ vận động viên đã qua kiểm tra giới tính thì không cần phải kiểm tra lại.
Điều 27. Chăm sóc y tế ban đầu cho vận động viên và quan chức
27.1. Ban tổ chức giải vô địch thế giới và các cuộc thi đấu chính thức khác của IWF phải bố trí việc chăm sóc y tế cho các vận động viên và quan chức nếu xảy ra sự ốm đau hoặc chấn thương.
Vì mục đích này, 1 bác sỹ và 1 trợ lý (nếu có) phải trực tại địa điểm thi đấu trong suốt thời gian thi đấu.
Một phòng y tế trang thiết bị y tế quan trọng cơ bản, băng, thuốc và những dụng cụ cần thiết cho việc điều trị ban đầu.
Trong toàn bộ thời gian diễn ra giải, chăm sóc y tế ban đầu sẽ phải luôn túc trực bất kỳ thời điểm nào và với tất cả các thành viên đăng ký.
27.2. Chi phí cho chăm sóc y tế ban đầu do Ban tổ chức giải vô địch chi trả chỉ bao gồm việc điều trị các vận động viên và quan chức.
Nếu bất kỳ vận động viên hoặc quan chức đã được bảo hiểm sức khoẻ trước khi đến thì Ban tổ chức có thể làm thủ tục hoàn trả lại chi phí cho các dịch vụ y tế, thông qua liên đoàn quốc gia của họ.
27.3. Trường hợp nghi ngờ bệnh mạn tính hoặc chấn thương tái phát trong giải, chăm sóc y tế ban đầu phải được thực hiện và sau đó nếu cần phải kiểm tra thêm hoặc điều trị chuyên sâu, bác sỹ của Ban tổ chức sẽ là người chẩn đoán. Nếu cần, bác sỹ có thể hỏi ý kiến các thành viên khác của Ban y tế giải hoặc các uỷ viên Tiểu ban y học IWF.
27.4. IWF đề nghị các Ban y tế Liên đoàn châu lục áp dụng các thủ tục trên tại các giải vô địch của mình.
Phần III.
LUẬT KỸ THUẬT
Điều 28. Chương trình thi đấu
28.1. Hai động tác cử tạ:
28.1.1. Liên đoàn cử tạ quốc tế công nhận hai động tác cử tạ phải thực hiện như sau:
a. Cử giật.
b. Lên ngực và đẩy (gọi chung là cử đẩy).
28.1.2. Cả hai động tác đều phải thực hiện bằng hai tay.
28.1.3. Mỗi động tác chỉ được thực hiện tối đa 3 lần.
28.2. Người tham dự:
28.2.1.Thi đấu cử tạ được tổ chức cho cả nam và nữ.
Vận động viên thi đấu theo hạng cân được quy định trong luật, tuỳ theo trọng lượng cơ thể.
28.2.2. IWF quy định 2 nhóm tuổi chính:
a. Trẻ nam và nữ: từ 20 tuổi trở xuống.
b. Tuổi thành niên.
Chú ý 1: Độ tuổi tối thiểu để được tham dự giải vô địch thế giới và TVH Olympic là 16 đối với cả nam và nữ.
Chú ý 2: Độ tuổi tối thiểu để được tham dự giải vô địch trẻ thế giới là 15 đối với cả nam và nữ.
Chú ý 3: Tất cả các nhóm tuổi đề cập ở trên được tính theo năm dương lịch trên cơ sở ngày sinh nhật của vận động viên.
28.3. Hạng cân:
28.3.1. Có 8 hạng cân dành cho nam ở cả hai nhóm trẻ và tuổi thành niên. Tất cả các cuộc thi theo luật IWF phải tổ chức theo các hạng cân sau:
1. 56kg
3. 69kg
2. 62kg
4. 77kg
5. 85kg
6. 94kg
7. 105kg
8. + 105kg
28.3.2. Có 7 hạng cân dành cho nữ. Tất cả các cuộc thi đấu theo luật IWF phải tổ chức theo các hạng cân sau:
1. 48kg
2. 53kg
3. 58kg
4. 63kg
5. 69kg
6. 75kg
7. >75kg
28.3.3. Tại các cuộc thi vô địch thế giới và châu lục, khu vực và các giải quốc tế khác dành cho nam, mỗi quốc gia có thể tham dự một đội gồm tám (8) vận động viên và hai (2) vận động viên dự bị tham gia thi đấu các hạng cân khác nhau với số lượng tối đa ở mỗi hạng cân là hai (2) vận động viên.
28.3.4. Tại các cuộc thi vô địch thế giới và châu lục, khu vực và các giải quốc tế khác dành cho nữ, mỗi quốc gia có thể tham dự một đội gồm bảy (7) vận động viên và hai (2) vận động viên dự bị với số lượng tối đa là hai (2) vận động viên ở mỗi hạng cân.
28.3.5. Trong bất kỳ giải nào, một vận động viên chỉ được thi đấu ở một hạng cân.
Điều 29. Hai động tác
29.1. Cử giật:
29.1.1. Thanh đòn tạ được đặt nằm ngang phía trước cẳng chân vận động viên. Vận động viên nắm chắc đòn tạ, lòng bàn tay hướng xuống dưới và bằng một động tác duy nhất giật tạ từ sàn lên trên đầu, hai tay giơ thẳng, trong khi đó dạng chân hoặc khuỵu gối. Trong quá trình chuyển động liên tục này, thanh đòn lướt dọc theo đùi và phần bụng. Trong quá trình giật tạ, ngoài hai bàn chân, không một bộ phận nào của cơ thể được chạm sàn. Sau khi nâng tạ lên phải giữ bất động, chân và tay thẳng, hai bàn chân thẳng hàng nhau cho đến khi có tín hiệu của trọng tài cho hạ xuống sàn. Vận động viên có thể nghỉ lấy sức trong phạm vi thời gian cho phép, lúc đứng dạng chân hoặc ở tư thế ngồi xổm, và kết thúc với hai bàn chân trên một đường thẳng, song song với mặt phẳng tạo bởi thân người và đòn tạ. Trọng tài phát lệnh hạ tạ khi thấy tất cả các bộ phận cơ thể vận động viên đã bất động.
29.2. Cử nâng (lên ngực và đẩy):
29.2.1. Phần thứ nhất - lên ngực: Thanh đòn tạ được đặt nằm ngang phía trước cẳng chân vận động viên. Vận động viên nắm chắc đòn tạ, lòng bàn tay hướng xuống dưới và bằng một động tác duy nhất giật tạ từ sàn lên trên vai, trong khi đó dạng chân hoặc khuỵu gối. Trong quá trình chuyển động liên tục này, thanh đòn tạ lướt qua đùi và phần bụng. Thanh đòn không được chạm vào phần ngực trước tư thế cuối cùng. Sau đó, đòn tạ có thể được đặt trên xương đòn, hoặc phần ngực từ mức núm vú trở lên, hoặc được giữ trên cánh tay đã co gấp hoàn toàn. Hai bàn chân phải được thu về trên cùng một đường thẳng, chân đứng thẳng trước khi thực hiện phần nâng tạ. Vận động viên có thể nghỉ lấy sức trong phạm vi thời gian cho phép và kết thúc là hai bàn chân đặt trên đường thẳng song song với mặt phẳng tạo bởi đòn tạ và thân người.
29.2.2. Phần thứ hai - Đẩy tạ: Vận động viên gập khớp gối để tạo đà đẩy tạ lên, chân đứng thẳng lên và cánh tay giơ lên cao hết mức theo phương thẳng đứng. Sau đó thu hai chân về trên cùng một đường thẳng, chân và tay duỗi thẳng hoàn toàn, chờ lệnh trọng tài cho phép hạ tạ. Trọng tài phát lệnh hạ tạ ngay sau khi nhận thấy tất cả bộ phận cơ thể vận động viên đã bất động.
Lưu ý quan trọng:
Sau khi tạ đã được đặt trên ngực và trước khi đẩy lên, vận động viên có thể điều chỉnh vị trí đòn tạ. Việc điều chỉnh này không được gây hiểu nhầm. Điều này không có nghĩa cho VĐV một lần đẩy tạ mà cho phép VĐV được:
a. Tháo ngón cái khỏi khoá, nếu vận động viên đã nắm tạ kiểu khoá.
b. Hạ thấp đòn tạ xuống vai nếu thấy đòn đặt quá cao làm cản trở hô hấp hoặc gây đau đớn.
c. Thay đổi khoảng cách nắm tạ.
