ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2072/QĐ-UBND | Thái Bình, ngày 24 tháng 09 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH THÁI BÌNH NĂM 2014.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
Căn cứ Công văn số 1943/BTTTT-CNTT ngày 04/7/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn, xây dựng kế hoạch phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin năm 2014;
Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 44/TTr- STTTT ngày 16/9/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Thái Bình năm 2014.
Điều 2. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện Kế hoạch này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; các Giám đốc Sở: Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
KẾ HOẠCH
ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH THÁI BÌNH, NĂM 2014.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2072/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
I. CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH
- Luật Công nghệ thông tin;
- Luật Giao dịch điện tử;
- Nghi định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong (CNTT) hoạt động của cơ quan nhà nước;
- Quyết định số 3253/QĐ-UBND ngày 28/12/2007 của UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt Qui hoạch phát triển CNTT tỉnh Thái Bình đến năm 2020 và Qui hoạch phát triển CNTT tỉnh Thái Bình đến năm 2020;
- Quyết định số 1605/QĐ-TTg , ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015;
- Quyết định số 1755/QĐ-TTg , ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”;
- Quyết định số 855/QĐ.GV-UBND ngày 19/5/2010 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011-2015;
- Quyết định số 2151/QĐ-UBND ngày 07/9/2012 của UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt Kế hoạch Phát triển và ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Thái Binh năm 2013, giai đoạn 2013-2015;
- Quyết định số 1047/QĐ-UBND ngày 13/6/2011 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” tại tỉnh Thái Bình;
- Quyết định số 818/QĐ-UBND ngày 04/5/2013 của UBND tỉnh phê duyệt Lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020;
- Công văn số 1943/BTTTT-CNTT , ngày 4/7/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin năm 2014; Công văn số 1605/UBND-TH, ngày 10/7/2013 của UBND tỉnh Thái Bình về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin năm 2014;
- Hiện trạng ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh Thái Bình.
II. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH THÁI BÌNH.
1. Hiện trạng
Sau gần 3 năm thực hiện Quyết định số 1605/QĐ-TTg , ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Thái Bình đã đạt được các kết quả sau:
1.1. Về cơ sở pháp lý:
Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản sau:
- Quyết định số 855/QĐ.GV-UBND ngày 15/5/2010 phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011 - 2015;
- Quyết định số 1047/QĐ-UBND ngày 13/6/2011 triển khai Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” của tỉnh Thái Bình;
- Quyết định số 1411/QĐ-UBND ngày 22/7/2011 phê duyệt kế hoạch triển khai chương trình phát triển Công nghiệp phần mềm và Công nghiệp nội dung số của tỉnh Thái Bình năm 2012;
- Quyết định số 2151/QĐ-UBND ngày 07/9/2012 phê duyệt Kế hoạch Phát triển và ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Thái Bình năm 2013, giai đoạn 2013 - 2015;
- Quyết định số 818/QĐ-UBND ngày 04/5/2013 phê duyệt Lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020;
- Quyết định số 746/QĐ-UBND ngày 23/4/2013 phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại các huyện thuộc tỉnh Thái Bình giai đoạn 2013-2014.
1.2. Hiện trạng cơ sở hạ tầng kỹ thuật
- Hạ tầng mạng LAN của các sở, ban, ngành tương đối hoàn chỉnh, sẵn sàng kết nối thành mạng WAN của tỉnh. Tuy nhiên, mạng LAN của các huyện, thành phố cần được đầu tư hơn nữa để có thể kết nối vào mạng diện rộng WAN của tỉnh (khi được đầu tư xây dựng), đảm bảo cơ sở hạ tầng để triển khai ứng dụng CNTT từ tỉnh đến huyện và đến xã.
- Hạ tầng đường truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh đã được đầu tư tại 52 điểm, trong đó có 12 điểm cáp quang, còn lại là cáp đồng. Tuy nhiên, do nhu cầu liên thông các ứng dụng CNTT giữa cơ quan nhà nước chưa nhiều, thủ tục và giá cước đường truyền ban hành chưa đầy đủ nên số lượng các đơn vị sử dụng đường truyền này còn thấp, khó khăn trong việc triển khai mạng WAN cho tỉnh.
Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đã được quan tâm đầu tư nên phần lớn cơ sở dữ liệu của các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh như: Hệ thống thư điện tử, Hệ thống Cổng thông tin điện tử, hệ thống Mạng văn phòng điện tử liên thông, hệ thống một cửa điện tử,.... đã được cài đặt, tích hợp trong Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần triển khai thành công mô hình Chính phủ điện tử của tỉnh.
- Mạng văn phòng điện tử liên thông của tỉnh được đầu tư máy chủ có cấu hình cao, thiết bị lưu trữ dữ liệu và thiết bị phần cứng có liên quan được đầu tư hiện đại đáp ứng mọi yêu cầu trong hoạt động, điều hành của các cơ quan thuộc tỉnh tính đến thời điểm hiện tại.
- Hệ thống thư điện tử của tỉnh đang được đầu tư để thay thế máy chủ của Đề án 112 đã quá cũ, xuống cấp, cấu hình thấp. Đồng thời trang bị thiết bị bảo mật và lọc thư rác chuyên dụng cho Hệ thống thư điện tử của tỉnh để tăng cường bảo mật trong quá trình sử dụng.
- Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã được triển khai với công nghệ hiện đại. Thông tin trên cổng thông tin điện tử đã được cập nhật thường xuyên, chủ yếu theo chuyên trang, chuyên mục nhưng cũng cơ bản đáp ứng được các quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP. Tuy nhiên, dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh mới chủ yếu ở mức độ 2 (mức độ xem thông tin dịch vụ công và tải các biểu mẫu dịch vụ công) chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của mọi doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
- Đối với một số đơn vị đặc thù: Ngân hàng, tài chính, kho bạc, bưu điện, điện lực... chủ yếu thiết kế theo chỉ đạo chung của cấp trên ở Trung ương, mạng khá lớn và phức tạp, đúng tiêu chuẩn và đáp ứng yêu cầu tác nghiệp của đơn vị;
- Các đại lý Internet công cộng và các hộ gia đình hiện đang sử dụng Internet trên địa bàn đều sử dụng đường truyền Internet tốc độ cao hoặc cáp quang.
1.3. Hiện trạng ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp
- Nhìn chung, trang thiết bị cơ bản về CNTT mà chủ yếu là máy vi tính đã đáp ứng được khoảng 90% nhu cầu (trong khối các cơ quan nhà nước cấp tỉnh hiện nay, đa số các cơ quan khoảng 1,1 người đã có 1 máy vi tính). Ở cấp huyện, tỷ lệ này thấp hơn;
- Thái Bình đã triển khai xây dựng một số điểm ”một cửa liên thông” trên địa bàn. Ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận “một cửa” của các đơn vị từ tỉnh đến huyện còn ở mức thấp, chủ yếu là để soạn thảo văn bản. Ứng dụng công nghệ thông tin để liên thông giải quyết thủ tục hành chính hầu như chưa thực hiện. Các bộ phận “một cửa” của các cơ quan nhà nước hầu hết chưa sử dụng phần mềm, chủ yếu ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc như nhập hồ sơ vào máy tính và hẹn ngày trả kết quả;
- Phần mềm một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư và cơ sở hạ tầng CNTT của Bộ phận một cửa liên thông của tỉnh đang được xây dựng và sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2013 sẽ góp phần đắc lực trong công cuộc cải cách hành chính của tỉnh.
- Hệ thống thư điện tử của tỉnh với 3.403 địa chỉ thư điện tử của cán bộ công chức trong các cơ quan nhà nước và cơ quan Đảng, đoàn thể trên địa bàn đang hoạt động ổn định với hơn 60.000 lượt truy cập/năm, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, tính toàn vẹn dữ liệu và được quản trị tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử của tỉnh đang được đầu tư xây dựng chuyên trang tiếng Anh để có thể cung cấp thông tin trực tiếp và nhanh nhất đến các tổ chức, cá nhân người nước ngoài nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình.
