THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2088/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN VẬN CHUYỂN VÀ KINH DOANH GIA CẦM, SẢN PHẨM GIA CẦM NHẬP KHẨU TRÁI PHÉP
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật an toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép với các nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát:
Đến hết năm 2013, cơ bản chấm dứt tình trạng vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép từ các tỉnh biên giới vào nội địa để tiêu thụ; trọng tâm và trước hết là các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội; rút kinh nghiệm để có giải pháp lâu dài phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, lưu thông gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) 100% các Đồn biên phòng có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, không cho gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép qua biên giới trên địa bàn được phân công quản lý; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
b) 100% cấp ủy, chính quyền địa phương xã, huyện biên giới có cam kết chịu trách nhiệm không cho gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép vào địa bàn quản lý.
c) Các phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm từ biên giới vào nội địa phải được kiểm tra; các hành vi vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm phải được xử lý triệt để theo quy định của pháp luật.
d) Chấm dứt tình trạng kinh doanh gia cầm và gia cầm giống, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép lại các chợ, đặc biệt là chợ đầu mối Hà Vỹ, Thường Tín và khu vực Đại Xuyên, Phú Xuyên, Hà Nội trước tháng 3 năm 2013.
đ) 100% Ban quản lý các chợ tại các tỉnh nêu trên phải cam kết và chịu trách nhiệm không để xảy ra tình trạng kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép trong chợ.
II. GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN GIA CẦM NHẬP KHẨU TRÁI PHÉP
1. Về công tác hướng dẫn, tuyên truyền:
a) Các Bộ: Công Thương, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính, Tư pháp, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên cần nhận thức đầy đủ và rõ hơn tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập khẩu trái phép, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần tập trung giải quyết của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; người đứng đầu các cấp, các lực lượng chức năng phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tình trạng vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập khẩu trái phép trên lĩnh vực và địa bàn được phân công quản lý.
b) Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh, sử dụng gia cầm nhập khẩu trái phép; nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khoẻ, không vì lợi ích cá nhân, trước mắt mà gây hại sức khoẻ cho người tiêu dùng và thiệt hại cho hàng triệu hộ nông dân chăn nuôi gia cầm trong cả nước; đưa tin kịp thời về tình hình ngăn chặn vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không được phép nhập khẩu qua biên giới; biểu dương các địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt và phê bình, kiểm điểm nghiêm khắc những nơi buông lỏng, lơ là để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật, gây nguy cơ dịch bệnh trên gia cầm trong nước và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng và các cơ quan có liên quan bố trí thời lượng và thời gian thích hợp để tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác phòng, chống gia cầm nhập khẩu trái phép; kịp thời biểu dương các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích cũng như phê phán những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
- Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn tuyên truyền, cảnh báo trên các hệ thống thông tin của địa phương những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề gia cầm nhập khẩu trái phép; kể cả nêu tên tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm về kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.
c) Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127/TW chủ trì, phối hợp với Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, thường trực Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới cùng các cơ quan liên quan tổ chức in ấn các tài liệu liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định của pháp luật về xử lý các hành vi vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập khẩu trái phép để cấp phát cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận chuyển gia cầm và người tiêu dùng.
2. Kiểm tra, kiểm soát
Tiến hành kiểm tra, kiểm soát đồng bộ, kịp thời và xử lý triệt để các hành vi vi phạm trên tất cả các tuyến, địa bàn từ biên giới vào nội địa; chú trọng tập trung ngăn chặn quyết liệt, thường xuyên, có hiệu quả ngay từ biên giới và trong suốt quá trình vận chuyển, tiêu thụ:
a) Ở Trung ương:
- Tổng cục Hải quan chỉ đạo hoặc trực tiếp tổ chức kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới trong phạm vị địa bàn quản lý của Hải quan.
- Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng chỉ đạo hoặc trực tiếp tổ chức kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phạm vi địa bàn quản lý.
- Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm chỉ đạo hoặc trực tiếp điều tra nắm tình hình các đối tượng đầu nậu, các đường dây chuyên buôn bán, nhập lậu gia cầm qua biên giới; khi thấy cần thiết trực tiếp tổ chức lực lượng phối hợp kiểm tra, xử lý.
- Cục Quản lý thị trường chỉ đạo hoặc trực tiếp kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép; xây dựng và duy trì đường dây nóng tiếp nhận thông tin kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của các lực lượng, các địa phương.
- Cục Thú y chỉ đạo hoặc trực tiếp kiểm tra, kiểm soát chất lượng các loại gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu.
- Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127/TW tổ chức thị sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Đề án này tại các tỉnh, thành phố liên quan; Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm và Thường trực Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ban Chỉ đạo 127/TW kịp thời báo cáo tình hình, kết quả kiểm tra, xử lý và đề xuất những vấn đề phát sinh, vướng mắc để Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm xem xét, quyết định.
b) Ở địa phương:
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố giao các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch điều tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý và tiêu hủy gia cầm nhập khẩu trái phép trên địa bàn; xây dựng các chỉ tiêu cụ thể về tổ chức phòng, chống gia cầm nhập khẩu trái phép đảm bảo có hiệu quả, đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:
- Các đồn Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các đường mòn khu vực biên giới, tập trung kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết ngăn chặn các hành vi vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép qua biên giới; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và thông báo cho chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trên địa bàn.
- Hải quan cửa khẩu tăng cường kiểm tra chặt chẽ hàng hóa qua cửa khẩu; tập trung kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại ở các cửa khẩu.
- Công an tỉnh, thành phố:
+ Tổ chức trinh sát, điều tra, phát hiện các đường dây, ổ nhóm, đối tượng chuyên vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép trên địa bàn; phát hiện, dừng các phương tiện tham gia vận chuyển gia cầm nhập khẩu trái phép, kịp thời thông báo cho các lực lượng chức năng để phối hợp kiểm tra, xử lý.
+ Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm việc buôn bán, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch khống, giấy chứng nhận kiểm dịch giả; tham gia các Đội kiểm soát cơ động liên ngành.
+ Phối hợp, hỗ trợ các lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức kiểm tra, xử lý khi có yêu cầu.
- Chi cục Quản lý thị trường:
+ Xây dựng chương trình, kế hoạch, kinh phí kiểm tra, kiểm soát, xử lý việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép vào Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền của địa phương xem xét, quyết định.
+ Đầu mối tiếp nhận thông tin về tình hình vận chuyển, kinh doanh, kiểm tra, xử lý gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép (đối tượng, phương tiện vận chuyển, phương thức thủ đoạn, tuyến và địa bàn, số vụ phát hiện, kiểm tra, xử lý); thông báo kịp thời cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127/TW, các địa phương, lực lượng chức năng có liên quan về những phương tiện, tổ chức, cá nhân vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập khẩu trái phép do địa phương chưa kịp bắt giữ và các vụ việc đã phát hiện, xử lý. Công bố việc xử lý các đối tượng và phương tiện vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo về nơi cư trú.
+ Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển kinh doanh gia cầm nhập khẩu trái phép vào Việt Nam trên các tuyến vận chuyển, các địa bàn và tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, các kho chứa gia cầm đã sơ chế và các nhà hàng ăn uống trên địa bàn được phân công.