29.3. Luật chung cho cả hai động tác:
29.3.1. Luật cho phép nắm tạ kiểu khoá - tức là đốt cuối của ngón cái lồng vào phía dưới các ngón tay khác của cùng một bàn tay khi nắm đòn tạ.
29.3.2. Khi tạ kéo tới ngang đầu gối mà không hoàn tất động tác nâng thì vẫn bị trọng tài tính như đã thực hiện một lần thi.
29.3.3. Sau khi được lệnh hạ tạ của trọng tài, vận động viên phải hạ tạ xuống phía trước mặt và không được để tạ rơi dù vô tình hay hữu ý. Có thể thả lỏng tay cầm tạ khi đưa xuống đến ngang thắt lưng.
29.3.4. Nếu do khuyết tật giải phẫu mà cánh tay vận động viên không duỗi được thẳng hoàn toàn thì vận động viên phải báo cáo cho ba trọng tài và Ban giám khảo biết trước khi bắt đầu thi.
29.3.5. Ở tư thế ngồi chuẩn bị cử giật hoặc lên ngực, vận động viên được phép làm các động tác rung và lắc người.
29.3.6. Cấm vận động viên dùng mỡ, dầu, nước, bột tan hoặc các chất bôi trơn khác để xoa lên đùi. Khi vận động viên bước lên sàn thi mà bị phát hiện dùng chất bôi trơn thì phải lau sạch ngay và bị trừ thời gian vào thời gian thi đấu.
29.3.7. Vận động viên được phép dùng phấn bột (bột ma nhe) để xoa lên tay, đùi...
29.4. Tư thế và động tác phạm quy của cả hai động tác:
29.4.1. Kéo tạ từ tư thế treo tạ.
29.4.2. Chạm bất kỳ bộ phận nào của cơ thể xuống sàn, trừ hai bàn chân.
29.4.3. Khi kết thúc động tác hai tay không duỗi thẳng hoàn toàn hoặc không đều nhau.
29.4.4. Có dừng khi duỗi thẳng.
29.4.5. Kết thúc động tác bằng một động tác ấn xuống.
29.4.6. Cong và duỗi khuỷu tay trong khi đứng thẳng - thu chân.
29.4.7. Vượt ra ngoài bục khi thực hiện động tác nghĩa là chạm bất kỳ phần nào của cơ thể vào địa phận ngoài sàn thi.
29.4.8. Hạ tạ xuống sàn trước hiệu lệnh của trọng tài.
29.4.9. Ném tạ sau khi có hiệu lệnh của trọng tài.
29.4.10. Kết thúc động tác, hai bàn chân không đặt trên đường thẳng song song với mặt phẳng của thân người.
29.4.11. Không hạ toàn bộ tạ xuống sàn thi, có nghĩa là toàn bộ tạ phải chạm sàn trước.
29.5. Động tác phạm quy trong cử giật:
29.5.1. Dừng tạ trong quá trình giật tạ lên.
29.5.2. Đầu của vận động viên chạm vào đòn tạ.
29.6. Động tác phạm quy trong phần lên ngực:
29.6.1. Đặt đòn tạ lên ngực trước khi xoay khuỷu tay.
29.6.2. Khuỷu tay hoặc cánh tay chạm vào đùi hoặc đầu gối.
29.7. Động tác phạm quy trong phần đẩy:
29.7.1. Biểu lộ rõ nỗ lực đẩy tạ nhưng không hợp lệ bao gồm cả động tác cong gối hoặc hạ thấp trọng tâm cơ thể.
29.7.2. Cố ý rung tạ để tăng lợi thế. Thân thể vận động viên và tạ phải bất động trước khi bắt đầu đẩy tạ.
Điều 30. Dụng cụ và các mẫu thi đấu
30.1. Tạ:
30.1.1. Chỉ có tạ đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật và đã được IWF phê chuẩn mới được sử dụng trong các cuộc thi Cử tạ trong phạm vi quyền lực của IWF.
30.1.2. Tạ gồm các phần sau:
- Đòn tạ.
- Đĩa tạ.
- Khoá tạ.
30.1.2.1. Đòn tạ:
Đòn tạ dành cho nam phải thoả mãn thông số kỹ thuật sau:
a. Trọng lượng: 20kg.
b. Chiều dài đòn tạ: 2200mm với ± 1mm.
c. Đường kính đòn tạ tại đoạn giữa: 28mm với dung sai ± 0,03mm.
d. Đường kính đòn tạ tại hai đầu: 50mm với dung sai ± 0,02mm.
e. Độ dài đoạn giữa đòn tạ: 1310mm với dung sai ± 0,05mm.
f. Chiều rộng vành trong khoá tạ bao gồm cả khoá của 2 đầu: 30mm với dung sai ± 1mm.
g. Để thuận tiện cho việc nắm đòn tạ và tư thế thực hiện, đòn tạ phải có khía nhỏ.
Đòn tạ dành cho nữ phải thỏa mãn thông số kỹ thuật sau:
a. Trọng lượng: 15kg.
b. Chiều dài đòn tạ: 2010mm với dung sai ± 1mm.
c. Đường kính đòn tạ tại đoạn giữa: 25mm với dung sai ± 0,03mm.
d. Đường kính đòn tạ tại hai đầu: 50mm với dung sai ± 0,02mm.
e. Độ dài đoạn giữa đòn tạ: 1310mm với dung sai ± 0,05mm.
f. Chiều rộng vành trong khoá tạ bao gồm cả khoá của 2 đầu: 30mm với dung sai ± 1mm.
g. Để thuận tiện cho việc nắm đòn tạ và tư thế thực hiện, đòn tạ phải có khía nhỏ.
30.1.2.2. Đĩa tạ:
Đĩa tạ phải đạt những thông số kỹ thuật sau:
a. Trọng lượng và màu sắc của đĩa tạ:
- 25kg đỏ
- 20kg xanh da trời
- 15kg vàng
- 10kg xanh lá cây
- 5kg trắng
- 2,5kg đen
- 1,25kg Crôm
- 0,5kg Crôm
- 0, 25kg Crôm
b. Đường kính đĩa tạ lớn nhất 450mm với dung sai ± 1mm.
c. Đĩa tạ 450mm phải được bao bọc cao su hoặc chất dẻo và được phủ lớp màu bền vững hoặc mặt ngoài của vành được sơn màu.
d. Đĩa tạ nhẹ hơn 10kg có thể được làm hoàn toàn bằng thép.
e. Tất cả các đĩa tạ đều phải ghi rõ trọng lượng.
30.1.2.3. Khoá tạ:
Để giữ chặt đĩa vào đòn tạ, mỗi đòn tạ phải có hai khoá tạ, mỗi chiếc nặng 2,5kg giành cho nam và nữ.
30.1.3. Độ dung sai của những bộ phận tạ có trọng lượng trên 5kg phải là + 0,1% và - 0,5%. Những bộ phận có trọng lượng từ 5kg trở xuống dung sai phải là + 10gram và - 0gram cho mỗi bộ phận.
30.1.4. Đĩa tạ lớn nhất và nặng nhất phải lắp vào trong cùng, những đĩa tạ nhẹ hơn được lắp theo thứ tự giảm dần ra phía ngoài. Đĩa tạ được lắp sao cho trọng tài có thể đọc được số ghi trọng lượng trên mỗi đĩa và chúng phải được ghim chặt vào đòn tạ bằng khoá tạ.
30.1.5. Những dấu hiệu trên đòn tạ: Đòn tạ phải được đánh dấu bằng màu để dễ dàng nhận biết. Đòn tạ dành cho nam phải có dấu màu xanh da trời và cho nữ có dấu màu vàng. Những màu này tương ứng với những đĩa tạ 20kg và 15kg.
30.2. Bục thi đấu (sàn thi đấu):
30.2.1. Tất cả các động tác thi đấu phải được thực hiện trên sàn thi đấu.
30.2.2. Sàn thi đấu hình vuông, mỗi cạnh dài bốn (4) mét. Khi nền nhà quanh sàn thi có màu sắc tương tự hoặc cùng màu với sàn thì phải kẻ đường viền trên mặt sàn thi. Đường viền rộng ít nhất là 150mm.