- Mạng văn phòng điện tử liên thông được triển khai sử dụng tại 27 cơ quan nhà nước và 41 cơ quan thuộc tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả điều hành và quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực của tỉnh.
- Nhiều cuộc họp giao ban điện tử đa phương tiện giữa Ủy ban nhân dân tỉnh với Chính phủ; giữa các sở, ngành với các Bộ, ngành Trung ương được thực hiện trên môi trường mạng Internet đã mang lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm chi phí.
1.4. Hiện trạng công nghiệp CNTT của Thái Bình
- Công nghiệp phần cứng ở Thái Bình mới chỉ đang ở mức độ lắp ráp thủ công, chưa có sản xuất linh kiện và các thiết bị phụ trợ. Hoạt động lắp ráp máy móc, thiết bị tin học tập trung ở các công ty trách nhiệm hữu hạn. Giá trị sản xuất của công nghiệp phần cứng chiếm tỷ trọng không đáng kể trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh;
- Công nghiệp phần mềm của Thái Bình chưa có. Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với một số đối tác xây dựng phần mềm dùng chung của tỉnh để chuyển giao công nghệ, tiến tới có thể làm chủ công nghệ trong thời gian tới.
- Trong lĩnh vực nội dung số: Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã cơ bản đáp ứng việc cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu của người dân và doanh nghiệp. Bộ thủ tục hành chính của cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) với 1.409 thủ tục và các biểu mẫu liên quan được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, với 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 2. Đã xây dựng và đưa vào sử dụng 6 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 để phục vụ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh;
+ Tỉnh Thái Bình đã có một số Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường và một số Cơ sở dữ liệu khác nhưng chưa được quản lý tập trung tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh;
+ Sàn giao dịch thương mại điện tử và các trang thông tin điện tử của các doanh nghiệp trên địa bàn được xây dựng trong các năm qua đã góp phần đắc lực hỗ trợ doanh nghiệp và nhân dân Thái Binh trong thời gian tới.
1.5. Hiện trạng nguồn nhân lực CNTT ở Thái Bình
- Trong các năm gần đây, số lượng cán bộ công chức được đào tạo về CNTT ngày càng tăng nhanh do các dự án về CNTT của các cơ quan trong tỉnh đều xây dựng kinh phí giành cho đào tạo và chuyển giao công nghệ. Hiện tại, hầu hết cán bộ, công chức trong khối cơ quan nhà nước có nhu cầu sử dụng máy tính đều đã qua các khóa đào tạo tin học dành cho người sử dụng (chủ yếu là chương trình tin học văn phòng, các phần mềm dùng chung của tỉnh và phần mềm chuyên ngành) đảm bảo đáp ứng yêu cầu cho việc tìm kiếm, trao đổi, xử lý thông tin thông qua mạng Internet;
- Nhiều cơ quan sở, ngành ở tỉnh đã có cán bộ chuyên môn về CNTT hoặc cán bộ kỹ thuật có khả năng tốt để duy trì hoạt động thường xuyên của hệ thống CNTT nên đã phần nào đáp ứng được yêu cầu công tác. Đội ngũ cán bộ này tương đối đủ khả năng quản trị Cổng thông tin điện tử, các cơ sở dữ liệu và hướng dẫn sử dụng phần mềm dùng chung, phần mềm chuyên ngành cho cán bộ công chức trong cơ quan, đơn vị;
- Hầu hết cán bộ, công chức đều có hộp thư điện tử trong hệ thống thư điện tử của tỉnh, mỗi năm có hơn 60.000 lượt cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử để trao đổi thông tin phục vụ công tác;
- Có khoảng 90% cán bộ, công chức cấp tỉnh, 80% cán bộ, công chức cấp huyện thường xuyên sử dụng máy tính vào công việc: soạn thảo văn bản, tra cứu, tìm kiếm thông tin trên mạng Internet và sử dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh;
- Trình độ dân trí của Thái Bình tương đối cao, Thái Bình có khoảng 200 làng nghề và nhiều làng nghề đã ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh như chạm bạc Đồng Xâm, thêu Minh Lãng, dệt Thái Phương, dệt đũi Nam Cao, đúc đồng An Lộc, đan mũ ở Tây An, vùng nghề dệt chiếu Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Đông Hưng. Vì vậy tỷ lệ người dân biết sử dụng Internet để tìm kiếm và trao đổi thông tin trong những năm gần đây ngày càng có chiều hướng phát triển.
