ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2055/QĐ-UBND | Bình Thuận, ngày 18 tháng 10 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÁC SẢN PHẨM LỢI THẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 72/2001/QĐ-UBBT ngày 12 tháng 11 năm 2001 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Chương trình phát triển các sản phẩm lợi thế của tỉnh giai đoạn 2001-2010;
Căn cứ Quyết định số 140/QĐ-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012;
Căn cứ Quyết định số 358/QĐ-UBND ngày 16 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận năm 2012;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 2861/SKHĐT-KH ngày 24 tháng 9 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Chương trình phát triển các sản phẩm lợi thế trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2020. (có Chương trình chi tiết kèm theo)
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Công thương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
CHƯƠNG TRÌNH
PHÁT TRIỂN CÁC SẢN PHẨM LỢI THẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2055/QĐ-UBND ngày 18 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)
Phần I:
MỞ ĐẦU
I. Sự cần thiết ban hành Chương trình phát triển sản phẩm lợi thế:
Xác định các sản phẩm lợi thế của tỉnh có ý nghĩa quan trọng trong việc khai thác tiềm năng, phát huy nội lực và thu hút đầu tư từ bên ngoài làm khơi dậy và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân trong tỉnh. Xác định các sản phẩm lợi thế, trong lãnh đạo, điều hành sẽ có định hướng và các giải pháp tập trung đầu tư, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để tạo điều kiện cho các sản phẩm có lợi thế phát triển mạnh mẽ, ngày 12 tháng 11 năm 2001, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-UBBT phê duyệt Chương trình phát triển các sản phẩm lợi thế tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2001 - 2010, theo đó đã xác định trên địa bàn tỉnh có 9 sản phẩm lợi thế, bao gồm: Điều, thanh long, bông vải, nguyên liệu rừng, chế biến thủy sản, tôm thịt và tôm giống, muối công nghiệp, nước khoáng Vĩnh Hảo và du lịch.
Đến tháng 5 năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh đã rà soát lại các sản phẩm lợi thế, qua đó xác định lại còn 8 sản phẩm lợi thế, gồm: Điều, thanh long, cao su, chế biến thuỷ sản, tôm giống, muối công nghiệp, nước khoáng Vĩnh Hảo và du lịch (đã đưa ra 02 sản phẩm: Bông vải và nguyên liệu rừng; bổ sung 01 sản phẩm: Cây cao su).
Đến năm 2012, một số sản phẩm lợi thế đã có sự tăng trưởng khá, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đáng chú ý là các sản phẩm thuộc công nghiệp chế biến, du lịch và một số sản phẩm nông nghiệp phát triển nhanh và ổn định, như: Sản phẩm cao su, thanh long. Bên cạnh đó, các sản phẩm: Cây điều và muối công nghiệp đang mất dần lợi thế, tốc độ tăng trưởng chậm, luôn sụt giảm, thiếu ổn định và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Riêng các sản phẩm mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương đề xuất bổ sung vào Danh mục các sản phẩm lợi thế của tỉnh trong thời gian đến, vì hiện nay sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có thể phát triển sản xuất thành một vùng rộng lớn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhân dân (như: Con dông, cá tầm), cũng như còn nhiều hạn chế, khó khăn (như: Điện gió, titan), chưa phải là những sản phẩm chủ lực của tỉnh
Do đó, căn cứ đề xuất của các sở, ngành và tình hình phát triển sản phẩm lợi thế của tỉnh trong những năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định 06 sản phẩm: Cao su, thanh long, chế biến thủy sản xuất khẩu, tôm giống, nước khoáng Vĩnh Hảo, du lịch là những sản phẩm chủ lực, đưa vào Chương trình phát triển các sản phẩm lợi thế của tỉnh đến năm 2020 và tập trung các nguồn lực, có các cơ chế chính sách đặc thù phát triển bền vững các sản phẩm lợi thế đã được xác định.
II. Một số tiêu chí xác định sản phẩm lợi thế:
Xác định các sản phẩm lợi thế là căn cứ vào những tiềm năng, lợi thế so sánh, bảo đảm phát huy tốt nội lực, có sức hấp dẫn, thu hút được đầu tư từ bên ngoài và theo định hướng phát triển kinh tế của tỉnh.
Xuất phát từ mục tiêu trên, các sản phẩm lợi thế được xác định dựa vào các tiêu chí sau:
- Sản phẩm có quy mô sản xuất lớn, có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, tăng thu nhập và tạo nhiều việc làm cho dân, đồng thời tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
- Sản phẩm có khả năng phát huy các lợi thế về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của tỉnh, có tiềm năng thị trường tiêu thụ lớn, có tác động tích cực (trực tiếp hoặc gián tiếp) về thu ngân sách, góp phần tạo nên các ngành kinh tế - kỹ thuật chủ lực của tỉnh.
- Nguồn nguyên liệu địa phương sẵn có, có ưu thế về chất lượng vượt trội, giá thành thấp, sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương.
Phần II:
NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH
I. Rà soát, đánh giá thực trạng các sản phẩm lợi thế trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua:
1. Cây cao su:
Cao su là một trong các loại cây thế mạnh của tỉnh Bình Thuận. Trong những năm qua, ngành cao su của tỉnh đã có bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Diện tích cao su giai đoạn 2006 - 2011 tăng nhanh, đạt 36.334 ha vào cuối năm 2011, tăng hơn 2 lần so với năm 2006 (16.680 ha). Sản lượng mủ cao su cũng tăng lên đáng kể, năm 2011 sản lượng đạt 22.312 tấn, tăng 13.000 tấn so với năm 2006 (9.400 tấn); chất lượng mủ cao su được chú trọng, đặc biệt cơ sở chế biến được đầu tư với quy mô lớn và hướng vào sản phẩm chế biến có giá trị cao hơn (mủ cốm). Phát triển cây cao su còn giúp tăng độ phì của đất, làm giảm độ xói mòn đất, góp phần phát triển nông nghiệp một cách bền vững.