30.2.3. Sàn thi đấu được làm bằng gỗ, chất dẻo hoặc bằng bất kỳ vật liệu rắn chắc khác và có thể được phủ lớp chất liệu chống trơn.
30.2.4. Chiều cao sàn thi khoảng 50mm đến 150mm.
30.3. Hệ thống đèn trọng tài:
30.3.1. Các chi tiết của hệ thống:
Hệ thống đèn trọng tài gồm những chi tiết sau:
a. Một hộp điều khiển cho mỗi trọng tài trong tổ 3 người. Trên mỗi hộp có hai (2) nút bấm, một nút trắng, một nút đỏ và một thiết bị tín hiệu.
b. Một thiết bị phát tín hiệu nghe - nhình lệnh "hạ tạ" của trọng tài. Dụng cụ này được đặt ở vị trí trước sàn thi đấu.
c. Hai hoặc nhiều bộ "đèn quyết định" gồm ba đèn trắng và ba đèn đỏ, đặt ngang hàng để thông tin quyết định của trọng tài cho vận động viên và khán giả.
d. Một hoặc một vài bảng điều khiển. Mỗi bản trang bị ba đèn trắng và ba đèn đỏ. Chúng bật sáng tức thì khi trọng tài bấm nút trên hộp điều khiển. Các bảng điều khiển được đặt trên bàn Ban giám khảo và cũng có thiết bị ra tín hiệu dùng để khi cần gọi trọng tài lại bàn Ban giám khảo.
30.3.2. Vận hành của hệ thống:
Trong quá trình thi đấu, để đánh giá một lần thi "thành công", ba trọng tài bấm nút trắng trên hộp điều khiển của họ. Lập tức bộ thiết bị đặt trước sàn thi đồng thời phát tín hiệu âm thanh - hình ảnh và ra tín hiệu cho phép vận động viên hạ tạ xuống sàn. Khi có tín hiệu hạ tạ được đưa ra và "đèn quyết định" vẫn sáng mà vận động viên không hạ tạ thì trọng tài trung tâm phải nói "hạ tạ" và làm tín hiệu để vận động viên hạ tạ.
Khi ba trọng tài đánh giá vận động viên đã phạm quy trong khi thực hiện, họ ra quyết định "chưa nâng được tạ" bằng việc bấm nút đỏ trên hộp điều chỉnh. Lập tức bộ thiết bị đặt trước sàn đấu đồng thời phát tín hiệu âm thanh và ánh sáng cho phép vận động viên hạ tạ xuống sàn.
Tín hiệu "hạ tạ" được đưa ra khi hai trọng tài có quyết định giống nhau.
Trường hợp một trọng tài bấm nút vào nút trắng, một trọng tài bấm nút đỏ còn trọng tài thứ ba không bấm nút nào. Khi đó hộp điều chỉnh sẽ phát tín hiệu âm thanh nhắc nhở trọng tài thứ ba đưa ra quyết định. Tương tự như vậy, khi có hai trọng tài bấm nút trắng hoặc nút đỏ và tín hiệu hạ tạ được phát ra, thì sẽ có tín hiệu âm thanh nhắc nhở trọng tài thứ ba đưa ra quyết định.
Ba (3) giây sau khi cả ba trọng tài đưa ra quyết định, "đèn quyết định" sáng lên chỉ rõ quyết định của từng trong tài bằng các màu sắc tương ứng (đỏ hoặc trắng). Các đèn này sẽ sáng trong ít nhất 15 giây.
Sau tín hiệu âm thanh và ánh sáng ra lệnh "hạ tạ" và trước khi "đèn quyết định" hoạt động, các trọng tài có ba (3) giây để thay đổi quyết định. Chẳng hạn nếu sau khi thực hiện thành cộng một lần nâng tạ, vận động viên ném tạ xuống sàn thì các trọng tài phải ấn nút đỏ, "đèn quyết định" bật đỏ báo hiệu lần thi thất bại. Nếu đã quá muộn không thể thay đổi màu đèn được nữa, các trọng tài phải giơ cờ đỏ lên báo hiệu sự thay đổi này.
30.3.3. Trách nhiệm của các trọng tài:
Ba trọng tài có quyền ngang nhau trong phán quyết kết quả một lần thi của vận động viên.
Mỗi trọng tài phải bấm nút trắng hoặc nút đỏ để công nhận hoặc bác bỏ kết quả lần thi theo luật kỹ thuật. Khi một trọng tài phát hiện lỗi sai trong quá trình thực hiện động tác, trọng tài đó phải ấn vào nút đỏ ngay lập tức.
Tại các cuộc thi "Master" chuyên nghiệp, các trọng tài nên sử dụng quyền tự chủ của mình.
30.3.4. Việc giám sát của Ban giám khảo:
Trong quá trình thi đấu, thành viên Ban giám khảo có thể kiểm tra công việc của các trọng tài bằng cách quan sát bảng điều khiển. Mỗi quyết định của trọng tài có thể nhận biết qua đèn hiệu trên bảng điều khiển bật sáng tức thì khi trọng tài bấm nút trên hộp điều khiển. Quyết định nhanh, chậm hoặc không đưa ra quyết định được nhận biết để có hành động ngay lập tức hoặc sau đó. Chủ tịch Ban giám khảo có thể bấm nút phát tín hiệu âm thanh để gọi một trọng tài nào đó tới bàn mình.
30.4. Bàn cân:
30.4.1. Trong các cuộc thi vô địch thế giới, TVH Olympic và những cuộc thi đấu quốc tế quan trọng khác như giải World Cup, Đại hội TDTT khu vực, phải sử dụng loại cân có thể cân được 200kg và độ chính xác tối thiểu là 10gram.
30.4.2. Phải ghi đúng trọng lượng cơ thể vận động viên vào biên bản.
30.4.3. Tại các cuộc thi vô địch thế giới, TVH Olympic và những cuộc thi đấu quốc tế quan trọng khác cần trang bị thêm một (1) chiếc cân thứ hai cùng chủng loại, đặt gần phòng cân đo để người dự thi tự kiểm tra trọng lượng của mình.
30.4.4. Giấy xác nhận cân đã được kiểm tra chỉ có hiệu lực trong vòng một năm tính từ ngày tổ chức cuộc thi trở về trước.
30.5. Đồng hồ bấm giây:
30.5.1. Trong các cuộc thi đấu chính thức của IWF cần sử dụng đồng hồ bấm giây điện hoặc điện tử. Thiết bị đo thời gian chính xác này phải đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật sau:
a. Thời gian hoạt động liên tục tối thiểu là 15 phút.
b. Thời gian hiện số ít nhất là 10 giây (thời gian nghỉ cách quãng tối thiểu là 10 giây).
c. Tự động phát tín hiệu âm thanh báo 30 giây trước khi hết thời gian quy định cho mỗi lần thi.
30.5.2. Thời gian trôi qua phải được hiển thị đồng thời ở sàn thi và khu vực khởi động: một hướng về khán giả, một hướng về vận động viên và một ở phòng khởi động.
30.5.3. Trọng tài báo giờ phải là trọng tài quốc tế.
30.6. Các thiết bị khác:
30.6.1. Bảng báo lần thi:
Bảng báo lần thi được đặt ở vị trí dễ thấy, trên bảng có tên người đến lượt thi, trọng lượng tạ và số lần thực hiện.
Ghi chú: Thông tin trên bảng phaie được hiển thị trong suốt thời gian thi đấu.
30.6.2. Bảng điểm:
Bảng điểm phải được đặt ở vị trí nổi bật của khu vực thi đấu để ghi và công bố thành tích của từng hạng cân trong quá trình thi. Bảng bó điểm gồm các thông tin sau:
- Số thứ tự bốc thăm.
- Tên người dự thi theo thứ tự tăng dần của số báo danh bốc thăm.
- Trọng lượng cơ thể.
- Tên nước.
- Kết quả 3 lần cử giật.
- Kết quả 3 lần cử đẩy.
- Tổng trọng lượng Olympic.
- Xếp hạng cuối cùng.
Ghi chú: Thông tin trên bảng điểm phải được thực hiện trong suốt thời gian giải.
30.6.3. Bảng ghi kỷ lục:
Bảng ghi kỷ lục đặt trong khu vực thi đấu để công bố những kỷ lục hiện tại của các hạng cân đang thi đấu.