2. Đánh giá
2.1. Mặt mạnh
- 100% các cơ quan nhà nước ở cấp tỉnh, huyện đều đã xây dựng, đưa vào vận hành mạng máy tính cục bộ có kết nối Intermet độ cao (ADSL hoặc FTTH). 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn đã sử dụng Mạng văn phòng điện tử liên thông của tỉnh trong quản lý và điều hành công việc. 95% các cơ quan nhà nước đã sử dụng chữ ký số để xác thực văn bản gửi liên thông trên Hệ thông Mạng văn phòng điện tử liên thông của tỉnh;
- Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh đã đi vào hoạt động ổn định;
- Nhiều sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh đã tích cực sử dụng một số phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn bước đầu có hiệu quả;
- Các ngành kinh tế, dịch vụ trọng yếu của tỉnh đã được đầu tư ứng dụng và phát triển CNTT theo sự chỉ đạo ngành dọc, việc đầu tư được tiến hành đồng bộ;
- Hầu hết các cơ quan đảng, tổ chức chính trị- xã hội, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp, trường học, cơ sở y tế trên địa bàn đều đã trang bị nhiều máy tính, có kết nối Internet tốc độ cao để phục vụ nhu cầu công tác;
- Số người sử dụng thành thạo máy tính trong công việc ngày càng tăng trong đội ngũ cán bộ, công chức;
- Nguồn nhân lực của tỉnh Thái Bình rất dồi dào, có học vấn khá, văn hóa truyền thống phong phú đa dạng;
- Truy cập Internet tăng rất nhanh cả về cung cấp dịch vụ kết nối, số thuê bao, người sử dụng và nhu cầu khai thác thông tin;
- Các dự án CNTT lớn của Thái Bình được quan tâm đầu tư kinh phí vì vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển CNTT-TT của tỉnh giai đoạn 2011-2015 và các năm tiếp theo;
- Cổng thông tin điện tử của tỉnh, hệ thống thư điện tử của tỉnh, mạng văn phòng điện tử liên thông của tỉnh chính thức đi vào hoạt động và hoạt động nền nếp đã góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tác nghiệp trên cơ sở phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
2.2. Mặt yếu
- Thái Bình chưa có chính sách hỗ trợ cho việc phát triển và ứng dụng CNTT của tỉnh và chưa có danh mục chi ngân sách thường xuyên cho CNTT;
- Các cơ chế, chính sách để quản lý và phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực CNTT còn thiếu và phát huy hiệu lực chưa cao;
- Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh chưa được đầu tư các thiết bị chuyên dùng cho bảo mật và an toàn thông tin, do đó vẫn tiềm ẩn nhiều khả năng mất an toàn thông tin cho các cơ sở dữ liệu và các hệ thống dùng chung của tỉnh;
- Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước nói riêng và trên toàn xã hội nói chung đã triển khai từ nhiều năm nay nhưng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vẫn rất ít, các thủ tục hành chính vẫn còn chủ yếu giải quyết trên giấy tờ, các phần mềm chuyên ngành khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn;
- Các dịch vụ hành chính công trực tuyến phần lớn ở mức thấp, công tác tuyên truyền đến người dân còn hạn chế;
- Ứng dụng CNTT phục vụ sản xuất kinh doanh còn yếu. Các doanh nghiệp ở Thái Bình chưa thực sự chuẩn bị cho thương mại điện tử;
- Cán bộ chuyên trách về CNTT trong cơ quan nhà nước các cấp, trong giáo dục, y tế và trong các doanh nghiệp còn thiếu và yếu.