Bên cạnh đó, mủ cao su là sản phẩm xuất khẩu, tham gia đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh từ năm 2006 đến nay. Các sản phẩm cao su mủ tờ, mủ cốm đã được các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu cao su toàn tỉnh đạt 11,9 triệu USD, tăng hơn 10 triệu USD so với năm 2006 (504 ngàn USD), góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục ngàn lao động nông thôn và tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh, cũng như tăng nguồn thu ngân sách của địa phương.
Với những kết quả tích cực nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục đưa cao su là sản phẩm lợi thế của tỉnh trong thời gian tới,
2. Cây điều:
Cây điều cũng được xác định là một trong những cây trồng thế mạnh của tỉnh Bình Thuận, dễ thích nghi trên mọi vùng đất, giúp xóa đói giảm nghèo và tăng thu nhập cho nông dân, ngoài ra đây cũng là loại cây cải thiện môi trường sinh thái, phủ xanh đất trống đồi trọc.
Vào năm 2006 diện tích điều toàn tỉnh có khoảng 32.270 ha, tuy nhiên đến cuối năm 2011 diện tích điều toàn tỉnh chỉ còn lại là 23.990 ha, giảm hơn 8.000 ha so với năm 2006. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do tình hình giá cả đầu ra thiếu ổn định, lợi thế cạnh tranh của cây cao su cao hơn nên một số diện tích điều đã chuyển sang trồng cao su; năng suất điều giảm do sự thiếu đầu tư và sâu bệnh gây hại.
Nhìn chung, sản phẩm điều vẫn là cây có ý nghĩa giúp xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm và chưa thật sự bền vững; tình trạng sản xuất tự phát, không theo quy hoạch ở một số địa phương đã gây khó khăn trong quản lý và điều hành thực hiện quy hoạch; từng bước mất dần lợi thế về thị trường, khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, công nghệ chế biến và bảo quản sơ chế sản phẩm nông sản chưa được đầu tư chiều sâu dẫn đến chất lượng, tỷ lệ tổn thất trong thu hoạch và chế biến còn cao.
Với những hạn chế nêu trên, cây điều ngày càng giảm dần lợi thế. Do vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh đưa cây điều ra khỏi Danh mục sản phẩm lợi thế của tỉnh.
3. Cây thanh long:
Thanh long là cây trồng đặc sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Bình Thuận, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích thanh long toàn tỉnh năm 2006 có khoảng 7.000 ha nhưng đến cuối năm 2011 đạt 18.616 ha, tăng hơn 2,6 lần so với năm 2006. Sản lượng thanh long thu hoạch tăng từ 129.800 tấn năm 2006 lên 397.584 tấn năm 2011. Không chỉ mở rộng diện tích, ngành nông nghiệp đã và đang hướng cho nông dân sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thanh long Bình Thuận chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng trái tươi chiếm khoảng 80% - 85% sản lượng thanh long tiêu thụ toàn tỉnh, trong đó xuất khẩu chính ngạch chiếm khoảng 15% - 20%, còn lại 60% - 65% được tiêu thụ theo hình thức biên mậu. Thanh long xuất khẩu chính ngạch tăng qua các năm, đến năm 2011 sản lượng thanh long xuất khẩu đạt 33.849 tấn, tương ứng với giá trị xuất khẩu 20,970 triệu USD, góp phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh.
Quả thanh long được xuất khẩu chính ngạch đến 14 quốc gia, vùng lãnh thổ và ngày càng vươn ra nhiều thị trường trên thế giới, kể cả những thị trường khó tính. Theo số liệu thống kê (nguồn rauquavietnam.vn) thanh long Việt Nam hiện chiếm gần 40% thị phần thị trường EU, 42% thị phần thị trường Israel, 18% thị phần thị trường Thái Lan, chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ của Trung Quốc và Hồng Kông; đồng thời, bước đầu thâm nhập vào thị trường Nhật Bản và Hoa Kỳ.
- Bên cạnh những kết quả đạt được, sản phẩm thanh long hiện còn những tồn tại, hạn chế:
+ Tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng chưa thật sự bền vững; tình trạng sản xuất chưa theo quy hoạch đã gây khó khăn trong quy hoạch đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất.
+ Quá trình sản xuất và bảo quản sơ chế sản phẩm nông sản chưa được đầu tư chiều sâu dẫn đến chất lượng, tỷ lệ sản phẩm không đạt chất lượng xuất khẩu còn cao. Các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc tiếp cận thị trường để tham gia xuất khẩu trực tiếp; do vậy, giá cả không ổn định đôi lúc làm cho người dân thiếu an tâm trong đầu tư sản xuất.
Mặc dù sản phẩm thanh long vẫn có những tồn tại, hạn chế song nhìn chung, sản phẩm thanh long đã có bước phát triển mạnh và chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu nông nghiệp, giữ được tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất và hiệu quả trên một đơn vị diện tích.
Các hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản (hội thảo, hội chợ, triển lãm…) tiếp tục có bước chuyển biến tích cực. Đã có sự gắn kết giữa: Nông dân - các doanh nghiệp - cơ quan quản lý - các nhà khoa học; phát triển tiêu thụ sản phẩm theo hình thức hợp đồng.
Với những kết quả đạt được từ xuất khẩu thanh long đã tạo điều kiện tăng thu nhập, làm giàu và giải quyết việc làm cho hơn 22.000 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đóng góp kim ngạch xuất khẩu và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục đưa cây thanh long là sản phẩm lợi thế của tỉnh trong thời gian tới.
4. Chế biến thủy sản:
Mặt hàng thủy sản chế biến tiếp tục đóng vai trò chủ lực tham gia xuất khẩu, chiếm tỷ trọng cao trong giá trị xuất khẩu của tỉnh, đến năm 2011 giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng 46,5%. Tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức từ các rào cản kỹ thuật, thương mại khắt khe, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng với sự cố gắng nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh vẫn tăng qua các năm, năm 2011 đạt 87,5 triệu USD, tăng 26 triệu USD so với năm 2006.
