UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2032/QĐ-UBND | Hưng Yên, ngày 07 tháng 11 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVI;
Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 13/07/2006 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI về Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010;
Xét đề nghị của Sở Công nghiệp tại Tờ trình số 477/TTr-SCN ngày 16/08/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010, với những nội dung chủ yếu sau:
I- QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU
1 - Quan điểm:
- Phát triển công nghiệp tỉnh phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và quy hoạch phát triển công nghiệp của vùng. Gắn phát triển công nghiệp với việc hình thành các khu công nghiệp và khu đô thị mới làm thay đổi mạnh mẽ kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển công nghiệp nhằm thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
- Góp phần thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Coi trọng hàng đầu việc xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo môi trường thuận lợi để thu hút các dự án lớn, công nghệ cao, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia.
- Tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, đồng thời gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển bền vững.
2 - Mục tiêu:
a) Mục tiêu chung:
Tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ và đồng bộ, khai thác tốt lợi thế, huy động mọi nguồn lực, chủ động hội nhập, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đạt mức tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Phấn đấu đến năm 2010, Hưng Yên trở thành tỉnh khá trong cả nước, tạo cơ sở để trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại trước năm 2020.
b) Mục tiêu cụ thể:
Đảm bảo tốc độ tăng trưởng công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 ổn định ở mức trên 22,31%/năm về giá trị gia tăng, trên 25%/năm về giá trị sản xuất công nghiệp, trong đó: công nghiệp khai thác 17%/năm, công nghiệp chế biến trên 25%/năm, công nghiệp phân phối điện nước 20%/năm. Đến năm 2010, tổng giá trị sản xuất công nghiệp (GO) phấn đấu đạt trên 23.000 tỷ đồng, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp (VA) đạt trên 4.400 tỷ đồng, hình thành cơ cấu kinh tế nông nghiệp 20% - công nghiệp, xây dựng 47% - dịch vụ 33%, góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
II- NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1 - Ngành cơ khí, luyện kim, gia công kim loại, chế tạo máy, động cơ:
Đến năm 2010 ngành cơ khí luyện kim chế tạo máy và gia công kim loại chiếm 41,03% tổng giá trị sản xuất và 42,57% giá trị gia tăng toàn ngành.
Ưu tiên đầu tư phát triển các dự án sản xuất thép dải cán nguội và sản xuất băng cuộn cán nóng, kết hợp hiện đại hoá các cơ sở hiện có với xây dựng mới các nhà máy hiện đại, sản xuất theo hướng tăng dần tỷ trọng thép chất lượng cao.
Ưu tiên các dự án đầu tư ngành cơ khí chế tạo thiết bị và phụ tùng như các thiết bị cho sản xuất ô tô, xe máy, sản xuất động cơ nổ, động cơ điện. Nhất là các dự án sản xuất ô tô khách, ô tô tải, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành ô tô của cả nước.
Khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong nước, ngoài nước tham gia sản xuất vào lĩnh vực này nhằm đa dạng hoá các sản phẩm cơ khí, đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất, sửa chữa máy móc động lực, thiết bị phục vụ cho các ngành giao thông vận tải, ngành dệt may, sản xuất đồ gia dụng, nhất là các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn.
Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào các huyện phía bắc của tỉnh như huyện Văn Giang, Văn Lâm, Mỹ Hào…
2 - Ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện, điện tử, tin học:
Đến năm 2010 ngành sản xuất thiết bị điện tử tin học chiếm 26,53% tổng giá trị sản xuất và chiếm 15,14% giá trị gia tăng toàn ngành.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước, cũng như ngoài nước, đa dạng hóa loại hình đầu tư, huy động nội lực cho phát triển lĩnh vực ngành đầy tiềm năng này.
Phát triển ngành theo hướng ứng dụng công nghệ cao chiếm lĩnh thị trường trong khu vực và trong nước, tiến tới xuất khẩu cho các sản phẩm phần mềm, sản phẩm công nghệ thông tin.
Ưu tiên phát triển các dự án đầu tư vào sản xuất linh kiện, phụ tùng, các thiết bị công nghệ thông tin, nhất là các sản phẩm thiết bị điện, điện tử, tin học (bao gồm cả phần mềm) trong nhóm hàng hoá trọng điểm xúc tiến thương mại quốc gia năm 2005.
Ưu tiên các dự án có công nghệ kỹ thuật cao vào các huyện phía bắc.
3 - Công nghiệp chế biến nông, lâm thuỷ sản:
Đến năm 2010 ngành chế biến nông lâm thuỷ sản chiếm 16,60% tổng giá trị sản xuất và chiếm 17,22% giá trị gia tăng toàn ngành.