Ghi chú: Thông tin trên bảng ghi kỷ lục phải được hiển thị trong suốt thời gian giải.
30.6.4. Phòng khởi động:
Để vận động viên chuẩn bị cho thi đấu, phòng khởi động phải được bố trí gần khu vực thi đấu. Phòng khởi động phải được trang bị một số thiết bị cần thiết như sàn, tạ, bột xoa tay v.v...theo số lượng vận động viên. Ngoài ra, phòng khởi động phải được trang bị những thiết bị sau:
- Loa truyền thanh nối với micro của phát thanh viên.
- Một bảng ghi tên người dự thi theo thứ tự số bốc thăm, trọng lượng cơ thể, trọng lượng tạ đăng ký trước khi được gọi lên sàn.
- Bàn làm việc cho bác sỹ trực.
- Bảng hiện giờ theo đồng hồ bấm giây trong khu vực thi.
- Màn hình video để xem những hoạt động trên sàn đấu.
30.6.5. Trong các cuộc thi Cử tạ của TVH Olympic cũng như trong các cuộc thi đấu quốc tế quan trọng khác như là giải vô địch thế giới, châu lục và khu vực, Ban tổ chức phải trang bị những phương tiện sau:
- Một bàn cân điện tử chính xác đến 1decagram (10g).
- Đồng hồ bấm giây điện tử kỹ thuật số.
- Hệ thống đèn điện tử cho trọng tài.
- Chương trình quản lý thi đấu của IWF (bắt buộc đối với Thế vận hội và giải vô địch thế giới).
30.6.6. Khuyến khích việc sử dụng các trang thiết bị nhằm mục đích giúp cho công tác tổ chức giải được tốt hơn, chẳng hạn như máy vi tính.
30.7. Các mẫu thi đấu chính thức:
30.7.1. Những văn bản chủ yếu để tổ chức có hiệu quả thi đấu Cử tạ gồm:
a. Danh sách ban đầu:
Bảng danh sách bao gồm tên vận động viên, số bốc thăm, ngày sinh, tổng thành tích tốt nhất, hạng cân, nhóm, thời gian cân và thời gian thi đấu.
b. Danh sách cân nặng theo hạng cân hoặc theo nhóm:
Danh sách này do Thư ký giải quản lý và gồm các thông tin sau: tên vận động viên, số bốc thăm, tên nước, cân chính xác được trọng tài công nhận. Danh sách này được chuẩn bị và phân phát cáng sớm càng tốt sau khi cân.
c. Thẻ vận động viên:
Thẻ này gồm có tên vận động viên, số bốc thăm, nước, năm sinh, cân nặng theo nhóm hạng cân. Thẻ này được sử dụng để ghi trọng lượng mỗi lần thi.
d. Biên bản chính thức:
Các biên bản này có thể được viết bằng tay hoặc làm trên máy vi tính, là một văn bản chính thức xác nhận kết quả của mỗi cuộc thi. Biên bản này chứng nhận một cách chi tiết với độ chính xác cao và được Thư ký giải và Tổng trọng tài ký xác nhận.
e. Biên bản ghi kỷ lục:
Biên bản này được sử dụng để ghi những kỷ lục được phá trong suốt thời gian diễn ra giải. Biên bản này bao gồm những thông tin thích hợp về mỗi kỷ lục: ngày tháng, trọng lượng tạ, hạng cân, trọng lượng cơ thể, tên vận động viên, năm sinh v.v. Biên bản này được ký bởi ba trọng tài điều khiển cuộc thi.
f. Giấy ra vào khu vực khởi động:
Giấy này có giá trị cho từng hạng cân hoặc nhóm cụ thể, được Thư ký giải cấp trong phòng cân. Mục đích cấp là chỉ rõ số người được phép vào khu vực khởi động và thi đấu (Điều 32.3.12).
g. Mẫu kiểm tra doping:
Những mẫu này (mẫu 1 và 2) được cán bộ kiểm tra doping kê khai vận động viên được chọn kiểm tra doping và ghi lại những thông tin cần thiết của Liên đoàn và phòng phân tích.
h. Kết quả thi đấu chung cuộc:
Tài liệu này được phát cho các đoàn khi kết thúc giải, bao gồm kết quả tất cả các hạng cân của cử giật, cử đẩy và Tổng trọng lượng. Tài liệu cũng bao gồm điểm số, thứ hạng của vận động viên và toàn đội.
Điều 31. Trang bị của vận động viên
31.1. Trang phục thi đấu:
31.1.1. Vận động viên phải mặc trang phục thi đấu bằng vải sạch sẽ, và được thiết kế đúng tiêu chuẩn sau:
Trang phục:
- Có thể áo liền quần hoặc 2 mảnh nhưng phải che kín thân thể vận động viên.
- Phải bó sát cơ thể
- Không có cổ áo
- Màu sắc tuỳ ý
- Tay áo không được trùm quá khuỷu tay.
- Quần không được trùm quá đầu gối.
31.1.2. Có thể mặc áo phông phía trong trang phục thi đấu. Tay áo không được trùm quá khuỷu tay. Áo này không có cổ
Có thể mặc quần áo bó sát người/quần soóc VĐV xe đạp trong hoặc ngoài trang phục thi đấu nhưng không được trùm quá gối.
31.1.3. Không được mặc áo phông và quần đùi để thay thế trang phục thi đấu.
31.1.4. Trong cuộc thi, vận động viên mặc trang phục do Liên đoàn cấp hoặc phê chuẩn. Với mục đích này, lễ trao giải cũng được coi là một phần cuộc thi.
31.1.5. Trên tràng phục thi đấu của vận động viên cử tạ, IWF cho phép in hoặc dán nhãn hiệu sản phẩm của nhà tài trợ (biểu trưng, tên nhà tài trợ hoặc cả hai) với kích thước tối đa là 500cm2. Vượt quá kích cỡ đó sẽ bị coi là quảng cáo và sẽ bị xử lý theo quy định có liên quan. Tại thế vận hội Olympic, luật IOC chiếm ưu thế.
31.1.6. Có thể mang tất (vớ) nhưng không được cao đến đầu gối và khồn được băng bó.
31.2. Giầy thi đấu:
31.2.1. Vận động viên phải đi giầy khi thi đấu (gọi là giầy cử tạ) để bảo vệ bàn chân và tạo thế đứng ổn định, vững vàng trên sàn thi.
31.2.2. Giầy thi đấu phải được chế tạo sao cho không tạo lợi thế hoặc hỗ trợ thêm cho vận động viên so với quy định ở Điều 31.2.1.
31.2.3. Được phép dùng dải dây buộc qua mu bàn chân.
31.2.4. Phần gót đế giầy có thể được gia cố thêm.
31.2.5. Chiều cao tối đa cổ giầy đo từ lót giầy là 130mm
31.2.6. Đế giầy không được mở rộng hơn khung giầy 5mm tại bất kỳ điểm nào.
31.2.7. Gót giầy không được chọn.
31.2.8. Giầy có thể làm bằng bất kỳ chất liệu hoặc chất liệu tổng hợp nào.
31.2.9. Không quy định chiều cai tối đa hoặc tối thiểu của đế giầy.
31.2.10. Không quy định hình dạng của giầy
31.3. Đai lưng:
31.3.1. Độ rộng tối đa của đai lưng không vượt quá 120mm
31.3.2. Không được đeo đai lưng bên trong trang phục thi đấu.
31.4. Băng, dây buộc và băng dính:
31.4.1. Băng, dây buộc hoặc băng dính có thể để quấn quanh cổ tay, đầu gối và bàn tay. Dây buộc và băng dính có thể dùng để quấn các ngón tay.
31.4.2. Băng có thể được làm bằng gạc kếp y tế hoặc bằng da. Cho phép sử dụng một miếng băng mềm để bọc gối hoặc thiết bị bọc gối bằng cao su nếu việc di chuyển dễ dàng. Thiết bị bọc gối không được phép gia cố thêm bằng bất kỳ hình thức nào.
31.4.3. Không được quấn băng rộng quá 100mm ở vòng cổ tay.
31.4.4. Không được quấn băng rộng quá 300mm ở đầu gối.
31.4.5. Không giới hạn độ dài của băng.
31.4.6. Cho phép dùng cả băng dính hoặc băng quấn cả lòng bàn tay và mu bàn tay. Băng dính hoặc băng có thể dính vào ở cổ tay chứ không dính vào đòn tạ.
