UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2074/QĐ-UBND | Thái Nguyên, ngày 17 tháng 9 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CỦNG CỐ VÀ HOÀN THIỆN MẠNG LƯỚI Y TẾ CƠ SỞ TỈNH THÁI NGUYÊN ĐẾN NĂM 2020
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Chỉ thị số 06- CT/TW ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở;
Căn cứ Nghị quyết 46/NQ-TW ngày 23/02/2005 của Bộ chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới;
Căn cứ Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới khám chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 3447/QĐ-BYT ngày 22/9/2011 của Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 – 2020;
Căn cứ Quyết định số 2843/QĐ-UBND ngày 9/11/2011 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt Chương trình phát triển sự nghiệp y tế tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND ngày 19/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc thông qua Đề án Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Y tế tại tờ trình số 878 /TTr-SYT ngày 10 tháng 9 năm 2012 về việc đề nghị phê duyệt Đề án Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, với các nội dung cơ bản sau:
1. Mục tiêu tổng quát:
- Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở tỉnh Thái Nguyên, nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phòng bệnh đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân trong tình hình mới.
- Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong và tàn tật; khống chế các bệnh truyền nhiễm, không để dịch lớn xảy ra; kiểm soát các yếu tố nguy cơ của các bệnh không lây nhiễm; duy trì mức sinh hợp lý, nâng cao chất lượng dân số.
- Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia (chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình phòng chống sốt rét, lao, phong, tâm thần, ung thư, tăng huyết áp, HIV; dân số kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh an toàn thực phẩm...).
2. Mục tiêu cụ thể:
* Đến năm 2015:
- Số lượt người dân được chăm sóc y tế tại tuyến huyện 0,9 lượt/người/năm; tuyến xã 1,2 lượt/người/năm.
- Giảm tỷ suất sinh thô hàng năm 0,1‰; Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi đạt < 14%.
- Số bác sỹ tại tuyến huyện đạt 80% chỉ tiêu; 100% Trạm y tế có bác sỹ.
- 50% số nhân viên y tế thôn bản đạt trình độ điều dưỡng sơ cấp và duy trì >95 % số thôn, xóm, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động.
- Hoàn thiện các bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế huyện cả về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế theo dự án đã được phê duyệt.
- 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã trong đó 70% xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã theo Quyết định số 3347/QĐ-BYT ngày 22/9/2011 của Bộ Y tế.
* Đến năm 2020:
- Số lượt người dân được chăm sóc y tế tại tuyến huyện đạt 1,2 lượt/ người/năm, tại tuyến xã đạt 1,5 lượt/người/năm.
- Giảm tỷ suất sinh thô hàng năm 0,1‰; Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi đạt < 10%.
- Số bác sỹ tại tuyến huyện đạt 100% chỉ tiêu, trong đó 70% bác sỹ có trình độ sau đại học.
- Các bệnh viện đa khoa huyện có quy mô từ 100 đến 160 giường bệnh, đạt tiêu chuẩn Quốc gia và làm được các kỹ thuật cấp cứu của bệnh viện tỉnh; các trung tâm y tế cung cấp được các dịch vụ y tế dự phòng đạt chuẩn Quốc gia của y tế dự phòng tuyến huyện.
- 100% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020.
- 25% số trạm y tế có 02 bác sỹ.
- 80% số nhân viên y tế thôn bản đạt trình độ điều dưỡng sơ cấp.
3. Các giải pháp chủ yếu:
3.1. Về tổ chức quản lý:
- Nâng cao năng lực quản lý: Lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình, phòng y tế phải có trình độ chuyên môn sau đại học, trình độ trung cấp chính trị và trình độ quản lý. Bố trí cán bộ chuyên môn y tế cho phù hợp với từng vị trí và có quy hoạch đào tạo cán bộ. Nâng cao năng lực phòng y tế huyện, thành phố, thị xã đảm bảo chức năng quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn.
- Trên cơ sở các đơn vị y tế tuyến huyện như hiện nay, đảm bảo quy mô từ 100-160 giường bệnh/01 Bệnh viện huyện. Thành lập đủ các khoa, phòng chức năng và phòng Tư vấn và Truyền thông giáo dục sức khỏe ở Bệnh viện đa khoa huyện, trung tâm y tế huyện, trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình theo quy định của Bộ Y tế.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, hành nghề y dược tư nhân...
- Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế từ tuyến xã đến tuyến huyện và tuyến tỉnh.
3.2. Về nhân lực, đào tạo:
- Sắp xếp lại nhân lực quản lý và nhân lực kỹ thuật chuyên môn y tế. Tuyển đủ cơ cấu cán bộ y tế tuyến huyện, tuyến xã theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ; Tăng cường tuyển bác sỹ cho tuyến huyện và tuyến xã, bổ sung y sỹ cho các trạm y tế; Ưu tiên tuyển bác sỹ y học dự phòng, cử nhân y tế công cộng cho hệ dự phòng.
- Có chính sách về đào tạo bác sỹ chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sỹ, tiến sỹ cho tuyến huyện; đào tạo bác sỹ theo địa chỉ, bác sỹ hệ tập trung 4 năm (bác sỹ chuyên tu), bác sỹ gia đình cho trạm y tế xã.
- Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực kỹ thuật chuyên môn y tế cho các đơn vị y tế tuyến huyện phù hợp với chức năng của từng đơn vị:
+ Các bệnh viện: đào tạo các kíp cấp hồi sức cấp cứu, cấp cứu sản khoa nhi khoa, ngoại khoa, tăng cường các kíp phẫu thuật cấp cứu, phẫu thuật nội soi ổ bụng và sản khoa, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, các chuyên khoa lẻ...
+ Đối với hệ dự phòng: đào tạo về quản lý y tế, quản lý sức khỏe cộng đồng, các chương trình mục tiêu Quốc gia, phòng chống dịch bệnh, tổ chức các đội phòng chống dịch lưu động.
+ Mạng lưới dân số- kế hoạch hóa gia đình: đào tạo về quản lý dân số, truyền thông dân số- kế hoạch hóa gia đình, cân bằng giới tính, nâng cao chất lượng dân số...
+ Trạm y tế xã: đào tạo về quản lý y tế xã, đào tạo sử dụng trang thiết bị (máy siêu âm, máy điện tim, xét nghiệm...) trong chẩn đoán và điều trị, đào tạo cập nhật kiến thức chuyên môn kỹ thuật y tế trong khám chữa bệnh, phòng bệnh và thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia.
3.3. Nâng cao y đức và chất lượng chuyên môn:
- Thực hiện tốt quy chế khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở y tế, làm chủ các trang thiết bị; sử dụng hợp lý, an toàn về thuốc, khuyến khích sử dụng thuốc trong nước. Củng cố phát triển y dược học cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở, phát triển ứng dụng kỹ thuật không dùng thuốc như châm cứu, bấm huyệt tại các trạm y tế xã. Tiếp tục củng cố vườn thuốc nam ở 100% xã, phường, thị trấn theo quy định của Bộ Y tế. Thực hiện tốt các mục tiêu chương trình Quốc gia, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, thanh toán một số bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm. Tích cực triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, thảm hoạ, các bệnh xã hội...Quản lý chặt chẽ việc xử lý chất thải, tránh gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng.
- Thường xuyên tổ chức cho toàn ngành học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện 12 điều y đức, quy tắc ứng xử trong ngành y tế, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành. Duy trì “Đường dây nóng”, “Hòm thư góp ý”, “Phiếu xin ý kiến người bệnh”, sinh hoạt hội đồng người bệnh định kỳ hàng tuần...
3.4. Về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế:
* Giai đoạn 2013-2015:
- Ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các bệnh viện đa khoa huyện, phòng khám đa khoa khu vực và trung tâm y tế huyện theo dự án. Tập trung đầu tư cho dự án bệnh viện đa khoa huyện Phổ Yên, trung tâm y tế Phú Lương để chuyển sang địa điểm mới vào năm 2013.
- Nâng cấp hoàn chỉnh về cơ sở vật chất và trang thiết bị đồng bộ, hiện đại cho các bệnh viện đa khoa huyện đảm bảo thực hiện được các kỹ thuật cấp cứu của bệnh viện tỉnh (hồi sức cấp cứu, cấp cứu nội - ngoại - sản - nhi).