Cơ cấu hàng thủy sản xuất khẩu cũng có sự thay đổi theo nhu cầu thị trường, mặt hàng đông lạnh chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong sản lượng thủy sản xuất khẩu, tuy nhiên, mức tăng giá trị hàng thủy sản khô lại cao hơn hàng đông. Đầu tư vào chế biến thủy sản xuất khẩu vẫn phát triển theo hướng sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng như đồ hộp hải sản, sản phẩm khô, sản phẩm ăn liền chất lượng cao,…từ các nguồn nguyên liệu như mực, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, tôm, cá…
Về thị trường xuất khẩu thủy sản: Tuy các thị trường truyền thống như Đông - Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông), Asean (Singapore, Thái Lan, Malaisia) vẫn chiếm tỷ trọng cao, song sản lượng xuất khẩu vào các thị trường EU, Mỹ cũng tăng dần; bên cạnh đó, các sản phẩm lợi thế của tỉnh cũng gia tăng khối lượng vào một số thị trường tiềm năng như các nước Đông Âu, Trung Đông…
Song song với xuất khẩu, thị trường nội địa cũng tiêu thụ với sản lượng không nhỏ do lượng khách du lịch trong và ngoài nước ngày càng ưa chuộng các mặt hàng thủy hải sản: Nước mắm, cá khô tẩm gia vị, các loại thủy sản tươi sống…
Việc đầu tư phát triển cơ sở vật chất và năng lực sản xuất của các cơ sở, doanh nghiệp chế biến thủy sản đã từng bước làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn ven biển, tạo điều kiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng chục ngàn lao động, đóng góp kim ngạch xuất khẩu, góp phần ổn định và phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Những tồn tại, hạn chế:
- Tuy khối lượng sản phẩm chế biến vượt chỉ tiêu kế hoạch song giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm có giá trị cao chiếm tỷ trọng thấp; tỷ trọng sản phẩm dạng thô chiếm phần lớn khối lượng sản phẩm.
- Số doanh nghiệp chế biến hải sản tuy nhiều, song hầu hết quy mô nhỏ, trang thiết bị thiếu đồng bộ, lạc hậu. Nhiều doanh nghiệp hoạt động thực chất là đại lý thu mua, cung cấp nguyên liệu hoặc gia công, bán thành phẩm cho doanh nghiệp ngoài tỉnh. Công tác quản lý chất lượng vẫn là khâu yếu của các doanh nghiệp chế biến trong tỉnh.
- Chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tình trạng sử dụng các chất bảo quản cấm (hàn the, urê, kháng sinh chlorramphenicol, …), bơm chích tạp chất vào nguyên liệu, nhất là các loại hải sản có giá trị cao như mực, tôm diễn ra phức tạp gây tác hại nghiêm trọng đối với hàng hải sản xuất khẩu. Một số cơ sở sản xuất nước mắm chạy theo lợi nhuận đã gian lận về chất lượng làm giảm uy tín của nước mắm Bình Thuận.
- Trình độ kỹ thuật, tay nghề của công nhân chế biến thủy sản tại các doanh nghiệp còn hạn chế; chưa kể lao động sơ chế, gia công hải sản trong dân (phụ nữ, con em ngư dân) phần lớn chưa qua các lớp học nghề, nhận thức về tầm quan trọng của vệ sinh an toàn thực phẩm rất hạn chế.
Tuy có những hạn chế nhưng chế biến thủy sản của tỉnh tiếp tục có mức tăng trưởng cao, các cơ sở chế biến thủy sản, đặc biệt là chế biến xuất khẩu đã từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp dây chuyền sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm, bao bì, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Việc xác định thủy sản chế biến là sản phẩm lợi thế là dựa trên lợi thế so sánh về nguồn lợi hải sản vùng biển của tỉnh, phù hợp với xu hướng tiêu thụ thực phẩm thủy sản của thị trường trong và ngoài nước đang tăng cao. Sản lượng nguyên liệu lớn, chế biến đa dạng các mặt hàng, sản phẩm chế biến từ nhuyễn thể hai mảnh vỏ, đặc biệt: Điệp quạt, sò lông, bàn mai, nghêu lụa là hải sản đặc thù, có lợi thế tuyệt đối, doanh số xuất khẩu ngày càng tăng, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng (EU, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc,…). Bên cạnh đó, dựa vào lợi thế so sánh về nguồn nguyên liệu cá nổi phong phú và dồi dào (chủ yếu là cá nục, cá cơm), sản phẩm nước mắm là mặt hàng truyền thống, đã có thương hiệu và thị trường tiêu thụ rộng lớn, chất lượng nước mắm Bình Thuận ngày càng được nâng cao và đa dạng sản phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng và có khả năng tham gia xuất khẩu.
Với kết quả trên, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục đưa sản phẩm chế biến thủy sản vào danh mục sản phẩm lợi thế của tỉnh trong thời gian tới.
5. Tôm giống:
Xuất phát từ điều kiện tự nhiên như chất lượng nguồn nước, thời tiết, môi trường thuận lợi, có thể sản xuất tôm giống quanh năm, tôm giống Bình Thuận là một trong những sản phẩm lợi thế của tỉnh, được đánh giá đạt chất lượng cao và có uy tín trên thị trường cả nước. Vì vậy, trong thời gian qua, sản phẩm tôm giống được quan tâm đầu tư phát triển mạnh cả về số lượng lẫn quy mô đầu tư.
Giống tôm được chú ý đa dạng hoá theo nhu cầu thị trường, từ năm 2006 đến nay, bên cạnh giống tôm sú, đối tượng tôm thẻ chân trắng ngày càng thu hút các cơ sở trong tỉnh chuyển đổi và đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần nâng cao sản lượng giống tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu thị trường. Năm 2011, sản lượng tôm giống sản xuất và tiêu thụ trên địa bàn toàn tỉnh đạt 12 tỷ post, tăng gần 7 tỷ post so với năm 2006 (5,2 tỷ post), đáp ứng nhu cầu giống cho các cơ sở nuôi trong tỉnh; sản lượng giống còn lại cung cấp cho các tỉnh Nam Bộ và một số tỉnh miền Trung.
Những tồn tại, hạn chế:
- Hoạt động sản xuất và tiêu thụ giống tôm của Bình Thuận phụ thuộc lớn vào các tỉnh Nam Bộ. Là vùng nuôi tôm sú trọng điểm của toàn quốc, song những năm gần đây nhiều tỉnh phía Nam và các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hoà cũng tổ chức sản xuất tôm giống làm cho thị trường tiêu thụ tôm giống Bình Thuận ngày càng thu hẹp.
