ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2011/2008/QĐ-UBND | Cao Bằng, ngày 24 tháng 9 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, KHẢO SÁT, THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN CÁT, CUỘI, SỎI LÒNG SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng tại Tờ trình số 216/TTr-STNMT ngày 19 tháng 8 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định quản lý, khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến cát, cuội, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quy định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ, KHẢO SÁT, THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN CÁT, CUỘI, SỎI LÒNG SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2011/2008/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về quản lý, khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến cát, cuội, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này được áp dụng đối với các đối tượng sau:
1. Cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản; các tổ chức, cá nhân hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản cát, cuội, sỏi lòng sông (sau đây gọi tắt là hoạt động khoáng sản cát, cuội, sỏi lòng sông) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng;
2. Mọi tổ chức kinh tế được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, các cá nhân có đăng ký kinh doanh hoạt động khoáng sản đều được phép tham gia hoạt động khoáng sản cát, cuội, sỏi lòng sông. Đối với hoạt động về chế biến, phải có bộ máy nhân lực được đào tạo, đủ năng lực vận hành thiết bị công nghệ và kiểm soát chất lượng sản phẩm theo quy định tại Thông tư số 11/2007/TT-BXD ngày 11 tháng 12 năm 2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về Quản lý vật liệu xây dựng.
Điều 3. Khu vực cấm hoạt động khoáng sản cát, cuội, sỏi lòng sông bao gồm:
1. Đoạn sông có sa khoáng vàng hoặc sa khoáng các khoáng sản rắn khác có giá trị;
2. Khu vực thuộc vùng hành lang bảo vệ của các công trình trên sông (cách công trình 100m về thượng, hạ lưu) và dọc 2 bên bờ sông; khu vực đã được khoanh vùng cấm khai thác cát, cuội, sỏi quy định tại mục b, khoản 3, Điều 5 của Quy định này;
3. Lòng hồ các công trình thủy lợi, thủy điện khi công trình đã được bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng;
4. Khai thác ảnh hưởng đến đất nông nghiệp, khai thác không theo quy hoạch.
Chương II
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN CÁT, CUỘI, SỎI LÒNG SÔNG
Điều 4. Thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản cát, cuội, sỏi lòng sông
1. Ủy ban nhân dân tỉnh cấp các loại giấy phép sau:
a) Giấy phép khảo sát, thăm dò, cát, cuội, sỏi lòng sông;
b) Giấy phép khai thác, chế biến cát, cuội, sỏi lòng sông tại khu vực ranh giới thuộc hai hay nhiều huyện;
c) Giấy phép khai thác, chế biến cát, cuội, sỏi tại khu vực lòng hồ khi có chủ trương đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện.
2. Ủy ban nhân dân huyện (thị) quản lý, cấp giấy phép khai thác, chế biến cát,cuội, sỏi lòng sông thuộc địa bàn huyện (thị) quản lý; trừ khu vực quy định tại khoản 1, Điều 4 và Điều 3 Quy định này. Các trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Cơ quan có thẩm quyền cấp loại giấy phép nào thì có thẩm quyền gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại giấy phép đó và cho phép chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản cát, cuội, sỏi. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ, khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến cát, cuội, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh;
b) Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp chính quyền địa phương có liên quan thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý các vi phạm pháp luật về khoáng sản cát, cuội sỏi;
c) Tiếp nhận, tổ chức thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép hoạt động khoáng sản cát, cuội, sỏi lòng sông theo quy định tại khoản 1, Điều 4 Quy định này hoặc trả lời chủ đơn về lý do không được cấp giấy phép;
d) Thường trực hội đồng đánh giá trữ lượng thăm dò khoáng sản cát, cuội, sỏi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trữ lượng.