- Cơ quan Thú y tăng cường kiểm tra tại các chợ đầu mối, thường xuyên cử cán bộ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức trực tại các chốt kiểm dịch 24/24 giờ. Phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng Giấy chứng nhận kiểm dịch khống, Giấy chứng nhận kiểm dịch giả, Thực hiện nghiêm việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch gia cầm, sản phẩm gia cầm theo quy định của pháp luật về Thú y; phân công cán bộ kiểm dịch làm việc cả ngày nghỉ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm của các tổ chức, cá nhân để thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong nước; chỉ thực hiện kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm rõ nguồn gốc. Xử lý nghiêm các trường hợp cấp giấy chứng nhận kiểm dịch không đúng quy định.
c) Việc xử lý vi phạm hành chính về vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, không có giấy chứng nhận kiểm dịch thú ý theo quy định của pháp luật hiện hành (Phụ lục I, II, III).
3. Thành lập Đội kiểm soát cơ động liên ngành:
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quyết định việc thành lập Đội kiểm soát cơ động liên ngành do đại diện cơ quan Quản lý thị trường hoặc Công an làm Đội trưởng; các lực lượng khác cử đại diện có thẩm quyền để xử lý các trường hợp vi phạm ngay tại hiện trường.
4. Cơ chế phối hợp
- Thường trực Ban Chỉ đạo 127/TW (Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) là đầu mối tiếp nhận các thông tin từ các tỉnh, thành phố, các lực lượng chức năng và có trách nhiệm chuyển thông tin đến các cơ quan có trách nhiệm để kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ định đầu mối tiếp nhận, xử lý, cung cấp thông tin và chủ trì tổ chức sự phối hợp giữa các lực lượng trên địa bàn.
5. Về phát triển chăn nuôi, tiêu thụ gia cầm:
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:
- Tổ chức đánh giá tình hình chăn nuôi của địa phương, đưa ra các biện pháp đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm hiệu quả nhằm đảm bảo đủ nguồn cung phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để xảy ra tăng giá đột biến, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết.
- Đánh giá thực trạng cung cấp và tiêu thụ gia cầm trên địa bàn quản lý; tổ chức liên kết, hợp tác với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các đô thị lớn, các trung tâm thương mại... để cung cấp gia cầm có chất lượng tốt, giá cả hợp lý.
6. Về hợp tác quốc tế:
Cơ quan ngoại giao và Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới có kế hoạch làm việc chính thức với các cơ quan chức năng của Trung Quốc và các tỉnh có chung đường biên giới về việc kiểm soát, không để gia cầm mang nguồn gốc lây bệnh nhập khẩu trái phép, ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, thực hiện đúng các quy định của Việt Nam và quốc tế về nhập khẩu gia cầm.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Nguồn kinh phí để thực hiện Đề án bao gồm:
- Ngân sách nhà nước (bao gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương).
- Huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phân công trách nhiệm
a) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội có trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án bảo đảm đạt được các mục tiêu đề ra.
Vận dụng các chính sách, quy định hiện hành để xây dựng cơ chế, ban hành chương trình hỗ trợ các xã biên giới phát triển kinh tế, người dân biên giới thoát nghèo như đào tạo nghề, việc làm, vay vốn, từ bỏ việc tham gia vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép; có chính sách hỗ trợ để các hộ kinh doanh ở chợ, các hộ vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép chuyển sang kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm của Việt Nam; có cơ chế khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia, phát hiện, bắt giữ và xử lý gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, tạo động lực để thực hiện tốt chủ trương ngăn chặn gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm việc kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép đưa vào tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các cơ sở dịch vụ ăn uống theo phân cấp. Xóa bỏ hoàn toàn các điểm tập kết gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép trên địa bàn quản lý đồng thời ngăn chặn các điểm tập kết phát sinh.
Chỉ đạo Ban quản lý các chợ đầu mối, các chợ dân sinh yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh cam kết chỉ kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng không kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Ban quản lý chợ chịu trách nhiệm trước pháp luật và các cấp có thẩm quyền về việc để xảy ra tình trạng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch được vận chuyển, bày bán trong chợ.
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, thú y cơ sở không xác nhận nguồn gốc gia cầm nhập khẩu trái phép, không rõ nguồn gốc, phối hợp với các đoàn thể tại địa phương nắm tình hình, phát hiện và thông báo cho chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng về tuyến đường vận chuyển, các điểm tập kết, thu gom, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép;
Bố trí ngân sách của địa phương để tổ chức kiểm tra, kiểm soát và tuyên truyền trên địa bàn quản lý.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nghiên cứu, ban hành quy định các tuyến đường, phương tiện được phép vận chuyển gia cầm từ các tỉnh vào nội thành Hà Nội.
b) Bộ Công Thương có trách nhiệm:
- Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nội dung của Đề án.
- Rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến quản lý hoạt động thương mại biên giới không để lợi dụng cơ chế chính sách để vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
c) Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng Công an điều tra, nắm tình hình các đường dây, ổ nhóm, tập trung xử lý các đối tượng cầm đầu, các hành vi vi phạm về vận chuyển, kinh doanh gia cầm trái phép.
d) Bộ Quốc phòng: Chỉ đạo lực lượng biên phòng thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép qua biên giới.
đ) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
- Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng đối với gia cầm nhập khẩu; ban hành các quy định, quy trình và thủ tục nhập khẩu gia cầm không để lợi dụng cơ chế chính sách để vi phạm pháp luật.
- Chỉ đạo, hướng dẫn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kiểm dịch, kiểm tra, giám sát việc cấp phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu.
- Rà soát, đánh giá hoạt động của các chốt, trạm kiểm dịch động vật hiện nay; có giải pháp củng cố hoặc thành lập mới các Chốt kiểm dịch đảm bảo lưu thông hàng hóa và yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước về thú y.
- Lấy mẫu xét nghiệm bệnh, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép; đánh giá tình hình và cảnh báo nguy cơ về dịch bệnh, an toàn thực phẩm đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.
e) Bộ Y tế tham gia các đoàn, công tác Liên ngành kiểm tra gia cầm nhập khẩu trái phép vào Việt Nam và hỗ trợ nghiệp vụ khi có yêu cầu; lấy mẫu xét nghiệm bệnh, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, đánh giá, công bố ảnh hưởng và tác hại đối với sức khoẻ người tiêu dùng khi sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.
g) Bộ Tài chính có trách nhiệm:
- Bố trí ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện Đề án này.
- Hướng dẫn chế độ chính sách đối với lực lượng trực tiếp tham gia kiểm tra, kiểm soát; kinh phí xét nghiệm bệnh, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép; kinh phí cho việc lưu giữ, tiêu hủy đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, không rõ nguồn gốc; chi thưởng đột xuất cho các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích.
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04 tháng 7 năm 2008 và Thông tư số 51/2010/TT-BTC ngày 14 tháng 4 năm 2010 về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04 tháng 7 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, để chi thưởng cho các lực lượng tham gia thực hiện Đề án theo hướng quy định cụ thể số lượng bắt giữ và số tiền được thưởng.
