BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2022/QĐ-BKHCN | Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ DỰ KIẾN SẢN PHẨM CỦA CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM CẤP NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2006-2010: “NGHIÊN CỨU, PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC”
BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 1 năm 2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ;
Căn cứ Quyết định số 67/2006/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 5 năm 2006-2010;
Căn cứ Quyết định số 1870/2006/QĐ-BKHCN ngày 22 tháng 8 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Danh mục các Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn 2006-2010;
Theo đề nghị của các Ông Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Vụ Xã hội và Tự nhiên và Vụ Kế hoạch - Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt mục tiêu, nội dung và dự kiến sản phẩm của Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2006-2010: “Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học”. Mã số: KC.04/06-10 (Phụ lục kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các Ông Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Ban chủ nhiệm KC.04/06-10, Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ DỰ KIẾN SẢN PHẨM CỦA CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM CẤP NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2006-2010: “NGHIÊN CỨU, PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC”.
Mã số: KC.04/06-10
(Kèm theo Quyết định số 2022 /QĐ-BKHCN ngày 13 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)
I. MỤC TIÊU
1. Phát triển, nâng cao tiềm lực về KH&CN (cở sở vật chất, nguồn nhân lực);
2. Làm chủ được các công nghệ nền của công nghệ sinh học (công nghệ gien, công nghệ enzym-protein, công nghệ vi sinh, công nghệ tế bào, công nghệ nano sinh học);
3. Ứng dụng và phát triển các công nghệ nền của công nghệ sinh học, tạo sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt các lĩnh vực nông - lâm- ngư nghiệp, y dược, công nghiệp, môi trường, an ninh, quốc phòng.
II. NỘI DUNG
1. Công nghệ gien:
- Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật ADN tái tổ hợp, kỹ thuật chuyển gien, chỉ thị phân tử, lập bản đồ gien, công nghệ nano sinh học trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi (cả thuỷ hải sản) và các chủng vi sinh vật phục vụ sản xuất vắc-xin thế hệ mới dùng cho người, vật nuôi, cây trồng cũng như phát triển kĩ thuật ADN trong chẩn đoán hình sự và an ninh quốc phòng;
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất các bộ KIT chẩn đoán sớm bệnh hiểm nghèo, SARS, ung thư, H5N1, HIV, lở mồm long móng, một số bệnh lây cho người và gia súc, chế tạo nhanh KIT chẩn đoán bệnh lạ ở người và vật nuôi, vi sinh vật kháng thuốc;
- Nghiên cứu làm chủ công nghệ nano sinh học, tin sinh học phục vụ giải mã gien và phát hiện các bệnh lạ.
2. Công nghệ tế bào:
- Nghiên cứu ứng dụng rộng rãi có hiệu quả công nghệ tế bào thực vật, công nghệ hạt nhân tạo, phôi vô tính cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp, dược liệu... sản xuất một số hợp chất hữu cơ thực vật thứ cấp cho chăn nuôi thú y và y dược;
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào, công nghệ sinh sản tế bào động vật tạo vật nuôi chất lượng cao, năng suất cao, chống bệnh tốt;
- Phát triển công nghệ tế bào nhân giống ở quy mô công nghiệp một số cây có giá trị kinh tế cao như hoa, rau, cây lâm nghiệp (bạch đàn, tếch, gió bầu, keo,..), cây dược liệu (sâm ngọc linh, sa nhân, hoàng liên…).
- Nghiên cứu làm chủ công nghệ nhân nuôi tế bào gốc phục vụ điều trị bệnh hiểm nghèo: ung thư, tim mạch, giác mạc mắt.. Bước đầu tạo động vật có các yếu tố phù hợp cho công tác cây ghép nội tạng;
3. Công nghệ enzym-protein:
- Nghiên cứu phát hiện và sản xuất các loại enzym có giá trị kinh tế cao, ứng dụng trong công nghệ chế biến nhằm tăng sức cạnh tranh của hàng hoá nông - lâm - ngư nghiệp;
- Nghiên cứu phát triển các loại enzym và protein phục vụ sản xuất các loại dược phẩm cổ truyền và hiện đại.