2.3. Các khó khăn hiện tại cần khắc phục
- Ngân sách đầu tư cho CNTT còn gặp nhiều khó khăn, việc huy động nguồn nội lực và kêu gọi thu hút ngoại lực cho đầu tư phát triển CNTT còn hạn chế làm cho việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển CNTT của tỉnh còn ở mức độ hạn chế;
- Cán bộ công tác trong lĩnh vực CNTT chưa có chế độ đãi ngộ, không được hưởng phụ cấp độc hại và phụ cấp nghề nên chưa thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao về công tác tại các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh;
- Công nghiệp của Thái Bình chưa đủ mạnh, chưa lôi kéo được nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường công nghiệp CNTT;
- Trình độ phổ cập về CNTT của người dân và doanh nghiệp còn yếu, vì vậy các dịch vụ công trực tuyến đang cung cấp trên Cổng thông tin điện tử chưa được sử dụng nhiều trong thực tiễn, nhất là các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên;
- Thương mại điện tử chưa thực sự phát triển, số doanh nghiệp có trang thông tin điện tử còn ít, các doanh nghiệp chưa chú trọng quảng bá thương hiệu sản phẩm qua Internet;
- CNTT chưa kích thích được nhu cầu sử dụng ở vùng nông thôn, trong làng nghề và khu dân cư.
III. KẾ HOẠCH ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CNTT TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH THÁI BÌNH NĂM 2014
1. Quan điểm và mục tiêu
1.1. Quan điểm
- Kế hoạch Ứng dụng và phát triển CNTT trong các cơ quan nhà nước năm 2014 là cụ thể hóa của Kế hoạch Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011-2015, Kế hoạch Phát triển và ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Thái Bình năm 2013, giai đoạn 2013 - 2015, Kế hoạch triển khai Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” tại tỉnh Thái Bình nhằm góp phần xây dựng một chính quyền hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, công khai và minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh;
- Kế hoạch Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Thái Bình năm 2014 phải có tính khả thi, đồng bộ trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và có tính kế thừa các dự án đầu tư trong các giai đoạn trước;
- Cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông phải được ưu tiên phát triển, bảo đảm công nghệ hiện đại, quản lý và khai thác hiệu quả, nhằm đáp ứng các nhu cầu của phát triển và ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh;
- Phát triển nguồn nhân lực về CNTT là yếu tố quyết định đối với việc phát triển và ứng dụng CNTT, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh;
- Kế hoạch Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Thái Bình năm 2014 phải gắn với quá trình cải cách hành chính và lồng ghép vào các kế hoạch dài hạn của tỉnh, của các cấp, các ngành;
- Kế hoạch phải phù hợp với khuôn mẫu về mô hình chính quyền điện tử cấp địa phương, phù hợp với các quy định về các CSDL quốc gia, đảm bảo sự tương thích hoạt động và các quy định về an toàn bảo mật thông tin;
- Thái Bình cần sự hỗ trợ vốn của Trung ương cho một số nội dung của Kế hoạch để đảm bảo phù hợp với tình hình ngân sách của địa phương.
2.1. Mục tiêu đến hết năm 2014
a) Mục tiêu tổng quát
- Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin góp phần quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững của Thái Bình, trong đó chú trọng đến sự phát triển bền vững của môi trường;
- Thái Bình ưu tiên cho phát triển công nghiệp CNTT, khuyến khích các đơn vị sự nghiệp, một số doanh nghiệp trong tỉnh chủ động hướng đến lập trình phần mềm, xây dựng các dây chuyền lắp ráp thiết bị CNTT nhằm tạo ra được những sản phẩm CNTT có chất lượng, có tính cạnh tranh trên thị trường;
- Tăng tổng sản lượng của ngành thông tin và truyền thông trong đó có công nghiệp CNTT và doanh thu các dịch vụ viễn thông.
b) Mục tiêu cụ thể
* Nâng cao năng lực điều hành, quản lý của các cơ quan nhà nước.