- Chỉ đạo lực lượng Hải quan tăng cường kiểm tra chặt chẽ hàng hóa qua cửa khẩu; tập trung kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại ở các cửa khẩu và khu vực Hải quan quản lý.
h) Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát các quy định liên quan đến xử lý hành vi vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập khẩu trái phép, trong đó có việc tạm giữ và tịch thu phương tiện vận tải vận chuyển gia cầm nhập khẩu trái phép.
i) Ban chỉ đạo 127/TW báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm phân công trách nhiệm cho các lực lượng thực hiện công tác chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát xuyên suốt, thống nhất trên tất cả các tuyến từ biên giới phía Bắc vào nội địa; các lực lượng Trung ương sẵn sàng phối hợp, chi viện lực lượng cho địa phương khi có yêu cầu.
2. Thời gian thực hiện
Thời gian thực hiện từ ngày ký ban hành Quyết định phê duyệt Đề án đến ngày 31 tháng 12 năm 2013.
3. Sơ kết, rút kinh nghiệm, chế độ báo cáo và khen thưởng
a) Tổ chức ký kết thoả thuận phối hợp giữa các tỉnh với thành phố Hà Nội trong việc ngăn chặn nhập khẩu, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm không được phép nhập khẩu trong tháng 12 năm 2012.
b) Triển khai đợt hoạt động cao điểm ngăn chặn nhập khẩu, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm không được phép nhập khẩu từ ngày ban hành Quyết định phê duyệt Đề án đến hết tháng 02 năm 2013; tổ chức sơ kết đợt hoạt động cao điểm, báo cáo về Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127/TW.
c) Tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 (vào đầu tháng 7 năm 2013), tổng kết năm 2013 (cuối tháng 12 năm 2013); tổ chức khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc sau các đợt cao điểm, sau 6 tháng và một năm thực hiện.
d) Các Bộ, ngành, địa phương báo cáo định kỳ hàng tháng vào ngày 25 của tháng (nội dung báo cáo gồm: Đánh giá tình hình; công tác tổ chức triển khai; kết quả đạt được, các vụ việc điển hình; khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục) và báo cáo đột xuất khi có các vấn đề mới phát sinh trên địa bàn gửi về Bộ Công Thương (Cục Quản lý thị trường, 91 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
đ) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế có trách nhiệm sơ kết và tổng kết việc thực hiện Đề án, báo cáo Chính phủ.
e) Việc khen thưởng các lực lượng tham gia ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép theo quy định của pháp luật hiện hành (Phụ lục IV);
Nguồn kinh phí để thưởng có thể lấy từ nguồn thu chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả để lại theo Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04 tháng 7 năm 2008 và Thông tư số 51/2010/TT-BTC ngày 14 tháng 4 năm 2010 về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04 tháng 7 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Quốc phòng, Công an, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
PHỤ LỤC I
CÁC CHẾ TÀI XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ NHẬP KHẨU, VẬN CHUYỂN, TIÊU THỤ GIA CẦM NHẬP KHẨU TRÁI PHÉP
I. XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ, XUẤT NHẬP KHẨU GIA CẦM
1. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm xuất khẩu áp dụng ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (viết tắt là Nghị định số 91/2012/NĐ-CP):
“Điều 24. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm xuất khẩu
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi lưu thông thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhưng chưa có Thông báo kết quả kiểm tra cho lô hàng nhập khẩu đạt yêu cầu.
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu thuộc diện bắt buộc phải được kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định;
b) Nhập khẩu thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm đã qua chiếu xạ nhưng không có giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc giấy chứng nhận y tế theo quy định.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc dừng lưu thông, thu hồi đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu chưa có Thông báo kết quả kiểm tra cho lô hàng nhập khẩu đạt yêu cầu quy định tại Khoản 1 Điều này; thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu không được kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;
b) Buộc thực hiện việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;
c) Buộc tái xuất hoặc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vi phạm đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này”
2. Vi phạm các quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm áp dụng Điều 25 Nghị định số 91/2012/NĐ-CP:
“Điều 25. Vi phạm các quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm
1. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký bản công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với thực phẩm phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với các mức sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không lưu giữ hồ sơ đăng ký bản công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc có lưu giữ hồ sơ nhưng không đầy đủ theo quy định;
b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu, lưu thông trên thị trường thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm mà không có Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc có Giấy nhưng đã hết hiệu lực.
2. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm dụng cụ chứa đựng thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến bị biến chất;
b) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc hại.
4. Phạt tiền bằng 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này nếu mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt quy định tại Khoản 3 Điều này thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm nhưng số tiền phạt không quá 100.000.000 đồng.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm từ 06 tháng đến 12 tháng trong trường hợp tái phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này;
b) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không đăng ký bản công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này;
c) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không phù hợp đang lưu thông trên thị trường; buộc thay đổi mục đích sử dụng, tái chế hoặc tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa hoặc tái xuất sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này;
d) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này.”
3. Vi phạm quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam áp dụng Điều 14 Nghị định số 40/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vục thú y (viết tắt là Nghị định số 40/2009/NĐ-CP):
“Điều 14. Vi phạm quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không thực hiện đúng quy định về nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật mang theo người;
b) Không thông báo thời gian qua cửa khẩu khi xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam động vật, sản phẩm động vật theo quy định của pháp luật về thú y của Việt Nam.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi không có hồ sơ kiểm dịch hợp lệ khi xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam động vật, sản phẩm động vật.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không thực hiện việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định khi xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam động vật, sản phẩm động vật;
b) Nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam động vật, sản phẩm động vật không đúng cửa khẩu hoặc không đúng chủng loại ghi trong Giấy chứng nhận kiểm dịch;
c) Nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam động vật, sản phẩm động vật không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y;
d) Không tái xuất động vật, sản phẩm động vật đã quá thời hạn phải tái xuất;
đ) Đưa động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu để theo dõi cách ly kiểm dịch không đúng địa điểm đã được chấp thuận hoặc đưa về nơi cách ly không đủ số lượng động vật, sản phẩm động vật theo hồ sơ kiểm dịch;
e) Không chấp hành các quy định về thú y đối với động vật, sản phẩm động vật đang trong thời gian theo dõi cách ly kiểm dịch;
g) Tự ý bốc dỡ hàng hóa hoặc tháo dỡ các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh khi chưa được phép của cơ quan kiểm dịch động vật;
h) Vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, quá cảnh không đúng lộ trình hoặc tự ý dừng lại tại các điểm không được cơ quan kiểm dịch động vật quy định.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Để động vật tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, quá cảnh tiếp xúc với động vật nuôi trên lãnh thổ Việt Nam;
b) Không chấp hành các biện pháp xử lý vệ sinh thú y theo hướng dẫn của cơ quan kiểm dịch động vật đối với động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y;
c) Không chấp hành các biện pháp xử lý vệ sinh thú y theo yêu cầu của cơ quan kiểm dịch động vật đối với xác động vật, chất thải động vật,chất độn, thức ăn thừa của người và động vật, bao bì đóng gói sản phẩm động vật và các chất thải khác trong quá trình vận chuyển.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không thông báo cho cơ quan thú y có thẩm quyền để theo dõi cách ly kiểm dịch sau khi động vật, sản phẩm động vật được đưa đến địa điểm cách ly kiểm dịch;
b) Không chấp hành hoặc chấp hành nhưng chưa đủ thời hạn theo dõi cách ly kiểm dịch đã đưa ra sử dụng, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu.