4. Công nghệ vi sinh vật:
Nghiên cứu và phát triển các chủng VSV tái tổ hợp có hoạt tính sinh học cao để sản xuất các vắc-xin thế hệ mới, các sản phẩm làm thuốc, các chất phụ gia, phân bón đa chức năng và chế phẩm xử lý môi trường.
5. Ứng dụng các kỹ thuật hiện đại của công nghệ sinh học phục vụ bảo tồn và khai thác bền vững, có hiệu quả nguồn tài nguyên sinh học đa dạng của Việt Nam.
6. Nghiên cứu phát triển công nghệ và sản phẩm mới trên cơ sở tích hợp các công nghệ khác nhau để phát triển các thiết bị công nghệ và các phương pháp giải mã gien, chẩn đoán bệnh hiểm nghèo và sản xuất nhiên liệu tái tạo (xăng dầu sinh học).
III. DỰ KIẾN CÁC SẢN PHẨM CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Các loại vật liệu khởi đầu, vật liệu biến đổi gien cho công tác chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, tính chống chịu bệnh độc đáo;
2. Một số loại vắc-xin tái tổ hợp, một số thuốc dạng protein tái tổ hợp để phòng ngừa, trị bệnh cho người, vật nuôi và protein, enzym tái tổ hợp phục vụ cho bảo quản và chế biến;
3. Các chế phẩm sinh học bảo vệ, chăm bón cây trồng, một số giống VSV, thực vật chuyển gien có triển vọng ứng dụng trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, y dược, công nghiệp, môi trường;
4. Một số công nghệ sản xuất và một số bộ KIT chẩn đoán nhanh, chính xác các dịch bệnh nguy hiểm như: HIV, H5N1, SARS, lở mồm long móng, ma tuý và những tác nhân gây hại khác;
5. Một số sản phẩm phục vụ chữa bệnh từ công nghệ nuôi cấy tế bào gốc;
6. Cơ sở dữ liệu về tàng thư gien người (khoảng 40.000 cá thể) phục vụ công tác an ninh, quốc phòng;
7. Các mô hình phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất protein, hợp chất có hoạt tính sinh học. Mô hình xí nghiệp sản xuất giống cây trồng sạch bệnh;
8. Một số thiết bị và sản phẩm phục vụ cho nghiên cứu công nghệ sinh học;
9. Bước đầu làm chủ công nghệ về sản xuất được các nhiên liệu tái tạo (xăng, dầu sinh học) từ các nguyên vật liệu phế thải nông, lâm nghiệp và khai thác dầu mỏ.
IV. CÁC CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH
1. Chỉ tiêu về trình độ khoa học: 100% đề tài/dự án có kết quả được công bố trên các tạp chí khoa học công nghệ có uy tín quốc gia; ít nhất 20% đề tài có kết quả được công bố trên các tạp chí khoa học công nghệ quốc tế.
2. Chỉ tiêu về trình độ công nghệ: Các công nghệ và thiết bị được tạo ra có tính năng kỹ thuật, kiểu dáng, chất lượng có thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực.
3. Chỉ tiêu về sở hữu trí tuệ: Có ít nhất 15% nhiệm vụ có giải pháp được công nhận độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích; 20 % các nhiệm vụ có các giải pháp đã được chấp nhận đơn yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
4. Chỉ tiêu về đào tạo: 100% đề tài đào tạo được hoặc đang đào tạo ít nhất 1 tiến sĩ và 1 thạc sĩ (hoặc nhiều cử nhân /kỹ sư); 70 % số dự án đào tạo được ít nhất 1 thạc sĩ (hoặc nhiều cử nhân/kỹ sư).
5. Chỉ tiêu về cơ cấu nhiệm vụ khi kết thúc chương trình:
- 60% nhiệm vụ nghiên cứu có kết quả là các công nghệ ứng dụng trong các ngành KT-KT ở giai đoạn tiếp theo;
- 30% nhiệm vụ nghiên cứu có kết quả được ứng dụng phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh (kết thúc giai đoạn sản xuất thử nghiệm).
- 10% nhiệm vụ nghiên cứu có kết quả được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất - đời sống hoặc được thương mại hoá.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.