Phát triển ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản trở thành ngành kinh tế có lợi thế cạnh tranh. Chú trọng chế biến các sản phẩm xuất khẩu như thịt lợn và các thực phẩm chế biến xuất khẩu, đưa ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong việc phát triển công nghiệp nông thôn. Tập trung ưu tiên phát triển các lĩnh vực sản xuất các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn, có giá trị gia tăng cao như các sản phẩm gỗ và thực phẩm chế biến.
Phát triển ngành theo quy hoạch chung, gắn với phát triển vùng nguyên liệu, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho khu vực nông thôn.
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Phát triển các cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ, đặc biệt là sơ chế bảo quản rau an toàn, rau và thực phẩm sạch.
Phát triển các cơ sở chế biến nông sản như chế biến thức ăn gia súc, giết mổ gia súc; kho bảo quản đông lạnh…tại các vùng sản xuất tập trung, đáp ứng phát triển chăn nuôi.
Phát triển ngành này tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện phía nam của tỉnh như Phù Cừ, Tiên Lữ, Ân Thi…
4 - Công nghiệp sản xuất dệt may, da giầy:
Đến năm 2010 ngành dệt may, da giầy chiếm 6,16% tổng giá trị sản xuất và chiếm 15,97% tổng giá trị gia tăng toàn ngành.
Phát triển ngành công nghiệp dệt may, da giầy khai thác tối đa năng lực sản xuất và xuất khẩu của những sản phẩm hàng may mặc, giày dép đang có lợi thế cạnh tranh.
Thu hút đầu tư trong và ngoài nước đầu tư tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày giảm bớt khối lượng nhập khẩu nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp dệt may da giầy của tỉnh và vùng.
Phát triển các làng nghề dệt may gắn với phát triển vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm, trồng đay của tỉnh nhằm nâng cao số giờ sử dụng lao động, thu hút lao động nhàn rỗi ở nông thôn, tăng thêm thu nhập cho người lao động. Sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hàng thêu ren, thảm đay, thảm cói truyền thống phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Phát triển các dự án đầu tư vào nhóm ngành này ở các huyện phía nam.
Giai đoạn từ nay đến năm 2010: cần thúc đẩy nhanh các dự án đã được quyết định chấp thuận thuộc nhóm ngành này vào hoạt động hết công suất và đầu tư phát triển làng nghề dệt, may vải lụa tơ tằm ở một số huyện có lợi thế.
5 - Ngành hoá chất:
Đến năm 2010 ngành hoá chất chiếm 4,24% tổng giá trị sản xuất và chiếm 2,20% tổng giá trị gia tăng toàn ngành.
- Phân bón: đầu tư sản xuất phân vi sinh, đa dạng hoá về chủng loại và nâng cao chất lượng phân bón phù hợp với từng loại cây trồng và điều kiện thổ nhưỡng.
- Hoá dược: Nghiên cứu và ưu tiên các dự án đầu tư sản xuất các hoạt chất chiết suất từ thảo mộc cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong nước và giảm tỷ lệ nhập khẩu.
- Xây dựng các cơ sở chế biến và dịch vụ phát triển loại hình dịch vụ như bảo quản nông sản, chống mối mọt, dịch vụ cung ứng nhiên liệu và các sản phẩm hoá chất tiêu dùng, đồng thời nâng cao nhận thức về an toàn hoá chất đặc biệt đối với thuốc bảo vệ thực vật và các hoá chất dễ gây cháy nổ cho các hộ nông dân.
Đầu tư phát triển ngành sản xuất chế biến các sản phẩm cao su như mút xốp, các băng tải cao su, sản phẩm phục vụ sản xuất phụ liệu cho ngành da giầy, các sản phẩm cao su dùng cho y tế.
6 - Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng:
Đến năm 2010 ngành vật liệu xây dựng chiếm 2,35% tổng giá trị sản xuất và chiếm 4,87% giá trị gia tăng toàn ngành. Để đạt được mục tiêu trên, việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cần:
Chú trọng đầu tư phát triển gắn với việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái.
Đa dạng hoá hình thức đầu tư và sản phẩm, lựa chọn quy mô sản xuất thích hợp, công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến.
Đầu tư dây chuyền sản xuất phát triển một số loại sản phẩm mới chưa có trên địa bàn như gạch tự chèn không nung…
Chương trình đến năm 2010, không còn các lò thủ công sản xuất gạch, ngói đất nung, nhằm tiêu chuẩn hoá, đảm bảo chất lượng vật liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy các dự án đã đăng ký có giấy phép đầu tư đưa vào hoạt động hết công suất.