31.4.7. Có thể dùng băng dính quấn các ngón tay nhưng không được trùm kín đầu ngón tay.
31.4.8. Được phép dùng găng tay không ngón để bảo vệ lòng bàn tay, ví dụ găng tay môn thể dục, găng tay xe đạp...Loại găng tay này có thể che kín đốt thứ nhất của ngón tay. Nếu quấn băng dính vào ngón tay thì phải có sự tách biệt rõ ràng giữa băng dính và găng tay.
31.4.9. Không được dùng băng hoặc những vật liệu thay thế để băng những bộ phận:
a. Khuỷu tay.
b. Thân người.
c. Bắp đùi.
d. Cẳng chân.
e. Cánh tay.
Chú ý: Trong trường hợp bị chấn thương, có thể sử dụng băng dính ở cẳng chân.
31.4.10. Chỉ được dùng một loại băng cho tất cả các bộ phận cơ thể.
31.4.11. Phải có một khoảng cách rõ rệt giữa trang phục và băng.
Điều 32. Thi đấu
32.1. Đăng ký thi đấu:
32.1.1. Tại bất kỳ hạng cân nào trong khi thi đấu, Thư ký cuộc thi có thể chia vận động viên thành hai (2) nhóm trở lên. Việc xếp nhóm phụ thuộc vào thành tích trước đó của vận động viên theo bảng xếp hạng mới nhất của IWF.
32.1.2. Trong cuộc họp kỹ thuật, các thành viên Ban giám khảo, trọng tài, giám sát viên kỹ thuật và các bác sỹ sẽ được phân công nhiệm vụ cho từng hạng cân hoặc nhóm thi cụ thể.
32.2. Bốc thăm:
32.2.1. Trong cuộc họp kỹ thuật, việc xác định số báo danh cho mỗi vận động viên được tiến hành bằng bốc thăm. Số báo danh đó được duy trì trong suốt cuộc thi, thậm chí khi họ chuyển lên thi ở hạng cân cao hơn.
32.2.2. Số báo danh quy định thứ tự vào cân đo, cân nặn và thứ tự lên sàn thi trong suốt thời gian cuộc thi.
32.3. Cân trọng lượng:
32.3.1. Việc cân đo của mỗi hạng cân được tiến hành trước thời điểm thi hai (2) giờ và kéo dài trong một (1) giờ.
32.3.2. Việc cân đo chính thức được tiến hành trong phòng được trang bị:
- Một bàn cân chính thức của cuộc thi.
- Các biểu mẫu cần thiết dùng cho thi đấu, bút...
- Một bàn và ghế cho Ban thư ký.
32.3.3. Mỗi vận động viên ở một hạng cân phải được cân trước sự chứng kiến của ít nhất hai (2) trọng tài được chỉ định và Thư ký cuộc thi. Một huấn luyện viên của đội được phép có mặt. Trong khi cân, chỉ có những người sau đây mới được vào phòng cân: Chủ tịch và Tổng thư ký của IWF, Trưởng Tiểu ban y tế và Tiểu ban kỹ thuật, Giám sát kỹ thuật.
32.3.4. Các trọng tài kiểm tra trọng lượng đã được thư ký ghi vào biên bản.
32.3.5. Chỉ công bố kết quả cân đo sau khi đã cân xong tất cả số người dự thi.
32.3.6. Từng người một được gọi vào phòng cân theo số báo danh. Khi đến lượt, vận động viên nào vắng mặt sẽ được gọi lại cuối cùng.
32.3.7. Vận động viên phải xuất trình hộ chiếu hoặc chứng minh thư cho Thư ký giải.
32.3.8. Vận động viên có thể không mặc quần áo hoặc quần áo lót khi cân, với sự hiện diện của trọng tài cùng giới tính. Trường hợp Thư ký là người khác giới thì phòng cân sẽ được che chắn phù hợp.
32.3.9. Vận động viên có trọng lượng trong phạm vi giới hạn một hạng cân chỉ cân đo một lần. Chỉ có vận động viên nào nhẹ hoặc nặng hơn giới hạn một hạng cân mới được cân lại nhiều lần và không cần xếp hàng theo thứ tự.
32.3.10. Nếu một vận động viên đã đăng ký hạng cân chính thức mà không đạt trọng lượng ở hạng cân đó thì bị loại khỏi giải đấu.
32.3.11. Trong khi cân, huấn luyện viên phải ghi và ký xác nhận trọng lượng tạ ở lần thực hiện đầu tiên (cử giật và cử đẩy) vào thẻ vận động viên.
32.3.12. Trước khi cân, một HLV của liên đoàn quốc gia hoặc đội phải nộp cho Thư ký giải tên những người đi kèm vận động viên trong thời gian thi đấu. Số người đi kèm của một vận động viên không vượt quá ba (3) người. Số người đi kèm hai (2) vận động viên không vượt quá bốn (4) người. Thư ký giải cấp giấy phép cho những người đi kèm. Chỉ những lãnh đội được cấp giấy phép mới được quyền ra vào khu vực khởi động. Đối với các nhóm thi, giấy ra vào được cấp cho tất cả các hạng cân.
32.4. Giới thiệu:
32.4.1. Mười lăm (15) phút trước khi bắt đầu thi đấu của mỗi hạng cân hoặc của mỗi nhóm đều tiến hành thủ tục giới thiệu theo trình tự sau:
a. Giới thiệu vận động viên của nhóm hoặc hạng cân theo số báo danh. Sau khi giới thiệu, các vận động viên cùng rời khỏi sàn thi.
b. Sau đó giới thiệu các nhân vật điều hành cuộc thi:
- Các Trọng tài.
- Giám sát kỹ thuật.
- Bác sỹ trực.
- Thành viên Ban giám khảo.
- Thư ký giải.
Ghi chú: Khi được giới thiệu, những người trên cùng tiến vào rút ra theo tiếng nhạc hành khúc. Thành viên Ban giám khảo và Thư ký giải được giới thiệu ngay tại vị trí dành cho họ trong khoảng thời gian trống trước khi bắt đầu thi đấu.
32.5. Tiến trình thi đấu:
32.5.1. Ban tổ chức phải chỉ định đủ số lượng trọng tài và quan chức làm nhiệm vụ đặt dưới quyền giám sát của Thư ký giải, thứ tự và tiến trình thực hiện các lần thi do vận động viên lựa chọn. Vận động viên phải sử dụng thẻ vận động viên để đăng ký trọng lượng của ba lần thi đối với hai động tác. Những quan chức này goi là người điều hành. Tại giải vô địch thế giới và Thế vận hội, Trưởng ban điều hành phải là trọng tài quốc tế cấp 1 nói được tiếng Anh. Nhiệm vụ của Trưởng ban điều hành là liên lạc với bàn thư ký giải qua một hệ thống thông tin nội bộ về những lần thi đã đăng ký.
32.5.2. Người điều hành thi đấu yêu cầu mỗi vận động viên hoặc huấn luyện viên của họ viết vào thẻ đăng ký trọng lượng tạ của mỗi lần dự thi. Thẻ được chuyển ngay lập tức tới bàn phát thanh để công bố. Sau mỗi lần thi, người điều hành yêu cầu vận động viên hoặc huấn luyện viên trọng lượng đăng ký cho lần thực hiện sau.
Khi phương tiện kỹ thuật cho phép, công việc điều hành có thể tiến hành thông qua một hệ thống thông tin nội bộ (một telephone trong phòng khởi động và một trên bàn thư ký) hoặc thông qua video camera và hai màn hình (một trong khu vực khởi động và một trước bàn thư ký).
32.5.3. Trong cuộc thi phải có ít nhất một phát thanh viên. Nhiệm vụ của họ là công bố trên loa truyền thanh, gọi tên vận động viên lên sàn, thông báo tên nước của vận động viên dự thi, số lần thực hiện và trọng lượng tạ trên sàn. Phát thanh viên cũng phải thông báo trước tên vận động viên thi tiếp theo. Có thể có một trợ lý phát thanh viên làm chức năng tiếp nhận thay đổi trọng lượng từ người điều hành và thông báo tới phát thanh viên.