- Tình hình nhập khẩu tôm thẻ chân trắng bố mẹ không rõ nguồn gốc; thức ăn, thuốc điều trị bệnh tôm, môi trường không đảm bảo đã và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tôm giống ở một số cơ sơ sản xuất hiện nay.
- Mặt khác từ đầu năm 2007, Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân ra đời đã ảnh hưởng trực tiếp đến quy hoạch vùng phát triển sản xuất giống tôm và hải sản. Một số dự án đầu tư ngưng thực hiện, xin chuyển địa điểm khác do lo ngại tác động môi trường của dự án.
Tuy nhiên, với điệu kiện tự nhiên thiên nhiên ưu đãi, tôm giống Bình Thuận được đánh giá cao về chất lượng ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Do vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục đưa sản phẩm tôm giống vào Danh mục sản phẩm lợi thế của tỉnh trong thời gian tới.
6. Sản phẩm muối:
Diện tích sản xuất muối toàn tỉnh có đến năm 2011 là 956 ha, tập trung chủ yếu ở đồng muối Vĩnh Hảo - huyện Tuy Phong, sản lượng muối năm 2011 đạt 85.865 tấn. Ngoài việc tăng cường đầu tư nâng cấp đồng muối, các doanh nghiệp trong tỉnh đang từng bước hoàn thiện quy trình công nghệ, áp dụng công nghệ kết tinh nhanh, ứng dụng cơ giới hoá trong thu hoạch, đầu tư máy móc thiết bị chế biến, đa dạng hoá sản phẩm sau muối,…góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị muối công nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là nhu cầu sản xuất nước mắm.
Tuy vậy, sản phẩm muối vẫn còn gặp một số khó khăn, tồn tại sau:
- Do tính đặc thù của sản xuất muối là phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên sản lượng khó duy trì ổn định; năm nào ít mưa bão thì năng suất, sản lượng đạt cao và ngược lại.
- Giá muối tuy có tăng so các năm trước nhưng mức tăng không theo kịp tăng giá các mặt hàng khác nên thu nhập, đời sống của diêm dân vẫn còn khó khăn, khiến bà con diêm dân không mặn mà trong đầu tư sản xuất muối và một bộ phận đã chuyển đổi sang làm ngành nghề khác hoặc luân canh muối – nuôi trồng thuỷ sản. Diện tích sản xuất muối có xu hướng giảm dần.
- Năng suất, chất lượng và sản lượng thấp, chưa tương xứng với tiềm năng; đặc biệt là vùng sản xuất theo công nghệ thủ công truyền thống – khu vực hộ diêm dân. Cơ cấu sản phẩm chưa cân đối với yêu cầu, dẫn tới muối dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp hoá chất chưa đáp ứng được đầy đủ, trong khi muối sử dụng để chế biến dùng cho nhu cầu sinh hoạt lại thừa.
Với những khó khăn tồn tại trên, sản phẩm muối đang mất dần lợi thế, không còn là sản phẩm chủ lực của tỉnh. Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh đưa sản phẩm muối ra khỏi Danh mục sản phẩm lợi thế của tỉnh trong thời gian tới.
7. Nước khoáng Vĩnh Hảo:
Trong năm 2011, sản lượng nước khoáng Vĩnh Hảo đạt trên 68 triệu lít/năm, tăng khoảng 42 triệu lít so với năm 2006. Doanh thu năm 2011 đạt 342 tỷ đồng, tăng 260 tỷ đồng so với năm 2006.
Hiện nay, sản phẩm nước khoáng Vĩnh Hảo đang có mặt trên thị trường với trên 20 mẫu sản phẩm đa dạng khác nhau, có nhiều độ khoáng phù hợp cho nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng như nước khoáng có hoặc không có gas, nước tăng lực trên nền khoáng Olympia, nước giải khát chất xơ trên nền khoáng hương mãng cầu và chanh dây, nước khoáng cao cấp Purium, đặc biệt là nước ngọt trên nền khoáng với hương cam, chanh, xá xị.
Bên cạnh đó, công ty còn phát triển thêm dòng sản phẩm nước uống tinh khiết được sản xuất trên dây chuyền hiện đại hóa có công suất 400 bình/giờ với các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế đã thu hút thêm một lượng lớn khách hàng từ các kênh trường học, cơ quan công sở… và tạo thêm sự nhận diện đa dạng sản phẩm của thương hiệu nước khoáng Vĩnh Hảo đối với khách hàng và cộng đồng.
Ngoài ra, nguồn nước khoáng Vĩnh Hảo đã được Công ty Cổ phần Tảo Vĩnh Hảo tận dụng sản xuất tảo Spirulina platensis dạng bột, năm 2010 đạt sản lượng 28 tấn, hiện tại đang tiêu thụ nội địa, chủ yếu cung cấp cho Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng.
Về thị trường tiêu thụ: Hiện nay hệ thống phân phối được mở rộng hơn, lượng khách hàng đã lên đến 300 nhà phân phối, chưa kể các kênh tiêu thụ đặc biệt và hệ thống trường học, cơ sở ban ngành… Thị trường cũng đã mở rộng ra miền Bắc và trong Nam.
Hiện nay, sản phẩm nước khoáng Vĩnh Hảo cũng đã có mặt ở một vài nước lân cận bằng việc xuất khẩu gián tiếp thông qua các nhà phân phối. Đây là một trong những định hướng chiến lược mà công ty đang rất quan tâm khi thị trường nội địa đã tăng trưởng ổn định.
Những hạn chế tồn tại:
- Sản phẩm nước khoáng Vĩnh Hảo chưa đa dạng, thị trường chưa được mở rộng; các khu vực nghỉ dưỡng, resort của tỉnh đa phần tiêu thụ các dòng sản phẩm khác; chưa tạo được sự đột phá từ lợi thế thương hiệu lâu đời để khai thác tốt tiềm năng sẳn có của địa phương.
- Chưa thành công trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu để đưa nước khoáng Vĩnh Hảo ra nước ngoài.
- Sản lượng tảo Spirulina platensis không đáng kể và đầu ra khó tiêu thụ.