6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm không chấp hành các biện pháp xử lý vệ sinh thú y theo quyết định của cơ quan thú y có thẩm quyền đối với động vật, sản phẩm động vật bị nhiễm mầm bệnh thuộc Danh mục các bệnh nguy hiểm hoặc Danh mục các bệnh phải công bố dịch hoặc nhiễm vi sinh vật lạ gây hại.
7. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch theo quy định của pháp luật thú y của Việt Nam;
b) Vứt bỏ xác động vật, chất thải, thức ăn thừa, rác, vật dụng khác có liên quan đến lô hàng nhập khẩu có chứa mầm bệnh nguy hiểm, các yếu tố độc hại khác tại nơi kiểm dịch cửa khẩu trước khi được cơ quan kiểm dịch động vật xử lý vệ sinh thú y.
8. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi đưa vào lãnh thổ Việt Nam bệnh phẩm, đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật mà không thực hiện việc kiểm dịch theo quy định và không có văn bản đồng ý của Cục Thú y.
9. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh không có thời hạn đối với vi phạm quy định tại khoản 8 Điều này.
10. Các biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tái xuất động vật, sản phẩm động vật đối với vi phạm quy định tại các điểm b, d khoản 3 Điều này;
b) Buộc tái xuất hoặc buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật, xác động vật, chất thải động vật trong trường hợp không tái xuất được đối với vi phạm quy định tại các khoản 7, 8 Điều này.”
4. Vi phạm quy định về giấy phép, giấy chứng nhận, phiếu kiểm nghiệm trong lĩnh vực thú y áp dụng Điều 26 Nghị định số 40/2009/NĐ-CP:
“Điều 26. Vi phạm quy định về giấy phép, Giấy chứng nhận, phiếu kiểm nghiệm trong lĩnh vực thú y
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, mua, bán, thuê, mượn, cho thuê, cho mượn Giấy chứng nhận tiêm phòng cho gia súc, gia cầm.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thuê, mượn, cho thuê, cho mượn, tự viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa nội dung ghi tại một trong các loại giấy sau:
a) Quyết định thử nghiệm hoặc khảo nghiệm thuốc thú y;
b) Giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y;
c) Văn bản cho phép nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y của Cục Quản lý chuyên ngành có thẩm quyền;
d) Phiếu kiểm nghiệm chất lượng thuốc thú y của cơ quan có thẩm quyền;
đ) Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh nhập khẩu thuốc thú y.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại giấy giả quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu các loại giấy phép, giấy chứng nhận, phiếu kiểm nghiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.”
II. XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ VẬN CHUYỂN, TIÊU THỤ GIA CẦM NHẬP KHẨU TRÁI PHÉP
1. Hành vi sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm để làm giống áp dụng Điểm c Khoản 4 Điều 9 và Điểm b Khoản 8, Điều 9 Nghị định số 40/2009/NĐ-CP:
“4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Sử dụng động vật mắcc bệnh truyền nhiễm để làm giống;
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
b) Buộc tiêu hủy động vật đối với vi phạm quy định tại các Điểm c, d Khoản 4 Điều này;”
2. Hành vi vi phạm quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn lưu thông trong nước áp dụng Điều 12 Nghị định số 40/2009/NĐ-CP:
“Điều 12. Vi phạm quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn lưu thông trong nước
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc nơi tập trung, phương tiện vận chuyển trước và sua khi đã kiểm dịch, bốc xếp, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật;
b) Trốn tránh việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông trên tuyến đường đi.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật theo quy định phải kiểm dịch mà không có Giấy chứng nhận kiểm dịch;
b) Đánh tráo hoặc làm thay đổi số lượng động vật, sản phẩm động vật đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch bằng động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm dịch;
c) Vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không đúng chủng loại, số lượng được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm dịch;
d) Tự ý tháo dỡ niêm phong phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật hoặc tự ý thay đổi mã số đánh dấu động vật trong quá trình vận chuyển.
3. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại các khoản 1, 2 Điều này nếu hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức chăn nuôi động vật tập trung, chuyên kinh doanh động vật, sản phẩm động vật.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện việc kiểm dịch hoặc kiểm dịch lại theo quy định đối với vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này trong trường hợp đang có dịch bệnh thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch trên loài động vật đó và chủ hàng không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của động vật, sản phẩm động vật.”
3. Hành vi vi phạm quy định về kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế sản phẩm động vật trên cạn áp dụng Điều 15 Nghị định số 40/2009/NĐ-CP:
“Điều 15. Vi phạm quy định về kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế sản phẩm động vật trên cạn
1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây của cá nhân, tổ chức giết mổ động vật, sơ chế sản phẩm động vật để kinh doanh:
a) Không thực hiện việc giết mổ động vật để kinh doanh tại cơ sở giết mổ tập trung đối với nơi có cơ sở giết mổ tập trung;
b) Không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y hoặc sử dụng nước không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y trong giết mổ;
c) Không đăng ký để cơ quan thú y có thẩm quyền thực hiện kiểm soát giết mổ đối với những nơi chưa có cơ sở giết mổ tập trung.
2. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm của cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở sơ chế sản phẩm động vật theo mức phạt sau đây:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện quy định về vệ sinh, khử trùng tiêu độc cơ sở hàng ngày, định kỳ hoặc không vệ sinh sạch sẽ cho động vật trước khi giết mổ;
b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc tách riêng động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh để giết mổ sau hoặc không chấp hành yêu cầu của cán bộ kiểm soát giết mổ về việc để riêng, đánh dấu đối với sản phẩm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y.
c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước, sau khi giết mổ nhằm gian lận trong kinh doanh;
d) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc xử lý đối với động vật, sản phẩm động vật không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y;
đ) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký để cơ quan thú y có thẩm quyền thực hiện kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế sản phẩm động vật hoặc giết mổ động vật, sơ chế sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu sản phẩm động vật đối với vi phạm giết mổ động vật, sơ chế sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.”
4. Hành vi vi phạm quy định về vệ sinh thú y trong kinh doanh động vật, sản phẩm động vật áp dụng Điều 16 Nghị định số 40/2009/NĐ-CP:
"Điều 16. Vi phạm quy định vệ sinh thú y trong kinh doanh động vật, sản phẩm động vật
1. Phạt tiền đối với hành vi kinh doanh sản phẩm động vật chưa được cơ quan thú y có thẩm quyền kiểm tra vệ sinh thú y (đóng dấu, lăn dấu kiểm soát giết mổ, cấp tem vệ sinh thú y) theo mức phạt sau:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị đến 500.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 600.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 9.000.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;
i) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
k) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 100.000.000 đồng trở lên.
2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi kinh doanh sản phẩm động vật không đạt quy chuẩn vệ sinh thú y.