32.5.4. Tạ được lắp theo hướng tăng dần, vận động viên phải cử mức tạ thấp nhất trước. Khi một vận động viên đã thực hiện lần thi với trọng lượng đã công bố thì không được phép giảm bớt trọng lượng tạ trên sàn thi ở những lần thi tiếp theo (ngoại trừ Điều 33.1.9). Vì vậy, vận động viên hoặc huấn luyện viên phải theo dõi quá trình tăng trọng lượng tạ trên sàn thi và sẵn sàng thực hiện lần thi với trọng lượng đã đăng ký.
32.5.5. Trọng lượng tạ luôn luôn là bội số của 2,5kg. Chỉ ngoại trừ đối với lần thực hiện phá kỷ lục thì trọng lượng tạ có thể là bội số của 500gram.
32.5.6. Sau mỗi lần thi thành công trọng lượng tạ tối thiểu tăng thêm là 2,5kg.
32.5.7. Trọng lượn tạ tối thiểu cho cuộc thi dành cho nam là 27,5kg, tức là đòn tạ (20kg), 2 khoá tạ và 2 đĩa tạ 1,25. Trọng lượng tối thiểu với vận động viên nữ là 22,5kg, tức là đòn tạ (15kg) cộng 2 khoá tạ và 2 đĩa 1,25kg.
32.5.8. Vận động viên được một phút (60 giây) để chuẩn bị kể từ khi được gọi tên vào thi tới khi bắt đầu lần thực hiện. Sau ba mươi giây, vận động viên sẽ nghe thấy tín hiệu báo trước. Nếu hết một phút mà vận động viên không nâng tạ khỏi sàn thi thì ba trọng tài sẽ bãi bỏ lần thi đó bằng tín hiệu "thất bại". Trong trường hợp thực hiện 2 lần thi liên tiếp thì vận động viên được hai phút (120 giây) để chuẩn bị cho lần thi thứ hai. Ba mươi giây trước khi hết giờ chuẩn bị sẽ nghe tín hiệu báo trước. Nếu như hết hai phút mà vận động viên không nâng tạ lên khỏi sàn thì ba trọng tài sẽ bãi bỏ lần thi đó bằng tín hiệu "thất bại". Thời gian được tính bắt đầu từ khi phát thanh viên thông báo kết quả của lần trước hoặc sau khi hạ tạ xuống sàn, nếu việc nào kết thúc sau cùng.
32.5.9. Nếu một vận động viên muốn tăng hoặc giảm trọng lượng tạ đã đăng ký thì vận động viên đó phải báo trước cho người điều hành biết trước lần gọi tên cuối cùng.
32.5.10. Trước lần thực hiện đầu tiên hoặc giữa hai lần thực hiện, chỉ được phép thay đổi trọng lượng tạ 2 lần ngoại trừ tăng trọng lượng tự động là 2,5kg. Môic khi cần thay đổi trọng lượng tạ, vận động viên hoặc huấn luyện viên phải ghi và ký vào thẻ vận động viên. Sau lần gọi cuối cùng, không được thay đổi trọng lượng tạ.
32.5.11. Lần gọi cuối cùng là tín hiệu báo trước ba mươi (30) giây trước khi hết giờ chuẩn bị.
32.5.12. Khi một vận động viên đề nghị thay đổi trọng lượng tạ với mức cao hơn trọng lượng đã đăng ký thì đồng hồ bấm giây ngừng làm việc trong thời gian thay tạ. Thay tạ xong, đồng hồ tiếp tục làm việc tới hết thời gian quy định. Nếu vận động viên yêu cầu thay đổi trọng lượng tạ theo vận động viên khác thì chỉ được hưởng thời gian chuẩn bị (60 giây) ở lần thi tiếp theo.
32.5.13. Vận động viên hoặc huấn luyện viên không được thay đổi quyết định sau khi đã xin bỏ một lần thực hiện hoặc rút khỏi cuộc thi khi đã có công bố chính thức.
32.5.14. Trong thi đấu quốc tế giữa hai vận động viên hoặc hai đội ở hai hạng cân khác nhau, các vận động viên có thể thi luân phiên nhau. Vận động viên nào có trọng lượng cơ thể nhẹ hơn thì thi trước và trật tự đó được duy trì trong suốt cuộc thi đấu cá nhân đó.
32.5.15. Trọng lượng đã thông báo trên loa truyền thanh phải lập tức được hiển thị trên bảng thông tin về lần thi.
32.5.16. Trong khi cuộc thi đang diễn ra trên sàn hoặc trên bục, không một ai được phép có mặt trong khu vực thi đấu trừ những người sau đây: thành viên Ban giám khảo, trọng tài chính, phát thanh viên, giám sát kỹ thuật, các lãnh đội (mỗi đội một người) và các vận động viên thi đấu ở hạng cân hoặc tốp thi đó.
32.6. Thứ tự gọi lên sàn:
32.6.1. Có bốn (4) yếu tố cần quan tâm khi gọi vận động viên lên sàn:
- Trọng lượng tạ trên sàn thi.
- Số lần thi (thứ nhất, thứ hai và thứ ba).
- Số bốc thăm.
- Mức tăng trọng lượng, tức là sự khác biệt tính bằng kilogram giữa lần thi trước với lần thi hiện tại.
32.6.2. Căn cứ vào các yếu tố kể trên, trật tự gọi lên sàn thi như sau:
a. Vận động viên đăng ký tạ nhẹ hơn được thi trước.
b. Vận động viên có số lần thi thấp hơn được gọi lên sàn thi đấu trước vận động viên có số lần thi nhiều hơn, tức là người có lần thi thứ nhất vào thi trước người có lần thi thứ hai hoặc thứ ba, người có lần thi thứ hai vào thi trước người có lần thi thứ ba.
c. Khi có hai hay nhiều vận động viên cùng đăng ký thi một trọng lượng tạ và số lần thi của họ như nhau thì người nào có số bốc thăm thấp hơn sẽ được gọi vào thi trước.
Trường hợp ngoại lệ:
Nếu vận động viên có số lần nâng nhiều hơn đã thi trước vận động viên có số lần thi thấp hơn (mức tăng trọng lượng tạ giữa hai lần thi của vận động viên đó lớn hơn mức tăng của vận động viên kia.
d. Thứ tự gọi tên áp dụng cho cả hai động tác cử giật và cử đẩy.
Ví dụ:
| Cử giật | Cử đẩy | ||||
Vận động viên A | 102,5 | 107,5 | 110 | 135 | 140 | 142.5 |
Vận động viên B | 100 | 105 | 110 | 135 |
| 145 |
Vận động viên C | 102,5 | 107,5 | 110 | 135 | 142.5 | 145 |
Thứ tự gọi vào thi như sau:
Cử giật: B-A-C, B-A-C, B-A-C
Cử đẩy: A-B-C, A-C-A, B-C-B.
32.7. Công bố người thắng cuộc:
32.7.1. Khi đã hoàn tất cả hai động tác cử giật và cử đẩy. Ban tổ chức sẽ công bố tên vận động viên ở ba (3) vị trí đầu (cử giật, cử đẩy và tổng).
32.7.2. Sau khi cử giật, cuộc thi tạm dừng mười (10) phút để vận động viên khởi động cho thi cử đẩy.
32.8. Xếp hạng thành tích cho cá nhân và đồng đội:
32.8.1. Danh hiệu vô địch được phong tặng cho cá nhân ở mỗi động tác thi riêng biệt: cử giật, cử đẩy cũng như tổng Olympic (kết hợp thành tích tốt nhất của cử giật và cử đẩy). Vận động viên đạt thành tích nhất, nhì, ba trong mỗi động tác và tổng Olympic sẽ được tặng huy chương vàng, bạc và đồng theo luật IWF.
32.8.2. Xếp hạng chung cuộc cho vận động viên dựa trên cơ sở tổng các thành tích cao nhất của hai động tác cử giật và cử đẩy được các trọng tài công nhận.
Nếu vận động viên lập được kỷ lục nhưng nó không phải là bội số của 2, 5kg thì trọng lượng thấp hơn gần nhất là bội số của 2,5kg sẽ được tính vào tổng Olympic của vận động viên đó xem luật về phần kỷ lục thế giới có liên quan ở Điều 33).