Nhìn chung, sản lượng và doanh thu của Công ty Cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo tăng đều hàng năm. Từ khi triển khai thực hiện Chương trình phát triển sản phẩm nước suối Vĩnh Hảo, Công ty đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư đổi mới trang thiết bị, đầu tư các dây chuyền công nghệ, hoàn chỉnh chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO 9002 nên kết quả sản xuất đã tăng cao đáng kể về sản lượng và luôn đạt trên mức các chỉ tiêu đề ra. Có thể xác định nước khoáng Vĩnh Hảo đang ngày càng chiếm được sự tín nhiệm của người tiêu dùng và được bình chọn 10 năm liên tục “Hàng Việt Nam chất lượng cao”; “Thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam”, “Sao vàng đất Việt”...
Do vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục đưa nước khoáng Vĩnh Hảo là sản phẩm lợi thế trong thời gian tới.
8. Du lịch:
Với vị trí địa lý thuận lợi, điều kiện tự nhiên phù hợp với các loại hình thể thao trên biển, tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, tạo được thương hiệu là thủ đô resort của Việt Nam; do vậy, trong thời gian gần đây ngành du lịch đã có bước phát triển mạnh mẽ. Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2005 - 2011 là 14,7%. Năm 2005 đón được 1,251 triệu lượt khách trong đó có 128 ngàn lượt khách quốc tế (chiếm 10,2% lượng khách đến tỉnh), đến năm 2011 đón được khoảng 2,8 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 10%.
Doanh thu du lịch năm 2005 (bao gồm các khoản thu từ lưu trú, ăn uống, vận chuyển du lịch, lệ phí tham quan, vui chơi giải trí, bán hàng lưu niệm….) là 611,315 tỷ đồng, thì đến năm 2011 là 3.381 tỷ đồng. Hiện nay tổng GDP du lịch của tỉnh chiếm khoảng 51% - 52% tổng doanh thu dịch vụ du lịch (sau khi trừ đi khoảng 30% chi phí trung gian), không kể vận chuyển công cộng.
Ngành du lịch Bình Thuận đã tích cực triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, góp phần kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách.
Sản phẩm du lịch từng bước đa dạng, hấp dẫn hơn với hệ thống các khách sạn, resort nghỉ dưỡng cao cấp, dịch vụ lướt ván buồm, lướt ván diều, chơi golf, chăm sóc sức khỏe, … gắn với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch hội nghị, du lịch tín ngưỡng và tham quan các di tích lịch sử - văn hóa.
Những mặt còn hạn chế, tồn tại:
- Các dự án có quy mô vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ khá cao. Loại hình du lịch, sản phẩm du lịch của các dự án còn đơn điệu, chủ yếu là khai thác các tài nguyên du lịch tự nhiên, chưa đa dạng và phong phú, phần lớn là du lịch nghỉ dưỡng, ăn uống, thiếu loại hình vui chơi giải trí, các trung tâm mua sắm, biểu diễn, thể thao.v.v…
- Du lịch của tỉnh phát triển chưa mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; một số khu vực đã được quy hoạch chậm đầu tư, phát triển; việc khai thác tài nguyên du lịch sinh thái núi, rừng, du lịch vườn và tài nguyên văn hoá đặc sắc của đồng bào Chăm, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi còn hạn chế.
- Công tác quy hoạch du lịch, quản lý quy hoạch bộc lộ một số mặt hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Số lượng dự án chưa triển khai còn quá nhiều, nguyên nhân do chồng lấn quy hoạch khác, vướng mắc về đất đai chưa được giải quyết kịp thời, một số nhà đầu tư năng lực yếu.
- Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông đối ngoại chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch.
- Lực lượng lao động tay nghề còn thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao.
- Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch ở nước ngoài chưa ngang tầm, chưa được đầu tư đúng mức.
Nhìn chung, với điều kiện tự nhiên thiên nhiên ưu đãi, trong những năm qua du lịch Bình Thuận đã có những bước tiến bộ vượt bậc, ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; ngành du lịch đã có sự chuyển biến nhanh trên nhiều mặt, đã thu hút được nhiều dự án với nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư. Tốc độ tăng trưởng về lượng khách du lịch, doanh thu và lao động năm sau cao hơn năm trước và đảm bảo được các chỉ tiêu của ngành đề ra. Chất lượng kinh doanh du lịch đã được các cơ sở lưu trú du lịch quan tâm đầu tư đúng mức, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn tổ chức các dịch vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách..
Sự gia tăng nhanh của các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch đã góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng ngành du lịch của tỉnh, góp phần giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương, góp phần tăng thu ngân sách và thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển.
Do vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục đưa du lịch là sản phẩm lợi thế của tỉnh trong thời gian tới.
II. Chương trình phát triển sản phẩm lợi thế trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020:
1. Cây cao su:
a) Kế hoạch phát triển:
Diện tích trồng cao su trên địa bàn toàn tỉnh được phê duyệt đến năm 2015 là 38,8 ngàn ha, sản lượng 38,3 ngàn tấn; đến năm 2020 quy hoạch phát triển ổn định diện tích sản xuất 43 ngàn ha, sản lượng 59 ngàn tấn. Địa bàn tập trung ở các huyện Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân và Hàm Thuận Bắc.
b) Các giải pháp:
- Về đất đai:
+ Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo phát triển cao su theo đúng quy hoạch, kế hoạch; trong đó, tập trung rà soát chuyển đổi diện tích cây điều năng suất thấp, đất màu sản xuất kém hiệu quả sang trồng cao su tại các huyện có điều kiện tự nhiên thích hợp phát triển cao su.
+ Bố trí, quy hoạch đất để đầu tư phát triển cụm công nghiệp chế biến cao su trên địa bàn tỉnh, phục vụ cho yêu cầu tiêu thụ và chế biến 47.000 tấn mủ cao su vào năm 2015.
- Về thu mua, chế biến, xuất khẩu:
+ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao su Bình Thuận là đơn vị chủ lực của tỉnh trong công tác tổ chức việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cao su, bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm với giá cả hợp lý; Công ty phải đóng vai trò chủ đạo, nòng cốt trong điều tiết giá cao su trên địa bàn tỉnh.