2. Sở Xây dựng
a) Sở Xây dựng có trách nhiệm quản lý Nhà nước về công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản cát, cuội, sỏi lòng sông;
b) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng cát, cuội, sỏi thuộc phạm vi quản lý của tỉnh; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện sau khi được phê duyệt;
c) Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về quy trình, công nghệ khai thác, chế biến cát, cuội, sỏi trên địa bàn tỉnh; giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy trình, công nghệ khai thác, chế biến.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện: Quản lý Nhà nước về cát, cuội, sỏi thuộc phạm vi quản lý hành chính theo quy định sau:
a) Thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên, đảm bảo an toàn trong hoạt động khoáng sản cát, cuội, sỏi; kiểm tra, xử lý hoặc đề xuất xử lý vi phạm về hoạt động khoáng sản cát, cuội sỏi theo quy định của pháp luật;
b) Khoanh vùng, xác định ranh giới khu vực cấm hoặc tạm cấm hoạt động khoáng sản cát, cuội, sỏi lòng sông trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
c) Đảm bảo an toàn trật tự xã hội; an toàn cho các công trình trên sông và dọc 2 bên bờ sông khu vực khai thác;
d) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động khoáng sản cát, cuội, sỏi lòng sông.
4. Ủy ban nhân dân cấp xã: Quản lý Nhà nước về cát, cuội, sỏi thuộc phạm vi quản lý hành chính theo quy định sau:
a) Thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên, ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền, hoặc đề xuất cấp trên xử lý vi phạm hành chính về hoạt động khoáng sản cát, cuội, sỏi theo quy định của pháp luật;
b) Quản lý, giám sát hoạt động khoáng sản cát, cuội, sỏi lòng sông thuộc địa bàn;
c) Phổ biến, tuyên truyền pháp luật về hoạt động khoáng sản cát, cuội, sỏi lòng sông; giám sát hoạt động khoáng sản cát, cuội, sỏi lòng sông của chủ giấy phép trên địa bàn.
5. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện (thị)
a) Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xin khai thác, chế biến cát, cuội, sỏi lòng sông trình Ủy ban nhân dân huyện (thị) cấp giấy phép theo phân cấp tại khoản 2 Điều 4 Quy định này, hoặc trả lời chủ đơn về lý do không được cấp giấy phép;
b) Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân làm thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động khoáng sản cát, cuội, sỏi lòng sông;
c) Báo cáo kết quả cấp giấy phép về Sở Tài nguyên và Môi trường định kỳ (báo cáo quý) theo quy định;
d) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện giấy phép đã được cấp thuộc địa bàn quản lý.
Điều 6. Tiếp nhận hồ sơ
Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động khoáng sản cát, cuội, sỏi tại trung tâm giao dịch “một cửa” của Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc các phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện (thị) theo phân cấp (gọi là cơ quan tiếp nhận hồ sơ).
Điều 7. Hồ sơ cấp giấy phép khảo sát, thăm dò cát, cuội, sỏi lòng sông gồm
a) Đơn xin khảo sát, thăm dò cát, cuội, sỏi lòng sông, kèm bản đồ khu vực xin khảo sát, thăm dò;
b) Phương án khảo sát, thăm dò cát, cuội, sỏi lòng sông;
c) Các văn bản xác nhận tư cách pháp lý của tổ chức, cá nhân xin khảo sát, thăm dò kèm chứng nhận hành nghề khảo sát, thăm dò hoặc bản hợp đồng thuê tổ chức tư vấn chuyên ngành khảo sát, thăm dò;
d) Bản cam kết đạt tiêu chuẩn môi trường;
đ) Các văn bản khác liên quan đến khảo sát, thăm dò khoáng sản;
e) Số lượng hồ sơ: 05 bộ.
Điều 8. Hồ sơ cấp phép khai thác, chế biến cát, cuội, sỏi lòng sông
a) Đơn xin cấp giấy phép khai thác, chế biến, cát cuội sỏi lòng sông kèm bản đồ khu vực, vị trí khai thác, chế biến;
b) Đề án khai thác, chế biến cát, cuội, sỏi;
c) Bản cam kết đạt tiêu chuẩn môi trường;
d) Các văn bản xác nhận tư cách pháp lý của tổ chức, cá nhân xin hoạt động khoáng sản;
đ) Các văn bản khác liên quan đến hoạt động khoáng sản;
e ) Số lượng hồ sơ: 05 bộ.