32.8.3. Trong các cuộc thi vô địch thế giới, vô địch châu lục và khu vực, khi các nước tham dự nhất trí thì việc xếp hạng đồng đội được tính bằng cách cộng điểm mỗi vận động viên trong đội theo thang điểm sau:
- Vị trí thứ nhất: 28 điểm
- Vị trí thứ hai: 25 điểm
- Vị trí thứ ba: 23 điểm
- Vị trí thứ tư: 22 điểm
- Vị trí thứ năm; 21điểm
- Vị trí thứ sáu: 20 điểm
- Vị trí thứ bảy: 19 điểm
- Vị trí thứ tám: 18 điểm
- Vị trí thứ chín: 17 điểm
- Vị trí thứ mười: 16 điểm
- Vị trí thứ mười một: 15 điểm
- Vị trí thứ mười hai: 14 điểm
- Vị trí thứ mười ba: 13 điểm
- Vị trí thứ mười bốn: 12 điểm
- Vị trí thứ mười lăm: 11 điểm
- Vị trí thứ mười sáu: 10 điểm
- Vị trí thứ mười bảy: 9 điểm
- Vị trí thứ mười tám: 8 điểm
- Vị trí thứ mười chín: 7 điểm
- Vị trí thứ hai mươi: 6 điểm
- Vị trí thứ hai mốt: 5 điểm
- Vị trí thứ hai hai: 4 điểm
- Vị trí thứ hai ba: 3 điểm
- Vị trí thứ hai tư: 2 điểm
- Vị trí thứ hai lăm: 1 điểm
32.8.4. Tại giải vô địch thế giới, điểm đồng đội cho thành tích cao nhất (cử giật và cử đẩy) cũng như tổng điểm tính cho mỗi đội là xếp hạng cuối cùng.
32.8.5. Trong trường hợp bằng điểm, vận động viên có trọng lượng nhẹ hơn xếp trên vận động viên có trọng lượng nặng hơn.
32.8.6. Trường hợp hai hay nhiều vận động viên thuộc cùng một hạng cân đạt thành tích bằng nhau thì vận động viên nào đạt thành tích đó trước sẽ được xếp hạng cao hơn.
32.8.7. Trong trường hợp các đội có số điểm bằng nhau thì đội nào có số vận động viên xếp thứ nhất nhiều hơn sẽ được xếp cao hơn. Khi hai đội có số vận động viên xếp thứ nhất bằng nhau thì đội nào có số vận động viên xếp thứ hai nhiều hơn sẽ được xếp hạng cao hơn, và vẫn bằng nhau thì so sánh ở hạng 3...
32.8.8. Nếu vận động viên thi cử giật thất bại cả ba lần thì vẫn không bị loại và được tiếp tục thi cử đẩy. Nếu cử đẩy thành công thì vẫn được tính điểm cho đồng đội theo vị trí giành được trong cử đẩy nhưng không được tính tổng điểm.
32.8.9. Tương tự như vậy đối với trường hợp thất bại cả ba lần thi cử đẩy.
Điều 33. Các nhân vật trong cuộc thi
33.1. Ban giám khảo:
33.1.1. Chức năng của Ban giám khảo là đảm bảo việc áp dụng và tuân thủ Luật kỹ thuật.
33.1.2. Tất cả các thành viên của Ban giám khảo phải có bằng trọng tài cấp 1.
33.1.3. Tất cả thành viên của Ban giám khảo phải có quốc tịch khác nhau.
33.1.4. Trước TVH Olympic và giải vô địch thế giới phải thành lập hai Ban giám khảo (Ban giám khảo 1 và Ban giám khảo 2).
33.1.5. Đối với cuộc thi vô địch thế giới và TVH Olympic, mỗi Ban giám khảo gồm năm (5) thành viên, trong đó có một người làm Chủ tịch. Cũng có thể chỉ định thêm thành viên dự bị.
33.1.6. Trong quá trình thi đấu và sau khi bắt đầu khởi động đầu tiên, Ban giám khảo có thể bỏ phiếu nhất trí việc bãi miễn một trọng tài nếu nhận thấy quyết định của trọng tài không chính xác, chứng tỏ không đủ năng lực thực thi nhiệm vụ. Trọng tài phải thể hiện sự công minh, tuy nhiên cũng có thể mắc lỗi một cách vô tình. Trong trường hợp này, trọng tài được phép giải thích về quyết định của mình.
33.1.7. Sau khi quan sát công việc của trọng tài trong suốt giải, Ban giám khảo ghi lại nhận xét vào văn bản. Cuối buổi thi đấu, giám sát kỹ thuật thu các văn bản đó để tổng hợp ý kiến chung rồi gửi cho Uỷ ban kỹ thuật và Tổng thư ký IWF.
33.1.8. Nếu thấy quyết định của trọng tài sai về kỹ thuật thì Ban giám khảo được quyền phủ quyết kết quả của trọng tài sau khi đã bỏ phiếu tán đồng.
33.1.9. Ban giám khảo có trách nhiệm xử lý các trường hợp lắp tạ sai hoặc thông báo không chính xác của phát thanh viên.
Ví dụ 1: Khi tạ được lắp nhẹ hơn mức đăng ký thì vận động viên có thể hoặc chấp nhận lần thi đó nếu thành công và miễn là tạ đã lắp có trọng lượng là bội số của 2,5kg hoặc không chấp nhận lần thi. Nếu vận động viên từ chối lần thi thì được Ban giám khảo cho thi bù một lần với trọng lượng đã đăng ký.
Ví dụ 2: Khi tạ được lắp với trọng lượng không phải là bội số của 2,5kg và lần thi thành công thì vận động viên có thể chấp nhận lận thi đó với thành tích thấp hơn gần nhất là bội số của 2,5kg.
Ví dụ 3: Khi tạ được lắp với trọng lượng nặng hơn trọng lượng đăng ký và lần thi thành công thì vận động viên có thể chấp nhận kết quả đó, miễn là trọng lượng tạ là bội số của 2,5kg. Vận động viên cũng có thể từ chối lần thi thậm chí cả khi thực hiện thành công và được thi bù một lần nữa với trọng lượng đã đăng ký. Nếu lần thi thất bại hoặc trọng lượng tạ không là bội số của 2,5kg thì vận động viên đương nhiên được thêm một lần thi với trọng lượng đã đăng ký.
Ví dụ 4: Nếu lần thi thất bại vì lý do tạ lắp không đều hai bên hoặc đĩa tạ bị tuột khỏi đòn, hoặc sàn thi bị trục trặc thì Ban giám khảo có thể cho vận động viên thêm một lần thi bù nếu có đề nghị của vận động viên hoặc huấn luyện viên.
Ví dụ 5: Khi phát thanh viên thông báo sai trọng lượng tạ đã đăng ký thì Ban giám khảo phải ra quyết định tương tự như lỗi lắp tạ.
Ví dụ 6: Trong một số cuộc thi, vận động viên không buộc phải có mặt gần sàn thi nên không có điều kiện theo dõi tiến trình thi đấu của người khác và phát thanh viên bỏ sót không gọi vận động viên đến lượt vào thi thì phải giảm trọng lượng tạ.
33.1.10. Bàn của Ban giám khảo phải được đặt ở vị trí có thể quan sát rõ ràng cuộc thi. Thành viên dự bị không được ngồi cùng bàn với Ban giám khảo. Họ chỉ được ngồi vào bàn giám khảo khi được chỉ định thay thế một trong năm thành viên chính thức của Ban.
33.1.11. Các thành viên của Ban giám khảo phải có mặt tại vị trí làm việc của mình trong lễ trao tặng huy chương. Ban giám khảo phải nhắc nhở các trọng tài không được vắng mặt trong buổi lễ đó.
33.1.12. Cùng với thư ký cuộc thi, Chủ tịch Ban giám khảo kiểm tra lại và ký vào biên bản chính thức khi cuộc thi kết thúc.
33.1.13. Một telephone tự động được kết nối trực tiếp đồng thời giữa Chủ tịch Ban giám khảo và phát thanh viên.
33.2. Thư ký cuộc thi:
33.2.1. Tất cả các cuộc thi cử tạ đều phải chỉ định một Thư ký cuộc thi. Thư ký cuộc thi điều hành toàn bộ cuộc thi và có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Ban giám khảo và giám sát kỹ thuật.
