ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 203/QĐ-UBND | Hòa Bình, ngày 27 tháng 02 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH NĂM 2014
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 11/TTr-SYT ngày 24 tháng 02 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2014” của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH NĂM 2014
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh dịch truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giám sát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm: dịch cúm A(H5N1), (H7N9); dịch bệnh sởi, đặc biệt là các khu vực giáp ranh, các đầu mối giao thông với các tỉnh lân cận.
b) Phát hiện và xử lý kịp thời ca bệnh đầu tiên, giảm số người mắc và tử vong do một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh; khống chế kịp thời không để dịch bệnh bùng phát lan rộng.
c) Tăng cường năng lực hệ thống giám sát phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại các tuyến, tập trung đáp ứng nhanh tại các ổ dịch; tiếp tục duy trì hoạt động giám sát trọng điểm một số bệnh truyền nhiễm gây dịch; ứng dụng công nghệ thông tin để báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình bệnh truyền nhiễm.
3. Các chỉ tiêu
- 100% bệnh, dịch mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời, đặc biệt là dịch cúm A.
- 90% cán bộ làm công tác phòng, chống dịch được trang bị kiến thức mới về giám sát và phòng, chống bệnh dịch truyền nhiễm.
- Giảm 5 - 10 % số ca mắc, tử vong do bệnh truyền nhiễm phổ biến so với đoạn 2008 - 2013.
II. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tổ chức, chỉ đạo
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp, thường xuyên nắm thông tin và có biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời.
- Có kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo tuyến dưới.
- Tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Xã hội hóa công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền.
- Thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
2. Chuyên môn kỹ thuật
a) Các giải pháp giảm mắc:
- Tăng cường giám sát bệnh chủ động, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời.
- Duy trì hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại tất cả các tuyến từ y tế thôn bản đến tuyến tỉnh; chủ động dự báo các bệnh dịch nguy hiểm xảy ra tại địa phương để có biện pháp phòng, chống hiệu quả; xử lý ca bệnh và ổ dịch triệt để.
- Tổ chức chiến dịch tuyên truyền vận động nhân dân thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ngủ màn, thực hiện ăn chín uống sôi; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, thực hiện tốt chỉ tiêu 3 công trình vệ sinh: Nhà tắm, giếng nước và nhà tiêu hợp vệ sinh tại các hộ gia đình.
b) Các giải pháp giảm tử vong:
- Tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến; bệnh viện tuyến tỉnh điều trị các trường hợp nặng, có các đội điều trị cấp cứu cơ động để hỗ trợ tuyến dưới.
- Trang bị phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân để đạt mục tiêu giảm tử vong.
- Cán bộ y tế luôn được cập nhật về các phác đồ điều trị, hồi sức cấp cứu mới.
3. Truyền thông, giáo dục sức khỏe
- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức phòng bệnh, giáo dục vệ sinh tại những nơi có nguy cơ cao, nơi tập trung đông người như: Trường học, khu công nghiệp, chợ, bến xe.
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hòa Bình phối hợp với ngành y tế để triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh.
- Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh triển khai các nội dung truyền thông theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh.
4. Phối hợp liên ngành
Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể với ngành Y tế trong tổ chức và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh chủ động.
III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Sở Y tế
- Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh chủ động trên địa bàn tỉnh.
- Ban hành kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh của ngành và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp triển khai thực hiện. Chỉ đạo thực hiện Chiến dịch tiêm vắc xin sởi đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
- Tổ chức giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ dịch bệnh tại cộng đồng, tại các cơ sở điều trị, tăng cường khám sàng lọc bệnh nhân, tổ chức thu dung, điều trị, cách ly kịp thời theo quy định. Chỉ đạo các cơ sở điều trị sẵn sàng thu dung và điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.
- Thực hiện các chế độ thường trực chống dịch và chế độ báo cáo dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên gia cầm, tại các cơ sở chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, mua bán, ấp nở gia cầm, nơi có ổ dịch cũ.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc giết mổ, mua bán, vận chuyển gia cầm, đặc biệt là các loại gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Phối hợp với ngành y tế xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch cúm A trên người; không để lây lan dịch bệnh từ gia cầm sang người.
3. Sở Công thương
- Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi mua bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm sản xuất, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, các hiện tượng đầu cơ ngâm hàng, nâng giá bất hợp lý, gian lận thương mại, nhất là đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm thịt gia cầm, hàng vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh,...
- Phối hợp với các ngành quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, chống hàng giả, hàng kém chất lượng và chống tư thương lợi dụng dịch, bệnh để tăng giá các mặt hàng liên quan.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo các nhà trường chủ động phối hợp với ngành y tế tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm cho học sinh và cán bộ giáo viên nhà trường.
- Khi có dịch bệnh xảy ra tại nhà trường cần phối hợp với lực lượng y tế thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý tại chỗ theo quy định của chuyên môn để hạn chế tối đa sự lây lan.
- Cung cấp thông tin kịp thời về trường hợp dịch bệnh trong trường học cho ngành y tế để phối hợp xử lý.
5. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể
Theo chức năng, nhiệm vụ chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của ngành, đơn vị mình và phối hợp với ngành Y tế thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Ban hành Kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn quản lý; sẵn sàng hỗ trợ địa phương bạn khi cần thiết.
- Đảm bảo các nguồn lực sẵn sàng ứng phó và chủ động phòng, chống dịch bệnh của địa phương.
IV. ĐẢM BẢO HẬU CẦN
- Căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh, Sở Y tế tổng hợp dự toán chi tiết nhu cầu kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh gửi Sở Tài chính;
- Sở Tài chính căn cứ khả năng ngân sách, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành thẩm định trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.
- Khuyến khích thực hiện xã hội hóa các nguồn lực tham gia phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh) để tổng hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.