3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về điều kiện vệ sinh thú y đối với nơi kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; phương tiện bầy bán, bảo quản, chứa đựng, bao gói sản phẩm động vật của các quầy, sạp kinh doanh.
4. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Hành vi không thực hiện đúng quy định về điều kiện vệ sinh thú y, bảo quản đối với cửa hàng chuyên kinh doanh động vật, sản phẩm động vật;
b) Kinh doanh sản phẩm động vật trên cạn bị ôi thiu, biến đổi về mầu sắc, mùi vị;
c) Kinh doanh động vật thủy sản, sản phẩm động vật ở dạng tươi sống bị đưa thêm chất làm giảm chất lượng, hương vị tự nhiên của sản phẩm động vật kể cả khi không ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh động vật thủy sản, sản phẩm động vật tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc có chất tồn dư quá giới hạn cho phép.
6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh sản phẩm động vật có sử dụng phụ gia ngoài Danh mục được phép sử dụng hoặc sử dụng quá giới hạn cho phép.
7. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh sản phẩm động vật ở dạng tươi sống được bảo quản bằng hóa chất không được phép sử dụng;
b) Kinh doanh sản phẩm động vật ở dạng tươi sống bị tiêm, chích, đưa thêm chất khác làm ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm;
8. Kinh doanh động vật trên cạn bị mắc bệnh, chết vì bệnh hoặc sản phẩm của động vật đó khi chưa được cơ quan thú y có thẩm quyền kiểm tra và xác nhận được phép tiêu thụ theo mức phạt sau đây:
a) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng khi động vật, sản phẩm động vật có giá trị dưới 500.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng khi động vật, sản phẩm động vật có giá trị từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng khi động vật, sản phẩm động vật có giá trị trên 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi động vật, sản phẩm động vật có giá trị trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi động vật, sản phẩm động vật có giá trị trên 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng khi động vật, sản phẩm động vật có giá trị trên 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng khi động vật, sản phẩm động vật có giá trị trên 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
i) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;
k) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi sản phẩm động vật có giá trị trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
9. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh động vật mắc bệnh thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch;
b) Kinh doanh sản phẩm của động vật bị giết mổ bắt buộc ở dạng tươi sống;
c) Kinh doanh động vật hoặc sản phẩm của động vật bị mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định phải tiêu hủy.
10. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại khoản 9 Điều này nếu hành vi vi phạm là của tổ chức, cá nhân chuyên kinh doanh động vật, sản phẩm động vật hoặc của người cố tình vi phạm để kiếm lời.
11. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 4, các khoản 5, 6, 7, 8, 9 Điều này.”
5. Vi phạm quy định về Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật áp dụng Điều 25 Nghị định số 40/2009/NĐ-CP
“Điều 25. Vi phạm quy định về Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật;
b) Tự viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa các nội dung ghi trong Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật;
c) Khai man, giả mạo hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc sử dụng một Giấy chứng nhận kiểm dịch cho nhiều lô hàng.
2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này nếu hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức chăn nuôi động vật tập trung, chuyên kinh doanh động vật, sản phẩm động vật.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu Giấy chứng nhận kiểm dịch đối với vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 Điều này.”
6. Hành vi vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu thực phẩm áp dụng Điều 5 Nghị định số 91/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm:
“Điều 5. Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu thực phẩm
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu để chế biến thực phẩm.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm;
b) Sử dụng sản phẩm có nguồn gốc động vật đang trong thời gian theo dõi cách ly kiểm dịch để sản xuất, chế biến thực phẩm.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, chế biến thực phẩm.
4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;
b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, buộc phải tiêu hủy theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để sản xuất, chế biến thực phẩm;
c) Sử dụng nguyên liệu thực phẩm có chứa tạp chất được đưa vào và không bảo đảm an toàn thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm.
5. Phạt tiền bằng 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 4 Điều này nếu mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt quy định tại Khoản 4 Điều này thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm nhưng số tiền phạt không quá 100.000.000 đồng.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 06 tháng đến 09 tháng trong trường hợp tái phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 09 tháng đến 12 tháng trong trường hợp tái phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 4 Điều này.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc dừng sử dụng thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y để thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2, Khoản 3, Điểm a, b Khoản 4 Điều này;
c) Buộc xử lý loại bỏ tạp chất theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với nguyên liệu có chứa tạp chất nhưng không thuộc diện phải tiêu hủy đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều này;
d) Buộc tiêu hủy nguyên liệu có chứa tạp chất gây nguy hại đến sức khỏe con người, tạp chất không rõ thành phần, thuộc diện phải tiêu hủy đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều này.”
7. Hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm áp dụng Điều 16 Nghị định sổ 91/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm
“Điều 16. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm
1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch theo quy định mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch;
b) Đánh tráo hoặc làm thay đổi số lượng thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch theo quy định đã được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch bằng sản phẩm chưa được kiểm dịch;
c) Kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch theo quy định không đúng chủng loại, số lượng ghi trong giấy chứng nhận kiểm dịch;
d) Kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn bị ôi thiu, biến đổi về màu sắc, mùi vị;
đ) Kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn bị đưa thêm tạp chất nhưng chưa ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm.
2. Xử phạt đối với hành vi kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn chưa được cơ quan thú y có thẩm quyền kiểm tra vệ sinh thú y với các mức sau:
a) Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng khi sản phẩm có giá trị đến dưới 500.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng khi sản phẩm có giá trị từ 500.000 đồng đến dưới 1.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng khi sản phẩm có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 600.000 đồng khi sản phẩm có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng khi sản phẩm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng khi sản phẩm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi sản phẩm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 9.000.000 đồng khi sản phẩm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
i) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng khi sản phẩm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
k) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi sản phẩm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
3. Xử phạt đối với hành vi kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn đã qua kiểm tra vệ sinh thú y nhưng không đạt yêu cầu với các mức sau:
a) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng khi sản phẩm có giá trị đến dưới 500.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng khi sản phẩm có giá trị từ 500.000 đồng đến dưới 1.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 800.000 đồng khi sản phẩm có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.200.000 đồng khi sản phẩm có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi sản phẩm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi sản phẩm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi sản phẩm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng khi sản phẩm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
i) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi sản phẩm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
k) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi sản phẩm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
4. Phạt tiền đối với hành vi kinh doanh động vật trên cạn bị mắc bệnh, chết vì bệnh hoặc sản phẩm của động vật đó khi chưa được cơ quan thú y có thẩm quyền kiểm tra và xác nhận được phép tiêu thụ với các mức phạt sau:
a) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng khi động vật, sản phẩm động vật có giá trị dưới 500.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng khi động vật, sản phẩm động vật có giá trị từ 500.000 đồng đến dưới 1.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến dưới 1.000.000 đồng khi động vật, sản phẩm động vật có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi động vật, sản phẩm động vật có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi động vật, sản phẩm động vật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 8.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng khi động vật, sản phẩm động vật có giá trị từ 8.000.000 đồng đến dưới 15.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng khi động vật, sản phẩm động vật có giá trị từ 15.000.000 đến dưới 30.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi sản phẩm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
i) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi sản phẩm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
k) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi sản phẩm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
l) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng khi sản phẩm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Kinh doanh sản phẩm động vật mới được tiêm phòng vắc xin chưa đủ thời gian theo quy định;
b) Kinh doanh sản phẩm động vật đã được sử dụng thuốc nhưng chưa đủ thời gian ngừng thuốc cần thiết theo hướng dẫn của nhà sản xuất;
c) Kinh doanh sản phẩm động vật đang trong thời gian theo dõi cách ly kiểm dịch.