- Lập dự án và đầu tư trung tâm y tế Phổ Yên giai đoạn 2013-2015.
- Tiếp tục đầu tư xây mới và nâng cấp các trạm y tế xã để hoàn chỉnh cả cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ở tất cả các trạm y tế xã vào năm 2015: xây dựng mới và nâng cấp 16 trạm y tế xã diện cấp bách, trong đó năm 2013: 6 xã, năm 2014: 6 xã, năm 2015: 4 xã (phụ lục 01).
* Giai đoạn 2016-2020: Tiếp tục hoàn thiện, duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp các cơ sở y tế.
3.5. Cơ chế chính sách:
- Ưu tiên quỹ đất cho các cơ sở y tế huyện và xã (đảm bảo đủ diện tích, địa điểm thuận lợi cho người dân đến với cơ sở y tế).
- Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo bác sỹ hệ liên kết và theo địa chỉ cho trạm y tế xã; Hỗ trợ đào tạo bác sỹ hệ tập trung 4 năm (bác sỹ chuyên tu) 10 triệu đồng/năm/người, ngân sách tỉnh.
- Hỗ trợ cho nhân viên y tế tại tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn mức 0,15 hệ số lương tối thiểu/tháng (hiện tại nhân viên y tế thôn bản thuộc các xã vùng cao, vùng núi, xã đặc biệt khó khăn đang hưởng mức 0,5 hệ số lương tối thiểu/tháng, các xã còn lại hưởng mức 0,3 hệ số lương tối thiểu/tháng), ngân sách tỉnh.
- Từ năm 2013 – 2015, kinh phí chi thường xuyên cho trạm y tế phường, thị trấn là 20 triệu đồng/trạm/năm; từ năm 2016 – 2020, kinh phí chi thường xuyên cho tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn ít nhất là 30 triệu đồng/trạm/năm (hiện tại chi thường xuyên của các trạm y tế phường, thị trấn là 10 triệu đồng/trạm/năm, trạm y tế xã là 20 triệu đồng/trạm/năm), ngân sách tỉnh.
- Hỗ trợ đào tạo sau đại học: Thực hiện theo các quy định hiện hành của tỉnh.
- Xây dựng mới trạm y tế:
+ Các xã miền núi hoặc xã có cơ sở nhà trạm xuống cấp trầm trọng cần xây cấp bách: 100% ngân sách tỉnh.
+ Các phường thuộc thành phố Thái Nguyên và thị xã Sông Công: 50% ngân sách tỉnh, 50% ngân sách thành phố, thị xã và xã hội hóa.
+ Các xã, thị trấn còn lại: 70% ngân sách tỉnh, 30% ngân sách huyện và xã hội hóa.
- Hỗ trợ trang thiết bị (siêu âm, xét nghiệm...) cho trạm y tế: ngân sách tỉnh. Giai đoạn 2013-2015 cần trang bị 60 máy siêu âm cho 60 xã (mỗi năm 20 máy). Giai đoạn 2016-2020 trang bị cho các xã còn lại.
- Lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội với chương trình phát triển mạng lưới y tế cơ sở.
3.6. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác y tế:
- Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo thực hiện các mục tiêu của chương trình; tăng cường phối hợp liên ngành; huy động sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức xã hội trong xây dựng và hoàn thiện các cơ sở y tế công lập.
- Tăng cường liên doanh, liên kết, mở rộng các loại hình dịch vụ y tế và có cơ chế khuyến khích phù hợp của tỉnh.
- Phát triển BHYT toàn dân cả về chiều rộng và chiều sâu; cải cách và đơn giản hóa thủ tục mua, thanh toán BHYT, tạo thuận lợi cho người có BHYT.
- Phát triển y tế tư nhân, tăng cường phối hợp công – tư. Xây dựng thêm các bệnh viện tư nhân và bệnh viện Quốc tế, các cơ sở sản xuất thuốc tân dược và đông nam dược. Đa dạng hoá các loại hình dịch vụ có chất lượng phục vụ cao.