+ Tổ chức, xây dựng hệ thống thu mua để khắc phục tình trạng tranh mua tranh bán, đồng thời quản lý tốt nguồn mủ cao su trên địa bàn tỉnh.
+ Đẩy mạnh đầu tư xây dựng thêm các nhà máy chế biến cao su với công nghệ tiên tiến. Tổng công suất các nhà máy chế biến phải bảo đảm đạt gần 47.000 tấn vào năm 2015 (hiện nay công suất chế biến 28.600 tấn/năm cần đầu tư thêm công suất chế biến 19.000 tấn/năm).
+ Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, các ngành tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; ngoài thị trường Trung Quốc, tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cao su qua các nước khác, xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm cao su Bình Thuận.
- Giải pháp về chủ trương, chính sách:
+ Có chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển cao su tiểu điền; chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng quy hoạch trồng cao su.
+ Tạo điều kiện thuận lợi để những doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia xuất khẩu trực tiếp hoặc liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế trong và ngoài tỉnh nhằm tăng cường xuất khẩu cao su của tỉnh.
+ Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trồng cao su, hỗ trợ người sản xuất về giống, vật tư, vốn, đào tạo và chuyển giao khoa học kỹ thuật.
- Giải pháp về khoa học kỹ thuật và công nghệ:
+ Tập trung hướng dẫn, chuyển giao quy trình kỹ thuật thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng cao su như: chọn và đưa vào các giống mới có năng suất cao và ổn định vào diện tích trồng mới theo cơ cấu giống của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Đồng thời, tăng cường công tác phòng trừ sâu bệnh trên cây cao su, đặc biệt hướng dẫn người trồng cao su tiểu điều tăng cường phân hữu cơ, bón phân cân đối để tăng năng suất cây trồng.
+ Tăng cường công tác quản lý chất lượng cây giống cao su, kiên quyết xử lý những cơ sở sản xuất giống cao su, kinh doanh giống cao su không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng đưa ra thị trường tiêu thụ.
- Về môi trường:
+ Không cấp phép xây dựng mới các nhà máy chế biến mủ cao su công suất nhỏ, không trang bị hệ thống xử lý chất thải.
+ Tăng cường các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế thấp nhất việc gây ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở chế biến mủ cao su; xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiểm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến cao su.
2. Cây thanh long
Thanh long là cây đặc sản của Bình Thuận, hiệu quả kinh tế vượt trội so với một số sản phẩm khác, sản phẩm trái thanh long có thị trường tiêu thụ rộng lớn (hiện đã có mặt tại các nước Châu Âu là thị trường khó tính nhất); do vậy, thực tế phát triển cây thanh long trong thời gian qua đã tạo được nhiều thế vững chắc trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn. Vì vậy cần tập trung đầu tư phát triển cây thanh long, xác định đây là một loại sản phẩm lợi thế so sánh tuyệt đối của tỉnh ta trong thời gian tới. Theo đó, có kế hoạch và giải pháp cụ thể trong thời gian tới như sau:
a) Kế hoạch phát triển:
Duy trì diện tích hiện có, tập trung áp dụng biện pháp canh tác nông nghiệp tốt (VietGap) và xây dựng vùng sản xuất đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về điện, giao thông, thuỷ lợi, kêu gọi đầu tư máy chiếu xạ và nhà máy chế biến xuất khẩu để đáp ứng ngày càng cao về ổn định quy mô sản xuất và thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất khẩu. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nông dân để tạo nên sự gắn kết bền vững và ổn định về chất lượng sản phẩm, về giá cả và lợi ích của các bên.
b) Một số giải pháp:
- Về sản xuất:
+ Chú trọng nâng cao chất lượng trái thanh long để tăng giá trị xuất khẩu; đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng (hệ thống thuỷ lợi, giao thông, điện …) và các biện pháp hỗ trợ cần thiết để giúp nông dân sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
+ Tăng cường công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật ở vùng nguyên liệu để nâng cao năng suất, chất lượng hàng hoá.
+ Tập trung triển khai, nhân rộng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây thanh long và công nghệ sau thu hoạch để nâng cao chất lượng và tỷ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
- Về đầu tư phát triển công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch:
+ Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị bảo quản gắn với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của thị trường nước ngoài.
+ Đẩy mạnh khuyến khích thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển đầu tư các cơ sở xử lý, bảo quản và chế biến quả thanh long.
- Phát triển thị trường và xúc tiến thương mại:
+ Đẩy mạnh việc quảng bá thanh long Bình Thuận đến với thị trường trong và ngoài nước thông qua các Website uy tín, kênh truyền hình, các cuộc hội thảo, khảo sát thị trường, hội chợ - triển lãm trong và ngoài nước.
+ Thực hiện các chương trình giới thiệu thông tin, hội thảo, lớp tập huấn cho nông dân và các nhà xuất khẩu về trồng và bảo quản thanh long theo tiêu chuẩn GAP phục vụ cho xuất khẩu thanh long sang thị trường Châu Âu.
3. Chế biến thuỷ sản
Gắn chế biến thuỷ sản với khai thác, nuôi trồng và sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu lợi thế của tỉnh. Phát triển thành nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có khối lượng sản phẩm chiếm khoảng 60% - 63% tổng sản phẩm thủy sản chế biến, đến năm 2020 có khoảng 70% -75% giá trị thuỷ sản chế biến xuất khẩu.
a) Kế hoạch phát triển:
- Chế biến thuỷ sản:
Phấn đấu tổng sản lượng thuỷ sản đến năm 2020 đạt 220.000 tấn (khai thác thuỷ sản đạt 190.000 tấn, nuôi trồng thuỷ sản đạt 30.000 tấn), đưa vào chế biến khoảng 45.000 tấn. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đến năm 2020 đạt khoảng 235 triệu USD, chiếm khoảng 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
- Nước mắm
+ Hướng phát triển là nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tỷ trọng nước mắm có độ đạm cao (hàm lượng đạm toàn phần đạt 25g/lít trở lên) chiếm 40% sản lượng vào năm 2020; đến năm 2020 sản lượng đạt trên 100 triệu lít, trong đó: Nước mắm truyền thống chiếm 35 triệu lít, nước mắm chế biến công nghiệp chiếm khoảng 65 triệu lít.