6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh sản phẩm động vật tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc có chất tồn dư quá giới hạn cho phép.
7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Kinh doanh sản phẩm động vật mắc bệnh thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch;
b) Kinh doanh sản phẩm động vật bị giết mổ bắt buộc ở dạng tươi sống;
c) Kinh doanh sản phẩm động vật bị mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định phải tiêu hủy;
d) Kinh doanh sản phẩm động vật chết không rõ nguyên nhân, động vật có biểu hiện bị trúng độc, nhiễm độc;
đ) Kinh doanh sản phẩm động vật có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi;
e) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không được phép sản xuất, kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh;
g) Kinh doanh sản phẩm động vật ở dạng tươi sống được bảo quản bằng hóa chất không được phép sử dụng;
h) Kinh doanh sản phẩm động vật ở dạng tươi sống có tạp chất được đưa vào.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tạm dừng việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch để kiểm dịch theo quy định đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Điểm d Khoản 1, Khoản 6 và Khoản 7 Điều này;
c) Buộc thực hiện việc kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này;
d) Buộc thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định để bảo đảm an toàn thực phẩm khi sử dụng hoặc buộc tiêu hủy đối với thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn đã qua kiểm tra vệ sinh thú y nhưng không đạt yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này;
đ) Buộc thực hiện việc kiểm tra, thực hiện việc xử lý theo quy định để bảo đảm an toàn thực phẩm khi sử dụng hoặc buộc tiêu hủy đối với động vật trên cạn bị mắc bệnh, chết vì bệnh hoặc sản phẩm của động vật đó đối với hành vi quy định tại Khoản 4 Điều này.”
8. Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu áp dụng Điều 22 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 112/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ:
“Điều 22. Xử phạt hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị đến 5.000.000 đồng.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.
7. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
8. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 100.000.000 đồng trở lên.
9. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều này đối với một trong những trường hợp sau đây:
a) Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;
b) Cá nhân, tổ chức vi phạm là người trực tiếp nhập lậu hàng hóa đó.
10. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm là người trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử phạt hành chính theo mức tiền phạt quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều này.
11. Các mức phạt tiền quy định từ khoản 1 đến khoản 10 Điều này cũng được áp dụng xử phạt đối với:
a) Chủ phương tiện vận tải hoặc người điều khiển phương tiện vận tả có hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu;
b) Chủ kho tàng, bến, bãi, nhà ở có hành vi cố ý chứa chấp, cất giấu hàng hóa nhập lậu;
c) Cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hóa có hành vi cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu.
12. Trường hợp hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh thì xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 18 Nghị định này; hàng hóa nhập lậu là rượu và thuốc lá thì áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với rượu và thuốc lá nhập lậu.
13. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường, đồ chơi có hại cho giáo dục nhân cách và sức khỏe trẻ em, văn hóa phẩm độc hại đối với vi phạm quy định tại Điều này. Trường hợp không thể áp dụng được biện pháp buộc tiêu hủy hoặc cá nhân, tổ chức vi phạm không thực hiện việc tiêu hủy thì tịch thu để tiêu hủy theo quy định;
b) Tịch thu hàng hóa nhập lậu đối với vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp đã áp dụng biện pháp quy định tại điểm a khoản 13 Điều này;
c) Tịch thu phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập lậu đối với vi phạm tại quy định điểm a và điểm c khoản 11 Điều này nếu thuộc một trong các trường hợp: hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên; vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; sử dụng biển kiểm soát không phải của phương tiện vận chuyển đó hoặc biển kiểm soát phương tiện không phải do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp; phương tiện bị hoán cải để vận chuyển hàng lậu; có hành vi trốn tránh hoặc cản trở người thi hành công vụ, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 Pháp lệnh và khoản 2 Điều 12 Nghị định số 128."
9. Vi phạm quy định về hàng hóa cấm kinh doanh áp dụng Điều 18 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 112/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ:
“Điều 18. Vi phạm quy định về hàng hóa cấm kinh doanh
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh có giá trị đến 5.000.000 đồng.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
6. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.
7. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
8. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
9. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều này đối với một trong những trường hợp sau đây:
a) Hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức sản xuất, gia công, chế biến, chế tác, tái chế, phân loại, lắp ráp, sang chiết, nạp, đóng gói, nhập khẩu hàng hóa cấm kinh doanh;
b) Hàng hóa cấm kinh doanh là hóa chất độc hại, các loại thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thực phẩm chiếu xạ, thực phẩm biến đổi gen và các loại trang thiết bị y tế chưa được phép sử dụng tại Việt Nam.
10. Các mức phạt tiền quy định từ khoản 1 đến khoản 9 Điều này cũng được áp dụng xử phạt đối với:
a) Chủ phương tiện vận tải hoặc người điều khiển phương tiện vận tải có hành vi vận chuyển hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh;
b) Chủ kho tàng, bến bãi, nhà ở có hành vi chứa chấp, cất giấu hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh;
c) Cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hóa có hành vi giao nhận hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh.
11. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường, đồ chơi có hại cho giáo dục nhân cách và sức khỏe trẻ em và văn hóa phẩm độc hại đối với vi phạm quy định tại Điều này. Trường hợp không thể áp dụng được biện pháp buộc tiêu hủy hoặc cá nhân, tổ chức vi phạm không thực hiện việc tiêu hủy thì tịch thu để tiêu hủy theo quy định;
b) Tịch thu hàng hóa cấm kinh doanh đối với vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp đã áp dụng quy định tại điểm a khoản 11 Điều này.
c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để sản xuất, gia công, chế biến, chế tác, tái chế, phân loại, lắp ráp, sang chiết, nạp, đóng gói hàng hóa cấm kinh doanh đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm a khoản 9 Điều này;
d) Tịch thu phương tiện vận chuyển hàng hóa cấm kinh doanh đối với vi phạm quy định tại điểm a và điểm c khoản 10 Điều này nếu hành vi vi phạm là cố ý thuộc một trong các trường hợp: hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng; vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; sử dụng biển kiểm soát không phải của phương tiện vận chuyển đó hoặc biển kiểm soát phương tiện không phải do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp; phương tiện bị hoán cải để vận chuyển hàng cấm; có hành vi trốn tránh hoặc cản trở người thi hành công vụ, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 Pháp lệnh và khoản 2 Điều 12 Nghị định số 128."
