TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 199/1999/QĐ-TCHQ | Hà Nội, ngày 05 tháng 6 năm 1999 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 199/1999/QĐ-TCHQ NGÀY 05 THÁNG 06 NĂM 1999 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ KIỂM TRA SAU GIẢI PHÓNG HÀNG
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày 26.12.1991, các Luật thuế sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày 5.7.1993 và ngày 20.5.1998, Luật thuế giá trị gia tăng ngày 10.5.1997, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 05/1998/QH10 năm 1998;
Căn cứ Pháp lệnh Hải quan ngày 20 tháng 2 năm 1990;
Căn cứ Nghị định số 61/1998/NĐ-CP ngày 15/8/1998 cùa Chính phủ về công tác thanh tra kiểm tra đối với các doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 16/1999/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 1999 của Chính phủ quy định về thủ tục hải quan, giám sát hải quan và lệ phí hải quan.
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1:Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế kiểm tra sau giải phóng hàng.
Điều 2:Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3:Cục trưởng Cục Kiểm tra thu tthuế xuất nhập khẩu chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Hải quan và tổ chức, cá nhân liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
QUY CHẾ
KIỂM TRA SAU GÍẢI PHÓNG HÀNG CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN NGÀY 05 THÁNG 6 NĂM 1999
(Ban hành kèm theo Quyết định số 199/1999/QĐ-TCHQ ngày 05 tháng 6 năm 1999 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan).
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1:
Kiểm tra sau giải phóng hàng là một khâu nghiệp vụ kiểm tra hải quan, do cơ quan Hải quan thực hiện để thẩm định tính chính xác trung thực các nội dung đã khai báo và tính thuế của người làm thủ tục hải quan đối với lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu đã được giải phóng nhằm thu đủ thuế cho ngân sách Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân liên quan.
Điều 2:
1- Kiểm tra sau giải phóng hàng gồm hoạt động kiểm tra phúc tập bộ hồ sơ hải quan tại cơ quan Hải quan theo quy định của quy trình hành thu và kiểm tra tại một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan trong trường hợp phát hiện có buôn lậu, gian lận thương mại làm giảm số thuế phải nộp của doanh nghiệp liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu đã được giải phóng.
2- Cơ sở thực hiện việc kiểm tra sau giải phóng hàng là hồ sơ hải quan lưu tại cơ quan Hải quan; hồ sơ lưu ở doanh nghiệp cùng các sổ sách, chứng từ khác có liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu đã được giải phóng, kể cả hàng hoá nếu đủ điều kiện.
Điều 3:
1- Kiểm tra sau giải phóng hàng được thực hiện chủ yếu là kiểm tra phúc tập bộ hồ sơ tại cơ quan Hải quan.
2- Việc kiểm tra tại doanh nghiệp, tổ chức cá nhân có liên quan chỉ được thực hiện khi đã có quyết định kiểm tra của cấp hải quan có thẩm quyền sau khi phát hiện có buôn lậu, gian lận thương mại làm giảm số thuế phải nộp do thiếu chính xác của các yếu tố liên quan đến việc xác định một trong các căn cứ tính thuế được quy định tại các Luật thuế.
Điều 4:
Kiểm tra sau giải phóng hàng nhằm thẩm định tính chính xác trung thực về các nội dung:
- Xác định tính hợp pháp, hợp lệ của bộ hồ sơ hải quan và các chứng từ có liên quan.
- Xuất xứ hàng hoá.
- Phân loại áp mã hàng hoá.
- Giá tính thuế hải quan và xác định giá tính thuế hải quan.
- Lượng hàng hoá.
- Chấp hành các quy định pháp luật có liên quan khác.
Điều 5:
1- Việc kiểm tra nêu tại quy chế này phải được thực hiện nhanh gọn, chặt chẽ, theo đúng quy định chung về kiểm tra hải quan và pháp luật khác có liên quan. Người được giao nhiệm vụ kiểm tra tại doanh nghiệp phải thực hiện việc kiểm tra theo đúng trình tự và nội dung nêu trong quyết định kiểm tra, không được gây khó khăn phiền hà cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có liên quan.
2- Khi kết thúc kiểm tra tại doanh nghiệp phải có kết luận kiểm tra bằng văn bản về nội dung đã kiểm tra. Người ra kết luận kiểm tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận kiểm tra của mình.
