ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2073/QĐ-UBND | Thanh Hóa, ngày 15 tháng 6 năm 2016 |
VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19 - 2016/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA HAI NĂM 2016 - 2017, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 2230/SKHĐT-KTĐN ngày 15 tháng 6 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19-2016/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA HAI NĂM 2016 - 2017, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2073/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa)
Thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 (Nghị quyết) của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết, với những nội dung sau:
1. Mục tiêu
Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, qua đó tạo điều kiện thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
2. Yêu cầu
- Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch hành động đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cán bộ, công chức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh.
- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành trong việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
1. Rà soát, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch; hoàn chỉnh hệ thống cơ chế, chính sách của tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời thực hiện tốt các cơ chế, chính sách do Trung ương ban hành
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh danh mục các dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch (bao gồm quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng...) đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch.
b) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Xây dựng quy định, cơ chế đấu thầu cung cấp dịch vụ công. Hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó quan tâm đến chính sách miễn, giảm tiền thuê đất khi nhà đầu tư thực hiện các dự án.
- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công, báo cáo UBND tỉnh trong quý I/2017.
- Phối hợp với Cục Thuế tỉnh giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về chính sách thuế, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục thuế cho doanh nghiệp; rà soát các loại phí, lệ phí, giá dịch vụ công, nhất là các loại phí, lệ phí liên quan đến cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, môi trường theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý... để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển Thanh Hóa, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
c) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Tham mưu cho UBND tỉnh hoàn chỉnh hệ thống cơ chế chính sách và các quy định về quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai để đầu tư sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
- Phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan rà soát Quy định bảng giá đất thời kỳ 2015 - 2019 trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 4545/2014/QĐ-UBND ngày 18/12/2014, làm cơ sở cho việc xây dựng bảng giá đất hàng năm; đề xuất điều chỉnh theo hướng giảm trừ thuế đất để tạo thuận lợi, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
d) Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ, bồi thường và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn, đảm bảo phù hợp với Luật Đất đai sửa đổi và tình hình thực tế.
- Tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp (KCN).
đ) Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, báo cáo UBND tỉnh trong quý IV/2016.
- Xây dựng chính sách kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, báo cáo UBND tỉnh trong quý I/2017.
e) Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Đề án phát triển dịch vụ logictics tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, trong đó đặc biệt quan tâm đến các cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp logictics, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính Hải quan... báo cáo UBND tỉnh trong năm 2017.
g) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Rà soát, nắm bắt tình hình, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện tốt cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp.
h) Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn mà tỉnh đã ban hành; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách không còn phù hợp nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời nghiên cứu đề xuất ban hành mới các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.
i) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành danh mục các sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao cần khuyến khích đầu tư vào địa bàn tỉnh đến năm 2020.
- Thực hiện đánh giá, xác định danh mục sản phẩm cần khuyến khích, hỗ trợ đổi mới công nghệ đến năm 2020, đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, báo cáo UBND tỉnh trong năm 2016.
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; doanh nghiệp công nghệ cao, báo cáo UBND tỉnh trong quý II/2017.
- Nghiên cứu, xác định danh mục sản phẩm và xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể đến năm 2020, báo cáo UBND tỉnh trong năm 2017.
k) Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan Thanh Hóa, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các chính sách thuế, xuất nhập khẩu, tín dụng của Trung ương trên địa bàn tỉnh thuộc lĩnh vực do ngành mình quản lý; tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách do Trung ương ban hành.
l) Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện:
- Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các đề án tái cơ cấu kinh tế, tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu; quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị..., đảm bảo đồng bộ, thống nhất và liên kết giữa các quy hoạch.
- Điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là quy hoạch mạng lưới giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, quy hoạch chung và chi tiết các khu chức năng trong KKT Nghi Sơn mở rộng, quy hoạch các KCN, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nội bộ vùng, liên vùng trong tỉnh, trong nước và khu vực.
2. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, giảm số lần đi lại, tiết kiệm chi phí cho các nhà đầu tư
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan: Kịp thời triển khai các văn bản của Trung ương nhằm rút ngắn thời gian triển khai thực hiện các quy định mới về cải cách thủ tục hành chính; giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, trong đó tập trung giảm 30 - 50% thời gian giải quyết các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường,... so với quy định của Trung ương, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/9/2016; đồng thời, tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
a) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp, tạo sự minh bạch trong việc áp dụng pháp luật.
- Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật. Đồng thời, rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, bảo đảm hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; đặc biệt rà soát, bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, trái quy định của Luật Đầu tư, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/9/2016.