10. Hành vi cản trở hoạt động công vụ của người có thẩm quyền áp dụng Điều 27 Nghị định số 40/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y:
“Điều 27. Xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động công vụ của người có thẩm quyền
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện việc kê khai, khai báo hoặc kê khai, khai báo không trung thực, không đúng thời hạn theo yêu cầu của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thi hành công vụ hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
b) Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ chứng từ, tài liệu liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thi hành công vụ hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Có hành động cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động công vụ của người có thẩm quyền;
b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự đối với người đang thi hành công vụ.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tự ý tháo gỡ niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm đang bị niêm phong, tạm giữ hoặc tự ý làm thay đổi hiện trường vi phạm hành chính;
b) Tẩu tán, làm thay đổi, đánh tráo tang vật, phương tiện đang bị thanh tra, kiểm tra hoặc tạm giữ;
c) Tàng trữ, chứa chấp, tiêu thụ tang vật, phương tiện đang bị thanh tra, kiểm tra, tạm giữ bị tẩu tán;
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Trì hoãn, trốn tránh không thi hành các quyết định hành chính về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của người hoặc cơ quan có thẩm quyền;
b) Hành hung người đang thi hành công vụ.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi các tang vật, phương tiện bị tẩu tán đối với vi phạm quy định tại các điểm b, c khoản 3 Điều này.”
Hoặc có thể áp dụng Điều 32 Nghị định số 91/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
PHỤ LỤC II
CHẾ TÀI XỬ LÝ VIỆC VẬN CHUYỂN GIA CẦM, SẢN PHẨM GIA CẦM KHÔNG CÓ GIẤY CHỨNG NHẬN KIỂM DỊCH THÚ Y
Việc xử lý vi phạm hành chính đối với việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật theo quy định phải kiểm dịch mà không có Giấy chứng nhận kiểm dịch như sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 40/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt nói trên nếu hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức chăn nuôi động vật tập trung, chuyên kinh doanh động vật, sản phẩm động vật theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 40/2009/NĐ-CP .
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện việc kiểm dịch hoặc kiểm dịch lại; buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật trong trường hợp đang có dịch bệnh thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch trên loài động vật đó và chủ hàng không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của động vật, sản phẩm động vật theo quy định tại Khoản 4 Điều 12 Nghị định số 40/2009/NĐ-CP .
PHỤ LỤC III
CHẾ TÀI XỬ LÝ VIỆC VẬN CHUYỂN GIA CẦM, SẢN PHẨM GIA CẦM KHÔNG ĐƯỢC PHÉP NHẬP KHẨU
I. BUỘC TẠM DỪNG VIỆC VẬN CHUYỂN
Điểm a Khoản 8 Điều 16 Nghị định số 91/2012/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả buộc tạm dừng việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch để kiểm dịch theo quy định đối với hành vi vi phạm sau:
1. Kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch theo quy định mà không có Giấy chứng nhận kiểm dịch.
2. Đánh tráo hoặc làm thay đổi số lượng thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch theo quy định đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch bằng sản phẩm chưa được kiểm dịch.
3. Kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch theo quy định không đúng chủng loại, số lượng ghi trong Giấy chứng nhận kiểm dịch.
II. TẠM GIỮ PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN
1. Áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo thủ tục hành chính áp dụng Điều 43 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002:
Trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
2. Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính áp dụng Điều 46 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 được sửa đổi, bổ sung năm 2008:
a) Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần để xác minh tình tiết làm căn cứ quyết định xử lý hoặc ngăn chặn ngay vi phạm hành chính.
Những người được quy định tại Điều 45 của Pháp lệnh này, Chánh thanh tra chuyên ngành cấp sở và Chánh Thanh tra chuyên ngành Bộ, cơ quan ngang Bộ, Giám đốc Cảng vụ hàng hải, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa, Giám đốc Cảng vụ hàng không có quyền quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
b) Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tạm giữ ngay thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể bị tẩu tán, tiêu hủy thì thủ trưởng trực tiếp của chiến sỹ Cảnh sát nhân dân, Bộ đội Biên phòng, kiểm lâm viên, nhân viên Hải quan, kiểm soát viên thị trường hoặc thanh tra viên chuyên ngành được quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định, người ra quyết định phải báo cáo thủ trưởng của mình là một trong những người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được quy định tại Khoản 1 Điều này và được sự đồng ý bằng văn bản của người đó; trong trường hợp không được sự đồng ý của họ thì người đã ra quyết định tạm giữ phải hủy ngay quyết định tạm giữ và trả lại vật, tiền, hàng hóa, phương tiện đã bị tạm giữ.
c) Người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải lập biên bản về việc tạm giữ. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm. Người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó; nếu do lỗi của người này mà tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm cần được niêm phong thì phải tiến hành ngay trước mặt người vi phạm; nếu người vi phạm vắng mặt thì phải tiến hành niêm phong trước mặt đại diện gia đình, đại diện tổ chức, đại diện chính quyền và người chứng kiến.
d) Đối với tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng bạc, đá quý, kim khí quý, các chất ma tuý và những vật thuộc chế độ quản lý đặc biệt khác, thì việc bảo quản được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Đối với tang vật vi phạm hành chính là loại hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người ra quyết định tạm giữ phải xử lý theo quy định tại Khoản 3 Điều 61 của Pháp lệnh này.
đ) Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo những biện pháp ghi trong quyết định xử lý hoặc trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức phạt tịch thu đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể được kéo dài đối với những vụ việc phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá sáu mươi ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, phương tiện. Việc kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện phải do những người được quy định tại Khoản 1 Điều này quyết định.
e) Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm một bản.”
III. TỊCH THU PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN
1. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính áp dụng Điều 17 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính là việc sung vào quỹ nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trục tiếp đến vi phạm hành chính.
b) Không tịch thu tang vật, phương tiện bị cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chiếm đoạt, sử dụng trái phép mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, người sử dụng hợp pháp.
2. Việc tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính theo Điều 17 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 được quy định chi tiết thi hành tại Điều 12 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 như sau:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính là hình thức xử phạt bổ sung, được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính. Thủ tục và các trường hợp cụ thể bị áp dụng tịch thu tang vật, phương tiện được quy định tại các Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.
b) Không áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện trong trường hợp tang vật, phương tiện bị tổ chức, cá nhân vi phạm chiếm đoạt, sử dụng trái phép mà phải trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp tang vật là văn hóa phẩm độc hại, hàng giả không có giá trị sử dụng, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng thì bị xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 61 của Pháp lệnh.
3. Tịch thu phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập lậu đối với chủ phương tiện vận tải hoặc người điều khiển phương tiện vận tải có hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu; cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hóa có hành vi cố ý gian nhận hàng hóa nhập lậu nếu thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Điểm c Khoản 13 Điều 22 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 112/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2010 như sau:
Hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên; vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; sử dụng biển kiểm soát không phải của phương tiện vận chuyển đó hoặc biển kiểm soát phương tiện không phải do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp; phương tiện bị hoán cải để vận chuyển hàng lậu; có hành vi trốn tránh hoặc cản trở người thi hành công vụ, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 17 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002 và Khoản 2 Điều 12 Nghị định Chính phủ số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008.
4. Tịch thu phương tiện vận chuyển hàng hóa cấm kinh doanh đối với chủ phương tiện vận tải hoặc người điều khiển phương tiện vận tải có hành vi vận chuyển hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh; cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hóa có hành vi giao nhận hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh nếu hành vi vi phạm là cố ý thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Điểm d Khoản 11 Điều 18 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 112/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2010 như sau:
Hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng; vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; sử dụng biển kiểm soát không phải của phương tiện vận chuyển đó hoặc biển kiểm soát phương tiện không phải do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp; phương tiện bị hoán cải để vận chuyển hàng cấm; có hành vi trốn tránh hoặc cản trở người thi hành công vụ, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 17 Pháp lệnh và Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 128.