+ Đổi mới công nghệ đóng chai, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng và xây dựng thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và tham gia xuất khẩu.
b) Một số giải pháp:
- Về khoa học – công nghệ:
+ Khuyến khích và tạo điều kiện các thành phần kinh tế đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỷ thuật, công nghệ mới, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đặc biệt là nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu trong chế biến.
+ Ứng dụng quy trình bảo quản tiên tiến trên tàu thuyền khai thác xa bờ, tàu thuyền dịch vụ; các cơ sở thu gom, vận chuyển; bảo quản sản phẩm chế biến.
+ Đẩy mạnh công tác khuyến ngư, hoạt động thông tin khoa học - kỹ thuật, thương mại chuyên ngành để hỗ trợ các thành phần kinh tế về khoa học, công nghệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm.
- Về đầu tư kết cấu hạ tầng:
Tập trung đầu tư hoàn thiện và nâng cấp các cảng cá lớn như: Cảng cá Phan Thiết, La Gi, Phan Rí, Phú Quý. Tập trung nguồn lực hoàn thành đầu tư các khu tránh bão kết hợp khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại Phú Hải, Liên Hương; triển khai xây dựng các khu tránh bão: Mũi Né, Chí Công, Ba Đăng ….; hoàn thiện hạ tầng cụm chế biến Phú Hài, kêu gọi đầu tư các cụm chế biến thuỷ sản ở các địa bàn.
- Cơ chế chính sách:
+ Khuyến khích các cơ sở thu mua nguyên liệu cung ứng cho nhà máy chế biến xuất khẩu trong tỉnh; các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để tái chế các sản phẩm có giá trị gia tăng phục vụ xuất khẩu.
+ Hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, triển khai các chi nhánh, đại lý bán hàng, trung tâm giới thiệu sản phẩm thông qua các chương trình hợp tác kinh tế giữa tỉnh với các địa phương (thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, Hà Nội, các tỉnh biên giới phía Bắc) để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.
- Tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và thú ý thủy sản:
+ Quản lý tốt hoạt động khai thác hải đặc sản; thực hiện nghiêm quy định về mùa vụ khai thác, kích cở hải sản khai thác để bảo vệ, phát triển nguồn lợi hải đặc sản (điệp, sò lông, nghêu lụa,…) phục vụ lợi ích lâu dài.
+ Tăng cường quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong tất cả các công đoạn từ bảo quản nguyên liệu trên tàu, thu mua sơ chế, chế biến. Ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sử dụng tạp chất, hóa chất và kháng sinh cấm trong bảo quản nguyên liệu và sản phẩm.
+ Quản lý tốt chất lượng hải sản để giữ vững chất lượng, uy tín.
- Tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm:
+ Đẩy mạnh vận động thành lập các mô hình liên kết hợp tác có sự tham gia của ngư dân, doanh nghiệp và nậu vựa nhằm gắn kết các khâu khai thác - dịch vụ hậu cần bao tiêu sản phẩm - chế biến và tiêu thụ.
+ Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Hiệp hội Chế biến Thủy sản, Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết để phối hợp, liên kết hoạt động của các doanh nghiệp trong sản xuất, phát triển thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; xây dựng thương hiệu các sản phẩm lợi thế; bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên.
+ Phát triển mô hình tổ chức sản xuất tập trung, công nghệ hiện đại ở các lĩnh vực có lợi thế; hình thành các doanh nghiệp nòng cốt có uy tín, thương hiệu đối với các sản phẩm lợi thế, có khả năng cạnh tranh cao ở đầu vào và đầu ra sản phẩm, tham gia tích cực tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
4. Sản phẩm tôm giống:
a) Kế hoạch phát triển:
- Phát triển sản xuất giống tôm trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá trị hàng hóa lớn để đáp ứng nhu cầu con giống nghề nuôi nước lợ. Trong đó:
- Xác định giống tôm sú vẫn là sản phẩm chủ lực đến 2020, tập trung nâng cao chất lượng con giống gắn với tổ chức tốt khâu tiêu thụ; phấn đấu đến 2020 sản lượng tôm giống đạt 11 tỷ post để đảm bảo cung ứng cho khoảng trên 25% nhu cầu giống tôm cả nước.
- Chú trọng đa dạng hóa các giống tôm biển khác (chân trắng) theo quy mô công nghiệp tạo ra khối lượng giống lớn, chất lượng cao để cung ứng như cầu trong nước.
b) Giải pháp:
- Về khoa học – công nghệ:
+ Khuyến khích và tạo điều kiện các thành phần kinh tế đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, sáng kiến cải tiến kỹ thuật sản xuất giống chất lượng cao, bảo vệ môi trường.
+ Đẩy mạnh công tác khuyến ngư, hoạt động thông tin khoa học - kỹ thuật để hỗ trợ các thành phần kinh tế về khoa học, công nghệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm.
- Về đầu tư kết cấu hạ tầng: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công trình hạ tầng sản xuất giống thuỷ sản Gành Rái, xã Chí Công, huyện Tuy Phong, phục vụ việc di dời các dự án bị ảnh hưởng bởi Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân.
- Tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và thú ý thủy sản: Quản lý tốt chất lượng giống tôm sản xuất trên địa bàn tỉnh để giữ vững chất lượng, uy tín.
5. Nước khoáng Vĩnh Hảo:
a) Kế hoạch phát triển
Phấn đấu đến năm 2015, tập trung củng cố và nâng công suất nhà máy nước khoáng Vĩnh Hảo lên 70 triệu lít/năm. Đến năm 2020, nâng sản lượng khai thác ở mức khoảng 100 triệu lít và chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Về phát triển sản phẩm mới:
Trong thời gian tới công ty Cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo tập trung phát triển một số sản phẩm mới như:
+ Nước khoáng có gas cao cấp bằng bao bì thuỷ tinh siêu nhẹ.
+ Các loại nước khoáng dùng cho trẻ em, phụ nữ, chữa bệnh.
+ Các loại nước giải khát trên nền khoáng có chứa tảo Spirulina platensis.