- Hoàn thành việc chuẩn hóa thủ tục hành chính theo Quyết định số 08/QĐ- TTg ngày 06/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ, công khai thủ tục hành chính đã chuẩn hóa trên các trang thông tin điện tử của tỉnh và tại các cơ quan trước ngày 30/9/2016.
- Phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh rà soát, hoàn thiện các thủ tục hành chính có liên quan đến Bộ luật Tố tụng dân sự 2014, Luật Phá sản 2014 để đẩy nhanh việc giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục, quy trình và rút ngắn thời gian.
b) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Có cơ chế kiểm tra, giám sát các bộ phận liên quan đến việc giải quyết các thủ tục cho tổ chức và cá nhân; rà soát, đào tạo kỹ năng cho đội ngũ cán bộ “một cửa”, “một cửa liên thông”, sắp xếp chuyển đổi vị trí công tác của các cán bộ liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo quy định hiện hành.
- Tiếp tục thực hiện và hoàn thiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại; tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát nhằm rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị.
- Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy định về một số biện pháp chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh trong quý III/2016.
- Xây dựng kế hoạch, thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ công đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước, báo cáo UBND tỉnh vào quý IV hàng năm.
c) Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, hàng năm xây dựng và thống nhất chương trình thanh tra đối với doanh nghiệp, đảm bảo mỗi năm một doanh nghiệp chỉ phải tiếp, làm việc với một đoàn thanh tra, trừ trường hợp thanh tra đột xuất khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
d) Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp xuống còn 20 ngày làm việc (ngày); cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án đầu tư trong nước xuống còn 10 ngày, dự án đầu tư nước ngoài còn 5 ngày; cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh còn 3 ngày.
đ) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát PCCC, Điện lực tỉnh và các đơn vị liên quan:
- Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp theo cơ chế “một cửa liên thông” trong công tác cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng; quy trình thẩm định thiết kế xây dựng theo hướng lồng ghép thủ tục về phòng cháy, chữa cháy, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo UBND tỉnh trong quý IV/2016.
- Tiếp tục rà soát, đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian xin cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 70 ngày (bao gồm cả thời gian lấy ý kiến của các cơ quan liên quan như chấp thuận đấu nối điện, nước, môi trường, phòng cháy, chữa cháy...), rút ngắn thời gian cấp Giấy phép quy hoạch xuống còn 15 ngày (hiện tại 45 ngày), thời gian cấp Giấy phép xây dựng còn 15 ngày (hiện tại 30 ngày)...
e) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp theo mô hình liên thông các thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế, báo cáo UBND tỉnh trong quý IV/2016.
- Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xuống còn 15 ngày; thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống còn 14 ngày, đến năm 2020 giảm xuống còn 10 ngày; thời gian thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) xuống còn 25 ngày; thời gian thẩm định giá đất, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/9/2016.
f) Điện lực Thanh Hóa rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp xuống còn dưới 28 ngày.
g) Cục Hải quan Thanh Hóa rà soát, giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Thực hiện phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo nguyên tắc quản lý trên cơ sở đánh giá rủi ro, áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm; điện tử hóa thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành; kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành và với cơ quan hải quan. Rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu; đến năm 2020, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.
h) Cục thuế Thanh Hóa rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư; rút ngắn thời gian nộp thuế xuống còn 110 giờ/năm, tỷ lệ doanh nghiệp kê khai và nộp thuế điện tử đạt 95%; xây dựng và công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra, bảo đảm 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian quy định.
i) Bảo hiểm Xã hội tỉnh tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giao dịch bảo hiểm xã hội xuống còn 45 giờ vào cuối năm 2016.
3. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch thông tin cho doanh nghiệp
a) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch hành động số 01/KH-UBND ngày 04/01/2016 về thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về chính phủ điện tử; Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 15/02/2016 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020, đảm bảo đến hết năm 2017 cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ở mức độ 3 và 5% ở mức độ 4; đến năm 2020 đạt 30% ở mức độ 4.
- Đẩy mạnh việc công khai, minh bạch thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân; xây dựng kênh đối thoại giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, người dân trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, báo cáo UBND tỉnh trong quý IV/2016.
- Hướng dẫn Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, Đài truyền thanh cơ sở tăng cường đưa thông tin về những nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và kịp thời đưa tin về những mặt được, chưa được của các cấp, các ngành, các đơn vị trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động này.
b) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án mở rộng triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước đến UBND cấp xã.
c) Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Thực hiện tốt lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo Kế hoạch hành động số 01/KH-UBND ngày 04/01/2016 và Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 15/02/2016 của UBND tỉnh.
- Kịp thời công bố, công khai các quy hoạch, cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư và các tài liệu pháp lý liên quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tra cứu, tìm hiểu thông tin; đồng thời công khai kiến nghị và kết quả giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh; kế hoạch tiếp xúc và đối thoại với doanh nghiệp theo chuyên đề, nhất là với các vấn đề bức xúc như: thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng, thuế, tín dụng, lao động, bảo hiểm, tiếp cận điện năng...
