ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2013/QĐ-UBND | Đà Lạt, ngày 02 tháng 04 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ SẢN XUẤT TẠI CÁC XÃ NGHÈO THEO CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ GIẢM NGHÈO NHANH VÀ BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;
Căn cứ Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh;
Căn cứ Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015;
Căn cứ Thông tư số 08/2009/TT-BNN ngày 26 tháng 02 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành một số chính sách hỗ trợ sản xuất tại các xã nghèo do Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư theo Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cụ thể như sau:
1. Khoán bảo vệ rừng và giao khoán đất lâm nghiệp để trồng rừng sản xuất:
a) Hộ gia đình và cộng đồng dân cư nhận khoán hoặc được giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên là rừng sản xuất có trữ lượng giàu, trung bình nhưng đang đóng cửa rừng được hưởng tiền khoán bảo vệ với mức 300.000 đồng/ha/năm.
Không hỗ trợ cho diện tích rừng được giao quản lý, chăm sóc bảo vệ từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, các chương trình, dự án khác có mức chi trả cao hơn 300.000 đồng/ha/năm. Đối với diện tích đã giao khoán từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, các chương trình, dự án khác thấp hơn 300.000 đồng/ha/năm thì được cấp bù số chênh lệch để đạt mức 300.000 đồng/ha/năm.
Hộ nhận quản lý, chăm sóc bảo vệ rừng phải thực hiện đúng hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng, nếu để xảy ra cháy rừng, rừng bị phá, khai thác lâm sản trái phép trên diện tích được giao khoán phải hoàn trả một phần hoặc toàn bộ kinh phí giao khoán tùy vào mức độ vi phạm.
b) Hộ gia đình được hỗ trợ 05 triệu đồng/ha để tận dụng tạo đất sản xuất trong khu vực đất rừng nhận khoán, chăm sóc bảo vệ nếu đủ điều kiện sản xuất lương thực và một số cây trồng ngắn ngày khác phù hợp với quy chế quản lý bảo vệ rừng.
c) Hộ gia đình được giao khoán đất lâm nghiệp (theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh) để trồng rừng sản xuất, trồng cây cao su, trồng cây điều cao sản trên diện tích được giao khoán được hỗ trợ mua cây giống, phân bón và công chăm sóc với mức 8 triệu đồng/ha (nhưng không quá 02 ha); được hỗ trợ 02 triệu đồng/ha để chăm sóc rừng trồng năm thứ hai và 01 triệu đồng/ha để chăm sóc rừng trồng năm thứ ba.
Hộ gia đình được hưởng toàn bộ sản phẩm trên diện tích được giao.
d) Đối với diện tích đất quy hoạch cho nông nghiệp nhưng không có khả năng trồng cây nông nghiệp (đất xấu, cằn cỗi, độ dốc cao) chuyển sang trồng cây lâm nghiệp thì hộ gia đình được hỗ trợ như định mức trồng rừng sản xuất quy định tại điểm c, khoản 1 Điều này.
đ) Chi phí lập hồ sơ giao khoán chăm sóc bảo vệ rừng, giao đất trồng rừng cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư: các huyện sử dụng ngân sách sự nghiệp quản lý, bảo vệ rừng đã được tỉnh phân bố trong kế hoạch hàng năm.
2. Ngoài chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng và giao khoán đất lâm nghiệp để trồng rừng sản xuất nêu tại khoản 1 của Điều này; các hộ nghèo và hộ cận nghèo có đăng ký thoát nghèo, thoát cận nghèo còn được hỗ trợ thêm các chính sách sau (nhưng tổng số tiền hỗ trợ từ năm 2009 đến nay không quá 30 triệu đồng/hộ nghèo và 20 triệu đồng/hộ cận nghèo):
a) Hộ có đất sản xuất dưới 01 ha được hỗ trợ kinh phí khai hoang, phục hóa đủ 01 ha đất sản xuất nông nghiệp để đưa vào trồng lúa nước, hoa màu, cây công nghiệp, cây thức ăn gia súc và một số cây trồng khác.
- Mức hỗ trợ khai hoang 10 triệu đồng/ha:
Đất khai hoang là đất đã được quy hoạch cho sản xuất nông nghiệp nhưng đến trước thời điểm lập phương án khai hoang chưa giao cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng.