- Về đầu tư: Tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hoá nhà máy hiện có như: đầu tư dây chuyền chiết rót chai PET, tự động hoá các khâu xúc rửa chai, dán nhãn, đóng gói sản phẩm.
b) Giải pháp:
- Về ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến:
+ Căn cứ vào kết quả đánh giá trình độ để có kế hoạch đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng năng lực cạnh tranh của công ty trên thị trường. Cải tiến mẫu mã, nghiên cứu khắc phục nhược điểm của nắp chai thủy tinh.
+ Tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư và phát triển thương hiệu trong phạm vi trong nước và nước ngoài, duy trì tên miền Vĩnh Hảo trên mạng. Tận dụng lợi thế sở hữu thương hiệu nước khoáng có mặt đầu tiên tại Việt Nam cho việc củng cố thương hiệu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay là yêu cầu quan trọng đảm bảo cho sự tồn tại của sản phẩm trên thị trường và cần được xem như một tài sản của công ty.
- Về thị trường:
+ Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung vào các sản phẩm chế biến từ nước khoáng có lợi thế xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
+ Xây dựng chiến lược marketing dài hạn, cụ thể cho từng nhóm sản phẩm, ưu tiên duy trì và mở rộng thị phần các thị trường hiện có, tích cực khai thác thị trường mới, lấy địa bàn thành phố Hồ Chí Minh làm trung tâm để mở rộng thị trường Nam Bộ, đặc biệt coi trọng thị trường truyền thống thuộc khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng, mở rộng thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
- Phát triển nguồn nhân lực:
Chú trọng hơn nữa việc đào tạo, đào tạo lại cán bộ, công nhân đáp ứng cho nhu cầu phát triển. Đặc biệt là đội ngũ nhân viên làm công tác kinh doanh, tiếp thị. Tiếp tục sắp xếp lại lực lượng lao động hiện có theo hướng tinh gọn có hiệu quả, đồng thời thực hiện tốt các chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật.
6. Du lịch:
Căn cứ vào tiềm năng và tình hình phát triển du lịch trong thời gian qua có thể khẳng định du lịch là sản phẩm lợi thế, sản phẩm có tác động liên quan tích cực đến nhiều ngành nghề, khai thác các thế mạnh, tiềm năng kinh tế của tỉnh, vì vậy cần có giải pháp thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển.
a) Kế hoạch phát triển:
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân ngành du lịch giai đoạn 2010 - 2015 là 12,47 %/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,76 %/năm. Đến năm 2015, doanh thu ngành du lịch đạt 7.319 tỷ đồng, thu hút khoảng 4,5 triệu lượt khách du lịch (trong đó khách du lịch quốc tế chiếm 470 ngàn lượt khách). Đến năm 2020, doanh thu ngành du lịch đạt 17.520 tỷ đồng, thu hút khoảng 7,5 triệu lượt khách du lịch (trong đó khách du lịch quốc tế chiếm 850 nghìn lượt khách).
b) Giải pháp thực hiện:
- Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong khu vực để tiếp cận thông tin, hình thành các tour, tuyến điểm du lịch nhằm phát huy đặc thù của từng địa phương, làm tăng thời gian lưu trú của khách du lịch.
- Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm thống nhất nhận thức của mọi cán bộ, công chức và nhân dân về vai trò, vị trí của du lịch, xác định rõ du lịch là một trong các lợi thế của tỉnh, khuyến khích nhân dân ở một số vùng tham gia phát triển du lịch cộng đồng.
- Tăng cường đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch ở các khu du lịch trọng điểm, đặc biệt quan tâm phát triển mạng lưới giao thông đối ngoại; tiếp tục trùng tu, tôn tạo các di tích văn hoá - lịch sử, các danh lam thắng cảnh để trở thành các điểm du lịch; khuyến khích phát triển các làng nghề sản xuất sản phẩm truyền thống, các dịch vụ phục vụ du khách; kết nối các khu, điểm du lịch, hình thành các tour du lịch nội tỉnh hấp dẫn, đa dạng.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, quảng bá du lịch, chú trọng quảng bá trên các phương tiện thông tin có sức lan truyền rộng; tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp và xã hội hoá;
- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch bằng nhiều hình thức; tập trung đào tạo cán bộ quản lý điều hành, trưởng bộ phận, nhân viên phục vụ, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch; coi trọng chất lượng đào tạo cả về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và kỹ năng mềm đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư, hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch; giải quyết tốt các vấn đề về môi trường tự nhiên, xã hội tạo tiền đề cho du lịch phát triển bền vững; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, nâng cao năng lực công tác quản lý và phát triển du lịch ở địa phương nhất là các địa bàn trọng điểm.
- Khuyến khích các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, tôn tạo nâng cấp, gắn với chỉnh trang thành phố Phan Thiết và các vùng phụ cận. Phát triển hệ thống cây xanh phục vụ du lịch và tạo môi trường sinh thái hấp dẫn du khách.
Phần III:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Trên cơ sở mục tiêu nhiệm vụ và những giải pháp nêu trên cần triển khai những nội dung công việc sau:
1. Căn cứ Chương trình phát triển các sản phẩm lợi thế trên địa bàn tỉnh Bình Thuận từ nay đến năm 2020, giao các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Công thương chủ trì theo chuyên ngành: Xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể các sản phẩm lợi thế trình Ủy ban nhân dân tỉnh trong quý I năm 2013 để làm cơ sở triển khai thực hiện.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch diện tích thanh long để phù hợp với tình hình thực tế.
3. Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và triển khai các giải pháp liên quan đến phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ và phát triển công nghiệp hỗ trợ.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan cân đối, bố trí vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng sản xuất tập trung các sản phẩm lợi theo kế hoạch cụ thể của các ngành và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến 2020.
5. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan cân đối, bố trí vốn và hướng dẫn sử dụng kinh phí sự nghiệp hàng năm để thực hiện Chương trình.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, địa phương và cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Chương trình, định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, các ngành cần tiếp tục nghiên cứu phát hiện những sản phẩm lợi thế mới, sản phẩm mất dần lợi thế hoặc không còn lợi thế để kịp thời đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung vào chương trình ./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.