- Tăng cường truyền thông giáo dục sức khoẻ, đa dạng hoá các hoạt động và hình thức truyền thông.
3.7. Kinh phí: Tổng kinh phí cho Đề án: 537.554 triệu đồng,
Trong đó:
- Nguồn kinh phí Trung ương: 355.968 triệu đồng
- Nguồn kinh phí tỉnh, xã hội hóa: 181.586 triệu đồng
Giai đoạn 2013-2015: 254.100 triệu đồng
- Nguồn kinh phí Trung ương: 173.160 triệu đồng
- Nguồn kinh phí tỉnh, xã hội hóa: 80.940 triệu đồng
Giai đoạn 2016-2020: 283.454 triệu đồng
- Nguồn kinh phí Trung ương: 182.808 triệu đồng
- Nguồn kinh phí tỉnh, xã hội hóa: 100.646 triệu đồng
(phụ lục 02)
Chi tiết dự toán kinh phí:
a) Về đầu tư:
* Bệnh viện đa khoa huyện và phòng khám đa khoa khu vực:
- Kinh phí đầu tư cho bệnh viện huyện: Tổng mức đầu tư: 219.812 triệu đồng, đã cấp đến năm 2012: 163.000 triệu đồng, giai đoạn 2013-2015: 46.500 triệu đồng, giai đoạn 2016-2020: 104.812 triệu đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ (phụ lục 03).
- Phòng khám đa khoa khu vực: Tổng mức đầu tư: 55.996 triệu đồng, đã cấp đến năm 2012: 18.400 triệu đồng, giai đoạn 2013-2015: 15.000 triệu đồng, giai đoạn 2016-2020: 32.996 triệu đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ (phụ lục 03).
+ Năm 2012: dự kiến có 2 phòng khám đa khoa khu vực được xây dựng gắn với trạm y tế tại xã Bình Yên (Định Hóa) và xã Cúc Đường (Võ Nhai) từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
+ Từ năm 2013 đến 2015: có 6 phòng khám đa khoa khu vực được xây theo mô hình trên từ nguồn Trái phiếu Chính phủ tại các xã Thanh Ninh, Điềm Thụy (Phú Bình), Trung Thành (Phổ Yên), Hòa Bình (Đồng Hỷ), Hợp Thành (Phú Lương), Tràng Xá (Võ Nhai).
* Trung tâm y tế huyện:
- Tiếp tục đầu tư xây dựng và củng cố các trung tâm y tế huyện theo kế hoạch. Tổng mức đầu tư: 127.765 triệu đồng, đã cấp đến năm 2012: 44.520 triệu đồng, giai đoạn 2013-2015: 111.660 triệu đồng, từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương và ngân sách địa phương (phụ lục 4).
- Từ 2016 – 2020, mỗi năm 1.000 triệu đồng/huyện cho duy tu bảo dưỡng nhà và nâng cấp trang thiết bị:
+ 1.000 triệu đồng/huyện/năm x 9 huyện x 5 năm = 45.000 triệu đồng.
* Trạm y tế xã:
*Xây dựng trạm y tế (diện cấp bách):
- Số trạm y tế có nhu cầu xây dựng giai đoạn 2013 – 2015 là 16 trạm. Mỗi năm tỉnh cần xây dựng 5 – 6 trạm, duy tu bảo dưỡng 5 trạm (phụ lục 1).
Xây mới dự tính: 16 trạm x 3.000 triệu đồng/trạm = 48.000 triệu đồng
Duy tu, bảo dưỡng 2.000 triệu đồng /năm x 3 năm = 6.000 triệu đồng
Tổng cộng 54.000 triệu đồng
- Giai đoạn 2016- 2020, có 50 trạm y tế cần nâng cấp, sửa chữa, dự kiến
1000 triệu /1 trạm y tế, tổng kinh phí 50.000 triệu đồng (phụ lục 5).
* Trang thiết bị cho trạm y tế xã (máy siêu âm đen trắng xách tay, trị giá khoảng 350 triệu đồng/máy):
- Giai đoạn 2013 – 2015, trang bị 60 máy siêu âm cho 60 xã, dự kiến cần 21.000 triệu đồng (năm 2011 và 2012 đã trang bị 32 máy siêu âm; tổng 92 máy/181 xã = 50,8% số xã).