- Mức hỗ trợ phục hóa 05 triệu đồng/ha:
Đất phục hóa là đất được quy hoạch để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, đã có thời gian được sử dụng để sản xuất nông nghiệp nhưng sau đó diện tích trên không được sản xuất nên đã bị hoang hóa trở lại.
b) Được hỗ trợ thâm canh và chuyển đổi cây trồng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên đất sản xuất nông nghiệp với mức 10 triệu đồng/ha (diện tích được hỗ trợ không quá 02 ha/hộ) để mua giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, công cụ máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.
c) Hộ không có hoặc có ít đất sản xuất nông nghiệp (dưới 0,5 ha/hộ) được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ nhưng không quá 80% nhu cầu vốn để chuyển đổi ngành nghề hoặc mua giống vật nuôi, làm chuồng trại, mua giống cỏ, mua thức ăn gia súc, gia cầm.
d) Được hỗ trợ dạy nghề với thời gian từ 01 tuần (tương đương 30 giờ) đến 01 tháng (tương đương 100 giờ) gắn với các nội dung hỗ trợ sản xuất.
Mức học phí thanh toán cho đơn vị dạy nghề là 120.000 đồng/tuần hoặc 400.000 đồng/tháng/học viên tốt nghiệp.
Người học nghề hoàn thành chương trình đào tạo được hỗ trợ tiền ăn 100.000 đồng/tuần hoặc 300.000 đồng/tháng.
Kinh phí dành cho hỗ trợ dạy nghề không quá 15% kinh phí phân bổ hàng năm cho mỗi xã.
đ) Hộ gia đình nghèo được ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất với mức vay tối đa 10 triệu đồng/hộ tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Lâm Đồng trong thời gian 2 năm để đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vào những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Điều 2. Trách nhiệm của các sở, ngành và chính quyền các cấp.
1. Hàng năm, sau khi tổ chức rà soát xong hộ nghèo, hộ cận nghèo, Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo các thôn hướng dẫn các hộ nghèo, cận nghèo đăng ký thoát nghèo, thoát cận nghèo và nhu cầu hỗ trợ sản xuất theo Điều 1 Quyết định này trên cơ sở khả năng thực tế về lao động, đất đai của từng hộ; tổng hợp gửi Ủy ban nhân dân huyện xem xét, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Kế hoạch Đầu tư) làm cơ sở phân bổ kinh phí hỗ trợ.
Căn cứ kinh phí được phân bổ, Ủy ban nhân dân xã quyết định nội dung, mức hỗ trợ cho các hộ gia đình; công khai tại các thôn, đồng thời, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện để theo dõi, kiểm tra.
2. Ủy ban nhân dân các huyện chỉ đạo việc tổ chức đăng ký nhu cầu hỗ trợ sản xuất của hộ nghèo, cận nghèo ở các xã; thẩm tra, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở kế hoạch Đầu tư) làm cơ sở phân bổ kinh phí hỗ trợ hàng năm; kiểm tra, theo dõi việc triển khai các nội dung hỗ trợ; tổng hợp báo cáo định kỳ hàng quí, 6 tháng, cả năm về Ủy ban nhân dân tỉnh; vận dụng chính sách hỗ trợ tại Quyết định này để quy định mức hỗ trợ và đối tượng được hỗ trợ đối với thôn, khu phố nghèo do Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đầu tư phù hợp với khả năng và nguồn lực của địa phương.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc đăng ký thoát nghèo, thoát cận nghèo, hướng dẫn việc hỗ trợ dạy nghề theo điểm d, khoản 2, Điều 1 và phối hợp với các thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững của tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách này.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng và hỗ trợ sản xuất tại các xã nghèo phù hợp với quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở có liên quan xây dựng phương án phân bổ vốn đầu tư và bố trí nguồn kinh phí trên cơ sở số hộ đăng ký thoát nghèo, thoát cận nghèo của từng xã nghèo.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 23/2011/QĐ-UBND ngày 16 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành một số chính sách đối với các hộ gia đình và lao động có hộ khẩu thường trú tại các xã nghèo theo Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đến năm 2015.
Các chính sách hỗ trợ tại Quyết định này được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Lâm Đồng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã nghèo và thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.