ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2028/QĐ-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 05 tháng 09 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG HỖ TRỢ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG, GẮN VỚI CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO NHANH, BỀN VỮNG VÀ HỖ TRỢ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2017 - 2020 THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 75/2015/NĐ-CP NGÀY 09/9/2015 CỦA CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, Khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 79/QĐ-BXD ngày 15/02/2017 của Bộ Xây dựng công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 1108/QĐ-UBND ngày 18/6/2015 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt điều chỉnh đơn giá trồng và chăm sóc rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;
Căn cứ Quyết định số 1039/QĐ-UBND ngày 26/5/2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt tiêu chuẩn và đơn giá cây giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;
Căn cứ Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 17/01/2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt đơn giá khảo sát thiết kế các công trình lâm sinh và công nghiệp rừng tỉnh Thừa Thiên Huế;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1197/TTr-SNNPTNT ngày 10/8/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định một số nội dung hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung, hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, cụ thể như sau:
1. Hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên:
a) Đối tượng rừng; đối tượng được hỗ trợ; điều kiện hỗ trợ; phương thức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 75/2015/NĐ-CP và Điều 5 Thông tư liên tịch số 93/2016/TTLT-BTC-BNNPTNT .
b) Mức hỗ trợ: hỗ trợ trồng rừng bổ sung là 1.600.000 đồng/ha/năm trong 3 năm đầu và 600.000 đồng/ha/năm cho 3 năm tiếp theo.
2. Hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ
a) Đối tượng được hỗ trợ: Thực hiện theo quy định tại Điều 2, Nghị định số 75/2015/NĐ-CP.
b) Mức hỗ trợ:
- Trồng rừng sản xuất: 10 triệu đồng/ha/03 năm; chia thành 3 năm như sau:
+ Năm thứ nhất: 8.697.500 đồng/ha; bao gồm các chi phí cây giống, phân bón, trồng và chăm sóc năm thứ nhất.
+ Năm thứ hai: 800.000 đồng/ha cho chăm sóc năm thứ hai.
+ Năm thứ ba: 502.500 đồng/ha cho chăm sóc năm thứ ba.
- Phát triển lâm sản ngoài gỗ: 10 triệu đồng/ha/03 năm; chia thành 3 năm như sau:
+ Năm thứ nhất: 8.481.300 đồng/ha; bao gồm các chi phí cây giống, phân bón, trồng và chăm sóc năm thứ nhất.
+ Năm thứ hai: 1.000.000 đồng/ha cho chăm sóc năm thứ hai.
+ Năm thứ ba: 518.700 đồng/ha cho chăm sóc năm thứ ba.
3. Trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy
a) Đối tượng được trợ cấp; điều kiện được trợ cấp gạo; loại gạo trợ cấp: thực hiện trợ cấp gạo được thực hiện theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 75/2015/NĐ-CP và Điều 6, Thông tư liên tịch số 93/2016/TTLT-BTC-BNNPTN.
b) Mức trợ cấp: Mức trợ cấp gạo xác định cho từng hộ gia đình được áp dụng tương tự như Khoản 2, Mục III của Thông tư liên tịch số 52/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 14/4/2008 của liên Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính hướng dẫn trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi trồng rừng thay thế nương rẫy.
Mức trợ cấp gạo xác định cho từng hộ gia đình được áp dụng tương tự căn cứ vào diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi sang trồng rừng, mỗi ha không quá 700 kg/năm và mỗi khẩu được trợ cấp bình quân 10 kg/tháng.
- Đối với những hộ gia đình có số nhân khẩu nhiều nhưng tham gia chuyển đổi với diện tích nương rẫy ít, thì mức trợ cấp theo diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi mỗi ha không quá 700 kg/năm.
- Đối với những hộ gia đình có số nhân khẩu ít nhưng tham gia chuyển đối với diện tích nương rẫy nhiều, thì mức trợ cấp gạo tính theo khẩu là 10 kg/tháng.
- Thời gian trợ cấp: Trong vòng 03 năm.
- Số lần trợ cấp: Định kỳ 3 tháng một lần.
- Loại gạo trợ cấp: Gạo tẻ thường phù hợp với nhu cầu sử dụng được sản xuất tại địa phương hoặc gạo từ Kho dự trữ Quốc gia.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách; tổng hợp, báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện và tham mưu các giải pháp tháo gỡ; trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.
- Chỉ đạo các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ mức hỗ trợ quy định tại Quyết định này để lập dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng kế hoạch, kinh phí thực hiện, lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của đơn vị. Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ; khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung, trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy trong phạm vi diện tích rừng được giao quản lý theo mức hỗ trợ quy định tại Quyết định này và các quy định hiện hành.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lập kế hoạch, nhu cầu kinh phí theo các chính sách quy định tại Nghị định 75/2015/NĐ-CP , báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp gửi Bộ Tài chính xem xét, bố trí vốn cho địa phương triển khai thực hiện.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã
- Căn cứ quy định tại Quyết định này để lập dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng kế hoạch, cân đối kinh phí thực hiện khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của địa phương.
- Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ; khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung, trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy trên địa bàn do địa phương quản lý theo quy định tại Quyết định này và các quy định hiện hành.
- Tổng hợp, báo cáo kịp thời các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình tổ chức, thực hiện và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ với Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT.
- Xây dựng kế hoạch, nhu cầu kinh phí thực hiện các nội dung, đối tượng được hỗ trợ theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP , tổng hợp vào dự toán hàng năm gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài chính để tổng hợp trong dự toán ngân sách địa phương hàng năm báo cáo Bộ Tài chính.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; Giám đốc Kho Bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.