- 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện sử dụng có hiệu quả Mạng Văn phòng điện tử liên thông trong phục vụ quản lý, điều hành, tác nghiệp và trao đổi văn bản điện tử; 100% các cơ quan nhà nước thực hiện ký số trong quy trình ban hành văn bản;
- 100% Ủy ban nhân dân các xã và công chức cấp xã được sử dụng và sử dụng có hiệu quả Hệ thống thư điện tử của tỉnh trong quản lý và trao đổi văn bản điện tử;
- Xây dựng được các CSDL chuyên ngành, trọng điểm phục vụ cho sự điều hành, quản lý của các cơ quan nhà nước;
* Phát triển hệ thống các dịch vụ công phục vụ cho nhân dân và doanh nghiệp.
- Hoàn thiện hơn nữa Cổng thông tin điện tử để phục vụ người dân tra cứu, khai thác thông tin; tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo Lộ trình cung cấp dịch vụ công trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt;
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại các huyện thuộc tỉnh giai đoạn 2013-2014; từng bước ứng dụng đồng bộ các phần mềm “một cửa”, “một cửa liên thông” tại các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh; Phát huy hiệu quả của phần mềm một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư tại của tỉnh.
- Tăng cường tuyên truyền để 80% người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, 100% người dân và doanh nghiệp biết về các dịch vụ công trực tuyến.
* Từng bước phát triển công nghiệp CNTT
Hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp trong tỉnh xây dựng các dây chuyền, công nghệ lắp ráp thiết bị CNTT và phát triển các phần mềm ứng dụng CNTT.
* Triển khai ứng dụng các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin
- Tăng cường đầu tư các thiết bị, triển khai các giải pháp để xây dựng hệ thống mạng bảo mật đảm bảo khả năng hoạt động liên tục và đảm bảo an ninh thông tin cho Trung tâm tích hợp dữ liệu. Nâng cao khả năng sẵn sàng của hệ thống mạng, hệ thống ứng dụng. Thực hiện việc sao lưu dự phòng cho các máy chủ dịch vụ.
- Ứng dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng để chứng thực nguồn gốc các hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung của tỉnh nhằm bảo mật, mã hóa các thông tin, dữ liệu trên đường truyền, chống lại sự can thiệp không mong muốn giữa các hệ thống và người sử dụng hệ thống; Ứng dụng chữ ký số trong quy trình ban hành văn bản của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
2. Nội dung cơ bản của Kế hoạch Ứng dụng và phát triển CNTT năm 2014.
Năm 2014 tỉnh Thái Bình ưu tiên thực hiện các nội dung sau:
2.1. Về hạ tầng kỹ thuật
a) Nâng cấp Cổng thông tin điện tử của tỉnh
Hoàn thiện, nâng cấp Cổng thông tin điện tử của tỉnh để đáp ứng đúng các quy định trong Nghị định 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ, trên cơ sở phát huy hiệu quả hoạt động Cổng thông tin điện tử của tỉnh để đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin của mọi người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
b) Xây dựng cơ chế sao lưu dữ liệu dự phòng Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh
- Thuê máy chủ và đường truyền trên IDC của Viettel hoặc VDC trên cơ sở xây dựng giải pháp dự phòng cho 3 hệ thống dùng chung của tỉnh tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đó là Hệ thống thư điện tử, Hệ thống Cổng thông tin điện tử của Hệ thống Mạng văn phòng điện tử liên thông nhằm mục tiêu dự phòng khi Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh xảy ra sự cố ngừng hoạt động hoàn toàn thì vẫn có hệ thống dự phòng để đảm bảo hoạt động của các hệ thống dùng chung của tỉnh không bị gián đoạn các hoạt động
- Hàng năm kinh phí chi cho hạng mục này được cấp bổ sung vào kinh phí sự nghiệp của Sở Thông tin và Truyền thông.
c) Nâng cấp đồng bộ mạng LAN của các cơ quan nhà nước đến cấp xã
- Xây dựng đồng bộ hệ thống mạng LAN tốc độ cao (100MBps) tại tất cả các cơ quan đơn vị từ cấp huyện trở lên thành mạng diện rộng (WAN) của tỉnh để đáp ứng việc triển khai các hệ thống thông tin, các Cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, điều hành và tác nghiệp tại các cơ quan, theo ngành dọc và kết nối liên ngành; nâng cao hiệu quả công tác;
- Nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật: Mạng LAN, thiết bị tin học, đường truyền cho các xã, phường, thị trấn nhằm đáp ứng việc triển khai các ứng dụng CNTT đến cấp xã.