- Giai đoạn 2016 – 2020 trang bị cho các xã còn lại, dự kiến cần 32.000 triệu đồng (phụ lục 5).
b) Đào tạo:
- Nhu cầu bác sỹ còn thiếu 110 người để đạt chỉ tiêu 330 bác sỹ, trong đó cần 230 bác sỹ sau đại học (gọi chung là bác sỹ chuyên khoa) để đạt chỉ tiêu 70% có trình độ sau đại học. Hiện đang có 116 bác sỹ sau đại học/215 bác sỹ (54%). Dự kiến cần đào tạo 120 bác sỹ chuyên khoa:
120 người x 15 triệu đồng/người = 1.800 triệu đồng.
Giai đoạn 2013–2015 đào tạo khoảng 50 bác sỹ chuyên khoa = 750 triệu đồng.
Giai đoạn 2016–2020 đào tạo khoảng 80 bác sỹ chuyên khoa = 1.050 triệu đồng từ nguồn kinh phí của đơn vị.
- Đào tạo bác sỹ chuyên tu hệ 4 năm: đến năm 2015 có khoảng 90–100 bác sỹ chuyên tu được đào tạo cho tuyến huyện và xã, tương đương 30 trường hợp/năm, trong đó dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ 15 trường hợp, tỉnh hỗ trợ 15 trường hợp. Mức hỗ trợ 10 triệu đồng/người/năm, trung bình mỗi năm 150 triệu đồng (phụ lục 5).
- Đào tạo các lớp ngắn hạn sử dụng máy siêu âm, máy điện tim, máy xét nghiệm: hỗ trợ 6 triệu đồng/xã x 181 xã = 1.086 triệu đồng.
Giai đoạn 2013 – 2015: kinh phí 540 triệu đồng,
Giai đoạn 2016 – 2020: kinh phí 546 triệu đồng (phụ lục 5).
- Đào tạo nhân viên y tế thôn bản do dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ: mỗi năm mở 4 – 5 lớp, mỗi lớp khoảng 50 học viên. Dự án đã khởi động từ quý II năm 2012 và kết thúc năm 2016.
- Đào tạo tập huấn thường xuyên: theo các chương trình mục tiêu Quốc gia và lồng ghép các chương trình, dự án.
c) Hỗ trợ chi thường xuyên cho trạm y tế và hỗ trợ cho nhân viên y tế tại các tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn:
- Hỗ trợ chi thường xuyên cho mỗi trạm y tế phường, thị trấn tăng thêm 10 triệu đồng/trạm/năm để đạt mức 20 triệu đồng/trạm y tế/năm, bằng mức của các trạm y tế xã:
38 trạm x 10 triệu đồng/trạm/năm = 380 triệu đồng/năm.
Giai đoạn 2016-2020: chi thường xuyên của tất cả các trạm y tế trong tỉnh đạt 30 triệu đồng/trạm/năm. Kinh phí tăng thêm như sau:
38 trạm x 20 triệu đồng/trạm/năm = 760 triệu đồng/năm.
143 trạm x 10 triệu đồng/trạm/năm = 1.430 triệu đồng/năm (phụ lục 5).
- Hỗ trợ cho nhân viên y tế tại các tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn mức 0,15 hệ số lương tối thiểu/tháng:
671 người x 1,050 triệu đồng/người/tháng x 0,15 x 12 tháng = 1.268,190 triệu đồng/năm (làm tròn 1.270 triệu đồng/năm - phụ lục 5).
4. Tiến độ thực hiện đề án:
Giai đoạn 2013 – 2015:
- Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án.
- Xây dựng cơ chế chính sách: thu hút, đào tạo, hỗ trợ y tế thôn bản, chi thường xuyên ...
- Sắp xếp nhân lực, tăng cường đào tạo bác sỹ chuyên khoa cho tuyến huyện và bác sỹ đa khoa cho tuyến xã.
- Cơ bản hoàn thiện cơ sở vật chất, xây mới các trạm y tế bị hư hỏng và duy tu, bảo dưỡng các trạm đã xuống cấp, đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở nhà trạm đạt chuẩn Quốc gia về y tế.