Điều 9. Hồ sơ gia hạn khai thác, chế biến cát, cuội, sỏi lòng sông
a) Đơn xin gia hạn giấy phép khai thác, chế biến cát, cuội, sỏi;
b) Báo cáo kết quả khai thác, chế biến cát, cuội, sỏi;
c) Các văn bản xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ trong quá trình hoạt động;
d) Hồ sơ xin gia hạn hợp lệ nộp trước 30 ngày thời điểm giấy phép hết hiệu lực.
Điều 10. Trình tự thủ tục thẩm định đề án và cấp giấy phép hoạt động khoáng sản cát, cuội, sỏi lòng sông
1.Trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ hoàn thành việc thẩm định hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, cấp giấy phép;
2. Trong thời hạn bảy (7) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do cơ quan tiếp nhận trình, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét cấp giấy phép hoạt động khoáng sản cát, cuội, sỏi lòng sông hoặc trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do không được cấp phép.
Điều 11. Phí, lệ phí giấy phép hoạt động khoáng sản cát, cuội, sỏi lòng sông: Thực hiện theo Thông tư số 20/2005/TT-BTC ngày 16 tháng 3 năm 2005 của Bộ Tài chính về việc Quy định chế độ thu, nộp và quản lý, sử dụng lệ phí cấp giấy phép hoạt động kháng sản, cụ thể:
1. Mức thu lệ phí giấy phép:
a) Giấy phép khảo sát: 1.000.000 đồng/1 giấy phép;
b) Giấy phép thăm dò: 2.000.000 đồng/1 giấy phép;
c) Giấy phép khai thác: 4.000.000 đồng/1 giấy phép;
d) Giấy phép chế biến: 2.000.000 đồng/1 giấy phép;
đ) Trường hợp gia hạn giấy phép hoạt động khoáng sản cát, cuội, sỏi lòng sông áp dụng mức thu bằng 50% mức thu tại khoản 1, Điều 11 nêu trên.
2. Trách nhiệm của cơ quan thu lệ phí cấp giấy phép:
a) Trường hợp giấy phép thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh cấp thì Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thu, nộp, quản lý, sử dụng theo quy định;
b) Trường hợp giấy phép thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân huyện (thị) cấp thì phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, (thị) chịu trách nhiệm thu, nộp, quản lý, sử dụng theo quy định;
c) Cơ quan thu lệ phí thực hiện quyết toán lệ phí giấy phép cùng thời gian với việc quyết toán ngân sách Nhà nước theo quy định hiện hành;
3. Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác, chế biến cát, cuội, sỏi lòng sông được thu, nộp, quản lý và sử dụng theo Nghị định số 63/2008/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ và các quy định khác hiện hành.
Chương III
THỜI HẠN GIẤY PHÉP, QUY MÔ HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN CÁT, CUỘI, SỎI LÒNG SÔNG
Điều 12. Thời hạn giấy phép, quy mô khảo sát, thăm dò, khai thác, cát, cuội, sỏi lòng đối với một giấy phép
1. Công suất khai thác không vượt quá 20.000 m3/năm;
2. Số lượng xuồng khai thác không vượt quá 02 xuồng/1 giấy phép;
3. Thời hạn khai thác, chế biến không vượt quá 12 tháng và được gia hạn nhiều lần; tổng thời gian gia hạn không vượt quá 36 tháng;
4. Thời hạn khảo sát, thăm dò không vượt quá 12 tháng;
5. Chiều dài đoạn sông không vượt quá 01 km/1 giấy phép.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN
Điều 13. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoáng sản cát, cuội, sỏi lòng sông
1. Thực hiện đúng quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản;
2. Báo cáo hoạt động khoáng sản theo quy định;
3. Công bố tiêu chuẩn sản phẩm do đơn vị sản xuất ra;
4. Thực hiện nộp nghĩa vụ, thuế, phí, lệ phí đúng quy định Nhà nước.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Hiệu lực thi hành
1. Giấy phép hoạt động khoáng sản cát, cuội, sỏi lòng sông đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật mà còn thời hạn thì tiếp tục có hiệu lực cho đến khi giấy phép hết hạn;
2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định này đều bị xử phạt theo Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản và Nghị định số 77/2007/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản;
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, tổ chức, cá nhân phản ánh bằng văn bản tới Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.