3- Văn bản kết luận kiểm tra là căn cứ để cơ quan Hải quan thực hiện việc ra quyết định truy thu tiền thuế nộp thiếu và tiền phạt (nếu có), hoặc truy hoàn tiền thuế nộp thừa do nhầm lẫn, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính về thuế hay chuyển sang cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Thời hạn để thực hiện việc truy thu tiền thuế, tiền phạt và truy hoàn tiền thuế nộp thừa do nhầm lẫn được thực hiện theo quy định của Luật thuế.
Điều 6:
Các doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, các tổ chức và cá nhân liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu được kiểm tra phải xuất trình và cung cấp đầy đủ, kịp thời các loại giấy tờ, tài liệu như nêu tại khoản 2 Điều 2 Quy chế này cho cơ quan Hải quan khi được yêu cầu.
Điều 7:
Các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân được kiểm tra có quyền từ chối việc kiểm tra trái quy định của pháp luật và có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về các việc làm trái pháp luật trong quá trình kiểm tra. Có quyền yêu cầu đền bù thiệt hại do các biện pháp xử lý trái pháp luật của cán bộ kiểm tra gây ra.
Chương 2
TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC KIỂM TRA
Điều 8:
1- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện thường xuyên việc kiểm tra đối với tất cả hồ sơ hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan nhằm thẩm định lại tính chính xác của các yếu tố, các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan và các thông tin khác trên cơ sở kết quả kiểm hoá lô hàng. Sau khi kiểm tra xong, cán bộ kiểm tra phải tính lại số thuế phải nộp để xác định số thuế phải truy thu, phải truy hoàn; trình cán bộ cấp Cửa khẩu kết quả để ra quyết định truy thu hoặc truy hoàn; thông báo quyết định cho doanh nghiệp biết hoặc đề xuất biện pháp cần thiết để giải quyết vấn đề còn vướng mắc. Ghi kết quả kiểm tra của từng hồ sơ hải quan vào sổ "Kiểm tra sau giải phóng".
2- Cục Kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu xây dựng chương trình kế hoạch kiểm tra toàn ngành, tổ chức chỉ đạo và phối hợp kiểm tra tại Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, trực tiếp kiểm tra một số trường hợp cụ thể theo chức năng nhiệm vụ hoặc do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định.
Điều 9:
1- Căn cứ vào kết quả kiểm tra tại cơ quan Hải quan và các nguồn thông tin khác phát hiện có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại làm giảm số thuế phải nộp của lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu thì lập kế hoạch kiểm tra báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt ra quyết định kiểm tra tại doanh nghiệp.
2- Trình tự kiểm tra tại doanh nghiệp bao gồm:
- Xác định đối tượng kiểm tra, mục đích, nội dung kiểm tra, phạm vi lĩnh vực cần kiểm tra và biện pháp áp dụng.
- Ban hành quyết định kiểm tra và thông báo quyết định kiểm tra.
- Thực hiện việc kiểm tra.
- Kết thúc kiểm tra, ra văn bản kết luận kiểm tra, ra thông báo kết luận kiểm tra.
- Thực hiện truy thu, truy hoàn, xử lý vi phạm hành chính về thuế hay chuyển sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý tiếp.
Điều 10:
1- Việc ban hành Quyết định kiểm tra tại doanh nghiệp phải căn cứ vào việc phát hiện có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế và phải có chương trình kế hoạch được phê duyệt. Quyết định kiểm tra do lãnh đạo cấp Cục trở lên ban hành và phải thông báo cho doanh nghiệp được kiểm tra ít nhất là 3 ngày trước khi tiến hành kiểm tra, trừ trường hợp kiểm tra bất thường khi có vi phạm pháp luật xảy ra.
2- Nội dung Quyết định kiểm tra tại doanh nghiệp phải bao gồm:
- Căn cứ pháp lý để kiểm tra.
- Nội dung, yêu cầu, phạm vi, lĩnh vực cần kiểm tra và biện pháp kiểm tra.
- Các biện pháp nghiệp vụ cần áp dụng trên cơ sở mục đích, phạm vi và tình hình thực tế như khi hàng hoá xuất khẩu nhập khẩu vẫn còn trong khu vực giám sát hải quan, khi hàng hoá đã giải phóng trên đường vận chuyển, khi hàng hoá còn trong kho của doanh nghiệp, v.v... và các biện pháp ngăn chặn khác theo đúng thủ tục tố tụng hành chính nếu hàng hoá là tang vật vi phạm.