7 - Công nghiệp khai thác tài nguyên khoáng sản:
Đến năm 2010 ngành công nghiệp khai thác chiếm 0,14% tổng giá trị sản xuất và chiếm 0,29% tổng giá trị gia tăng toàn ngành.
Khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản, gắn liền với các cơ sở chế biến, đáp ứng một số loại nguyên, nhiên liệu thiết yếu cho sản xuất trong tỉnh và tiêu thụ ra thị trường ngoài tỉnh.
Tập trung phát triển ngành khai khoáng trên cơ sở phát huy thế mạnh về khai thác các nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các chương trình dự án của nhà nước về hoạt động như thăm dò, khai thác, chế biến than tiến tới đầu tư xây dựng tổ hợp mỏ than - nhà máy nhiệt điện sử dụng than nâu tại địa phương.
8 - Ngành sản xuất và phân phối điện, nước:
Đến năm 2010 ngành công nghiệp phân phối điện nước chiếm 2,32% tổng giá trị sản xuất và chiếm 1,32% tổng giá trị gia tăng toàn ngành.
- Ngành sản xuất và phân phối điện:
Nhằm đáp ứng nhu cầu điện phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2006 - 2010 với tốc độ tăng trưởng GDP là 13,5%, nhu cầu phụ tải điện năm 2010 dự báo công suất cực đại Pmax = 360 MW, điện thương phẩm 1.644 triệu kWh, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm giai đoạn 2006 - 2010 là 24,5% /năm, trong đó điện phục vụ công nghiệp - xây dựng tăng 34,7%/ năm, nông lâm - thuỷ sản 7,4%/ năm, thương nghiệp - khách sạn - nhà hàng 18,5%/ năm. Điện năng bình quân đầu người là 1.373 kWh.
- Ngành phân phối nước:
Đến năm 2010, 100% dân số tại các huyện lỵ và thị xã được sử dụng nước sạch, 95% số dân tại các xã có nước sạch sử dụng.
Mở rộng, xây dựng mới các công trình cấp nước sinh hoạt cho các khu đô thị, nước cho sản xuất tại các khu cụm công nghiệp.
Đầu tư sửa chữa, nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước hiện có, các công trình thuỷ nông kết hợp hệ thống cấp nước sinh hoạt tại các thôn, xã.
Tiếp tục thực hiện chương trình Quốc gia về nước sạch nông thôn. Đến năm 2010, đầu tư xây dựng tại 5 huyện lỵ chưa có trạm cấp nước sạch, mỗi huyện lỵ 1 trạm với công suất 1.000 m3/ngày đêm với mức đầu tư dự kiến 2 tỷ đồng cho một trạm.
9 - Phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng làng nghề:
Đến năm 2010, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp tăng trung bình trên 13% năm, mỗi năm có 7- 10 làng nghề được công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề, xây dựng và phát huy hiệu quả các khu cụm công nghiệp làng nghề.
Khai thác có hiệu quả các khu công nghiệp làng nghề, xây dựng cơ chế chính sách thích hợp đối với mỗi loại hình làng nghề.
Khuyến khích các hộ tư nhân, cá thể chuyển thành các doanh nghiệp dân doanh, hình thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này phát triển, tiếp cận tốt thị trường, tiếp thu công nghệ mới, từ đó hỗ trợ làng nghề phát triển. Xây dựng sản phẩm hàng hoá của làng nghề có thương hiệu mẫu mã phù hợp chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ trong khu vực và hướng tới xuất khẩu.
Ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất lớn nhất là các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm, dệt may, cơ khí, hoá chất…trên địa bàn. Đồng thời hỗ trợ liên kết sản xuất với các khu cụm làng nghề trong tỉnh.
Phát triển và xây dựng mới các làng nghề thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề truyền thống của tỉnh trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ dân dụng cao cấp, gỗ giả cổ, hàng thủ công mỹ nghệ từ đồ gỗ, chế tạo vàng bạc, đá quý…
10 - Về phát triển khu, cụm công nghiệp:
Phát triển khu cụm công nghiệp đến năm 2010, toàn tỉnh có 14 khu công nghiệp: diện tích đất khu công nghiệp toàn tỉnh dự kiến quy hoạch 2.330 ha, cho thuê 1.445 ha. Trong đó phải hoàn thiện 3 - 5 khu công nghiệp tập trung và hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp làng nghề đã được quy hoạch và sử dụng hết diện tích, đồng thời quy hoạch thêm một số khu cụm công nghiệp khác tại địa bàn các huyện: Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ, Kim Động…
11 - Ngành công nghiệp khác:
Ưu tiên các dự án mang tính chất bảo vệ môi trường như xử lý chất thải, tái sử dụng cho sản xuất. Chú trọng đầu tư cho các dự án sản xuất các mặt hàng sản phẩm tái chế như đồ nhựa, kim loại đồng, chì, sắt…
Tập trung đầu tư phát triển cho lĩnh vực xuất bản, in ấn và bản ghi nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân trong tỉnh, đáp ứng cho nhu cầu đào tạo, giáo dục trên địa bàn tỉnh, vùng.