PHỤ LỤC IV
HƯỚNG DẪN KHEN THƯỞNG CÁC LỰC LƯỢNG THAM GIA PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN VIỆC VẬN CHUYỂN, KINH DOANH GIA CẦM, SẢN PHẨM GIA CẦM NHẬP KHẨU TRÁI PHÉP
1. Các căn cứ hướng dẫn khen thưởng
- Căn cứ Luật thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;
- Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng;
- Thông tư số 02/2011/TT-BNV ngày 24 tháng 01 năm 2011 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng.
- Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04 tháng 7 năm 2008 hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
- Thông tư số 51/2010/TT-BTC ngày 14 tháng 4 năm 2010 về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04 tháng 7 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
- Căn cứ Quyết định số 127/2001/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại và Quyết định số 28/2008/QĐ-TTg ngày 14 tháng 2 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 127/2001/QĐ-TTg .
2. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng
Nguyên tắc thi đua, khen thưởng được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 6 của Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005; Điều 3, Điều 4 Chương I, Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng.
3. Hình thức khen thưởng
Căn cứ Điều 49, Mục 6 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng:
“Điều 49. Bằng khen
1. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng cho tập thể và cá nhân đạt được tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 71 Luật Thi đua, Khen thưởng.
2. Bằng khen của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để tặng cho các cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt 2 lần liên tục danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc những cá nhân lập được thành tích xuất sắc được bình xét trong các đợt thi đua theo đợt, theo chuyên đề do Bộ, ngành, đoàn thể trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát động.
3. Bằng khen của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để tặng cho các tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt 2 lần liên tục danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng” hoặc những tập thể lập được thành tích xuất sắc được bình xét trong các đợt thi đua theo đợt, theo chuyên đề do Bộ, ngành, đoàn thể trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát động.”
4. Hồ sơ, thủ tục xét khen thưởng theo thủ tục đơn giản:
Căn cứ hướng dẫn tại điều 61 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng.
“Điều 61. Hồ sơ, thủ tục đơn giản
1. Các trường hợp xét khen thưởng theo thủ tục đơn giản được thực hiện theo quy định tại Điều 85 của Luật Thi đua, Khen thưởng.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét và đề nghị khen thưởng ngay sau khi cá nhân, tập thể lập được thành tích xuất sắc, đột xuất.
3. Hồ sơ đề nghị khen thưởng theo thủ tục đơn giản gồm có:
a) Tờ trình đề nghị của cấp Bộ, Ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (03 bản);
b) Bản tóm tắt thành tích của cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp ghi rõ hành động, thành tích, công trạng để đề nghị khen thưởng theo thủ tục đơn giản (03 bản).
4. Trường hợp khen thưởng đảm bảo bí mật an ninh quốc gia do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ.”
5. Kinh phí khen thưởng:
a) Căn cứ theo điều 69 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng:
“1. Quỹ thi đua, khen thưởng của cấp nào do cơ quan thi đua, khen thưởng cấp đó quản lý; nguồn trích, tỷ lệ và mức trích trên cơ sở dự toán kế hoạch; việc quyết toán căn cứ số chi thực tế theo đúng chế độ, chính sách quy định.
2. Thủ trưởng cơ quan cấp nào ra quyết định khen thưởng thì cấp đó chịu trách nhiệm chi tiền thưởng từ nguồn tiền thưởng do cấp mình quản lý.
Các tập thể, cá nhân thuộc Bộ, Ban, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước quyết định khen thưởng thì Bộ, Ban, ngành, đoàn thể, địa phương đó có trách nhiệm chi thưởng từ ngân sách nhà nước của cấp mình và hạch toán chi thành mục riêng.”
b) Căn cứ Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04 tháng 7 năm 2008 Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; Thông tư số 51/2010/TT-BTC ngày 14 tháng 4 năm 2010 về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04 tháng 7 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả:
“Sau khi trừ chi phí nêu tại Khoản 1 Mục II, cơ quan, đơn vị chống buôn lậu chủ trì xử lý vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả được trích sử dụng số tiền đã thu, nộp còn lại để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện hoạt động và khen thưởng cho những tổ chức, cá nhân tham gia phát hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Cụ thể như sau:
- Đối với vụ hàng giả được sử dụng 100% tổng số tiền đã thu, nộp.
- Đối với vụ buôn lậu, gian lận thương mại được sử dụng 50% tổng số tiền đã thu, nộp.
Số kinh phí này được coi là 100% và sử dụng như sau:
a) Dành từ 30% đến 50% để chi cho các nội dung:
- Chi khen thưởng đột xuất hoặc cuối năm cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Mức tiền thưởng đối với cá nhân do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chống buôn lậu quyết định trên cơ sở nguồn kinh phí được sử dụng cho nội dung này.
- Chi bồi dưỡng trong thời gian điều trị cho các cán bộ, chiến sỹ của cơ quan, đơn vị chống buôn lậu bị tai nạn, bị thương hoặc bị chết trong quá trình điều tra bắt giữ; chi tiền viện phí cho các trường hợp không có chế độ bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm y tế chi trả một phần.
- Chi bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ, bồi dưỡng công tác kiêm nhiệm cho cán bộ, chiến sỹ tham gia công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ngoài mức chi theo quy định của nhà nước đã được tính trong chi phí vụ việc, mức chi cụ thể thực hiện theo quy định chung của địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nộp tiền vào ngân sách quy định.
Đối với vụ việc mà số thu không lớn nhưng có nhiều lực lượng tham gia xử lý thì Thủ trưởng cơ quan, dơn vị chủ trì chống buôn lậu được sử dụng thêm tối đa không quá 10% tổng số kinh phí được sử dụng (10% này lấy từ số kinh phí sử dụng cho nội dung chi tại điểm b dưới đây) để bổ sung chi bồi dưỡng, khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích theo quy định tại điểm này. Trường hợp một vụ việc có nhiều lực lượng cùng tham gia, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì chống buôn lậu có trách nhiệm căn cứ vào tính chất phức tạp của vụ việc và mức độ tham gia của từng cơ quan, đơn vị để xem xét, chi bồi dưỡng, khen thưởng cho các cơ quan, đơn vị tham gia, phối hợp đảm bảo công khai, dân chủ.
- Chi cho công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
- Chi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
- Chi hội nghị, hội thảo, khảo sát chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
- Chi hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan cấp trên. Các Bộ quản lý lực lượng tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hướng dẫn cụ thể về mức chi (nhưng tối đa không quá 10% số kinh phí được sử dụng cho các nội dung quy định tại điểm này) và việc quản lý, sử dụng đối với nội dung chi này.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì chống buôn lậu căn cứ vào tình hình thực tế của công tác chống buôn lậu trên địa bàn để xác định cụ thể tỷ lệ kinh phí sử dụng cho các nội dung quy định tại điểm này.”./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.