- Các phương pháp kiểm tra kết hợp với nội dung cần kiểm tra
- Thời hạn kiểm tra.
- Thành viên đoàn kiểm tra
- Quyền và trách nhiệm của cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra.
- Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được kiểm tra.
Điều 11:
Khi kiểm tra tại doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan phải căn cứ vào nội dung của quyết định kiểm tra để yêu cầu đối tượng được kiểm tra xuất trình, cung cấp tài liệu, chứng từ, sổ sách có liên quan đến lô hàng cần kiểm tra hoặc hàng hoá nếu đủ điều kiện.
Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện những vấn đề mới không nằm trong kế hoạch kiểm tra hoặc quyết định kiểm tra ban đầu thì phải báo cáo người ra quyết định kiểm tra để xin ý kiến chỉ đạo trước khi mở rộng phạm vi kiểm tra.
Điều 12:
1- Kết thúc đợt kiểm tra trưởng đoàn kiểm tra phải lập văn bản kết luận kiểm tra, trong văn bản kết luận ngoài những thủ tục cần thiết như quy định, phải đáp ứng các yêu cầu:
- Phản ánh chính xác trung thực và đầy đủ các nội dung kiểm tra.
- Kết luận rõ ràng mức độ đúng sai, trách nhiệm của cá nhân đơn vị và hậu quả cần khắc phục.
- Phần kiến nghị phải đề ra được những yêu cầu, những biện pháp để khắc phục kịp thời những vấn đề do kiểm tra phát hiện ra.
2- Văn bản kết luận kiểm tra phải có chữ ký của thủ trưởng đơn vị được kiểm tra. Trường hợp thủ trưởng đơn vị được kiểm tra chưa nhất trí với điểm nào trong kết luận kiểm tra thì có quyền giải trình với đoàn kiểm tra. Ý kiến giải trình của doanh nghiệp được ghi vào biên bản và được xem xét kết luận.
3- Trưởng đoàn kiểm tra có trách nhiệm báo cáo trung thực với người ra quyết định kiểm tra về kết quả kiểm tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật kết luận kiểm tra của mình.
Điều 13:
1- Căn cứ văn bản kết luận kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra phải tính lại số thuế phải nộp để xác định số thuế truy thu, truy hoàn và đề xuất các biện pháp xử lý, báo cáo người ra quyết định kiểm tra theo nội dung:
- Trường hợp kết luận có sai lệch số thuế nhưng không vi phạm thì truy thu, truy hoàn theo quy định của các luật thuế.
- Trường hợp kết luận có buôn lậu, gian lận thương mại làm giảm số thuế phải nộp, có hành vi vi phạm thì cần phải truy thu và xử phạt vi phạm hành chính về thuế hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Trường hợp trốn thuế, gian lận thuế nghiêm trọng thì báo cáo người ra quyết định kiểm tra xem xét chuyển sang cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
2- Lãnh đạo các Cửa khẩu, các địa điểm làm thủ tục hải quan có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân có liên quan thực hiện quyết định truy thu, truy hoàn. Trường hợp cố tình chây ỳ không thực hiện thì báo cáo người ra quyết định kiểm tra để có biện pháp xử lý phù hợp.
Chương 3
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14:
1- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Hải quan các Cửa khẩu và các điểm làm thủ tục hải quan phải mở sổ theo dõi, ghi chép chi tiết, cụ thể riêng về công tác kiểm tra sau giải phóng hàng tại cơ quan Hải quan và kiểm tra tại một số doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân có thông tin buôn lậu, gian lận thương mại, đồng thời lưu giữ đầy đủ các hồ sơ giấy tờ có liên quan theo đúng quy định.
2- Hàng tháng, các cửa khẩu, các địa điểm làm thủ tục hải quan phải báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kiểm tra sau giải phóng hàng của đơn vị về phòng kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu và lãnh đạo Cục, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tổng hợp báo cáo về Cục Kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu - Tổng cục Hải quan.
Điều 15:
Mọi hoạt động kiểm tra sau giải phóng hàng phải thực hiện đúng theo các quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật về công tác kiểm tra, thanh tra của Nhà nước; mọi hoạt động lợi dụng công tác kiểm tra để làm trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác kiểm tra thì được khen thưởng.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tập hợp và báo cáo về Tổng cục để kịp thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.