Đầu tư mở rộng sản xuất cũng tạo ra những ngành sản xuất mới như công nghiệp sản xuất đồ chơi, đồ dùng giảng dạy, giáo dục…
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1 - Quản lý quy hoạch:
Quản lý thực hiện tốt theo các quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến 2020, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2006 - 2010 có xét đến 2015… đi đôi với rà soát kịp thời điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.
2 - Giải pháp về vốn:
Tổng đầu tư cho công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 khoảng 25 - 30 ngàn tỷ đồng, chủ yếu là vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong, ngoài nước và các nguồn khác. Do vậy, cần tập trung và lồng ghép các chương trình, dự án; các nguồn vốn để đẩy mạnh công tác khuyến công, khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là các ngành, các sản phẩm công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn để những nhóm ngành này trở thành nhóm ngành chủ lực đưa công nghiệp Hưng Yên có những bước phát triển mạnh và vững chắc.
- Ngân sách nhà nước đảm bảo tài chính cho công tác quy hoạch, hình thành các khu, cụm công nghiệp, thực hiện chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; các chương trình, dự án khuyến công và nguồn vốn đối ứng với các nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận với nguồn vốn vay dài hạn cho đầu tư phát triển. Tạo điều kiện về nguồn vốn cho các hoạt động khuyến công, hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ... Thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Xây dựng kế hoạch huy động và sử dụng vốn ODA để hỗ trợ đào tạo lao động, xây dựng thể chế pháp lý và các chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp vừa và nhỏ, chương trình hợp tác với các công ty đa quốc gia đầu tư trực tiếp vào Hưng Yên.
3 - Giải pháp về xây dựng môi trường đầu tư và nâng cao hiệu quả cho phát triển công nghiệp:
- Xây dựng cơ sở hạ tầng thuận lợi cho phát triển công nghiệp. Tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở như đường giao thông, cung cấp điện, nước, mặt bằng khu, cụm công nghiệp, khu dân dụng nhằm tạo điều kiện ban đầu thuận lợi cho công nghiệp phát triển. Tiếp tục hoàn thiện các hệ thống hạ tầng, dịch vụ công trên địa bàn để thu hút các nhà đầu tư cũng như tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút đầu tư của nhà nước, của tỉnh đã ban hành. Xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; cơ chế phát triển hạ tầng lưới điện; cơ chế thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, thu hút đầu tư của các cơ sở sản xuất công nghiệp vào khu công nghiệp. Thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư, là cơ quan tổ chức các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư, nhằm kêu quảng bá hình ảnh Hưng Yên trong con mắt bạn bè trong nước và quốc tế.
- Tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế "một cửa", có chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ tìm kiếm, điều tiết thị trường tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế.
4 - Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực:
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bằng việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, giáo dục ý thức lao động công nghiệp. Đến năm 2010, phấn đấu tạo việc làm cho khoảng 10 vạn lao động công nghiệp.
- Tăng cường đào tạo cán bộ kỹ thuật, quản lý doanh nghiệp chất lượng cao; khuyến khích các doanh nghiệp FDI tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực. Tạo điều kiện đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở nghiên cứu, chủ động đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên ngành...
- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, khai thác tốt năng lực đào tạo của hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học và các trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch đào tạo đảm bảo yêu cầu phát triển, kịp thời đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề của các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và khu vực, tiến tới xuất khẩu lao động có tay nghề.
5 - Giải pháp về khoa học công nghệ:
- Thực hiện chủ trương đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nhất là đối với ngành công nghiệp chế biến: đặc biệt đối với nhóm ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, luyện kim và nhóm ngành công nghiệp điện, điện tử tin học.
- Việc ứng dụng khoa học công nghệ gắn kết với chiến lược phát triển ngành công nghiệp, phù hợp với điều kiện của tỉnh, đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế (ISO 9000, SA 8000…), xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho các doanh nghiệp nhằm mục đích nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trên địa bàn tỉnh, đồng thời cũng định hướng các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá xuất khẩu trên địa bàn, mặt khác cũng tạo ra động lực thúc đẩy các doanh nghiệp hướng tới đầu tư đổi mới công nghệ vào sản xuất. Xây dựng cơ chế gắn kết lợi ích kinh tế của những người làm công tác đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.