2.2. Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin
a) Xây dựng hệ thống bảo mật, an toàn thông tin của Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh
Tăng cường đầu tư các thiết bị, triển khai các giải pháp để đảm bảo an toàn thông tin cho Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh bao gồm:
- Nâng cấp hệ thống chuyển mạch chính, đảm bảo khả năng đáp ứng về lưu lượng ngày càng lớn của Trung tâm tích hợp dữ liệu và khả năng sẵn sàng cho toàn bộ hệ thống;
- Nâng cấp thiết bị tường lửa ngăn chặn tổng hợp các hiểm họa (UTM firewall) tích hợp các dịch vụ mạng riêng ảo. Thiết kế lại các chính sách an toàn bảo mật cho hệ thống;
- Xây dựng hệ thống bảo mật chuyên dụng cho các ứng dụng web;
- Xây dựng hệ thống quản lý giám sát tập trung cho tất cả các thiết bị trong trung tâm tích hợp dữ liệu;
Đầu tư thư viện băng từ và hệ thống sao lưu dự phòng cho các máy chủ dịch vụ. Thiết lập chính sách sao lưu dự phòng tự động.
b. Ứng dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng để chứng thực nguồn gốc các hệ thống CNTT dùng chung và trong quy trình ban hành văn bản.
- Ứng dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng để chứng thực nguồn gốc các hệ thống CNTT dùng chung như Cổng thông tin điện tử, Hệ thống thư điện tử...
- Đăng ký để lãnh đạo các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh có thể sử dụng chữ ký số trong quy trình ban hành văn bản.
2.3. Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước
- Triển khai phần mềm Mạng văn phòng điện tử liên thông và Hệ thống thư điện tử của tỉnh đến cấp xã để quản lý văn bản và phục vụ công tác điều hành, quản lý liên thông từ cấp tỉnh, huyện đến xã;
- Phát triển và chuyển giao phần mềm “một cửa”, “một cửa liên thông” cho các cơ quan nhà nước;
2.4. Tăng cường phát triển công nghiệp CNTT
- Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh tạo điều kiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh khai thác có hiệu quả các thông tin trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao một cách hiệu quả, ngày càng công khai, minh bạch hơn;
- Xây dựng, triển khai các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành và tích hợp trong Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh;
2.5. Nguồn nhân lực cho phát triển và ứng dụng CNTT
- Đào tạo cán bộ lãnh đạo thông tin (CIO - Chief Information Officer) để thực hiện tốt các dự án CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử;
- Tổ chức hội thảo, đào tạo để nâng cao nhận thức về an toàn thông tin;
- Cử cán bộ công nghệ thông tin đi dự các lớp đào tạo chuyên sâu về bảo mật và an toàn thông tin;
- Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức sử dụng các ứng dụng CNTT cho cán bộ công chức trong các cơ quan nhà nước.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Giải pháp tài chính
- Căn cứ vào yêu cầu phải đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh; trong năm 2014, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu trình UBND tỉnh bố trí và phân bổ kinh phí từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn sự nghiệp, vốn khoa học công nghệ cho các nhiệm vụ, dự án ứng dụng CNTT thuộc tỉnh làm cơ sở để thực hiện Kế hoạch này;
- Huy động các nguồn vốn xây dựng cơ bản, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học, huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp để thực hiện các nội dung của Kế hoạch.
2. Giải pháp triển khai: tăng cường xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển CNTT
- Ban hành Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về cơ chế chính sách để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước tỉnh Thái Bình;
- Có chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, trong nước và trong tỉnh đầu tư vào CNTT, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: khuyến khích các doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng CNTT ở vùng nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất các phần mềm, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tăng đầu tư cho ứng dụng CNTT;
- Có chính sách thu hút nguồn nhân lực CNTT: Quy định hưởng chế độ phụ cấp đặc thù đối với các cán bộ công chức có bằng chuyên môn về CNTT, điện tử viễn thông hoặc tương đương, được phân công trực tiếp quản lý, điều hành việc ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước.