- Trang bị máy siêu âm cho 50% số trạm y tế xã.
- Bước đầu hỗ trợ nhân viên y tế của các tổ dân phố, hỗ trợ chi thường xuyên cho các trạm y tế phường, thị trấn bằng mức chi của trạm y tế xã.
- Về kinh phí (phụ lục 2)
Giai đoạn 2016 – 2020:
- Tuyển dụng đủ biên chế, tiếp tục đào tạo cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ quản lý.
- Tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất cho các đơn vị tuyến huyện.
- Sửa chữa, nâng cấp các trạm y tế còn lại.
- Trang bị đủ số máy siêu âm cho 100% trạm y tế xã.
- Tăng mức chi thường xuyên của các trạm y tế.
- Về kinh phí (phụ lục 2)
Điều 2. Sở Y tế (là cơ quan thường trực của Đề án) phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung của Đề án.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Y tế, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
Phụ biểu số 01:
(Kèm theo Quyết định số: /QĐ-UBND ngày /8/2012 của UBND tỉnh)
CHI TIẾT KINH PHÍ ĐỀN BÙ GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG
I. Tổng kinh phí: 52.447 triệu đồng, gồm các đơn vị sau:
1. Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên: 37.985 triệu đồng để đền bù giải phóng mặt bằng (Quyết định phê duyệt số 2642/QĐ-UBND ngày 31/10/2010 của UBND tỉnh Thái Nguyên)
2. Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Thái Nguyên: 14.462 triệu đồng để đền bù giải phóng mặt bằng (Quyết định phê duyệt số 2751/QĐ-UBND ngày 31/10/2011 của UBND tỉnh Thái Nguyên).
II. Nguồn vốn đầu tư:
- Vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2011-2015 là: 52.447 triệu đồng.
Phụ biểu số 02:
(Kèm theo Quyết định số: /QĐ-UBND ngày /8/2012 của UBND tỉnh)
CHI TIẾT KINH PHÍ MUA SẮM TRANG THIẾT BỊ DẠY NGHỀ
I. Tổng kinh phí: 208.215 triệu đồng, gồm các đơn vị sau:
1. Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên: 60.000 triệu đồng (Quyết định phê duyệt số 2642/QĐ-UBND ngày 31/10/2010 của UBND tỉnh Thái Nguyên)
2. Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Thái Nguyên: 73.215 triệu đồng (Quyết định phê duyệt số 2751/QĐ-UBND ngày 31/10/2011 của UBND tỉnh Thái Nguyên)
3. Các Trung tâm Dạy nghề cấp huyện đầu tư theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:
- Trung tâm Dạy nghề Thành phố Thái Nguyên: 9.000 triệu đồng (được thành lập năm 2010 trên cơ sở chuyển từ Trung tâm GTVL Thành phố).
- Trung tâm Dạy nghề huyện Định Hoá: 5.000 triệu đồng (là huyện miền núi, được cấp đất năm 2009 để đầu tư xây dựng trung tâm).
- Trung tâm Dạy nghề thị xã Sông Công: 3.000 triệu đồng.
- Trung tâm Dạy nghề huyện Phú Lương: 3.000 triệu đồng.
- Trung tâm Dạy nghề huyện Đại Từ: 3.000 triệu đồng.
- Trung tâm Dạy nghề huyện Võ Nhai: 3.000 triệu đồng.
- Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Hỷ: 3.000 triệu đồng.
- Trung tâm Dạy nghề huyện Phú Bình: 3.000 triệu đồng.
- Trung tâm Dạy nghề Thái Nguyên thuộc Sở Lao động-TBXH: 3.000 triệu đồng.
4. 02 Trường trung cấp nghề dự kiến thành lập trên cơ sở nâng cấp từ Trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện là: 40.000 triệu đồng.
II. Nguồn kinh phí: Chương trình mục tiêu Quốc gia (NSTW): 208.215 triệu đồng, trong đó giai đoạn 2011-2015 là: 120.000 triệu đồng, giai đoạn 2011-2015 là: 88.215 triệu đồng.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.