6 - Giải pháp về thị trường:
- Đẩy mạnh khai thác triệt để thị trường sản phẩm công nghiệp trong nước, phát huy lợi thế so sánh của tỉnh để mở rộng thị trường.
- Tăng cường đầu tư cho công tác điều tra nghiên cứu, dự báo thị trường và xúc tiến thương mại để có các dữ liệu đầy đủ, chính xác và kịp thời về thị trường, mục tiêu của các doanh nghiệp sản xuất. Từ đó, hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp thông tin thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, tiếp xúc với thị trường trong nước và thế giới. Khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu áp dụng thương mại điện tử.
- Hình thành và phát triển kết cấu hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trao đổi, mua bán hàng hoá. Tạo lập mối liên kết liên ngành, liên kết ngược từ các nhà tư vấn thị trường đến các doanh nghiệp kinh doanh thương mại với nhà sản xuất, liên kết ngang theo hình thức hiệp hội hoặc câu lạc bộ. Khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
7 - Giải pháp về nâng cao trình độ năng lực tổ chức, quản lý ngành công nghiệp:
- Nâng cao vai trò, chức năng của Sở Công nghiệp, phòng Kinh tế các huyện, thị xã trong công tác tham mưu giúp UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã quản lý công nghiệp địa phương.
- Kết hợp chặt chẽ với sở, ngành, địa phương nâng cao chất lượng thẩm định thủ tục đầu tư cấp phép cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, để định hướng phát triển công nghiệp tập trung theo khu cụm công nghiệp đã được lập quy hoạch, nâng cao hiệu quả sử dụng đất công nghiệp và đảm bảo được yếu tố môi trường phát triển của tỉnh, không đầu tư vào những mặt hàng chưa có năng lực cạnh tranh, không có thị trường tiêu thụ hoặc năng lực sản xuất của các khu vực kinh tế khác đã đủ đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế nhưng không hạn chế đầu tư của khu vực khác và kịp thời giải đáp các kiến nghị, thắc mắc của các nhà đầu tư.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1 - Trách nhiệm của các ngành:
- Các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động xây dựng các chương trình, đề án, dự án về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn quy mô lớn từ nước ngoài (bao gồm vốn FDI) và các nhà đầu tư trong nước.
- Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và các đoàn thể liên quan hướng dẫn, đôn đốc, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện Quyết định này; định kỳ hàng quý, 6 tháng và cả năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chương trình này về UBND tỉnh.
2 - Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã:
UBND các huyện, thị xã đề ra chủ trương, xây dựng giải pháp cụ thể và phù hợp với điều kiện của địa phương mình để triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình, coi phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội.
3 - Kế hoạch thực hiện:
Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 bằng các đề án, dự án sau:
- Năm 2007: Xây dựng đề án Quy hoạch phát triển điện lực thị xã Hưng Yên giai đoạn 2006 - 2010 có xét đến 2015, Đề án Khuyến công đến năm 2010, lập Quy hoạch phát triển điện lực 4 huyện Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ, Mỹ Hào giai đoạn 2006 -2010 có xét đến năm 2015 và xây dựng danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007 - 2010 tầm nhìn đến năm 2020.
- Từ năm 2008 đến năm 2010: Tiếp tục triển khai, thực hiện các chương trình, đề án như: Đề án khuyến công đến năm 2010, Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2020, Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2006 - 2010 có xét đến năm 2015.
Xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án mới như: Quy hoạch phát triển điện lực 5 huyện Kim Động, Ân Thi, Khoái Châu, Tiên Lữ, Phù Cừ; Chương trình xúc tiến đầu tư, Chương trình xúc tiến thương mại, Chương trình đào tạo lao động cho ngành công nghiệp; Cơ chế chính sách tài chính đối với phát triển công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn của tỉnh; Quy chế quản lý khu cụm công nghiệp làng nghề; xây dựng đề án phát triển công nghiệp chủ lực; Quy hoạch công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020.
- Sau năm 2010: Tổng kết thực hiện chương trình, Sở Công nghiệp rà soát, đánh giá và tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh các chương trình, đề án, dự án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 định hướng đến 2020, đặc biệt một số đề án, dự án đã thực hiện trong giai đoạn 2006 - 2010 nhưng cần tiếp tục thực hiện giai đoạn 2011 - 2015.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.