33.2.2. Trong các giải vô địch thế giới và TVH Olympic, thư ký cuộc thi phải là Tổng thư ký IWF hoặc Phó tổng thư ký IWF hoặc là người do họ chỉ định. Người được chỉ định phải có bằng trọng tài quốc tế cấp 1.
Trách nhiệm của thư ký như sau:
33.2.3. Kiểm tra danh sách vận động viên và phân bổ họ vào các tốp thi, nếu thấy cần thiết, căn cứ vào giấy chứng nhận thành tích của vận động viên.
33.2.4. Giám sát việc bốc thăm tại Hội nghị kỹ thuật.
33.2.5. Ghi biên bản kết quả cân đo trọng lượng vận động viên.
33.2.6. Cấp giấy phép ra vào cho vận động viên và lãnh đội đi kèm vào khu vực khởi động.
33.2.7. Giám sát thứ tự thi đấu trong cuộc thi.
33.2.8. Giám sát việc ghi biên bản lập kỷ lục thế giới và kỷ lục Olympic trong cuộc thi.
33.2.9. Cùng với Chủ tịch Ban giám khảo kiểm tra và ký vào biên bản đó được giữ và chuyển cho Văn phòng thư ký IWF.
33.3.Giám sát kỹ thuật:
33.3.1. Các giám sát kỹ thuật được cử ra để giúp Thư ký cuộc thi trong việc giám sát điều hành cuộc thi. Họ quan hệ chặt chẽ với các trọng tài làm nhiệm vụ.
33.3.2. Trong các giải vô địch thế giới và TVH Olympic, giám sát kỹ thuật phải là những người có trình độ trọng tài quốc tế cấp 1.
33.3.3. Đối với các giải vô địch thế giới, các giám sát kỹ thuật được Tiểu ban kỹ thuật chỉ định. Đối với TVH Olympic, Ban thường vụ chỉ định hai giám sát cho mỗi một hạng cân. Đối với các cuộc thi đấu quốc tế khác, giám sát viên kỹ thuật đại diện IWF chỉ định.
Trách nhiệm của các giám sát kỹ thuật như sau:
33.3.4. Có mặt ở phòng cân và giúp đỡ Thư ký cuộc thi trong việc kiểm tra và nhận dạng vận động viên, tên đăng kỹ, trọng lượng cơ thể v.v.
33.3.5. Kiểm tra sàn thi, tạ, bàn cân, hệ thống đèn điện tử của trọng tài, đồng hồ bấm giờ, phòng khởi động và các phương tiện kỹ thuật khác phục vụ thi đấu.
33.3.6. Kiểm tra trang phục trọng tài.
33.3.7. Trước khi thi đấu, đặt thẻ trọng tài quốc tế của mình lên bàn trước mặt Chủ tịch Ban giám khảo và lấy lại sau khi kết thúc thi đấu.
33.3.8. Trước khi thi đấu, kiểm tra kỹ lưỡng trang phục vận động viên. Khi cần thiết, vận động viên phải sửa đổi trang phục theo luật định. Khi trang phục vận động viên đã phù hợp hoặc chất bôi trơn đã được lau sạch và vận động viên được gọi lên sàn, áp dụng Điều 29.3.6.
33.3.9. Trong thời gian tiến hành thi đấu, kiểm tra số lượng người được phép đi kèm vận động viên trong khu vực thi và khởi động.
33.3.10. Đảm bảo khi vận động viên đã bước lên sàn, không một ai kể cả giám sát viên kỹ thuật ở trên sàn (điều này phục vụ cho việc quay phim và thuận tiện cho khán giả quan sát)
33.3.11. Kiểm tra vệ sinh tạ và sàn tạ.
33.3.12. Hỗ trợ Ban chống doping nếu được yêu cầu.
33.3.13. Khi kết thúc thi đấu, thu nhận bản nhận xét trọng tài từ Chủ tịch Ban giám khảo và chuyển cho văn phòng IWF.
33.4. Trọng tài:
33.4.1. Trong các cuộc thi đấu, trọng tài phải tập trung vào công việc chính là phân xử thành tích thi của vận động viên. Tất cả các trọng tài quốc tế phải có bằng còn giá trị được IWF cấp.
33.4.2. Trọng tài quốc tế được phân thành 2 cấp:
a. Cấp 2: là những trọng tài có thể làm nhiệm vụ tại các cuộc thi vô địch quốc gia, giải quốc tế, vô địch châu lục và giải khu vực.
b. Cấp 1: là những trọng tài có thể làm nhiệm vụ tại các cuộc thi kể trên cũng như TVH Olympic và vô địch thế giới. Họ có thể tham gia Ban giám khảo quốc tế.
33.4.3. Bằng trọng tài: IWF cấp bằng trọng tài có giá trị trong một kỳ thế vận hội Olympic cho những người được liên đoàn quốc gia đề nghị. Những trọng tài không có bằng thì không được điều khiển tại các cuộc thi ngoài lãnh thổ của mình.
33.4.4. Giá trị của bằng trọng tài thể hiện ở con tem ở trang cuối của thẻ trọng tài.
33.4.5. Liên đoàn Cử tạ quốc tế chỉ quản lý các trọng tài đã được cấp bằng.
33.4.6. Lệ phí cấp bằng trọng tài quốc tế trong thời gian một kỳ Olympic là 60 (sáu mươi) Đô la Mỹ đối với cấp 1 và 30 (ba mươi) Đô la Mỹ đối với cấp 2.
33.4.7. Khi liên đoàn quốc gia đề nghị cấp bằng trọng tài lần đầu cho người chưa có bằng trọng tài cấp 2 thì phải thêm 30 (ba mươi) Đô la Mỹ tiền thẻ.
33.4.8. Phải gửi tiền lệ phí kèm theo giấy đề nghị.
33.4.9. Tiền mua thẻ mới phải trả cùng lệ phí cấp bằng.
33.4.10. Ngày đăng ký của trọng tài cấp 2 mới là ngày thi của họ.
33.4.11. Trên mỗi thẻ trọng tài có chỗ dành để ghi tất cả cuộc thi quốc tế mà trọng tài đó tham gia. Việc ghi chép này có thể do Chủ tịch IWF hoặc Tổng thư ký hoặc Chủ tịch Ban giám khảo, Thư ký cuộc thi hoặc Thư ký liên đoàn cử tạ quốc gia thực hiện.
33.4.12. Tổng thư ký IWF và Tiểu ban kỹ thuật lập danh sách trọng tài để tham khảo khi lựa chọn cho các cuộc thi sắp tới. Danh sách này gồm những người có năng lực nhất làm việc tại các cuộc thi quốc tế quan trọng (Vô địch thế giới, thế vận hội v.v.).
Trọng tài trong cuộc thi:
33.4.13. Trong các cuộc thi theo luật IWF, ba (3) trọng tài chính thức (một trọng tài giữa và hai trọng tài bên, và một trọng tài dự bị được chỉ định để tổ chức thi cho mỗi hạng cân hoặc mỗi tốp thi.
33.4.14. Trước khi thi đấu, các trọng tài phải dưới sự hướng dẫn của giám sát kỹ thuật:
- Kiểm tra trang thiết bị cần thiết đã sẵn sàng hoạt động tốt chưa (xem Điều 33.3.5).
- Kiểm tra vận động viên co vào cân đo trọng lượng trong giới hạn thời gian quy định hay không.
33.4.15. Trước thi đấu, trọng tài phải đặt thẻ trọng tài quốc tế của mình lên bàn Ban giám khảo phía trước Chủ tịch.
33.4.16. Trọng tài tại giải vô địch thế giới và tất cả các cuộc thi quốc tế khác phải mặc trang phục theo luật IWF, nếu không họ sẽ không được làm nhiệm vụ.
33.4.17. Tại giải vô địch thế giới, các cán bộ phải mặc đồng phục: áo vét tông xanh thẫm, sơ mi trắng, caravat IWF (khăn quàng đối với nữ), quần màu xám (váy hoặc quần xám cho nữ), tất sẫm màu, giày đen và đeo phù hiệu IWF trên túi ngực của áo vét tông. Chỉ được đeo phù hiệu IWF vì họ là những đại diện của liên đoàn quốc tê. Trong những ngày nóng lực, nếu được phép của chủ tịch Ban giám khảo có thể không phải mặc áo khoác. Tại Thế vận hội và các đại hội thể thao chỉ mặc đồng phục của Ban tổ chức cấp.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.