3. Giải pháp tổ chức
- Kiện toàn bộ máy cán bộ công tác trong lĩnh vực CNTT các cấp: tuyển dụng, đào tạo, đào tạo nâng cao cho cán bộ thuộc lĩnh vực CNTT của các cơ quan nhà nước.
- Xây dựng các chính sách thu hút nguồn nhân lực cho phát triển và ứng dụng CNTT.
V. KHÁI TOÁN KINH PHÍ:
Đơn vị tính: triệu đồng
Số TT | Các Dự án, công trình | Đơn vị chủ trì thực hiện | Đơn vị phối hợp thực hiện | Tổng kinh phí | ||
Tổng | Chia ra | |||||
ĐP | TW | |||||
1. | Về hạ tầng kỹ thuật |
|
| 4.000 | 3.500 | 500 |
1.1 | Nâng cấp Cổng thông tin điện tử của tỉnh | Sở Thông tin và Truyền thông |
| 1.000 | 1.000 |
|
1.2 | Xây dựng hệ thống sao lưu dữ liệu dự phòng Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh | Sở Thông tin và Truyền thông |
| 500 | 500 |
|
1.3 | Xây dựng Mạng WAN của tỉnh | Sở Thông tin và Truyền thông | - VP UBND tỉnh - Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố | 2.500 | 2.000 | 500 |
2. | Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn an ninh thông tin |
|
| 4.150 | 4.150 |
|
2.1 | Xây dựng hệ thống bảo mật, an toàn thông tin của Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh | Sở Thông tin và Truyền thông | - VP UBND tỉnh | 4.000 | 4.000 |
|
2.2 | Ứng dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng chứng thực nguồn gốc các hệ thống CNTT dùng chung và trong quy trình ban hành văn bản | Sở Thông tin và Truyền thông | - VP UBND tỉnh - Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố | 150 | 150 |
|
3. | Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước |
|
| 2.200 | 1.200 | 1.000 |
3.1 | Triển khai phần mềm Mạng văn phòng điện tử liên thông và Hệ thống thư điện tử của tỉnh đến cấp xã | Sở Thông tin và Truyền thông | - Các xã, phường, thị trấn | 200 | 200 |
|
3.2 | Phát triển và chuyển giao phần mềm “một cửa”, “một cửa liên thông” cho các cơ quan nhà nước | Sở Thông tin và Truyền thông | - VP UBND tỉnh - Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố | 2.000 | 1.000 | 1.000 |
4. | Ưu tiên cho phát triển Công nghiệp CNTT |
|
| 2.900 | 2.400 | 500 |
4.1 | Xây dựng 12 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 01 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh | Sở Thông tin và Truyền thông | - Các sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp | 1.900 | 1.900 |
|
4.2 | Xây dựng một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành | UBND tỉnh | - VP UBND tỉnh - Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố | 1.000 | 500 | 500 |
5. | Đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển và ứng dụng CNTT | UBND tỉnh | - VP UBND tỉnh - Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố | 1.000 | 500 | 500 |
| Tổng (1+2+3+4+5) |
|
| 14.250 | 11.750 | 2.500 |
Tổng kinh phí: 14.250.000.000 đồng (Mười bốn tỷ, hai trăm năm mươi triệu đồng chẵn); trong đó: kinh phí Trung ương 2.500.000.000 đồng, kinh phí địa phương 11.750.000.000 đồng.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
- Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị có liên quan tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh để cân đối tổng hợp các nguồn lực, đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư khi Kế hoạch được phê duyệt;
- Các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn căn cứ vào Kế hoạch này xây dựng Kế hoạch Ứng dụng và phát triển CNTT năm 2014 cho đơn vị mình. Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các dự án phát triển và ứng dụng CNTT khi được phân công.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.