- Hoàn thành triển khai trung tâm một cửa liên thông hiện đại ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố và một số đơn vị sở, ngành có nhiều thủ tục hành chính. Tích hợp phần mềm đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính trong việc xây dựng triển khai hệ thống một cửa điện tử.
4. Tổ chức tiếp nhận, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp
a) Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Thực hiện tiếp nhận phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp; kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.
- Thành lập và công khai đường dây nóng, xây dựng mục hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận những phản ánh, thắc mắc và hướng dẫn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
- Tiếp nhận các phản ánh và kiến nghị về giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng của doanh nghiệp. Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh định kỳ tổ chức giao ban, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để nắm tình hình, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Rà soát, đánh giá tình hình và hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã theo chương trình của Trung ương và của tỉnh, nhất là các chính sách hỗ trợ về thuế, vốn tín dụng; trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, khuyến công, khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm của tỉnh, tư vấn xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, các hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng tiếp cận thị trường trong nước và nước ngoài.
b) Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp, thương mại mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh, đăng ký thương hiệu để tạo nên các sản phẩm có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có nhiều cơ hội quảng bá, giao thương sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong tỉnh, trong nước và khu vực; tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận với các dịch vụ khoa học, kỹ thuật, tư vấn pháp lý...
- Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm khuyến công và tiết kiệm năng lượng; tổ chức hội nghị, hội thảo kết nối giữa các công ty dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp với các hội, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp.
- Tăng cường phổ biến các chương trình khuyến công, hỗ trợ thị trường, hàng hóa xuất khẩu cho doanh nghiệp thông qua đầu mối là các tổ chức hội doanh nghiệp và trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên website của các đơn vị.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh trái phép, buôn lậu và gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh.
c) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quỹ đất chưa sử dụng nhằm minh bạch hóa việc tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, làm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
- Hướng dẫn, hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc lập phương án bồi thường GPMB, xác định nguồn gốc đất; thực hiện các cơ chế, chính sách bồi thường GPMB, di dân tái định cư để triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn.
- Tiến hành rà soát các dự án đầu tư chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai; hỗ trợ, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; rà soát, thống kê và thu hồi hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền thu hồi đất của các dự án đầu tư thực hiện chậm trễ, kéo dài, các dự án không triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật, các dự án sử dụng đất sai mục đích, kém hiệu quả, đồng thời đề xuất giải pháp cụ thể đối với các dự án thực hiện chậm do nguyên nhân khách quan, báo cáo UBND tỉnh trong quý IV/2016.
d) Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Tiếp tục đầu tư xây dựng nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trong KKT và các KCN theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, trọng tâm là hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, thông tin liên lạc...
- Tiếp nhận phản ánh, kiến nghị giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng trong KKT và các KCN; kịp thời giải quyết hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
đ) Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, gắn kết hoạt động xúc tiến thương mại với hoạt động khuyến công để đạt hiệu quả cao hơn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; cung cấp thông tin về hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong và ngoài nước, hỗ trợ và tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia, tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh.
- Xây dựng chương trình đối ngoại và xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020, báo cáo UBND tỉnh trong quý IV/2016.
e) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền hình hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin, xây dựng và quảng bá hình ảnh, thương hiệu, tôn vinh doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật và đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
f) Hiệp hội doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề:
- Kiện toàn, đổi mới nội dung và hình thức hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, làm tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước.
- Tập hợp các khó khăn, vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất và nhu cầu hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp để đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.
- Tích cực hợp tác, tăng cường đối thoại với chính quyền các cấp, tạo cơ chế thông tin hiệu quả, góp phần xây dựng bộ máy cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh hoạt động hiệu quả và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển.
g) Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cải cách quy trình, thủ tục cho vay vốn, giảm phí giao dịch theo hướng đơn giản, thuận tiện, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất hợp lý; ưu tiên nguồn vốn vay đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, phát triển công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động... Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp.
1. Trên cơ sở những nội dung chủ yếu trong Kế hoạch hành động này, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo xây dựng Kế hoạch hành động của ngành, địa phương mình và cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm, bố trí đủ nguồn nhân lực và các điều kiện đảm bảo hoàn thành những công việc được giao chủ trì thực hiện; định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp).
2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đôn đốc, kiểm tra các sở, ban, ngành, các địa phương thực hiện Kế hoạch hành động này; định kỳ hàng quý tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện và đề xuất UBND tỉnh giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh, đảm bảo Kế hoạch được thực hiện đồng bộ và hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.